Đoàn văn nghệ của trường được thành lập. Lưu Hạ là cây violong bậc nhất của đội nhạc, bạn tham gia với tư cách là một “nguyên lão”. Buổi lễ thành lập Đoàn văn nghệ nhà trường có mời rất nhiều nhân vật nổi tiếng và mời một số nghệ sĩ, múa, hát chỉ huy dàn nhạc số một của quốc gia làm cố vấn cho đoàn. Trong lời chúc mừng, không hẹn mà nên các vị cố vấn này đều nhắc đến một điều: “Có người nói Thâm Quyến là sa mạc về văn hóa, song các bạn không được như các thành phố nội địa. Đoàn văn nghệ của các bạn được thành lập chẳng khác một ốc đảo xanh trong sa mạc…!” Có nhiều điều Lưu Hạ không hiểu lắm. Bạn thường nghe người ta nói Thâm Quyến là “sa mạc văn hóa” nhưng cơ cấu nhân tài tri thức ở Thâm Quyến chỉ kém so với Bắc Kinh. Thâm Quyến thu hút được một phần ba số tiến sĩ đã bảo vệ xong và hiện còn rất nhiều người đang làm luận án tiến sĩ gõ cửa Thâm Quyến; rồi bao nhiêu là nhân tài phiên dịch rất hiếm có ở trong nước thì nếu Thâm Quyến quảng cáo mời gọi là vơ được cả nắm. Thế mà tại sao vẫn có người bảo Thâm Quyến là sa mạc về văn hóa? Là một thành viên đội nhạc, Lưu Hạ cũng biết rằng số các trường học, có một đoàn nghệ thuật gồm đủ cả đội nhạc, đội hợp xướng, đội múa như Trường Số Chín chỉ thưa thớt như sao buổi sớm, có thể đếm trên đầu ngón tay. Cũng chỉ có một vài trường trung học nổi tiếng ở Bắc Kinh hoặc Thượng Hải là có mà thôi. Vậy thì tại sao có người nói Thâm Quyến là sa mạc văn hóa? Lưu Hạ không thích nghe người ta bảo Thâm Quyến là sa mạc văn hóa. Đối với việc chia lớp thành hai khoa: Văn và Lý, Lưu Hạ cũng có chủ định riêng của mình. Bạn hiểu việc chọn môn Văn hay Lý có ảnh hưởng trực tiếp đến chuyên ngành khi xin thi đại học sau này. Lưu Hạ muốn thi vào học viện âm nhạc, nhưng bạn không dám tự quyết định. Từ nhỏ tới lớn, mọi sinh hoạt, học tập của bạn đều do cha mẹ quyết định. Từ lúc bắt đầu đi nhà trẻ, cha mẹ đã sắp xếp tất cả; học violong hay học piano, vào trường tiểu học nào, thi vào trường trung học nào, thi vào trường chuyên nghiệp hay thi đại học thông thường, tất tật đều do cha mẹ sắp xếp. Giờ lại chia lớp thành khoa Văn và Lý đương nhiên bạn phải hỏi họ rồi. Bạn không hiểu liệu cha mẹ còn lo cho bạn đến bao giờ nữa. Làm cha mẹ ở Trung Quốc thật mệt. Hai người đã ly hôn. Ba đã cưới Nhậm Na, mua một căn hộ mới. Mẹ lâu nay rất hận, cho tới gần đây mới đề bạt làm kế toán trưởng, lúc ấy mới không cảm thấy thua kém cha nữa. Lưu Hạ chẳng có biện pháp thỏa đáng nào để giải quyết là ở với ai. Bạn đành ở nhà mẹ hai tuần, ở nhà cha hai tuần. Lưu Hạ thường tự hỏi bản thân: “Cuối cùng thì nhà mình là ở đâu?”. Cho đến giờ bạn cũng không biết là chọn ai. Lưu Hạ nói với mẹ về chuyện phân ban. Vừa nói xong mẹ tiếp lời ngay: _ Tài chính mậu dịch đi, sau này vào làm ngân hàng hay công ty mậu dịch nước ngoài đều xài được. _ Nhưng… nhưng con muốn thi vào học viện âm nhạc. _ Thi vào học viện âm nhạc ư? Để làm gì? - Mẹ kêu lên. _ Con muốn trở thành nhà âm nhạc. _ Nhà âm nhạc. - Mẹ cười, cười lăn lộn. - Điểm này đúng là gien di truyền của cha con. Mà có lẽ đó cũng là căn bệnh chung của người làm nghệ thuật. Cái gì cũng có thể gọi ra được thành những từ thật hay. Rõ ràng đi quét đường hẳn hoi mà gọi thành thợ làm đẹp cho thành phố. Nhà âm nhạc? Mẹ xem ra cứ gọi thẳng là tay kéo đàn lại rõ ràng. _ Tay kéo đàn? – Lưu Hạ sững người, lặp lại câu hỏi. Buổi tối, Lưu Hạ đến nhà ba. Căn nhà ba và dì mới mua rất đẹp. Có một phòng cho Lưu Hạ. Ba trông trẻ ra rất nhiều. Lưu Hạ muốn xin ý kiến ba. Bạn nghĩ ba sẽ thông cảm và động viên mình. _ Lưu Hạ à, con tham gia đội nhạc, vào đoàn nghệ thuật của trường, ba rất đồng ý, nhưng con muốn suốt đời theo nghề nghệ thuật thì ba không đồng ý. _ Vì sao ạ? – Lưu Hạ kinh ngạc. Chính ba lại là người theo ngành này. _ Lưu Hạ à, ba vốn cũng hy vọng sau này con sẽ theo con đường nghệ thuật. Nhưng hiện giờ… - Ba nở nụ cười đau khổ - Người làm nghệ thuật ở nước ta rất khó thành công. Làm nghệ thuật khó lắm, khó lắm! Nhất là lại ở Thâm Quyến, ở thời đại kinh tế thương phẩm như thế này. Hiện nay có rất nhiều người làm nghệ thuật đua nhau “xuống biển”. Người thì kinh doanh, người thì buôn cổ phiếu. Tất nhiên thứ nghệ thuật mà ba nói là nghệ thuật thuần khiết, thứ nghệ thuật nghiêm túc cao nhã chứ không phải thứ được gọi là các ngôi sao âm nhạc nổi tiếng thường xuyên gào thét hay ngoáy mông trên sân khấu đâu. Bát cơm nghệ thuật khó ăn lắm, con ạ. Phải chịu đựng gian khổ, cô đơn, thầm lặng và nghèo khó. Nếu như đến miếng ăn còn phải lo thì liệu có tâm tư nào làm nghệ thuật nữa không? Lưu Hạ cúi đầu không nói gì. _ Ba đã từng trải. Quá nửa cuộc đời ba làm nghệ thuật, bây giờ chỉ có năm chữ thôi: “Làm người phải thực tế”. Giữa lý tưởng và hiện thực còn có khoảng cách. Đương nhiên vậy là đau khổ rồi! Đêm ngủ Lưu Hạ mơ thấy cô bé đi đôi giày nhảy của phù thủy trong chuyện cổ tích. Cô nhảy múa xoay tròn rất nhiệt tình, nhưng không thể dừng lại được. Sáng hôm sau, câu đầu tiên ba nói là: _ Người ta thường nói có trồng trọt thì có thu hoạch. Nhưng con đường nghệ thuật thì không hẳn thế. Ba có thể khẳng định rằng, có thu hoạch thì tất phải có gieo trồng, nhưng không có nghĩa là có gieo trồng thì ắt có thu hoạch! Nhìn đôi mắt mệt mỏi của ba, Lưu Hạ biết đêm qua ba mất ngủ. Bạn hiểu rằng những câu nói ấy chính là kinh nghiệm của cả một đời người. Đó là trao đổi kinh nghiệm mà cũng là “lời tâm huyết”. Cha không thể nói dối con. Ba còn tài hoa hơn mình nhiều mà cũng còn thế nữa là mình. Nhưng cô bé nhảy múa với đôi giày phù phép trong mơ thì làm sao đây? Lưu Hạ không dừng lại được, mà cũng không có cách nào dừng. Nếu nói bạn chọn nghệ thuật thì chẳng bằng nói nghệ thuật chọn bạn. Không có tiếng vỗ tay và hoa tươi nhưng bạn vui lòng đi theo con đường ấy. “Ban kịch cần một số học sinh trung học từ 15 đến 17 tuổi, ai muốn tham gia xin mời ngày 1-6 đến phòng B303 tầng ba nhà lớn của đài truyền hình để gặp mặt”. Khi “Truyền thuyết” đồn đại từ một tháng nay cuối cùng đã được chứng thực trên tờ yết thị, có rất nhiều học sinh mê mẩn với lời đề nghị này. Ban kịch vở Xin chào tuổi xuân đang quay bộ phim phản ánh về lứa học sinh trung học đương đại nên cần tuyển lựa diễn viên trong học sinh trung học. Không biết tự khi nào “minh tinh” đã trở thành giấc mộng của không ít nam nữ thiếu niên. Cùng với những cơn sốt sùng bái minh tinh của đám người theo đuổi minh tinh, đồng thời nhiều thanh thiếu niên cũng mong muốn mình trở thành một “ngôi sao”. Tin này được công bố, đã gây nên một cảnh tượng thật sôi động vô cùng. Thầy dạy văn nghệ thông báo cho Lưu Hạ điều này và mong bạn đi thử. “Chỉ có ai thích danh hão mới đi làm cái việc ấy”. Thực ra có không ít người muốn đi, nhưng lại không có tự tin và dũng khí nên làm ra cái vẻ coi thường, nói như trên. Liễu Thanh cũng thế. Bạn rất muốn đi và thường tưởng tượng một ngày nào đó khi đi trên đường sẽ có một đạo diễn phát hiện ra và chọn mình. Ông ta sẽ tiến đến và rút danh thiếp ra nói: “Tôi là… ở xưởng phim…” vậy mà đã bao năm qua rồi, ngày nào bạn cũng đi trên đường nhưng chẳng có đạo diễn nào xuất hiện. Lần tuyển diễn viên này là một cơ hội, nhưng bạn nghĩ mình vừa béo vừa xấu có đi cũng không trúng tuyển; có được tuyển thì cũng phải đóng những vai “quả cười” giống như cô gái béo ị trong phim Tuổi thanh xuân muôn năm, thì chẳng thà không diễn còn hơn. Mà bạn thì muốn được đóng vai chính. Bạn cho rằng mình thuộc “trường phái diễn kỹ thuật” phải gặp được Bá Nhạc (Một người có biệt tài xem tướng ngựa đời xưa) mới xong. Chứ cái kiểu mời gọi công khai này thì có đi cũng chẳng ăn thua gì. Ngược lại, Lưu Hạ kiên quyết hơn nhiều. Trước kia bạn không hề có ý nghĩ làm diễn viên – làm “ngôi sao”. Nhưng khi thầy giáo văn nghệ nhắc nhở thì bạn lại xiêu lòng. Có thể đây lại chính là con đường nghệ thuật của mình. Lưu Hạ quyết định giành lấy. Bạn đi tìm mẹ. Mẹ bảo đừng làm những việc lung tung. Từ sau khi ly hôn với ba, mẹ coi diễn viên, chỉ huy dàn nhạc, đạo diễn… đều là những thứ việc bát nháo. Lưu Hạ đến tìm ba, ba nghĩ một lát rồi nói: _ Được đấy, thanh niên cũng nên thử mình một cái cho cuộc sống thêm phong phú. Có thể cánh cửa vận may lại mở ra với con. Lưu Hạ quyết định đi nộp đơn. Bạn cũng đã nghĩ đến thất bại. Nhưng nếu thử mà không dám đi thì có phải là còn tồi tệ hơn là thất bại không. Lưu Hạ rất tự tin. Bạn mặc cái váy màu trắng mẹ tặng hôm sinh nhật và thấy mình rất đẹp. Bạn ngắm nghía mình trong tấm gương tủ áo, chăm chú ngắm từ đầu chân, nghiêng phải, soi trái, ngắm trước, nhìn sau. Lúc bạn mỉm cười, lúc buồn bã, khi trầm tư, tự nghiên cứu các tư thế và biểu cảm. Bạn cứ loay hoay mãi như thế cho đến khi mệt lử mới thôi. MỘNG LÀM DIỄN VIÊN CỦA NỮ SINH TRUNG HỌC Lưu Hạ đi qua Hoa Liên đại sảnh. Trên nóc tòa kiến trúc ba mươi tầng đó có một chiếc đồng hồ lớn. Cả nửa thành phố Thâm Quyến có thể nghe tiếng chuông báo giờ trầm trầm vang vọng. Lưu Hạ xem đồng hồ, chỉnh lại giờ. Cuộc gặp mặt hôm nay sẽ bắt đầu vào lúc 2 giờ 30 phút. Các tòa cao ốc của Thâm Quyến nhiều không thể đếm hết, nhưng tuyệt nhiên không hề giống nhau. Ngay từ xa Lưu Hạ đã nhìn thấy cấu trúc đặc sắc của tòa nhà đài truyền hình. Bước chân vào cửa, Lưu Hạ hít thật sâu mấy hơi, dùng khăn tay giấy phe phẩy quạt rồi bước vào cửa chính. Gian phòng lớn ở giữa tầng một thật vuông vức. Trên tường có treo chiếc gương lớn chạm sàn chấm mái. Lưu Hạ đến gần, thử ngắm mình với ánh mắt của người khác, cảm thấy hoàn toàn có thể “Pass” được. Tòa lầu lớn này có một chiếc thang hình xoắn ốc nối từ tầng một lên tận đỉnh. Lặng lẽ ngắm nhìn chiếc thang ấy, Lưu Hạ nghĩ bụng: “Liệu nó có thể đưa mình đến cung điện nghệ thuật không?” Bạn lên tầng ba. Căn phòng lớn ở tầng ba đã đầy ắp người. Học sinh bây giờ đều thích nắm đúng thời cơ, dành lấy cơ hội. Họ đã đến từ sớm đợi ở cửa chờ đón vận may. Bọn con gái đến dự tuyển đông hơn con trai. Cô nào cô nấy trang điểm trông thật đẹp. Nhìn sự chải chuốt kỹ lưỡng, quần áo đẹp đẽ, giày dép kiểu cách của họ thì như là họ đi dự biểu diễn thời trang. Nhận bản kê khai, Lưu Hạ lặng lẽ ngồi xuống. Chẳng ai chú ý nhiều đến bạn. Mọi người ở đây ai cũng đẹp, ai cũng xuất chúng. Phần lớn họ không quen biết nhau nhưng đều có khả năng xã giao rất tốt. Họ cười cười nói nói với nhau. Lưu Hạ hơi lo lo. Bạn lẩm bẩm số của mình: một linh bảy, một linh bảy… Lưu Hạ tự so sánh mình với mấy bạn gái cùng ngồi trên ghế dài. Xem kìa, cô bạn ngồi ở giữa ghế đang soi gương tự làm điệu với mình. Còn cô bạn bên cạnh đang học thuộc lòng những câu: “Thưa đạo diễn, em sẽ đem lại cho điện ảnh thêm sắc màu rực rỡ. Chỉ vài năm sau thôi, điện ảnh Trung Quốc sẽ có thêm một ngôi sao sáng…” Mọi người ai ai cũng hết sức tự tin, cứ như không phải họ đến để thi mà chờ đợi họ là một buổi nói chuyện nhẹ nhàng. Lưu Hạ cảm thấy mình đang ở thế kém hơn họ lại càng căng thẳng. _ Số 91 - Cửa mở, có tiếng gọi vọng ra, đồng thời một cậu con trai mang găng tay thở dài bước ra. Chẳng cần hỏi xem thi cử ra sao, cứ nhìn bước chân nặng nề rất không tương xứng với vẻ mặt phớt đời là biết ngay kết quả. Bạn gái có số “91” bước vào. Lưu Hạ dựa tấm thân mềm nhũn vào tường: “Không được căng thẳng, phải tự tin, phải tự tin”. – Lưu Hạ ra sức động viên mình. Khi ấy bạn nghe tiếng đạo diễn hỏi: _ Vì sao em muốn làm diễn viên? “Bởi vì trong cái thế giới đầy tình cảm và linh cảm này, diễn viên có thể thả mình hết mức để hiểu biết cuộc đời của đủ hạng người. Có như thế diễn viên mới tự làm phong phú thêm cuộc sống của bản thân”. Lưu Hạ đã chuẩn bị sẵn đáp án, song cũng không hiểu câu nói ấy từ đâu mà ra. bạn thấy câu này rất tuyệt nên chép vào vở, hôm nay đem nó ra để dùng. _ Số 107. – Cánh cửa lại kẹt một tiếng. Lưu Hạ thót cả người, lúc ấy nhận ra trước mắt chẳng có đạo diễn nào cả và cũng chẳng có ai hỏi: “Vì sao em muốn làm diễn viên?” Hóa ra vừa rồi là giấc mơ giữa ban ngày. Lưu Hạ chợt nhận ra cô bạn soi gương và cô bạn học thuộc lòng ngồi trên ghế dài không còn đó nữa mà thay vào toàn là người mới. Lưu Hạ không nghĩ mau đến lượt như thế. Chẳng chuẩn bị được gì cả, thôi đành vào vậy. _ Thưa đạo diễn, cháu mười sáu tuổi thật mà, chú tin cháu đi, quả thực là cháu mười sáu tuổi. Chỉ có điều trông cháu… - Một bạn trai đang nài nỉ. _ Thôi được rồi, không cần nói nữa. _ Thưa đạo diễn, cho cháu thử thêm lần nữa đi. _ Người sau đi, mau! - Đạo diễn không kiên nhẫn được nữa, xua xua tay. Lưu Hạ rón rén bước vào. Bạn trai kia trông ít nhất cũng phải mười chín đôi mươi rồi, chả giống học sinh một chút nào mà giống một tay chơi ngoài xã hội. Anh ta mà cũng đến, Lưu Hạ cười thầm. Nơi kiểm tra này mới được sắp xếp. Trước mặt bạn là ba vị giám khảo trông rất nghiêm túc. Trước mặt mỗi người có đặt một tấm biển nhỏ hình ba cạnh ghi họ tên chức vụ của từng người. Ngồi giữa là đạo diễn Thi Quân Kiện, bên phải là trợ lý đạo diễn, bên trái là phó đạo diễn. Ngồi hàng sau là bốn thầy giáo giám khảo, trông họ hiền hòa hơn nhiều. Lưu Hạ cúi nửa người. _ Xin chào các thầy, em là số 107 ạ. _ Chào em, ngồi xuống đi. Lưu Hạ ngồi xuống, mười bốn con mắt chăm chú nhìn bạn khiến bạn mất tự nhiên, đỏ mặt lên, ngồi ngay ngắn hai chân để ngang nhau, hay tay đặt lên đùi. _ Em tên gì? _ Lưu Hạ ạ. _ Ồ cái tên đặc biệt nhỉ, năm nay bao nhiêu tuổi, học lớp mấy? _ Em mười sáu tuổi, học lớp mười trường trung học Số Chín ạ. – Lưu Hạ vẫn đỏ mặt ngồi ngay ngắn. Mấy thầy giám khảo nhìn nhau. _ Em có biết diễn kịch không? _ Dạ cũng gọi là biết ạ. Đôi khi em ở nhà tự biên tự diễn, cảm thấy cũng được ạ - Lưu Hạ trả lời vẻ thật thà vẻ hơi ngốc nghếch. Mấy người tỏ ra thích Lưu Hạ. Họ nhìn nhau, trông mặt dịu hơn trước nhiều: _ Em điền vào phiếu này đi. Lưu Hạ tiến đến nhận lấy phiếu, nghĩ thầm sao lại đơn giản so với sự tưởng tượng của mình về cuộc thi đến thế! Không phải diễn tiểu phẩm, cũng không bị hỏi: “Vì sao em muốn làm diễn viên”. Với câu hỏi: “Vì sao em muốn làm diễn viên” Lưu Hạ chuẩn bị rất kỹ lưỡng rồi, rất đắc ý rồi, thế mà đạo diễn chẳng hỏi, tiếc quá! Cầm tờ phiếu rồi nhưng Lưu Hạ cứ đứng đấy. Bạn không bị căng thẳng như lúc nãy nữa, nên hỏi: _ Thưa, tại sao các thầy không hỏi em câu: “Vì sao muốn làm diễn viên?” ạ? Các thầy giám khảo cười: _ Vì sao lại phải hỏi chứ? _ Bởi vì em đã chuẩn bị tốt đáp án rồi. Các thầy hỏi em vấn đề ấy đi? _ Ồ, thế đáp án của em là thế nào? _ Trong cái thế giới đầy tình cảm và linh cảm này, diễn viên có thể thả mình hết sức để hiểu biết về cuộc đời của đủ loại người. Có như thế diễn viên mới làm phong phú thêm cuộc sống của bản thân. – Lưu Hạ ngẩng cao đầu, vô cùng đắc ý đáp. Câu nói văn vẻ ấy của Lưu Hạ khiến cho các thầy đều cười: _ Ha ha, thật là có ý nghĩa. Ha ha, cô bé này hay thật! _ Thưa đạo diễn, thưa đạo diễn! - Cửa bật mở, người gác cửa bất lực nhún vai. Lúc ấy một người đàn bà chạy xộc tới trước mặt đạo diễn: _ Tôi đến xin dự tuyển ạ - Người đàn bà chỉ vào đứa bé bên mình – Đây là con trai tôi. _ Đồng chí, tôi không hiểu! - Đạo diễn bị bất ngờ, không hiểu đầu cua tai nheo ra sao. _ Thưa đạo diễn, chuyện là thế này. Tôi ấy ạ, tôi muốn diễn vai phụ huynh học sinh trung học, còn con tôi thì diễn vai em trai của nhân vật học sinh trung học ạ. Tất cả những người có mặt đều buồn cười. Nhưng người đàn bà vẫn nghiêm trang nói: _ Tuy bây giờ phần lớn học sinh trung học là con một, song cũng có cá biệt. Đạo diễn càng cười to: _ Ha ha! Ha ha! Lưu Hạ bị bỏ quên, biết làm gì bây giờ? _ Thưa đạo diễn, thế còn em ạ? – Lưu Hạ hỏi. _ A, Lưu Hạ hả. Cứ về nhà chờ thông báo nhá! Lưu Hạ bước ra ngoài. Bên ngoài vẫn có một hàng dài người ngồi chờ, thấy Lưu Hạ bước ra, họ vây cả lại hỏi thăm: _ Đạo diễn hỏi bạn cái gì? _ Bạn có trúng tuyển không? Lưu Hạ cứ một mực lắc đầu. Bạn không còn tâm trí nào trả lời họ. CHƯA BẤM MÁY QUAY ĐÃ VÀO VAI Đường phố vào giờ tan học buổi chiều, hàng đoàn học sinh mặc đồng phục nhập vào đội ngũ đông đảo của những người tan sở, tan ca. Vì có số học sinh, nhờ có lớp người niên thiếu mà đường phố cũng trẻ hẳn ra. Một đám học sinh nói cười sôi nổi đi vượt qua bên cạnh bạn, một đôi bạn nhỏ cả nam và nữ lúc gần lúc xa chạm qua vai bạn, cảnh tượng đường phố tràn ngập không khí thanh xuân. Phim Xin chào tuổi xuân mà đạo diễn là Thi Quân Kiện đang có điều khó xử. Sự bạo dạn và tài năng của các em học sinh đến dự tuyển không thể đánh giá thấp, nhưng một vài cách thức của các em thì đạo diễn và nhóm biên kịch không thể nào tiếp thu được. Không ít các em viết thư đến nói rõ: “Nếu đạo diễn không chọn cháu thì chú sẽ phải hối tiếc suốt đời, hối tiếc vì làm nền điện ảnh Trung Quốc thiếu đi một ngôi sao điện ảnh rực rỡ”. Có em còn gọi điện thoại đến: “ Thưa đạo diễn, nếu cháu không thấy giấy thông báo trúng tuyển thì chú hãy đến biển Nam Hải mà tìm cháu”. Đối với những bức thư và cú điện thoại như thế này, đạo diễn rất lo ngại. Một mặt ông tích cực viết thư, khuyên các em hãy chuyên tâm vào học tập, một mặt ông liên hệ với cha mẹ và nhà trường của các em. Trong số học sinh trung học đến dự tuyển, đạo diễn đã chọn được một phần diễn viên, chỉ có mỗi vai nữ chính là Thông Linh thì chưa ai thích hợp. Người đến dự tuyển có tới hàng ngàn, nhưng hết tốp này đến tốp khác đều bị loại. Do vậy việc tiến hành quay không thể không đẩy lui lại. Đạo diễn phải chạy khắp nơi, đến tận các ban văn nghệ của trường để nhờ thầy giáo giới thiệu. Một tuần lễ trôi qua. Lưu Hạ vẫn chưa nhận được giấy thông báo. Ngày nào bạn cũng tràn trề hy vọng đi mở hộp thư, nhưng lần nào cũng thất vọng quay vào. _ Không có thư à? – Dì Nhậm Na hỏi. _ Không có ạ. _ Thôi đừng lo, hãy chờ thêm đã. Nhỡ may ngày mai có thư thì sao! – Dì gọt táo cực giỏi, cái vỏ dài mãi không đứt – như thế là việc tốt lành lắm trắc trở đấy. _ Thế thì chắc họ gửi rồi. Người được chọn chắc cũng sớm quyết định rồi! – Lưu Hạ uể oải dựa vào lưng ghế xôpha. – Hôm ấy cháu thi không tốt, đạo diễn Thi cứ cười mãi, chắc họ coi cháu là con ngốc. _ Đạo diễn Thi ư? Thi gì? – Dì đưa cho Lưu Hạ miếng táo. _ Thi Quân Kiện ạ - Lưu Hạ cắn mạnh miếng táo. _ Đúng là ông ấy rồi. Thế thì may quá. Con có biết không ông ấy vốn là viện phó học viện múa của dì, sau này chuyển ngành. Dì và ông ấy có quan hệ với nhau rất tốt. Lúc đầu phân công tác dì cũng phải nhờ vả ông ấy nhiều. Nếu mà như thế thì phải đi tìm ông ấy mới được. _ Thật ư? – Lưu Hạ tươi tỉnh hẳn lên - Chắc ông ấy sẽ giúp chứ? _ Chắc chứ, dì với ông ấy rất thân thiết, chắc chắn ông ấy phải giúp chứ. _ Thế thì… làm khó cho dì quá. _ Vì Lưu Hạ của nhà ta thì dì phải “liều mình theo phò quân tử” thôi! Từ trước tới giờ Nhậm Na không để cho Lưu Hạ gọi mình là mẹ. Lưu Hạ không gọi ra lời được mà dì cũng không thuận. Họ đều là những người thời hiện đại. Lưu Hạ có thể coi Nhậm Na là một bà dì tốt, chung sống hòa thuận là đã rất tốt rồi, vậy còn muốn gì nữa đây? Gọi lên tiếng “mẹ” da diết như trong phim thì có vẻ như không thể được. _ Hãy để cháu nghĩ tí đã – Lưu Hạ lại cảm thấy làm như thế không ổn nên sau đó nói – Thôi dì ạ. Cháu không trúng tuyển thì đi làm gì? Hơn nữa nếu cho cháu đi đóng phim thì các chú ấy vẫn ngầm coi thường cháu. _ Khá đấy! Thế mới đúng là con gái của Lưu Tông Diệu này! - Chẳng biết ba đã đứng ngay trước mặt từ bao giờ. - Nghệ thuật không được đầu cơ trục lợi. Do chuyện đi thi tuyển diễn viên nên Lưu Hạ có phần nào xao lãng việc học tập. Sắp tới kỳ thi cuối học kỳ rồi. Lưu Hạ cảm thấy phải dốc sức vào học cho nên cũng nhạt dần chuyện kia đi. Một hôm thầy giáo văn nghệ bảo Lưu Hạ tổ kịch muốn đến quay ngoại cảnh ở trường trung học Số Chín: _ Lưu Hạ phải chăng em… - Thầy lấp lửng. Gợi ý tuyệt vời. Lưu Hạ quyết tâm tranh thủ cơ hội. Bây giờ người ta chú ý nhiều đến việc làm sao nắm lấy được thời cơ. Nhiều minh tinh đã từng nói rằng con đường xuất đầu lộ diện của mình hoặc là được người đi tìm minh tinh phát hiện khi đi trên đường, hoặc là theo bạn bè đi dự tuyển thì mình lại trúng. “Vô tâm cắm liễu liễu xanh um”. Đó là câu chuyện cũ, Lưu Hạ không tin. Bạn cho rằng phàm đã làm việc gì thì cũng phải tranh thủ thời cơ. Hôm tổ kịch đến trường trung học Số Chín, Lưu Hạ đã sớm “Cung nghênh” ngay trước đầu cầu thang. Ngay từ xa, họ đã nhìn thấy một thiếu nữ áo trắng, mái tóc đen lánh vắt gọn trước ngực.. Ánh chiều tà rực rỡ làm nổi bật lên dáng người đẹp và khuôn mặt khả ái của cô. Cô có vẻ hơi ngượng ngập xấu hổ. Cũng chính cái vẻ ngượng ngập xấu hổ ấy làm cho cô càng trở nên xinh đẹp dễ thương, xúc động lòng người. Đạo diễn và mọi người trong đoàn kịch chợt thấy lóe sáng trong đầu. Họ thầm reo: “Thật là “đi mòn dép sắt không đâu thấy, bất chợt tìm ra chẳng tốn công”. Người diễn viên không chỉ có khuôn mặt đẹp mà cần phải có kỹ năng diễn xuất và tài hoa. Đạo diễn quyết định để cho Lưu Hạ quay thử, mặc dù hôm nay ông có mang theo một cô bé dáng vẻ rất tây đến thử trước ống kính. Nghe nói cô ta mới thực sự lọt vào theo cửa sau. Đạo diễn muốn thử diễn xuất của cả hai để xem tố chất bên trong của hai cô, xem ai là người tiếp cận và thể hiện trúng nhân vật nữ chính trong phim là Thiên Linh. Đạo diễn kể lại nội dung của kịch bản. Sau khi cha mẹ Thiên Linh ly hôn, người cha lấy vợ kế. Người mẹ kế này rất ghét cô con chồng. Một hôm cha, mẹ kế và em trai ra ngoài để lại một đống quần áo cho Thiên Linh giặt. Tháng chạp đông hàn, Thiên Linh vất vả giặt đống quần áo… Lưu Hạ diễn trước, ông chưa hô bắt đầu, Lưu Hạ đã nhập vai. Cô diễn xuất rất tinh tế, đặc biệt là phần sau. Những giọt nước mắt chạy vòng quanh mắt Lưu Hạ. Lối khóc lặng lẽ ấy vô cùng cảm động bởi nó có thể hiện chính xác hoàn cảnh bị rẻ rúng của một cô gái bị mất mẹ trong cái gia đình ấy. Đạo diễn hỏi: _ Làm sao em hiểu được tâm lý nhân vật? _ Bởi hoàn cảnh tương tự, nhưng kết cục thì khác. Cháu may mắn hơn Thiên Linh nhiều - Quả thực Lưu Hạ may mắn hơn Thiên Linh. Lưu Hạ đã đưa những tình cảm trong cuộc sống đói với cha mẹ vào diễn xuất. Có lẽ Lưu Hạ diễn xuất quá tuyệt vời khiến cho cô bạn kia bị một áp lực thật nặng nề. Cô không thể nào vào vai được. Càng cuống thì càng tồi tệ hơn. Cô không làm sao khóc được, cuối cùng cuống quá nên phát khóc. Cuối cùng Lưu Hạ được chọn, cô được nhận vai nữ chính trong phim Xin chào tuổi xuân. CÁNH BUỒM ĐỎ MAY MẮN Mang tình yêu nghệ thuật và giấc mơ trở thành minh tinh, Lưu Hạ lên đường đi Bắc Kinh, Thượng Hải để quay ngoại cảnh. Tất cả mọi người đều mừng cho bạn. Lúc đầu tuy mẹ không đồng ý cho Lưu Hạ đi thi diễn viên nhưng thấy bạn thi trượt mẹ cũng không vui. Giờ Lưu Hạ trúng tuyển rồi, mẹ lại cười vì dù sao đó cũng là một thành công. Chiều nay, Lưu Hạ cùng đoàn làm phim lên tàu đi Thượng Hải. Các bạn cùng lớp đến tiễn. Lưu Hạ uốn tóc cao, thắt thêm dải lụa màu da cam, mặc chiếc váy ngắn trên đầu gối màu da cam, chân mang đôi dép da đế bằng màu da cam, tất trắng ngắn trông thật thanh thoát dễ thương. _ Lưu Hạ ơi, đến Bắc Kinh nhớ viết thư cho bọn tớ nhé! – Hân Nhiên nói - Đại lục bây giờ không có hình tượng tuổi trẻ, đáng mến mộ của mình, cậu đến để làm hình tượng đó nhé. À không, cậu còn phải làm cả hình tượng đáng mến mộ lại thêm có thực lực đấy! _ Trở thành đại minh tinh rồi bọn mình không dám nhận bạn nữa đâu! – Dư Phát nói. _ Không sao. Tớ sẽ “hạ mình trước kẻ sĩ” mà. – Lưu Hạ đùa theo. Lúc ấy Lâm Hiểu Húc hơi sụt sịt. Mặc dù bình thường Lâm Hiểu Húc và Lưu Hạ rất hay tranh luận với nhau, nhưng tới khi tạm chia tay thì bạn lại không nén được tình cảm. Lưu Hạ đến gần khoác tay bạn, đúng là một đôi bạn thân. _ Hiểu Húc à, tớ đi đây. Chẳng còn ai để tranh cãi với cậu nữa. _ Tớ sẽ viết thư cãi nhau với cậu – Hiểu Húc vừa nói vừa khóc. _ Lưu Hạ à, hãy giữ gìn sức khỏe nhé! _ Good luck! Lưu Hạ cảm ơn các bạn đã chúc cho mình được may mắn. Khi ấy Liễu Thanh ghé tai Lưu Hạ nói nhỏ: _ Đến đó, nếu thiếu vai thì nhớ bảo tớ nhé! Lưu Hạ nắm chặt tay Liễu Thanh. Nghe nói Liễu Thanh sắp thôi học, bạn thấy rất tiếc: _ Liễu Thanh à, tớ không thích cậu bỏ học đâu. Cậu hiểu ý tớ chứ? Liễu Thanh nhìn Lưu Hạ, đôi mắt chợt đỏ lên. Tiêu Dao nói: _ Lưu Hạ ơi, đến Bắc Kinh rồi cậu nhớ học cung cách ở đó nhé. Thay đổi cái vị Tứ Xuyên của cậu đi. Lưu Hạ cười: _ Tiêu Dao ơi, sang năm học sau tớ sẽ bỏ cho cậu một phiếu đấy! Có ai đó nói: _ Sao Vương Tiếu Thiên không đến nhỉ? _ Nhỏ nhen! – Ai đó bĩu môi vẻ bất mãn. Lưu Hạ thấy tiêng tiếc. Ánh mắt bạn không một giây nào không chăm chắm vào cửa phòng đợi của nhà tàu. Bạn mong điều kỳ lạ xảy ra, hy vọng Vương Tiếu Thiên sẽ chạy đến với mình cùng nụ cười vốn có. Bạn vừa giận, vừa hận, vừa nhớ. Do sóng gió của bức tranh vẽ, Lưu Hạ và Vương Tiếu Thiên đã cãi nhau, Lưu Hạ đã từng nghĩ sẽ không thèm để ý đến Vương Tiếu Thiên nữa. Sau này Vương Tiếu Thiên đã chủ động giải thích, xin lỗi, giải quyết “hòa bình” về chuyện bức biếm họa sóng gió ấy. Điều này khiến Lưu Hạ rất cảm động. Biết sai mà sửa, nói thì dễ nhưng người làm được thì không nhiều. Vương Tiếu Thiên chưa đến nỗi tồi, rất đàng hoàng. Có lẽ đấy cũng là nét phát sáng nhất trong tính cách của Vương Tiếu Thiên. Lưu Hạ thủy chung vẫn coi Vương Tiếu Thiên là người bạn thân nhất của mình. Nhưng chẳng ai chịu bắt lời trước, chẳng ai chịu giảng hòa trước. Giờ đây, Lưu Hạ biết người bạn muốn gặp nhất là Vương Tiếu Thiên. Loa đã gọi: _ Ai lên tàu đi Thượng Hải… Mọi người đều lưu luyến. Lưu Hạ lại nóng lòng ngóng về khuôn cửa lớn, nhưng vẫn thất vọng. Lưu Hạ quay đi. _ Xem kìa, ai đến đấy? – Có người hô to. Mọi người đều nhìn theo hướng tay chỉ. Chính là Vương Tiếu Thiên. Ai nấy ùa ra đón: _ Cậu để mọi người chờ mãi rồi mới chịu đến! _ Ồ, ga lăng quá. Cứ như trong phim ấy. Phim cũng như thế đây. Nhân vật nam chính chỉ xuất hiện vào lúc quan trọng nhất! Câu nói của Dư Phát khiến mọi người đều cười. Lưu Hạ và Vương Tiếu Thiên cũng ngượng ngịu cười theo. _ Lưu Hạ, cánh buồm đỏ này tặng bạn. – Vương Tiếu Thiên cầm chiếc thuyền gỗ làm rất tinh xảo trên tay. _ Đẹp quá, cám ơn bạn. _ Đến Thượng Hải viết thư về nhé. _ Bức đầu tiên mình viết cho bạn. Hân Nhiên trêu: _ Lưu Hạ trọng tình nhẹ bạn rồi nhé! Lưu Hạ và Vương Tiếu Thiên cùng nhìn nhau cười. Lưu Hạ hài lòng vẫy chào mọi người rồi lên tàu. Đứng trên đầu tàu, Lưu Hạ nhìn về biển Nam, trong lòng thấy xúc động vô cùng. Dưới ánh mặt trời bao trùm, từng cánh buồm màu trắng được nhuộm thành sắc đỏ chẳng khác nào cánh buồm đỏ mà Tiếu Thiên tặng. Trần Hiểu Húc, người được chọn từ người được tuyển đóng vai Lâm Đại Ngọc trong phim Hồng Lâu Mộng, cũng là người được chọn từ rất nhiều người dự tuyển đã nói: “Có một cánh buồm đỏ vẫn lặng lẽ chèo về phía tôi”. Ồ, cánh buồm đỏ. Cánh buồm may mắn. Hình như Lưu Hạ cũng đang chờ cánh buồm đỏ ấy. Một cánh buồm đỏ sẽ mang đến thành công và hạnh phúc. KHÔNG CÓ NGHĨA LÀ THÀNH CÔNG CUỐI CÙNG Cha mẹ cùng đồng thời nhận được thư của Lưu Hạ. Nội dung hoàn toàn giống nhau: Thưa Ba, Mẹ, Dì! Nhoáng một cái mà đã hai tuần trôi qua. Ba, Mẹ và Dì có khỏe không ạ? Hiện giờ chúng con đang rất bận đóng phim. Tuy vất vả nhưng rất vui. Con đã làm quen được với nhiều bạn. Có rất nhiều chuyện để nói. Các bạn học sinh ở Thượng Hải rất nhiệt tình. Mọi người thường xuyên tụ tập nhau lại để ca hát. Các bạn gái ấy không biết nói tiếng Quảng Đông nhưng hát bằng tiếng Quảng Đông lại rất chuẩn, nghe cực hay. Cả nhà có thấy ngạc nhiên không? Ông đạo diễn rất tốt với chúng con, coi tụi con như con gái. Để quay bộ phim về tuổi thanh xuân này, ông đã phỏng vẫn rất nhiều các trường học và các bạn học sinh trung học nên đương nhiên ông thành bạn của chúng con. Ông thường cho chúng con biết chuyện những lần đi phỏng vấn. Có rất nhiều chuyện thật kỳ lạ đến nỗi một học sinh trung học như con cũng không thể tin được. Đóng phim cũng là một việc khổ sai, không giống như tưởng tượng trước kia của con là vinh quang hết mực, được ăn đủ sơn hào hải vị. Đôi khi để đóng được một cảnh, cơm không kịp ăn mà chỉ được gặm màn thầu. Ở Thâm Quyến mấy năm, con đã không còn quen ăn màn thầu nữa, nhưng cũng chẳng còn cách nào đành phải xơi vậy. Có một lần đóng cảnh Thiên Linh cùng bạn bè đi trên tuyết nói chuyện, nhưng lại đang là mùa hạ, mặc áo cộc mà còn nóng vậy mà chúng con phải mặc áo bông, đeo găng tay và diễn dưới màn tuyết nhân tạo. Diễn xong chúng con phải chạy hết tốc lực về nơi ở, trấn ngay cái buồng tắm để xả nhiệt. Tốc độ chạy khi ấy còn nhanh hơn cả khi thi chạy cự ly ngắn ở trường. Những khi rỗi, con và các bạn diễn viên khác cùng ôn tập bài vở. Mọi người đôn đốc nhau, người lớp trên giúp người lớp dưới, người khá giúp người kém. Không khí học tập rất nghiêm chỉnh, đạo diễn Thi Quân Kiện rất vui. Ai ai cũng nghĩ rằng cố gắng sao cho thầy giáo và cha mẹ không lo khi mình đi ra ngoài. Ba, Mẹ à, chờ con đóng phim xong về Thâm Quyến, nhất định sang năm học sau con lại sẽ thi đỗ vào trường trung học Số Chín, lại cùng học với các bạn lớp con. Chính vì thế nên con phải tranh thủ học. Những ngày này con nhận được rất nhiều thư của các bạn. Con cảm động lắm. Họ đều rất tốt. Con càng thấy tình bạn bè là rất đáng quý. Trong khi đóng phim có nhiều bạn nói với con rằng hãy diễn cho tốt, “nổ cho ròn”, sau này sẽ làm diễn viên chuyên nghiệp. Tuổi ít, tập tốt, dễ thành danh lắm. Đóng thêm vài bộ phim nữa sau này sẽ được bảo trợ vào học trường điện ảnh. Con lại không nghĩ thế. Ba mẹ chắc sẽ rất ngạc nhiên bởi lúc đầu ba mẹ không cho con theo ngành này mà con lại quá ham thích. Nhưng sao giờ có cơ hội rồi, con lại có vẻ thoái chí như vậy? Bởi vì con biết rằng các diễn viên nước ngoài trình độ cao hơn của Trung Quốc. Trong họ có cả sinh viên, nghiên cứu sinh. Như diễn viên người Mỹ ba lần liền đoạt giải vàng Ôxca chính là một nghiên cứu sinh. Trình độ của diễn viên Trung Quốc tương đối thấp, mà chủ yếu chỉ là có hình thức đẹp còn về học hành thì rất kém. Con muốn đứng vững trên con đường phát triển nào đó. Mọi công việc con đều muốn thử sức. Cũng có thể là sau khi đã qua giai đoạn thử thách rồi, con lại đi đóng phim. Kỹ thuật diễn xuất cũng cần được nâng cao hơn nữa. Con cho rằng sự từng trải và kiến thức của con người rất quan trọng. Ba mẹ à, ba mẹ có đồng ý với cách nhìn của con không? Trong số hàng ngàn hàng vạn học sinh thi trung học, con đã đỗ vào trường trung học Số Chín. Trong số hàng ngàn người nộp đơn dự tuyển, con đã được chọn để đóng vai nữ chính trong phim Xin chào tuổi xuân. Tất cả những điều đó cố nhiên là thành tích, nhưng không có nghĩa là thành công. Trước kia xem phim, đọc tiểu thuyết, thấy nói đến một người thành công thường là họ được giải thưởng hay là được vỗ tay hoan hô, chẳng hạn như một cô gái khi lên sân khấu trình diễn thời trang trở thành một người mẫu nổi tiếng và được coi như đã thành công. Thành công là phải nắm được một cái gì chắc chắn, trong cả quãng thời gian dài ở tương lai. Ai cũng đều mong mỏi thành công. Thành công trong cuộc sống, thành công trong công việc, điều đó cần phải có tài trời cho và gặp cơ hội, tuy nhiên tuyệt đối không thể tách rời phấn đấu. Vì thế con nghĩ đến vai nữ chính Thiên Linh, một cô gái độc lập tự cường. Hoàn cảnh của cô rất thảm. Cha mẹ bỏ nhau, trong trái tim thơ dại của cô tràn đầy bóng tối. Cô đau khổ vì thế, xót xa đến thế nhưng cô không buông xuôi mà tích cực tiến thủ, cuối cùng cô đã thành công. Còn một bạn học khác là Đỗ Tây Tây, con cán bộ cao cấp được ăn ngon mặc đẹp ngay từ tấm bé đã được gia đình thương yêu quan tâm, được gọi là “con cưng của trời”, nhưng sau chỉ vì vướng mắc có chút chuyện nhỏ thôi vậy mà tự mình phá hỏng đi tất cả. Con thấy mình là người may mắn, bất luận ở phương diện nào cũng là người may mắn. Con thích vai Thiên Linh, con và cô ấy có một số điều giống nhau, nhưng con may mắn hơn. Có đem so sánh thì cảm xúc mới càng sâu. Nhất là trong những ngày con xa ba mẹ này. Con rất nhớ ba mẹ, nhớ khủng khiếp. Đừng bắt con phải lựa chọn! Không bao giờ con có thể chọn được bởi con yêu ba mẹ và cũng muốn ba mẹ yêu con. Ba ơi, mẹ ơi! Ba mẹ có biết con yêu ba mẹ nhất không. Yêu mẹ yêu ba, yêu cả dì nữa. Muốn con theo mẹ để rời khỏi ba, hay theo ba để rời khỏi mẹ con đều không làm nổi. Nhưng ba mẹ đã bắt con phải lựa chọn. Giữa ba và mẹ mà con cùng yêu dấu, con biết chọn ai đây? (Càng ngày con càng ghét cái việc này). Câu trả lời của con bây giờ là: “Những gì thuộc về con, con đều cần. Bởi vì trái tim ba cạnh của con chỉ có giữ được thăng bằng thì mới vững bền được”. Chúc ba mẹ một mùa hè yên vui. Con gái Lưu Hạ kính thư Ngày… tháng… NGÀY MAI LẠI LÀ MỘT NGÀY MỚI Nhật ký của Hiểu Húc Ngày… tháng… Cánh buồm đỏ đã mang Lưu Hạ đi. Mình chỉ còn biết chúc bạn ấy thuận buồm xuôi gió. Mỗi người đều có con đường đi của mình, sự lựa chọn của mình. Mình rồi sẽ ra sao? Trong khi nói chuyện với các bạn, mình được biết thầy Giang sẽ đi theo lớp Lý ở học kỳ sau, thầy không theo lớp Văn. Trong lòng mình chợt cảm thấy buồn. Hân Nhiên hỏi: _ Cậu nhất định học văn ư? Mình ngồi im lặng. Một lát sau, chợt nói: _ Không, tớ học lý. Hân Nhiên nhìn mình ngạc nhiên hồi lâu. Cả sáng nay mình rất buồn. Bất luận lên lớp, tan lớp, đi tập hay nghỉ, tất cả mọi thứ đều chẳng để lại ấn tượng gì cả, giờ ngữ văn mình ngơ ngẩn. Thầy giáo gọi lên phân đoạn, mình cũng chẳng để ý. Thầy Giang xuống chỗ ngồi hỏi khẽ: _ Lâm Hiểu Húc, em mệt phải không? Mình nhìn thầy không nói gì. Tan học, các bạn tranh nhau chạy ra trước, chỉ có mỗi mình còn ở lại. Lúc ấy có tiếng gọi giật đằng sau làm mình tỉnh hẳn. Đó là Hân Nhiên. Bạn ấy đưa cho bức thư nói là của mình. Nói xong nhảy lên xe phóng đi. Trong bức thư có một bài thơ của một tác giả người Mỹ: … Tôi bảo bạn ngày mai như cơn gió đã dừng Như ánh mặt trời đã lặn phía tây Tôi bảo bạn trên thế giới này không còn gì khác Chỉ có một đại dương ăm ắp ngày mai Chúng ta nói khi mặt trời lặn, ngày mai lại sẽ một ngày. Mình thong thả gấp thư lại. Thơ thật hay, Hân Nhiên thật tốt. Nhóc Bối Bối hôm nay kéo đàn bài “Cầu chúc cho thiếu nữ” song điệu không biết lạc đi đâu mất rồi. Có điều mình thật sự cảm động. BA ĐƯỢC BẦU LÀM THANH NIÊN MƯỜI TỐT Tin vui bay đến nhà Hân Nhiên không ngớt. Đầu tiên là công trình nghiên cứu khoa học của ba ở nước ngoài được trao giải thưởng, tiếp đó ba được bầu là Thanh niên mười tốt Thâm Quyến. Cùng với giải thưởng còn được nhiều điều khác mà một trong những điều quan trọng là vấn đề giải quyết hộ khẩu. Mọi người trong nhà mừng vui khôn tả. Cả nhà bàn khi chuyển được hộ khẩu đến thì đầu tiên phải mua nhà. Gia đình nào ở Thâm Quyến cũng đều mua nhà. Có lẽ đây cũng là một trong những nét đặc sắc nhất của Thâm Quyến. Nhưng việc cần làm ngày hôm nay là phải kéo nhau ra Bát Tiên Lầu để ăn mừng cái đã. Ba mặc bộ đồ tây, thắt caravat. _ Ba ơi, con thấy ba ăn diện vào là ra dáng “hữu hình hữu khoản” lắm đấy nhé. _ “Hữu hình hữu khoản” nghĩa là gì? Chắc là tiếng Quảng Đông rồi - Mẹ nói - Người Quảng Đông hay sáng tạo từ mới lắm. Có xem tờ Đại Công báo, Văn Hối báo của Hồng Kông thì mới thấy chỉ có mỗi đoạn tin ngắn mà có đến hơn mười chữ không hiểu, thật không thể tin được! Mẹ nghĩ học bao nhiêu năm trời mà sao khi đến Quảng Châu mình cứ như người mù chữ vậy, có khi phải làm lại học sinh tiểu học mất thôi. Ba nói: _ Có thế mới gọi là nhập gia tùy tục chứ. Lúc đầu Hân Nhiên gọi ba là “Lão Đậu”, ba cũng khó chịu lắm, nhưng bây giờ thì quen rồi. Quảng Đông gọi cha là Lão Đậu có lẽ bởi người cha hay đùa (đậu), cho con cười nên mới gọi thế chăng? Hân Nhiên phì cười: _ Đúng rồi, nhập gia tùy tục, vì thế nên câu nói lúc nãy của con có thể nói là: “Lão Đậu, con thấy Lão Đậu diện củ xếch “hữu hình hữu khoản” lắm, điển ghê”. Trên ti vi hôm ấy có hình buổi lễ trao giải, con liếc một cái là nhìn thấy ba ngay. _ Thế đấy! – Cha thao thao - nếu không thế hồi đầu ngày nào mẹ con chả truy bức ba. Mẹ nói với Hân Nhiên: _ Nhìn ba con kìa, càng già càng không ra sao cả. _ Già ư? Ba chẳng phải là một trong số “Thanh niên mười tốt” hay sao? Nói ra kể cũng kỳ, ba hoàn toàn ở vào lứa tuổi trung niên rồi, làm sao lại được liệt vào hàng “thanh niên” nhỉ? Cha nở nụ cười buồn: _ Giới hạn tuổi tác của người Trung Quốc không rõ ràng như thế đấy. Thanh niên, trung niên, tráng niên, không có giới hạn cụ thể nào cả. Cái buổi lĩnh thưởng ấy mình đứng bên cạnh một cậu thanh niên kém mình đến hai chục tuổi, thật sự cảm thấy cứ thế nào ấy. Sau đó mới vỡ ra là có lẽ người ta đã trừ cho mình mười năm tổn thất hồi cách mạng văn hóa! – Trong câu nói hài hước của ba bao hàm cả nỗi chua xót. Mẹ nói: _ Hân Nhiên à, đợt này tốt rồi, khỏi phải trở về Thượng Hải nữa. Giờ mình thành người Thâm Quyến rồi. Hân Nhiên rất vui, cô cười lộ hai lúm đồng tiền hai bên. Chờ mãi ba năm, cuối cùng hộ khẩu cũng đã có rồi. _ Hân Nhiên à, chuyện này là do sản phẩm độc quyền sáng chế của ba phát huy tác dụng – Ba nói. Hân Nhiên lườm: _ Ba ơi, ba đừng có kiêu ngạo nữa. Các bức thư pháp của con đang triển lãm ở thư viện thành phố kia kìa, có tiếng vang lắm đấy. Có điều con cũng chưa đi tới đó để thưởng thức. _ Thứ chữ đó của con không phải là thư pháp mà là viết chữ lớn thôi – Ba cười, lấy tay gí mũi Hân Nhiên. _ Còn của ba cũng chẳng phải phát minh, mà chỉ là một chế tác nhỏ. Hân Nhiên muốn nói chuyện với Đường Diễm Diễm về chuyện hộ khẩu, bạn bấm số điện thoại nhà Đường Diễm Diễm. Chợt Hân Nhiên cảm thấy làm thế không hay, liền vội vàng lấy tay dập máy, đặt lại. Hân Nhiên cảm thấy lo lo và ngần ngại. Nhưng mắc mớ cái gì và ngại cái gì thì bạn không nói ra được. Có thật hộ khẩu đã có chưa? Hôm sau về nhà, lúc ăn cơm, Hân Nhiên thấy ba và mẹ có vẻ nghiêm nghị thế nào ấy. _ Hân Nhiên à, ba mẹ muốn nói với con một việc. Hân Nhiên dừng đũa. _ Hộ khẩu của ba mẹ đã có rồi. Còn chuyện sẽ chuyển hộ khẩu cho ai trước thì ba mẹ muốn chuyển cho anh con trước. Con biết là anh con đang có hộ khẩu ở nông thôn mà giờ tuổi đã lớn rồi,càng để lâu thì sẽ càng phiền phức. Vì thế nên ba mẹ định chuyển khẩu cho anh con trước. Con hãy còn nhỏ tuổi lại có thể thi vào đại học. Nhưng anh con thì… Hân Nhiên là một cô gái hiểu biết. Với anh trai mình, bạn thường cảm thấy thương xót. Những cái anh ấy kém mình có rất nhiều. Nhất là câu nói này lại từ mẹ nói ra, bạn càng cảm thấy mẹ thật tuyệt vời. _ Con biết ạ. – Hân Nhiên nói, nhưng cũng không khỏi hơi miễn cưỡng. Đến ngày hôm sau, cha mẹ lại tươi tỉnh rạng rỡ nói cho Hân Nhiên biết. Thị ủy chiếu cố thành phần trí thức xuất sắc nên đã giải quyết cho cả gia đình bốn khẩu về đây. Nhìn cha mẹ mừng vui khôn xiết, nhưng Hân Nhiên lại không vui lên được. _ Thật mà! - Mẹ còn nhấn thêm câu nữa. Hân Nhiên cười cười. Hân Nhiên đứng trên ban công nhìn ra thành phố không có ban đêm rực rỡ hào quan ánh sáng, san sát những tòa nhà cao vút, trong lòng thấy hoang mang. Việc chuyển khẩu quá bấp bênh gian khổ khiến cho thần kinh bạn mụ mị đến nỗi giờ chẳng cảm thấy phấn khởi. _ Hân Nhiên à, con có vui không – Ba hỏi. Hân Nhiên liếc cha, nhìn xuống cả thành phố tuyệt đẹp. Mãi hồi lâu sau bạn mới nói: _ Vui lắm. Hân Nhiên rất yêu thành phố này, rất mong mỏi về nó. Giờ đây bạn đã được ở hẳn lại rồi, đã là một thành viên chính thức của thành phố Diễm Diễm dân này. Đương nhiên bạn phải vui chứ. Chỉ có điều niềm vui bây giờ không giống với niềm vui trước kia. _ Vui quá. – Cha lặp lại theo bản năng. _ Ít nhất, ít nhất thì cũng không phải quay về Thượng Hải ở chung cùng một phòng với em trai họ nữa. Khi mà đã cầm được tấm “Thẻ xanh” của Thâm Quyến thì Hân Nhiên lại không muốn gọi điện cho Đường Diễm Diễm một chút nào. Nhưng Đường Diễm Diễm lại tự đến: _ Sao có chuyện vui mà không báo cho tớ biết. _ Làm sao mà cậu biết? – Hân Nhiên rất đỗi ngạc nhiên. _ Tớ rất nhạy tin mà. _ Tai thính thật đấy. _ Chúc mừng cậu! Hân Nhiên biết Đường Diễm Diễm rất chân thành, nhưng bạn không thể nào cảm động được, chỉ cười. _ Diễm Diễm à, thế còn cậu? _ Tớ? _ Vẫn làm ở khách sạn Nam Hải à? _ Không ở đấy nữa. _ Thế ở đâu? _ Hướng dẫn du lịch ở công ty du lịch. Sau khi tớ có hộ khẩu Quảng Đông rồi thì được phân công công việc. Không có hộ khẩu Thâm Quyến thật rắc rối. _ Có hộ khẩu rồi thì làm sao nào? Thực ra… - Hân Nhiên không muốn nói tiếp bởi bạn trông thấy Diễm Diễm có vẻ khác thường. Ngay tức thời Đường Diễm Diễm không thể hiểu nổi. Lúc đầu Hân Nhiên và Đường Diễm Diễm cùng giống nhau, rất phản cảm khi người ta giảng lý lẽ. Giờ không hiểu sao bạn lại như con vẹt học nói vậy? Hân Nhiên nói sang chuyện khác: _ Tớ cũng mong cậu sớm có hộ khẩu. Đường Diễm Diễm cười buồn: _ Cậu biết không, Phố Đông của Thượng Hải giờ đang phát triển, triển vọng rất tốt. Mọi người đều cho rằng Phố Đông sẽ vượt cả Thâm Quyến, bởi đó vốn là thành phố, cuối cùng đó sẽ là một Đại Thượng Hải. Hân Nhiên ngắm Đường Diễm Diễm, cảm thấy sự hối tiếc và buồn bã. Gần đây trên báo, đài, Hân Nhiên cũng đọc được tin Thượng Hải đang phát triển. Câu nói trước kia: “Không đi được nước ngoài thì đi Hồng Kông, Ma Cao, đi không được Hồng Kông, Ma Cao thì đi Thâm Quyến” nay đổi thành “Thế giới coi trọng Châu Á Thái Bình Dương, Châu Á Thái Bình Dương coi trọng Trung Quốc, Trung Quốc coi trọng Thượng Hải”. Toàn bộ diện mạo của Phố Đông đã đổi mới. Tất cả các xí nghiệp đều đang hoạt động, thêm nữa là thực lực hùng hậu của Thượng Hải cũ nên thành phố ấy đang lên rất mạnh. Đường Diễm Diễm lại chuyển khẩu từ Thượng Hải đến một thành phố nhỏ bé như Quảng Đông, nhất định bạn ấy phải hối hận. Hân Nhiên nhẹ giọng: _ Diễm Diễm…! Diễm Diễm nhìn đồng hồ cắt ngang câu nói của Hân Nhiên: _ Tớ phải đi thôi. Trước khi đi, Diễm Diễm còn xoa đầu Hân Nhiên như mọi lần: _ Tớ đã nói rồi, cậu chắc chắn làm tốt hơn tớ mà. Hân Nhiên cảm thấy ngậm ngùi và buồn buồn hơn lần trước. Số mệnh thật trở trêu. Với Thâm Quyến, Đường Diễm Diễm càng có thực tế hơn cô, càng phải gian nan đối mặt. _ Diễm ơi, nói thật với tớ xem có phải cậu có chút hối hận không, - “Thẻ xanh” ở Thâm Quyến và khả năng đỗ đại học? Diễm Diễm hất mái tóc: _ Ở nhà ba má tớ cũng hỏi thế, và tớ luôn ngẩng cao đầu trả lời họ rằng: “Không hối hận”. Còn đối với cậu, tớ nói thật. Hân Nhiên ạ, con đường mà tớ đã chọn tớ quyết không quay đầu lại. Ngựa tốt không ăn cỏ thừa. Tớ thừa nhận rằng cũng đôi lúc thấy hối hận, nhưng tớ vẫn phải tiếp tục đi. Cũng giống bọn trẻ con bị ngã ấy, có mẹ đứng bên cạnh thì khóc ầm lên, nhưng mẹ không có ở bên thì lại tự đứng dậy và đi tiếp. Hân Nhiên à, cậu có hiểu ý tớ không?... Hân Nhiên gật đầu, cảm thấy lòng nhẹ đi: _ Cậu sẽ làm tốt! Đường Diễm Diễm cười: _ Đương nhiên rồi, bởi tớ rất tin vào chính mình mà. HY VỌNG TRUNG QUỐC MAU GIÀU LÊN Lớp học trong giờ có vẻ hơi ồn ào, nhưng Hân Nhiên vẫn chăm chú vào làm bài. Bạn quyết định phải chú ý học tập để thi đỗ vào đại học. _ Hân Nhiên ơi, Tô Lạp tìm cậu. - Liễu Thanh nói - Liễu Thanh và Tô Lạp có quen nhau hồi mùa đông nên Tô Lạp nhờ bạn ấy nhắn gọi. Hân Nhiên nhìn ra ngoài cửa thấy Tô Lạp đứng đó. _ Tìm mình à? – Hân Nhiên hơi ngạc nhiên. _ Mình đến trả bạn sách. – Tô Lạp đưa mấy quyển sách Anh ngữ phổ thông cơ sở. - Cảm ơn bạn. Thấy Tô Lạp cám ơn, Hân Nhiên vốn đã gò bó càng cảm thấy gò bó hơn vội nói: _ Không cần vội trả thế đâu, chờ khi nào bạn đỗ vào đại học rồi trả cũng không muộn mà. _ Hân Nhiên ạ, mình đến để tạm biệt bạn, mình không thi đại học đâu. Hân Nhiên sững người. Hôm lễ giáng sinh, Hân Nhiên có tặng hai bạn ở lớp Mười hai hai tấm bưu ảnh, trên có viết: “Chúc bạn thi đỗ đại học”, nhưng cả hai người, Đường Diễm Diễm và Tô Lạp đều không thi. Hân Nhiên cảm thấy mình đã làm một việc thật kỳ quái. _ Sao thế? _ Hân Nhiên ạ, ở thư viện thành phố có triển lãm tranh và vẽ chữ. Có cả thư pháp của bạn đấy, chúng mình cùng nhau đi xem được không? – Tô Lạp không trả lời thẳng vào câu hỏi của Hân Nhiên mà lái sang chuyện khác. Hân Nhiên không thể không phục Tô Lạp. Hai năm trước đây Hân Nhiên đã “hại” bạn ấy. Bạn đã nghĩ Tô Lạp phải ghét mình suốt đời, nên cũng không may Tô Lạp sẽ tha thứ cho mình. Sự đại lượng của Tô Lạp hôm nay làm bạn cảm phục quá. Tô Lạp thấy Hân Nhiên do dự: _ Nếu mẹ bạn không đồng ý thì thôi vậy. _ Không, mình đi được! – Hân Nhiên cuống lên nói. Bạn cũng chưa nhìn thấy tác phẩm của mình được dự triển lãm. Làm sao Tô Lạp lại biết được mình có tác phẩm trưng bày tại đấy nhỉ? Nghĩ đến đấy, bạn nóng bừng cả người lên. _ Thế thì tốt. Tan học mình sẽ đến tìm bạn. – Tô Lạp phấn khởi nói. Tô Lạp và Hân Nhiên vào thư viện thành phố. Mặt trước kiến trúc của tòa nhà này là cả một mảng thủy tinh màu vàng cực lớn. Qua tấm kính ấy Hân Nhiên nhìn thấy hình mình và Tô Lạp thoáng một cái, bạn thấy Tô Lạp thật giống một người. _ Hân Nhiên ạ, mình đến để nói lời tạm biệt với bạn đấy. _ Vì sao? _ Mình sắp “về đội sản xuất” rồi. _ Về đội sản xuất? – Hân Nhiên không kịp phản ứng. Tô Lạp giải thích: _ Mình sắp đi Mỹ. Giấy tờ sắp xong rồi. _ Thật không, bạn sẽ đi à? Tô Lạp gật đầu. _ Bạn chẳng phải được vào thẳng đại học Thâm Quyến sao? _ Trong mắt mình thì bằng đại học ở Mỹ cao hơn bằng của Trung Quốc. _ Thủ tục xong rồi à? – Hân Nhiên biết thủ tục ra nước ngoài rất rắc rối, không thể nói đi là đi được. _ Ừ, bây giờ mình không đi học nữa rồi, không đi thi nữa, có đi học cũng chẳng có ý nghĩa gì. Hiện giờ mình đang học nghề nấu ăn của một sư phụ trong một quán ăn. Khi ra nước ngoài sẽ đi làm cho khách sạn. Có tay nghề nấu món ăn Trung Quốc, chắc ông chủ sẽ thuê, lương lậu chắc cũng cao. Tô Lạp vung tay làm động tác xào nấu khiến Hân Nhiên phì cười. _ Sao bỗng dưng lại muốn đi nước ngoài? _ Nói thế nào nhỉ? – Tô Lạp nói – Ngay từ nhỏ mình đã phải sống theo kiểu phụ thuộc hoàn toàn. Tiểu học, trung học, đại học đều do cha mẹ quyết định. Các cụ bắt mình phải sống theo ý của các cụ, áp đặt tư duy của các cụ cho mình, nhưng mình lại không muốn theo. _ Bạn định ra nước ngoài để “làm phản” à? _ Đại khái là cũng có ý ấy. Ra nước ngoài rồi sẽ ra sao, mình cũng không lạc quan lắm, nhưng mình quyết định phải đi một phen cho biết. Trình độ hiện đại hóa của Mỹ cao, điều kiện học tập tốt. Thanh niên muốn đi tham quan, học tập, vui chơi đều tốt. Những năm 20, 30 chẳng phải có rất nhiều người Trung Quốc đi nước ngoài đó sao? Lỗ Tấn, Quách Mạt Nhược đều đã xuất ngoại cả. Mình cũng phải đi để mở mắt ra chứ, xem bên ngoài tiến bộ ra làm sao. Nói xong, Tô Lạp bổ sung tiếp: _ Mình đã mười tám tuổi rồi. Hân Nhiên cảm động: _ Sau này bạn có về nước nữa không? _ Không biết được, chưa đi thì làm sao biết được sẽ về hay không. Nghe nói trở về thì chỉ có hai loại: Cực xuất sắc và ở lại không nổi. Mình sẽ phải trở về như loại người thứ nhất. Ở nước ngoài thì tất nhiên phải gian truân rồi, có tốt gì đi chăng nữa thì cũng là đi làm thuê cho người ta, là công dân hạng hai rồi. Mấy bữa trước tớ có xem một tài liệu nói Trung Quốc có thực hiện chính sách ưu tiên với lưu học sinh trở về như phân nhà, bình chức danh… Tất cả những cái đó chỉ để thu hút lưu học sinh trở về thôi. Thực ra những hiện tượng ấy đâu có bình thường. Cớ gì mà họ lại được hưởng những ưu đãi ấy? Chẳng lẽ vì họ xuất ngoại ư? Điều ấy chẳng nói lên là người trở về rất ít sao? Mình tin câu nói của Tiền Học Sâm: lúc nào cần trở về, tự nhiên họ sẽ về. Điều đó cũng đúng với mình. Căn bản chẳng cần sự đãi ngộ nào cả. _ Có khi sau này chẳng gặp lại bạn nữa chăng? _ Tớ nghĩ… - Tô Lạp nhìn Hân Nhiên, không nói tiếp. Ánh mắt không lời đó làm Hân Nhiên thấy Tô Lạp rất giống một người, một người rất thân. Có một lần khi tan học Hân Nhiên nhìn thấy Tô Lạp vừa đi vừa nói chuyện với một cô bé có đôi mắt rất to. Tự nhiên trong lòng thấp thoáng một chút buồn, giống như hồi nhỏ bị bạn khác lấy mất đồ chơi của mình mà chẳng thèm để ý là mình rất thích thứ ấy. “Lẽ nào mình…” Hân Nhiên tự hỏi. Bạn cảm thấy giữa hai người sắp xảy ra một điều gì đó, bèn đi trước một bước: _ Mình sẽ gửi thiếp chúc mừng giáng sinh. _ Lại thông qua Đường Diễm Diễm ư? – Tô Lạp đùa. _ Không, mình sẽ gửi ra nước ngoài. Hai người xem xong triển lãm, bước ra ngoài thư viện. Qua tấm kính màu vàng, Hân Nhiên lại thấy bóng của mình với Tô Lạp nên bật cười. _ Hân Nhiên này, tuần sau mình đi rồi. Bạn có biết mình hy vọng nhất điều gì không? _ Lên máy bay à? Trở thành Lưu học sinh? Làm… Tô Lạp đều lắc đầu, cuối cùng mới nói: _ Mình hy vọng rồi sẽ có ngày Trung Quốc cũng giống như Mỹ để cho tất cả các học giả, tiến sĩ, lưu học sinh nước ngoài phải rửa bát đũa trong nhà hàng, cho họ cảm nhận được dư vị ấy, để cho họ phải nghĩ trăm phương ngàn kế sao cho đến được Trung Quốc. Mình mong cho Trung Quốc mau giàu lên. CÔ BẠN GÁI XIN THI ĐẠI HỌC TÂY TẠNG Hân Nhiên thấy lạ quá. Hai tấm thiếp cô tặng hai bạn ngày lễ Giáng sinh đều ghi: “Chúc bạn thi đỗ đại học.” thì kết quả là hai người đều bỏ thi. Đường Diễm Diễm thì cho rằng “thẻ xanh của Thâm Quyến chưa phải thực sự có sức thu hút”. Tô Lạp cho rằng bằng đại học nước ngoài cao hơn bằng đại học trong nước. Họ đều theo đuổi mục đích của mình. Ôi, các bạn lớp Mười hai! Hôm sau vừa tới trường, Hân Nhiên đã nghe các bạn bàn một chuyện rất lạ. _ Thật không? _ Không thể tưởng tượng nổi! _ Cuối cùng thì cô ta nghĩ gì nhỉ? _ Người kỳ quặc! Hân Nhiên không hiểu các bạn đang nói gì, chỉ cảm thấy rất lạ. Vừa lúc ấy Tiêu Dao đi tới. _ Tạ Hân Nhiên, lớp Mười hai có một bạn gái xin thi đại học Tây Tạng đấy, bạn có biết không? Hân Nhiên sững người: _ Thật không? _ Thật, không phải chỉ có khối Mười hai đang bàn tán chuyện này mà khắp cả khối phổ thông trung học cũng đang bàn đến đấy. Nhìn Tiêu Dao thì biết chuyện này tác động đến cậu ấy ghê lắm. _ Bạn ấy tên là gì? _ Không biết. _ Cuối cùng thì chuyện là thế nào nhỉ? _ Nghe nói cha mẹ bạn ấy đều là những nhà công nghiệp. Bạn ấy học không thật xuất sắc lắm nhưng để thi đỗ vào đại học Thâm Quyến thì không có vấn đề gì. Chưa bao giờ bạn ấy nói sẽ báo thi vào trường đại học Tây Tạng, nhưng khi điền vào nguyện vọng thì lại ghi đại học Tây Tạng. Thầy giáo ngạc nhiên quá hỏi xem có ghi nhầm không thì bạn ấy nói là muốn xin thi vào đại học Tây Tạng. Hiện giờ bạn ấy là một nhân vật được chú ý. Cả gia đình, thầy giáo, bạn bè đều không hiểu bạn ấy – Tiêu Dao dừng một lát rồi tiếp – Lần đầu tiên trong đời mình được biết một cô gái cứng rắn thế đấy. Mình rất phục cô ấy. _ Mình cũng thế. _ Mình biết bạn sẽ phục cô ấy mới bảo cho bạn biết. Suốt cả buổi sáng, Hân Nhiên cứ nghĩ mãi về chuyện ấy. Bạn không biết cô gái ấy thế nào? Vì sao lại quyết định như thế? Rời bỏ cuộc sống thành đô đầy đủ, dấn thân vào làm bạn với gian khổ nơi Tây Tạng xa lạ. Trong giờ học, Hân Nhiên chạy lên lớp Mười hai hỏi chuyện này. Đến lúc ấy bạn mới biết đó chính là người cùng lớp với Đường Diễm Diễm, Tô Lạp, tên là Lý Đông Mai. Hân Nhiên lờ mờ nhớ ra tuy không chính xác lắm. Bạn ấy có đôi bím tóc hiếm thấy ở trường này. Khuôn mặt không lấy gì làm sáng sủa, cứ rầu rầu. Nghe bạn bè của Lý Đông Mai nói cô ấy rất dịu dàng ít nói. Thuộc vào hạng trung bình, không có gì nổi bật ở lớp. _ Lần này thì bạn ấy quá nổi rồi. Không hiểu bạn ấy nghĩ thế nào? - Bạn bè Lý Đông Mai nói. _ Bạn ấy ở đâu? – Hân Nhiên hỏi. _ Bị thầy “Đồ Cổ” gọi lên văn phòng rồi. Hân Nhiên lại càng muốn gặp Lý Đông Mai, muốn nói chuyện với bạn ấy. Hân Nhiên muốn hiểu về tình hình mặt trái của Lý Đông Mai vì cô cảm thấy bạn ấy có vẻ bí mật. Hân Nhiên đứng chờ trước phòng của thầy cô. Quả nhiên Lý Đông Mai từ trong đó đi ra. Thầy Cổ nắm tay bạn ấy sửa lại “chỉ thị tối cao” chút ít. _ Trung Quốc là của chúng ta cũng là của các em, cuối cùng vẫn là của các em. Chờ cho thầy Cổ quay vào phòng, Hân Nhiên gọi: _ Lý Đông Mai! Lý Đông Mai quay đầu lại, cười nhẹ như mọi khi. Lý Đông Mai rất nhỏ người, khuôn mặt bình thường. Nếu cô đi trên đường, chắc chắn sẽ không có chuyện “quay đầu lại nhìn”. _ Đông Mai ạ, mình… _ Chờ chút. – Đông Mai phản ứng cực nhanh - Nếu cậu hỏi chuyện ấy tớ chỉ có thể dùng lại bốn chữ mà các ngôi sao thường trả lời nhà báo thôi. _ Bốn chữ gì? _ “Không thể cho biết”. Hân Nhiên bật cười. Bạn thấy Đông Mai không cứng nhắc như trong ấn tượng. Đông Mai cũng rất láu lỉnh như ai. _ Đông Mai à, tớ thực sự muốn biết vì sao vậy. Chúng ta có thể nói chuyện với nhau được không. Đông Mai nghĩ một lát: _ Tạ Hân Nhiên này, cậu có biết tớ có biệt hiệu là gì không? _ Là gì? _ Có người tặng cho tớ cái biệt hiệu là: “Cộng sản chủ nghĩa”, không phải “Xã hội chủ nghĩa” mà là “Cộng sản chủ nghĩa”. Hiện giờ nhiều người rất tự tư. Sống là chỉ để ăn chơi. Tớ không hiểu họ, họ cũng không hiểu tớ. Rất nhiều người hỏi vì sao tớ đi Tây Tạng, rất nhiều người không hiểu nổi. Đừng có để ý vì sao thầy chủ nhiệm biểu dương trên lớp nhưng rồi lại bảo riêng tớ: “Hãy nghĩ cho kỹ”. Tớ không muốn làm cho ra vẻ này nọ, nhưng thực tế là không có gì để nói. Mỗi người đều có chí riêng của mình. Ở Mỹ có nhà khoa học nữ vào rừng sống làm bạn với tinh tinh, cậu nghĩ thế nào? Hân Nhiên lại hỏi: _ Vừa rồi thầy chủ nhiệm Cổ tìm cậu nói cái gì? _ À, tất nhiên là khen tớ rồi. Thầy bảo tớ có chí, định đưa lên làm điển hình. Chẳng bao giờ thầy quên công tác tư tưởng của mình. Nhưng tớ hiểu thầy. Thầy là người tốt. Thầy Cổ rất chú ý đến những nhân vật tiên tiến để xây dựng. Thầy nghĩ là những tấm gương sáng ấy mới có ảnh hưởng khuyến khích mọi người, chứ thầy không biết là ảnh hưởng nhỏ giọt từ những nhân vật bé nhỏ trong cuộc sống cũng có tác dụng. _ Đông Mai này, cám ơn cậu. – Hân Nhiên bỗng cảm thấy rất cảm động. _ Cám ơn á? Cám ơn tớ cái gì? – Đông Mai ngạc nhiên. _ Cám ơn chính bản thân cậu. – Hân Nhiên nói – Chúc cậu thi đỗ đại học. Lại một lần nữa Hân Nhiên nói câu này với các bạn lớp Mười hai. Hy vọng lần này sẽ thực hiện được. Hân Nhiên cảm động. Bạn tự hào về một bạn gái cùng trang lứa mà đã vượt hẳn sự tầm thường. Tự so sánh, bạn cảm thấy mình quá nhỏ bé, chỉ vì vấn đề hộ khẩu mà đã canh cánh, buồn bực trong lòng. Hân Nhiên nói hết suy nghĩ của mình với Hiểu Húc. Trong lời nói tràn đầy lòng khâm phục Đông Mai. Lâm Hiểu Húc mở to đôi mắt: _ Hân Nhiên này, xem ra cậu có vẻ sùng bái Đông Mai quá đấy. Khéo rồi ngày nào đó cậu cũng đi Tây Tạng mất. _ Không! – Hân Nhiên lắc đầu bình tĩnh – Hâm mộ và sùng bái khác nhau. Tớ không sùng bái người nào, mà cũng không học Đông Mai theo kiểu bắt chước y sì. Hân Nhiên hỏi gấp: _ Cậu không cảm thấy lời nói và việc làm của tớ là bất nhất ư? Không cần Hiểu Húc trả lời, Hân Nhiên nói tiếp: _ Thật đấy, tớ rất hâm mộ bạn ấy, nhưng tớ và bạn ấy khác nhau. Làm sao tớ lại bắt chước bạn ấy một cách đơn thuần thế được? Như thế chẳng hóa ra là “Đông Thi bắt chước nhăn mặt” sao? Đông Mai nói đúng. Tuy chúng ta cùng sống dưới một bầu trời, sự trải nghiệm của cuộc đời cũng tương đối giống nhau, nhưng mỗi người đều có suy nghĩ khác nhau, vì thế con đường đi của mỗi người cũng khác nhau. Ôi, cùng dưới một bầu trời!...