Hai mí mắt đã sụp xuống dù tôi đã cố mở to, cổ tôi không giữ được cái đầu trống rỗng, cứ lắc la lắc lư, gật gà gật gù. Cuối cùng cơn buồn ngủ ập đến…Vai tôi bị lắc mạnh khiến tôi giựt mình mở choàng mắt ra. Cô đang đứng trước mặt nhìn tôi nghiêm khắc. “Buổi tối, em không có ngủ sao?” Tôi đứng lên, hai tay khoanh trước ngực và vẫn như mọi khi cô gọi, tôi nhìn xuống vì không dám nhìn cô. “Ba má bạn gây gỗ hoài nên bạn không ngủ được.” Một bạn ở gần nhà tôi buột miệng trả lời hướt. Tôi òa lên khóc nức nở. Mới hôm qua cô gọi lên trả bài tôi đã không thuộc. Tôi sợ hãi nhìn cây viết mực đỏ trên tay cô đang đặt trên trang vở. Tôi đã hứa với cô sẽ cố gắng chăm chỉ học. Năm đó tôi học lớp một. Những gì xảy ra không thể nhớ hết nhưng những gì nhớ được thì lại là nỗi kinh hoàng đột nhập vào giấy mơ tạo thành những cơn ác mộng. Cô Trúc đến với tôi khi tôi bắt đầu đi học. Bài học vỡ lòng cô dạy tôi vô cùng quý giá. Cô có một người con gái lớn hơn tôi vài tuổi. Lúc ấy tôi không hề thắc mắc: Ba chị đâu? Chúng tôi chơi với nhau chị chở che cho tôi như một người chị ruột. Trên bàn học của chị có chiếc đồng hồ reo hình chú gấu Misa tôi rất thích. Lúc ở nhà cô, tôi cảm thấy thật yên lành ấp áp như đang sống trong gia đình của mình. Một buổi tối, má đi làm về thấy ba nằm lăn lốc trên nền nhà, người đầy mùi rượu liền ném các thứ vừa mua được để nấu cơm tối ra ngoài sân và vào góc khóc. “Tôi đi làm cả ngày muốn đứt hơi mà anh còn ở nhà ăn nhậu. Chịu nỗi không nè trời!”. Má làm mướn ở một quán ăn, ba làm hồ, khi có việc khi không. “ Không có việc làm thì nhậu chứ sao!” Ba nhướng mắt lè nhè nói trong lúc má dùng chân đá vào người ba. Người ta bắt đầu xúm lại nhìn ngó xì xào, mặt dù chuyện như vậy vẫn thường xảy ra. Như vậy có nghĩa là tôi sẽ không được ăn gì cho đến khi lắng dịu đi, có thể hơn nữa đêm. Sau khi đã bình tâm lại và ngồi khóc tỉ tê, hả hê rồi má mới sực nhớ đến tôi thì tôi đang nằm còng queo ngủ trước hàng ba nhà hàng xóm. Có bàn tay ai đó kéo tôi ra khỏi đám đông. “Về nhà cô!” cô chở tôi bằng xe đạp qua hai con đường dài có nhiều nhà trồng hoa giấy đỏ và một cây cầu trắng trong mắt tôi lúc ấy cũng thật dài. Một ngôi nhà nhỏ có khuôn sân hẹp, rào sắt thưa, mái ngói đã cũ. Đêm đó, tôi ngủ với chị Ngọc, nghe cô kể chuyện cổ tích. Tôi ngủ say sưa trong mớ chăn nệm ấp áp, trong không gian êm ả tĩnh lặng đầy tình người. Tôi tỉnh giấc khi tiếng reo của tiếng đồng hồ vang lên. Cô đưa tôi về nhà để chuẩn bị đến trường. Ba ngồi gật gù ậm ừ như chưa tỉnh hẳn rượu còn má có vẻ bực bội khó chịu. Trận cải vả hôm qua vẫn còn lắng động trong nhà. Tôi lấm la lấm lét không dám nhìn ba má vì có thể bất ngờ tôi sẽ bị đánh mà không biết vì sao. Những bộ đồ đứt chỉ, sứt nút tôi vẫn mặt đi học, tôi không biết má có thấy hay không nữa. Có rất nhiều điều tôi không hiểu và không biết cho đến khi lớn lên trưởng thành. Tôi vẫn nhớ má dù má hay đánh tôi vẫn nhớ ba dù ba thường biểu tôi đi mua rượu khi bên ngoài trời tối đen. Có vài lần ba đến nhà cô đón tôi với vẻ hung dữ gây sự. “Mày ở luôn đằng đó thì tốt”. Trên đường về ba luôn miệng chì chiết. Lần nào tôi cũng im thin thít cho đến nhà. “Mày câm rồi hả?” Ba xô ngã chiếc xe đạp khi vừa về đến nhà, quát lên. Tôi đứng cúi đầu, nhìn xuống đất. Tôi được sinh ra trong một căn nhà trọ chật hẹp từ một phụ nữ chưa đầy hai mươi tuổi. Ba má tôi bỏ quê ra phố chợ để tìm một cuộc sống khá hơn, sung túc hơn. Nhưng sau này tôi hiểu, chốn thị thành nhiều cám dỗ, má tôi chán cuộc sống làm thuê làm mướn vất vả, chán người chồng không biết làm ăn, chữ không có và tiền cũng không có. Má chán luôn cả tôi, đứa con ngoài ý muốn của một lúc buông thả. Năm học đầu trôi qua, mùa hè đến rồi lại đi để năm học mới bắt đầu. Tôi lên lớp hai và không còn học cô Trúc nữa. Nhưng không vì vậy mà cô bỏ quên tôi dù thời gian rãnh rỗi của cô rất ít. Chưa hết học kỳ I thì má bắt buộc tôi nghỉ học. Má nói ba không làm gì chỉ lo nhậu nhẹt nên tôi phải đi bán vé số để có thêm tiền trả tiền thuê nhà, mua thức ăn. Cô vội vã đến gặp ba má tôi, năm lần bảy lượt thuyết phục cho tôi đi học. Cô sẽ lo tất cả chi phí học tập cho tôi dù đồng lương ít ỏi. Má cứ dùng dằn mãi, cuối cùng không biết có phải vì không muốn cô quấy nhiểu nữa nên má cho tôi tiếp tục đi học.Một buổi đi học về tôi thấy một vài người hàng xóm đang đứng tụm năm, tụm ba bàn tán. Ba đã đưa má đi bệnh viện vì lỡ tay đánh má bị thương. Vẫn còn đeo cặp trên lưng tôi quàng trở ra đâm đầu chạy. Chạy mãi, chạy mãi, qua hai con đường đầy hoa giấy đỏ và một cây cầu trắng. Cô thường chở tôi qua cây cầu này, mỗi khi lên dốc cầu cô lại xuống xe, gò lưng dắt lên dốc. Ngồi đằng sau, hai tay tôi nắm chặt yên trước nhìn cô mồ hôi nhuể nhoại trên gương mặt đỏ lửng vì bắt nắng. Xe cộ dập dìu, tôi không biết bằng cách nào và mất bao lâu tôi đã đến được nhà cô. Vừa mếu mào khóc tôi vừa kể kể. Cô vỗ về an ủi, khuyên tôi yên tâm má sẽ bình yên trở về. Tôi ở lại nhà cô trong suốt thời gian má nằm bệnh viện. Nhưng sau một tuần nằm bệnh viện, má về thu xếp đồ đạt đi luôn, không gặp lại tôi dù để từ biệt. Hơn một tháng sau ngày má bõ đi ba quyết định dắt tôi về nội. Ở đó rộng rãi, cũng có trường học, có nhiều bạn bè và cô giáo khác. Ba dỗ dành tôi sau khi dọa nạt quát mắng. Tôi khóc. Ngần ấy tuổi tôi biết phải làm gì hơn là khóc. Cô buồn bã sửa soạn cho tôi một ít quà, tập vở. Chị Ngọc ngậm ngùi tặng tôi chiếc đồng hồ reo hình chú gấu Misa mà tôi rất thích. Tôi được chuyển trường về quê tiếp tục học. Trong những năm tháng ngồi ghế nhà trường tôi có nhiều thầy cô nhưng cô Trúc cùng tấn bi kịch của gia đình tôi ngày ấy như một vết cắt trong lòng tôi không lành. Còn nhớ, lúc ở nhà cô khi tỉnh giấc trong đêm tôi thấy cô ngồi bên bàn dáng gầy gầy, lưng cong cong, nhẫn nại và kiên trì. Và như bao đứa con nít khác, lúc ấy tôi mơ được trở thành cô giáo. Ước nguyện ấy sau cùng tôi đạt được. Tôi dạy văn ở một trường trung học tại huyện nhà. Thời gian trôi qua không hề nán lại giây phút nào. Trời hết mưa rồi nắng. Nắng cháy thịt da người đi làm đồng và mưa thật to cho hoa màu tươi tốt. Còn dòng sông trước nhà vẫn chảy quanh năm. Trên chiếc cầu mới xây hàng ngày học sinh đi về lũ lượt. “Những tà áo trắng bay trong gió. Có áo em mình trong đó không?” Tôi bắt đầu biết rung động trước những câu thơ và tập tành viết văn. Trong cái tất bật của cuộc sống hằng ngày những gì tôi học được không thể so sánh với bài học vỡ lòng cô đã dạy tôi. Cho nên bây giờ, khi cầm cây viết mực đỏ đặt trên quyển vở học trò tôi đều cân nhắc kỹ lưỡng. Vết cắt trong tôi lại trở mình. Một lần, có người trong xóm nói với tôi là nhìn thấy một người đàn bà đội nón sùm sụp đi qua đi lại trước nhà nhiều lần. Tôi để ý tìm một thời gian dài nhưng không thấy ai lãng vãng trước nhà nữa. Tôi linh cảm đó là má tôi. Có lẽ má sợ bà nội nên không dám vào hay vì ngượng ngùng cũng không biết.Lần lựa, đắn đo mãi sau cùng tôi và ba cũng có dịp đi thị xã. Nhiều lần tôi định mang chiếc đồng hồ reo hình chú gấu Misa theo để chị Ngọc biết tôi vẫn còn giữ kỷ vật của chị dù chiếc đồng hồ không còn sử dụng được. Nhưng rồi lại thôi vì thấy không cần thiết. Ba có vẻ không chắc lắm là còn nhớ được nhà cô không nữa. Nhiều năm qua rồi có biết bao là thay đổi. Phố chợ, đường xá đều mở rộng đổi mới. Tuy vậy ba cũng tìm được cây cầu trắng rồi lần dò hỏi thăm nhà cô. Tôi không tìm thấy hai con đường có nhiều hoa giấy đỏ nhưng thật bất ngờ, trước nhà cô có một giàn hoa giấy đỏ thật to. Nhánh xum xuê, hoa đầy cành, như thể đánh dấu để một ngày trở về thị xã tôi sẽ tìm được cô. Ngần ấy năm cây lớn lên là tôi đã hiện diện trong cô theo những tháng ngày. Vẫn là một ngôi nhà trệt có khuôn sân hẹp, giản dị đơn sơ dù có sửa sang đôi chút.Thoạt đầu tôi không nhận ra cô ngay nhưng nhìn vào mắt cô tôi biết tôi đã không lầm. Anh mắt đã từng nhìn tôi đau đến xé lòng. Cô cười, hai giọt nước lăng ra từ đôi mắt ấy. Thời gian đã biến tôi trở nên một thiếu nữ xinh đẹp thì thời gian đã để lại trên mái tóc cô những sợi bạc, trên gương mặt cô những nếp nhăn. Cô sắp sửa nghỉ hưu rồi, chị Ngọc đang dạy ở trường cao đẳng. Và cho đến lúc này tôi mới biết chị Ngọc không phải là con ruột của cô. Trong lúc trò chuyện có một đứa trẻ thập thò nơi cửa buồng nhìn ra.” Ai vậy cô?” Cô cười đằm thắm. “Như con ngày đó”.