Dịch giả: NGUYỄN HIẾN LÊ
Chương 13

Kumalo về nhà bà Lithebe, mệt nhọc và chán nản. Hai người đàn bà làm thinh, ông không muốn nói chuyện với họ mà cũng không muốn chơi với đứa cháu. Ông rút vô phòng, lặng lẽ ngồi ở đó, đợi lấy lại đủ sức để qua hội Truyền giáo. Nhưng ông đương ngồi thì có tiếng gõ cửa và bà Lithebe với người trẻ tuổi da trắng bước vô. Nỗi đau khổ vì cuộc tiếp xúc vừa rồi chưa dịu nên Kumalo bất giác thụt lại. Thấy vậy người trẻ tuổi cau mày, nói với bà Lithebe bằng tiếng Sesuto và bà này rút lui.
Kumalo đứng dậy, vẻ già nua lọm khọm. Ông muốn khúm núm xin lỗi, nhưng không thốt được lời nào cả. Và vì ông không thể nhìn mặt người trẻ tuổi được nên cúi gầm mặt xuống sàn.
- Umfundisi.
- Thưa ngài!
Người trẻ tuổi có vẻ giận dữ hơn bao giờ nữa.
- Umfundisi, tôi ân hận rằng đã thốt những lời bực tức đó. Tôi lại để bàn với Umfundisi về cái chuyện kiếm luật sư đây.
- Thưa ngài!
Thực khó mà nói được gì với một người đứng khúm núm như vậy trước mặt mình.
- Umfundisi, có muốn chúng mình bàn về chuyện đó không?
Kumalo phải rán tự chủ. Vì đã có những tình thế khó xử cho một người da đen, đã quen có thái độ khúm núm, mà lại muốn có vẻ tự trọng.
Ông lặp lại:
- Thưa ngài!
Người trẻ tuổi kiên nhẫn nói nữa:
- Umfundisi, tôi hiểu tâm sự của ông. Sao ông không ngồi xuống?
Kumalo ngồi xuống và người trẻ tuổi vẫn còn bực tức, đứng nói với ông ta:
- Lúc nãy tôi nói như vậy vì tôi rầu rĩ, và vì tôi có tánh tận lực làm công việc của tôi. Khi tôi thấy công việc của tôi hỏng, thì tôi tự dằn vặt tôi và dằn vặt những người khác nữa. Nhưng sau đó tôi nghĩ lại mà xấu hổ, nên tôi lại đây.
Thấy Kumalo vẫn làm thinh. Ông ta bèn hỏi:
- Umfundisi, hiểu tôi không?
Kumalo đáp:
- Vâng, tôi hiểu. Tôi hiểu lắm.
Ông quay mặt lại, và người trẻ tuổi thấy rằng vết thương lòng của ông đã dịu.
Người trẻ tuổi không cau mày nữa, nói:
- Về chuyện kiếm luật sư tôi nghĩ rằng nên đấy. Không phải nhờ luật sư che dấu sự thực, nhưng vì tôi không mấy tin người em của ông. Ông thấy em ông trù tính cái gì đấy chứ. Ông ta muốn chối rằng con ông ta với người thứ ba không cùng đi với Absalom. Ông và tôi, chúng ta đều không biết như vậy có hại thêm cho con ông không, nhưng một luật sư thì biết được. Lại còn điều này nữa: Absalom bảo vì sợ mà nổ súng chứ không có ý giết người da trắng. Cần nhờ một luật sư thuyết phục quan toà rằng điều đó là sự thực.
- Vâng, tôi hiểu.
- Ông có quen một luật sư nào không? Một người trong giáo phái của ông chẳng hạn?
- Thưa ngài không. Nhưng tôi có ý qua nhờ cha Vincent ở hội Truyền giáo, sau khi nghỉ ngơi một chút cho bớt mệt.
- Bây giờ ông hết mệt rồi chứ?
- Thưa ngài, ông lại thăm tôi, làm cho lòng tôi phấn khởi lên rồi. Tôi cảm thấy….
- Tôi hiểu rồi.
Người trẻ tuổi cau mày và tự nói với mình.
- Tôi đã lầm lẫn. Mình đi bây giờ được không?
Họ qua hội Truyền giáo, người ta dắt họ vô phòng cha Vincent, và họ nói chuyện một hồi lâu với vị mục sư Anh mặt hồng hào này. Cha Vincent bảo:
- Tôi quen một người đàng hoàng có thể lãnh vụ đó được. Tôi chắc chúng ta đều đồng ý rằng phải nói sự thực và chỉ được nói sự thực thôi, và nhờ luật sư biện hộ cho rằng vì sợ mà nó nổ súng chứ không có ý muốn giết người. Luật sư của chúng ta sẽ cho chúng ta biết cần phải làm gì về điểm thứ nhì, tức là trường hợp đứa cháu của bạn và đứa kia nữa chối không có ở đó. Vì hình như chỉ có một mình con bạn là khai rằng có bọn họ ở đó. Về phần chúng ta, chúng ta chỉ nói sự thực và chỉ nói sự thực; với lại, nếu không vậy luật sư mà tôi sẽ nhờ cậy sẽ không khi nào chịu biện hộ cho đâu.
Người trẻ tuổi hỏi:
- Thế còn cái việc làm lễ cưới?
- Tôi cũng sẽ nói với ông ta nữa. Tôi không biết có thể làm lúc này được không, nhưng nếu được thì tôi sẽ sung sướng được làm lễ cho họ.
Hai người đứng dậy cáo biệt và cha Vincent đặt tay lên trên cánh tay ông già, bảo:
- Bạn can đảm lên. Dù sao thì con bạn cũng bị nghiêm trị đấy, nhưng lời biện hộ được chấp nhận thì sẽ không bị tử hình đâu. Hễ còn sống thì còn hy vọng cải thiện đời sống được.
Kumalo đáp:
- Tôi luôn tự nhủ như vậy, nhưng ít hy vọng lắm.
Cha Vincent bảo:
- Bạn ở lại đây nói chuyện với tôi.
Người trẻ tuổi da trắng nói:
- Còn tôi phải đi. Nhưng nếu tôi giúp Umfundisi được việc gì thì tôi sẵn sàng giúp.
Khi người trẻ tuổi đi rồi, Kumalo và vị mục sư Anh ngồi uống và Kumalo bảo:
- Bạn hiểu rằng chuyến đi này của tôi rầu rĩ quá.
-Tôi hiểu bạn.
- Trước hết là cuộc tìm kiếm. Mới đầu tôi lo ngại rồi khi cuộc tìm kiếm tiến hành, từng bước một thì nỗi lo ngại biến thành sợ hãi, và nỗi sợ hãi này cứ mỗi bước được tăng lên. Lần đầu tiên tôi thấy sợ là hôm ở Alexandra, nhưng chính ở đây, trong hội Truyền giáo này, buổi tối hay tin vụ giết người đó mà nỗi sợ của tôi tăng lên tới cái mức chịu không nổi.
Ông già ngưng lại, mắt đăm đăm nhìn xuống, hoàn toàn chìm đắm trong mớ hồi ức. Một lúc lâu như vậy rồi mới nói tiếp:
- Ông Msimangu bảo tôi, tại sao lại sợ chính cái điều đó xảy ra, trong châu thành có cả ngàn, cả ngàn người này. Lời đó làm cho tôi yên tâm.
Giọng ông ta nói câu: “ Lời đó làm cho tôi yên tâm ” sao mà đau đớn thế, đến nỗi cha Vincent sững người ra, gần như nín thở mong rằng câu chuyện sắp chấm dứt. Nhưng Kumalo nói tiếp:
- Lời đó làm cho tôi yên tâm, mà lại không làm cho tôi yên tâm. Và ngay bây giờ đây tôi vẫn khó tin được rằng cái điều một ngàn lần mới xảy ra một lần đó lại xảy ra cho chính tôi. Phải, đôi khi trong một hoặc hai giây tôi bỗng tin rằng cái việc đó không xảy ra thật, chỉ là một giấc chiêm bao và mình sắp tỉnh dậy, thấy quả nhiên nó không xảy ra thật. Nhưng chỉ tin như vậy trong một hai giây thôi.
Kumalo nói tiếp:
- Nghĩ rằng hai vợ chồng tôi sống một đời lương thiện, ở quê nhà Ndotsheni mà không hay rằng cái việc đó đương tiến lại từng bước, từng bước một.
- Ờ, nếu có ai báo cho chúng tôi rằng: Cái bước đó đã vượt qua rồi đấy, sắp vượt qua rồi đấy; phải nếu có ai báo cho chúng tôi như vậy nhỉ.
- Nhưng không có ai báo cho chúng tôi cả. Bây giờ chúng tôi thấy rồi, nhưng hồi đó chúng tôi có thấy gì được đâu. Vậy mà có nhiều người thấy việc đó đương xảy ra chứ. Những người không liên can gì tới việc đó thì lại được biết. Họ thấy nó xảy ra từng bước, từng bước một. Họ bảo: Johannesburg đấy, có một thanh niên đổ đốn như nhiều thanh niên khác ở Johannesburg. Nhưng việc đó là việc sinh tử đối với chúng tôi mà chúng tôi lại chẳng biết gì cả.
Cha Vincent đưa tay lên che mắt để khỏi loá vì ánh sáng và cũng để không thấy người đương nói. Ông ta cũng muốn nói để phá tan cái đau khổ, nó như một tà thuật đương bủa vây ông nhưng có cái gì ngăn ông lại. Vả chăng, ông biết nói gì bây giờ?
Kumalo bảo:
- Có một người đương ngủ trên bãi cỏ. Ở trên trời cơn dông lớn nhất trong đời người đó đương nổi lên. Những sấm chớp kinh khủng chưa từng thấy sắp hiện ra, gieo chết chóc và tàn phá. Mọi người vội vàng chạy về nhà, đi ngang qua chỗ người đó nằm để kiếm chỗ núp. Và hoặc vì nhìn không thấy người đó nằm trong cỏ, hoặc thấy mà sợ mất công ngừng lại dù chỉ một chút xíu, nên họ không đánh thức người đó dậy, cứ để người đó nằm yên.
Kumalo ngồi yên lặng một hồi lâu có vẻ như trút hết nỗi lòng rồi. Cha Vincent suy nghĩ cả chục câu, chưa thấy câu nào thích hợp. Sau cùng ông ta nói:
- Bạn ạ!
Rồi thôi, không nói gì thêm nữa, mong rằng Kumalo cho hai tiếng đó là một dấu hiệu mở đầu cho nhiều tiếng khác nữa, nhưng Kumalo vẫn làm thinh.
Ông ta bèn nói:
- Bạn ạ!
- Cha nói gì?
- Bạn ạ, nỗi lo lắng của bạn đã biến thành sợ hãi, rồi sợ hãi biến thành âu sầu. Âu sầu vẫn hơn là sợ hãi, vì sợ hãi luôn luôn làm cho tâm hồn ta nghèo nàn đi, chứ âu sầu có thể làm cho nó phong phú lên.
Kumalo đăm đăm ngó ông ta; thật là lạ. Một con người khúm núm, khó dò như vậy mà sao lại có vẻ nhìn đó.
- Tôi không hiểu, tâm hồn tôi phong phú lên được ở chỗ nào?
Cha Vincent vẫn khăng khăng lập lại:
- Âu sầu vẫn hơn là sợ hãi. Sợ hãi là một cuộc hành trình, một hành trình rùng rợn. Còn âu sầu ít gì cũng tới chốn rồi.
Kumalo hỏi:
- Tới chồn nào kia?
Cha Vincent dùng một ngôn ngữ bóng bẩy, giống với ngôn ngữ Zulu:
- Khi cơn dông nổi lên, người ta lo sợ cho ngôi nhà của mình. Nhưng khi ngôi nhà bị tàn phá rồi thì người ta có công việc để làm. Không ngăn được cơn dông, nhưng có thể xây lại căn nhà.
Kumalo hỏi:
- Ở cái tuổi này của tôi mà xây dựng lại căn nhà ư? Căn nhà tôi xây dựng hồi còn trẻ mạnh, bây giờ như vậy đó.Tôi xây dựng lại căn nhà ra sao bây giờ?
Cha Vincent tỏ vẻ thất vọng:
- Không ai có thể hiểu được con đường của Thượng Đế.
Kumalo nhìn ông ta, không chua xót cũng không trách cứ.
- Tôi có cảm tưởng rằng Thượng Đế đã bỏ tôi.
- Đôi khi thấy cơ hồ như vậy, nhưng điều đó không bao giờ xảy ra cả, không bao giờ, không bao giờ…
Kumalo từ tốn đáp:
- Được nghe cha nói vậy tôi mừng lắm.
Ông mục sư da trắng bảo:
- Chúng ta đã nói về sự cải thiện đời sống, về sự cải thiện đời sống của con ông. Và vì ông là mục sư, ông phải cho việc đó là quan trọng hơn hết thảy, hơn cả nỗi âu sầu của ông và của bà nhà.
- Phải, nhưng tôi không biết một cuộc đời như vậy sẽ cải thiện cách nào được?
- Bạn không được nghi ngờ điều đó. Bạn thờ Chúa Ki Tô. Hồi xưa có một tên ăn trộm bị đóng đinh trên cây thập ác….
Kumalo có giọng gay gắt:
- Con trai tôi không phải chỉ ăn trộm mà thôi. Có một người da trắng, một người tốt, yêu vợ yêu con. Hơn nữa, người đó còn yêu cả dân tộc chúng tôi. Và người vợ đó, những đứa con đó hoá ra goá bụa côi cút chỉ vì thằng con tôi. Tôi không tưởng tượng nổi có tội ác nào lớn hơn vậy nữa.
- Bất kỳ mắc tội nào, người ta cũng có thể ăn năn được.
Kumalo chua chát đáp:
- Nó sẽ ăn năn. Nếu tôi hỏi nó: “ Con có ăn năn không con? ”, thì nó đáp: “ Như ba nói đó ”.” Phải, như vậy có xấu không? ”, thì nó đáp: “ Dạ xấu ”. Nhưng nếu tôi đổi cách nói, không mớm lời cho nó như vậy, chẳng hạn nếu tôi hỏi nó: “ Bây giờ con tính sao? ”, thì nó sẽ đáp: “ Con không biết ” hoặc “ Ba tính sao con cũng chịu ”
Giọng Kumalo cao lên có vẻ lo lắng:
- Nó như một kẻ xa lạ. Tôi không đụng chạm được nó, lại sát nó được (1). Tôi không thấy nó xấu hổ, không thấy nó có lòng trắc ẩn đối với những nạn nhân của nó. Nó rưng rưng nước mắt đấy, nhưng chỉ là khóc cho nó thôi, khóc vì nó sẽ bị tội thôi, chứ không khóc vì tội ác của nó.
Ông hét lên:
- Một con người có thể mất hết ý thức về cái ác chăng? Một đứa đã được dạy dỗ như nó? Nó làm cho hai đứa trẻ hoá ra côi cút mà tôi chỉ thấy nó thương hại cái thân nó thôi. Tôi thưa với cha rằng, kẻ nào mà làm cái gì hại cho một trong hai đứa trẻ đó thôi, thì là….
Cha vIncent cũng lớn tiếng:
- Thôi đừng nói nữa. Ông mất trí rồi. ông đi cầu nguyện đi, đi nghỉ đi. Và đừng vội vã phán xét con ông như vậy. Biết đâu chừng nó cũng chẳng vì xúc động quá mà làm thinh. Vì vậy nó mới bảo: “ Như ba muốn đó ”, và: “ Vâng, như vậy đó ”, và: “ Con cũng không biết ”.
Kumalo đứng dậy:
- Tôi cũng nghĩ vậy, nhưng tôi không còn chút hy vọng gì cả. Cha mới bảo tôi phải làm gì đấy nhỉ? À, phải cầu nguyện và đi nghỉ.
Giọng ông ta không có chút gì trào lộng và cha Vincent biết rằng ông ta bẩm sinh không biết trào lộng. Nhưng trong lời nói của ông ta có cái gì trào lộng tới nỗi cha Vin cent phải nắm lấy cánh tay ông ta mà ra lệnh:
- Ông ngồi xuống, Tôi phải lấy tư cách mục sư mà nói với ông.
Kumalo ngồi xuống, cha Vincent bảo:
- Phải, vừa lúc nãy tôi bảo ông phải cầu nmguyện và đi nghỉ. Dù chỉ là cầu nguyện ở ngoài môi, và chỉ nằm dài trên giường để nghỉ. Và đừng cầu nguyện cho bản thân ông, đừng cầu nguyện để hiểu được con đường của Thượng Đế, vì những con đường đó bí ẩn lắm. Không ai hiểu được đời sống đó ra sao vì nó là một bí mật. Tại sao ông lại có lòng thương hại một thiếu nữ mà không thương hại cho chính ông, đó là một bí mật. Và tại sao ông vốn sống khi mà chết đi có phần lại hơn, đó cũng là một bí mật nữa. Lúc này đây ông đừng cầu nguyện, đừng trầm tư về những điều đó vội, để sau này sẽ hay. Bây giờ ông hãy cầu nguyện cho cô Gertrude, cho đứa con của cô ấy, cho thiếu nữ sắp thành con dâu của ông, cho đứa nhỏ sẽ ra đời và sẽ thành cháu nội của ông. Ông cầu nguyện cho bà nhà, cho hết thảy những người ở Ndotsheni. Cầu nguyện cho người vợ goá và hai đứa con côi. Cầu nguyện cho linh hồn của người bị giết. Cầu nguyện cho hết thảy chúng tôi ở hội Truyền giáo, cho những người ở Ezenzeleni đương rán xây dựng lại trên khu đổ nát. Cầu nguyện cho sự phục hồi của chính ông. Cầu nguyện cho tất cả những người da trắng, cho những người làm những điều công bằng, và những người nếu không sợ hãi thì cũng sẽ làm những việc công bằng. Và đừng ngại cầu nguyện cho con của ông, cho nó được cải hoá.
Kumalo khúm núm đáp:
- Tôi sẽ nghe lời cha.
- Và ông thấy muốn cảm ơn thì cứ cảm ơn. Không có gì tốt hơn cái đó. Chẳng hạn cảm ơn bà nhà, bà Lithebe, ông Msimangu và ông trẻ tuổi ở trại cải huấn. Còn về đứa con trai của ông, về sự cải hoá nó, thì ông cứ để mặc ông Msimangu và tôi, vì ông hiện đương hoang mang dữ dội, không nhận ra được ý chí của Thượng Đế đâu. Và bây giờ đây, đi cầu nguyện, đi nghỉ đi.
Ông đỡ ông lão đứng dậy, đưa cho cái nón. Kumalo ngỏ lời muốn cảm ơn thì ông bảo:
- Chúng ta làm theo cái tiếng nói ở trong lòng chúng ta và tại sao nó ở trong lòng chúng ta, thì cũng là một bí mật nữa. Chính đức Ki Tô ở trong lòng chúng ta bảo rằng, phải cứu giúp tha thứ cho mọi người mà Ngài thì lại bị bỏ rơi.
Ông tiễn ông lão ra tới cửa hội Truyền giáo, rồi họ chia tay nhau.
- Tôi sẽ cầu nguyện cho ông đây, cầu nguyện suốt ngày suốt đêm. Và đừng bao giờ quên rằng, bất kỳ việc gì ông muốn cậy tôi, tôi cũng sẽ hết lòng giúp đỡ.
Chú thích:
1. Cũng có thể hiểu là: Tôi không làm cho nó cảm động được.