Nhà ta có bảy khẩu tất cả! - Con bé chống đũa xuống mâm, nhìn cả nhà, dõng dạc tuyên bố.
- Bốn chứ! - Hắn bỏ miếng bánh trưng rán vào bát, nhìn đứa con gái nhỏ qua mục kỉnh, ngạc nhiên chữa lại.
Con bé thủng thẳng xoè bàn tay trái ra, bấm đốt liệt kê:
- Bố là một, mẹ là hai, anh Thảo là ba, con là bốn, con Vàng là năm, với...  hai con mèo là bảy!
- Vậy ư? - Hắn trố mắt, nhìn sang phía vợ, chờ đợi một ý kiến.
- Chuyện trẻ con ấy mà! - Vợ gã mỉm cười, cái cười bao dung của một mái mẹ khi có mấy chú gà con vàng ươm, lũn tũn, ngốc nghếch nhảy cả lên lưng mẹ bới loạn lên tìm mồi.
- Bố mẹ không thấy à, trong phim ấy - Thằng anh có vẻ hơi bất mãn vì câu nói của mẹ, bênh con em - người ta còn có cả bệnh viện với mỹ viện cho cả chó mèo! Trong siêu thị Đông Tây, con còn thấy có cả một khu bán thức ăn và đồ chơi cho pets đấy.
- Pet là con gì?
- Tiếng Anh ấy mà... - Con em nhanh nhảu giải thích - Là những con vật nuôi trong nhà, được chủ cưng chiều ấy mẹ ạ. Ví dụ như chó, mèo, chim, cá... Bây giờ thì có cả lợn nữa.
- Khiếp, của nỡm, ai lại ở chung với cả lợn bao giờ! - Vợ hắn nhăn mặt, phẩy tay.
- Kiến thức cũng không xoàng - Hắn véo vào má con bé âu yếm diễu cợt rồi quay sang thằng anh - Thức ăn của pets trông nó thế nào?
- Con cũng không biết. Người ta đóng hộp kín mít, đẹp như đồ hộp Hạ Long ấy.
- Còn đồ chơi... là những gì? - Vợ hắn tò mò.
- Những khúc xương, những con chuột, những quả bóng nhỏ... làm bằng thứ nhựa gì ấy, tha hồ gặm mà chẳng bị sứt mẻ tẹo nào - Con em gái nhí nháu chêm vào.
- Dởm! - Vợ hắn đã có vẻ bức xúc - Dư dả thì đem tiền ấy mà đi làm phúc. Bao người bị lụt lội, bị mưa bão đầy ra kia kìa...!  Về thôn quê mà xem, nhà trẻ hốc hoác trống trơn, có cái gì cho trẻ con chơi đâu!
Vợ hắn bỏ bát, đứng dậy đi vào buồng, đóng sầm cửa lại. Nhận thấy sự việc có vẻ nghiêm trọng, hai đứa hãi quá, lơ láo nhìn nhau rồi ngồi im thin thít. Hắn trấn an: "Không có vấn đề gì đâu, chậc... tính mẹ vẫn thế, các con ăn tiếp cho xong đi". Nhìn hai đứa rón rén gắp thức ăn, lặng lẽ lùa cơm... hắn phì cười: "Đây là vấn đề nhậy cảm và tế nhị trong nhà ta. Từ rày, các con phải tinh ý, tránh, không nói về đề tài này nữa mới được!".
Quả có thế. Tuần trước, thằng anh lấy ruốc thịt trộn cơm cho chó mèo đã bị mẹ nó mắng cho một trận: "Mẹ cấm! Từ rày không được lấy ruốc cho chó mèo ăn nữa. Không phải là mẹ tiếc... Ngày trước, Bố mẹ thì chả nói làm gì, nhưng Ông bà... quanh năm cũng chỉ những rau với rau... có ruốc thịt đâu ra mà ăn - thị ngừng lại, nghẹn ngào - các con làm như vậy, mẹ thấy không phải tý nào...!". Chà! Rất có đạo, rất có lý mà cũng rất có tình - gã ngậm ngùi - nhưng vợ gã phải cái cố chấp quá. Cuộc sống ngày càng tiến lên, cơ chế ngày càng cởi mở. Vậy thì cũng phải mở cả lọ ruốc thịt ra cho cả chó mèo nữa chứ! Tội nghiệp cho chúng. Nào có phải chúng ăn không của ta: chúng trông nhà, đuổi chuột không chê vào đâu được, lại làm cho các con ta vui thích nữa.
Hai đứa con hắn, tuy là kính sợ mẹ, nhưng cái điều "không phải" ấy thì chúng không sao hiểu được. Còn hắn thì hắn hiểu. Bởi vợ chồng hắn đã từng sống qua nửa đời người trong cảnh thiếu đói, so dụi. Nhà hắn vốn đông anh em. Đến bữa ăn nghe cứ rào rào như tằm ăn rỗi. Hắn là đứa ăn chậm nhất nhà nên thường bị đói. Vì thế, mẹ hắn đã nghĩ ra cách xới riêng cho hắn ra một cái bát to cùng với thức ăn để hắn tha hồ ăn chậm mà không bị thiệt thòi.
Hồi còn học trong trường chuyên nghiệp, cái đói luỹ kế triền miên đã từng, không dưới một lần, khiến hắn chỉ ước ao được đánh một bữa cơm đến căng rốn, thức ăn là gì không quan trọng. Cũng may, ngày ấy hắn gặp được mẹ sắp trẻ bây giờ và tình trạng cấp dưỡng của hắn lập tức được cải thiện rõ rệt. Bây giờ, tuy là đầu óc có thoáng hơn vợ, nhưng nhiều lúc nhìn đồ ăn thừa thãi trên mâm, hắn vẫn không sao quên được cái thời nhìn thức gì cũng thèm khát ấy và thường bất giác buông ra một cái thở dài ảo não.
Thằng anh đã ăn xong, đi vào toilet đánh răng. Còn con em ý tứ ngồi lại cho bố vui, cũng là để chờ bưng cho bố chén nước và dọn dẹp khi bố ăn xong. Hắn cảm thấy no, bèn buông đũa. Thấy còn lại một ít bánh chưng rán, hắn bảo con gái: "Con đem cho chó mèo". Con bé cười: "Chúng không ăn đâu bố ạ". "Bậy nào, chó mèo thì cho gì mà chẳng ăn?". Nói rồi hắn đứng dậy, cầm lấy cái đĩa bánh, toan đem trút vào cái bát để ở góc nhà. Nhưng con bé đã kịp túm lấy tay áo ngăn lại, dí dỏm: "Phải thử phản ứng trước khi chính thức tiêm thuốc cho bệnh nhân bố ạ!". Nói, rồi nó gắp một miếng nhỏ và gọi lũ chó mèo. Hai con mèo chạy xấn lại, nhưng chỉ ngửi ngửi rồi thũng thẵng bỏ đi. Gã lắc đầu. Con Vàng đã quen nhường cho mèo ăn trước, bấy giờ mới tiến lại, nó cũng đưa mũi ngửi ngửi, liếm thử, chóp chép rồi, cũng như bọn mèo, chả đoái hoài gì đến miếng bánh rán vàng ươm đang nằm chỏng trơ trong bát, quay mình thủng thẳng bước ra phía cửa, từ từ nằm xuống và tiếp tục lơ đãng dõi theo mấy con bướm vàng đang chấp chới ngoài sân. 
Hắn sững người. Giống chó bây giờ cũng khác xưa rồi! Có một cảm giác gì đó, không rõ rệt, đang dâng lên trong hắn: Một chút thất vọng, một chút tủi hổ, và, có cái gì đấy, mơ hồ, na ná như sự xúc phạm... nhưng không hoàn toàn như vậy!
-  Bố ơi, bố làm sao thế? - Con bé hoảng sợ túm lấy tay bố.
- Những thức nuôi sống con người, ngày xưa các cụ gọi là Ngọc thực! - Không hiểu hắn nói với con gái hay đang lẩm bẩm với chính mình - Bỏ đi thì sẽ phải tội. Thôi, để bố!
Rồi gã ngồi xuống, kéo chiếc đĩa bánh trưng rán vàng ươm thơm ngậy về phía mình, gắp một miếng bỏ vào miệng và bắt đầu nhai … chậm chạp, trệu trạo, ai oán nhưng đầy ý chí.
 
Tháng 8 năm 2006

Xem Tiếp: ----