Trên đường đi Ezenzeleni, họ làm thinh, và mặc dầu đi bộ từ nhà ga tới trại người mù, Msimangu rán gợi chuyện, nhưng Kumalo có vẻ không muốn nói mà cũng không để ý tới những cái ở chung quanh. Msimangu hỏi: - Trong khi tôi mắc việc, huynh tính làm cái gì? - Tôi muốn lại ngồi một trong những chỗ mà huynh đã nói với tôi đó, và khi huynh xong công việc rồi thì có lẽ tôi xin huynh dắt tôi đi coi Ezenzeleni. - Đồng ý. - Tôi mong rằng, tôi không làm cho huynh phiền lòng chứ? - Tôi hiểu hết rồi. Thôi đừng nhắc lại chuyện đó nữa. Msimangu giới thiệu Kumalo với ông giám đốc người Âu và ông này trân trọng khác thường gọi Kumalo bằng ông. Chắc Msimangu đã nói riêng gì với ông giám đốc, nên ông này không mời Kumalo đi theo họ, mà dắt Kumalo lại cái chỗ đất đồi thoai thoải đưa xuống cánh đồng và bảo tới bữa ăn họ sẽ lại gọi về. Trong mấy giờ, Kumalo ngồi ở đó dưới ánh nắng, thấy tâm hồn nhẹ nhàng, phấn khởi lên, không hiểu là tại không khí ấp áp, hay tại cảnh cánh đồng mênh mông trải ở dưới chân tuốt tới dãy núi xanh lam ở chân trời, hay là tại Thượng Đế chí nhân an ủi các tâm hồn khổ não. Phải, Msimangu đã nói đúng. Tại sao lại lo sợ chính cái điều đó xảy ra trong một châu thành có cả ngàn người này? Con trai ông đã lầm lạc trong châu thành lớn này cũng như bao nhiêu người trước, và bao nhiêu người khác nữa sau nó, cho tới khi nào người ta tìm được một bí quyết mà hiện nay chưa ai biết được. Nhưng còn cái việc giết người, giết một người da trắng! Không ông nhớ lại các việc đã qua thì không thấy một cái gì, một chút gì làm cho ông ngờ rằng việc đó có thể xảy ra được. Ông nghĩ tới thiếu nữ và tới đứa nhỏ chưa sanh, nó sẽ là cháu nội ông. Đáng tiếc rằng ông, một vị mục sư mà lại có một đứa cháu nội ra đời như vậy. Nhưng cái đó có thể cứu vãn được. Nếu hai đứa làm lễ cưới rồi, thì ông, ông sẽ rán xây dựng lại cái gì đó đã đổ vỡ. Có thể con trai ông và thiếu nữ đó sẽ cùng về Ndotsheni với ông, có thể vợ chồng ông sẽ nuôi nấng dạy dỗ đứa nhỏ đó kỹ hơn là nuôi nấng con mình. Nhưng vợ chồng đã thất bại ở chỗ nào? Đã làm cái gì hoặc không làm cái gì để tới nỗi con trai thành một tên ăn trộm, đổi chỗ ở hoài như một tên du đảng sống với một con điếm còn con nít, làm cha một đứa con hoang. Ông tự an ủi, nhủ thầm rằng tại châu thành Johannesburg làm hư hỏng nó. Nhưng rồi - nỗi sợ lại xâm chiếm ghê gớm hơn bao giờ hết – nhưng rồi con trai ông đã bỏ thiếu nữ đó với đứa con chưa sanh, bỏ công ăn việc làm mà người da trắng trẻ tuổi đã tìm cho nó mà trở lại cuộc đời du đảng. Mà bọn du đảng làm cái gì? Chúng sống chẳng theo một luật pháp tục lệ gì cả, không có lòng tin tưởng, không có mục đích, thế thì chúng đánh đập một người khác, hạ sát bất kỳ người nào cản trở chúng kiếm cái lợi đê tiện của chúng, điều đó có gì là lạ? Có cái gì làm tan rã trong tâm hồn để đến nỗi một kẻ đang tâm giết người đồng loại? Có cái gì đã tan rã để đến nỗi hắn đang tâm đâm lưỡi dao vào da thịt nóng ấm của người khác, hạ lưỡi rìu lên đầu một người, bửa cái sọ làm hai ở khoảng giữa cặp mắt đương ngó, bắn một phát vào một trái tim đương đập. Ông rùng mình, cố xua đuổi những hình ảnh kinh khủng đó đi. Vậy mà chính những hình ảnh ấy đã làm ông vững lòng lại. Vì không có cái gì, tuyệt nhiên không có cái gì trong những năm ở Ndotsheni, trong cả các tuổi thơ của con ông, có thể làm cho con ông có một hành động rùng rợn như vậy được. Phải, ông Msimangu có lý. Chỉ là cái tâm trạng còn ngờ ngợ, nó làm cho Kumalo lo sợ chính là cái điều đó xảy ra trong châu thành có cả ngàn người, cả ngàn người này. Ông thấy khuây khoả trong lòng mà nghĩ tới chuyện xây dựng lại, tưởng tượng cảnh nhà cửa mà ông và vợ ông, lúc về già, xây cất cho Gertrude và đứa con của nàng, cho chính con trai của ông bà, cho con dâu và cháu nội. Đã thấy Johannesburg rồi, ông sẽ hiểu biết sâu sắc hơn khi trở về Ndotsheni. Phải, và ông sẽ khiêm tốn tự hạ mình hơn nữa vì chính em gái ông đã chẳng là một gái điếm đấy ư? Và con trai ông đã chẳng là tên ăn trộm đấy ư? Còn chính ông, ông sẽ chẳng là ông nội một đứa con hoang đấy ư? Ông đau khổ nghĩ tới điều đó, nhưng không chua xót trong lòng. Người ta có thể trở về quê hương được khi người ta biết rõ những cái mình phải trừ diệt và những cái mình phải xây dựng. Ông sẽ trở về quê hương mà sẽ quan tâm hơn tới trường học, nó không phải chỉ là nơi dạy trẻ tập đọc, tập viết, tập đếm, mà còn phải là nơi chuẩn bị cho trẻ ra đời sau này, bất kỳ là chúng sẽ có số phận ra sao. Người ta phải giáo dục dân tộc ông, mở trường khắp nơi để xây dựng một cái gì sau này có thể giúp trẻ khi chúng ra châu thành lớn, một cái gì có thể thay luật pháp và tục lệ của bộ lạc. Trong lúc ông miên man và tưởng tượng cảnh đó, như hầu hết mọi người khi ngồi trên một đống tro tàn, đổ nát. Phải, thì ra điều đó đứng. Ông đã tự thú rằng bộ lạc đã tan rã và không thể thành lập lại được nữa. Ông cúi gầm đầu xuống. Y như một người bay bổng trên không, thình lình thấy cặp cánh màu nhiệm rời ra, rớt xuống, mà lo ngại hoảng hốt nhìn xuống dưới đất. Bộ lạc đã tan rã và không thành lập lại được nữa. Bộ lạc đã nuôi nấng dạy dỗ ông, thân phụ ông và thân phụ của thân phụ ông, bộ lạc đó đã tan rã. Vì đàn ông đã bỏ đi nơi khác, thanh niên đã bỏ đi nơi khác, mà bắp thì không cao hơn đầu người. - Bữa ăn đã dọn sẵn cho chúng mình rồi. - Đã tới bữa rồi ư? - Huynh ngồi ở đây đã lâu rồi mà. - Vậy mà tôi không hay đấy. - Huynh thấy cái gì không? - Không. - Không ư? - Không thấy gì cả. Chỉ thấy sợ hãi hơn nữa, đau khổ hơn nữa. Trên cõi trần này chỉ còn toàn sợ hãi và đau khổ. - Huynh a… - Cái gì vậy? - Tôi ngần ngại không muốn nói với huynh. - Huynh có quyền được nói mà. Có quyền hơn ai hết. - Vậy thì nghe tôi: tới lúc nên về thôi. Lời huynh mới nói điên khùng và xấu xa đấy. Mà cũng là một tội lỗi, cái đó mới nặng nhất, tôi lấy tư cách một mục sư mà nói với huynh đấy. Kumalo cúi đầu: - Huynh nói có lý. Tôi không nên ngồi một mình ở đây lâu nữa. Ezenzeleni là một nơi lạ lùng. Vì những người mù kéo dài kiếp sống của mình trong một thế giới họ không thấy được gì hết, những người đó ở đây có được cặp mắt. Ở đây họ làm những việc mà Kumalo, mặt tỏ như vậy mà cũng không thể làm được. Họ đan những cái rổ chắc chắn bằng một thứ miên liễu có đủ màu, và những nan miên liễu đó bắt chéo vào với nhau như do một phép màu, thành những hình đẹp đẽ, nan đỏ ghép với nan đỏ, nan xanh ghép với nan xanh, trong những bàn tay không có mắt thấy được. Kumalo nói chuyện với họ, và con ngươi mù loà của họ long lanh, chiếu ra một ánh sáng nó chỉ có thể là ánh sáng của nội tâm. Chính những người da trắng làm việc từ thiện đó, người thì nói tiếng Anh, người thì nói tiếng Afrikaans đó đã hợp lực với nhau, để mở mắt cho những người da đen mù loà này. Bạn ông ta, mục sư Msimangu chiều đó phải thuyết giáo trong tiểu giáo đường. Vì ở đây không phải mọi người cùng theo một giáo phái, nên không có bàn thờ và một cây thánh giá trên đó, mà thánh giá là hai lỗ hổng để lại trong tường không dùng gạch bít lại. Và Msimangu cũng không bận y phục giáo phẩm mà ông bận ở Sophiatown, và sáng sớm hôm sau ông sẽ bận để làm lễ cho những người theo giáo phái của ông. Msimangu mở thánh kinh và bắt đầu đọc một đoạn cho họ nghe. Kumalo không ngờ bạn mình có cái giọng như vậy. Vì giọng đó là giọng vàng, đọc tiếng nào cũng ra vẻ âu yếm. Giọng đó rung động, ngân nga, run rẩy không như giọng rung động, ngân nga, run rẩy của một ông già, cũng không như âm thanh rung động, ngân nga, run rẩy của cành lá, mà như tiếng chuông trầm trầm, thánh thót. Vì nó không phải chỉ là tiếng vàng, mà còn là tiếng của một người mà trái tim là vàng, đọc một cuốn sách lời lẽ là vàng ngọc. Mọi người im lặng, Kumalo cũng im lặng, vì có bao giờ hội được đủ ba cái đó đâu. Ta là đức Chúa, ta đã gọi con về đường đạo đức. Và ta sẽ nắm tay con, sẽ giữ con. Sẽ cho con một thánh ước. Như một ánh sáng cho các người dị giáo. Để làm sáng tỏ cho những cặp mắt đui. Để giải thoát tù nhân ra khỏi ngục. Và giải thoát cho những kẻ ngồi trong bóng tối. Ra khỏi nhà giam. Giọng đưa bổng lên mà ngôi ngữ Zulu như được nâng cao lên, biến đổi đi, và người nói cũng cao thượng lên, biến đổi đi như đạt được một cái gì to lớn hơn hết thảy chúng ta. Và mọi người im lặng nghe, vì chẳng phải họ là những người được nói trong Thánh Kinh đó ư? Kumalo cũng im lặng nghe vì đã nhận được con người đui mù mà Msimangu đọc họ nghe những câu này: Ta sẽ dắt những người đui qua một con đường họ không biết. Ta sẽ dẫn họ trên những nẻo mà họ không hay. Ta sẽ làm cho bóng tối hoá ra ánh sáng trước mắt họ. Ta sẽ uốn thẳng lại những vật cong. Ta sẽ làm những việc đó cho họ. Và ta không bao giờ bỏ quên họ. Phải rồi, chính bạn ấy nói với mình đây, không còn ngờ gì nữa. Bạn ấy bảo rằng chúng ta không bao giờ bị bỏ quên. Vì trong khi mình tự hỏi chúng ta sống, chiến đấu rồi chết để làm gì, trong khi mình có cái gì giữ cho mình sống và chiến đấu như vậy? Thì có những người lại đây săn sóc những người đui, người da trắng lại đây săn sóc những người đui da đen. Đúng lúc này đây, ai đã phái một bạn thân làm cho bóng tối hoá ra ánh sáng trước mặt mình? Đúng cái lúc này đây, ai đã làm cho một người trẻ như vậy hoá ra minh triết thế kia, để an ủi một người già như mình vậy? Ai làm cho mình động lòng trắc ẩn đối với một thiếu nữ mà con trai mình đã bỏ? Phải, rồi chính bạn ấy nói về mình đây bằng những lời bình tĩnh, giản dị mức đó. Bạn ấy bảo: Chúng ta mang ơn những vị thánh đã làm cho lòng ta phấn khởi lên những ngày khổ não. Lẽ nào chúng ta không làm hết sức ta? Vì nếu không làm hết sức ta thì sẽ không còn một vị thánh nào, để làm cho lòng chúng ta phấn khởi nữa. Bạn ấy bảo: Đức Ki Tô đã là chúa Ki Tô, đức chúa chân chính trên trời, đức Chúa chân chính của loài người, thì ở đời này có cái gì mà chúng ta từ nan, mặc dầu chúng ta phải chịu mọi nỗi đau khổ? Tôi nghe bạn rồi, bạn ơi. Không có một lời nào mà tôi bỏ qua. Bạn ấy sắp ngưng rồi đây. Nghe giọng nói cũng đoán được như vậy. Người ta thấy bạn ấy nói hết rồi và lời nào đã nói cũng tròn trịa, tô chuốt thực là hoàn hảo. Bạn ấy mở Thánh kinh để đọc nữa này. Bạn ấy đọc cho mình nghe đây: Con có biết không, có nghe thấy rằng. Thượng Đế, đức Chúa. Đức sáng tạo vũ trụ. Không khi nào nản chí, không khi nào mệt mỏi? Và giọng lại đưa bổng lên, mà ngôn ngữ Zulu như được nâng cao lên, biến đổi đi mà người nói cũng cao thượng lên… Dù bọn trẻ nản chí, mệt mỏi. Dù những người ít tuổi hoàn toàn sa ngã. Những kẻ nào còn thời Chúa. Thì nghị lực sẽ hồi sinh. Họ sẽ bay bổng lên bằng cặp cánh đại bàng. Họ sẽ chạy mà không biết mệt. Và họ sẽ đi mà không té xỉu. Mọi người thở dài, Kumalo thở dài vì đã được nghe một lời cao cả. Quả vậy, Msimangu là một nhà thuyết giáo danh tiếng ở Johannesburg; người ta bảo thật là may mắn cho chính quyền vì Msimangu thuyết giáo về một thế giới không do tay người tạo ra, vì ông ta làm cảm động lòng người vì dắt người nghe lên cõi Thiên đường chứ không phải dắt họ tới Pretoria. Và có nhiều người da trắng kinh ngạc bảo rằng: - Một con dân của một dân tộc dã man mới cách đây không lâu, khi ở dưới quyền một chúa tể tàn ác chưa từng thấy, còn cướp bóc, chém giết cả ngàn, cả vạn người, mà bây giờ thốt ra được những lời cao đẹp làm sao. Phải, có vài kẻ khinh ông ta không dùng cái giọng vàng có thể lôi cuốn cả một dân tộc đó vào một việc gì khác cái việc thuyết giáo đó, nhưng ông ta cho rằng cái cõi khổ ải này mà một ngày kia con người có thể thoát ra khỏi được nếu có tiếng nói nào như vậy đoàn kết họ lại được, cõi đó không phải là một cõi liên tục (1). Người ta chê ông chỉ nói về một thế giới không do tay người tạo ra, trong khi trên các đường phố chung quanh ông có biết bao người đau khổ, chiến đấu và chết. Người ta tự hỏi con người đó mắc chứng điên gì và biết bao kẻ cùng giống với họ mắc chứng điên gì mà làm cho những kẻ đó nhẫn nhục chịu cảnh đói, những kẻ đau khổ nhẫn nhục chịu cảnh đau khổ, và những kẻ hấp hối bình tĩnh đón cái chết? Và những kẻ im lặng hân hoan nghe ông, và thở dài khi ông thuyết giáo xong, thật là điên mới nhồi vào bụng lép kẹp của mình những lời rỗng tuếch đó được. Kumalo tiến lại gần bạn. - Huynh ạ, tinh thần tôi lành mạnh lại rồi. Khuôn mặt Msimangu rạng rỡ lên, nhưng ông ta không tự cao, cũng không giả nhũn, mà đáp một cách khiêm tốn. - Tôi rán sức lại sát các bạn, nhưng tôi không tới gần được. Chúng ta nên đội ơn trên và lấy làm sung sướng. Chú thích:1. Có lẽ ý nghĩa cũng như tiếng “ chỉ là một cõi tạm ” của ta?