Kinh kỳ bụi lắm xuân không đến
Nguyễn Bính
Thế là tôi chính thức trở thành người thành phố; một thành phố đồng bằng hẳn hoi, đứng đầu tất cả các thành phố trong nước luôn! Nói như thế, có nghĩa trước đây tôi là dân nhà quê, thậm chí còn dưới cả nhà quê. Thật đấy: Dân mạn ngược, ngược đến dựng đứng lên ấy chứ. Nhưng loay hoay thế nào mà lại hoá ra người thành phố? Đơn giản: Một chàng trai Hà Nội thương tôi, tôi cũng thương người ấy, cả hai chúng tôi đều không biết làm khách, thế thì cưới chứ còn gì nữa?!
Đám cưới tổ chức trước ngày tôi nhận bằng tốt nghiệp nửa tháng. Các bạn gái học cùng lớp, những đứa cũng xuất thân tỉnh lẻ như tôi, đứa này bảo: Tôi là đứa may mắn, tốt số; đứa khác cự lại: Số má cái gì, nó vừa xinh vừa tươi, có mà gạt đi không hết, lấy đâu chả được tấm chồng nghiêm chỉnh. Tôi không nói gì, chỉ mỉm cười thầm cảm ơn trời đã giúp tôi lấy được người tôi yêu và thoát được hẳn cái xứ quê mùa đìu hiu heo hút ấy.
Chồng tôi tên là Nhã - Đặng Tuấn Nhã - Kiến trúc sư chuyên ngành Quy hoạch đô thị, không có gì đặc biệt ngoài khuôn mặt sáng và đôi mắt trong. Có điều, không hiểu do bản tính hay đã nhiễm thói quen “vĩ mô” của nghề nghiệp, trong sinh hoạt, giao tiếp, rất ít khi những cái vụn vặt lọt vào mắt anh; điều này rất tốt, nhưng lắm lúc cũng thấy buồn, bởi dù sao tôi cũng là phụ nữ. Chúng tôi quen nhau trong một buổi sinh nhật tại nhà cô bạn học cùng lớp. Lúc ấy, tôi đang là sinh viên năm áp chót của Trường luật. Thế rồi cái gì đến thì đến. Trong quan hệ giữa chúng tôi, mọi sự diễn ra một cách tuần tự, đơn giản như cây mọc lên từ đất. Bọn con gái cùng lớp dí dủm nhận xét về Nhã: Một trai phố thông minh, thật thà, ngờ nghệch và thuỷ chung. Có lẽ đúng.
Cái thời điểm thiêng liêng nhất trong quan hệ giữa chúng tôi đã xảy ra như sau: Vào một tối thứ bảy, anh đạp xe đến ký túc xá sinh viên đón tôi đi xem phim. Khi đến trước cửa rạp, anh bảo trời oi quá (thực ra hôm ấy có gió nam), hay là về nhà lên sân thượng hóng mát. Tôi thì thế nào cũng được, kể cả ngay lúc ấy phải đi đến sa mạc Gôbi, miễn là có anh ở bên. Về đến nhà, anh bảo tôi lên sân thượng trước chờ anh. Lát sau, thấy lễ mễ bưng lên một cái khay gỗ, lại còn ngoằng thêm cái phích nước. Nhìn kỹ trong khay, ngoài bộ ấm chén còn có mấy củ khoai nướng nữa. Tôi bóc cho anh và bóc tiếp một củ cho mình. Khoai anh nướng thơm thật. Tôi ăn theo lối quê tôi, nghĩa là thích thì cắn miếng rõ to. Thấy anh cứ ngồi im, mân mê củ khoai, tôi nhồm nhoàm giục: “Anh ăn đi, nghĩ ngợi gì thế?”. Ai dè, anh bảo: “Không nghĩ, mà đang ước”. Tôi bật cười, nhớ đến một câu chuyện vừa đọc, ngước nhìn lên đám trăng sao ngổn ngang đầy trời: “Anh đang ước gì?”. Câu hỏi của tôi không ngờ làm mặt anh thộn ra, trông thật khổ não: “Ước … ước lấy được em làm vợ!”. Tôi bật cười, trong miệng vẫn chưa hết khoai: “Tưởng gì, em cũng ước giống anh!”. Thế là, ngay lập tức, anh kéo tay tôi, đùng đùng dắt xuống dưới nhà, tiến thẳng đến chỗ bố mẹ đang ngồi xem tivi, vẻ mặt vô cùng nghiêm trọng:
Bố mẹ ơi, cho chúng con lấy nhau!
Cả hai ông bà cùng ngớ ra. Lát sau, bà rơm rớm:
Tôi sẽ kỷ luật anh chị đấy. Gan thế! Sao để mãi đến hôm nay mới nói?
Thế thì tốt rồi … tốt rồi …
Ông tiếp lời rồi lại im bặt, lập cập gỡ cặp kính từ mắt và lấy vạt áo loay hoay lau đôi mắt kính vốn chẳng có tý gợn bụi nào. Hồi lâu, ông nói tiếp:
- Thuý lo tập trung làm luận văn cho tốt; có điều gì khúc mắc mà liên quan đến chuyên môn của bố mẹ thì cứ hỏi. Còn Nhã lo thu xếp nhà cửa cho chỉn chu là vừa, cuối năm chúng ta sẽ đón dâu!
-  Sang năm chúng ta sẽ đón cháu nội! -  Bà chắp hai bàn tay lại, đôi mắt xa xăm như một người có đạo đang mơ về một cõi cực lạc, nở nhẹ một nụ cười hạnh phúc pha chút hóm hỉnh.
Thật … chẳng có gì là lãng mạn như tôi vẫn tưởng tượng. Nhưng bấy nhiêu cũng đủ làm cho tôi thấy trong người nó cứ bồng bà bồng bềnh thế nào ấy. Và suốt đêm đó, tôi luôn trong tâm trạng xôn xao uể oải, không sao chợp được mắt.
 
°
 
Nhà chồng tôi, tức là nhà tôi, ở phố Hàng Gai, gần một cây đa cổ kính, xum xuê. Một nơi mà dân sành điệu vẫn bảo là Thăng Long đệ nhất phố, giá mỗi mét vuông lúc ý đã lên đến mấy chục lạng vàng. Ông nội chồng tôi đã mất; thời còn Pháp thuộc là kỹ sư hoả sa. Bố chồng tôi là chuyên viên kinh tế cao cấp của thành phố; mẹ chồng tôi là giáo viên ưu tú, giảng dạy môn Văn học dân gian ở một trường đại học. Nói tóm lại: Phố thì cổ, gia đình nhà chồng thì có truyền thống trọng chữ nghĩa, thanh sang, khiêm nhã; hàng xóm toàn là người bặt thiệp, nền nã và đáng kính. Tôi còn có thể mong gì hơn?!
Bố mẹ chồng bảo tôi: Con vừa tốt nghiệp, cứ nghỉ ngơi một thời gian rồi hãy tính đến việc làm. Nhưng ở nhà được mươi hôm đã thấy buồn như trấu cắn, chân tay bứt rứt, đứng ngồi không yên. Tôi bèn lẳng lặng nộp đơn xin ứng tuyển vào phòng tư vấn thuộc Sở Tư pháp thành phố. Và thật may mắn: Tôi đã trúng tuyển và có một việc làm vừa ý.
Vợ chồng tôi được bố mẹ cho sử dụng toàn bộ tầng hai; trên đấy có một cái sân nhỏ. Trong sân, anh bày la liệt những chậu cây cảnh to tướng. Sáng nào cũng dậy sớm tưới tắm cho chúng. Chủ nhật nào cũng xới gốc, nhưng thật lạ, chả bao giờ thấy cắt xén tỉa tót cho đẹp.
Vào buổi tinh mơ một ngày cuối tuần, cả hai vẫn còn nằm trong chăn, bỗng có tiếng chim hót ở đâu đó vọng vào. Tôi thấy anh cựa mình, dỏng tai hồi lâu, rồi từ từ nhỏm dậy, ra khỏi giường, rón rén mở cửa đi ra sân và cứ thế đứng lặng, mặt ngây ra như nghê đá sân đình. Khi quay vào, vẫn chưa hết bần thần, anh bảo: “Đã lâu lắm mới được nghe tiếng chim hót. Chắc độ này chim lại về Cây đa rồi … nhưng nghe kỹ, thấy tiếng hót có gì đấy khang khác, không được tươi như của những con chim hồi còn nhỏ anh được nghe. Hay tại mình đã trở thành người lớn?!”. Tôi thì chỉ thấy buồn cười, nghĩ bụng: Chim về thì về, hót thì hót, có gì khác, có gì quan trọng đâu. Tuy vậy, để chiều chồng, tôi cũng cố nở một nụ cười cảm thông. Thực ra, nụ cười kiểu này là do tôi học được từ năm thứ hai trong Trường luật. Ở quê tôi, cười là cái phát từ trong người ra, không ai phải cố gắng. 
Sau đó, hàng mấy tuần liền, trước khi đi ngủ, anh không đóng cửa nữa, bảo: “Để sớm mai nghe cho rõ, âm nhạc của trời đất đấy!”.
Cho đến một buổi sáng, cũng như những ngày khác, khi tiếng chim bắt đầu líu lô réo rắt tràn vào đầy buồng, anh bỗng vùng dậy, lao ra đóng ập cửa lại. Không khí trong phòng ắng xuống, chỉ còn nghe loi thoi những tiếng hót, bập bõm, lúc được lúc không. Tôi vô cùng nhạc nhiên:
Sao anh lại đóng cửa? Chim đang hót mà.
Nghe nhạt lắm!
Có gì khác mọi hôm đâu? - Tôi cố nhịn cười bởi tiếng hót vẫn “âm nhạc” như những hôm trước, chẳng có gì khác.
Chiều hôm qua đi làm về, để ý, anh mới biết đấy là tiếng hót của mấy con chim nhốt trong dãy lồng treo trên gác ba bên nhà bác Lành. Hỏi ra, mới biết bác ấy vừa mua được ở phố Tăng Bạt Hổ mấy tuần nay.
Trời ạ! Chim nào chả là chim. Thì ra đức ông chồng của mình cũng rầy rà, ngộ nghĩnh quá thể.
Cưới nhau được ít lâu, một hôm anh bảo: “Hồi bố mẹ dưới này lên quê ăn hỏi, anh đang công tác biệt phái ở Hà Tiên, không về được đã đành, bây giờ có điều kiện, sang xuân chúng mình sẽ về trên ấy thăm cha mẹ”. Tôi cười, ậm ừ: “Vâng”. Trong lòng vừa vui vừa lo. Vui vì chồng tôi là chàng rể có hiếu; lo là vì gia đình tôi quê mùa, nhà cửa tuyềnh toàng, sơ sài, không có tiện nghi, nấu ăn không ngon không đẹp như ở thành phố … rồi anh cười cho, xấu hổ lắm. Nhưng đạo lý xưa nay vẫn thế, có gì lạ đâu. Vả lại, cũng không thể tìm cách trì hoãn, mãi mãi không đưa anh về được. Thế là, đúng mồng hai Tết, chúng tôi khăn gói lễ mễ ra bến xe ôtô.
 
°
 
Quê tôi ở Sơn La, một tỉnh miền núi phía Tây Bắc. Các cụ nhà tôi từ dưới xuôi lên định cư ở đấy đã mấy đời. Nhà tôi thuộc bản Hoa Đào, nhưng ở tương đối biệt lập, nên cách bản chính đến non nửa cây số, cách uỷ ban xã hơn bốn cây số. Mỗi khi xuống chợ huyện, phải đi từ tờ mờ đất, mua bán xong về ngay thì cũng phải quá nửa buổi chiều mới về đến nhà. Đất rộng, người thưa, bước chân ra khỏi cửa, chỉ nhìn thấy những núi cùng non, những rừng với rú. Những hôm trời mưa dầm, ngồi bên bếp lửa nghe tiếng giọt ranh rơi tí tách, tiếng vượn hú nai kêu trong thung vọng ra mà cứ thấy buồn đến nẫu cả người. Những khi chiều về, nắng đã tắt hẳn, không gian yên ắng, nghe tiễng mõ trâu lóc cóc, tiếng nước chảy lóc róc dưới con suối phía chân đồi, trong lòng bao giờ cũng dâng lên một cảm giác đìu hiu đến não nề. Xem phim, xem ảnh, được thấy cảnh phố xá hoa lệ, đường nhựa, hè xi măng, chỗ nào cũng sạch tinh tươm, không chút bùn đất cỏ rác, tôi đâm sinh ra ước ao: Giá nhà mình ở đấy!
Ngôi nhà sàn bằng gỗ của chúng tôi là do ông nội tôi dựng cất. Từ bé, thấy cha chẳng phải sửa sang gì lắm ngoài việc hai lần lợp lại cái mái bằng lá cọ. Phía góc sân trước, bên cạnh một tảng đá to, không ai trồng, tự nhiên mọc lên một gốc đào; cây đào ấy năm nào cũng nở rất nhiều hoa, bông to, cánh thắm hiếm thấy; cha tôi bảo là tại nó ở gần người. Chị em tôi chỉ cười, chứ không tin vì cha tôi đã học môn sinh vật bao giờ đâu. Ngôi nhà của chúng tôi lưng tựa vào sườn đồi, trông xuống một cái thung nhỏ trồng toàn lúa nước. Vượt qua thung là bắt đầu những cánh rừng xanh thẫm, cao thấp, trùng điệp mãi không thôi. Ngồi ở lan can nhà tôi - giống như ban công nhà thành phố, nhưng bằng gỗ và bao quanh gần như toàn bộ ngôi nhà - có thể nhìn thấy một con suối nhỏ chạy dọc theo chân đồi, lúc ẩn trong những lùm cây, lúc hiện ra ở những trảng đất bằng lẫn với những phiến đá cùng những viên cuội nhẵn lỳ có nhiều màu sắc. Không biết tự bao giờ, chỉ biết khi lớn lên, tôi đã thấy trên trảng đất dài này đã có đầy những gốc đào phai u bướu sần sùi, khắc khổ nhẫn nại ấy. Về mùa đông, lá đào rụng gần hết, trơ ra những thân cành khúc khuỷu, mốc thếch loang lổ như những cây đã chết khô tự bao giờ. Mùa xuân đến, cả giải đất màu xám sáng bỗng bừng lên một màu hồng dịu. Tôi đã quá quen với những cảnh vật ấy đến mức cảm thấy nhàm chán.
Chúng tôi phải cuốc bộ hơn chục cây số. Bao nhiêu thứ nhũng nhẵng những túi cùng gói anh đem buộc gọn thành hai bó to, khoác hết lên lưng. Tôi giành lấy một bó, anh không cho, cười bảo: “Để anh làm ngựa. Nếu em thích, ngồi luôn lên lưng để anh thồ một thể!”. Tôi là dân miền núi gốc, trên tay chỉ toòng teng một cái túi nhẹ, mới đi được non nửa đường mà mặt mũi đã đỏ bừng bừng, đôi tai đã bắt đầu muốn tham gia hô hấp. Còn anh, vừa đi vừa nghênh ngáo, có vẻ thích chí lắm. Nhiều lúc mải nghênh, không nhìn đường, vấp ngã dúi dụi, thâm tím cả đầu gối. Đến xẩm tối thì về đến nhà. Cha mẹ và em trai tôi mừng lắm. Không khí trong nhà rộn ràng như có đám hỷ. Bữa cơm tối có món cá kho, những con cá đủ loại chỉ bằng ngón tay, thằng Thuận mới bắt ở suối lúc chiều. Tôi cứ lo anh ăn không được, nhưng để ý thì thấy anh ăn ngon miệng lắm. Lạ thật! - Tôi thầm nghĩ. Đến khuya, lúc lên giường, anh thì thầm:
- Này em, món cá kho lạ thật! Khi nào về Hà Nội em lại làm giống thế nhé.
Tôi có cảm giác hơi tự ái, cảnh giác:
- Anh nói thật, hay đùa cho vui đấy?
- Đùa là thế nào? - Mặt anh nghiêm lại -  Ăn món cá mẹ làm, anh phát hiện ra có vị tanh, nhưng … mộc mộc; phải rồi: tanh mộc! Vị này rất lạ, anh chưa bao giờ được cảm nhận. Đấy mới là cái vị đúng của cá. Ở thành phố, không hiểu nấu nướng thế nào, người ta đã làm mất tiêu cái vị ấy. Mà … - Anh cười tinh quái - nếu em không làm được thì cứ nhận đi, rồi nói xin mẹ dạy cho.
Lúc ấy, câu nói nửa thực nửa trêu chọc đó của anh không làm tôi tự ái nữa, mà trái lại, khiến đôi má của tôi cứ ửng lên, không sao hãm lại được.
Sáng hôm sau, sau bữa điểm tâm bằng sắn luộc chấm mật ong, anh đòi theo cha mẹ lên nương phụ giúp trỉa đỗ. Cha bảo chỉ còn có một đám nhỏ, quãng nửa buổi là xong, các con mới về, còn mệt, cứ ở nhà mà nghỉ. Trông ông anh rể như quả bóng xì hơi, thằng Thuận thấy không nỡ, bèn bảo: “Anh có muốn đi rừng không? Hôm qua em vừa phát hiện được một bọng ong mật, to lắm!”. Được lời như cởi tấm lòng, “quả bóng” lại phồng lên, có phần căng hơn trước. Anh rủ tôi. Tôi không đi, lấy cớ hãy còn mệt. Chiều muộn, mới thấy hai anh em về, trên tay là cái can nhựa đựng mật, mặt mũi anh nào cũng lem nhem như hề.
- Sao hai anh em về muộn thế? - Tôi thì thào hỏi Thuận.
- Thực ra có thể về kịp bữa trưa. Nhưng anh Nhã - nó liếc nhìn anh, rồi hạ giọng - như trẻ con ấy, buồn cười lắm, cứ nghênh nghênh ngáo ngáo như em xuống dưới tỉnh ấy. Thấy gì cũng hỏi, thấy gì cũng xem. May mà có mấy củ sắn luộc đem theo. Lúc qua thác Mai, có gì lạ đâu, thế mà anh ấy đứng lại nhìn mãi, nom thộn lắm. Giục mãi mới đi, hồi lâu vẫn còn tần ngần như ông Dung nghiện trong bản đi đường đánh rơi mất bầu rượu ấy. Về gần đến nhà, vẫn còn la cà, lẩn thẩn mãi ngoài vạt đào ngoài suối.
Ngừng một lát, như sực tỉnh, nó hỏi tôi:
- Hay là anh ấy bị làm sao …?
Tôi cười, lấy ngón tay dúi cho nó một cái vào trán. Đêm hôm ấy, anh kéo tôi vào lòng, vuốt ve mái tóc hồi lâu, rồi như thể nói một mình:
- Vùng quê này đẹp lạ lùng. Chả trách … em xinh là phải!
- Dù sinh ra ở đâu thì em cũng xinh thế thôi! - Tôi đùa lại, cố tình trêu chọc.
- Nói ẩu! - Anh ngồi nhỏm dậy - Em thật … vô ơn với trời đất quá! Thôi, anh bảo, ngày mai làm cái lễ tạ, kẻo rồi đất trời bất mãn, đòi lại hết cả cái xinh cái thắm thì thiệt hại cho anh quá!
Ngày trở về Hà Nội, anh xin cha một cành đào ngoài suối. Thấy vậy, tôi ngăn lại:
- Cồng kềnh lắm, tha làm gì cho khổ. Đến rằm, ở dưới ấy, người ta lại bán đấy mà.
- Ối, những thứ đào ấy? Cây thì uốn éo như rắn, cành thì trông có khác gì cái nơm, trông thấy đã muốn nổi cả gai ốc!
Tôi cười, không can nữa.
Về đến Hà Nội, câu đầu tiên anh nói với tôi là: “Mùa xuân sang năm chúng mình lại về quê nhé!”. Tôi lườm anh, mỉm cười gật đầu, nghĩ: Đúng là một đứa trẻ lớn!
 
°
 
Mùa xuân sau đó, tôi sinh cháu đầu lòng, không về cùng anh được, chỉ lo anh buồn. Nhưng khi trở về, thấy anh hồ hởi kể bao nhiêu là chuyện, tôi thấy nỗi lo của mình là thừa, là vô duyên và trong lòng không khỏi gợn lên một thoáng buồn. Nhưng, nói cho công bằng, tôi cũng rầy rà chẳng kém gì anh: Tại sao lại ghen cả với mùa xuân quê mình chứ!
Thực tình, nhờ có anh giảng giải, chỉ cho xem, tôi mới dần thấy được phần nào cái duyên dáng, cái huy hoàng đến kinh ngạc của thiên nhiên nơi tôi chôn rau cắt rốn. Và, theo thời gian cùng những cảm nhận khác nhau được anh truyền cho, trong tôi bấy giờ mới bắt đầu dần hình thành một tình cảm nào đó với mảnh đất nơi tôi đã sinh ra và lớn lên. Nhờ anh, tôi mới thấy được cái mỏng mảnh, tinh khiết của một cánh mai trắng; cảm nhận được tiếng hót của chim trong lồng khác với tiếng hót của chim trời thế nào; phân biệt được tiếng nước suối chảy trong mùa hè đùng đục tiếng thổ, trong mùa xuân thì trong vắt tiếng kim; cây mọc trong tự nhiên khác với cây trồng trong chậu ra sao…
Khi thằng chó cún của chúng tôi lên hai, đã tạm cứng cáp, cả nhà mới cùng nhau về quê được. Hôm ấy, anh xin phép cha mẹ đưa hai mẹ con vào trong thác Mai chơi một ngày. Cha tôi cười: “Ừ, nên lắm. Đi mà hưởng lấy cái phúc của trời đất, không thì uổng lắm các con ạ!”. Mẹ tôi cũng cười: “Ôi dào, ông chỉ vẽ! Cháu tôi về được có mấy ngày, lại phải chờ đến tối mới lại được thấy nó!”. Cha quay sang, làm bộ nghiêm nét mặt: “Cái bà này … đến là tham! Cháu là cháu của một mình bà chắc?”
Thế là, lưng khoác ba lô, vai công kênh thằng bé, anh đi trước, môi chụm lại, huýt sáo vang rừng một điệu valse: … mơ ước, một mùa xuân yên vui lại đến, sẽ thấy những bông hoa đẹp xinh … Thằng bé, ngồi ngất ngưởng trên vai bố, cười tít cả mắt; còn tôi lật đật theo sau hai bố con, lẵng nhẵng xách theo cái túi đựng mo cơm nắm và bầu nước uống.
Chúng tôi chọn một vạt cỏ xanh có những gốc mai trắng bên thác làm chỗ nghỉ. Nhưng cuộc đi chơi hôm đó đã không thành công bởi thằng bé, không hiểu thế nào, bị một con bọ cạp đốt vào mu bàn chân, buốt quá, khóc lả cả người. Chúng tôi cuống cuồng garô lại và đưa nó về nhà. Mẹ tôi quýnh lên, cứ ôm riết lấy cháu. Cha tôi vội đi lấy lá thuốc, giã vắt lấy nước cho uống, phần bã đắp vào vết cắn. Lúc sau thấy nó đã nín hẳn và ngủ lịm đi, trán vẫn nóng hâm hấp. Đêm ấy, cả nhà thức trắng.
Ngày hôm sau, thằng bé hết sốt, xà vào lòng bà đòi bà luộc sắn cho. Cha cười, bảo: “Ổn rồi. May mà con bò cạp này còn nhỏ”. Chồng tôi thở phào; cả buổi sáng cứ ra ra vào vào, phần thì xót thằng bé, phần chân tay buồn bã không biết làm gì. Sợ anh buồn chán, tôi bảo: “Tảng đá bên cây đào ở góc sân trông chướng quá; hay là chúng mình xuống tìm cách bẩy đi, lấy chỗ cho cây đào nó thở?”. Anh cười, đi lấy cái xà beng dựng ở dưới sân. Hai vợ chồng hỳ hụi mãi, rồi tảng đá to cũng bắt đầu long chân, nhúc nhích. Sau cú hích cuối cùng, tảng đá bật nghiêng, để lộ ra một con rắn lục đang nằm khoanh tròn bên dưới. Anh chau mày, ghê tởm, quẳng cái xà beng sang bên, vớ lấy cái cành khô gần đấy, vụt chết ngay con rắn, miệng lẩm bẩm: “Cũng may, cứ để nó ở đây, không chừng mẹ lại gặp phải!”.
Mấy hôm sau, anh chỉ quanh quẩn ở nhà, chỉ ra ngoài khi có việc và không thấy nghênh ngáo như mọi khi mà, đúng cách thức của một người thận trọng, đầu thường cúi xuống nhìn đường và các bụi cây hai bên, dường như để quan sát và đề phòng cái gì đó. 
Trông anh buồn và trầm hẳn. Anh ngồi lặng lẽ bên cửa sổ, cặp mắt dõi về khoảng rừng xa xa phía trước, phảng phất một tâm trạng hoang mang, oán trách và pha chút ghê tởm. Trong sâu thẳm của cái tâm hồn tinh tế ấy, dường như có một cái gì đấy đang rạn nứt, đổ vỡ ghê gớm. Tôi nhìn anh mà trong lòng không khỏi trào lên một nỗi xót xa thương cảm.
 
°
 
Những năm sau sau đó, chúng tôi vẫn giữ lệ, vẫn đều đặn về thăm cha mẹ và em, nhưng anh bảo cũng không phải câu nệ, nhất thiết phải về đúng vào tiết xuân. Điều này đã khiến tôi rất buồn.
Một lần, cậu Thuận viết thư xuống, trong thư có đoạn kể: Cây đào ở góc sân chẳng hiểu làm sao độ này không được tươi tốt như trước nữa; màu hoa cũng không được thắm như dạo chưa dọn tảng đá.
Nhiều năm sau, khi con chúng tôi đã là một thanh niên vạm vỡ, tôi mới ngộ ra: Nếu đứng trước một buổi sớm mùa xuân, hãy cố gắng cảm nhận toàn bộ cái hoà sắc, hoà thanh rực rỡ và tràn đầy sinh khí của nó; đừng bao giờ tỷ mỷ quá, bởi - thật bất hạnh - ta sẽ nhận ra trong cái không gian lộng lẫy và huy hoàng ấy có lẫn cả bò cạp, rắn lục cùng ruồi nhặng... Và mùa xuân sẽ biến mất, khó có thể trở lại trong tâm hồn ta nữa.
Tháng 10 năm 2006

Xem Tiếp: ----