Dịch giả: PHẠM TÚ CHÂU,THÀNH TRINH BẢO, NGUYỄN THỊ BĂNG THANH
Chương VII
TẾT TRÙNG DƯƠNG LÊN NÚI NGÔ ĐỒNG

Ngày 9 tháng Chín âm lịch là tết Trùng dương, người miền Nam rất coi trọng ngày tết này, rất coi trọng phong tục lên núi trong ngày này, cho rằng lên được đỉnh cao nhất của núi thì sẽ được may mắn cả năm.
Nhà trường rất sáng suốt, tổ chức cuộc đi chơi mùa thu vào Tết này, như thế không ảnh hưởng đến kế hoạch giảng dạy bởi ngày này đúng vào ngày chủ nhật. Có thể nói nhà trường tính toán đâu ra đấy.
Khi thầy Giang báo cho cả lớp biết tết Trùng dương sẽ lên núi Ngô Đồng, thầy tưởng sẽ được cả lớp hoan hô ầm ĩ, nào ngờ lại có nhiều học sinh lên tiếng:
_ Thầy ạ, chúng em không muốn đi chơi đâu!
_ Đúng thế đấy, thứ hai còn phải thi môn Hóa.
_ Còn phải học, thì giờ đâu mà chơi!
Thầy Giang hơi giật mình. Học sinh lớp này quả là khó “đối phó” quá. Ngày thường kêu bài vở nhiều, chẳng có thì giờ chơi, có bạn còn viết thư cho một tờ báo nào đó, kêu “Em muốn nghỉ ngơi”… Bây giờ tổ chức cho đi chơi, lại kêu là không thích, muốn học. Đứng trên bục giảng, thầy Giang bối rối nhìn đám học trò rào rào bàn luận. Thầy đã bốn lần kêu “Yên lặng nào!” song một người địch sao nổi số đông! Tiếng thầy chìm nghỉm trong tiếng ồn ào của cả lớp. Thầy cầm cái chải xóa bảng đập mạnh lên bàn, tiếng ồn ào mới lắng xuống:
_ Sao các em không thích đi chơi?
_ Chán lắm thầy ạ. Trường trung học Số Chín chuyên đi chơi vào ngày chủ nhật mà ngày chủ nhật vốn đã là ngày nghỉ rồi. Vả lại năm nào cuộc đi chơi mùa thu cũng na ná như nhau, chẳng có gì mới, chẳng có ý nghĩa gì! – Nói xong, Vương Tiếu Thiên vứt sách đánh “tạch” xuống bàn.
_ Nhưng đây là hoạt động tập thể, nhà trường qui định mọi học sinh đều tham gia, lớp ta không thể vin ngoại lệ mà không đi được! - Thầy giáo chơi bài ngửa.
Lần này đến lượt cả lớp giật mình. Trường mình làm sao thế nhỉ? Thường ngày luôn nói nhiệm vụ học tập rất nặng, không nên lãng phí thời gian, thời gian là phân số. Vậy mà bây giờ không muốn đi lại không cho!
_ Thưa thầy em ốm không đi được ạ! - Một bạn vẫn chưa chịu thôi.
_ Được, em xin y tế cho giấy nghỉ! - Thầy giáo đã hơi bực - Hoạt động tập thể thì nhất luật đều tham gia, nếu không, ghi bỏ học!
Bạn kia cụt hứng thở dài, ca cẩm cùng số bạn bằng lòng đi chơi: núi Ngô Đồng khó trèo ra sao, phong cảnh đơn điệu thế nào, có người hồi trước gặp phải chuyện không hay như thế như thế. Lập tức một số bạn khác nói hùa theo.
Thấy tình hình dở khóc dở cười đó, thầy Giang nói:
_ Ai cũng bảo tuổi 16 là tuổi hoa vào mùa, tuổi 17 là tuổi mưa vào mùa, đều là tuổi đẹp nhất, hoạt bát nhất, xán lạn nhất, thế mà thầy thấy lớp mình như tuổi lá rụng, chẳng khác gì ông già bà lão! Hăng hái lên một chút nào!
Nghe thầy nói, cả lớp đều cười:
_ Thưa thầy, xán không nổi lạn ạ, thứ hai thi Hóa rồi!
_ Gạt chuyện thi sang một bên đi, lên núi thuận lợi cả năm, lần thi nào rồi cũng tốt!
_ Gạt chuyện thi sang một bên ạ? Chính thầy nói đấy nhé! Nếu làm bài thi không tốt, thầy chớ có trách chúng em! – Đám học sinh không còn nể sợ gì nữa.
Mặc dù trong lớp vẫn xôn xao bàn tán nhưng không khí đã dịu xuống, nói qua nói lại rồi cả bọn cũng đồng ý đi.
Cuối cùng, thầy Giang bảo:
_ Ngày tết Trùng dương cả lớp mình đều lên núi để được may mắn, chơi thoái mái một ngày. Một danh nhân có nói học ra học, chơi ra chơi. Chúng ta cũng phải như vậy. Đừng có lúc học thì nghĩ đến chơi, lúc chơi lại nghĩ đến học. Nghe rõ chưa nào! Sáng chủ nhật bảy giờ đúng đến trường tập hợp!
_ Thưa thầy, sáu giờ em đến có được không ạ? – Dư Phát nói đùa.
_ Được, mười hai giờ đêm em đến thầy cũng không có ý kiến gì đâu!
Cả lớp lại được mẻ cười.
Lâm Hiểu Húc nghĩ: thầy Giang đúng là không giống những thầy khác.
Sau đó, thầy Giang gặp cán bộ lớp bàn kế hoạch hoạt động. Các bạn muốn tự chia thành nhóm hôm đi chơi. Tình hình đó khiến Liễu Thanh rất buồn, bạn lại ỉu xìu chờ thầy “maketing” mình như một món hàng vào nhóm nào ít người. Song lần này thật bất ngờ, Hân Nhiên gọi:
_ Liễu Thanh, mấy đứa chúng mình thành một nhóm nhé!
Liễu Thanh ngớ người, gật đầu lia lịa như gà mổ thóc.
Ngày tết Trùng dương, trời tạnh ráo quang đãng.
Theo kế hoạch định trước, cả lớp tập hợp trước cổng trường. Các bạn gái hôm nay ăn mặc thật đẹp vì đi chơi núi, nhà trường cho được phép không phải mặc đồng phục của trường. Các bạn gái biết quí trọng dịp này, đều diện bộ quần áo nào mà mình ưng ý nhất. Lưu Hạ mặc chiếc áo phông rất bình thường, quần jean, đi đôi Bossini, vừa phóng khoáng lại vừa sáng sủa. Tuổi trẻ mà, mặc gì trông cũng đẹp.
Cả lớp chia làm đôi, lên hai xe. Lâm Hiểu Húc thấy thầy Giang đã lên xe mà mình sắp lên thì mừng lắm, kéo Hân Nhiên cùng ngồi cạnh thầy. Ủy viên văn nghệ Lưu Hạ cầm tờ danh sách, điểm danh ba lần vẫn không nắm được người đã đến đủ chưa, đến nỗi lầm lẫn buồn cười là đề nghị “ai chưa đến thì giơ tay!”. Cuối cùng vẫn lớp trưởng Tiêu Dao “ra trận” thì mới điểm xong tên. Hóa ra thiếu Liễu Thanh! Bạn này có chuyện gì vậy?
Xe bắt đầu chuyển bánh. Được thoát khỏi đống bài học bộn bề, ai nấy đều muốn trổ tài vui đùa. Bạn thì đeo Walkman để nghe âm nhạc, bạn thì vừa ăn quà vừa tán dóc. Có người thầm thì, có người dùng dây tơ kết thành kiểu hoa văn mà mình thích - mốt mới được các bạn nữ ưa chuộng; có người chẳng nói câu nào, chỉ ngắm cảnh ngoài cửa xe. Cả xe ồn ào chen chúc nhau, lớn tiếng nói, lớn tiếng cười, lớn tiếng hát, ngáp thật to, cười thật giòn, kêu oai oái.
Không biết từ lúc nào, Dư Phát trở thành thầy tướng số đang xem vân tay cho các bạn.
_ Hạ này, đường tình duyên của bạn… chà chà… tự nhìn lấy đi… rối tung rối mù…
_ Sao, sao? – Lưu Hạ cuống lên.
Lưu Hạ càng cuống, Dư Phát càng lên nước:
_ Thôi thôi, không nói nữa, nói thì bạn thêm đau khổ!
_ Cứ nói, nói đi nào!
_ Được, để mình nói. Hôn nhân của bạn rất quanh co, lúc đứng tuổi thì xảy chuyện, có kẻ thứ ba chen vào bởi tình cảm của bạn không chuyên dành cho một người, tính đào hoa, có mới nới cũ… Đáng thương cho cậu Vương Tiếu Thiên quá…
Lưu Hạ rụt tay lại mắng:
_ Đồ điên! Chuyện ấy hẳn là số của cậu chứ gì? Thế mà đem gán cho người ta!
Máy ghi âm vang lên câu hát: “Em có biết anh đang chờ em?”. Cả bọn không hẹn mà cùng nhớ tới chuyện Dư Phát trêu chọc Lưu Hạ mấy ngày hôm trước. Bọn bạn nam cũng hướng cả về Lưu Hạ mà nhại theo tiếng hát trong máy ghi âm: “Em có biết anh đang chờ em?” khiến Lưu Hạ bực mình giẫm chân. Vương Tiếu Thiên bấy giờ mới ra mặt:
_ Bắt nạt bà xã nhà này không sao, lại dám bắt nạt cả ủy viên văn nghệ của lớp à?
Cả xe cười ầm ĩ, Lưu Hạ cũng cười, song không hiểu sao mặt bạn thấy nóng bừng, tim cũng đập rộn ràng.
“… Yêu em, yêu em, yêu mãi mãi…”. Cả lớp bắt đầu hát bài tủ của ca sĩ Quách Phú Thành.
“Cảm tạ anh đã yêu em…”. Đấy là bài trong phim Tiểu Phương. Họ hát những bài hát này chẳng khác gì cha mẹ họ hát bài hát cách mạng, hễ mở miệng là chỉ hát có vậy. Thầy Giang lên tiếng:
_ Các em bây giờ mới là học sinh trung học mà sao suốt ngày cứ luôn miệng yêu đương, yêu không biết chán thế?
Cả xe lại cười rộ. Có tiếng phân bua:
_ Làm gì có bài hát dành cho chúng em ạ?
Học sinh trung học ở Thâm Quyến sùng bái ca sĩ nổi tiếng là hiện tượng rất phổ biến. Có lẽ vì nơi đây cách Hồng Kông, Đài Loan không xa mấy tí nên tin tức về mặt này rất nhạy bén. Hồng An Cách, Lưu Đức Hoa được hâm mộ xong thì tới Lê Minh. Khi Quách Phú Thành được hâm mộ thì ai nấy sưu tầm ảnh của Quách Phú Thành, tới khi người được hâm mộ là Lâm Chí Dĩnh – ca sĩ của tuổi trẻ thì rất nhiều nữ sinh lập tức “có mới nới cũ”, chuyển tình cảm sang cho anh ta.
Lưu Hạ, Liễu Thanh sưu tầm rất nhiều ảnh, bưu ảnh và băng ghi hình, đĩa CD của các ca sĩ. Một lần Lưu Hạ nghe tin Lê Minh đến Thâm Quyến biểu diễn, bạn mừng vô kể song tiếc là không có vé. Sau đó lại nghe tin Lê Minh tới Bắc Kinh biểu diễn vào mùa đông, rất nhiều nữ sinh trung học ở Bắc Kinh bất chấp mưa tuyết, tới sân bay chờ đón ca sĩ ấy đến mấy giờ đồng hồ. Lưu Hạ bèn nói với Tiêu Dao là người từ Bắc Kinh đến:
_ Nữ sinh Bắc Kinh nhà cậu làm gì mà bốc đồng thế? Chẳng gì cũng là thủ đô, nông nổi quá!
Tiêu Dao bị nghe chẳng hiểu đầu đuôi ra sao. Tiêu Dao biết nếu không cãi nổi được với Lưu Hạ thì động chạm đến người bạn ấy sùng bái cũng đủ làm cho bõ tức.
Một lần Lưu Hạ và Hiểu Húc chỉ vì chuyện bé bằng cái móng tay ấy cũng cãi nhau. Hiểu Húc tức quá nói:
_ Lưu Đức Hoa thì ghê gớm cái nỗi gì, vừa già vừa xấu!
Nói xong thấy Lưu Hạ thở hổn hển vằn mắt lên, chọc thế cho bõ tức!
Trên xe, bạn hát Tiếng sóng như xưa xong thì tôi hát Giọt nước quên tình, bạn kia hát Kỳ thực em chẳng hiểu lòng anh, thật là một cuộc đại hợp xướng ca khúc tình yêu.
Hân Nhiên giúi Hiểu Húc một cái, nói:
_ Có thấy gì không? Bây giờ  lời ca chia làm ba loại rồi đấy! Loại thứ nhất anh yêu em nhưng em không yêu anh như bài hát có câu “Biết bao công sức vì em, sao em cảm động chẳng thèm!”; loại thứ hai, em yêu anh, anh lại chẳng yêu em như câu: “trong trái tim anh có hình bóng ấy, hình bóng ấy tới trước em”; loại thứ ba tổng hợp cả hai loại trên, yêu một người không thể yêu mình song lại được người mình không yêu theo đuổi, như câu “Trót yêu một người không về nhà!”. Thấy chưa?
Hiểu Húc nghe thấy cười khanh khách mãi không thôi.
Bài hát trữ tình đang được hát say sưa thì Dư Phát bỗng đâm choạc vào một câu:
_ “Trời khu giải phóng là trời quang đãng…”
Dư Phát hát xong, Lưu Hạ lập tức hát tiếp bài Tổ quốc tôi trong phim Thượng Cam Lĩnh. Bạn vừa xướng câu đầu, các bạn khác không hẹn mà cùng cất tiếng hát. Sang tới lời thứ hai thì Lưu Hạ lĩnh xướng, mọi người hợp xướng. Thầy Giang cũng hòa giọng theo. Hát xong, thầy Giang nói:
_ Các em cũng hát được cả bài hát xưa à? Thầy mà hát lại mấy bài này là  lại nhớ hồi thầy còn trẻ. Những bài ấy mới hay chứ!
_ Thầy ơi thầy, thầy chớ độc tài đấy nhé. Củ cải, rau xanh, ai thích thứ nào mặc tình chứ ạ! – Vương Tiếu Thiên vừa cười vừa nói.
Bỗng xe phanh đột ngột. Số bạn có chỗ không ngồi lại thích đứng xô về phía trước rồi ngã ngửa về phía sau, giúi giụi vào nhau, tiếng cười, tiếng mắng mỏ ầm ĩ.
Thầy Giang lúc nào cũng tươi cười:
_ Các em đều thích đùa vui cả đấy thôi! Thầy lại tưởng các em thật sự không thích chơi đùa cơ đấy!
_ Không thích chơi là giả dối, không dám chơi là thật đấy ạ! – Hân Nhiên đáp.
_ Không dám chơi ư? - Thầy giáo hỏi lại.
_ Đúng thế ạ. Chơi thì lòng dạ phấp phỏng như làm chuyện gì lỗi lầm ấy ạ.
_ Khi nào thi hết phổ thông, việc làm đầu tiên là tớ đốt hết sách đi cho hả.
_ Chúng em bị nhét đầy một bụng sách giáo khoa như nhồi vịt. Nói thực là có rất nhiều điều về văn bản không tiêu hóa được, hoàn toàn buộc phải nhồi nhét cho thuộc mà đối phó với kì thi. Bài tập được điểm mười hai tuần trước, nếu hôm nay thầy lại ra cho em làm, dứt khoác không đạt được điểm đó nữa vì em chưa chuẩn bị lại, những gì học thuộc trước đây bay sang tận Giava rồi. Học như thế thì học làm gì? - Tiếu Thiên nói.
_ Cậu dám không học không? – Dư Phát nói khích.
_ Không dám. Chẳng những không dám không học mà còn học thuộc làu nữa ấy chứ! Ông già nhà mình đang đợi giấy gọi tớ vào đại học kia!
Thầy Giang cũng cảm thấy chế độ giáo dục, phương pháp giảng dạy hiện hành chưa được hoàn thiện, thầy muốn biết thêm ý kiến của học sinh:
_ Các em có ý kiến đối với sách giáo khoa à?
_ Không phải thế đâu ạ - Tiêu Dao đáp - Thực ra những điều sách giáo khoa truyền thụ đều là kiến thức, những kiến thức cơ bản của học vấn đều có ở cả đấy. Song bây giờ chúng em học tập không phải để bồi bổ kiến thức, nâng cao học vấn mà hoàn toàn để thi đỗ, thi đỗ hết cấp, như thế là làm mất đi ý nghĩa ban đầu của việc học tập. Như thế thì dù chúng em có học đến mấy đi nữa, trình độ cũng không hơn được thầy, kiến thức không vượt qua được sách giáo khoa.
_ Không thi thì làm sao chọn được nhân tài? - Trần Minh định giải thích – Hồi “đại cách mạng văn hóa”, chỉ vì phải đối mọi người bình đẳng trước phân số mà bỏ thi hết phổ thông đấy là gì? Học sinh vào đại học do cơ sở tiến cử lên. Kết quả thì sao nào? Sinh ra tác phong chạy cửa sau. Hễ có việc gì có hiện tượng chạy cửa sau thì tuyệt đối không bảo đảm được chất lượng. Nếu bây giờ đại học chiêu sinh mà còn nhờ tiến cử thì hiện tượng hối lộ nhất định chỉ có nhiều hơn năm xưa chứ không chịu kém. Em cảm thấy thực hiện thi tốt nghiệp phổ thông là điều hợp lý, bởi bất kể thế nào thi được vào đại học, chồi được mầm lên phải là học sinh ưu tú. Em coi thường những ai vì một vài vấn đề nào đó mà ra sức đả kích chế độ thi cử ở cấp cao đẳng. Đấy không phải là thái độ nên có của học sinh.
Nói xong, Trần Minh thấy thầy giáo gật đầu với mình.
_ Ca cẩm và oán trách chỉ là để vơi nỗi bực dọc, còn bảo đả kích thì hơi quá. Còn thái độ thì học sinh nên có thái độ như thế nào? – Câu hỏi của Tạ Hân Nhiên khiến mọi người suy nghĩ - Phục tùng ư? Phản kháng ư? Dường như chỉ có hai cách cực đoan đó thôi mà không có con đường trung gian nào khác sao?
Lúc này Trần Minh mới nhận thấy thầy giáo không chỉ gật đầu với mình mà hầu như thầy gật đầu mỉm cười với tất cả.
Ở trên xe, Hiểu Húc không nói với thầy giáo một câu nào. Đã mấy lần bạn muốn lên tiếng đề cập đến chủ đề có độ sâu, có giá trị để thầy chú ý đến bạn song lại ngại chủ đề đó không thỏa đáng. Dù sao Hiểu Húc cũng thỏa mãn rồi. Bạn ngồi ngay bên cạnh thầy. Lần đầu tiên bạn ngồi gần thầy đến như vậy. Đôi vai rộng, ngực chắc nịch, khuôn mặt tươi cười của thầy…, tất cả đều khiến lòng bạn xao động và vui sướng.
CẢM GIÁC MỚI TUYỆT ĐỐI
Ngô Đồng là tên một quả núi vô cùng xinh đẹp. Ở lâu trong thành phố phồn hoa, ai cũng có nguyện vọng là được trở về với thiên nhiên để được gần mặt trời hồng và mặt đất vàng nâu, cây xanh ngắt và hoa muôn sắc. Đám học sinh bị nhốt trong trường, chỉ có các cuộc đi chơi mùa thu mới được dịp hưởng thụ thú vị như vậy.
Sau một giấc ngủ say, núi Ngô Đồng đón tiếp người đến chơi với tinh thần tràn trề tươi trẻ.
Đối với những người sống ở đô thị náo nhiệt, ai cũng cảm thấy  ý nghĩa mới mẻ khi được thiên nhiên ôm trong vòng tay thân thiết. Không khí trong lành biết mấy, đến nỗi không nỡ hít thở. Có bài báo giới thiệu núi Ngô Đồng “có mối chân tình khó tìm thấy trong đô thị lớn”, xem ra đúng là như vậy.
Cả lớp chia thành nhóm leo lên. Thầy giáo dặn tới đỉnh núi thì tập hợp.
Số đông học sinh cùng thầy men theo đường núi quanh co lên núi. Hân Nhiên phát hiện một con đường nhỏ hẹp gập ghềnh lấp sau đám bụi cây rậm rạp. Nhìn qua ngọn cây, con đường này ngày càng hẹp, càng quanh co. Trước mặt sẽ là gì? Tận cùng con đường ấy phải chăng cũng có cõi đào nguyên ngoài trần thế không muốn lộ mình trong bụi trần như nhà thơ Đào Uyên Minh từng viết? Đối với sự việc thần bí, lớp trẻ bao giờ cũng có lòng hiếu kỳ và óc khám phá.
Hân Nhiên rất muốn đi đến tận cùng xem sao. Vừa hay Tiêu Dao cũng nói:
_ Các bạn đoán xem tít tận cùng rừng cây kia sẽ là gì nào?
Xem ra không ít bạn cũng chú ý đến con đường này.
_ Có thể là một nguồn hoa đào?  - Lưu Hạ nói.
_ Mình đoán có đến tám phần là mồ mả, không chừng còn gặp ma quỉ - Dư Phát nói ra vẻ huyền bí.
_ Cút cậu đi!... - Thấy Dư Phát biến đào hoa nguyên của mình thành mồ mả, Lưu Hạ rất bực mình.
_ Các cậu chẳng hiểu gì cả. Nơi đây trước kia rất hoang vu, người chết đều đem lên đây chôn – Dư Phát nói quả cũng đúng. Đầu những năm 80 khi mở mang nơi này, đào được rất nhiều xương cốt.
_ Thế nào? Có dám đi thám hiểm không? – Vương Tiếu Thiên hỏi.
_ Đồng ý! – Hân Nhiên tán thành đầu tiên.
Sau đó Lưu Hạ, Tiếu Thiên cũng biểu quyết. Tiêu Dao bèn nói:
_ Thế thì tốt, chúng ta theo con đường này.
Hân Nhiên mừng quýnh, bởi vì Tiêu Dao từ hôm đi thi kiến thức thất bại về chỉ im lặng, hôm nay mới vui vẻ lên. Chỉ có Dư Phát bảo ở đấy co ma quỉ, không đi. Hân Nhiên lại động viên Hiểu Húc. Bạn này vốn cũng muốn thám hiểm song hôm nay muốn đi cùng thầy giáo hơn nên không đi, chỉ dặn:
_ Các cậu phải cẩn thận đấy!
Thế là mấy bạn chỉnh lý lại đồ mang theo, đi sâu vào rừng cây. Không biết từ lúc nào, Dư Phát cũng đi theo. Vương Tiếu Thiên bảo:
_ Cậu họ “Chây” mới phải. Một mực không đi, sao còn theo bọn tớ.
_ Về nguyên tắc tớ không muốn đi theo đường này nhưng sợ các cậu xảy ra chuyện nên đi theo để bảo vệ các cậu thôi! – Dư Phát làm ra vẻ nghiêm chỉnh.
_ Chỉ được cái bẻm mép! – Lưu Hạ mắng.
Ngay từ lúc bắt đầu leo, đường đi đã rất gian nan hiểm trở. Nếu không vì tò mò mãnh liệt muốn biết đích tới ở tít trên kia, có lẽ chẳng ai có lòng nhẫn nại đến thế. Xem ra sự lãng mạn và ý thơ trong các cuộc lặn lội vào nơi hoang vu chỉ là sự bịa đặt của văn sĩ. Lúc này cả bọn đang vất vả cẩn thận gạt từng cành gai sang một bên để có thể chui đầu lách qua,hoặc phải dùng chân đè một lùm cỏ ở bên đường xuống để chân kia bước vượt lên trên. Mỗi bước chân đều phải cẩn thận để ý, chỉ cần sơ sểnh một chút là chân tay sẽ bị gai cào rách.
_ Mệt muốn chết! – Lưu Hạ kêu lên.
Hân Nhiên bíu lấy cành cây, thở hổn hển.
_ Trời ơi, nguy to rồi! – Dư Phát kêu ầm lên – Lưng áo Hạ có con sâu róm to lắm, dài bằng này này, nửa đen nửa vàng, lông mọc chơm chởm!
_ Thật ư? Cậu đừng đùa! - Thấy Dư Phát giơ tay miêu tả hình dạng con sâu róm, Lưu Hạ run cả giọng.
_ Lại chẳng phải đây là gì? Loại sâu to như thế này hiếm thấy lắm! Ai nói dối cậu!
_ Thôi chết rồi! – Lưu Hạ suýt khóc, cựa quậy lung tung – Hân Nhiên, làm sao bây giờ?
_ Để mình xem nào!  - Hân Nhiên quay lại thấy Dư Phát nháy mắt với mình liền hiểu ngay – Đúng đấy, mình còn tưởng họ trêu cậu. Quả thật… chà chà, sợ chết đi được!
Lưu Hạ càng ngọ nguậy dữ:
_ Mau lên, mau gẩy nó đi hộ mình!
_ Cậu đừng cuống lên, con sâu róm nó đang bò, tí nữa là bò lên đến cổ…
_ Trời ơi! Mẹ ơi… - Lưu Hạ sợ quá không dám động đậy nữa, mặt đỏ bừng - Tiếu Thiên, TiêuDao, cứu mình với!
_ Đợi một lát, mình bẻ cành cây gẩy nó đi cho cậu.
_ Tiếu Thiên, cậu… - Lưu Hạ mếu máo.
_ Mình cũng sợ lắm! - Tiếu Thiên nhảy lên nhảy xuống, ra bộ toan bắt nhưng lại không dám bắt con sâu.
_ Ghê thật, to tổ bố, trông phát khiếp. Trông kìa, nó bò lên cổ rồi đấy! Chết thôi, bị sâu róm bò qua thì ngày mai nổi mẩn ngứa lên ngay.
Hân Nhiên không nhịn được nữa, cười phá lên:
_ Chúng mình dọa Lưu Hạ mới tội chưa kìa! Thôi đừng đùa nữa!
Câu này vừa nói ra, tất cả đều cười ngả nghiêng. Dư Phát cười đến nỗi không nói được câu nào. Lưu Hạ lập tức hiểu ra, vừa xấu hổ, vừa tức:
_ Các cậu thông đồng nhau dối trá, chết không yên đâu!
Trận cười này làm tiêu tan bao nỗi mệt nhọc vì phải leo núi, ai  nấy tiếp tục leo lên.
 
(165-168)
 
_ Trân châu bất chợt còn có giả nữa là! – Ông thầy đáp.
Ông này xem ra thật thà nhưng mình vẫn không dám xem. Thầy nói tốt tất nhiên vui rồi, không tốt thì lại chẳng lo lắng cả ngày? Vả lại số mệnh đều đoán cả ra được thế thì sống có vui thú gì?
Mình lẳng lặng xòe bàn tay phải ra. Mấy đường chỉ tay chi chít quanh thành hình chữ “xuyên” trải ngang bàn tay mình. Chỉ tay của mình rất nhỏ, nghe nói đó là do hay nghĩ quá mà nên. Điều này có phần đúng bởi mình rất hay nghĩ ngợi. Lẽ nào cuộc đời mình bị những đường chỉ tay dài nhỏ này trói buộc chặt?
Điều đáng tiếc nhất ngày hôm nay là lúc chụp ảnh lần cuối cùng. Mình định chụp cùng thầy giáo một kiểu, điều này mình đã tính kỹ cho nên mình chuẩn bị trước cả máy ảnh. Mẹ chỉ cho mình chơi loại máy ảnh ống kính 30D. Để tấm ảnh ấy chụp được đẹp hơn, tối qua mình phải van nài mẹ mãi, mẹ mới đồng ý cho mình mang loại xịn, ống kính có thể kéo dài thu ngắn. Vừa lên đến núi, mình đã tìm cơ hội song chẳng biết mở miệng như thế nào. Nếu chẳng phải chờ đợi mãi để có dịp chụp một mình với thầy Giang thì mình đã cùng bọn Hân Nhiên đi “thám hiểm” rồi. Sắp xuống núi rồi mà mình vẫn chưa kiếm được dịp nào. Mình ngượng ngùng không dám nói ra. Sau cùng mình nói: “Các bạn chụp kiểu ảnh kỷ niệm nhé!”. “Hay lắm!”, nhiều bạn vừa cười vừa nói vừa chạy tới. Dư Phát nhăn mặt làm trò, Lưu Hạ một tay ôm eo mình, một tay gác lên vai thầy Giang.
Mình không thích tư thế này của nó chút nào. Tùy tiện quá! Ngay lập tức mình cảm thấy con bé này thật đáng ghét song không biết nói nó như thế nào. Chẳng hạn nó thân với Vương Tiếu Thiên song nó cũng đùa bỡn cùng Dư Phát. Mình cảm thấy nó thiếu đức tính kín đáo e lệ của con gái. Nó thân mật với hết thảy các bạn nam trong lớp. Rất nhiều bạn nam cũng thích nó, chẳng phải vì nó xinh đẹp hay sao? Ngay ở trên lớp, thầy giáo cũng liếc nhìn nó nhiều hơn!
Mình giảu môi, nhăn mày, không được vui lắm. Sau đó đến lúc chụp ảnh, vẻ mặt mình vẫn không chuyển biến được mấy. Chẳng hiểu ảnh sau khi rửa sẽ ra thế nào. Mình nghĩ có lẽ mình khó coi lắm. Mẹ từng bảo mình không được giảu môi vì như thế sẽ khó coi lắm. Tất cả đều tại con bé Lưu Hạ cả.
Khi về nhà, mình nhìn thấy ba Lưu Hạ đi cùng một người đàn bà, mình đã gặp ba nó ở trường rồi, ông ấy là người của ngành nhạc, còn người đàn bà kia là ai? Người nào làm nghệ thuật đều thế cả, có diễn viên nào lại chẳng bỏ rồi lấy, lấy rồi bỏ chưa? Nếu muốn biết tình hình hôn nhân của số đàn ông này thì không nên hỏi “đã kết hôn chưa?” mà nên hỏi “đã ly hôn chưa?” hoặc “đã ly hôn lần nữa chưa?”. Bất chợt mình lại cảm thấy Lưu Hạ đáng thương quá.
Nhà bên cạnh lại vang lên tiếng cò cưa, khổ hết chỗ nói. Bé Bối Bối học đàn mà khổ sở quá khiến bên nhà mình cũng khổ lây.
“CÔNG TY LIÊN DOANH” ĐÒI GIẢI THỂ
_ Đủ rồi, đủ rồi! Sống như thế này quá bằng tù tội! Tôi chịu đựng đủ lắm rồi!
_ Anh chịu đủ thì tôi chịu đủ còn hơn anh! Đừng ai đánh giá người khác là đồ ngốc nhé. Dễ anh cho rằng tôi không hay biết gì chuyện của anh, những chuyện xấu xa không dám để người khác thấy của anh! Tôi đã nắm được vô số chứng cớ phạm tội của các người, hôm nào thích tôi sẽ đem tới đoàn kịch của các người, công bố cho mọi người biết…
_ Đến hôm nay mà cô còn cho rằng tôi để ý ba cái chuyện vặt ấy à? Sở dĩ tôi chưa ly hôn không phải vì sự thủ đoạn đó của cô mà hoàn toàn vì nghĩ tới Lưu Hạ!
_ Thôi đừng giở cái trò ấy ra trước mặt tôi nữa! Bụng dạ anh thế nào, người khác không biết chứ tôi cũng không biết hay sao? Thư tình ba cấp của cái gọi là “Giấc mộng tình yêu” của anh ấy, hôm nào cho con gái nó đọc để nó hiểu cha nó là cái hạng người nào!
_ Cô càng ngày càng đanh đá quá quắt!
_ Đanh đá? Được lắm, tôi đanh đá quá quắt cho anh coi! - Tiếp theo đó là tiếng ném đồ.
_ Đủ rồi, đủ rồi!
Ngay sau đó là tiếng thủy tinh vỡ loảng xoảng. Hiển nhiên là ba cũng quăng quật một thứ gì đó.
_ Thế này mà cũng gọi là nhà à? Thật đúng là địa ngục. Nếu không vì Lưu Hạ thì tôi và cô từ lâu đã…
Ba xách túi lên mở cửa toan bỏ đi, không ngờ con gái đang đứng ngoài cửa. Cả ba và mẹ đều hốt hoảng. Ba vội nói:
_ Lớp con hôm nay chẳng lên núi Ngô Đồng chơi là gì? Sao về sớm thế?
Lưu Hạ không đáp. Người cha thăm dò với giọng khẳng định:
_ Vừa về đấy à?
_ Không! - Đứng ngoài cửa, Lưu Hạ quét ánh mắt nhìn khắp nhà và cha mẹ, lạnh lùng đáp - Về lâu rồi!
_ Thế sao con không vào nhà?
_ Con còn xem biểu diễn! - Ngừng một lát, Lưu Hạ nói thêm - Diễn hay lắm!
Ba buông mình ngồi thụp xuống xô pha như sợi dây đàn lên căng quá đứt đánh phựt.
Mẹ thì khóc ầm lên, tiếng khóc thê thảm, không chừng ngất đi vì khóc.
Lưu Hạ lấy trong túi xách ra mấy quả lê:
_ Ba mẹ ăn lê không? Các bạn cho đấy! Ăn một quả đi, ngọt lắm, ăn rồi sẽ thấy người khác hẳn. (Lê đọc nguyên âm giống như ly, ẩn nghĩa ly hôn)
Ba không dám tin vào tai mình, vội vàng dùng ánh mắt để chứng thực. Ông rụt rè nhìn Lưu Hạ, tỏ vẻ hoài nghi.
Bà mẹ cũng như không nhận ra con gái, nhìn đăm đăm Lưu Hạ đến quên cả khóc song vai vẫn run rẩy.
Lưu Hạ bước tới bên mẹ, đặt hai tay lên đôi vai run rẩy của mẹ:
_ Mẹ ạ, ly hôn đi! Sống mãi như thế này chẳng bằng ly hôn còn hơn. Ly hôn tốt cho cả nhà!
Lưu Hạ lát sau lại nói:
_ Ly hôn cho rồi!
Bạn bất chợt cảm thấy mình đã bị Vương Tiếu Thiên đồng hóa.
Nhân lúc mẹ đang bận làm cơm tối, ba tới phòng Lưu Hạ. Bạn đang đứng trước giá sách đọc sách. Thấy ba vào, Lưu Hạ vội để sách trở lại giá. Ba đã kịp trong thấy bìa cuốn sách: Luật hôn nhân của người Trung Quốc. Người cha nhìn con gái rồi nhìn dẫy sách xếp ngay ngắn trên giá: Nhược điểm của nhân tính, Một nửa đàn ông là đàn bà, Rạn nứt lớn giữa âm dương… Người cha hơi giật mình, đọc có hiểu được không? Ông lại chuyển ánh mắt từ giá sách sang con gái. Vẫn đôi mắt long lanh như nước, đầy vẻ ấu trĩ. Người cha nhìn mãi cũng không sao liên hệ được giữa cô gái nhỏ với sách trên giá sách. Không biết vì mình quan tâm tìm hiểu con gái mình quá ít hay là thế hệ này trưởng thành quá sớm?
_ Hạ này, có một số sách chưa thích hợp với con, ít nhất thì cũng chưa thích hợp cho con đọc lúc này. Các con nên đọc những sách nào phù hợp với lứa tuổi của con thì vẫn hơn!
Thấy vẻ căng thẳng của cha, Lưu Hạ không nhịn được cười, song bạn chỉ mím môi cười, không dám cười buông thả, nghĩ bụng nếu mình kể những điều hiểu biết được cho cha mẹ nghe, hẳn ông bà sẽ kinh hãi thất sắc:
_ Không hiểu Lưu Hạ nhà mình sao lại biến đổi đến thế?
_ Ối chao ba ơi là ba! Ba đừng có lo! Những sách đó có sao đâu? Phải có tinh thần “lấy từ bên ngoài” vào chứ! Phải nhìn nhận sự vật theo duy vật biện chứng chứ! Lấy tinh hoa, bỏ cặn bã mà ba! – Lưu Hạ lại an ủi cha mình, giọng nói không còn vẻ là của con gái nói với cha nữa.
Người cha nhìn vào đôi mắt trong sáng long lanh, song đôi mắt ấy không còn dễ dàng hiểu được nữa. Ông chuyển sang suy nghĩ: “Gia đình chẳng khác nào một đơn vị liên doanh, không hợp tác được với nhau chỉ có cách là chia tay. Còn con cái lại là vốn quan trọng nhất của đơn vị liên doanh ấy…” Ông bảo Lưu Hạ là ông sẽ cho bạn một gia đình êm ấm mà theo cách ông nói, là một công ty liên doanh tốt nhất để bù đắp lại thiếu sót đối với con mấy năm qua. Ông sẽ mời một thầy giáo giỏi nhất để đào tạo con trở thành nhân vật kiệt xuất…
Lưu Hạ cười, cười chua xót.
Thừa lúc ba đang xem mục tin tức, mẹ bước vào phòng Lưu Hạ. Lưu Hạ đang viết thư. Mẹ lập tức cuống cuồng lên. Đừng có như mấy năm trước cha mẹ định ly hôn, Lưu Hạ viết thư cho cô ruột: “Nếu cha mẹ cháu ly hôn thật thì cháu sẽ nhảy từ tầng bảy xuống”. Cô lập tức gửi lá thư ấy theo đường thư nhanh cho bố mẹ, có thế mới dẹp được ý định ly hôn của hai người.
Bây giờ Lưu Hạ lại viết thư, viết mới chăm chú làm sao! Mẹ muốn xem nhưng không dám, chỉ cẩn thận nói:
_ Lưu Hạ, con đừng làm chuyện gì ngốc nghếch đấy nhé!
Lưu Hạ gập thư lại, đè hộp bút chì lên:
_ Mẹ bảo gì cơ ạ?
_ Lưu Hạ, nếu con không muốn sống thì mẹ cũng không muốn sống đâu!
_ Mẹ, mẹ… làm gì có chuyện đó? – Lưu Hạ ngơ ngác – Đang yên lành, nói đến sống chết làm gì?
_ Hạ à, con không viết thư cho cô con đấy chứ?
Lưu Hạ hiểu ra nỗi lo lắng của mẹ. Bạn cười dở mếu dở lấy thư ra:
_ Con viết thư cho một bạn trong nội địa, Lý Anh, mẹ có biết đấy!
Bấy giờ mẹ mới thở hắt ra:
_ Tốt, thế thì tốt. Vừa nãy con làm mẹ sợ hết cả hồn! – Bà lập tức nói vào chủ đề chính - Mẹ vốn không định ly hôn với cha con. Không phải mẹ còn hy vọng gì ở ông ấy mà là vì hận ông ấy, kéo dài ra tám năm, mười năm, cho đến già mới thôi. Bây giờ nghĩ lại mẹ thấy chẳng cần phải làm thế, như con nói đấy, ly hôn tốt cho tất cả mọi người.
Tiếp đó bà kể cho Lưu Hạ nghe bao nhiêu là chuyện để chứng tỏ người mẹ kế thường tàn nhẫn ra sao. Chuyện xưa nay, chuyện trong nước ngoài nước, từ chuyện Lọ Lem trong cổ tích đến chuyện người thực việc thực trong hiện thực ngày nay, nhắc Lưu Hạ thà “theo mẹ đi ăn mày chứ không theo bố đang làm quan”, dặn bạn chớ có chịu để cho mẹ kế mắng mỏ.
_ Đàn ông ấy à, mẹ hiểu rõ lắm! - Mẹ sụt sịt chùi nước mắt – Đàn ông không nên có lắm tiền, hễ có tiền là hư đốn. Nếu bây giờ gia đình mình còn ở nội địa, một tháng chỉ có trăm đồng bạc thì cha con đã chẳng đến nỗi trụy lạc đến mức đó. Chính vì kiếm được nhiều tiền… Như thế gọi là mất gốc con ạ!
_ Nam sợ chọn nhầm nghề, nữ sợ chọn nhầm chồng! Mẹ đời này mù mắt mới lấy phải đồ chẳng bằng loài súc sinh. Mẹ mong con sắp tới hãy mở to mắt ra, có thế mới mong có chố về yên ấm.
Lưu Hạ cười, cười cay đắng!
HÌNH NHƯ CHỊ ẤY KHÔNG PHẢI NGƯỜI TRUNG QUỐC
Cuộc đi chơi lần này Liễu Thanh không tham gia. Chị hai Liễu Mi ở Úc về. Mẹ đi cả đêm tới ký túc xá để báo cho bạn. Ngày hôm sau, cả lớp đi lên núi, Liễu Thanh cùng cha mẹ ra sân bay đón Liễu Mi.
Chị hai lấy chồng xong lại xinh ra, đẹp ra. Chị vừa ra khỏi máy bay, cha mẹ lập tức chạy đến đón, người bên phải, người bên trái như nâng đỡ vương phi vậy. Liễu Thanh lập tức nghĩ ngay đến vở Giả Nguyên Xuân về thăm nhà trong Hồng lâu mộng, còn mình thì giống cô cả ngốc, thảo nào người ta bảo họ không giống do cùng mẹ sinh ra.
_ Đến Nam Hải tửu gia! - Liễu Mi bảo tài xế taxi.
_ Ở nhà cơm nước chuẩn bị sẵn rồi mà! - Mẹ bảo Liễu Mi.
Nhưng Liễu Mi cứ bảo đưa đến Nam Hải tửu gia để ăn cơm.
Nam Hải tửu gia là hiệu ăn cao cấp nhất ở Thâm Quyến, cấp năm sao. Đồ đạc trong nhà đều là loại đắt tiền, người bình thường không dám hỏi đến. Liễu Thanh đi sau chị, bước lên bậc thềm bằng đá hoa cương đã đánh nến, mắt không dám nhìn thẳng những người canh cửa đứng hai bên như vệ sĩ hoàng gia, lòng hơi hoảng. Trước đây chị hai có nói, chị nhất định sẽ đường hoàng chính đính bước vào đây, bây giờ chị hai quả nhiên đã được như nguyện, bây giờ chị là người Trung Quốc mang hộ chiếu Úc.
Cảnh tượng hào hoa ở đây khiến cha và mẹ cảm thấy ngượng ngùng, thậm chí không biết để tay ra sao, ăn như thế nào.
_ Cha này, mẹ này, cầm như con thế này này.
Liễu Mi dạy cha mẹ cách dùng thìa, nĩa, còn chị thao tác rất thành thạo, cầm cốc lên uống bằng ngón cái và ngón giữa rất nhã nhặn, thỉnh thoảng lại đưa khăn ăn lên lau mép, cử chỉ rất điệu. Liễu Thanh đã đọc sách viết về mặt này, ở trong trường cũng được dạy, bây giờ chỉ còn “tiến thành thực tiễn” theo chị.
_ Cha mẹ dùng Mao Đài hay Mactini?
_ Thôi, thôi, uống rượu làm gì!
_ Uống chút chứ, coi như đón tiếp con trở về! - Liễu Mi cười, bật ngón tay đánh tách – Waiter (bồi bàn), cho chai Mao Đài.
Người phục vụ lập tức đưa Mao Đài đến, song chị hai vừa nhấp một hớp đã nói:
_ Rượu Mao Đài này con uống không quen nữa rồi!
Chị gọi thêm chai Mactini.
_ Thái độ phục vụ cùng tố chất của dân chúng Trung Quốc có vấn đề. Cứ nói ngay việc trên sân bay vừa nãy ấy. Cánh cửa lò xo, người trước đi qua nhưng chẳng cần biết đằng sau có người hay không đã buông tay đánh “phịch”, vừa hay đập trúng vào người đi đằng sau. Càng không phải nói Lady first (phụ nữ đi trước) nữa. Ở nước ngoài tuyệt đối không có hiện tượng này. Con đã đi đến mấy nước…
Cha mẹ cứ há hốc mồm ra mà nghe như nghe “thiên thư”. Liễu Thanh hơi ngượng. Chị hai hễ mở mồm là Well! (quái lạ), thỉnh thoảng lại chen vài tiếng nước ngoài, hơi một tí là “Trung Quốc thế này thế nọ”, dường như chị không phải là người Trung Quốc.
_ Liễu Thanh! Sao cứ nhìn chị thế? Chị đem về làm quà cho em mấy thứ, không mê hồn thì chớ kể.
Nghe nói có quà, Liễu Thanh có cảm tình với chị hơn.
_ Chị này, chị còn nhớ anh Cường không? - Liễu Thanh hỏi.
Cường là bạn trai của chị trước khi quen Râu Quai Nón. Sau khi quen Râu Quai Nón, chị liền bỏ rơi anh Cường. Cường giận lắm. Bọn bạn thân của Cường thấy Liễu Thanh thì đe:
_ Học cho tốt vào, đừng có học thói con chị đấy!
Liễu Thanh không thích người ta nói chị mình, nhưng đối với chị, bạn cũng cảm thấy khó hiểu.
Liễu Mi không đáp, chỉ cầm chiếc thìa nhỏ lơ đãng khuấy tách cà phê.
Cha và mẹ cảm thấy câu hỏi của Liễu Thanh không đúng chỗ như thế liền nháy mắt ra hiệu, song Liễu Thanh cứ tỉnh bơ, hỏi tiếp:
_ Anh Cường có cô bạn gái khác rồi!
Liễu Mi vẫn không nói gì chỉ “Ừ” nhẹ.
Lúc đầu cha mẹ cũng không thích anh Cường chỉ vì điều cốt yếu nhất là anh không có tiền, chỉ là người làm thuê, cả hộ khẩu ở Thâm Quyến cũng chưa có. Sau đó Liễu Mi quen Râu Quai Nón, thế là cô không chút do dự “bai” luôn anh Cường.
_ Bữa cơm này hết bao nhiêu?
_ Ba ngàn hai! - Liễu Mi thản nhiên đáp.
_ Ba ngàn hai? - Người mẹ thốt lên, lè lưỡi - Thế có chết không, đắt ơi là đắt!
Ăn cơm xong, cả nhà lại tớ siêu thị. Hàng ở đây phần lớn là hàng nước ngoài, hoặc hàng cao cấp mà cửa hàng bình thường ít thấy bán. Chị hai mua mấy thứ đồ lót để thay đổi và nói:
_ Người nước ngoài đi du lịch không bao giờ mang túi to túi nhỏ như người Trung Quốc, chỉ cần mang theo mấy cái thẻ Mastercard, Visacard là xong.
Chị quay sang hỏi Liễu Thanh:
_ Em muốn mua gì?
Liễu Thanh nghĩ một lát, cảm thấy đồ lót mặc bên trong chẳng cần quá đẹp làm gì, bèn chọn một cái bút.
_ Ôi trời ơi chết thôi! Còn nhỏ dùng bút tốt đến thế làm gì? Xem chữ con viết có như giun bò không? Ba trăm chứ có phải ba đồng đâu! - Mẹ trừng mắt nhìn Liễu Thanh.
Liễu Mi vừa trả tiền vừa nói:
_ Em nó thích thì mua, việc gì mẹ phải mắng nó!
Có Liễu Mi về nước, cả nhà Liễu Thanh như ăn tết, vui mừng hỉ hả. Cha mẹ mặt lúc nào cũng tươi cười ít có, Liễu Thanh cũng đắc ý ra mặt.
Bạn bè tới thăm, tiếp đãi đã xong, nhà mới yên tĩnh trở lại. Mẹ thu dọn giấy gói bánh kẹo, vỏ hoa quả trên nền nhà, cha ngồi trên xôpha hỏi:
_ Mi này, con sống có hạnh phúc không?
_ Tốt lắm ạ, mức sống bên ấy cao lắm. Ba ơi, để sau này con đón ba mẹ sang bên đó chơi.
Cha vui lắm:
_ Cha với mẹ mày e  không có phúc phận đó, con đón em nó sang đi!
_ Vâng ạ.
_ Bố mẹ chồng đối xử với con thế nào?
_ Con đã chẳng viết cả trong thư rồi sao? Ở nước ngoài, sau khi cưới người ta không  ở chung cùng bố mẹ đâu. Chúng con ở riêng, chẳng mấy khi gặp bố mẹ anh ấy.
_ Thế Râu Quai Nón đối với con thế nào? – Cha vẫn không yên tâm. Râu Quai Nón là tên gọi người rể thứ hai của gia đình Liễu Thanh.
_ Tốt lắm ạ - Liễu Mi cười, cười rất hạnh phúc.
_ Mi này, con vừa ý về mọi mặt chứ? - Mẹ dừng tay quét nhà hỏi.
_ Vâng, cứ coi là như thế. Có điều, có lúc cũng buồn chán lắm!
_ Đúng vậy mà. Con kiếm một việc gì đó mà làm. Suốt ngày ở nhà buồn chán là phải.
_ Anh ấy không đồng ý ạ. Anh ấy bảo ở Trung Quốc kiếm việc dễ, kiếm tiền khó, còn ở bên ấy kiếm việc khó, kiếm tiền dễ ạ.
_ Nếu vậy khoản nào tiết kiệm được thì nên tiết kiệm. Sống nhờ vào chồng mà vung tiền như thế, sao được? – Cha nói.
_ Mi này, con lấy chồng cũng lâu rồi, đã có gì chưa? - Mẹ hỏi.
_ Có gì cơ ạ?
_ BB (bé bé) ấy mà, có BB thì lo gì buồn chán! Chỉ sợ lúc ấy muốn nhàn nhã cũng chẳng được.
Liễu Mi cười, cúi mặt xuống:
_ Ba tháng rồi ạ.
Nói xong chị lấy ra một hộp nhân sâm:
_ Cha, đây là sâm Cao Ly chính hiệu, cha uống cho bổ.
Cha cầm lấy hộp sâm, nheo mắt lại nhìn. Tuy miệng nói: “Hẳn là đắt lắm đây, cha còn khỏe, chẳng ốm đau, bổ làm gì!”, song trong lòng ông sung sướng lắm.
Thế rồi trong con mắt cha mẹ chỉ còn có Liễu Mi, cha mẹ chỉ quí chị ấy mà không thích Liễu Thanh, hay mắng mỏ, vì thế Liễu Thanh thích ở nội trú, khỏi phải làm phiền cha mẹ.
Liễu Thanh được chị cho một dây chuyền vàng, mừng rơn. Chị bây giờ hào phóng lắm; hồi chưa ra nước ngoài, chị hay tranh giành với cô em. Chỉ vì một chiếc áo mới, hai chị em cũng chẳng ai chịu nhường ai. Lúc này Liễu Mi và cha mẹ đi thăm họ hàng, Liễu Thanh ở nhà một mình, cảm thấy rất sung sướng.
Cha mẹ Liễu Thanh là nông dân “rửa chân lên bờ”, ông bà mở một hàng tạp hóa, tuy thu nhập không cao song cách sống rất hiện đại. Nhà của chính mình, ti vi 29 inch, tủ lạnh ba buồng, máy giặt hoàn toàn tự động. Tất cả đều do công sức của các chị. Gia đình họ từ huyện Mai tỉnh Quảng Đông ra đây. Chị cả Liễu Diệp lấy người Hồng Kông. Năm 1983, chị bỏ ra mười tám vạn đôla Hồng Kông để mua căn nhà ba phòng ở, một phòng khách. Lúc ấy 100 đôla Hồng Kông mới bằng hơn 30 nhân dân tệ, cả cái nhà thực ra chỉ có hơn sáu vạn nhân dân tệ. Để khuyến khích kiều bào mua nhà, chính quyền còn cho phép họ chuyển hộ khẩu họ hàng từ nội địa đến. Thế là chị cả bèn đưa cả nhà gồm bốn người chuyển tới Thâm Quyến. Sau đó giá nhà ở Thâm Quyến tăng vọt, nhà họ ở có thể bán tới hơn trăm vạn đôla Hồng Kông, hộ khẩu Thâm Quyến lại rất quý. Cả nhà cám ơn chị cả vô hạn, mẹ còn coi chị như đệ nhất đẳng công thần. Trước khi chị hai ra ngoại quốc, chị đứng tên mẹ mua năm ngàn đồng cổ phiếu phát triển, sau đó cổ phiếu quả nhiên phát triển thật, mỗi tờ tăng gấp bốn mươi lần, tổng cộng thành hơn hai trăm ngàn. Mẹ mừng khôn xiết, lập tức phong chị hai là đệ nhị đẳng công thần. Bây giờ chỉ còn chừa lại “đồ ăn hại” là Liễu Thanh, cha mẹ suốt ngày nhắc nhở phải học giỏi tiếng Anh để ra nước ngoài. Liễu Thanh nghe mãi đến nhức tai sắp đóng kén!
Bây giờ cha mẹ đều đi vắng, Liễu Thanh không phải nhức tai vì những lời mắng mỏ nữa. Bạn muốn làm gì thì làm, có thể tha hồ uống côca, có thể nằm ngả trên xôpha chơi máy trò chơi…
Liễu Thanh ngây người soi gương, càng ngày bạn càng thích soi gương. Bạn cũng biết mình không thể mặc quần áo đúng số đo tiêu chuẩn, biết mặc màu sẫm sẽ có vẻ thon thả hơn. Bạn càng ngày càng chú ý đến dung nhan hình dáng hơn.
Liễu Thanh rất khổ sở vì mình không ưa nhìn. Nếu được như hai chị thì tốt biết mấy! Thâm Quyến là xã hội trọng cái đẹp. Chị hai chỉ mới tốt nghiệp phổ thông trung học, chẳng có tiền mới cứng và sở trường gì nhưng tìm việc dễ hơn rất nhiều cô sinh viên tốt nghiệp chuyên khoa, nói theo lời của chị là: “Hễ chị có mặt ở văn phòng là khách hàng có ấn tượng tốt về công ty của chị ngay”. Liễu Thanh thầm trách cha mẹ: “Ông bà sinh đến đứa cuối cùng vì bất đắc dĩ hay làm sao mà tùy tiện vo một cục rồi nặn ra mình thế?”
Ngẩn ngơ một hồi rồi Liễu Thanh quyết định thay đổi “hình dạng”. Bạn gỡ hai “cái chổi” ra, dùng keo định hình làm tóc lượn sóng và làm rèm tóc trước trán bồng cao lên. Bạn mở hộp trang điểm của chị, bóp ít kem xoa mặt bôi lên mặt, còn thừa thì xoa lên tay, hai lòng bàn tay xoa vào nhau rồi bắt đầu trang điểm mặt. Sau đó thoa phấn, tô mắt. Mắt chị hai tô rất đẹp, Liễu Thanh cũng học theo chị, chọn hai màu xanh và tím, rồi vẽ lông mày. Liễu Thanh vẽ lông mày vốn ngắn và thưa của mình thành đậm và dài. Cuối cùng vẽ đường môi rồi tô son. Ngắm đi ngắm lại, Liễu Thanh thấy chỗ nào chưa vừa ý thì trang điểm lại. Chiếc dây chuyền vàng chị cho cũng được đeo lên cổ.
Thế là trong gương xuất hiện một khuôn mặt lạ hoắc, như đeo mặt nạ vậy.
Đúng lúc đó, cha mẹ về. Sau khi các chị đi lấy chồng, cha mẹ quản Liễu Thanh càng tập trung hơn. Dù Liễ Thanh một tuần mới về nhà một lần thì cha mẹ cũng chẳng ca cẩm ít đi. Nhất cử nhất động của Liễu Thanh đều bị các cụ khống chế chặt chẽ.
_ Mày có biết mày trang điểm như thế lố lăng đến mức nào không? Mày tưởng mày là Liễu Mi à? - Vừa bước vào nhà mẹ đã nói - thật đúng là đít khỉ trong đoàn xiếc!
Mẹ thường đáo để chanh chua mỗi khi nói với Liễu Thanh, dường như Liễu Thanh là cái bung xung cho bà trút giận. Các chị ở tít tận chân trời, chỉ mình Liễu Thanh ở nhà. Hễ nghĩ đến Liễu Diệp, Liễu Mi, mẹ thấy họ toàn là ưu điểm còn Liễu Thanh lại toàn là khuyết điểm. Mỗi khi đem so ưu điểm của các cô chị với khuyết điểm của cô em, mẹ thường nói:
_ Sao mày lại không được như Liễu Diệp, Liễu Mi thế? Nếu mày chỉ bằng nửa các chị thôi, có phải hay hơn không?
Liễu Thanh vừa hốt hoảng xoa bù mái tóc vừa đánh trống lảng:
_ Sao chị hai không về cùng mẹ thế?
_ Ôi chao! - Mẹ thở dài ngồi xuống xôpha – Thay đổi rồi, mới hơn một năm mà thay đổi hết rồi.
_ Con gái làm nên được đến thế cũng không dễ đâu! Bà tưởng nó cũng như tôi với bà chịu bó gối ngồi đầu bờ hả? Ra nước ngoài, lấy được chồng giàu có, thế cũng kể là hơn người rồi! – Cha nói.
Bây giờ hơn người cũng có tiêu chuẩn là đi nước ngoài và “mạ vàng”.
_ Nhà rõ ràng có cơm canh thức ăn hẳn hoi lại chẳng ăn, đi Nam Hải tửu gia kia! Ở đấy có gì ngon lành nào? Nhà có giường đệm cũng không ngủ. Chị mày có biết đâu vì đón chị mày mẹ phải sắm mới tuốt tuột chăn đệm cùng khăn trải giường. Chị mày thế đấy, về ở Nam Hải tửu gia cơ! Nó ngủ một đêm đủ cho cả nhà mình ăn một tháng… - Mẹ lại ca cẩm.
Liễu Mi về ở Nam Hải tửu gia, Liễu Thanh ở lại nhà không về trường. Bạn nghĩ: “Không biết rút cục chị hai sống có ý nghĩa gì không nhỉ?”