Dịch giả: NGUYỄN HIẾN LÊ
Chương 16

Một con đường cái đẹp đẽ đưa từ Ixopo vào miền đồi núi. Đồi miền này nhấp nhô, cỏ xanh mướt, đẹp không sao tả xiết. Con đường tiến vào đó, leo mười hai cây số tới Carisbrooke; và ở đây khi nào không có sương mù, nhìn xuống dưới chân người ta có thể thấy một trong những thung lũng đẹp nhất của châu Phi. Bốn bề là cỏ và phượng vĩ, văng vẳng tiếng kêu khắc khoải của con titihoya, một loài chim của miền đồng cỏ. Ở dưới chân là dòng sông Umzimkulu bắt nguồn từ Drakensberg và chảy ra biển; phía bên kia sông, trùng trùng điệp điệp hết đồi này tới đồi khác; và sau những đồi đó là dãy núi Ingdi và Đông Griqualand.
Cỏ tốt và rậm phủ kín mặt đất. Nó giữ nước mưa và sương, nhờ vậy nước mưa và sương thấm xuống đất, thành những dòng suối chảy ra các khe. Cỏ được giữ gìn kỹ lưỡng; ít bò lại ăn và cũng ít có những đám cháy tàn phá nó, làm cho nó chết dụi.
Tại đây ở trên cao, có một thung lũng nhỏ xinh xắn, núp giữa hai ngọn đồi. Có một ngôi nhà, một khu đất cày bằng phẳng; ai cũng khen là một trong những trại đẹp nhất trong miền. Trại đó là trại High Place của ông James Jarvis, ông ta ở tại đó. Nó ngó xuống Ndotsheni và thung lũng lớn Umzimkulu.
 
 
 
Jarvis rầu rĩ nhìn theo lưỡi cày. Mặt trời trưa tháng mười đổ ánh nắng gay gắt xuống thửa ruộng, trên trời không có một đám mây. Mưa, mưa, trông hoài mà không mưa. Những cục đất cày lật lên, chắc nịch, không vỡ và có chỗ lưỡi cày trượt trên mặt đất cứng như sắt. Tới cuối thửa ruộng, nông phu ngừng lại, bò đứng dưới ánh nắng, đổ mồ hôi và thở phì phì.
- Thưa Ummunzana (1) chẳng ích lợi gì đâu.
- Cứ tiếp tục đi, Thomas. Tôi lên ngọn đồi xem ra sao.
- Không thấy gì đâu, Ummunzana. Vì tôi đã lên đó coi rồi.
Jarvis lằm bằm, gọi con chó, rồi đi theo con đường mòn của thổ dân Cafre (2) lên tới đỉnh đồi. Ở trên đó đất không khô cháy vì cỏ được hưởng sương mù, và gió hiu hiu thổi, mặt mày đẫm mồ hôi của ông thấy dễ chịu. Nhưng xuống thấp một chút là cánh đồng cỏ khô cháy, cảnh đồi Ndotsheni đỏ và trơ trụi. Chủ trại ở trên cao bắt đầu lo ngại cảnh hoang tàn đó sẽ gậm lần đất đai từ năm này qua năm khác, hết cây số này tới cây số khác, rồi lên tới đất của họ.
Họ thường bàn tán với nhau vì khi lại thăm nhau, ngồi dưới những mái hiên dài và mát mẻ để uống trà, bắt buộc họ phải nhìn xuống thung lũng và đồi trọi ở dưới chân họ. Một số thợ cấy thợ gặt của họ ở Ndotsheni lên và họ hỏi thăm, biết rằng ở dưới đó thực phẩm mỗi năm mỗi khan dần. Có nhiều đàn bò quá mà đất bị xoi lở, trơ ra! Đất cày lần lần biến thành đất hoang.
Có thể cứu vãn được một chút, nếu dân chúng biết cách ngăn cho đất khỏi bị xoi mòn: xây những bức tường thấp để giữ cho đất khỏi bị nước mưa xối đi, cầy theo đường ngang vòng vòng thân đồi. Nhưng đồi dựng đứng và vài ngọn không hợp với việc cày bừa. Mà bò lại yếu, thành thử cày dọc theo sườn đồi dễ hơn nhiều. Và dân lại thiếu học, không biết chút gì về phương pháp canh tác. Quả thực vấn đề đó nan giải. Có người bảo phải giáo dục thêm cho dân chúng, nhưng một thanh niên có học thì không muốn làm ruộng nữa, mà ra tỉnh kiếm một công việc hợp với sở thích hơn. Thành thử công việc đồng áng để lại cho người già và đàn bà, và khi bọn trai tráng ở mỏ hoặc châu thành về chơi, thì họ chỉ ngồi dưới ánh nắng, uống rượu và chuyện trò không ngớt miệng. Có kẻ bảo dù sao thì cũng không đủ đất đai, có áp dụng những phương pháp canh tác tối tân thì đất cũng không nuôi nổi thổ dân. Nhưng vấn đề đó có nhiều khía cạnh. Vì nếu có nhiều đất hơn mà vẫn không biết giữ gìn, canh tác như hiện nay thì chẳng bao lâu miền này cũng thành đất hoang hết. Với lại đất ở đâu mà có thêm được, mà có thì ai bỏ tiền ra mua? Có người lại đưa ra luận điệu này nữa: nếu họ có thêm đất đai mà nhờ một phép mầu nào đó, họ có thể sống nhờ đất đai được, thì còn ai chịu làm trong các trại của người da trắng nữa? Người ta đã cho phép một người bản xứ có thể về Ndotsheni và lại làm công cho các trại kế cận, tuỳ ý. Lại có một quy ước khác cho phép một người bản xứ nhận một thửa đất của một chủ điền, cất nhà, dắt vợ con lại ở, cấy cày để sinh sống, miễn là người đó và vợ con người đó, mỗi năm phải làm một số công việc nào đó cho chủ điền. Nhưng giải pháp đó cũng không ổn vì một số người đó có con trai con gái bỏ ra tỉnh ở, không bao giờ trở về nữa để giữ đúng hợp đồng, có kẻ làm hư miếng đất cấp cho họ; có kẻ ăn cắp bò hay cừu để mổ thịt; có kẻ biếng nhác chẳng làm gì cả, chủ điền phải đuổi đi, lấy đất đai cho người khác ở mà không biết người mới có hơn người cũ không?.
Jarvis vừa leo lên đồi vừa suy nghĩ về những vấn đề cũ kỹ đó; lên tới đỉnh, ông ngồi xuống một tảng đá, dỡ nón để hưởng gió mát. Cảnh thung lũng lớn Umzimkulu này thật là nhìn không chán mắt. Jarvis ngắm những ngọn đồi xanh, phì nhiêu ở chung quanh của cha để lại, và thung lũng cũng phì nhiêu ở dưới chân, nơi ông cất nhà ở và khai phá. Ông ước ao rằng người con trai duy nhất của ông sẽ nối nghiệp ông. Nhưng con trai ông lại nghĩ khác, muốn thành kỹ sư kia. Ừ, muốn sao tuỳ ý. Con ông cưới một thiếu nữ xinh đẹp, và sanh được hai đứa cháu ngoan mà ngộ. Ông rất đỗi thất vọng khi con ông quyết định rời High Place, nhưng đời nó là của nó, không ai có quyền xen vào đời một người khác.
Từ dưới thung lũng, một chiếc xe hơi leo dốc lên nhà ông. Ông nhận ra là xe của ty cảnh sát Ixopo. Chắc là Binnendyk đi tuần đây, một người Afrikaaner mà như chú ta thì đáng gọi là đàng hoàng lắm. Ixopo bây giờ đầy người Afrikaaner, hồi xưa không có được một người.Tất cả các cảnh sát đều là người Afrikaaner, rồi các nhân viên bưu điện và nhà ga nữa. Dân trong làng hơi mến họ. Nhiều người Afrikaaner cưới các thiếu nữ nói tiếng Anh, khắp trong xứ nơi nào cũng vậy. Hồi xưa chính thân phụ ông đã thề rằng đứa con nào mà cưới người Afrikaaner thì sẽ bị truất phần gia tài, nhưng thời buổi đã khác rồi. Chiến tranh đã làm cho tình trạng thụt lùi một chút. Vì có một số người Afrikaaner tình nguyện nhập ngũ thì có một số khác tuy tán thành chiến tranh chống Đức nhưng nằm nhà, một số nữa trung lập, có nỗi bất bình gì cũng giấu, và có một số có thiện cảm với Đức, nhưng không dại gì mà để lộ ra.
Bà Jarvis ở trong nhà ra đón khách và hai người cảnh sát từ trên xe bước xuống. Một người có vẻ là viên đại uý, tên Van Jaarsveld, rất được dân làng quý mến hồi trẻ chơi Rugby có hạng, cựu chiến binh trong thế chiến thứ nhất, Jarvis cho rằng nhà cầm quyền phải lựa rất kỹ các sĩ quan cảnh sát, để phái tới một miền nói tiếng Anh như miền Ixopo này. Hai người cảnh sát có vẻ như lại kiếm ông vì bà vợ đưa tay chỉ lên ngọn đồi. Ông tính trở xuống nhưng còn ngó thung lũng lớn một chút đã. Không một nơi nào mưa cả, mà cũng không có dấu hiệu gì sắp mưa. Ông gọi con chó rồi đi theo con đường dốc đổ xuống một trong sườn đá. Xuống được nửa chừng dốc, tới một bình nguyên nhỏ, ông thấy Van Jaarsveld và Binnendyk đương leo dốc lên kiếm ông, còn chiếc xe thì họ lái trên con đường mòn lởm chởm, rồi cho ngừng lại ở mép khu ruộng đương cày. Họ cũng nhìn thấy ông, ông đưa tay vẫy, rồi ngồi xuống một phiến đá để đợi họ. Binnendyk ở lại sau, để một mình viên đại uý tiến lên phía ông.
- Sao, đại uý có đem mưa lại cho chúng tôi không?
Viên đại uý ngừng lại, quay lại ngó về phía thung lũng và dãy núi ở xa.
- Thưa ông, tôi không thấy có đám mây nào cả.
- Tôi cũng vậy. Hôm nay có việc gì mà ông lại kiếm tôi đây?
Hai người bắt tay nhau, viên đại uý nhìn ông.
- Ông Jarvis à!
- Chi vậy?
- Tôi báo tin buồn cho ông.
- Tin buồn?
Jarvis ngồi xuống tim đập mạnh.
- Tin về con tôi hả?
- Dạ.
- Nó chết rồi ư?
- Dạ.
Viên đại uý ngưng một chút rồi nói tiếp:
- Bị một phát súng lục, mất hồi một giờ rưỡi trưa hôm nay ở Johannesburg.
Jarvis đứng dậy, miệng run run hỏi:
- Bị một phát súng lục? Ai bắn?
- Ngờ là một tên trộm bản xứ. Ông biết rằng mợ ấy đi vắng chứ?
- Tôi biết.
- Cậu ấy hơi mệt, nên ngủ ở nhà. Tôi đoán rằng tên bản xứ đó tưởng trong nhà không có ai. Hình như cậu ấy nghe thấy tiếng động, xuống coi xem có cái gì. Tên bản xứ bắn một phát, chết liền. Không thấy có dấu vết gì chứng tỏ có cuộc vật lộn.
- Trời ơi!
- Thưa ông, tôi thật đau lòng. Đau lòng rằng lại phải báo tin đó cho ông.
Viên đại uý đưa tay ra, nhưng Jarvis lại ngồi xuống phiến đá, nên không thấy đại uý đưa tay.
- Trời ơi!
Van Jaarsveld đứng yên, trong khi ông già rán nén nỗi khổ tâm.
- Đại uý không cho nhà tôi hay đấy chứ?
- Thưa không.
Jarvis cau mày, nghĩ tới cái việc phải cho vợ hay đó nữa. Ông bảo:
- Nhà tôi không được mạnh. Tôi không biết rồi làm sao chịu nổi tin đó.
- Thưa ông, tôi được lệnh trên bảo phải tận lực giúp đỡ ông mọi việc. Bynnendyk sẽ lái xe đưa ông lại Pietermaritzburg nếu ông muốn. Ông có thể đón chiếc xe tốc hành chạy chín giờ tối và mười một giờ trưa mai tới Johannesburg. Có một toa dành riêng cho ông bà.
- Đại uý thật tốt bụng.
- Thưa ông, ông muốn gì tôi cũng xin tuân ý.
- Mấy giờ rồi.
- Ba giờ rưỡi.
- Cách đây hai giờ.
- Dạ.
- Cách đây hai giờ thì nó vẫn còn sống.
- Dạ.
- Trời ơi.
- Nếu ông muốn đi xe lửa, thì phải đi từ sáu giờ. Hoặc nếu ông muốn thì có thể đi máy bay. Hiện có một chiếc máy bay đợi ông ở Pietermaritzburg. Nhưng phải báo trước cho họ hồi bốn giờ. Đi máy bay thì nửa đêm ông sẽ tới Johannesburg.
- Phải, phải. Lúc này tôi không suy nghĩ gì được cả.
- Dạ, tôi hiểu ạ.
- Đi cách nào hơn?
- Thưa ông, theo ý tôi, đi máy bay hơn.
- Được, vậy chúng tôi sẽ đi máy bay. Ông bảo phải báo trước cho họ ư?
- Khi chúng ta trở xuống nhà ông tôi sẽ báo liền cho họ. Tôi có thể nào kêu điện thoại mà bà nhà không nghe được không? Phải làm gấp đi.
- Được, được. Ông có thể kêu điện thoại mà nhà tôi không nghe thấy được.
- Thôi, chúng mình phải đi về ngay thôi.
Nhưng ông Jarvis vẫn ngồi yên không nhúc nhích.
- Ông Jarvis, ông đứng dậy được không? Tôi muốn đỡ ông dậy. Bà nhà đương ngó chúng ta.
- Đại uý, nhà tôi chắc đương tự hỏi có chuyện gì đây. Dù ở xa như vậy, nhà tôi cũng cảm thấy có cái gì bất thường.
- Có thể như vậy lắm. Chắc bà nhà đã nhận thấy có cái gì trên nét mặt tôi, mặc dầu tôi đã rán không để lộ ra.
Jarvis đứng dậy.
- Trời, lại có cái việc đó nữa.
Họ xuống con đường dốc, Binnendyk đi trước. Jarvis đi như một người ngây dại, mất hồn. Bầu trời không gợn mây thế kia, mà những việc như vậy xảy ra….
Ông ta hỏi:
- Bắn chết?
- Dạ.
- Bắt được tên bản xứ đó không?
- Thưa chưa.
Nước mắt ông rưng rưng, Răng ông cắn môi. Ông nói:
- Cấn quái gì.
Họ xuống tới chân đồi, gần tới thửa ruộng. Dù mắt mờ vì lệ, ông cũng thấy lưỡi cày lật các cục đất lên, rồi trượt trên mặt đất cứng như sắt. Ông bảo:
- Thôi Thomas. Đại uý à, vợ chồng tôi chỉ có một mình nó.
- Thưa ông, tôi biết ạ.
Họ leo lên xe, và vài phút sau về tới nhà.
- Anh James, có chuyện chi đó.
- Chuyện buồn mình. Vô phòng giấy với anh. Đại uý kêu điện thoại đi. Biết chỗ đấy chứ?
- Thưa biết.
Viên đại uý đi lại chỗ đặt điện thoại. Đường điện thoại này không tự động; ông nghe thấy hai người hàng xóm đương nói chuyện với nhau. Ông bảo:
- Xin các ông móc lại đi. Ty cảnh sát, có chuyện gấp. Xin móc lại đi.
Ông nhấn chuông liên hồi mà không ai đáp. Ông nghĩ thầm chắc có việc kêu đặc biệt về ty cảnh sát, trên các đường điện thoại thôn quê này. Để xem là chuyện gì. Ông nhấn chuông càng dữ dội hơn nữa.
- Địa phương. Cảnh sát Pietermaritzburg. Việc tối khẩn.
Có tiếng đáp:
- Cho bắt tức thì đây.
Ông nóng ruột đợi, nghe thấy những thanh âm kỳ dị, không hiểu là gì.
Có người nói:
- Cho bắt rồi đấy, với cảnh sát Pietermarutzburg.
Ông bèn cho chỉ thị về vụ máy bay. Tay ông sờ soạng ống nghe thứ nhì, đưa lên tai để khỏi nghe tiếng đàn bà gào khóc.
 
 
Chú thích: 
1. Tiếng Zulu, đọc gần như: um-num-dan, chữ a cuối cùng gần như câm. Có nghĩa là: ông, ngài.
2. Tức thổ dân Bantu