Những năm mẹ còn khỏe, mẹ chuẩn bị các món ăn mà các con thích. Dũng thích món foie gras truyền thống làm bằng gan ngỗng béo đậm đà ăn với bánh mì mềm. Khôi đặc biệt thích tôm cua hấp chấm với sauce mayonnaise. Còn món hàu thì mẹ chờ các con tới tách vỏ. Ấm cúng quá! Lúc này có những dịch vụ giao bánh tận nhà, nên mẹ khỏi phải nhờ các con đi đặt bánh. Mẹ đã chuẩn bị mọi thứ, chỉ chờ các con tới. Nhưng năm nay mẹ không ra sân được. Cái chân trái đau nhức tới hông. Mẹ phải chống nạng, không lên lầu được và lẽ dĩ nhiên không ra ngoài lạnh được
Người Việt mình! Ba chữ thân tình như được nối thẳng tới cuống tim! Người Việt mình! Ông bà cha mẹ con cái xúm xít, tựa nhau mà sống. Như những cây chuối con vây quanh chuối mẹ, chuối chị bên cạnh chuối em. Cây mẹ xác xơ oằn người vác buồng nặng trĩu. Các con xanh tươi mơn man vuốt ve mẹ, tíu tít xào xạc vỗ về nhau trong hơi gió. Lớn lên, cao gần bằng mẹ, cũng tự mình nẻ buồng nhảy con, nhưng vẫn san sát bên nhau nghiêng mình hứng nắng.
Từ thế hệ này sang thế hệ khác, gia đình kiên cố tiếp tục vững vàng, nhịp nhàng, như hết xuân lại sang đông, hết mưa rồi lại nắng. Những người con xứ mình hiếu thảo một cách tự nhiên. Khi cha mẹ già yếu, không tự lo được nữa, các con chia nhau chăm sóc, sớt nhau nhọc nhằn một cách hiển nhiên, như cây lớn lên phải ra bông kết trái. Nhà nghèo, các con gom sức chăm sóc cha mẹ. Cha mẹ sung túc, các con khỏi phải nghĩ đến bổn phận vật chất, thì cũng phải nghĩ đến tình cảm, tinh thần. Vì đã đến lúc xương loãng, mắt mờ, chỉ cần lỡ đạp lên một hột chanh nhỏ trơn ướt là cha mẹ có thể sẽ trở thành phế nhân.
Các con ơi! Các con là người Việt, được nuôi bằng sữa mẹ, tại sao bắt chước xứ văn minh, không xem trọng cha mẹ ông bà? Các con phải làm gương cho chính con của các con biết thế nào là hiếu đễ. Các con có bổn phận dạy cho chúng biết. Mẹ một thân một mình lo cái ăn cái mặc, không đủ tâm để nhớ chuyện này. Lỗi ở mẹ.
Các con nào có biết, vừa tỉnh ngủ, mẹ đã lo lắng không biết các con và các cháu có khỏe mạnh không, sao cả tháng nay không đứa nào điện thoại hỏi thăm mẹ. Điện thoại miễn phí mà. Nhiều lần mẹ điện qua thấy đường dây bận. Các con điện thoại cho bạn bè mà chẳng hề nhớ tới mẹ. Mẹ đâu còn bao lăm năm để sống nữa mà các con tiếc thì giờ? Mẹ đâu đòi hỏi gì nhiều. Đi đâu tạt tới cho mẹ nhìn mặt con. Cả ngày hết ngồi rồi lại nằm trên ghế salon, kéo cái điện thoại sát bên cạnh để khi nghe tiếng reng là mẹ chụp ngay. Buổi chiều, tới giờ tan sở, mẹ pha nước trà, đem hộp bánh ra ngóng, mong được nghe tiếng giày các con xào xạo trên sân sỏi, để nghe tiếng lách tách từ ổ khóa, và được nhìn những khuôn mặt thân yêu của mẹ sẽ hiện ra như những thiên thần, đem niềm vui, tiếng cười và sự sống cho mẹ.
Ngày Tết nước ta, con cháu tụ họp lại nhà cha mẹ ba ngày trong khi các nước Âu Mỹ, con cháu từ xa về nhà cha mẹ tổ chức ăn uống, quây quần bên nhau trong ngày lễ Giáng sinh, để cháu khỏi quên ông bà, để con khỏi quên cha mẹ.
Những năm mẹ còn khỏe, mẹ chuẩn bị các món ăn mà các con thích. Dũng thích món foie gras truyền thống làm bằng gan ngỗng béo đậm đà ăn với bánh mì mềm. Khôi đặc biệt thích tôm cua hấp chấm với sauce mayonnaise. Còn món hàu thì mẹ chờ các con tới tách vỏ. Ấm cúng quá! Lúc này có những dịch vụ giao bánh tận nhà, nên mẹ khỏi phải nhờ các con đi đặt bánh. Mẹ đã chuẩn bị mọi thứ, chỉ chờ các con tới. Nhưng năm nay mẹ không ra sân được. Cái chân trái đau nhức tới hông. Mẹ phải chống nạng, không lên lầu được và lẽ dĩ nhiên không ra ngoài lạnh được.
Mới ngày 14 tháng chạp mà hàn thử biểu đã xuống gần không độ. Mẹ sợ mọi thứ lạnh. Đã tới lúc mẹ khiêng không nổi thanh củi để chụm lò sưởi, phải thay bằng lò sưởi điện mặc dù mẹ thích nhìn ngọn lửa sáng thiên nhiên. Ngày xưa ba mẹ thường ngồi bên nhau nhìn lửa, có khi còn nấu sôi được ấm nước, nấu chín món ra gu. Mẹ nằm trong nhà đóng kín, áp tai xuống mặt gối, chờ từng tiếng xe chạy chậm dần, hồi hộp ngóng tiếng đóng cửa đánh sầm. Nóng ruột thì điện thoại tới các con, chỉ để xem các con có ở nhà không mà yên tâm.
Mẹ muốn các con tự ý tới thăm vì tình thương nhớ mẹ chớ không phải vì bổn phận. Mẹ đâu cần quà cáp đắt tiền? Mỗi ngày có đi làm thì tạt qua, mua cho mẹ nửa ổ bánh mì, thỉnh thoảng một đôi găng tay hay đôi tất để mẹ mang, lòng ấm áp nhớ con mỗi khi mang. Đi xe hơi sưởi ấm đâu có nhọc nhằn? Đâu phải mẹ chỉ nhớ có con thôi? Mẹ đã từng giữ bốn đứa cháu nội từ lúc mới sinh đến ba tuổi, trụng bình, khuấy sữa cho chúng bú, rửa đít, ẵm cháu đi khám bệnh khi thời tiết thay đổi, nghe chúng bi bô nói, dạy đếm một hai ba, dạy chữ o chữ i, đánh vần bờ a ba huyền bà. Mẹ thuộc lòng từng đặc điểm của mỗi đứa, từ cái ăn cho đến trò chơi. Vậy mà từ khi chúng vô học mẫu giáo tới khi lên đại học, bà chỉ loáng thoáng gặp cháu mấy lần, đến nỗi tưởng tượng nếu gặp ngoài đường, chắc gì bà đã nhận ra cháu? Hai cái piano Yamaha mẹ mua cho hai con, không biết có cháu nào học không, hay chỉ để trang hoàng như mấy tấm sơn mài vô vị?
Bên này con người sống như những ốc đảo mùa đông. Có thì giờ và khỏe mạnh thì với tay bấm điện thoại một hai phút hỏi thăm cha mẹ: a va, khỏe không, xem chừng đã làm tròn bổn phận, lương tâm yên ổn trong suốt mấy tháng. Con tới thăm thì cha mẹ tự hỏi không biết lần này nó tới xin gì.
Đâu ai xa lạ? Mới cách đây ba tháng, Dũng mượn mẹ hai trăm ngàn quan để mua xe Volkswagen. Có xe xong, con ham vui, quên mẹ. Mẹ biết con muốn xin, nhưng số tiền quá lớn, nên để có được nhanh chóng, con dùng chữ “mượn”. Mẹ biết hết, nhưng lờ đi. Lâu ngày ăn ít, bao tử mẹ cũng nhỏ lại. Mẹ không cần gì nhiều. Nhà cửa, tài sản của ba và mẹ là của chúng con. Bây giờ sức khỏe mẹ kém, mẹ muốn cho các con hết. Nếu các con tới thăm mẹ thường xuyên, thì mẹ đã chia hết cho hai con rồi. Bởi vì sau khi mẹ chết, nhà nước sẽ đóng thuế trên gia tài thừa kế. Đó là mồ hôi nước mắt của cha các con và mẹ, mẹ không muốn họ lấy của các con. Thuế ở Pháp nặng kinh khủng. Không ít người có tài sản lớn phải bỏ đi nước khác. Còn người nghèo thì lăm le vô để ăn trợ cấp. Mẹ muốn chia cho hai con từ lâu rồi, nhưng mẹ không còn khoẻ, lại nghe nhiều tin tức con bán nhà chia nhau rồi đưa cha mẹ vô viện dưỡng lão. Tiếng xấu của viện dưỡng lão khiến mẹ sợ hãi. Hết tiền trả cho họ, họ giả có đám cháy để khói bay làm ngộp thở nhiều người già rồi.

*

Chuông nhà thờ sát bên gióng những hồi chuông rộn rã. Tại sao mẹ nằm sấp nơi đây? Sao giờ này hai con chưa tới với mẹ? Hôm nay lễ Giáng sinh mà? Các con không biết truyền thống của ngày này sao? Lúc trưa mẹ đói bụng, tới tủ lạnh kiếm trái chuối ăn, chưa tới thì chân trái bỗng khuỵu xuống. Mẹ ráng chống tay ngồi dậy, nhưng tay rã rời và hai chân đau trì xuống. Chắc gãy xương. Ba bốn hôm nay mẹ không có gì để ăn. Mà cũng chẳng muốn ăn. Cúc cu cúc cu cúc cu... À, cái đồng hồ có con cú nhảy ra kêu cúc cu này là quà cưới của mình đây, nó vẫn chạy đều và con chim vẫn không quên bật nắp, nhảy ra báo giờ. Hót xong lại nhảy vô khép cửa lại. Căn nhà rộng thênh thang, nơi hàng rào trước tôi trồng một đám hồng nhung, chỗ góc sau một nhóm hồng vàng. Giờ đây cằn cỗi, lá bị sâu ăn, xoắn lại, thâm từng nơi. Lâu quá chưa bón phân. Cây hồng sướng hơn tôi. Cứ đứng một nơi, đã có nước dưới lòng đất, đã có thán khí, có dưỡng khí, có ánh nắng mỗi ngày. Chẳng cần đến con cháu gì cả.
Những kỷ niệm thời trung học hiện về. Vườn Tao Đàn, chợ Bến Thành, Sở thú, nhà thờ Đức Bà, công viên liên tục quay trong óc. Em thương anh cũng vì anh yêu quý quê hương, hiền lành ít nói. Nhớ lại ngày thời còn sinh viên, vui quá phải không anh? Anh có nhớ vụ bizutage (1) không? Bây giờ hết rồi vì có mấy vụ làm chết người. Nghĩ tụi sinh viên bày ra cái trò chơi ác hành hạ ma mới. Anh may mắn bị phạt nhẹ, chỉ bị tụi ma cũ dựng đầu dậy giữa đêm: “Chúng tôi canh chừng anh đây” rồi bắt anh quỳ. Có người còn bị đánh. Còn em thì chỉ bị hình phạt là khi thấy họ thì phải cúi đầu “chào các anh chị”. Trường dệt ở Lyon sinh viên mới bị họ tạt lên đầu cả thùng phẩm nhuộm, đã có vài người chết vì họ đâu nghĩ trong phẩm có chất độc? Lúc bấy giờ con gái chỉ đếm trên đầu ngón tay, nên em có lu bù chàng trai theo em mặc dù em không đẹp. Anh chàng Tuấn, Khanh có bộ mã bảnh bao, nhưng ăn nói vô duyên. Họ có quyền khinh nước Mỹ. Nhưng khinh nước Việt mình thì em không tha thứ. Có lần nghe thằng Khanh nói bập bẹ “cần gì phải học tiếng Việt vì đâu có tới Việt Nam” mà em giận run. Hừ, không “tới” Việt Nam! Không cần học tiếng Việt! Cái mặt Việt đặc sệt! Thằng Chấn qua đây lúc 14 tuổi đã quên hết ráo trọi tiếng mẹ đẻ. Còn anh thì giọng Nam rặt. Hiền lành ít nói nên em thương anh trước khi anh ngỏ lời với em. Bây giờ em mới cho anh biết bí mật của em đó. Mới đó mà anh đã xa em bốn mươi năm! Anh ơi, nhớ lúc anh đi, thằng Dũng mới tám tuổi, hay phá phách bị cô phạt. Thằng Khôi hay khóc lè nhè, méc mẹ mỗi khi bị anh đánh. Trên tay hai đứa con dại, em bận rộn quay quắt nhớ thương.
Lạnh quá! Tấm thảm không đủ chống cái lạnh từ dưới đất truyền lên người tôi. May mà tôi mặc áo len. Đầu tôi nặng quá không ngóc lên nổi. Chiếc khăn choàng cổ đùn lên sát mũi khiến tôi khó thở. Chân nặng không giúp gì được. Tôi hết nghiêng đầu được nữa rồi. Cái điện thoại nằm trên bàn. Mà có nó bên cạnh, tôi cũng không thể bấm số. Chuông nhà thờ đổ liên hồi. Tiếng pháo bông lụp bụp. Tối quá. Dũng ơi, Khôi ơi. Lễ Giáng sinh tưởng được gặp con, sao các con không tới? Các con quên mẹ rồi sao? Mọi gia đình ấm cúng bên Chúa Hài Đồng, trong lúc mẹ lạnh lẽo nằm đây. Chân mẹ không cựa quậy nổi. Mẹ cố hết sức mà quay nghiêng cũng không được! Con ơi, tới cứu mẹ!! Mẹ không sợ chết bởi mẹ đã chết ngay khi sống. Mẹ chết dần mòn chờ con vô vọng. Cô độc và buồn tủi đã tra tấn tâm hồn và xâm nát tim mẹ. Mẹ muốn sống! Mẹ muốn sống để được nhìn hai con và bốn đứa cháu thương quý của mẹ trước khi theo cha hai con.
Mẹ ngộp thở quá. Mặt mẹ bị úp xuống đất ngóc lên không nổi nữa rồi. Mũi mẹ đã dán xuống sàn nhà, mẹ ráng hít thở mạnh. Bụi trên tấm thảm vô đầy phổi mẹ rồi. Các con ơi, xin hãy tới cứu mẹ... Mẹ ngộp thở... Việt Nam ơi! Xin lỗi, tôi đã không có dịp về thăm...
Chú thích
(1) Các sinh viên cũ có lệ là hành hạ sinh viên mới bằng mọi cách, có khi rất dã man và đã làm chết người. Từ năm 1998 luật nhà nước cấm mọi hình thức bizutage. Ai còn dùng những hành động sỉ nhục trong trường học sẽ bị phạt tù 6 tháng với tiền phạt là 7.500 euro.

Xem Tiếp: ----