Tôi và anh quen nhau trong một ngày thật tình cờ. Cách đây 4 năm về trước, tôi là sinh viên năm thứ nhất của một trường Đại học (được gọi là danh tiếng của Việt Nam và tôi tự hào về điều đó), cũng như bao cô gái thôn nữ khác, chân ướt chân ráo lên thành phố nơi phố xá đông người, nhà cao tầng mọc lên chin chít, các tấm biển quảng cáo của hai bên đường phố với đủ sắc màu thu hút sự chú ý của tôi, khiến lần nào ra phố, trên con đường tới giảng đường, tôi đều hếch mắt nhìn. Mọi cảnh vật, con người với tôi hoàn toàn lạ lẫm. Những ngày đầu tiên sống trong Ký túc xá – khu vườn địa đàng, khu vườn tình nhân mà sinh viên anh chị khóa trên thường nói tới, tôi “sợ” tất cả đến nỗi không dám đưa ánh mắt của mình nhòm ngó vào họ mỗi khi đi qua. Và cảm giác sợ sệt khi tôi không dám bước chân đến căng-tin mua đồ ăn cho mỗi bữa. Tôi thấy mình lạc lõng vô cùng. Tôi đấu tranh với chính con người tôi. Phải bước qua sự ngỡ ngàng ấy, coi như là sự “bình thường” của môi trường sống mới. Tôi phải thích ứng với nó, không tôi sẽ bị đào thải. Vì tôi sống trong một xã hội, với những mối quan hệ chứ không phải ngoài đảo hoang, chỉ mình tôi. Bắt đầu, tôi nghĩ đến việc giao tiếp với các bạn trong lớp học, với môi trường bên ngoài. Tôi tham gia vào các họat động xã hội của tổ chức chi Đoàn, Hội của Lớp để sự giao tiếp, vui vẻ - con người thực của tôi có “đất” phát huy tác dụng. Tôi kiếm tiền để trang trải thêm cho cuộc sống sinh viên nơi thị thành: đi làm gia sư. Thế rồi, tôi quen anh…Một chiều mùa thu, rả rích mưa ngâu. Trên con đường đến nhà dạy cho một học sinh tại phố Trần Quý Cáp, buổi dạy đầu tiên. Xe đạp của tôi rẽ phải, bất ngờ đâm sầm vào cái gì đó và đổ kềnh ra đường. Chính tôi ngú ngớ cũng không hiểu tại vì sao lại như vậy. Văng vẳng bên tai tôi có tiếng nói cho quá nhiều chanh của mấy cô bên đường: giời ơi, đường người ta xuôi chiều, lại đi “đấu đầu” vào xe ô tô, sầy sước thì đền mệt…Tôi hoang mang loạng quạng đứng dậy tìm kính, túi sách và đau quá, thì… một người đàn ông trạc gần 30 tuổi, vận bộ đồ công sở com-plê, cà- vạt đứng trước mặt tôi, giọng trầm ấm: Xin lỗi, em có đau không? Tôi giúp gì được cho em không? Tôi có thể đưa em đến bệnh viện hoặc một phòng khám gần đây nhất để khám và mua thuốc cho em. Tôi nghĩ rằng em bị đau đấy.Không kịp suy nghĩ, tôi phản ứng, mặt vênh lên: Xí, xe ô tô của ông đâm sầm vào xe tôi, tôi không bắt đền gì đâu. Tôi không sao cả, không thấy đau đớn. Tốt nhất, làm ơn tránh ra cho tôi đi. Nói đoạn, tôi lên xe và định phóng đi cho kịp giờ dạy thì tiếng anh ta gọi lại, đáng ghét: Em quay lại đi, đây là đường… một chiều mà! Tôi ngơ ngác trước câu nói gợi ý ấy. Định thần nhìn lại, ngại thật và vù xe đến chỗ dạy. Tôi muộn giờ 15 phút.19h30 phút, tại phòng 207 KTX.- Xin cho hỏi, có cô gái tên Lê Trang, Khoa… ở phòng này không bạn? Sau câu hỏi đó của vị khách, các bạn phòng tôi ngơ ngác, giọng cái “Huế cải lương” vừa ra mở cửa, kêu to: Oái, vị khách… đẹp giai quá chúng mày ơi…và cả hội cười ré lên. Còn tôi giật thót tim. Giọng cái Sim lanh lảnh kiểu “chan chát” như đồi hoa sim đằng trước nhà nó mà nó thường tự hào, nói: Phòng này nhiều em Lê Trang lắm, em là Lê Trang “hoa sim”, kia là “Lê Trang hoa tím”, và kia là “Lê Trang mận chín…” đủ cả, vậy xin hỏi gặp Lê Trang nào, thưa.. quý… anh? Và cả phòng lại rộ lên cười. Giọng vị khách bình thản: Dạ, quý cô vui lòng cho gặp “Lê Trang quản lý”! Chị Huyền – trưởng phòng (học trên chúng tôi 2 lớp) mỉm cười bước ra: “Lê Trang quản lý” đang nằm trên… lầu (ý nói giường tầng- sinh viên chúng tôi thường gọi như vậy cho oai), mời anh vào! Theo sau bước chân vị khách lạ, giọng cái Sim vẫn lanh lảnh: Cái Lê Trang… tốt số thế, quen được ông đẹp giai thế này. Ối, nhiều quà thế này, cái Trang đang đau, làm sao ăn được, thôi thì để bọn tao ăn… hộ vậy. Nói đoạn, nó cầm lấy bịch bánh trái của vị khách đưa và ném cho từng đứa trong phòng.Giọng vị khách điềm đạm, trầm ấm nghe quen thuộc: Chào em, Lê Trang! Hy vọng tôi đến thăm không làm phiền em! Mặt tôi đỏ bừng. Tôi ngồi dậy, dựa lưng vào tường và nói với vị khách đến thăm là chân tôi bị đau, không chèo xuống tiếp được. Vị khách tiếp tục: Xin em đừng bận lòng, tôi nghĩ rằng em đã bị đau nên mang thuốc đến đưa em và trả lại em chiếc thẻ sinh viên em đánh rơi chiều nay… Cuộc va chạm xe và gặp gỡ tình cờ như trong cổ tích hôm ấy là “bà mai” dẫn chúng tôi đến với nhau… Anh tên Hải, làm cho Ngân hàng Vietcombank, chịu trách nhiệm lĩnh vực Dự án - Đầu tư. Công việc khiến anh thường xuyên phải xa Hà Nội và xa tôi. Anh vẫn thường nói với tôi: Cảm ơn vì sự tình cờ này mà tôi tìm được em. Còn tôi tuy chưa nhận lời yêu nhưng tôi hiểu rằng anh chính là nơi tôi thuộc vềTừ khi quen và biết anh, tôi thấy mình “lớn” lên trong từng suy nghĩ. Khi đề cập đên một vấn đề tôi không còn nhìn nhận giản đơn, một chiều như trước. Tôi thường hỏi anh bài tập hóc búa trên lớp thầy giao về nhà. Từ những phạm trù “hàm lâm” như Triết học kim cổ Đông, Tây đến “món ăn” khô khan: Pháp luật. Anh luôn gợi mở hướng tìm lời giải và tự tôi trả lời. Anh say sưa nói về các phạm trù cho tôi nghe, có dẫn chứng cụ thể, anh nói: “Triết rất hay, nó cho ta một cái nhìn biện chứng, biện chứng là sao? Đó là xem xét, nhìn nhận, tư duy một sự vật hiện tượng nào đó trong một quan hệ hoàn chỉnh, có sự tác động qua lại có đầu, có cuối. Như vậy em sẽ có một phương pháp luận biện chứng” Kết quả, môn Triết học tôi đạt điểm 9, chúng bạn trong lớp nói tôi “bị hâm, có vấn đề”. Đứa bạn thân nói tôi có trái tim bằng đá và giọng nói “đanh thép” kể từ khi quen “hắn”. Nó nói, nó sợ khi nghe tôi nói vì nghe giọng như một “bà tướng hài hước” và phía bên kia phải “thực thi ngay”. Tôi không hiểu được. Anh và tôi có cùng sở thích là nghe nhạc Trịnh, trữ tình và cách mạng. Anh thường hát cho tôi nghe, khi rảnh. Còn về “Gu” nền “nghệ thuật thứ bảy” anh không thích điện ảnh của nước nào cụ thể, bộ phim nào hay thì anh thích. Anh thích gọi tôi là “Cherie” là Jane. Đáp lại, tôi thích gọi anh là ông Rô-chex-tơ (Rochester) nhân vật tôi yêu thích trong tác phẩm văn học Anh: Jane Eyre Mùa hè năm ấy.Anh nói sẽ phải xa tôi, có thể là rất lâu, có thể nhanh nhưng nếu em nói rằng em muốn tôi ở lại, tôi sẽ thực thi mệnh lệnh của em! Tôi cười, nói “anh Hâm”.Ngày khai trường cho niên học thứ 2 bậc Đại học cũng là lúc anh xa tôi. Anh đi thật! Anh “bay” đi tận trời Âu xa xôi: Đan Mạch. Lúc này tôi mới hiểu rằng anh không trêu tôi như tôi vẫn nghĩ. Và lúc này, tôi mới nhận ra rằng, anh không bao giờ đùa, trêu tôi. Anh yêu tôi theo cách của anh - có lần anh nói với tôi như vậy và tôi vẫn sung sướng từng ngày, từng giờ cảm nhận điều ấy…Nhận được điện thoại của anh gọi từ Cophenhaghen, Đan Mạch cùng những dòng e-mail, tôi nghẹt thở, tưởng mình như tan vỡ. Không kìm nén được lòng mình khi anh vẫn gọi “Jane dấu yêu” như ngày nào, tôi khóc nức nở bên máy điện thoại. Tôi thấy mình vừa mất đi một điều gì đó vô cùng quý giá mà trước kia tôi không biết nâng niu… Ra trường tôi làm việc tại một Viện Nghiên cứu, tính chât công việc làm tôi cứng cỏi và khắc nghiệt hơn với mối quan hệ và với chính mình. Đi trên con đường vào thu lất phất mưa bay, cũng nơi, trên con đường quen thuộc ngày xưa tôi và anh gặp nhau, ngày xưa, đã lâu rồi... Văng vẳng đâu đây vẫn lời nói thân thương ấy “Bây giờ, tôi không có thời gian chăm sóc em. Nhưng 3 năm nữa, tôi sẽ về bên em, khi em ra trường…” Thời gian không ngừng trôi, kéo theo các mùa xuân, hạ, thu, đông, cuốn đi “lời hứa thời gian” để bước chân ai vội vã lao về phía trước, kiếm tìm… Minh Thao