Chờ đợi khiến tôi chẳng làm được việc gì. Tôi cố chú tâm suy nghĩ để viết vở kịch mới, với lý do thúc bách là cần tiền. Nhưng đầu óc tôi cứ trôi bềnh bồng như đám mây trên trời xanh ngắt. Trang giấy trắng không hiện lên hình ảnh ông vua, bà chúa mà chỉ có hình ảnh cô bé. Tiếc thay, với cô bé tôi chỉ biết ngồi im lặng chớ không viết được chữ nào. Ba giờ chiều. Tôi thay quần áo, khóa cửa phòng rồi bước đi quanh quẩn trong khu vườn trước hiên nhà để đợi xe. Sau mấy ngày mưa, nắng đã làm màu sắc những đóa hoa trong vườn tươi thắm hơn. Tôi không biết chúng tên gì nhưng giống như những cô gái Ðà Lạt, tất cả đều đẹp. - Tin. Tin. Tiếng còi xe làm tôi chạy nhanh ra cổng. Chiếc xe hơi Toyota màu đỏ thẫm đã đậu sát lề đường. Người tài xế mở cửa xe phía trước, tôi bắt tay anh và ngồi xuống ghế nệm bên cạnh. Chiếc xe phóng đi. Người tài xế mở máy cassette: How can I tell her - Một bài ca của Lobo, tôi đã nghe nhiều lần. Nhạc êm dịu và giọng ca nam trầm ấm như buổi chiều êm ả ở vùng núi đồi. Xe chạy loanh quanh khoảng 15 phút rồi dừng lại trước một ngôi nhà quét vôi trắng, nằm giữa một vườn trồng toàn bông hồng. Cánh cửa cổng đã mở rộng, xe chạy thẳng vào vườn. Lan Hương và người mẹ của em đang ngồi ở ghế mây trước hiên. Tôi mở cửa xe, bước xuống. Hương hoa hồng thơm ngát khiến tôi ngần ngại đốt một điếu thuốc hút. Người mẹ đứng dậy mời tôi ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh cô bé. Em chẳng hề chú ý đến tôi. Ðôi mắt em đăm đăm nhìn vào khoảng không trước mặt. Người mẹ nói: - Chào khách đi con. Cô bé nói dửng dưng: - Chào ông. Người mẹ nói: - Con hãy nói chào anh. Ðây là một người bạn của con. Cô bé quay qua tôi nói rồi quay lại ngay: - Chào bạn. Người mẹ lắc đầu. Tôi mỉm cười vỗ nhẹ vai cô bé: - Bây giờ chúng ta đi tìm tiếp cái mà em đã đánh mất. Cô bé quay qua nhìn thẳng vào mắt tôi, hỏi: - Ông đã biết nó rơi ở đâu à? - Phải. Tôi biết. Cô bé vụt đứng dậy, níu tay tôi kéo đi. - Ông dắt em đến đó ngay. Rồi chẳng đợi tôi trả lời, cô bé chạy ra chỗ xe hơi đậu. Tôi đứng dậy nói với người mẹ: - Xin phép bà cho cô bé đi với tôi. Không cần người vú đi theo để chúng tôi được tự nhiên. - Tôi lo nó trở chứng quậy phá, không chịu nghe lời cậu. Chứ nó rất nghe lời bà vú vì nó sợ bà ấy khóc. Tôi cười nói: - Bà cứ tin tôi. Nếu cần tôi cũng khóc được mà. Người đàn bà nhìn đồng hồ đeo tay rồi nói: - Cậu hãy đưa nó về lúc bảy giờ. Chúng tôi mời cậu ăn cơm tối. - Cám ơn bà. Ðể bữa khác. Tối nay cho phép tôi mời cô bé đi ăn cơm bình dân. Biết đâu ăn ở quán đông người cô bé sẽ thích hơn. - Thôi tùy cậu. Nhưng cậu nhớ canh chừng nó và đưa nó về nhà sớm. Khi tôi bước đến gần chiếc xe hơi, qua cửa kính tôi đã thấy cô bé ngồi lọt thỏm ở băng sau. Tôi mở cửa xe bước vào, ngồi xuống bên em rồi đóng cửa lại. Tôi nói người tài xế cho xe chạy ra hồ Xuân Hương. Anh gật đầu và mở máy xe. Cô bé nói: - Còn bà vú nữa. Tôi cười: - Hôm nay tôi là bà vú của em. Cô bé vỗ tay: - Hay quá! Em có thêm một "ông vú " mới. Tôi vỗ nhẹ đầu em: - Nói bậy. Làm gì có "ông vú". - Vậy ông là "bà vú" được à? Tôi vỗ nhẹ đầu mình: - À... tôi là "ông bạn". Chiếc xe xuống đồi nên có vẻ chạy nhanh hơn. Những hàng cây hai bên đường chỉ còn là những vệt xanh dài lướt thướt bên ngoài cửa xe. Nắng buổi chiều vàng sậm trên những vạt đất đỏ lưng đồi. Hồ Xuân Hương nhìn từ xa, nước xanh như cỏ non. Buổi chiều mát nên nhiều người đi dạo trên bờ hồ. Xe chạy chậm chậm vòng quanh hồ. Tôi ra hiệu, người tài xế cho xe dừng lại ở chỗ cầu gỗ, nơi tôi đã gặp cô bé lần đầu tiên. Tôi mở cửa xe, dắt cô bé ra ngoài rồi quay vào nói với người tài xế. - Tám giờ tối, anh đến đón chúng tôi trước chợ Hòa Bình. Người tài xế gật đầu. Ít nói như anh cũng hay, bởi nói nhiều người ta dễ "loạng quạng" tay lái. Tôi đóng cửa xe lại và chiếc xe phóng đi. Quán kem gần cầu gỗ đang đông khách. Nhạc hải ngoại vang lên oang oang lời ca thương nhớ quê hương. Tôi dắt cô bé đi nhưng em níu tay tôi đứng lại nói: - Chỗ này em tìm rồi mà. - Không phải chỗ này. Chúng ta đi tìm ở một chỗ khác. Tôi đến quầy mua vé thuê một chiếc pédalo rồi dắt cô bé ra cầu gỗ. Tôi đỡ em xuống ngồi ở chiếc pédalo có hình con thiên nga trắng. Tôi mở dây cột và đạp cho pédalo tiến ra giữa hồ. Trời trong xanh không một gợn mây, hơi nước phả lên mát rượi. Ðến giữa hồ, tôi ngừng đạp. Chiếc pédalo vẫn từ từ trôi đi. Tôi cúi xuống nắm chân cô bé đặt vào bàn đạp kế bên: - Em hãy đạp đi. Cô bé quay qua tôi, hỏi: - Ðể làm gì vậy? Nó vẫn trôi được mà. - Em hãy hoạt động hai chân cho đầu óc bớt căng thẳng. Khi đầu óc thoải mái, em sẽ nhớ được nhiều chuyện đã quên. - Nhưng em có quên cái gì đâu? - Vậy chứ em đã đánh mất cái gì? - Em đã đánh mất... Cô bé cúi đầu, cắn môi. Tôi nói: - Ðừng suy nghĩ nữa. Em hãy đạp đi. Cô bé nhấn mạnh bàn đạp. Chiếc pédalo lúc lắc. Em chưa đạp đều chân nên chiếc pédalo cứ quay vòng một chỗ. Tôi thản nhiên móc túi lấy thuốc hút, mặc cho em xoay xở. Em có đổ mồ hôi may ra mới nhớ được điều em đã quên. Ðạp được một lúc, trán em đã lấm tấm những giọt mồ hôi. Tôi lấy khăn tay lau trán em và nói: - Thôi em nghỉ đi. Tới phiên tôi đạp. Tôi kéo tay lái lên, chiếc pédalo từ từ chạy về phía bên phải. Trước mặt tôi là nhà hàng Thủy Tạ ngập trong nắng chiều. Cô bé ngả đầu vào lưng ghế. Gió thổi làm tóc em bay lòa xòa ở hai mang tai. Ðột nhiên em chồm tới trước và chỉ tay xuống mặt hồ: - Nó kìa. Tôi vội giữ chặt vai cô bé, sợ em ngã xuống hồ rồi nhìn theo ngón tay em chỉ. Mặt hồ phẳng lặng, nước xanh đậm, tôi không trông thấy gì. - Ông đạp lùi lại đi. Nó đã nằm ở phía dưới pédalo. Tôi đạp ngược bàn đạp cho pédalo lùi lại một đoạn. Cô bé chỉ tay vào chỗ bọt nước trắng xóa do guồng pédalo khuấy động: - Nó đó. Ông vớt giùm em đi. Một nhánh rong đang trôi vật vờ trong bọt nước. Tôi lái pédalo lách qua một bên rồi cúi xuống vớt nhánh rong lên. Tôi đưa nhánh rong sũng nước cho cô bé: - Nó đấy à? Cô bé im lặng, lật qua lật lại nhánh rong dài trong lòng bàn tay. Rồi em lắc đầu ném nhánh rong xuống hồ: - Ông vớt lầm rồi. Nó không phải là nhánh rong. Nó nằm ở phía dưới nhánh rong. Tôi thở dài ngao ngán: - Phía dưới nhánh rong là đáy hồ. Nếu nó nằm ở đó chắc phải lặn xuống dưới mới tìm thấy được. Ðột nhiên cô bé xô tôi thật mạnh. May mà tôi nắm kịp cái cánh của con thiên nga pédalo, nếu không chắc tôi đã ngã nhào xuống hồ. Cô bé vừa tiếp tục xô đẩy tôi vừa nói: - Ông lặn xuống dưới đó tìm kiếm đi. Ông đã hứa giúp em mà. Tôi giữ chặt hai tay cô bé. Biết em đang "lên cơn", tôi cố gắng nói ôn tồn: - Ðừng giỡn nhỏ. Tôi không biết bơi. Hãy đợi hôm nào người ta xả hết nước hồ, tôi sẽ đi xuống dưới đó tìm giúp em. Tôi buông tay cô bé ra. Em ngồi xuống ghế thở hổn hển: - Vậy bao giờ người ta mới xả nước hồ? - Năm mười năm gì đó, người ta xả nước hồ một lần để làm vệ sinh hồ. Mặt cô bé buồn thiu: - Phải chờ đợi năm mười năm nữa chắc em đã chết. Tôi nói đùa: - Em đừng lo. Người có đôi tai dài như em sẽ sống đến trăm tuổi. - Một ngày không thở, ông chịu nổi không? - Ðừng nói một ngày, một phút tôi chịu cũng không nổi. - Em cũng vậy. Nếu không tìm ra cái đó. - A! Vậy tôi biết em đánh mất cái gì rồi. - Ông nói nó là cái gì? - Không khí. Chỉ thiếu nó một phút là người ta không chịu nổi. Và để làm trò hề cho em cười, tôi đưa hai tay ra phía trước chụp bắt. Rồi tôi nắm chặt hai bàn tay mình, đặt lên hai bàn tay em. - Tôi đã bắt được nó rồi. Này em hãy giữ chặt lấy, không nó bay mất. Tôi xòe hai bàn tay ra. Hai bàn tay cô bé vẫn hững hờ mở rộng, không nắm lại hưởng ứng trò hề của tôi. Em nhăn mặt tỏ vẻ khó chịu. - Em đã nói nó không ở trên trời, nó nằm trên mặt đất. Mà không chừng ông nói đúng. Nó nằm dưới đáy hồ này. Cô bé nhìn chăm chăm xuống mặt hồ rộng. Sợ em lao ẩu xuống đáy hồ, tôi phải đặt một tay lên vai em đề phòng. Biết tánh em đã nghĩ đến cái gì là nghĩ đến "chết" cái đó, tôi giả đò coi đồng hồ rồi nói: - Ðã hết giờ thuê pédalo rồi. Chúng ta vào bờ. Tôi ấn tay lái xuống cho pédalo quẹo trái rồi đạp thật nhanh vào bờ. Tôi muốn rời xa cái đáy hồ đang lởn vởn trong đầu em. Nắng chiều đã nhạt khi chúng tôi leo lên cầu gỗ. Tôi dắt cô bé băng qua đường, đi bên lề trái về hướng trung tâm thành phố. Tôi ngại không dám bắt em đi dọc theo bờ hồ dù bên ấy mát hơn, nhưng lại giúp em dễ dàng liên tưởng đến đáy hồ hơn. Tôi muốn dắt cô bé đi xem phim cho đầu óc em bớt căng thẳng. Nhưng khổ nỗi đi qua ba rạp chiếu bóng đều thấy quảng cáo chiếu phim quyền cước Hong Kong, chẳng thích hợp với em. Tôi đành dắt em đi dạo xem các cửa hàng. Ðèn đường và đèn các cửa hàng đã bật sáng. Khi đi ngang qua một hiệu sách, tôi kéo cô bé cùng bước vào. Tôi muốn mua một cuốn tiểu thuyết để đọc, đồng thời mua tặng cô bé một quyển sách để làm kỷ niệm. Trong khi tôi mải nhìn lên kệ sách để tìm một cuốn truyện ưng ý thì cô bé vẫn ngó lơ đi chỗ khác. Tôi nắm tay em, hỏi: - Em thích cuốn sách nào? Tôi sẽ mua tặng em. Cô bé lắc đầu: - Em không thích sách. - Tại sao vậy? - Má nói ba em chết cũng tại sách. Tôi nghe mà rùng mình, vội keó cô bé bước đi. Ngang qua tủ kính, cô bé đứng lại nhìn những đồ bách hóa bày bên trong. Tôi hỏi: - Em muốn mua món gì? Cô bé lắc đầu. Nhưng tôi vẫn gọi cô bán hàng lại, nhờ cô lấy một kẹp tóc bày trong tủ kính. Tôi cài cái kẹp lên mái tóc em và nói: - Tôi tặng em. Cô bé vuốt vuốt cái kẹp tóc nói: - Tại sao ông lại tặng em cái kẹp này? - Tại em nói cái em đã đánh mất có màu xanh lá cây. Biết đâu cái kẹp tóc màu xanh lá cây này chính là cái mà em đã đánh mất. Cô bé liền chỉ một hộp quẹt gaz trong tủ kính: - Cái đó cũng màu xanh lá cây. Vậy ông hãy mua tặng em luôn. Tôi cười nhăn nhó: - Ðược thôi. May thay trong tủ kính không còn món hàng gì màu xanh lá cây. Nếu không thì tôi.... rỗng túi. Và mặc dù tôi đã trả tiền đầy đủ, cô bán hàng vẫn ngơ ngác nhìn chúng tôi như những kẻ thiếu nợ. Vừa bước ra cửa hiệu sách, tôi gặp Hạnh và Liên bước vào. Hai người chắc vừa đi tập kịch về. Hạnh nói: - Sao chiều này anh không đến xem tụi em tập màn cuối? - Tôi đang bận viết một vở kịch mới. Liên cười nói: - Vậy tụi em sắp có kịch để diễn tiếp rồi. Bây giờ tụi em xin đãi "tác giả" một chầu bún bò Huế. Tôi chỉ cô bé đang đứng một mình bên lề đường nhìn xe cộ qua lại: - Cho tôi mời cô bạn nhỏ kia đi cùng được không? Hạnh nhìn cô bé, hỏi: - Ai vậy? - Em không nhận ra cô nhỏ em đã gặp một lần ở đồi cù? Hạnh trợn mắt nói: - Con nhỏ "mát" đó à! Nó mau lớn quá vậy? Tôi cười nói: - Cô bé ấy không "mát" đâu. Cô ấy vừa làm cho tôi "mát" thì có. Ðể tôi gọi cô bé cùng đi ăn cho vui. Tôi bước đến chỗ cô bé đứng, vỗ vai em và nói: - Có người mời chúng ta đi ăn bún bò Huế, em đi không? Cô bé vẫn nhìn xe cộ và hỏi: - Ai vậy? - Những người bạn đóng kịch của tôi. Cô bé quay qua nhìn tôi, hỏi: - Ông cũng biết đóng kịch à? - Không. Tôi viết kịch. Bây giờ chúng ta cùng đi ăn với bọn họ cho vui. - Ông hãy đi ăn với họ đi. Em không thích ăn bún bò Huế. Tôi lắc đầu, đi trở lại chỗ hai cô bạn gái và ngỏ lời xin lỗi họ. Hạnh nắm tay Liên kéo đi: - Ông ấy không thèm đi với tụi mình đâu. Ðã có cô con gái của bà tỉ phú rồi. Nàng quay qua hỏi "móc" tôi: - Ðấy có phải là vở kịch mới của ông? - Ồ! Không phải vậy... Tôi muốn giải thích cho Hạnh hiểu nhưng hai người đã bước đi thật nhanh. Tôi lắc đầu, đi đến chỗ cô bé đứng. - Thôi chúng ta đi ăn cơm bình dân. Sắp đến giờ xe đến đón em về rồi. Cô bé quay lại nhìn tôi, nói: - Em không thích ăn cơm bình dân. Tôi bực mình, gắt: - Vậy em thích ăn gì? - Bún bò Huế. Tôi gãi đầu, vò tai: - Vậy sao hồi nãy em nói không thích ăn. Cô bé bật quẹt gas tôi mới mua tặng em. Em đưa hộp quẹt lên ngang mặt tôi, như muốn đốt lửa cho tôi mồi thuốc. - Em không thích ăn bún bò Huế với người lạ. Còn với ông thì khác. Tôi vừa thò tay vào túi áo rút ra được một điếu thuốc thì cô bé tắt quẹt gaz: - Em đâu có bật quẹt cho ông mồi thuốc. Em chỉ tò mò muốn biết mặt ông khi nhăn nhó ra sao.