Suốt cả kỳ nghỉ đông không gặp nhau giờ đây được quây quần, đám học sinh thấy thật thân thiết và hữu hảo với nhau. Vừa vào học kỳ mới nên nơi nào cũng bận rộn. Trong phòng giáo vụ, học sinh chạy ra chạy vào hỏi tin tức như nước chảy; trong phòng thông tin, người đặt báo, người lấy thư, làm cho căn phòng nhỏ chặt cứng như nêm cối. Còn ở các phòng học thì hỏi thăm nhau, nói chuyện nghỉ đông vừa rồi thế nào… thật là sôi nổi. Trường trung học Số Chín có quy định là tuần đầu tiên học kỳ mới kiểm tra kiến thức các môn chủ yếu. Rõ ràng việc đó để kiểm tra tình hình ôn bài của học sinh trong kỳ nghỉ. Nghe nói “chiêu” này là học tập từ trường trung học dưới sự bảo trợ của trường đại học Phục Đán ở Thượng Hải. Trước khi kiểm tra, thầy cô các bộ môn đều nhấn mạnh tính quan trọng hàng đầu của môn mình dạy. Ai cũng coi môn của mình là đứng trên các môn khác. Thế là môn nào cũng quan trọng hàng đầu, môn nào cũng phải thi cho tốt. Trong lớp học tuy ầm ĩ nhưng không lộn xộn. Tất cả đều trong trạng thái “mài thương trước khi lâm trận”. _ Thế nào? Có chắc không – Đó thường là những câu hỏi nhau trước khi kiểm tra. _ Không chắc, xem ra lần này căng đây! – Đó thường là những lời cảm thán thống nhất và duy nhất bằng tiếng Quảng Đông. _ Mọi người “do” chút nhé, nhắc nhau với nhé! Xong việc xin mời các bạn đến nhà hàng Mắc Đônan! Đó là thủ đoạn ngoại giao của Dư Phát trước khi thi. _ Trần Minh này. Giống người xuất hiện sớm nhất có phải là người Uyanmou không? Tớ xem báo thấy có nói lại mới phát hiện ra người tiên, so với người Uyanmou sớm hơn hai nghìn năm. Có bạn hỏi: Bây giờ là lúc nào rồi mà còn nghiên cứu điều này? Chỉ cần cho điểm thì viết giống người có sớm nhất là người Thâm Quyến cũng chẳng sao! Cuối cùng rồi thầy giám thị ôm một chồng giấy thi đến. Thầy ôm chứ không kẹp nách. Nhìn tư thế đó đủ biết chí ít mỗi người cũng phải có đến bảy tám trang. Đó gọi là “sách thi” mới đúng, thi cả một quyển sách! Thầy Giám thị rất phóng khoáng, dùng ngón trỏ vẽ lên không trung một hình chữ U ngược mà không nói gì hết. Điều đó có ý nghĩa là: “Cứ theo quy định cũ, tôi không cần nói cáci em cũng đủ hiểu”. Quả nhiên, tất cả học sinh đứng phắt lên, chuyển bàn, hướng dọc bàn về phía bảng đen. Phản ứng đó của các em có nghĩa là: “Thầy không tin người quá lắm”. Thầy giáo giải thích “đề phòng nghi ngờ” kiểu “sửa dép giữa ruộng dưa, nắn mũ dưới cành mận”. Tiếng chuông lần thứ hai vang lên, thầy giáo đưa từng tập giấy thi đã được sắp sẵn cho các tổ. Trong tiếng giở giấy loạt xoạt, có người hít một hơi dài, có người đâm vào giấy thi “Chết là cái chắc!” Trần Minh xếp gọn sáu trang giấy thi từ trang đầu đến trang cuối, liếc qua một lượt, sau đó xếp ngược từ dưới lên trên. Bạn muốn làm từ đề lớn ở sau cùng ngược lên. Thầy giáo không bao giờ đề xướng cách ấy, còn các bạn thì thán phục nhưng không làm theo. Cách ấy đối với Trần Minh có công hiệu đặc biệt, bởi khi làm bài ngược từ đề khó ở dưới lên, Trần Minh cảm thấy tự tin và thỏa mãn. Lâm Hiểu Húc lại đang ra sức bôi dầu Vạn Kim lên huyệt thái dương, đó là thói quen của bạn ấy. Còn Dư Phát cứ vào giờ kiểm tra là mày ngang mắt dọc liếc đông liếc tây, lé mắt nhìn thầy rồi lại ngắm tập giấy thi chờ cơ hội làm bài. Mọi người nói cái cổ của cậu ta có lò xo. Ngòi bút với những tốc độ nhanh chậm khác nhau chạy trên mặt giấy. Tiếng bước chân của thầy coi thi đều đều như nhau. Còn chừng mười lăm phút nữa thì hết giờ, thầy giáo báo: “Ai chưa xong thì mau lên!” Khi ấy lập tức sẽ rối lên. Nhiều người tranh thủ trao đổi với nhau. Tiếng Anh của Liễu Thanh qua lớp nâng cao TOEFL có thể nói là vào loại kém. Qua hơn mấy chục ngày ôn tập, tuy chưa thể so với các bạn lập tức thi TOEFL, nhưng lần kiểm tra tiếng Anh này bạn cũng yên tâm rồi. Nhiều bạn ghét kiểm tra, nhưng Trần Minh ngược lại. Cậu ta cảm thấy chỉ có làm bài thi trả lời các câu hỏi thì mới tìm được chính mình, mới thể hiện đươc bản thân. Mấy môn trước, Dư Phát làm bài đều hỏng hết. Thi đến bài cuối cùng thì càng rối trí, chỉ làm được có một phần tư. Thi xong môn Vật lý là môn cuối cùng, Lâm Hiểu Húc nằm gục xuống bàn khóc. Cô học ngay từ ngày nghỉ đầu tiên, làm bài hết từng quyển vở một, thế mà kết quả vẫn không tiến bộ. Tạ Hân Nhiên vội vàng đến khuyên giải Hiểu Húc, bảo rằng mình làm bài còn kém hơn đến chục lần. Bây giờ Hân Nhiên mới coi như có kinh nghiệm. Có lần kiểm tra Toán, Hân Nhiên được 96 điểm còn Hiểu Húc chỉ được 69 điểm. Thế mà Hiểu Húc giận bạn tới hai tuần không thèm nói chuyện, mãi đến khi kiểm tra Ngữ văn Hiểu Húc được 88 điểm, Hân Nhiên được 83 điểm bạn mới khôi phục “mối bang giao”. Một danh nhân đã nói: Hạnh phúc ở quá trình đấu tranh chứ không phải ở kết quả. Nhưng Lâm Hiểu Húc lại cho rằng chuyện thi cử hoàn toàn không mang ý nghĩa ấy. Dư Phát thì chửi bới tùm lum các môn thi, và nói các thầy không đáng một xu “tất cả đều ra những đề thi như quỉ hủi” đủ biết tâm can độc địa vô cùng. Dư Phát còn bảo ngửi thấy mùi khét của lợn sữa quay như của nhà hàng nhà bạn ở ngay trên người mình, ý nói bạn cũng bị “quay tơi bời”. Đại bộ phận học sinh đều bận rộn lo đáp án: “Chọn đề nào A, C, C, B, D, C, C, D, à?” Người nào cũng tỏ thái độ khiêm tốn, đều hy vọng có được câu trả lời khẳng định. Người làm bài tốt thì chân tay múa may, người làm bài kém thì thở ngắn than dài. Cả một nhóm người đứng vây quanh Trần Minh để hỏi đáp án bài, cứ như là đáp án của mình có nhất trí với đáp án của Trần Minh thì mới hoàn toàn yên tâm. Trần Minh cũng không kề cà: _ Sai rồi, Tất cả các đề phán đoán đều sai hết. Câu nói của cậu ta khiến mọi người nháo nhác. Một bạn hỏi: _ Trần Minh này, câu hai của đề tuyển chọn là C phải không? _ B! _ Hình như thầy giáo cũng nói là C mà? _ Cậu có nghe nhầm không đấy? - Trần Minh hỏi lại, giọng đầy tự tin. Mấy hôm sau là trả bài, xếp thứ tự. Có học sinh thi xong phấn khởi chạy lên phòng thầy nghe ngóng điểm, hoặc xem thầy chấm bài. Có bạn thì ngược lại. Trần Minh thuộc lớp người sau. Lưu Hạ rất thích hỏi điểm, bạn vừa từ văn phòng về là vội vàng thông báo tin tức ngay. _ Tiêu Dao, tiếng Anh bạn cao nhất, 98 điểm; Trần Minh 94 điểm.. Hân Nhiên nói: _ Tiêu Dao này, sao bạn giỏi thế? Chơi dài suốt cả mùa đông thế mà điểm cao vậy. Tiêu Dao chỉ cười. Bạn vừa chơi vừa học bài chứ có lơ là bao giờ đâu! Lưu Hạ chỉ nhìn điểm các bạn một lần là nhớ ngay, ai hơn ai kém đều nhớ được hết. Cứ nói từng người một. Ai điểm cao thì xướng to, ai ít điểm hơn ghé vào tai nói nhỏ cho người ấy biết. Lưu Hạ rất thích làm việc này, dù làm bài tốt hay kém bạn đều chạy lên văn phòng. Hơn nữa bạn cũng không kiêng nói cho các bạn biết điểm của mình, dù là 59 hay 95 điểm, chỉ cần có người hỏi, Lưu Hạ liền đáp đúng sự thật. Lưu Hạ bước đến trước bàn Vương Tiếu Thiên: _ Bạn 59 điểm. Dư Phát nói: _ Ha ha, cậu cũng không đủ trung bình, tớ lại thêm được một người bạn cùng chung hoạn nạn. Vương Tiếu Thiên đáp: _ Sao cậu lại như thế, cứ thấy ai làm bài kém thì mừng, thế mà là cùng tật với mình sao được? _ Các bạn thì lòng vả lòng sung như nhau cả thôi! – Lưu Hạ chen ngay một câu. _ Chỉ thiếu có một điểm, ức thật! - Tiếu Thiên hất đầu lên - thầy cũng sẻn so quá, cho mình đủ điểm trung bình có phải xong không? _ Đúng vậy, mình cũng nói như thế. Thế là mình nói với thầy giáo Anh văn, thầy cho thêm một điểm rồi. Đủ trung bình rồi nhé! Tiếu Thiên vừa nghe thấy thế liền nổi giận. Bạn ghét nhất khi bị người khác quyết định thay mình. Mất thể diện quá lắm! Bạn trợn mắt lên nhưng Lưu Hạ vẫn còn đang đắc ý tự cho mình là một công thần. Nếu không có mặt các bạn đứng quanh, Tiếu Thiên đã mắng cho Lưu Hạ mấy câu! Điểm thi và danh sách xếp hạng đã được công bố! Trần Minh đứng thứ nhất một cách dễ dàng, chẳng khác nào Tiều Cái trong một trăm linh tám anh hùng Thủy hử, ngồi chễm chệ trên ghế cao nhất. Bạn chẳng những đứng thứ nhất trong lớp mà còn đứng đầu cả khối lớp Mười. Lâm Hiểu Húc quay lại nhìn Trần Minh với ánh mắt kính phục, ánh mắt ấy gặp ánh mắt Trần Minh khiến Trần Minh nở nang khúc ruột. Lâm Hiểu Húc nói: _ Mình cứ tưởng điểm vật lý không đủ trung bình, hóa ra cũng khá đấy chứ? _ Thế thì những “hạt châu” của cậu thánh thót rơi uổng rồi! – Hân Nhiên đùa. _ Còn cậu? Bảo làm bài kém hơn tớ mà lại đứng thứ ba! Lúc này Dư Phát đến bên Trần Minh: _ Trần Minh, tớ thử trí thông minh của cậu nhé! Xong đại học Thâm Quyến cần bao nhiêu thời gian? _ Bốn năm theo khoa mình chọn, hai năm chuyên khoa nữa! – Trần Minh nghiêm chỉnh trả lời. _ Sai rồi! Chỉ cần một giây! Xem đây này: Đại học Thâm Quyến! Một giây chẳng đọc xong là gì? Mọi người cùng cười, Trần Minh cũng cười, nhưng hoàn toàn là cười nhạo! Lưu Hạ lại tươi cười đến trước bàn Tiếu Thiên: _ May mà mình xin được cho bạn một điểm thành thử bạn lên được hai bậc khi xếp thứ tự danh sách! Lại còn khoe nữa à? Đốm lửa trở thành ngọn lửa! Tiếu Thiên thấy cần phải cho Lưu Hạ một cú thì tâm lý mới thăng bằng được, bèn ra vẻ bí mật hỏi: _ Ba mẹ bạn đã làm xong thủ tục ly hôn chưa đấy? AI BIẾT SINH NHẬT CỦA MẸ LÀ NGÀY NÀO. Cảnh đêm ở Thâm Quyến thật đẹp, chỗ nào cũng ánh đèn lấp lánh. Xe chạy tới cũng vội mà chạy đi cũng rất nhanh. Lưu Hạ đứng vững ở đầu đường, chẳng biết tính sao. Cuối cùng thì ba mẹ cũng ly dị nhau rồi. Hôm ấy ba đi trước, mẹ đi sau, Lưu Hạ đi giữa. Ba muốn Lưu Hạ theo mình, mẹ cũng đòi như thế. Cuối cùng ba mẹ bảo: _ Vậy thì con chọn đi! Chọn ư? Chọn là thế nào? Là chọn một người bỏ một người trong hai người mà mình yêu quý nhất đời sao? _ Ba mẹ! Mẹ ba! – Lưu Hạ gọi thầm trong lòng. Bạn cần cả ba lẫn mẹ, vậy thì chỉ có thể quyết định chia ra để ở cả hai nơi. Một chiếc xe đạp từ phía sau tiến tới: _ Bạn về nhà đấy à? _ Ừ… về nhà! – Lưu Hạ buột miệng nói. Xe đạp đi rồi, Lưu Hạ mới kịp có phản ứng nói chữa – à không, không về nhà! Đâu là nhà? Lưu Hạ tự hỏi? Nhà thì thế nào? Chỉ là một “công ty hợp doanh” như ba nói chăng? Bất giác bạn nhớ tới lời một bài hát: “tôi muốn có nhà, một nơi không cần rộng lắm để khi cô đơn đau đớn có thể về nhà”. Nhìn cảnh đêm muôn màu rực rỡ, Lưu Hạ biết không thể do dự được nữa. Hôm nay sẽ đến nhà ai đây? Xem ý trời thế nào đã! Bây giờ là đầu xuân, Thâm Quyến không lạnh lắm, rất nhiều người vẫn mặc váy. Nếu từ đây đi đến ngã tư đường trước mặt gặp người mặc váy là số chẵn thì rẽ sang phía tây đến với mẹ; nếu là số lẻ thì tới nhà ba ở đằng đông. _ Hai sáu, hai bảy, hai tám, hai chín… Lưu Hạ nhẩm đếm. Ồ, phải đến nhà ba rồi! Đang định quay người thì một cô gái xinh đẹp từ đằng trước đi tới, đó là Nhậm Na. Cô kéo tay Lưu Hạ: _ Về nhà đi! Cô đến đón con đây! Lưu Hạ thấy lòng ấm áp hẳn. Đang định đi cùng cô ấy bỗng chợt nhìn thấy Nhậm Na hôm nay mặc váy dài mầu nâu sẫm. Thêm chiếc váy này nữa là đúng ba mươi, là số chẵn, phải về nhà mẹ thôi! Ý trời mà! _ Xin lỗi cô, hôm nay cháu về với mẹ! – Nói xong Lưu Hạ bỏ đi luôn như trốn chạy. Sắp đến ngày sinh nhật của Lưu Hạ rồi. Bây giờ học sinh trung học chuộng tổ chức mừng sinh nhật lắm, phổ biến nhất là tới ngày thì ghép đôi, trao tặng phẩm v.v… Sinh nhật của Lưu Hạ lần này là lần thứ mười sáu, tuổi hoa đến rồi! Lưu Hạ muốn tổ chức mừng chu đáo một chút, mời một số bạn tới nhà dự tiệc liên hoan. Bạn nói với mẹ chuyện đó, mẹ không đồng ý, bảo làm thế tẻ nhạt. Sau đó mẹ bắt đầu kể lể, nào lúc nhỏ mẹ đã sớm hiểu biết, hiểu lòng cha mẹ trong nom anh em ra sao v.v… Lưu Hạ rất không vui, phụng phịu liền mấy ngày. Sau mấy hôm, mẹ lại chủ động nhắc tới chuyện đó, rằng bà đã hỏi thăm, ai cũng bảo học sinh trung học bây giờ thích tổ chức sinh nhật. Nếu ai cũng làm thế thì sinh nhật của Lưu Hạ nhà mình cũng làm như thế. Mẹ bảo ngày mai Lưu Hạ mời các bạn, bà cũng sẽ có quà mừng cho bạn. Cả bà ngoại cũng đến. Lưu Hạ mừng quýnh đã tiu nghỉu liền. Cuối cùng mẹ đã đồng ý cho Lưu Hạ tổ chức Party sinh nhật, Lưu Hạ đang định hô “Ura” thì mẹ lại bảo cả bà ngoại cũng đến! Không phải Lưu Hạ không muốn bà tới mà chỉ vì muốn cùng các bạn vui vẻ chúc mừng ngày này. Các bạn đến mà có mặt cả người trong gia đình, cảnh tượng đó ra sao là đủ biết trước rồi. Mẹ vẫn mỉm cười nhìn Lưu Hạ. Cuối cùng Lưu Hạ đành ấp úng. _ Bạn lớp con mừng sinh nhật… chỉ có các bạn đến dự thôi… người nhà đều tránh đi cả. Mẹ ngẩn người, nét cười đông cứng trên mặt, mắt xa vắng. Lưu Hạ cũng thấy lòng nao nao. Nhưng rồi mẹ cũng nói: _ Mẹ và bà ngoại sẽ dự sinh nhật con muộn hơn một chút vậy. Lưu Hạ cười gượng gạo. Ngày tám tháng Ba là ngày Quốc tế phụ nữ. Những nữ sinh đều không thích ngày này. Nếu bạn nam nào ngớ ngẩn lại nói với bạn nữ: “Hôm nay là ngày lễ của bạn đấy nhỉ!” thì bạn nữ kia sẽ phản ứng lại ngay. Có điều đấy lại thật sự là ngày lễ của Lưu Hạ vì bạn ra đời vào ngày này. Hân Nhiên và Hiểu Húc chung nhau tặng Lưu Hạ một con búp bê lông xù. Vương Tiếu Thiên cũng có tặng phẩm. Hôm ấy, sau khi chọc Lưu Hạ một câu, Tiếu Thiên cũng thấy hối. Còn Lưu Hạ mấy ngày liền không đếm xỉa gì đến Tiếu Thiên. Tan học, Tiếu Thiên không về cùng Tiêu Dao mà đạp xe đuổi theo Lưu Hạ: _ Lưu Hạ, hôm nay là ngày sinh nhật bạn, mình có tặng phẩm mừng bạn đây. Lưu Hạ cố ý làm ra vẻ không quen biết nhìn hồi lâu: _ Bạn là ai thế nhỉ? Mình có quen biết bạn đâu! Tiếu Thiên cười dở mếu dở, tặng phẩm trong tay trao cho không được, rụt về không xong: _ Mình biết, hôm ấy mình nói lầm, thực ra… _ Bạn đâu có lầm, bạn cố ý thì có – Lưu Hạ cắt ngang, hầm hầm nhìn - Chuyện ấy mình có kể cho ai đâu, chỉ kể cho mỗi mình bạn, thế mà bạn lại cố ý làm bẽ mặt mình. Nói xong, Lưu Hạ bực bội bỏ đi. Tiếu Thiên đuổi theo: _ Ừ ừ, mình sai rồi, mình nói “xin lỗi bạn!” đã được chưa? Lưu Hạ không nói gì, chân cứ bước. _ Hôm ấy, bạn xử sự cũng quá đáng. Trước mặt cả lớp mà kể ra là xin hộ cho mình một điểm chẳng khác nào bạn cho mình một điểm vậy. Mình có thèm một vài điểm đâu, cũng không thích người khác tự ý quyết định thay mình, cho nên mới… _ Cho nên mới trả thù chứ gì? _ Đâu phải trả thù. Mình lúc ấy giận quá mà. Việc này mỗi người sai một nửa. _ Mình sai một phần là nhiều nhất, bạn sai chín phần thì có! _ Thế thì mình sai cả mười phần, được chưa nào? Lưu Hạ vẫn phớt lờ, rảo chân bước đi, Tiếu Thiên đã hơi bực mình, nghĩ hôm nay là ngày tám tháng Ba, vừa ngày phụ nữ vừa ngày sinh nhật của Lưu Hạ nên đấu dịu một lần nữa. _ Lưu Hạ, tặng phẩm mình chuẩn bị tặng bạn là một hộp có nhạc, nếu bạn không thích thì mình đành vứt đi vậy. Lưu Hạ không mềm lòng. _ Mình vứt đi thật nhé? Lưu Hạ vẫn bước tiếp. Vương Tiếu Thiên nản quá! Bạn ngồi trên xe, một chân chống đất, đang nghĩ xem đuổi theo hay là thôi. Chợt một câu nói của Lưu Hạ đang cắm đầu đi đằng trước thoảng tới: _ Nếu ai đó mời Lưu Hạ này một chầu ra trò thì Lưu Hạ sẽ tha thứ! Tiếu Thiên mừng quá đạp xe vút tới bên Lưu Hạ: _ Nhưng mà mình không đủ money. _ Thế thì làm cái bánh Hăm bơgo vậy. _ Lên xe đi! Lưu Hạ nhảy phắt lên đằng sau xe ngồi vắt vẻo, rõ ràng công phu ấy không phải một sớm một chiều là thạo được. Buổi chiều, Lưu Hạ đang định mời các bạn đến nhà mình thì thầy Giang cùng đi với một số người nữa vào lớp. Thầy giới thiệu: _ Các đồng chí này được ủy ban giáo dục toàn quốc cử đến để làm một cuộc điều tra. Một người trong số họ nói: _ Mong các em giúp đỡ chúng tôi làm tốt cuộc điều tra này. Các em hãy điền ngày sinh nhật của mẹ vào tờ giấy này. Tờ giấy được phát đến tay từng người. _ Mẹ cậu sinh ngày nào? _ Tớ không biết. _ Tớ cũng chẳng nhớ. _ Có ai để ý nhớ xem mẹ sinh ngày nào đâu! Rất nhiều học sinh bối rối. Cả lớp chỉ có hai người biết được ngày sinh của mẹ. Nhân viên điều tra lắc đầu than thở. Thầy Giang nói: _ Trong số các em có lẽ không ai không nhớ ngày sinh nhật của mình nhỉ? Nhưng lại rất ít người nhớ được ngày sinh của mẹ mình. Phải nhớ rằng ngày sinh ra các em là ngày mẹ các em chịu đựng bao đau đớn. Biết cảm ơn người mẹ đã cho chúng ta cuộc sống, đó mới là ý nghĩa của việc các em tổ chức mừng sinh nhật cho mình! Mắt Lưu Hạ đẫm lệ. MẸ ĐÁNG ĐƯỢC YÊU QUÝ BIẾT MẤY Lưu Hạ quyết định không mời các bạn nữa. Giờ đây bạn chỉ muốn cùng mẹ và bà ngoại chung vui nhân ngày sinh nhật lần thứ mười sáu của mình. Tan học xong là Lưu Hạ vội vã về ngay nhà để ngăn mẹ đừng lánh mặt đi nữa. Khi về tới nhà, nhà vắng hoe. Trên bàn nước bầy chiếc bánh ga tô lớn và một bộ áo liền váy màu trắng. Mẹ đã lánh mặt đi rồi. Lưu Hạ rất buồn, để muốn cho ngày mừng sinh nhật được vui vẻ, bạn đã “đuổi” mẹ ra khỏi nhà. Lúc này mẹ đang ở đâu thế nhỉ? Đến giờ ăn cơm tối rồi, hẳn mẹ đang đói, bởi mẹ không bao giờ chịu một mình đi ăn tiệm, chỉ mong sao mẹ đến nhà bà ngoại… Lưu Hạ chốc chốc lại nhìn đồng hồ đeo tay hoặc nhìn đồng hồ treo trên tường, có cảm giác một ngày dài tựa năm. Khoảng tám giờ, mẹ cùng bà ngoại về nhà. Thấy bánh ga tô vẫn chưa động tới, mẹ rất ngạc nhiên. Khi Lưu Hạ nói cho mẹ biết bạn muốn mẹ và bà ngoại hưởng chung chiếc bánh sinh nhật lần thứ mười sáu thì mắt mẹ đã rân rấn lệ. Song mẹ không muốn để lộ tình cảm thực của mình trước mặt con gái, bà mượn cớ vào bếp hâm lại thức ăn để tránh đi. Lưu Hạ hỏi bà ngoại: _ Bà ơi, khi mẹ sinh cháu hẳn là mẹ cháu đau đớn vất vả lắm nhỉ? _ Sao cháu bỗng dưng lại hỏi chuyện đó? _ À, cháu chỉ muốn biết thôi mà. _ Lưu Hạ này, mẹ cháu có bệnh tim, cần tránh sinh con, nhưng mẹ cháu vẫn lặng lẽ có mang, đến khi ông bà biết thì không thể làm gì được nữa. Tới ngày đẻ cháu rồi mà mẹ cháu vẫn không đẻ được. Lúc ấy bà sợ quá, bác sĩ hỏi muốn giữ mẹ hay giữ con, mẹ cháu quyết định phải giữ lấy cháu. Sau đó tiến hành mổ dạ con, may mà mẹ tròn con vuông. _ Thế hả bà? Lưu Hạ nghe nói mẹ phải mổ bụng mới sinh được mình thì vừa cảm khái về nỗi có được cuộc sống không phải dễ lại vừa ngạc nhiên quá đỗi. Bạn chưa từng nghe nói về đoạn “lịch sử” này. _ Lại chẳng không ư? Thật không dễ có được mạng sống cho cháu. Lưu Hạ xem phim có đoạn chiếu về người mẹ sinh con. Đầu tóc sản phụ tả tơi, răng cắn chặt môi, kêu trời khóc lóc, đau đớn muôn phần. Mỗi lần thấy cảnh ấy, Lưu Hạ lại nghĩ thầm: “Sau này mình chẳng muốn chịu cái vạ như thế!”. Nghĩ tới việc mẹ phải trả giá để có được mình, Lưu Hạ rất cảm động. _ Thế lúc cháu mới đẻ ra thì như thế nào ạ? _ Cháu mới đẻ ra trông xấu xí lắm, chỉ lớn bằng chừng này thôi! – Bà ngoại giơ tay làm cữ - mặt đỏ bừng bừng nhưng da nhăn nhúm, tóc lơ thơ… Đôi lông mày rất đẹp của Lưu Hạ nhíu lại, môi cong lên: _ Lúc bé cháu xấu xí đến thế cơ hả bà! _ Chứ còn gì nữa! Bao giờ con gái lớn lên mới thay đổi hẳn, mỗi lần thay đổi là một lần xinh đẹp ra. Lưu Hạ vào phòng ngủ, mặc bộ váy mẹ mới mua vào, bỏ cặp tóc ra, chải lại đầu rồi ra đứng trước gương. Chợt Lưu Hạ giật nảy người, trong gương, một thiếu nữ xinh đẹp đang nhìn bạn. Mi mắt cô thật dài, thật rậm, cứ như là lắp mi giả, mắt mở to trong sáng, mũi hênh hếch, da trắng bóc như ngọc. Lưu Hạ ngây người ra, mặt ửng đỏ. Hóa ra người đẹp trong gương là bạn! Ôi, cô thiếu nữ thanh tú xinh đẹp, cô thiếu nữ yểu điệu thướt tha, cô thiếu nữ dịu dàng đáng yêu… Lưu Hạ rung động trong lòng vì nỗi vui mừng đột nhiên đến đó. Bạn thích soi gương, thích soi gương từ hồi còn bé. Qua gương và qua mọi người, bạn biết mình xin xắn nhưng không ngờ mình lại đẹp đến thế! Từ con “búp bê vải” xấu xí, thoắt biến thành thiếu nữ yểu điệu, điều đó dễ dàng có được sao? – Lưu Hạ càng cảm thấy cuộc sống thật đáng quý và mẹ thật vất vả! _ Tôi mười sáu tuổi rồi! Lưu Hạ muốn tuyên bố với cả thế giới. Lúc ăn cơm, mẹ gắp một con cá. Theo thói quen, bà gắp miếng lườn cá cho Lưu Hạ còn cái đầu bỏ vào bát của mình. Lưu Hạ vẫn ăn tự nhiên như mọi khi. Lúc ấy bà ngoại cũng gắp một con cá, bỏ khúc giữa vào bát mẹ. Lưu Hạ kêu lên: _ Bà ơi, đừng gắp khúc giữa cho mẹ cháu. Mẹ cháu không thích ăn đâu, chỉ thích ăn đầu cá thôi. Mẹ cháu bảo đầu cá có nhiều vị ngon lại nhiều chất bổ nhất, có thể bổ não đấy! _ Đồ ngốc ạ, nếu đầu cá bổ não lại ngon đến thế thì mẹ cháu đã gắp cho cháu ăn từ lâu rồi – Bà ngoại lườm Lưu Hạ - Thích ăn đầu cá là cốt nhường chỗ ngon cho cháu? Ai lại thích ăn đầu mà không thích ăn khúc giữa bao giờ? Cháu nói thế người khác cười cho chết! Lưu Hạ ngẩng người nhìn mẹ đang ăn khúc cá nhiều thịt, nhìn mà nước mắt rưng rưng. Ừ nhỉ, ai mà chẳng thích ăn ngon? Thế mà về điểm này mình lại tin lời mẹ, chuyên để mẹ nhằn đầu cá! Trước lúc cắt bánh gato, Lưu Hạ cầm cốc rượu lên đưa đến mời mẹ. Lần đầu tiên Lưu Hạ biết được rằng sinh nhật là chung cho cả hai mẹ con, bởi ngày con ra đời là ngày mẹ chịu đớn đau khổ sở. _ Mẹ ơi, con cám ơn mẹ! – Lưu Hạ cảm động nói. Nhìn vào mặt mẹ, Lưu Hạ bỗng dưng thấy đau lòng. Đây mà là người mẹ trước kia luôn vui vẻ, tươi cười xinh đẹp ư? Khuôn mặt ấy sao trở nên xanh xao già nua và khó coi đến thế? Nhớ hồi bạn còn nhỏ, bất kể mẹ để hai bím tóc hay là uốn tóc, đều có người khen đẹp. Các bạn đến chơi nhà cũng nói: _ Mẹ Lưu Hạ đẹp nhỉ? Lúc ấy Lưu Hạ rất tự hào về mẹ, coi mẹ như thân cây để nhờ tựa. Bây giờ thì thôi rồi, mình trở thành cái cây xinh đẹp, không cần núp bóng cây cao ấy nữa. Quan hệ giữa hai mẹ con không còn được thân mật như trước. Lưu Hạ cảm thấy mẹ thay đổi rất nhiều, mẹ hay ca cẩm luôn miệng, nghe mà chán muốn chết! Có lần Lưu Hạ ốm, chỉ trong một buổi sáng, mẹ hỏi đến năm lần bảy lượt đã uống thuốc chưa; hỏi đến nỗi làm bạn bực mình, bèn trả lời: _ Con uống rồi, uống hết cả lọ! Mẹ nghe nói thế thì cuống cả lên, chạy vội đến giường xem có việc gì không. Thấy mẹ cuống quýt lên như thế, Lưu Hạ thầm buồn cười, cảm thấy đỡ bực. Lưu Hạ rất tán thành câu kết luận của Giả Bảo Ngọc sau đây: “Con gái một khi lớn thành đàn bà thì đều đáng ghét cả”. Lưu Hạ dần dần xa lánh mẹ nhưng dường như mẹ không cảm thấy thế. Mẹ vẫn như xưa, thích nói nhiều, có lúc còn trách mắng, thậm chí mắng chửi rất khó nghe. Nhưng dù sao như thế mẹ vẫn chọn khúc cá nhiều thịt gắp cho Lưu Hạ, còn cái đầu giành phần mình. Hôm nay Lưu Hạ uống cạn luôn cốc rượu. Lâu rồi mẹ chưa được vui vẻ như thế này, nhất là trong những ngày sau cuộc ly hôn. Lần sinh nhật hôm nay tiếc rằng vắng mất ba, song Lưu Hạ không nói ra điều đó. _ Ba mẹ ơi, con yêu cả hai người! – Lúc này Lưu Hạ chỉ muốn reo to cái câu mà bạn gọi thầm từ lâu trong lòng, song lại ngại mẹ chịu không nổi bởi dù sao hai mẹ con cũng thuộc hai thế hệ. Mẹ nhẹ nhàng cắm vững mười sáu cây nến sinh nhật lên chiếc bánh gato và bảo Lưu Hạ thổi tắt bằng một hơi. Chỉ có như thế mới chứng tỏ Lưu Hạ đã lớn thêm một tuổi. Đúng thế! Lớn thêm một tuổi thì nhận thức và hiểu biết sâu thêm một tầng nữa. Đúng là một ngày mà cả mẹ và con đều nên kỷ niệm. BÍ MẬT NHỎ TRONG GIỜ GIẢNG CÔNG KHAI Giờ học buổi sáng, cô Bạch dạy Anh văn báo cho cả lớp biết tiết thứ ba sẽ có người đến thăm lớp, dự giờ dạy của cô, cả lớp phải chuẩn bị đọc thuộc lòng bài khóa và tích cực giơ tay; ai không biết cũng giơ tay bởi gọi ai, cô đều đã tính trước. Cô Bạch vừa nói xong, cả lớp đều cười, như thế không phải là làm dối giả hay sao? Dư Phát đứng lên, nói đùa: _ Thưa cô, cô không sợ làm giả à? Cô Bạch cũng cười: _ Thì cô học ở các em đấy chứ! Nói xong, cô gọi Hân Nhiên đi. Cô Bạch còn trẻ lắm, chưa tới ba mươi tuổi. Năm hai mươi tuổi cô đã tốt nghiệp đại học, làm ở một nơi rất “thơm” tại Thượng Hải: phiên dịch cho cục mậu dịch đối ngoại. Nhà ở Thượng Hải là vấn đề rất căng thẳng, cô còn trẻ măng mà cũng có được một khoảng trời riêng cho mình. Nhưng cô quả quyết vứt bỏ tất cả; mặc cho gia đình phản đối, một mình cô tới đây. Lúc ấy công cuộc xây dựng đặc khu còn mới ở thời kỳ đầu, việc ăn ở đi lại thật là một trời một vực so với Thượng Hải. Nhiều người theo phong trào mà đến đã phải đánh trống rút lui. Cô Bạch cắn răng ở lại, trở thành người khai hoang xuất sắc. Nhà trường thường đem tấm gương của cô ra khích lệ học sinh. Song cô không lên mặt một chút nào, rất thân mật tự nhiên với học sinh, do đó quan hệ giữa cô và học trò rất thân thiết. Bất kể lớp nào có giờ cô dạy, cô đều nói: “Cô thích nhất lớp các em”. Câu này ai cũng biết song không bạn nào phản cảm mà vẫn thích học cô, rất thích cô giáo. Cô Bạch trao một mảnh giấy cho Hân Nhiên: _ Đây là những điểm chính trong bài kể lại. Em cầm về học thuộc đi, đến giờ cô gọi em lên đấy. Hân Nhiên nhận lấy mảnh giấy, xem qua: _ Giờ lên lớp công khai hôm nay quan trọng đến thế cơ à? _ Sao lại không? Lãnh đạo trường đều đến bảo là để sát hạch thầy cô. Em giúp cô nhé, tan học rồi cô mời em đi ăn kem cốc. _ Cô ơi, cô hối lộ em đấy à? - Học trò thân với cô giáo nên nói năng cũng thoải mái. Cô Bạch trợn mắt kêu lên, cố ý làm ra vẻ nghiêm trang: _ Tạ Hân Nhiên, em là người tỉnh nào? _ Thượng Hải ạ. _ Đúng rồi, cô và em là đồng hương! Đồng hương giúp đồng hương chứ! Thật ra buổi giảng công khai hôm nay cũng chẳng hay ho gì; người trong nghề thì xem cách dạy, người khác nghề thì dự cho vui. Người đến dự nghe giờ thì không nhất thiết đã biết Anh văn, chẳng qua là xem học sinh có tích cực giơ tay xin phát biểu hay không thôi. Cô cũng vì họ thích thế thì làm thế, chứ nói thật ra cô dạy cũng không tồi. Cô Bạch không nói khoe, trình độ dạy tiếng Anh của cô là #1. Hân Nhiên cười: _ Thế thì được! Có điều em phải giao hẹn trước: Kem cốc là kem socola đấy! Ra khỏi văn phòng, Hân Nhiên bắt đầu nhẩm đọc tờ giấy. Bạn đã không còn phản cảm với những việc như thế này như hồi còn học tiểu học. Giờ giảng công khai là sự phối hợp rất ăn ý giữa học sinh và cô giáo. Người giảng nghiêm túc hơn mọi khi, người học cũng tích cực hơn mọi khi. Hân Nhiên học thuộc lòng như cháo những điều viết trên giấy. Khi kết thúc bài giảng cô Bạch dùng tiếng Anh hỏi học trò: _ Em nào có thể kể lại bài hôm nay nào? Sau đó cô mỉm cười nhìn khắp lớp. Lúc này cả lớp “soạt” một tiếng, tay giơ hết lên. Cô giáo chấm và tên Hân Nhiên trong danh sách lớp. Hân Nhiên đứng thẳng người, kể làu làu một lượt. Giọng phát âm rõ ràng đạt mức chuẩn và trôi chảy của bạn khiến cả lớp thơm lây. Cô Bạch nhìn vào đôi mắt to long lanh của Hân Nhiên, chân thành nói: _ Thank you! Nhìn thấy ánh mắt cảm ơn của cô giáo, Hân Nhiên cũng rất vui bởi bạn đã hiểu được cô giáo qua ánh mắt. Khi Hân Nhiên ngồi xuống, bạn chợt nghĩ: Có những lúc mình cũng nên học cách bao dung, khoáng đạt, tạo cơ hội thuận lợi, giữ thể diện cho người khác. Cứ như thế sự việc sẽ sáng sủa lên nhiều. Thế còn đối với ba thì sao? Đối với “sai lầm” của ba khi ở nhà Vương Tiếu Thiên thì sao?