chính giữa làng Mỹ Lý và đối diện với đình làng Mây bên kia sông, là cái Phủ nguy nga của ông Hoàng Thiên Ý. Ông Hoàng này oai quyền hống hách một thời xưa. Ông Hoàng qua đời đã lâu, con cháu ông ta không có mấy, nên cảnh Phủ ngày càng tiêu điều.Lúc còn nhỏ tôi biết được ông Hậu là con ông Hoàng và anh Vân là con ông Hậu. Anh Vân học với tôi một lớp, người xanh xao và yểu điệu nhu con gái. Anh ta thường dẫn tôi về phủ chơi luôn. Ông Hậu năm ấy đã ngoài năm mươi tuổi, người lùn, trán hói và đầu tóc bạc phơ. Ông ta tử tế lắm. Mỗi lần thấy tôi đến chơi, ông niềm nở hỏi han như con cháu trong nhà. Trước sân phủ có mấy cây ổi lớn nên tôi nhớ lại thăm anh Vân luôn.Phủ tuy cao rộng thênh thang nhưng lúc nào cũng tối tăm và ảm đạm. Những cánh cửa trước tiền đường mấy khi mở. Bầu không khí ở trong vì vậy trở nên nặng nề khó thở.Trước kia tôi thấy trong phủ có lắm cổ vật quý giá và đẹp mắt. Nhất là những chiếc lư hương bằng ngọc hay là những cành hoa bằng bạc chạm. Nhưng bao nhiêu vật báu ấy dần dần biến đi đâu mất. Tôi hỏi anh Vân thì anh lúng túng đỏ cả mặt. Tôi hiểu ý nên không hỏi nữa. Tuy vậy trước sân nhà ông Hậu lúc nào cũng thấy đầy hoa tươi cỏ đẹp. Ông ta làm ra dáng phong lưu. Có lúc tôi gặp ông ngồi uống rượu dưới giàn hoa lý hay chép vần thơ trên một ngọn lá đào.Cả ngày ông ta không làm gì hết. Ông ta chỉ đi tỉa hoa hay các cần ra ngồi câu bên bờ sông Hà Nại. Tôi nghe ông ta có ăn lương tháng nhưng không biết bao nhiêu.Thỉnh thoảng tôi có gặp ông ta đi chơi trong các lối xóm. Ông ta đi đứng ra chiều nhàn hạ. Kki ra ngoài thì ông ta thường mặc áo gấm, bịt khăn điều và cầm gậy tre bịt bạc. Nhưng ở nhà thì ông ta mặc giản dị hơn. Một hôm, tôi đã thấy trên áo ông ta có chữ thêu. Tôi tưởng là áo gấm nhưng nhìn kỹ tôi mới biết đó là bức trướng thêu thường treo giữa nhà.Anh Vân thì lúc nào cũng thấy mặc cái áo đen dài bạc màu. Một hôm, tôi đến gọi anh đi học thì thấy anh đang ngồi vá áo. Ông Hậu thấy tôi vào thì giả vờ mắng anh Vân:- Thật tánh thằng con lạ quá, áo quần để đầy rương mà không đem ra mặc, cứ bo bo giữ lấy cái áo đen cũ nát.Anh Vân đứng dậy rũ áo không vá nữa. Anh nhìn tôi mỉm cười nhưng tôi thấy hai má anh đỏ gắt.Lúc sắp đi học, ông Hậu liền gọi anh Vân đến gần nói lớn:- Chiều đi học về con nhớ ghé lại nhà ông Huyện Phong mời ông ta đến đánh cờ với chú nhé.Anh Vân cúi đầu dạ rồi cùng tôi đến trường.Nhưng lúc bãi học tôi cũng không thấy anh Vân ghé lại nhà ông Huyện. Và lúc tôi với anh về Phủ, tôi cũng không nghe ông Hậu hỏi gì hết.Cảnh Phủ càng ngày càng tiêu điều, còn phía trong thì càng thấy rộng thêm mãi. Bát lư hương sành đến thay thế bát lư hương ngọc, và cách vài tháng sau tôi chỉ còn thấy bát lư hương bằng gỗ. Bao nhiêu cột trong Phủ đã thấy trống trơn và cũ nát, vì chung quanh thân cột không có vật gì bám vào để làm bận mắt nữa.Qua năm sau lên lớp Nhất, Vân thường vắng mặt làm giờ Sử Ký. Thầy trách anh Vân biếng học nhưng tôi thì hiểu anh ta lắm. Anh ta không có tiền mua quyển sách Sử Ký.Một buổi trưa chủ nhật đến nhà anh Vân chơi, tôi thấy ông Hậu sai anh ta đi bắt gà. Tôi cũng cởi áo chạy theo anh Vân chận bắt mấy con gà ấy. Sau hai giờ chạy quanh vườn, chui qua bụi chúng tôi mới nhốt được ba con gà trống tía vào trong lồng. Hôm ấy tôi ở lại với anh Vân gần tối mới về.Tôi ngạc nhiên hết sức lúc thấy ba con gà trống tía của ông Hậu lại ở trong chuồng gà nhà tôi. Tôi hỏi thì mẹ tôi bảo gà của ông Hậu đem lại biếu. Tôi đang phân vân chưa hiểu thì mẹ tôi mỉm cười nói tiếp:- Rồi nhà mình biếu lại ông ta một thúng gạo.Tôi thấy cảnh nhà anh Vân túng thiếu nên thương hại. Nhưng ông Hậu lúc nào cũng thấy nhàn hạ say sưa trọn ngày. Ông ta thường cười nói vang nhầ hay hát những câu "Tẩu mã" đã quên lửng đi nhiều đoạn.Dầu ông Hậu đã hết lòng dấu giếm, nhưng sự túng bấn ở nhà ông đã dần dần lộ ra ngoài. Người ta biết ông Hậu sở dĩ muốn tươi tỉnh là để giữ thể diện.Có lúc ông Hậu đã vờ hào hiệp đến quên cả mình.Người lính hầu cận của ông Hoàng ngày xưa, một hôm đến thăm ông Hậu và đem đến biếu một cân mứt và hai lượng trà. Ông Hậu nhất định từ chối, không chịu lấy, người lính không nản chí kêu nài mãi:- Nhờ ơn Đức Ông xưa, con mới làm được phó quản, ơn ấy con xem như trời như biển. Nếu ngài không nhận chút lễ mọn này thì con không bao giờ đến thăm ngài nữa. Để người ta nài ép quá nghe cũng chướng, ông Hậu dịu lời đáp:- Hay tính thế này thì hơn. Anh đã có lòng cho, tôi xin nhận và xin hết lòng cảm ơn anh. Nhưng anh phải nhận lại vật này cho mấy cháu nhà anh mới được.Nói xong ông Hậu móc túi lấy ra hai đồng đưa cho người lính. Biết từ chối cũng không được, viên phó quản đành cuối đầu đưa tay nhận lấy. Bắt đầu từ hôm ấy mỗi lần đến Phủ chơi, tôi đều thấy ông Hậu ngồi nhắm mứt với nước trà. Theo anh Vân thì đó là buổi cơm hàng ngày của nhà anh, vì số tiền cuối cùng, ông Hậu đã đưa cho viên phó quản hết.Nhưng ông Hậu vẫn không thôi cho người ngoài biết nhà ông vẫn còn sung túc.Lệ hàng năm cứ đến gần Tết là ông Hậu lại bỏ nhà đi đâu hơn vài tuần.Chính anh Vân cũng không biết ông ta đi đâu. Có người nói ông ta đi thăm rể và con gái ở Qui Nhơn. Người khác lại nói ông ta lên tỉnh để sắm đồ Tết. Mấy ngày trước Tết năm ấy, tôi được đi với mẹ tôi lên tỉnh. Tỉnh thành xa làng Mỹ Lý hơn ba mươi cây số và phải qua năm sáu chuyến đò. Ba bốn năm tôi mới được đi một lần.Ngày ấy, cảnh tỉnh thành đối với tôi tươi sáng quá. Tôi đi xem ngót nửa ngày mà không thấy mỏi chân.Trước thềm một căn phố bán giấy hoa, tôi bỗng chú ý đến một cụ già đang ngồi viết chữ thuê. Mấy bọn trẻ đứng vây chung quanh nhìn ông ta viết một cách lơ đãng. Chữ ông ta viết đẹp lắm, tuy lúc viết bàn tay hơi run run. Viết xong, ông ta lại ngồi nhìn mấy câu liễn hay lấy ít viên sạn chặn lên trên.Tôi bỗng giật mình lúc thấy ông ta đứng dậy uốn lưng cho đỡ mỏi. Tôi vội vàng đi thật nhanh vì sợ ông ta lại nhận thấy được tôi, vì ông ấy là ông Hậu... con ông Hoàng.