Hôm nay là ngày Quốc khánh. Hôm qua chủ nhật bọn này phải học bù để từ hôm nay được nghỉ liền ba ngày, mãi tới mồng 4 mới phải lên lớp. Đợt nghỉ dài như thế khoái biết mấy! Bọn mình đã tính kỹ xem dùng ba ngày đó vào những việc gì. Hôm nay ngày đầu tiên, mình cùng Hân Nhiên, Tiếu Thiên, Tiêu Dao và mấy bạn thân nữa hẹn nhau đến nhà thầy Giang chơi. Lưu Hạ không đi, bảo có việc cần. Hôm nay là ngày cưới của cha mẹ bạn ấy. Có bọn này đến chơi, hẳn thầy phải quét dọn nhà cửa. Dù vậy thầy không phải người “nội trợ” đảm đang gì. “Trong nhà không thể thiếu người phụ nữ”, câu này đúng ghê. Trò chuyện với thầy thật thoải mái, nói mà chẳng cần nghĩ xem câu sau nói gì. Bọn mình nói chuyện nhiều lắm, thầy còn kể hồi thầy học cấp ba ra sao. Thế hệ thầy thật là nhiều chuyện. Mình xem “Tuổi trẻ muôn năm” và lấy làm lạ quá; mình cũng xem phim thời “Cách mạng văn hóa”, càng cảm thấy không thể tưởng tượng nổi. Người hồi bấy giờ sao lại như thế nhỉ? Buổi trưa, bọn này làm món sủi cảo ở nhà thầy Giang. Thầy Giang giảng bài rất hay, không ngờ thầy gói cảo cũng rất khéo. Món này hồi ở nhà mình hay làm, kỹ thuật không thua kém thầy Giang. Hòa bột, cán vỏ, một mình mình làm tuốt. Bọn con trai chẳng cậu nào chịu làm cho ra trò, đã thế còn lấy bột nặn chuột, người và xe tăng. Mười sáu tuổi đầu mà nghịch ngợm như đứa trẻ lên sáu, đến nỗi thầy Giang phải tuyên bố: “Ai làm người nấy ăn, gói bao nhiêu ăn bấy nhiêu!”. Thế là các cậu mới chịu gói. Thấy bọn chúng gói bừa gói ẩu, mình tức quá, không ngậm miệng được, phải bảo: “Thôi cả đi, để mình làm cho! Cảo của các cậu hễ xuống nước là nhảy điệu thoát y vũ ngay thôi!” Mấy đứa lập tức nói liến thoắng: “Đồng chí Lâm Hiểu Húc, Đảng giao nhiệm vụ cho đồng chí. Gánh nặng mà đường còn xa đấy!”. Thầy Giang bảo: “Có con gái như thế thật sung sướng!”. Cả bọn đều cười. Mình thì không sao cười nổi. “Con gái!”. Tại sao lại là con gái? Mình còn nhớ lần đầu tiên nhìn thấy thầy là đã cảm thấy thân quen, chẳng khác nào một người vừa thân lại vừa xa vời. Lẽ nào thầy như cha? Mình nghĩ đến ba. Đến nay hai mẹ con vẫn nhớ, nhớ mãi mãi. Mẹ càng nhớ ba hơn nữa, nếu không đã chẳng chịu rời bỏ thành phố “trên có thiên đàng, dưới có Tô, Hàng” là Hàng Châu. Ba ơi!...
TRONG NHÀ XUẤT HIỆN NGƯỜI THỨ BA Từ ngày bắt gặp ba và Nhậm Na ở hiệu cà phê Phỉ Thúy, Lưu Hạ thấy ba không còn về nhà nữa. Bạn biết mâu thuẫn giữa cha mẹ mình đã phát triển đến mức kị nhau như nước với lửa. Bạn đã đọc nhiều tiểu thuyết thấy trong đó miêu tả con cái làm thế nào để cha mẹ đã tan vỡ về tình cảm lại làm lành với nhau. Chẳng hạn con cái mua một chiếc khăn quàng mà mẹ lâu nay muốn có song lại tiếc tiền chưa mua để tặng mẹ rồi bảo đấy là chính cha đi mua; mua một dao cạo râu mà cha rất cần rồi bảo đấy là mẹ mua tặng cha. Lưu hạ cảm thấy cách này cũ lĩ, quê mùa, chí ít thì cũng không phù hợp với cha mẹ mình. Bạn có một chiêu rất tuyệt, quyết định thử xem thế nào. Chiêu này tận dụng tính trẻ con, tận dụng lòng yêu thương con cái của cha mẹ để hóa giải mâu thuẫn của hai người, cứu vãn lấy gia đình. Thế là Lưu hạ chạy đến đoàn kịch, không tìm ba mà tìm Nhậm Na. Nhậm Na đang tập vai cùng một số nữ diễn viên khác. _ A, Lưu Hạ đấy à! - Thấy Lưu Hạ là Nhậm Na nhiệt tình chạy ra - Đến tìm ba phải không? Để cô đi gọi cho. _ Không, em muốn gặp cô! _ Muốn gặp cô? _ Vâng, em muốn nhờ cô giúp cho một việc – Lưu Hạ nghiêm trang nói – Em muốn cô nhường ba cho em mượn một tuần. _ Lưu Hạ, em nói đùa hay thật! – Rõ ràng Nhậm Na muốn che giấu vẻ mất tự nhiên của mình. _ Em không đùa đâu, nghiêm chỉnh đấy! Có được không nào? _ Đương nhiên, ông là cha em mà! _ Thế thì được! Cám ơn cô! Lưu Hạ cùng ba đến hiệu cà phê Phỉ Thúy. _ Thế “khách mời đặc biệt” của con đâu! Sáu giờ rồi! _ Kia rồi… - Lưu Hạ nhìn ra cửa - Đến rồi, đến rồi kia! Mẹ Lưu Hạ mặc bộ váy áo màu đỏ bước vào. _ Mẹ, hôm nay mẹ diện ghê! – Lưu Hạ chạy đến đón – Ngày thường mẹ cũng nên mặc như thế này, có thế mới xứng với “nhân vật quan trọng” phong lưu phóng khoáng chứ! _ Thôi, thôi, hôm nay mặc như thế này là chấp hành quy định của con đấy, chỉ để gặp “nhân vật quan trọng” của con thôi! Ngày thường cũng diện như thế này thì làm việc sao được? Thế nào, “nhân vật quan trọng” của con đã đến chưa? Lưu hạ ngoảnh mặt đi cười thầm. Lúc này ba đã nhìn thấy mẹ, mẹ cũng nhìn thấy ba. Hai người nhìn nhau một lúc rồi dường như cùng lúc hiểu ra và cùng “kháng nghị” với Lưu Hạ. _ Hạ này, con chơi cái trò gì thế? Ba bận bao nhiêu công việc, thì giờ đâu chơi ú tim với con, hả? _ Hạ ơi, sao lại ra thế này? Chẳng phải con nói có “nhân vật quan trọng” mời cơm mẹ sao? Lưu Hạ nhìn cha mẹ, nhịn không được bật cười: _ Thưa ba, thưa mẹ, xin mời ba mẹ ngồi xuống đã. Con xin giới thiệu hai người với nhau – Lưu Hạ giơ tay về phía ba – Thưa mẹ, vị này là Lưu Tông Diệu tiên sinh, cũng tức là “nhân vật quan trọng” mà con thưa với mẹ - Lưu Hạ lại giơ tay về phía mẹ, nói với ba – Thưa ba, còn vị này là bà Lưu, Hạ Giai Băng nữ sĩ, cũng tức là “khách mời đặc biệt”. Thưa ba mẹ, hôm nay con là chủ xị - Lưu Hạ vừa nói vừa đặt tiền lên bàn – Đây là toàn bộ gia tài của con, hai chục nhân dân tệ, mười đô la Hồng Kông, còn thiếu đâu xin nhờ “nhân vật quan trọng” và “khách mời đặc biệt” tài trợ cho. _ Lưu Hạ, con tưởng trò đùa này hay hớm lắm sao? Ba cảm thấy nhạt phèo - Rất ít khi ba nói với bạn bằng giọng giễu cợt đó. _ Hạ này, con tưởng con thông minh lắm đấy hả? Hoạt bát giả, ngây thơ vờ! - Mẹ cũng bực mình. Lúc này, ba và mẹ sao mà nhất trí với nhau đến thế! _ Xem ra cả ba lẫn mẹ đều quên hôm nay là ngày gì rồi – Lưu Hạ ngừng lời, nhìn cả hai người với ánh mong mỏi, song hai người đều không có phản ứng gì khiến bạn thất vọng – Hôm nay kỷ niệm lần thứ mười bảy ngày cưới của ba mẹ, ba mẹ quên rồi ư? Nhớ hồi trước đây khi còn ở nội địa, nhà mình không giàu như bây giờ, song hồi ấy vui biết mấy. Ngày này hàng năm, con được thuộc lòng như khẩu lệnh “Lưu là ba, Hạ là mẹ, Lưu Hạ là con, cả nhà ta không bao giờ xa nhau… “ Nếu biết bây giờ ra thế này thì thà chẳng chuyển tới đây, con thà ở nội địa còn hơn! Lưu Hạ cảm thấy mũi cay cay, cổ nghèn nghẹn, nước mắt trào lên mi chỉ chực rơi xuống. _ Ừ nhỉ, mười bảy năm rồi, ngày giờ đi mau thật! – Ba ngửa cổ trên lưng ghế, nặng nề nói. _ Chứ không à, lại đến ngày mồng Một tháng Mười rồi – Khi nói, mắt mẹ không ngừng nhìn trộm ba, vẻ ngượng ngùng chẳng khác gì một cô gái lớn tuổi. Lúc này người phục vụ đến bên bàn: _ Ông bà dùng gì ạ? _ Chúng tôi chưa quyết định, đợi một lát - Mẹ đáp. Người phục vụ vừa đi khỏi, mẹ liền bảo nếu đã kỷ niệm ngày cưới thì đương nhiên nên làm ở nhà. Mẹ thật thông minh, một mũi tên trúng hai đích: vừa yêu cầu ba về nhà, lại vừa tiết kiệm được một món tiền. _ Ý của con gái như thế thì ăn ở nhà hàng đi! _ Thôi ba ạ - Lưu Hạ đứng lên – Hôm nay chiều ý mẹ! Ba thở dài, lấy áo ngoài khoác trên lưng ghế rồi đứng dậy. Cuối cùng mẹ mua đồ ăn, chuẩn bị về nhà tự làm lấy. _ Nếu dùng số tiền phải trả cho nhà hang, mua đồ ăn đem về nấu lấy thì không biết ngon gấp mấy lần! Lúc này ba toan về đoàn kịch, Lưu Hạ nói: _ Ba, về nhà đi. Hôm trước ba chẳng đồng ý với con là gì. Vả lại, Nhậm Na cũng đồng ý rồi. Ba, về nhà thôi! Người cha nhìn con gái, gật đầu. Cả gia đình ba người đi về nhà song chia làm ba quãng. Mẹ đi trước, ba đi sau cùng, Lưu Hạ đi quãng giữa. Vị trí này khiến bạn lúc thì rảo bước đuổi kịp mẹ nói vài câu, lúc thì dừng chân đợi ba chuyện trò mấy câu với ông. Cứ như thế, họ rồi cũng về tới nhà. _ Ôi trời, miếng thịt này thiếu đúng một lạng! - Vừa về tới nhà mẹ đã tìm cân cân lại - Bọn bán hàng ở chợ vô lương tâm thật. Bốn chục đồng tiền tôm cũng thiếu đứt nửa lạng. _ Mẹ ơi, bây giờ mẹ cân lại tất cả chỉ tổ mua lấy bực mình. Cân non bán thiếu, mẹ có chạy ra hàng họ đòi lại được không? Nếu không đi đòi, cân lại để làm gì? Hơn nữa người bán hàng rong ở chợ cũng chẳng dễ dàng gì, đều chỉ vì lo cho ba bữa cả, thiệt thì chịu thiệt vậy mẹ. _ Hạ này, mẹ thấy con bây giờ càng ngày càng hoang phí rồi đấy. Con tưởng tiền kiếm dễ lắm hả? Nếu không đến Thâm Quyến, một tháng mới được mấy trăm hào lớn, con vung tay được sao? Như thế là biến chất, là quên cội nguồn đấy! _ Thôi thôi mẹ ơi, bây giờ đã sắp tám giờ rồi, con đói hoa cả mắt, mắt nổ đom đóm rồi đây này! Mẹ thay quần áo vào bếp. Ngoài phòng khách còn lại ba và Lưu Hạ. Cách bày biện trong phòng khách rất nghệ thuật. Trên tường là bức tranh bản nhạc ngày lễ Giáng sinh, giữa phòng là chiếc đàn dương cầm, chủ yếu để ba đánh, trên giá là chiếc đàn violong của Lưu Hạ. Còn mẹ thì bày một số hoa cỏ màu sắc rực rỡ cùng những đồ điện hiện đại làm nổi hơn nữa không khí nghệ thuật ấy. Ba dựa người vào xô pha, nhắm mắt dưỡng thần. Trên ti vi đang chiếu tiết mục quảng cáo của đài truyền hình Phỉ Thúy ở Hồng Kông, quảng cáo cho đồng hồ chân kính bằng thạch anh của Thụy Sĩ dưới một câu chuyện tình yêu. Lời quảng cáo trên ti vi: “Không cần bền cùng trời đất, chỉ cần từng thuộc về nhau”. Lối quảng cáo này dứt khoát không được phát trên ti vi ở nội địa tổ quốc. Người Trung Quốc coi trọng “chung thủy suốt đời”, “bạc đầu đến già”, sao có thể “chỉ cần đã thuộc về nhau”? Phải là “mãi mãi thuộc về nhau” mới được. Người nội địa dùng câu “một khi đã có, không cần gì khác” làm lời quảng cáo cho đồng hồ hiệu Fiat cũng của Thụy Sĩ. Là vô tình hay cố ý đối nghịch thế nhỉ? Lưu hạ có nhiều cảm xúc về hai lời quảng cáo khác hẳn nhau đó, song nếu bảo bạn lựa chọn thì bạn cũng thật sự không biết nên chọn thứ nào. _ Ba, ba chọn loại đồng hồ “từng thuộc về nhau” hay loại đồng hồ “không cần gì khác”, hả ba? Ba mở choàng mắt: _ Thế con muốn suốt đời đeo đồng hồ “không cần gì khác” hay muốn thỉnh thoảng lại thay một chiếc “từng thuộc về nhau”? _ Đương nhiên con thích nhiều lần thay một chiếc “từng thuộc về nhau” rồi. – Lưu Hạ cười – Nhưng nếu sau này có bạn trai muốn tặng, con sẽ không khi nào muốn bạn ấy tặng chiếc “từng thuộc về nhau”. Con người thật mâu thuẫn ba nhỉ? Ba vui vẻ hẳn lên sau lúc nghe con gái trò chuyện. Ông dùng ngón tay trỏ búng tàn thuốc lá: _ Thế nào, dạo này con học ra sao? Ba chẳng có thì giờ chăm sóc đến con nữa, chỉ trông chờ vào chính con đấy mà thôi. _ Thưa vâng ạ, con nhà nghèo này tự làm chủ trì từ lâu rồi. Nhưng mà bà, con… con… Người cha âu yếm vỗ vai con gái, song vẻ mặt trở nên nghiêm trang: _ Hạ này, con lớn rồi song rốt cuộc vẫn là một đứa trẻ. Có nhiều việc con chưa rõ mà cũng chưa hiểu được. _ Ba, con hiểu chứ! Ba lúc nào cũg coi con như trẻ con. Con biết ba không phải loại Trần Thế Mỹ có mới nới cũ như mẹ nói đâu. Thoạt đầu, khi biết trong gia đình xuất hiện người thứ ba, Lưu Hạ rất tức giận, kiên quyết đứng về phe mẹ. Nhưng mẹ suốt ngày từ sáng chí tối đều kể tội ba khiến Lưu Hạ cũng ngán, không chịu nổi. Bất kể ba xuất phát từ tâm thái nào, đuối lý cũng được mà độ lượng cũng được, ba đều giữ kín miệng không nói gì về chuyện của mình cả, càng không khi nào kể xấu vợ trước mặt con gái. Lúc này cái máy điện thoại di động của ba reo lên, ba trả lời vào máy: _ Được, được, tôi đến ngay đây. Mẹ đã bày xong bàn ăn. _ Đoàn kịch có việc đột xuất, tôi đi một lúc, mẹ con ăn trước đi! – Ba lấy trên giá áo chiếc áo mặc ngoài. Lập tức mẹ chảy xệ mặt ra: _ Việc gì mà đến cơm cũng chẳng buồn ăn? Lại con hồ ly tinh buồn ngủ, không có ai lấy nước rửa chân nên gọi ông chứ gì? _ Bà đừng ăn nói khó nghe như thế! Tối nay đoàn kịch tổng duyệt lần cuối, họ mời tôi đến duyệt. Bà ghen bóng ghen gió như vậy làm gì? _ Được, ông hoàn toàn có thể chuyển nghề rồi đấy, chuyển sang viết tiểu thuyết ấy. Xem ông bịa kìa, thật hơn cả Trân Châu. _ Thôi được, tôi không đi là hết chuyện phải không? – Ba ngồi phịch xuống. _ Ấy chớ… chớ ở lại… Người ta đang đợi ông lấy nước rửa chân cơ mà! …. Hai người cãi vả nhau, chẳng ai chịu nhún. Cuối cùng ba hầm hầm quăng lại một câu: _ Cái nhà này thật không còn ở lại được nữa. Tôi nghĩ đi là hơn! _ Phải rồi, ông không đi, lát nữa người ta lại chả tìm đến tận nhà? - Mẹ nói câu nào cũng có gai có góc. Nhưng khi ba vừa bỏ đi, sập cửa lại thì mẹ lại gào khóc ầm ĩ. Lưu Hạ biết mẹ vẫn còn tình cảm với ba. Qua ánh mắt mẹ nhìn ba lúc nãy ở hiệu cà phê, Lưu Hạ nhận biết được ngay. _ Mẹ, mẹ vẫn còn yêu ba phải không? _ Bậy nào, mẹ căm ghét ông ấy, căm ghét! Lưu Hạ ra vẻ người từng trải, chỉ vào đôi mắt to long lanh của mình: _ Mẹ, mẹ không đánh lừa nổi đôi mắt này đâu! Mẹ kín đáo liếc nhìn mắt Lưu Hạ. Bà mất cả tự nhiên như bị con gái nhìn thấu nỗi lòng thầm kín của mình. _ Ba con muốn ly hôn từ lâu rồi, để lấy cái con ấy đấy. Mẹ không khi nào chịu ly hôn để cho họ đươc dễ dàng như thế. Cứ kéo dài đến tám năm mười năm, kéo dài đến già mới thôi. _ Mẹ ơi, như thế có ý nghĩa gì chăng? _ Mẹ não lòng lắm chứ, con ơi! _ Não lòng? Thế là thế nào hả mẹ? - Mẹ dùng một từ mới khiến Lưu Hạ không hiểu. _ Nghĩa là vừa hối hận vừa căm tức. Vớ phải người đàn ông không ra gì còn khổ hơn cả ngồi tù, đúng là tự sát mãn tính, chết dần chết mòn. Mẹ nhìn thấu ruột gan ông ta. Mẹ nói mẹ nhìn thấu ba song thật ra mẹ chẳng hiểu gì ba cả. Mẹ chỉ biết chồng thay lòng đổi dạ song không hiểu chút gì về việc tại sao ông lại thay đổi. Yêu một người mà mình hoàn toàn chẳng hiểu gì cả thì đúng là bi kịch của phụ nữ. Lưu Hạ nghĩ nếu mình là ba, mình cũng sẽ chọn Nhậm Na mà không phải là mẹ. Ý nghĩ này đương nhiên không thể nói cho mẹ biết, nếu không sẽ khiến mẹ chết ngất. Lưu Hạ nghĩ một lát rồi nói: _ Mẹ ạ, mẹ cũng phải cạnh tranh với Nhậm Na để giành lại ba. _ Có mà thần kinh! Mẹ mà lại cạnh tranh với con hồ li tinh đó à? Nghĩ gì mà hay ho thế? BẠN NAM LÀ NỬA BẦU TRỜI _ Vương Tiếu Thiên, nhìn hình tam giác kia kìa! – Lưu Hạ chỉ vào một biển giao thông màu vàng, trên đó vẽ hình tam giác bằng ba đường đen đậm rất bắt mắt - Thầy giáo bảo hình tam giác là cố định nhất, không di động được. Mình thì lại thấy hình tam giác không ổn định nhất. Lưu Hạ đã thay ba xin Nhậm Na cho vắng một tuần song chỉ sau mấy giờ tối qua thôi, ba đã trở lại cơ quan. Bao nhiêu cố gắng tiêu tan trong một chốc. _ Mình thật chẳng biết làm thế nào! – Lưu Hạ dừng chân, nhìn Tiếu Thiên, ánh mắt đầy niềm tin cậy và hy vọng. Gia đình xảy ra chuyện như vậy, Lưu Hạ rất mong có một người bạn thân để thổ lộ tâm tình, để cho mình trí tuệ và sức mạnh. Nhưng tâm tình với bạn gái thì như người ta nói, là hai con ếch ngồi đáy giếng nhìn trời, con nào cũng thấy trời to như nhau. Chỉ có tâm tình với bạn trai mới được gợi ý nhiều hơn, mới được tăng thêm sức mạnh. Bạn nam là một nửa bầu trời. Lưu Hạ cho rằng chỉ Vương Tiếu Thiên là hiểu mình, cho nên hôm nay tìm cho được Vương Tiếu Thiên và kể hết cho bạn nghe. Hồi học phổ thông cơ sở, Lưu Hạ và Vương Tiếu Thiên học cùng trường, cùng lớp. Lúc ấy Lưu Hạ chỉ là tổ trưởng song rất nghiêm túc, có trách nhiệm trong công việc. Các bạn nam trong lớp đều giễu cợt bạn, Vương Tiếu Thiên cũng không ngoại lệ. Nhưng từ khi cả lớp truyền nhau đọc một tờ Bạn đọc, thì sau đó không còn ai giễu cợt Lưu Hạ nữa, bởi trên tờ Bạn đọc ấy có bài Thuở bắt đầu yêu, viết rằng: “Khi một cậu con trai thích một cô con gái, thường bắt đầu bằng cách trêu chọc cô bé…”. Để khỏi bị nghi là “yêu thầm”, các bạn nam trong lớp nghiêm chỉnh hẳn. Vương Tiếu Thiên cũng tự hỏi, phải chăng mình thích Lưu Hạ? Sau năm thứ hai phổ thông trung học, buổi trưa sau kỳ thi giữa học kỳ, Vương Tiếu Thiên đã tới nhà để xe mới biết chìa khóa xe bỏ quên trên lớp, bèn quay trở lại lớp. Tới ngoài lớp học, nghe thấy trong lớp có tiếng khóc nức nở, thì ra Lưu Hạ đang đứng trước bảng đỏ trắng ghi thành tích làm bài thi giữa học kỳ mà khóc sướt mướt. Nếu như mọi khi, Tiếu Thiên sẽ trêu Lưu Hạ một mẻ, bởi bạn nay tự phụ, kiêu ngạo quá lắm. Chỉ nói một việc nhìn người, cách nhìn của Lưu Hạ khiến người ta không chịu nối, bao giờ cũng nhìn suốt từ trên xuống dưới, mà lại chỉ liếc xéo. Nhưng bây giờ Lưu Hạ đang khóc, mà Tiếu Thiên sợ nhất là nước mắt của con gái. _ Này, bạn làm sao thế? Thấy Tiếu Thiên, Lưu Hạ khóc càng thảm thiết. Tiếu Thiên hoảng lên, tưởng vì mình nên bạn khóc bèn van: _ Mình có làm điều gì sai đâu, mình chẳng làm gì bạn cả mà… Mình lạy bạn đấy, đừng khóc nữa! _ Chẳng liên can gì đến bạn đâu. Lần này thi Hình, mình không đủ điểm, tên bị ghi vào bảng trắng. Nếu mẹ biết, mình sẽ bị mắng. _ Ôi, tưởng là việc gì! - Tiếu Thiên nhẹ hẳn ngươi, cố làm ra vẻ hiểu biết – Tam Mao (Nhà văn Đài Loan) nói, bậc thượng trí chưa từng thất bại tuy không phải rơi nước mắt, song đồng thời cũng mất đi niềm vui, niềm an ủi có dịp được đền bù. Giọng điệu của Tiếu Thiên khiến Lưu Hạ bật cười: _ Câu ấy đâu phải của Tam Mao mà là của Tịch Mộ Dung (Nhà văn Đài Loan). _ Mình biết là của Tịch Mộ Dung nhưng cố ý nói sai cho bạn buồn cười. Lưu Hạ rất cảm động, bèn lại thở dài: _ Ngày thường mình luôn cảm thấy chẳng có ai bằng mình. Bây giờ thì hay rồi, người ta có cớ để chế giễu rồi! Tiếu Thiên đoán chữ “người ta” của Lưu Hạ bao gồm cả mình nên đáp không được tự nhiên: _ Không sao đâu! _ Bạn thì hay rồi, Hình rất siêu, những 9,5 điểm. Tiếu Thiên giật mình, không ngờ Lưu Hạ chú ý đến mình như thế; nếu không, sao biết mình được 9,5 điểm. Tiếu Thiên vui ra mặt: _ Còn bạn lại siêu về môn Anh văn, số một trong số nữ sinh! Vừa nói xong, tự thấy lâu nay mình luôn chú ý đến Lưu Hạ nên Tiếu Thiên cảm thấy hơi ngượng. Lưu Hạ cũng cười e thẹn: _ Mình có thể giúp bạn học thêm môn Anh văn. _ Thế thì mình cũng giúp bạn môn Hình! Nói xong, cả hai đều cười. _ Chao, lần này không biết làm sao cho thoát đây! Đành chuẩn bị nghe chửi vậy! – Lưu Hạ nhìn lên bảng trắng, tiu nghỉu nói. Tức thì Tiếu Thiên giơ tay giật bảng trắng xuống xé tan. Vì chuyện xé bảng này, Tiếu Thiên bị thầy quở trách một trận. Vừa được tha khỏi văn phòng, thấy Lưu Hạ đứng ở đầu hành lang đằng kia đợi mình, Tiếu Thiên thấy hởi lòng hởi dạ. _ Tiếu Thiên! – Lưu Hạ bỏ không gọi họ, khiến Tiếu Thiên phát ngượng - Thầy mắng bạn chứ gì? Tại mình làm hại bạn! Tiếu Thiên nghĩ thầm: “Chỉ cần biết tôi vì bạn là được rồi”. Cậu ta làm ra vẻ không hề gì, hai tay đút túi quần, ra dáng “anh hùng cứu người đẹp”. _ Chuyện vặt! Lưu Hạ cười, Tiếu Thiên cũng khoái chí gãi gáy. Lúc ấy, Tiếu Thiên thấy Cảnh Kiệt dừng xe đứng đợi ở cổng trường. Cảnh Kiệt học lớp Mười một, chấp hành Hội học sinh, thường tìm gặp Lưu Hạ, lại còn làm một tập thơ lấy đề Có người con gái như thế tặng cho Lưu Hạ. Song đấy chỉ là “nghe nói” thôi, đích xác có hay không, chưa ai có chứng cớ cả. Còn Cảnh Kiệt thì hay đợi Lưu Hạ ở cổng trường thật, rồi cùng về với Lưu Hạ. Nhìn thấy Cảnh Kiệt là Tiếu Thiên không vui, bảo với giọng cay cú: _ Người ta đang chờ bạn kia kìa! _ Chỉ được cái… Lưu Hạ bực mình trừng mắt với Tiếu Thiên. Tiếu Thiên cố ý nheo mắt, nhệch mồm sang một bên. Điệu bộ đó dứt khoát bắt chước diễn viên Xtalong trong một cảnh trên phim. Một lúc sau Lưu Hạ mới nguôi tức: _ Bọn mình có gì đâu, chỉ cùng trong đội hợp xướng, thường cùng nhau tập luyện mà thôi. Có khi cùng về thì đều do Cảnh Kiệt đến tìm rủ về. Có vậy thôi, nói hết cả rồi đấy! Tiếu Thiên ngẩn người. Lưu Hạ “nói hết cả” cái gì? Bất giác Tiếu Thiên thuận miệng nói: _ Chuyện ấy có liên can gì đến mình? _ Phải… phải… thì có liên can gì đến bạn? – Lưu Hạ lầm bầm nói rồi quay quắt người chạy đi. Nhìn theo bóng Lưu Hạ xa dần, trong lòng Tiếu Thiên dây lên một chút gì đó khó tả. Chạy tới cổng trường, Lưu Hạ chẳng thèm ngó Cảnh Kiệt mà chạy theo một hướng khác. _ Mình ngu thật! - Tiếu Thiên tự xỉ vả. Đôi bạn này là như thế, chẳng khác gì trò chơi vợ chồng của trẻ con. Lúc nào cũng giân dỗi rồi lại làm lành. Bạn cùng lớp đồn thổi mới ghê, nhất là những bạn nam thích Lưu Hạ và những bạn gái có cảm tình với Tiếu Thiên. Không hiểu xuất phát từ tâm lí gì song họ luôn thích nói chuyện về hai người đó. Có điều, hai bạn này quả cũng “ấy” lắm cơ. Chẳng hạn khi đấu bóng rổ, nếu có Lưu Hạ tới xem thì Vương Tiếu Thiên ắt một mình dắt bóng đột phá ném rổ, quyết không chịu chuyền bóng cho người bên cạnh. Cả đến thầy giáo có khi cũng bông đùa về quan hệ giữa họ. Một lần, thầy Bạch dạy tiếng Anh khi tan lớp gọi: _ Vương Tiếu Thiên, “lưu hạ”, đến văn phòng thầy một lát nhé! Tiếu Thiên cùng Lưu Hạ đến gặp thầy thì thầy bảo: _ Lưu Hạ, em đến đây làm gì? _ Thầy chẳng gọi em là gì? – Lưu Hạ hỏi lại. Thầy Bạch mới nói: _ Thầy bảo Tiếu Thiên ở lại (Lưu Hạ) chứ có gọi em đâu! Hai em không rời nhau nửa bước thế kia à? Nói xong thầy cười khanh khách khiến cả hai bạn đỏ mặt tía tai. RỐT CUỘC MẤY AI ĐÃ HIỂU ĐƯỢC TÌNH YÊU! _ Bạn bảo mình sau này phải làm thế nào? – Lưu Hạ hỏi Tiếu Thiên. Cả hai không sao đi cạnh nhau được. Đây là phố cổ, người đi chơi đông như dệt cửi. Lúc nào cũng có những “tiên phong đường phố” chen bật họ ra, khiến họ phải gọi nhau rồi ra sức chen lấn người khác để tìm cách đi bên nhau. _ Bạn muốn nghe ý kiến mình thật à? – Vương Tiếu Thiên đắc ý lắm. Nhìn thấy vẻ mặt cầu khẩn chân thành của Lưu Hạ, Tiếu Thiên cảm thấy tự hào. Con trai bao giờ cũng muốn được con gái sùng bái. Sang đến phố buôn bán, đường phố tĩnh mịch hơn nhiều. _ Mình cảm thấy cha mẹ bạn tốt nhất là ly hôn. Câu này khiến Lưu Hạ giật nảy người: _ Tại sao? _ Bạn nghe mình nói hết đã. Có người đã tổng kết: “Có ba trăm cách tự sát, một trong những cách đó là gắn bó với nhà nghệ thuật”. Không ít nhà nghệ thuật, như Béttoven chẳng hạn, kết cục hôn nhân của họ đều rất bất hạnh. Người làm nghệ thuật thường có tính tình mà người khác không sao tiếp nhận nổi… _ Còn mẹ mình thì sao? – Lưu Hạ bình tĩnh hỏi. _ Mẹ bạn thì đúng là nhân vật điển hình tầng lớp tiểu thị dân như trong phim truyền hình. Họ luôn cảm thấy chồng thay đổi song bản thân lại không chịu đọc sách báo, suốt ngày chỉ so đo tính toán những chuyện vặt vãnh nhỏ bằng móng tay. _ Thế còn mình, mình thì thế nào? – Lưu Hạ vẫn thản nhiên hỏi. _ Bạn ấy à? Vui buồn thất thường quá. Có lúc đang yên lành bỗng đột nhiên “nhiều mây”, hơn nữa có lúc quá đồng bóng, chỉ thích người ta theo ý mình, lại còn… _ Vương Tiếu Thiên! – Lưu Hạ bực tức - Bạn lôi người trong nhà tôi ra, quất cho mỗi người năm chục hèo, phải chăng bạn cho là mình giỏi giang, khả năng quan sát giỏi, phân tích rất chính xác…? _ Đấy đấy, bạn xem mình đã nói gì đâu, lại giận dỗi rồi! Sao bạn không chịu nghe ý kiến quần chúng thế? Chẳng qua mình cũng chỉ bình luận khách quan thôi. Lưu Hạ không nói gì. Vương Tiếu Thiên nói tiếp: _ Cha mẹ bạn chẳng những bất hòa về tình cảm, càng không phải chỉ vì có cái cô Nhậm Na kia, mà chủ yếu hai người không cùng kênh. Cứ giằng co như thế mãi, chẳng phải là chịu tội chịu nợ hay sao? _ Trước đây ba mẹ mình sống hòa thuận lắm, lại còn trên cơ sở yêu nhau nữa! _ Thì cho là hai người trước kia yêu nhau, bây giờ không yêu nữa chứ gì? Lưu Hạ ngạc nhiên, thầm nghĩ: “Lẽ nào yêu một người không phải là việc suốt đời hay sao?”. Song bạn không nói điều đó với Tiếu Thiên. _ Nếu cha mẹ mình đã đến nước ấy thì mình không phản đối họ li dị. Người Trung Quốc là như vậy, sống chết gì cũng bám lấy nhau, sống như vậy mệt lắm. Li dị rồi sống còn hạnh phúc hơn. _ Bạn thật sự nhận định như vậy à? _ Thật đấy! Lưu Hạ không nói gì nữa. Trước đây bạn cảm thấy mình rất hiểu tình yêu, hôm nay mới phát hiện bản thân chẳng hiểu gì cả. Tình yêu thật sự là thế nào? Rốt cuộc mấy ai đã hiểu được tình yêu? Tiếu Thiên nhìn lên trời bảo Lưu Hạ: _ Bạn nhìn hai đám mây kia, một lát sau chúng sẽ như thế nào? _ Sẽ nhập thành một đám mây lớn? _ Không đâu! - Tiếu Thiên lắc đầu – Chúng là những đám mây không cùng cung bậc, không thể nhập thành một được. Dù có chạm vào nhau, trở thành một đám mây lớn song thực tế chỉ là sự xếp chồng lên nhau, và ở giữa vẫn có khoảng cách, cuối cùng rồi chúng sẽ tách ra, ai đi đường nấy. Tiếu Thiên nói rất nghiêm trang như người lớn song vẻ mặt vẫn để lộ nét ấu trĩ còn vương lại. Quả nhiên, một lúc sau, hai đám mây chạm vào nhau, trở thành một đám mây lớn, sau đó tách ra, trở lại thành hai đám mây nhỏ và trôi về hai phía. _ Nhìn thấy chưa? Chúng trở lại thành hai đám mây con rồi! Tuy hình dạng và độ lớn nhỏ không còn nguyên như trước song rốt cuộc cũng đã tách rời nhau bởi vì chúng không cùng một kênh. Nhìn mây, không hiểu sao Lưu Hạ liên tưởng đến chuyện của mình. Tiếu Thiên và mình có cùng kênh không? Hay phải chăng chỉ là hai đám mây nhỏ ngẫu nhiên gặp nhau? Hồi lớp Tám, cả hai cùng muốn biết người kia thi vào trường trung học phổ thông cấp Ba nào. Lưu Hạ hỏi: _ Bạn thi vào trường nào? Tiểu Thiên chỉ sợ hai người không thi vào cùng một trường nên hỏi lại: _ Còn bạn? _ Ba mình muốn mình thi vào trường trung học Số Chín. _ Hay quá, mình cũng định thi vào trường đó. Lưu Hạ vui hẳn lên: _ Mình chỉ sợ bạn không thi vào trường đó. _ Mình cũng sợ bạn không thi vào đ1ầy Cả hai cùng cười, cùng đỏ mặt và cùng cảm thấy sung sướng khác thường. Ngay sau đó là ngày ngày đêm đêm ôn tập bài vở đến mù trời tối đất. Cả hai cùng lo, lo cho mình, lo cho bạn, bộ nhỡ một trong hai đứa không đỗ vào trường trung học Số Chín thì làm thế nào? Nhất định phải thi đỗ - hai người cùng suy nghĩ như thế. Trải qua ba ngày cực nhọc, hai bạn nhìn nhau cười, cười mà còn lo. Tới ngày yết bảng, hai bạn cầm tờ thông báo gọi học của trường trung học Số Chín, cùng sốt ruột tìm đến nhà nhau và cùng gặp nhau ở giữa đường. Vương Tiếu Thiên mừng hơn cả, bạn không cần nhờ ba giúp đỡ mà tự mình thi đỗ. Cũng như hôm nay, đôi bạn đi dạo rất lâu, nói rất nhiều, cười rất thoải mái. Học trò nam nữ ở bên nhau là thấy vui, là có chuyện để nói. Trước các nữ sinh, nam sinh mới đúng là nam sinh; cũng chỉ có trước mặt các bạn nam, nữ sinh mới đúng là nữ sinh. Người khác bảo họ “yêu” nhau, là “một đôi hạnh phúc”, song Lưu Hạ không tự trả lời được phải chăng mình đã “yêu” Tiếu Thiên. Tiêu chuẩn của “yêu” là thế nào nhỉ? Có điều bạn biết Tiếu Thiên thích mình; mặc dù bạn ấy không nói ra song Lưu Hạ biết và biết chắc. Lưu Hạ cũng thích Tiếu Thiên và bạn cũng chưa ngỏ ý bao giờ. Có điều, bạn tin rằng Tiếu Thiên cũng biết. Như thế đấy, hai đám mây nay có cùng đường chăng? Sau này còn thi đại học. Nếu một người đỗ, một người trượt thì làm sao đây? Lại còn công tác nữa, công tác cũng có thể khiến họ phải xa nhau. Lại còn bao nhiêu “khả năng” đếm không xuể nữa, làm sao đây? Cứ kể như hai đám mây cùng đường nhưng trong điều kiện xấu mưa to gió lớn thì khi bầu trời vạn dặm đã tạnh nắng với thời tiết tốt, hai đám mây ấy có đi bên nhau mãi mãi được không? Cha mẹ bất hạnh về hôn nhân tác động mạnh mẽ đến Lưu Hạ. Bài học ấy đắt giá lắm, bạn không nên hứa hẹn gì quá sớm, vả hầu như đó cũng là điều không thể. Bạn thà giữ lấy sự thuần nhất, chân thành, tốt đẹp như hiện nay. Đứa con nào cũng có thể rút ra bài học từ cuộc sống hôn nhân của cha mẹ, nhất là từ những cuộc hôn nhân bất hạnh. Tình cảm giữa bạn và Tiếu Thiên sau này có thể có kết cục tốt, cũng có thể giữa chừng đường ai nấy đi. Có lẽ bây giờ đây hai người chẳng ai hứa hẹn được gì với nhau, nói trước, chịu trách nhiệm được gì với nhau, đúng như lời bài hát Đừng ngại đau lòng mà ca sĩ Trương Tín Triết hát: Không bao giờ dám hứa gì cho nhau, Và biết chúng ta còn xanh mái đầu Bây giờ hãy trân trọng, nâng niu. Ấy là điều quý nhất mai sau. Lưu Hạ ngẩn người ra nghĩ ngợi, Tiếu Thiên liền giúi cho một cái: _ Này nghĩ gì thế? _ Mình là một làn mây! Tiếu Thiên cười lớn: _ Chà, bạn đọc Quỳnh Dao dữ lắm phải không? Ngộ độc rồi! Lưu Hạ thở dài: _ Sớm biết như thế này, cha mẹ mình đừng lấy nhau, càng không nên có mình! Lúc này dù Lưu Hạ còn chưa thể hoàn toàn đồng ý và tiếp thu quan điểm của Vương Tiếu Thiên song cũng đã cảm thấy ý kiến của Tiếu Thiên ít nhiều có điều hợp lý. _ Nhưng hai người li dị thì mình ra sao? – Lưu Hạ phát hiện ra một vấn đề khó giải quyết – mình sẽ ở với ai đây? _ Đúng rồi, điều này thì… thì mình cũng chưa biết - Tiếu Thiên cũng bối rối. Hai người đang trò chuyện vui buồn thì Lưu Hạ tinh mắt, phát hiện một người đang đi tới: _ Nguy rồi, thầy Giang kia kìa! Tiếu Thiên cũng trông thấy thầy Giang cách đó không xa đang đi tới. Hai bạn vội vàng tách nhau ra như là hai người không quen biết nhau. Lúc này thầy Giang đã nhìn thấy hai cô cậu học trò lớp mình. Học trò đã tránh mặt thì ông cũng giả vờ không nhìn thấy, nhân người đông ông chen vào giữa mà đi. Gặp những trường hợp như thế này, trò đã ngượng mà thầy cũng không tiện ra mặt.