Chương 2

Kể từ ngày tổ mẫu từ trần, thân phận Thu Trân càng thêm điêu đứng, vì trong nhà đâu còn ai dám che chở, bênh vực Thu Trân nữa?
Mấy lúc sau này, việc kinh doanh tăng phần khó khăn, thân phụ Thu Trân phải vắng nhà càng nhiều hơn trước. Thế là kế mẫu chẳng còn chút úy kỵ nào, cứ thẳng tay hành hạ bạc đãi Thu Trân.
Phần Xuân Châu, chẳng những không biết thương chị, lại lấy làm hí hửng khi thấy Thu Trân bị mắng chửi, đánh đập. Gần như lần nào Thu Trân khóc thì cũng có Xuân Châu đứng dòm, cười thích thú.
Chỉ có thím Trương là người duy nhất thông cảm, tội nghiệp Thu Trân mà thôi.
Hằng ngày kế mẫu bắt Thu Trân phải quét sàn, hứng nước, tưới kiểng, lau bàn ghế và phụ lực với thím Trương trong mọi công việc bếp núc, giặt giũ. Nếu không làm thì... khỏi ăn cơm! May là thím Trương thương tình, đã làm thay Thu Trân các công việc nặng, nếu không có lẽ Thu Trân đã sút từng mảng xương ra mà chết mất rồi cũng nên.
Sau khi tổ mẫu chết, kế mẫu biết là Thu Trân đã hiểu rõ ẩn tình mẹ ghẻ con chồng, nên chẳng buồn giả nhân giả nghĩa phần nào như trước kia nữa, mà cứ oang oang sỉ vả:
- Ai nấy coi đó, cái con quỉ nhỏ này, tối ngày bản mặt cứ đầm đìa nước mắt, làm như sắp chết tới nơi! Tao còn lạ gì mầy, đồ ôn con, quỉ quyệt! Mầy muốn dùng khổ nhục kế để rêu rao với thiên hạ rằng tao là thứ mẹ ghẻ ác nghiệt chứ gì! Ừ, tao là mẹ ghẻ đấy. Mầy thử đầu thai tám kiếp, kiếm coi có người mẹ ghẻ nào biết thương yêu mày, hết dạ lo lắng tương lai cho mầy bằng tao không? Đồ quỉ sứ! Đồ ôn con! Đồ ăn hại!...
Chính vì cho rằng Thu Trân là "đồ ăn hại" nên đã năm lần bảy lượt rồi kế mẫu định bắt Thu Trân đi ở đợ, để lấy tiền đánh bài, vừa đỡ hao tốn cơm áo.
Nhưng thân phụ Thu Trân hoàn toàn không tán thành vụ này, ông có lý do vững vàng để chống đối, rằng Thu Trân coi vậy chớ đã nghiễm nhiên "có nơi có chốn" rồi, không thể trái tục lệ, đem đi ở nhà người dưng được.
Thu Trân tuy chẳng hiểu rõ mười mươi thế nào là "có nơi có chốn", song cũng đoán đại khái: Một người con gái mà "có nơi có chốn", tức đã có chồng.
Do đó, Thu Trân không khỏi kinh dị, hoang mang.
Cả kế mẫu cũng ngạc nhiên, chẳng tin, nên phụ thân Thu Trân phải giải thích tự sự:
- Hơn mười năm trước, tôi có người bạn chí thân, tên gọi Lương Minh Đăng. Bấy giờ, "bà xã" của cả hai người đều đang thọ thai. Anh Lương Minh Đăng đề nghị: Nếu mỗi nhà hạ sinh một nam một nữ, thì khi lớn lên, sẽ cho chúng kết duyên chồng vợ. Tôi đồng ý ngay. Và hai em cùng lập lời trọng thệ. Về sau, hai nhà quả nhiên sinh một nam một nữ thật, tức là giao ước kia đã trở thành cụ thể, tôi với anh Lương Minh Đăng đương nhiên là thông gia kể từ đó. Mẹ của Thu Trân đã sinh Thu Trân vào ngày rằm tháng Chín; còn chị Đăng sinh con trai vào ngày mười tám tháng chín, đặt tên là Lương Tường Phương. Quãng nửa năm sau, anh Minh Đăng có việc kinh doanh lớn ở Thượng Hải, phải đem cả gia quyến rời Đài Loan đến thượng hải cư ngụ Từ đó, hai nhà xa cách nhau, cả đến thư từ, tin tức của nhau cũng vắng bặt. Rồi liên tiếp hơn mười năm nay, vì mãi bận rộn với sinh kế, tôi cơ hồ quên bẵng đi vụ "chỉ phúc vi hôn" ấy đi. Bất ngờ, mới cách nay một tháng, tôi bỗng nhận được thư từ Thượng Hải, của anh Minh Đăng nhắc lại chuyện giao ước hôn nhân của đôi trẻ. Trong thư, anh ấy cho biết cậu Lương Tường Phương đang là một học sinh xuất sắc vừa đậu Tiểu học và bắt đầu lên Trung Học đệ nhất cấp. Anh Minh Đăng long trọng tái xác nhận Lương Tường Phương là rể của nhà họ Lâm chúng ta, cũng như thừa nhận Thu Trân là dâu của nhà họ Lương. Như thế, tức là Thu Trân đã "có nơi có chốn" hẳn hòi rồi, làm sao lại có thể đem nó đi ở thuê nhà người ta được? Giả thử một ngày nào đó, thình lình anh Minh Đăng tìm đến đây, hỏi tôi về đứa con dâu, thì tối biết ăn nói làm sao với người bạn tốt, vừa là thông gia ấy?
Nghe hết đầu đuôi câu chuyện như thế, Thu Trân và kế mẫu mới vỡ lẽ.
Mới mười một tuổi đầu mà đã có vị hôn phu. Tuy nhiên, vốn còn thơ ngây, Thu Trân lúc nghe chuyện chỉ thoáng một chút "mắc cở" rồi thôi, chớ chẳng có cảm nghĩ gì nhiều.
Khổ nỗi, kế mẫu lại vì vụ Thu Trân đã "có nơi có chốn" dường ấy mà càng coi Thu Trân như kẻ thù, cứ thừa những lúc phụ thân Thu Trân vắng nhà mà gia tăng mức hành hạ càng dữ dội. Ngoài sự làm lụng nặng nhọc và liên miên bị đánh chửi, Thu Trân còn bị bỏ đói đều đều. Thím Trương phải lén xúc cơm cá vào tô, đem vào một xó bếp cho Thu Trân ăn...
Thấm thoát, thêm ba năm thống khổ nữa, lại tiếp tục chồng chất lên vai gầy của Thu Trân.
Thu Trân mười bốn tuổi, cái bản chất "con nít" đã hoàn toàn biến mất.
Quãng đời thơ ấu, đáng lẽ đầy vui sướng, thắm tươi, Thu Trân chẳng hề được hưởng một ngày, mà đó là cả một chuỗi năm tháng đọa đầy. Bởi vậy, so với những cô gái mười bốn tuổi khắc, Thu Trân hiểu biết hơn thật nhiều, từ nhân tình thế thái, đến chí nhẫn nại, lẫn các công việc làm lụng trong nhà.
Thu Trân không còn nông nổi nữa. Trước mọi vấn dề, Thu Trân đều có sự xét suy, nhận thức cẩn thận. Chẳng để kế mẫu la ó, sai khiến, Thu Trân đã tự động chu toàn hết mọi việc nội trợ, cho kế mẫu vui lòng...
Có em Xuân Châu mười hai tuổi rưỡi của Thu Trân, xem chừng dã biết thương người phần nào, nên dần dần không còn lấn hiếp Thu Trân thái quá như trước nữa. Được vậy, phần lớn cũng do thái độ của Thu Trân. Biết rằng cô em dã quen với nếp sống nuông chiều từ bé, nên chẳng biết làm gì hết, dù chiếc khăn tay cũng không tự giặt lấy được. Thu Trân bèn sẵn sàng lo liệu, làm giúp Xuân Châu tất cả, bằng thân tình chị em, chẳng chút tị hiềm, không hề quản ngại khó nhọc. Chính thái độ ấy của Thu Trân đã cảm hóa dược Xuân Châu dần dần...
Mùa hè năm nay, hai chị em đều đậu Tiểu học. Kết quả khích lệ này của Xuân Châu, thật ra là nhờ ở Thu Trân cả. Có lẽ cũng hiểu như vậy, nên kế mẫu đâm ra cao hứng, cho phép Thu Trân tiếp tục học lên bực Trung học, để tiện đi đi về về và kèm bài vở cho Xuân Châu luôn.
Xuân Châu có cái tật lớn là thường hay đùa giỡn trong lớp, giữa giờ học. Và trò chơi Xuân Châu "khoái" nhứt là viết những mẫu thư vụn trộm, lời lẽ thật lý lắc, thừa lúc giáo sư ngó lơ một chút, liền ném sang các bạn nam sinh, để họ mở ra đọc, dòm nhau mà cười... chơi!
Một hôm, nhằm giờ Sử Địa, nhưng vì giáo sư phụ trách thường lệ lại vắng mặt vì bịnh, nên nhà trường đưa một vị khác tới dạy thay. Nghe đồn vị giáo sư dạy thay này rất khó tính, dễ nổi giận và khi đã nổi giận thì trừng phạt rất gắt môn sinh phạm lỗi. Bởi vậy, thoạt thấy vị này bước vào, lập tức cả lớp lấm lét, im phăng phắc.
Nhìn sắc diện ông, quả nhiên nghiêm mặt. Thu Trân phải ngầm đá vào chân Xuân Châu hai ba lượt, để nhắc chừng Xuân Châu đừng có "giỡn mặt" mà mang họa. Nhưng, không hiểu sao Xuân Châu cười hoài, nét cười đầy hóm hỉnh, trào lộng.
Giáo sư vốn cận thị nặng, mang cặp kính vừa dày vừa to.
Có lẽ Xuân Châu cho rằng ông này "cận" nặng quá cỡ như vậy, ắt mắt mũi lem hem, khó nhìn thấy các cử dộng của cô ta cũng nên.
Xuân Châu chẳng buồn lắng nghe giáo sư giảng bài, để lo trổ tài diễn trò chơi "ruột"; viết thư lén.
Hai chị em ngồi chung một bàn nên Thu Trân đã liếc thấy ngay việc làm "bất hợp pháp" của Xuân Châu, liền ngầm đá vào chân Xuân Châu một lần nữa.
Xuân Châu méo miệng nheo mắt ngó Thu Trân một cái, rồi cứ tiếp tục chơi như thường.
Viết xong mảnh giấy, Xuân Châu viên tròn lại, ném vù sang dẫy bàn nam sinh.
Nhưng... trò chơi phen này bị "tào" nặng: lúc hòn giấy ném đi, mấy nam sinh chưa kịp nhặt lấy thì đã bị giáo sư bắt gặp và tịch thu ngay.
Ông mở giấy ra xem. Đột nhiên ông tái hẳn sắc diện. Ông liền sải bước trở lên bục gỗ, cầm mảnh giấy giơ cao, lớn tiếng quát hỏi:
- Không người nào nói ra ai là chủ mảnh giấy nầy thì cả lớp đều bị phạt hết!
Xuân Châu lo sợ cuống cuồng, suýt bật khóc, vì xem chừng bất cứ bạn đồng học nào cũng có thể bất thần đứng dậy điểm mặt, tố cáo mình.
Thu Trân tuy không biết cô em đã viết những gì trên mảnh giấy quái ác kia, nhưng thấy tình trạng của Xuân Châu đáng thương quá, nên lòng tự ái ở người chị trỗi dậy và tự ý thức bổn phận phải bảo hộ em... Thu Trân không cần đo lường hậu quả sẽ ra sao, cũng quên hết sợ hãi, mà trước mắt chỉ có tình tỷ muội thủ túc, bèn mạnh dạn đứng lên, nói:
- Thưa thầy, mảnh giấy ấy là của em!
Cả lớp sửng sốt trố mắt ngó Thu Trân.
Xuân Châu hoàn toàn không ngờ, càng kinh ngạc hơn ai hết.
Vị giáo sư cười gằn, ra hiệu gọi Thu Trân lên bục gỗ, đưa ngay mảnh giấy, bảo hãy đọc lớn cho toàn lớp nghe.
Thu Trân không nhìn vào mảnh giấy, mà hướng về phía giáo sư, khổ não van cầu:
- Đồ mất dạy! Mau đọc to lên!
Sự sợ hãi đè nặng lớp học. Bầu không khí lặng trang, mọi người gần như không dám thở.
Thu Trân ràn rụa nước mắt, vừa nghe mặn chát cổ họng, nhưng không dám van xin nữa, phải đưa ánh mắt nhòa lệ nhìn vào những chữ nguệch ngoạc của em mình viết trên mảnh giấy và run run đọc.
- Trò tên gì? Mấy tuổi?
- Mười bốn tuổi? người ta cỡ tuổi trò, là đã đậu Sơ Trung hay ít ra, cũng đang học lớp tám, mà mới lẹt đẹt bò tới lớp sáu thế này. Đã ngu dốt, học hành chả ra gì, lại bày đặt ngỗ nghịch hư thân mất nết! Đồ bại hoại, không biết nhục!
Ông lớn tiếng mắng nhiếc một loạt, Thu Trân hổ thẹn đến đỏ bừng mặt mũi và toàn thân nóng ran, vừa run bần bật, như đang lên cơn sốt rét nặng.
Thuận tay, ông chụp cây thước bản, quật túi bụi vào lưng, vào chân Thu Trân và gầm thét.
o0o
- Chị hai!
Thu Trân tưởng mình chiêm bao. Suốt mười mấy năm trường, đây là lần thứ nhứt Thu Trân mới được nghe Xuân Châu gọi mình bằng "chị" và tỏ cử chỉ thân thiết thế này.
Thu Trân ngạc nhiên một sư ngạc nhiên đầy xúc dộng, một nỗi xúc động an ủi, thấm thía nghĩa tình.
Tất cả ê ẩm, đau đớn trên cơ thể, tất cả nhục nhằn, xót xa trong tâm hồn Thu Trân liền quên sạch, lại cảm thầy mình đang sung sướng, khoan khoái nhứt trần gian.
Thu Trân ôm chặt Xuân Châu, hiền hòa nở nụ cười, cười mà chan hòa nước mắt, cất giọng ôn hòa bảo:
- Xuân Châu, em đừng khóc, em đừng khóc, đừng lo gì hết, mau đứng dậy đi, thế nào thầy cũng tha cho chị mà.
Xuân Châu càng thêm thương tâm, khóc càng nhiều hơn, vừa nhè nhẹ rờ rẫm những vết tát tai còn hẳn đỏ trên hai má Thu Trân.
Chị em gục đầu vào nhau, lệ nóng đầm đìa, đôi quả tim nhịp chung một điệu gắn bó...
Kể từ ngày được Thu Trân đứng ra nhận "tội" chịu phạt thay cho mình, Xuân Châu biến đổi hoàn toàn: chẳng những hết sức khắng khít với Thu Trân: còn chăm chỉ, cố gắng học tập, trở thành một nữ sinh rất tốt.
Lúc nào Xuân Châu cũng quấn quít bên cạnh Thu Trân, hễ có món ngon vật lạ là nhứt định chờ Thu Trân cùng ăn. Gặp khi Thu Trân bị kế mẫu mắng chửi, hành hạ, thi Xuân Châu tận tình binh vực và đau xót cũng y như chính mình bị ngược đãi vậy. Bà mẹ dù tức giận đến gần chết đi được, song vì quá cưng yêu Xuân Châu, rốt cuộc đành phải nhượng bộ. Nhờ thế, Thu Trân đỡ khổ mấy phần. Cả đến những công việc bếp núc, giặt giũ trong nhà. Xuân Châu cũng luôn luôn trợ giúp cùng làm với Thu Trân, sẵn sàng giành lấy mà làm thay cho chị.
Kế mẫu Thu Trân vẫn vắng nhà đi đánh bài suốt ngày. Một buổi tối, bà ta thua hết tiền, về nhà sớm, hầm hầm đổ trút vào đầu Thu Trân tất cả thịnh nộ mặc dù Thu Trân chẳng có lỗi gì hết.
Bà ta đang hùng hổ đánh đập túi bụi, bất thần Xuân Châu nhẩy bổ vào che chở cho Thu Trân. Ngừng tay không kịp, bà ta lỡ đà quất trúng vào người Xuân Châu hai roi đích đáng.
Lần dầu tiên nếm mùi đòn vọt. Xuân Châu đau buốt thấu xương, rú lên thất thanh và khóc ngất.
Bà ta cũng la hoảng và vất ngay cây roi, ôm chầm lấy Xuân Châu, vuốt ve lia lịa, lộ vẻ khổ sở vô ngần.
Nhưng, thoắt cái bà đã quắc mắt nẩy lửa, nghiến răng ngó Thu Trân, cơ hồ muốn ăn tươi nuốt sống cô bé mới hả giận.
Trông sắc diện kế mẫu, trong cùng một thời gian mà có thể biểu hiện đúng mức hai trạng thái thương yêu và độc ác như vậy, tự dưng Thu Trân ngầm nẩy ý nghĩ ngộ nghĩnh: "Kế mẫu mà lên sân khấu, chắc sẽ là một kịch sĩ đặc sắc"...!
- Con quỉ chết bầm kia, mày đừng tưởng lợi dụng Xuân Châu binh vực được hoài mà lừng. Rồi tao sẽ xé xác mày ra cho mày biết. Mày có chịu cút ngay đi, hay còn đợi tao đập một trận nữa?
Xuân Châu vùng vẫy thoát khỏi bàn tay mẹ, vừa khóc vừa la:
- Má! Má muốn đánh chị hai con, thì đánh con chết trước đi!
- Xuân Châu con ăn nói gì kỳ cục vậy? Mấy lúc gần đây con cứ chống đối má hoài, là tại sao? Con... con biến đổi nhiều quá rồi!
- Con hỏi má, vì lẽ gì mà má cứ đánh chị hai con? Chị hai con làm chi nên tội?
Xuân Châu bỗng ngừng khóc, tiếng nói trở nên rắn rỏi, thái độ quật cường như con sơn dương khi chực húc người.
Vì lẽ gì cứ đánh Thu Trân? Làm sao bà trả lời cho trôi.
Xuân Châu nhìn mẹ chầm chập nói toạc ra:
- Có phải bữa nay má thua bài hết tiền, nên về nhà hành hạ chị hai con?
Bị vạch trúng tim đen, bà ta thẹn đỏ mặt đến nổi giận.
- Xuân Châu! Này... con... bộ con điên hả? Hùng hục về hùa với con quỉ bá vơ đó, hỗn láo chống lại mẹ ruột! Con có điên không?
Xuân Châu không ngán lại phản công:
- Chính má đã bức bách con điên thật rồi đây này. Từ rày mà má còn ngược đãi chị hai con nữa, là con nhứt định bỏ nhà con đi, rồi con nhảy xuống sông tự vận cho má coi!
Thu Trân cảm kích mãnh liệt, đến độ quên lửng đi nét đằng đằng sát khí của kế mẫu, nhảy a lại nắm tay Xuân Châu nghẹn ngào:
- Em... đừng... em đừng... như vậy.
Mọi khi, dù bị kế mẫu đánh đau cách mấy, Thu Trân vẫn cố cắn răng chịu đựng chớ không chảy một giọt lệ nào; nhưng giờ đây, lại chẳng dằn nổi cơn xúc động, nước mắt cứ tuôn trào và bật khóc nức nở.
Xuân Châu cũng òa lên khóc thật lớn.
Thím Trương nghe to tiếng, từ dưới bếp vội chạy lên. Chợt thấy chị em Thu Trân ôm nhau khắng khít, thím ngạc nhiên sững sờ, đứng ngây ra trố mắt nhìn. Đôi môi thím từ từ nhoẻn cười, vẻ mặt đầy hoan hỉ, mà lệ nóng đã đoanh tròng. Thím xoay qua kế mẫu Thu Trân, cất giọng thành khẩn.
- Bà chủ coi đó, thật là một hình ảnh đẹp! Năm nay cô hai, cô ba đều lớn khôn rồi, lại có học, nên đã biết yêu thương nhau, biết quí trọng tình chị em máu mủ. Tốt biết chừng nào! Từ rày bà chủ có thể yên tâm, chẳng những khỏi lo hai cô gây gổ nhau, mà còn vừa lòng về việc học hành của hai cô, chắc chắn sẽ càng tiến bộ hơn cho mà xem. Tôi nói, xin bà chủ đừng giận, dầu là người dưng đi nữa mà thấy cái cảnh này, ai cũng phải vui mừng.
Thím Trương càng nói, sắc diện kế mẫu Thu Trân càng khó coi: giận không xong, cười chẳng được.
Nhưng rồi bà ta vẫn hầm hầm điểm mặt Thu Trân bảo:
- Này, hãy liệu hồn, tao giao con Xuân Châu cho mày đấy, nó có bề nào thì tao lấy cái mạng của mày! Nghe chưa?
Dường như bà ta lo sợ sẽ có ngày Xuân Châu đâm đầu xuống sông tự tử thật.
Nhận thấy tình thế ở đây bất lợi, vì con gái cưng của mình đã đứng về "phe địch", lại đang có mặt thím Trương, bà vụt đứng phắt dậy, ngoe nguẩy bỏ vào buồng ngủ.
Thím Trương lấy ra hai chiếc khăn mặt cho chị em Thu Trân lau nước mắt. Thím ngó Xuân Châu, vừa đưa ngón tay cái lên, vừa cười khen:
- Cô ba! Bữa nay tôi phải nhìn nhận là cô ngon lành số dách. Cô đối với cô hai tốt lắm, đáng khen đáng phục lắm. Chắc cô cũng thừa hiểu, mặc dầu cô hai không phải do má cô sanh ra, nhưng hai chị em cô vẫn là ruột thịt thủ túc với nhau, vì cùng một huyết thống, chung một cha. Phen này ông chủ về, hay biết được chuyện hai chị em cô thương yêu nhau thân thiết như vầy, chắc sẽ cao hứng mà sống lâu thêm cả chục tuổi.
Xuân Châu cười thích chí, nhưng mắc cở, vội kéo Thu Trân chạy vô phòng tổ mẫu.
Trước kia Thu Trân ngủ chung với tổ mẫu, từ ngày tổ mẫu mất thì gian phòng này chỉ còn một mình Thu Trân ngủ.
Chừng nửa tháng qua, tối nào Xuân Châu cũng vào đây để học bài, làm bài chung với Thu Trân, rồi về buồng ngủ với má. Nhưng hôm nay, Xuân Châu đề nghị:
- Chị hai cho em ngủ chung với chị nhé!
Thu Trân khẽ khuyên:
- Không nên. Em làm vậy, má càng giận chị lại buồn em.
- Chị đừng lo. Đâu phải tại bữa nay cãi với má mà em tính ngủ ở đây, thật ra em đã muốn xin qua ngủ với chị từ lâu rồi...
Thấy Thu Trân chưa hiểu, Xuân Châu liền giải thích thêm:
- Hiện giờ em cũng đã lớn khôn rồi, cứ ngủ chung với má hoài chả nên. Mấy lúc ba đi vắng thì cũng còn được đi, nhưng những hôm ba ở nhà ba đâu có giường riêng, tự nhiên phải ngủ ở đó, hóa ra ba người một giường, chật chội, lại không tiện. Vì vậy, em muốn xin qua ngủ với chị luôn.
- Chị hiểu ý em rồi, nhưng... nếu ngay tối nay em qua đây ngủ, má có thể hiểu lầm. Tốt hơn, đợi khi ba về, em thưa rõ với má như thế, rồi sẽ tùy má quyết định...
Ngưng một chút, giọng Thu Trân trở nên tha thiết:
- Xuân Châu! Em hiểu cho chị, suốt mười bốn năm rồi, thân phận chị thiếu vắng hẳn tình mẹ, tâm hồn chị cô đơn, chị thèm khát tình thương biết chừng nào, nay được em ban cho nguồn thân ái, nồng nhiệt, thật là quý hóa vô vàn, chị cảm ơn em chẳng biết nói sao cho vừa. Chị còn cầu mong chị em mình được cận kề nhau từng phút từng giây chớ lẽ đâu đắn đo chuyện ngủ chung.
Nghe bấy nhiêu, nước mắt Xuân Châu rơi tầm tã, phải ngoảnh mặt sang một bên để che dấu đi.
Thu Trân vội kéo tay em, hỏi tại sao? Xuân Châu không trả lời, cứ thút thít khóc hoài.
Thu Trân chẳng biết an ủi em như thế nào hơn là cùng khóc theo. Hai chị em cứ ôm nhau mà khóc...
Hồi lâu, đột nhiên Xuân Châu thống thiết kêu hai tiếng "chị hai" rồi tức tưởi nói:
- Trong quá khứ, tâm hồn em cũng cô độc, trống rỗng. Em nào phải sinh ra để xem chị như cừu địch, hay để khinh bạc, chống đối chị, mà đó là do má uốn nắn nên cả. Xét kỹ ra, chẳng những má đã làm hại chị, đồng thời cũng làm hại em luôn. Sự phóng túng, sự nịch ái của má tạo cho em thành một kẻ ích kỷ, đố kỵ, ỷ lại, tàn nhẫn, hèn hạ... Trong quá khứ, đối với chị dù em tha hồ lấn hiếp, bạc đãi, nhưng kỳ thật thâm tâm em chẳng thỏa thích chút nào, vì luôn luôn cứ cảm thấy cô độc trống rỗng. Mãi đến mấy lúc gần đây, em mới biết được thế nào là hương vị vô giá của chân tình tỷ muội. Chị hai! chính chị đã ban cho em hương vị vô giá ấy, chính em phải cảm ơn chị mới đúng!
- Em đã tự trách hơi quá đáng rồi! Phải thành thật nhìn nhận, em đúng là con người có trí tuệ, đã biết phân định phải trái minh bạch. Chị lấy làm hãnh diện có được một em gái là hảo cô nương như em.
Xuân Châu vọt miệng thốt ngay, chẳng chút e dè:
- Nếu em được đúng như chị khen thì đó là nhờ ba chúng ta di truyền cho đức tính và lương tri. Em đã giống ba, giống chị.
Bằng vào lời lẽ ấy, hiển nhiên Xuân Châu mang ý oán hận mẹ ruột chẳng ít.
Thu Trân tuy như vậy, nhưng chỉ lặng thinh, không dám nói gì.
Xuân Châu lại tiếp:
- Con người ta khi chưa trải qua sự họa hay phúc, quyết không thể biết rõ mùi vị đắng cay hay ngọt bùi như thế nào. Chẳng hạn như em, nếu vừa rồi không bị hai roi của má, thì đâu đã hiểu cái mức đau khổ ra sao?... Chị hai! Nhớ lại trước kia, cứ mỗi lần chị bị đòn là em reo mừng, cười cợt, sao em thấy em tàn ác vô nhân tính quá. Em đã có tội nặng nề với chị, em không biết nên tự trách phạt cách nào mới vừa?
- Em! Chuyện đã qua, nên cho qua luôn, đừng nhắc tới!...
Thu Trân cố làm ra vẻ bình thường, gạt ngay lời Xuân Châu, nhưng vừa nói được bấy nhiêu, cổ họng đã nghèn nghẹn, phải gắng lắm mới tiếp nối được:
- Chỉ cần... điều quan trọng... là hiện tại chị em mình biết thương yêu nhau hết lòng... còn chuyện cũ, không nên...
Xuân Châu lại bật khóc, hỏi xen ngang:
- Chị hai! chị có hận em không?
Thu Trân ôm chầm lấy Xuân Châu, đáp qua tiếng nấc:
- Không! Chưa bao giờ chị hận em.
- Phải rồi! Em biết chị không bao giờ hận em... Bởi vì, nếu hận em thì chị đã chẳng thay em nhận tội chịu đòn điêu đứng trong lớp học hôm nọ. Chị hai! Em không ngờ có thứ tình thương vĩ đại như thế, chị đã sẵn sàng quên thân mình vì em! Trong khi má em thì lại... Trời ơi!...
Xuân Châu gục đầu nức nở.
Thu Trân lập tức khuyên:
- Em! Đã bảo bỏ chuyện đó đi! Chúng ta chỉ cần hết dạ trung thành với người, thì dù gặp phải bất cứ sự cừu oán nào cũng có thể hóa thành bạn... Má vốn chẳng có thù hận gì to tát đối với chị, chị tin má sẽ dần dần xét rõ ra mà thương chị.
Xuân Châu đưa tay quệt nước mắt trên má và trầm ngâm một lúc, bỗng hậm hực nói:
- Em nói thật, phải chi có ai đó cũng dùng roi, dùng gậy đập cho má một trận kịch liệt để bả biết trong lúc bả đánh chị là đã nhẫn tâm làm chị đau đớn đến bực nào...
Thu Trân lại mau mau ngắt lời và khuyên:
- Em đừng nói vậy. Cha mẹ dạy con, có quyền đánh đòn con, đó là lẽ thường xưa nay, phận làm con tuyệt đối không được ghi khắc thành mối hận trong lòng.
o0o
Được Xuân Châu hết lòng bênh vực, Thu Trân không đến đỗi bị kế mẫu bắt phải thôi học, mặc dù bà ta đã nhiều phen kiếm đủ cớ rắc rối.
Trong tình thương tỷ muội đậm đà, hai chị em Thu Trân học tập ngày càng tiến bộ, nên liên tiếp hai niên khóa liền đều được xếp vào hạng học sinh ưu tú, lên lớp dễ dàng.
Mùa thu năm ấy, chị em Thu Trân đang học lớp tám thì thời cuộc xảy ra một biến cố quan trọng. Theo lời giáo sư cho biết: ngày 13 tháng 8, binh đội quân phiệt Nhật bản tấn công Trung Hoa Dân Quốc, tức cuộc chiến Nhật Hoa đã nổ bùng.
Nghe tin thì nghe như vậy, nhưng Thu Trân chẳng có ý thức gì rõ rệt, vì đang ở lứa tuổi học trò, chưa từng hiểu biết bao nhiêu về quốc gia đại sự.
Huống chi, thuở ấy Đài Loan, nơi gia quyến Thu Trân sinh ngụ, vốn là thuộc địa của Nhật (từ năm 1895, Đài Loan thuộc Nhật, đến 1945, quân phiệt Nhật đầu hàng đồng minh và Đài Loan qui hoàn Trung Hoa Dân Quốc); lại cách xa đất liền nên chẳng bị ảnh hưởng trực tiếp của chiến tranh.
Chỉ thỉnh thoảng nhân nghe được lỏm bỏm vài ba lời, qua những cuộc luận đàm thế sự của một số giáo sư cùng nòi giống, Thu Trân cũng nao nao cảm thấy đau lòng, khi biết rằng tổ quốc mình đang lâm cơn khói lửa, điêu linh...