Nếu không có anh, chắc chắn cho đến giờ này tôi đã không còn sống trên cuộc đời này. Không còn sống thì làm gì có những giận hờn vô cớ, làm gì có những nỗi buồn thênh thang như gió lướt thướt trôi về trên phố vào những ngày đông tới. Ai đã nói rằng tình yêu là một sự sắp đặt thật diệu kỳ của thượng đế. Tình yêu đôi khi tưởng là sự so sánh và chọn lựa, nhưng đó là sự dạt xô bất ngờ cho trái tim người đang ngủ ngoan bỗng giật mình thấy ngày hôm nay đã khác ngày hôm qua. Tôi bắt chước khi Juliette nói với Romeo rằng: “Dù anh có tên gì, thì em vẫn yêu anh.” Tôi chẳng là Juliette và anh chẳng là Roméo. Tên anh chỉ là một cái tên rất bình thường: Hoàng; và tên tôi là tên của một loài cây mọn: Thảo. Anh nói đùa: “Tại sao ba mẹ em không đặt tên em là Cỏ em nhỉ, Cỏ với Thảo cũng chỉ là một, nhưng không ai nói là vạt thảo này đẹp, chỉ nói vạt cỏ ấy rất xanh.” Tôi không đối đáp với anh. Anh nói về những vạt cỏ bới khi mưa trút xuống sau những ngày nắng hạn, những vạt cỏ xanh có khắp mọi nơi. Cỏ xanh mọc từng vạt ven đường, trên những triền đồi và những bãi đất trống. Nhìn những vạt cỏ xanh đến nhẹ lòng đó, cái cảm giác muốn nằm lăn lên trên mềm mại để dỗ một giấc ngủ mộng đẹp không thể không nghĩ đến. Rồi có khi tôi đùa với anh: “Vậy sao ba mẹ anh không đặt tên cho anh là vàng? Người ta gọi chiếc lá vàng rơi rụng chứ không gọi là chiếc lá hoàng rơi rụng.” Khi đó anh cười rất đắc chí, anh có tiếng cười vang dội, dễ cuốn người ta theo đến nỗi làm cho người ta dù lòng có đang sầu não cũng sẽ vợi bớt phần nào. Kỷ niệm thì nhiều vô kể trong thời gian tôi với anh có bên nhau ở thị trấn nhỏ này, cho nên dẫu mãi về sau này, khi cuộc đời xô dạt qua bao nhiêu tháng ngày, trong ký ức của tôi vẫn có bóng hình anh ngự trị, anh vẫn là người đàn ông đẹp đẽ nhất mà tôi đã gặp.Chuyện bắt đầu bằng một cơn mưa núi. Thị trấn tôi đang công tác vẫn thường có nhiều cơn mưa núi bất chợt như thế. Trời đất đang nắng ran, nắng đang óng ả vàng, vậy mà những cuộn mây đen từ đâu bên kia núi bỗng vượt qua, ùn ùn làm cho bầu trời mù mịt. Và mưa, mưa như trút bao nhiêu cơn giận dữ của đất trời, mưa như có bao nhiêu nước đều đổ xuống lũng sâu này. Anh kể thị trấn này ngày xưa chỉ là nơi sinh sống của những buôn làng người dân tộc Rắc Lây. Những buôn làng ấy sống chen cùng rừng, cất những căn nhà dựa theo vách núi để chống chọi với thiên nhiên. Đời sống của những người dân tộc vùng cao ấy trông chờ vào con thú bắt được, nương rẫy trồng được. Cho đến khi con đường từ thành phố mở ra, thị trấn được dựng lên và chính quyền xây dựng nhà, đưa họ về ở, bày cách trồng lúa nước, trồng hoa màu và thêm những nghề phụ như đan tre, đan lá… cuộc sống của họ mới giảm bớt đói no.Khi thị trấn lập ra, anh là một chàng trai trẻ. Tuổi trẻ luôn mang trong lòng mình giấc mơ vác đá vá trời, nên anh tình nguyện lên đường đến vùng đất này với công việc của một Thanh niên tình nguyện. Thị trấn bắt đầu xây dựng là cũng bắt đầu với bao nhiêu khó khăn, phải vận chuyển lương thực từ vùng xuôi lên vùng núi, nhất là vào mùa nước lũ, gần như nước đã chia cắt chốn cỏ cây này thành một ốc đảo riêng. Khi đó chưa có điện, đêm tù mù với những ngọn đèn dầu, còn nghe tiếng thú đùa nhau trong đêm và từng đàn muỗi bay dày đặc.Hoàng đã trải qua một cơn sốt rét gần như chết đi sống lại. Anh nói: “Tới Khánh Sơn này mà chưa nếm mùi bị sốt rét thì coi như chưa trưởng thành, anh đã bị sốt rét rồi nên hết sợ”.Tôi không hình dung cách đây gần hai mươi năm, khi con đường vắt qua núi để lên đến nơi này như thế nào? Tôi cũng chẳng hình dung đêm nằm trong những căn nhà gỗ mới dựng với ngọn đèn dầu, nghe trong không gian tiếng thú rừng rộn rịp hòa ca như thế nào? Bởi khi tôi tới nơi thì thị trấn đã có những con đường trải nhựa, thậm chí có cả con đường hoa phượng và con đường hoa bằng lăng. Tuy nhiên, dấu vết của rừng vẫn còn ở lại nơi này là những cây cổ thụ trong phố, dấu vết của rừng chính là những thảm cỏ xanh đến nhẹ lòng.Tôi có một hai lần lên đây thực tập. Tôi chọn lên thị trấn này thực tập bài học của một y sĩ. Mẹ trách tôi là gái sao không chọn nghề gì lại chọn cái nghề toàn là gặp người bệnh hoạn. Làm sao lại giải thích được chuyện ta chọn công việc này mà không chọn công việc khác? Tôi đã nói với mẹ rằng nếu ai cũng chọn công việc nhẹ nhàng thì những người bệnh, đau ốm sẽ như thế nào? Nói như là một bài học lý thuyết, nhưng tôi không thích chọn một công việc nhẹ nhàng nào ở thành phố, rồi thỏa lòng vui chơi trong những cuộc giải trí mà ai đó cho là thời thượng như vào quán bar, club. Mỗi người đều chọn cho mình một con đường để đi, tôi đã chọn con đường lên thị trấn miền núi này. Thị trấn ấy có Hoàng tự bao giờ và có những vạt cỏ xanh tự bao giờ đã nương đón tôi vào trong thân tình đến độ làm cho tôi ấm áp hẳn lên.Bây giờ, người quen có ai hỏi tôi rằng người con trai mà tôi yêu dấu nhất trên đời là ai, tôi sẽ trả lời: Hoàng. Họ sẽ ngạc nhiên: Hoàng nào nhỉ? Làm sao mà họ biết được anh, và mãi mãi chẳng biết được anh. Cho đến khi họ nghe tôi nghe câu chuyện kể về cơn mưa núi ngày hôm đó.Chiều hôm ấy là ngày chủ nhật, trạm xá đóng cửa nghỉ, tôi trở về căn phòng nhỏ của mình được bố trí trong khu nhà khách của thị trấn để nghỉ ngơi. Khi tôi đang sửa soạn bữa ăn chiều thì có một người đàn ông đứng trước nhà với gương mặt bơ phờ hốt hoảng: “Cô Thảo ơi, cô hãy cứu vợ tôi.”Tôi đã có thói quen đi đến tận từng nhà mọi người để khám bệnh hay chữa trị, cho nên người dân quanh thị trấn hay tận các buôn rất xa khi có việc khẩn cấp thì hay tới gọi tôi. Tôi chẳng bao giờ từ chối họ. Cũng có khi tôi đã lên xe chuẩn bị về phố vài ngày cũng đã phải hoãn chuyến đi vì những trường hợp như thế.Y Mun, tên người đàn ông đó kể cho tôi nghe vợ ông ta không hiểu đang bị chứng bệnh gì mà ôm bụng rên la liên tục. Ông chỉ có cách là tìm đến trạm xá cầu cứu. Thế là tôi đã vội xách theo túi thuốc và dụng cụ khám bệnh để lên đường. Con đường đến buôn xa hun hút và trơn trợt, chiếc xe gắn máy của tôi cũng phải trườn theo từng vũng bùn, từng ổ gà ngập nước mưa, dăm lần tưởng đã phải té xuống. Người đàn bà ấy bị đau bụng, cơn đau của người đàn bà tới thời kỳ kinh nguyệt. Tôi tiêm cho bà ta mũi thuốc giảm đau rồi trở về một mình vẫn trên con đường đó. Nào ngờ cơn mưa núi đến thật nhanh khi xe của tôi đang đi qua cây cầu gỗ bắc tạm ngăn dòng suối. Dòng suối ấy vào mùa khô hiền lành trơ đáy với làn nước mỏng manh trôi về xuôi, khoe ra trong lòng mình hàng ngàn viên cuội nhỏ với bầy cá con bơi lội tung tăng. Vậy mà khi lũ về, nó trở thành một ngọn thác nước ầm ĩ, cuốn phăng bất cứ vật cản nào trên đường nó đi qua. Xe vừa trườn lên cầu gỗ, nước đã đánh bật tôi ra khỏi cầu. Tôi bị cuốn theo dòng nước. Tôi trôi.Trong giây phút mong manh tôi tưởng rằng mình sẽ không còn cơ hội nhìn thấy cuộc đời này nữa, thì Hòang xuất hiện.Anh lao xuống trong con nước dữ từ phía trước để đón tôi, lúc ấy đã lả người, mặc cho nước muốn kéo đi và ném về đâu.Hoàng chưa tỏ tình với tôi, trong khi tôi đợi nơi anh một lời như thế. Bao tháng ngày anh chăm sóc và bảo vệ tôi ở thị trấn cao nguyên xa xăm ấy khiến cho tôi yên lòng và tin rằng tình yêu không chỉ là những cuộc hẹn hò nơi đầu phố, trong quán cà phê hay là những đóa hoa hồng trao tặng. Tình yêu còn là sự chở che và là những vạt cỏ xanh. Mùa khô, những vạt cỏ héo vàng, anh an ủi tôi: “Qua mùa mưa cỏ sẽ xanh thôi”, vì anh biết tôi yêu những thảm cỏ xanh. Cơn mưa đầu mùa trút xuống, anh nói như reo: “Hai ngày nữa cỏ sẽ xanh”. Đó là điều là mà nếu bạn không quan sát, bạn sẽ không thấy. Qua hai ngày mưa, vạt cỏ úa vàng bỗng xanh rờn đến lạ. Hòang nói như reo: “Cỏ xanh lại rồi Thảo ơi!”.Có thể rồi tôi sẽ lấy chồng, tôi sẽ yêu quý người chồng và yêu những đứa con mình sinh ra. Nhưng tôi biết thẳm sâu lòng tôi, anh đã là một người tôi yêu thương nhất, một người suýt nữa đổi mạng sống của anh để cứu tôi. Hôm đó, chân anh va vào đá, gãy và anh trở thành người tàn phế với dáng đi không còn bình thường nữa. Anh đã trốn chạy tình yêu bằng cách rời khỏi thị trấn, không để lại cho tôi một hồi âm. Tìm anh, người phụ trách công việc thay anh chỉ nói với tôi: “Chị đừng tìm anh Hòang, ảnh nhắn là chỉ muốn chị hạnh phúc.”Trời đang mưa. Ngoài hiên cửa nhà tôi cơn mưa đang rơi xuống phố. Mưa nơi này làm đẫm lòng thương nhớ cơn mưa núi cũ. Mỗi cơn mưa đầu mùa như thế, sao tôi nhớ anh đến thế, tôi nhớ câu nói của anh: “Qua mùa mưa rồi cỏ sẽ xanh thôi”.