Biển dập dềnh, gió phập phềnh, đêm bồng bềnh mùi hương của nhựa thông và cỏ hương bài. Trời đêm cuối tháng loang loãng một màu mực Tàu, không sao, không trăng. Sau một chuyến đi dài, cứ ngỡ sẽ ngủ ngon mà sao tôi thấy trằn trọc không sao nhắm nổi mắt. Tôi mặc quần áo, lững thững ra bến phà rồi ngược con đường dốc đi Hoành Bồ, thơ thẩn ngắm cảnh vụng Đâng. Từ trên đồi thông vọng lại một giọng nam cao âm bài “Trở về Prô-văng-xơ” của Ju-jep-vec-di. Tiếng hát diết da bay bổng khiến trời vịnh Hạ Long cũng rung lên bần bật như một dây đàn. Nó tan loãng vào sương đêm, thấm vào tim tôi, khơi gợi cả một niềm hoài ức xa xăm. Càng về cuối bài, tiếng hát càng vang xa dồn dập, khi nghẹn ngào tha thiết, lúc trào dâng ngập ứ cả không gian:
“Còn nhớ tới giấc mơ xa xôi – Con hãy nghe cha quên đi rồi – Đồng quê phơi phới – Tiếng sáo lưng đồi – Trở về đi thôi!...”
Tôi như đóng đinh bên mép nước vụng Đâng, bồi hồi xao xuyến. Ở cái thành phố mở cửa, nhộn nhạo mọi thứ lai căng cả Tây lẫn Tàu, cuối những năm 90 này, thật không ngờ tôi được gặp lại giai điệu trữ tình trong vở nhạc kịch cổ điển của Ju-jep-vec-di qua giọng hát đầy chất Opera. Hơn nữa nó được cất lên từ đốm lửa trên ngọn đồi thông non giữa đêm cuối tháng huyền bí. Tôi tha thẩn tìm  kiếm một lối mòn rồi hăm hở leo dốc, hương về phía tiếng hát. Tới nơi, trước mặt tôi là người đàn ông trạc ngoài 40 tuổi, vẻ người phong lưu đĩnh đạc, nhưng nét từng trải hằn rõ trên vầng trán và cặp mắt sâu đen đang ánh lên niềm hoài vọng bên đống lửa bập bùng. Anh ngước nhìn tôi khẽ gật đầu, chìa tay mời ngồi rồi ôm đàn say sưa hát tiếp. Có đến gần nhìn và nghe anh hát tôi mới cảm thấy trời sinh ra anh để hát những bản tình ca buồn. Mỗi chỗ luyến láy chùm sáu, chùm tám được anh miết hơi, nhả lời êm mượt và sâu lắng. Nó lan tỏa khắp đồi thông non bát ngát, là là chấp chới trên từng ngọn cỏ ướt đẫm sương đêm, khiến từng gốc thông như rưng rưng tứa nhựa ra khỏi vỏ…
- Anh có giọng hát tuyệt vời, nhưng hơi buồn – Tôi nói.
Người đàn ông khẽ mỉm cười, quay sang tôi đáp:
- Có ai vui hết cả cuộc đời đâu anh?.
- Vâng, có lẽ là như vậy.
- Tôi có cảm nghĩ cái vui dễ làm người ta hư đốn, còn cái buồn thường cho ta thêm nghị lực, giúp ta sống tốt lên, sống đẹp hơn.
- Anh nói chuyện cứ như một triết gia. Anh ra đây nghỉ hay đi công tác?
- Nếu đi nghỉ tôi đã ở bên Bãi Cháy ăn nhậu, gái gú như bao “thượng đế” thừa mứa tiền và quyền thời mở cửa. Các khách sạn bên Hòn Gai dành cho người đi buôn và đi làm việc. Nhưng công tác!... A ha!...Từ lúc 18 tuổi đời, tôi chưa hề có khái niệm về cơ quan, công chức làm sao có khái niệm đi công tác. Tôi đi buôn ông anh ạ!
- Thời mở cửa bây giờ có lẽ làm ông chủ như anh lại sướng gấp nhiều lần công chức ăn lương như tụi tôi.
- Số phận cả thôi. Nói cho nó nhanh! Tôi nom anh có dáng công chức. Suốt thời trai trẻ các anh được Nhà nước bao cấp, người đời trọng vọng. Còn tôi thời ấy là một thằng tù, một thằng khốn khổ khốn nạn, bị người đời ghê tởm, khinh ghét…
- Vậy giờ anh làm gì?
- Tôi làm chủ một công ty xây dựng và kinh doanh bất động sản, kiêm cả buôn bán vật liệu xây dựng nhập từ Trung Quốc. Số phận cả thôi. Sao đổi ngôi ấy mà. Tôi ghé nghỉ lại biệt thự riêng của mình ở đồi thông này rồi mai đi tiếp lên Móng Cái lấy hàng.
- Nghe nói buôn mặt hàng này trúng to lắm?
- Cũng tùy người. Ối anh năm vừa rồi chết sặc máu vì tồn hàng. Làm nghề nào buôn thêm vật liệu của nghề ấy như tôi mới ăn chắc. May mắn trúng quả thì lãi to, còn nếu tồn hàng coi như mình mua dự trữ vật liệu cho công trình. Bí quyết này là của ông cụ có tên Phúc Bụt, Phúc Phật dạy tôi.
- Mới nghe anh nói đã thấy anh là người kinh doanh lão luyện.
Người đàn ông mỉm cười nhìn tôi thân thiện. Anh với chai rượu ở gốc cây thông rót mời tôi một chén và nói:
- Tôi đã nói với anh rồi. Tôi vốn là thằng tù. Nghề xây dựng là nghề của tù. Đã vào đến trại nếu là người thôn quê thì cuốc đất cày ruộng, nếu là dân thành phố thì trai làm nề hay làm mộc, gái học nghề may hoặc mây tre. Nhà tù cho tôi nghề mộc nhưng để tôi làm người và bây giờ thành ông chủ là nhờ một vị phật sống. Ông ấy là quản giáo ở trại giam nhưng không giống nhiều người coi tù kác. Giờ ông đã thành phật, mãi mãi thành phật trong lòng tôi và các bạn tù của tôi.
- Có lẽ nghề coi tù làm ông ấy cuối đời cảm thấy áy náy nên đã đi tu chăng?
- Không, anh nhầm rồi. Lên chùa đi tu hóa lại dễ, tu giữa đời thường mới khó. Các cụ ta chẳng có câu: “Thứ nhất tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa”. Ở xứ sở mình có một thời nhiều người ngoài đời cũng khốn khổ và chỉ biết phục tùng mệnh lệnh thì trong trại giam các ông quản giáo nhiều kẻ là “bố tù”, hành hạ chúng tôi cả linh hồn lẫn thể xác. Nhưng ông cụ quản giáo ấy thì khác, tất tật đám tù nhân trong trại đều gọi là Bụt, là Phật. Tôi mang ơn ông cụ như ơn cha, ơn mẹ. Ông cụ vừa quy tiên, hóa Phật. Tôi lo liệu cho cụ, đứng chủ tế như con trai rồi đi ra đây. Đêm nay nhớ cụ, nhớ quãng đời cay dắng đã qua, tôi hát lại bài hát mà ngày xưa cụ rất thích nghe tôi hát vào những đêm tối trăng giữa núi rừng hoang lạnh.
Tôi nắm tay anh bóp nhẹ, xin được nghe lại bài “Trở về Prô-văng-xơ”. Đêm đó chúng tôi ngồi uống rượu, lầm rầm tâm sự đến sáng. Anh đã kể cho tôi nghe về cuộc đời mình gắn bó ra sao với vị phật sống của anh.
Tôi sinh ra và lớn lên ở phố cổ giữa lòng Hà Nội. Từ nhỏ, ngày rằm, mồng một tôi thường bám theo mẹ lên chùa Bà Đá lễ Phật. Sư cụ trên chùa dạy mẹ: “Thân xác con đã gửi nơi trần thế thì tâm tính phải theo phép Lục hòa của Phật tổ răn dạy”. Chẳng biết mẹ tôi nhớ là làm theo lời dạy của sư cụ ra sao, nhưng suốt đời người không bao giờ cáu giận, thù ghét ai. Ai cũng bảo người khôn buôn bán lắm tài nhiều lộc bởi người không bao giờ thất tín và chẳng ai nỡ lừa hay hại người. Mẹ tôi có cửa hàng buôn bán chỉ thêu nằm giữa phố, bố tôi làm công chức ở nha tài chính của người Pháp, giỏi nghề và hiền như cục đất. Ngôi nhà mặt tiền bé, chỉ có chiều sâu nên chia làm hai khối, có sân ở giữa, lối đi lên tầng hai bằng cầu thang gỗ tỏa về hai nhánh. Sau này khu nhà chính phía ngoài của bố mẹ tôi được chia cho một ông cán bộ hành chính tiểu khu, quê Nghệ Tĩnh. Gia đình tôi ở phía trong, trên thờ ông bà tổ tiên, dưới ăn nghỉ sinh hoạt. May tôi là con một, gia đình chỉ có 3 người nên cũng tạm ổn. Chỉ phiền phức một chút là lối đi chung với hộ bên ngoài, còn họ lại chung nhà vệ sinh với chúng tôi. Dẫu sao lâu dần thành quen. Sau này khi tôi lớn mỗi lần có chuyện xích mích với hộ nhà ngoài, mẹ thường nhắc tôi nghe điều răn của Phật trong phép lục hòa. Mẹ dạy: “Người ta sống ở đời cốt nhất phải thân hòa. Một khi thân ta đã hòa vào mọi người sẽ có khẩu hòa, ý hòa, kiến hòa, giới hòa, lợi hòa. Nếu có lần nào người nhà ngoài khó chịu gây chuyện với nhà ta về việc dắt xe qua nơi họ ở, con hãy tự kiềm chế và nghĩ lại mình có lúc bực dọc cằn nhằn họ đi nhà vệ sinh không dội nước. Ấy chính là thân con đã hòa một chút, lập tức khẩu sẽ hòa… Giới hòa, lợi hòa Phật xếp sau cùng nhưng xét kỹ đã có bốn điều hòa ở trên, ắt có hai điều hòa ở dưới, con ạ!…”.
Có lẽ khi được sống gần mẹ, tôi còn bé, chưa kịp hiểu và chiêm nghiệm những điều mẹ nói, những việc mẹ làm. Thay vì được ở bên mẹ, số phận lại đun đẩy tôi gặp ông  Phúc, gắn bó với ông gần hết cả cuộc đời. Câu chuyện bắt đầu từ một tai họa hay lỗi lầm của tôi đã vi phạm phép lục hòa. Oái oăm là ở chỗ tôi không giữ được “thân hòa” như lời mẹ dạy bởi cả nhà tôi đang yên đang lành bỗng dưng phải sống “xác hòa” với những người xa lạ trong chính ngôi nhà của mình! Con người ta theo triết lý đạo Phật gồm có thể xác, thể phách và thể hồn. Nói thân hòa là hòa ở thể hồn, chứ đâu phải như mẹ con tôi bị nhốt thân xác ở chung với một lão già vô liêm sỉ cho hòa đồng giai cấp. “Xác hòa” kiểu ấy chỉ làm duyên cớ cho thù hận mà thôi. Và thế là năm 1973 ta ký kết hiệp định đình chiến. Trước đó cả thành phố đều sơ tán tránh B52. Khi gia đình tôi trở về thấy ông chủ nhà ngoài đã nghiễm nhiên cho cả gia đình vào ở hết nhà trong. Bàn thờ trên gác, đồ đạc dưới nhà của bố mẹ tôi bị chất đống trong gian nhà bếp lợp mái tôn vẻn vẹn chỉ có 8m2, lại sát kề nhà xí. Ông ta thản nhiên chìa tờ quyết định phân thêm diện tích của phòng nhà đất và nói:
- Muốn thắc mắc xin mời các vị lên khu.
Mẹ tôi lên khu nhận được câu trả lợi lạnh tanh:
- Nghe đồn bác và gia đình gặp tai nạn chiến tranh nên ngôi nhà đã phân cho người khác.
- Vậy các vị vất chúng tôi ra đường à?
- Về làm đơn chờ giải quyết phân chỗ khác. Bà nên nhớ mình có tên trong danh sách vợ ngụy quân, ngụy quyền.
- Nhưng trước mắt chúng tôi ở đâu? – Mẹ tôi phẫn nộ hỏi.
- Nghe nói còn gian bếp các vị ở tạm, chờ chúng tôi tìm cho căn hộ khác. Các vị thông cảm. Chiến tranh mà! Tôi đang bận…
Từ hôm đó cả nhà tôi phải chui rúc trong gian bếp lợp tôn 8m2, khai nồng mùi nước đái của hộ ngoài cố tình không dội nước. Tôi khi đó vừa tốt nghiệp cấp III, đẹp trai, đàn hay hát giỏi nhưng lại lành như đất, không gây sự với ai bao giờ. Trò đời đã lành thường hay cục. Tôi chờ mẹ đi làm vắng, thủ sẵn một gói phân, bất ngờ xông ra chặn đường lão chủ hộ nhà ngoài, nhét cả gói vào mồm, trước mắt rất đông bà con dân phố. Bị các con ông ta vây đánh túi bụi, tôi không kiềm chế được rút dao đâm liều mấy nhát, làm chết thằng con cả và bị thương thằng con thứ hai. Tòa xử tôi 18 năm tù đưa về trại giam Tân Lạc. Tôi ôm hận đi tù nhưng bù lại bố mẹ tôi đòi lại được ngôi nhà như cũ và may mắn cho tôi đã gặp ông Phúc giữa những ngày đau khổ, bị dày vò thể xác bởi đám tù lưu manh, đói ăn, tàn bạo.
Anh bạn ngừng kể thở dài, mắt đăm đăm nhìn vào đống lửa. Lúc này tôi mới có dịp quan sát kỹ hơn. Gương mặt vuông chữ điền, cằm chẻ, sống mũi cao và thẳng. Đuôi mắt anh dài ẩn dưới hàng mi cong, sách tướng gọi là người đa sầu đa cảm. Nhìn anh tôi liên tưởng đến một cậu học trò xinh trai đang ôm đàn hát cho bạn bè nghe trong đêm chia tay, giã biệt đời học sinh, tung cánh bay đi bốn phương trời. Vậy mà…? Anh bạn nhoài người với con mực khô, nướng và mời tôi uống rượu. Vừa uống anh vừa kể tiếp trong khi tôi đang mải mê ngắm nhìn những thanh củi bọt xèo xèo tứa ra ở đầu như lệ ứa:
- Anh biết đấy, năm tôi vào tù ngoài đời còn phải ăn độn bột mỳ, độn ngô, độn bo bo. Về khoản ăn con người cũng chỉ là một động vật không hơn, không kém. Đói ăn con người đối xử với nhau tàn bạo còn hơn cầm thú, nhất là trong trại giam. Bọn tôi được xếp vào hạng tù rận rệp nên mỗi người nhập trại đều được lĩnh 20 gót chân. Đó là cách tra tấn khủng khiếp nhưng rất kín đáo. Một tên tù trật tự kê sẵn chiếc chăn bông từ ngực đến mặt tôi. Một tên khác giã gót chân dọc theo xương sống khiến tôi đau đớn quằn quại nhưng không thể kêu thành tiếng. Kẻ bị tra tấn không có một dấu vết bầm tím nào. Người bị đánh đương nhiên không dám khai và thế là mọi việc rơi vào im lặng. Sau trận đòn tôi được “bạn tù” nằm bên gợi ý nhắn người nhà tiếp tế. Mẹ tôi là xã viên tổ hợp tác đan len, lương tháng 45 đồng làm sao có thể thăm nuôi thường xuyên theo yêu cầu của bọn “đầu gấu”? Tôi bị liệt vào đẳng cấp tù loại ba, bất cứ ai trong phòng giam đều có thể đánh đập, xỉ nhục. Nhiều khi ngứa tay, ngứa chân họ chỉ cần ghép cho tôi cái tội nhìn đểu cũng đủ om xương. Một lần họ cân cơm thẩy quả cân chưa thăng bằng tôi vô tình nhắc người cầm cân, lập tức sau bữa ăn bị trận đòn “thông tai”. Tôi bị buồng trưởng gọi ra ngoài xếp bằng tròn, chống tay lên đùi. Tên tù trật tự hai tay cầm chiếc dép tông Thái Lan vỗ liên tiếp vào mang tai. Tôi thấy nhói đau, đầu óc như bị đóng đinh dài xuyên qua hai bên thái dương. Chỉ một lúc sau máu mồm, máu mũi tôi ộc ra và ngất xỉu. Hôm đó buồng giam có ông Phúc mới về phụ trách thay cho quản giáo cũ chuyển đi phân trại khác. Ông phát hiện ra tôi nằm ngất, mặt xanh như tàu lá, tay chân mềm nhũn liền ra lệnh khiêng tôi lên trạm xá. Ông chỉ nhìn thẳng vào tên Quân lé buồng trưởng bằng tia mắt sắc lạnh, nhưng không hề nói một lời nào. Đến trạm xá nhìn thằng bé trẻ măng, sớm trở nên thân tàn ma dại ông ôm chầm lấy tôi nghẹn ngào, mắt đỏ hoe:
- Tội nợ từ kiếp nào mà khổ thế hở con?
- Con… con… Dạ thưa… thưa cán bộ!
- Nằm yên, đừng cựa quậy hoặc nói gì. Ta sẽ gọi y tá tiêm thuốc trợ tim và lấy dầu xoa bóp cho con.
Chỉ cần ngần ấy lời đơn giản mộc mạc đã đủ thoa nhẹ nỗi đau âm ỉ trong lòng tôi. Cảm giác ban đầu như một nhân điện sinh học truyền từ bàn tay thô ráp sang người và mách bảo tôi rằng ông sẽ là người cha thứ hai trong đời. Ông Phúc cho tôi ở lại trạm xá mấy ngày tĩnh dưỡng và dúi vào tay tôi mẩu sâm Cát Lâm bằng đầu ngón tay cái. Trở về buồng giam ông không hề quát mắng, chỉ ôn tồn căn dặn mọi người chấp hành kỷ luật, đã xa nhà phải biết thương yêu đùm bọc nhau. Riêng với Quân lé buồng trưởng ông ra lệnh biệt giam. Ai cũng nghĩ Quân lé sẽ bị cùm, phạt đòn. Nhưng ông Phúc chỉ cho giam y vào một buồng giam rộng 100m2 mới xây dựng thêm, chưa có một bóng phạm nhân nào. 15 ngày sống giữa buồng giam mênh mông, hai bên là bệ xi măng đen bóng, lạnh toát, Quân lé cảm thấy mình rơi thỏm xuống cung Diêm Vương âm u. Y thèm khát một bóng người, một lời nói. Có lúc y gào rống lên như một thằng điên. Y năn nỉ tù tự giác vào đưa cơm, nhờ xin gặp ông Phúc. Vừa nhìn thấy ông Phúc, y lao tới quỳ mọp dưới chân lạy như tế sao:
- Con lạy ông, cắn cỏ lạy ông. Xin ông cho con về với anh em. Sống thế này con phát điên lên mất.
- Sao? Anh sợ sự cô đơn thế kia à?
- Vâng. Chẳng thà ông cùm chân hay đánh con, giam con vào xà lim toen hoẻn 6m2 lại đỡ sợ hơn cái buồng rộng rênh, im lặng và hoang vắng thế này. Kinh khủng quá, bố ơi!
- Nghĩa là anh thèm sống gần đồng loại của mình?
- Dạ thưa ông, vâng ạ!
- Vậy sao khi gần họ anh giở hết thú tính ra với người ta?
- Con biết tội rồi, lạy ông tha cho con. Từ nay con sẽ chừa ạ!
Từ cái đận đó, Quân lé sợ ông Phúc một phép. Trật tự buồng giam cũng đi vào quy củ. Năng suất các tổ nề, tổ mộc, tổ đóng gạch cũng ngày một cao. Ông Phúc chưa một lần mắng mỏ hay nặng lời với tù nhân. Vậy mà ông nói gì họ nghe nấy, làm gì họ cũng làm theo. Mỗi lần có sự lộn xộn ở buồng giam hay trong lúc lao động chúng tôi thấy nét mặt hơi đượm buồn. Ông gọi mọi người lại cho hút thuốc lào rồi nói:
- Các anh đều là những kẻ phạm tội phải lưu đầy xa nhà. Cái thân tôi cũng khốn khổ, khốn nạn như các anh thôi. Các anh không thương lấy nhau thì ai thương thay cho? Lúc nào cơn ác nổi lên toan hành hạ bạn mình hãy cứ tưởng tượng ở nhà con em các anh bị người khác đánh đập, hạ nhục thì cơn ác sẽ nguội tan dần. Sau này ra đời định lừa ai hãy nghĩ bố mẹ hay người thân mình cũng có thể bị lừa. Các anh định hiếp ai hãy nhớ mẹ, vợ và em gái mình cũng là đàn bà. Đấy, phương châm triết lý sống thiện của tôi chỉ đơn giản như vậy. Ngày nghỉ, sống độc thân chẳng biết đi đâu, làm gì nên tôi hay lên chùa. Tôi nghe các sư nói trong đạo Phật có phép Lục hòa và cái hòa lớn nhất, cái quan trọng nhất là thân hòa. Muốn có thân hòa trước hết cái tâm phải thiện.
Tôi nghe ông Phúc nói mà ứa nước mắt vì nhớ mẹ. Người cũng từng dạy tôi như ông Phúc đang dạy. Khi sắp mãn hạn tù được tin bố mẹ đều qua đời, tôi thật sự coi ông Phúc như cha ruột của mình. Đám tù nhân chúng tôi truyền tụng nhau nhiều câu chuyện về ông Phúc Bụt sau này còn gọi là ông Phúc Phật. Ông quê ở Gia Viễn – Ninh Bình, đi bộ đội đánh Pháp từ năm 16 tuổi, tham gia chiến dịch Hà Nam Ninh rồi sau đó tham gia đoàn tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Hòa bình về thăm quê ông mới biết cả nhà bị Tây giết trong một trận càn, cửa nhà bị đốt cháy rụi. Ông bảo, mình không biết chữ nên được chiếu cố chuyển ngành sang công an làm quản giáo ở những trại tù heo hút vì một lý do không vướng bận gia đình hóa ra thành anh tù chung thân. Thế nhưng ông đến nơi nào tù nhân rất sợ vì sự im lặng, sau quen dần kính phục gọi ông là bụt, là phật. Người ta kể rằng ngày đầu làm nghề quản giáo ở trại giam Phú Lương rất đông tù nữ mà quản giáo nữ lại thiếu. Thấy ông cứng tuổi, hiền lành, mát tính nên Bam giám thị giao cho phụ trách buồng giam rất nhiều “nữ quái” làm nghề tú bà hay buôn thuốc phiện. Giữa trưa hè, họ bắt chị em hết lượt cởi quần áo, trần truồng khiêu khích ông. Một lần ông nhắm mắt cầm gậy đi dọc buồng giam chỉ vào hai bệ xi măng yêu cầu mọi người mặc quần áo. “Nữ quái” buồng trưởng túm lấy đầu gậy lắc qua lắc lại kêu to:
- Đau em quá, anh cán bộ ơi!... Nhưng mà sướng…sướng lắm, giời ơi là giời! Suối nguồn tươi mát của em ào cả ra đầu gậy rồi, cán bộ ơi… ời…
Ông Phúc luống cuống choàng mở mắt làm tất cả cười ré lên. Sau vụ đó giám thị cho biệt giam “nữ quái” buồng trưởng dưới hầm có nước ngập đến mắt cá chân. Chỉ sau một ngày bàn chân chị ta ngứa ngáy, bệt bợt, nhăn nheo. Hễ nhác thấy bóng người chị ta tru lên như con sói hú, đòi được ra ngoài. Chính ông Phúc đã thương hại xin tha cho chị ta. Thế rồi không hiểu bằng cách gì ông đã biến cải buồng giam đầy “nữ quái” ấy trở thành đơn vị lao động giỏi nhất trại. Chị em thương quý nhau như ruột thịt…
Đống lửa đã tắt rụi. Trên đống tro tàn loáng thoáng mấy vụn than hồng đang lịm tắt dưới sương đêm. Quanh tôi phảng phất hương vị thơm nồng của cỏ hương bài. Thứ cỏ này có rất nhiều ở vùng đồi Đông Bắc, dân làm nhang gọi rễ của nó là “mỏ quạ”, một loại hương liệu tạo nên chất “thơm say” chuyển tải những chất liệu “thơm sâu” của trầm và thuốc bắc cho những nén nhang thắp nơi cửa Phật. Tôi nghĩ đến người quản giáo già và thấy ông như rễ cỏ hương bài. Lòng tôi cứ miên man suy nghĩ về hai chữ “thân hòa” của bà mẹ anh bạn, của người coi tù vô danh. Họ là chất liệu nguyên sơ của những nén nhang thơm, lan bay giữa cõi đời trần tục. Anh bạn tôi bỗng nhiên mỉm cười, đôi mắt sáng lên và tôi nhìn thấy ở trong đó như có lửa. Anh kể:
- Kỷ niệm sâu sắc nhất sau này ảnh hưởng to lớn đến bước ngoặt trong đời kinh doanh của tôi là lần đi đẵn tre, chẻ hom, đánh gianh làm lán cho lò gạch. Ông Phúc dạy tôi làm việc gì dù là nề, mộc hay đốt lò gạch đều rất thạo và rất chỉn chu.
Lần ấy ông dạy tôi chẻ hom, đánh gianh. Ông bảo:
- Ở rừng sẵn tre nứa, con có thể lãng phí một chút cũng không sao. Sau này ra tù con làm nghề gì cũng phải biết tiết kiệm. Phương ngôn có câu: “Buôn tàu bán bè không bằng ăn dè tiết kiệm”. Ví như cây tre này, trước khi chẻ hom con chặt 80 phân gốc làm chổi tre, chặt 1,2 mét làm cán quốc, cán xẻng thế là không mất một tí gì ở cây tre. Lãi là ở đấy, lợi là ở đấy, con ạ! Đừng bao giờ cầu lợi bằng sự lừa lọc, trí trá.
Ngày ra tù tôi đến từ biệt ông và tỏ ý chán đời vì cha mẹ chết hết, nhà cửa chắc gì còn… Tôi ngỏ lời muốn sống thiện bằng cách đi tu ở chùa nào đó quanh trại giam. Lần đầu tiên tôi thấy ông Phúc giận dữ chỉ vào tôi đỏ gay mặt và mắng:
- Sao mày ngu thế hở con? Đi tu là ép xác trốn tránh cuộc đời, đạo Phật đâu có khuyến khích. Chỉ những người mới sinh ra chưa vẩn bụi đời mà cung số đã định sẵn làm người tu đồng tử mới nên khuyến khích để duy trì, chấn hưng đạo Phật. Con còn trẻ phải lao vào cuộc đời mà làm việc thiện, điều nghĩa. Chỉ cần trong phần đời còn lại con luôn tâm niệm, hành sự theo phép lục hòa mà mẹ con đã dạy thì trong tim con đã có Phật ngự rồi. Phúc lộc tất sẽ đến.
- Con xin nghe theo lời ông, nhưng ông bảo con ra tù nên làm nghề gì để sống trong sạch?
- Sự thành đạt của con người ta ở đời là vô cùng con ạ! Hãy bắt đầu lập nghiệp bằng nghề mình biết, mình yêu hay có nhiều kỷ niệm sâu nặng về nó. Quãng đời đi tù của con là sự trả giá cay đắng cho một lỗi lầm không đáng có. Ta thấy con ở tù nghề mộc, nghề nề đều khéo. Sao con không lập nghiệp bằng nghề xây dựng? Nếu có buôn bán gì thêm cũng chỉ nên quanh quẩn trong hai cái nghề nề, mộc thôi con ạ! Sau này tỉ dụ trời phật cho con được khá giả phải nhớ câu “phúc bất tận hưởng? và nên chia đều cái lợi, cái phúc cho người khác. Ở đời bây giờ nhiều kẻ có học vị, chức quyền mà vẫn ngu. Họ đem chia nhau cái lợi do tham ô, ăn cướp, buôn lậu mà cứ tưởng rằng sẽ bền. Thân chúng chưa hòa làm sao có khẩu hòa, ý hòa. Tự chúng sẽ vẫn nghi kỵ, thù oán và lúc họan nạn sẽ phản bội tố giác lẫn nhau để chết cùng một rọ.
Tôi nghe ông Phúc căn dặn, suy đi ngẫm lại càng tâm đắc. Tôi xin phép đi tìm cây đàn ghi ta hát tặng ông bài “Trở về Prô-văng-xơ” mà ông vẫn thích nghe mình hát vào đêm tối trời. Chia tay ông, tôi về Hà Nội ở nhờ trong gầm cầu giữa phố Phùng Hưng. Những ngày đầu tôi đi làm thuê cả nề lẫn mộc. Ai gọi gì tôi làm nấy. Dần dần tích cóp được ít tiền tôi nhận bao thầu những công trình nhỏ một hoặc hai tầng. Thợ của tôi đều là các bạn tù được tuyển chọn kỹ về tay nghề và lương tâm nghề nghiệp. Nguyên tắc dùng người của tôi vắn tắt, đã là bạn không bỏ nhau, có thể giúp nhau tiền hoặc cho nhau ăn chứ quyết không dùng người thiếu tài, mỏng đức. Lẽ đời nghèo thì lâu giàu mấy chốc. Gặp lúc Hà Nội bùng lan cơn sốt nhà đất, tôi mở rộng kinh doanh bao thầu các công trình lớn, kiêm thêm buôn bán bất động sản, vật liệu xây dựng. Nghe tin ông Phúc đã nghỉ hưu, mở quán nước ở ngã ba tỉnh lộ rẽ vào trại giam dể chỉ đường cho thân nhân tù phạm và giúp đỡ họ lúc cơ nhỡ. Tôi cùng hai người bạn tù đánh xe lên thăm ông cụ. Chúng tôi tìm mọi cách năn nỉ gần như ép ông cụ theo về Hà Nội để tôi phụng dưỡng tuổi già. Ở nhà lầu được nửa năm ông Phúc bảo tôi:
- Lão quen sống đời dân dã, mộc mạc. Ở đây suốt ngày lên lầu xuống lầu, ồn ào mà lão vẫn chỉ thấy buồn. Nếu anh có lòng thì tìm cho lão một miếng đất nhỏ ngoại ô rồi dựng gian lều tranh tre, nứa lá nhỏ để lão ăn chay, giúp người cơ nhỡ, lang thang.
- Ông giận con sao mà đòi đi?
- Lão sống cả đời không biết giận ai. Lão nói thật lòng. Nếu anh có tình thì cho lão được toại nguyện.
Tôi hiểu tâm tính và biết không thể giữ ông Phúc lại nhà mình, nhưng xa ông tôi không nỡ. Chúng tôi bàn nhau trong đám bạn tù, rồi mua miếng đất hơn trăm mét vuông ở Cầu Diễn. Tôi cho thiết kế một ngôi nhà gỗ 3 gian 2 chái và một sân cảnh chỉ để trồng hoa ngâu, hoa sói, hoa trà… Tôi còn thuê hẳn một nhóm họa sĩ đến đắp tượng Phật giữa sân nhà. Ngày ông qua đời tôi đứng chủ tế bồi hồi xúc động vì lễ tang ông có hàng trăm kẻ tù tội đã hoàn lương và bà con khắp làng trên xóm dưới quanh nơi ông ở. Đám tang ông kéo dài hàng cây số toàn những thằng tù như tôi cả. Từ nay mỗi tháng vào ngày rằm, mồng một tôi sẽ đến ngôi nhà ông ở để ăn chay và niệm Phật…
Hai chúng tôi ngồi uống rượu, đàn hát tâm sự đến lúc trời sáng bạch lúc nào không hay biết. Rừng thông non lao xao trong gió nhẹ, đung đưa những “chiếc ô” màu xanh, cái cao, cái thấp. Trời vụng Đâng như chiếc lồng pha lê trong suốt màu hồng nhạt đang dần dần ửng đỏ, pha lẫn những tia vàng, tím. Sóng nước lăn tăn. Không khí trong lành, tinh khiết, thơm tho mùi cỏ hương bài. Tôi cảm thấy như trời đất, cây cỏ, sóng nước, bông mây này đang tẩy gội sạch bong hết mọi bụi trần trong lòng. Tim tôi ấp ủ hình ảnh ông lão Phúc Bụt, chưa một lần ngồi thiền, thong dong tự tại đi giữa cõi đời nhiều khổ - đau – đắng – chát. Mặt biển chao nghiêng. Rừng thông non ngả bóng xuống lòng tôi, ngân rung lời hát của người bạn đường chưa hề quen biết…

Xem Tiếp: ----