Người dịch: Hồng Vân
Phần I - CHÂN
Nguyên bản: The Bonesetter's Daughter

Đây là những điều mà tôi biết là thật:
Tên tôi là Lưu Linh Young. Tên của các ông chồng tôi là Phan Khải Tĩnh và Edwin Young.  Cả hai đều đã yên nghỉ nơi chín suối và mang theo những bí mật của chúng tôi. Con gái tôi là Ruth Luyi Young. Nó cầm tinh là rồng nước còn tôi là rồng lửa. Vì thế mẹ con tôi là một nhưng lại đối lập nhau.
Tôi biết tất cả những điều này tuy vậy vẫn có một cái tên tôi không sao nhớ nổi.  Nó nằm đâu đó trong cái lớp sâu kín nhất trong bộ nhơ’ của tôi mà tôi không có cách gì đào xới lên được. Hàng trăm lần tôi nhớ về cái buổi sáng mà dì Báu đã viết cái tên đó ra. Tôi mới chỉ có sáu tuổi nhưng rất thông minh sáng láng. Này nhé, tôi biết đếm, biết đọc. Tôi ghi nhớ tất cả  mọi chuyện và đây là những gì nằm lại trong đầu tôi về cái sớm mùa đông năm ấy.
Tôi đang ngái ngủ, vẫn còn nằm trên tấm phản xây bằng gạch với dì Báu. Ống dẫn nhiệt trong căn phòng nhỏ của chúng tôi ở xa lò sưởi trong phòng chung nhất cho nên gạch dưới lưng tôi đã lạnh cóng từ lâu. Đôi vai tôi run rẩy. Khi mở mắt, tôi thấy dì Báu viết một cái gì đó lên một mảnh giấy, rồi khoe với tôi những dòng chữ dì vừa viết. “Con chẳng thấy gì,” tôi than vãn, “trời còn tối mờ.”
Dì bực tức đặt tờ giấy lên cái tủ chân quỳ, nhấn mạnh rằng tôi  phải  ra khỏi phòng. Dì nhóm cái lò than nấu nước pha trà, quấn một cái khăn quanh mũi và  miệng khi cái bếp lò tỏa khói mù mịt. Dì đổ nước rửa mặt vào trong cái ấm nấu nước trà, và lúc nó reo vang trên bếp là lúc dì Báu bắt đầu một ngày mới. Dì rửa mặt và lau tai cho tôi. Dì miết cái lược trên đầu chải tóc cho tôi,  tém hết tất cả các cọng tóc bướng bỉnh quăn queo như những cái chân nhện, bắt chúng nằm bẹp xuống và chia mái tóc dài của tôi làm hai phần đều nhau và bắt đầu tết tóc. Xong xuôi, dì cột một giải ruy băng đỏ ở đầu bím tóc, một dải ruy băng màu xanh ở đuôi tóc. Tôi lắc đầu để cho bím tóc ve vảy như đôi tai vui vẻ của con chó ở hoàng cung. Dì Báu cũng khịt khịt mũi như thể dì cũng là một con chó đang tự hỏi, có mùi gì ngon lành làm vậy? Cái khịt mũi này là cái cách dì gọi tên hiệu của tôi, Cún con. Đó là ngôn ngữ của dì.
Dì không có tiếng nói, chỉ há miệng hớp hớp không khí và thở khò khè, tiếng khịt khịt của gió luồn qua cửa. Dì giao tiếp với tôi bằng điệu bộ trên mặt và tiếng rên rỉ, bằng  vũ điệu của lông mày và sự thay đổi của ánh mắt. Dì nói về nhân thế bằng cục phấn viết bảng của tôi. Dì cũng vẽ những bức tranh với đôi tay đen đúa của dì. Nói chuyện bằng tay, nói chuyện bằng nét mặt và nói chuyện bằng viên phấn là thứ ngôn ngữ giao tiếp giúp tôi trưởng thành, vô thanh mà mạnh mẽ.
Trong khi dì miết những sợi tóc ép sát vào da đầu mình, tôi chơi đồ hàng với cái hộp đựng kho báu của dì. Tôi lấy ra một cái lược thật xinh bằng sứ có khắc hai con gà trống ở hai đầu. Dì Báu cầm tinh con gà. "Dì cái lên đâu đi" tôi nài, giơ cái lược lên "đẹp quá". Tôi vẫn còn đủ non nớt để tin cái đẹp đến từ sự trang điểm bên ngoài và tôi mong mẹ tôi đối xử với dì tốt hơn. Nhưng dì Báu lắc đầu. Dì bỏ khăn trùm đầu ra, chỉ vào mặt vào lông mày mình và hỏi: Dì còn có thể làm đẹp được không?
Tóc dì rũ xuống tận lông mày như tóc tôi. Toàn bộ mớ tóc còn l.ai được cột lại một túm và gài bằng một chiếc trâm bằng bạc. Vầng trán của dì có cái màu ửng hồng của trái đào, cặp mắt to, đôi má bầu bĩnh làm nổi bật cái mũi cao. Đó là phần trên khuôn mặt. Và đó cũng là phần dưới.
Dì múa may những móng tay đen cháy giống như một ngọn lửa đói khát. Nhìn xem ngọn lửa đã làm gì.
Tôi không nghĩ là dì Báu xấu xí, dì chỉ không giống những người khác trong gia đình. "Úi da, nhìn cô ấy xem, quỷ cũng phải nhảy ra khỏi lớp da của nó", một lần tôi nghe mẹ nhận xét như vậy. Khi còn bé hơn, tôi thích di ngón tay quanh miệng dì Báu. Một bên miệng xù xì, một bên thật mịn màng và cả hai bên dúm lại thành một cục. Trong miệng dì, má phải cứng ngắc như da thuộc trong khi má trái ươn ướt và mềm mại. Chỗ lợi bị cháy răng trụt ra hết. Lưỡi dì giống như cái rễ cây bị đốt. Dì không thể thưởng thức hương vị của cuộc đời: mặn và cay, chua và đắng cùng với vị ngọt bùi, thơm tho.
Chẳng có ai hiểu được ngôn ngữ của dì Báu vì thế mà tôi phải nói to lên cho mọi người nghe những điều dì muốn nói. Dù vậy, tôi không nói tất cả mọi chuyện, chúng tôi cũng có những bí mật đấy chứ. Dì thường kể cho tôi nghe về cha dì, một thầy lang nổi tiếng khắp vùng Chu Khẩu, gần cái hang mà họ tìm thấy xương rồng, những bộ xương rất thiêng có thể chữa lành bất cứ nỗi đau nào, trừ nỗi đau trong tim. "Kể cho con nghe nữa đi", sáng hôm ấy tôi nài dì kể thêm, nóng lòng muốn biết khuôn mặt dì bị cháy như thế nào và sau đó làm sao dì lại trở thành cô bảo mẫu của tôi.
Dì là người nuốt lửa, dì kể cho tôi nghe bằng tay và mắt của mình. Hàng trăm người đến xem dì biểu diễn ở quảng trường ngoài chợ. Trong cái lọ đốt nóng để trong miệng dì, có thịt heo tươi ướp ớt và dâu đậu xanh, dì đảo đều lên rồi mời mỗi người một miếng. Nếu họ nói, "Ngon lắm!" dì sẽ há mồm ra như cái túi nuốt những đồng bạc bằng đồng của chư vị khán giả. Tuy vậy một ngày kia, dì nuốt ngọn lửa nhưng nó quay lại nuốt dì. Sau đó dì quyết định không làm người ăn lửa nữa, thế là dì trở thành vú em của con.
Tôi cười, vỗ tay như đây là câu chuyện hư cấu hay nhất. Ngày hôm trước dì bảo tôi là dì đã nhìn một ngôi sao xui xẻo rơi xoẹt khỏi bầu trời và nó rớt tọt vào cái miệng há hốc của dì, đốt cháy một nửa khuôn mặt. Ngày hôm trước nữa, dì kể dì đã ăn một thứ mà dì nghĩ là một món ăn rất cay của người Hồ Nam, hoá ra nó lại là những hòn than để đun bếp.
Không có câu chuyện nào nữa, bây giờ dì Báu bảo tôi, đôi tay của dì nói nhanh hơn. Đến giờ ăn sán rồi đấy và chúng ta phải cầu khấn tổ tiên trong khi miệng chúng ta chưa bị tanh tao. Dì tìm lại mảnh giấy trên mặt tủ gấp làm đôi rồi nhét vào kẽ giầy. Chúng tôi mặc những chiếc áo bông trần ấm áp rồi bước ra ngoài hành lang hun hút gió. Không khí đượm mùi than của các bếp lò đang đỏ lửa ở hai dãy nhà phụ chạy dọc sân. Tôi thấy người đầu bếp già đang bơm nước bằng cái bơm quay tay cạnh giếng. Tôi nghe một người thuê nhà đang la mắng cô co dâu lười nhác. Tôi đi ngang qua phòng mà mẹ tôi và em Cao Linh cùng ở, cả hai vẫn còn đang ngủ. Chúng tôi vội vã đi về phía căn phòng nhỏ quay mặt về hướng Nam, đó là từ đường của gia tộc. Ở ngưỡng cửa, dì Báu nhìn tôi nhắc nhở: Hãy tỏ ra tôn kính tổ tiên. Bỏ dép ra. Chỉ còn mang vớ, tôi líu ríu bước đi trên sàn nhà lạnh buốt. Ngay lập tức chân tôi buốt nhói vì cái lạnh như kim châm chạy dọc ống chân xuyên suốt châu thân và thoát ra đàng mũi. Tôi bắt đầu run rẩy.
Bức tường trước mặt tôi treo kín những cặp liễn, tác phảm của các bậc đại nho viết tặng dòng họ tôi trong suốt 200 năm qua. Tôi đã học đọc được một bức liễn, đó là một câu thơ "Bóng cá lao vun vút dưới dòng sâu", nghĩa bóng là mực của chúng tôi đen, đẹp và viết rất trơn. Trên bàn thờ dài có hai bức tượng, ông Thọ với bộ râu dài trắng phau đổ xuống như nước, và Phật Bà Quan Âm, khuôn mặt mịn màng, siêu thoát. Đôi mắt đen của Ngài nhìn vào mắt tôi. Đôi tai của Ngài chỉ lắng nghe nỗi khổ đau và lời nguyện cầu của phụ nữ, dì Báu nói thế. Quanh hai bức tượng là bài vị thờ tổ tông nhà họ Lưu, trên khuôn mặt tạc bằng gỗ của từng người có khắc tên họ. Không phải tất cả những người đã khuất của dòng họ Lưu đều có mặt tại đây, dì Báu có lần bảo tôi, chỉ có những người mà gia đình tôi cho là quan trọng nhất. Nhành phụ hoặc những người thuộc họ ngoại bị tống vào một cái rương hoặc bị quên lãng.
Dì Báu thắp mấy nén nhang. Dì thổi vào ngọn lửa cho đến khi đầu cây nhang chi còn là những đốm sáng. Chẳng mấy chốc khói nhang bốc lên…làm rối loạn nhịp thở, lời cầu nguyện trong đầu và trong cái làn khói bàng bạc này tôi nghĩ là các hồn ma sẽ đánh tôi ngã xuống, mang tôi đi theo họ vào Cõi Âm. Một lần dì Báu bảo tôi là thân xác con người ta sẽ lạnh cóng lại khi người ấy chết. Và vì tôi lạnh run đến tận xương buổi sáng hôm ấy nên tôi sợ lắm.
"Con lạnh quá!" Tôi thì thào, nước mắt trào ra. Dì Báu ngồi xuống một cái ghế và đặt tôi ngồi vào lòng. Đừng khóc nữa Cún con, dì Báu nhẹ nhàng dỗ dành, không thì nước mắt lại biến thành đá rơi ra khỏi mắt con đấy. Dì xát vào chân tôi thật mạnh như thể chân tôi là1 một mớ bột nhão. Khá hơn chưa? Bây giờ đã thấy dễ chịu hơn chưa? Sau khi tôi nín khóc, dì Báu thắp thêm mấy cây nhang nữa. Dì quay lại bậc thềm nhặt một chiếc giầy lên. Bây giờ tôi vẫn có thể thấy chiếc giầy đó – bằng vảii xanh lấm bụi, đường viền mép màu đen, một miếng thêu hình chiếc lá dì dùng để bịt một lỗ thủng. Tôi đã nghĩ là dì sẽ đốt chiếc giầy vải như một món quà gửi đến cho những người thân đã chết. Nhưng không phải, từ đường khâu dì lôi ra một mảnh giấy mà dì đã viết trước đó! Dì gật đầu về phía tôi và nói bằng cả hai tay: Tên dòng họ, tên của tất cả những đại phu có thể nắn lành xương.  Dì đặt mảnh giấy trước mặt tôi một lần nữa và nói, Đừng bao giờ quên những cái tên này, đoạn nâng niu đặt nó lên bàn thờ. Chúng tôi xì xụp cúi lạy trước bàn thờ. Mỗi lần nhô đầu lên tôi lại nhìn vào cái tên. Và cái tên đó là…
Tại sao tôi không tài nào nhớ nổi vào lúc này nhỉ? Tôi đã tống hàng trăm cái tên trong dòng họ vào miệng vậy mà không có cái tên nào đọng lại trong trí. Đó có phải là một cái tên không thông dụng không? Tôi đã đánh mất cái tên ấy vì tôi giữ bí mật quá lâu chăng? Có thể tôi đã để nó trôi mất cũng bằng cái cách mà tôi để trượt khỏi tay tất cả những món đồ quý giá nhất – cái áo khoác Cao Linh tặng tôi khi tôi rời trường mồ côi, cái áo đầm mà người chồng thứ hai bảo là khi mặc vào tôi giống một ngôi sao điện ảnh, cái áo sơ mi đầu tiên của Luyi. Mỗi khi tôi yêu một vật gì đó đến cháy lòng, tôi cho nó vào trong cái hộp đồ quý. Tôi giấu những vật này lâu đến nỗi tôi hầu như quên mất là tôi đã từng có nó.
Sáng hôm ấy, nhớ đến cái hộp đồ quý, tôi mở những món quà sinh nhật mà Luyi tặng tôi. Ngọc xám ở Hawaii đẹp đến mức không tin nổi là thật. Khi tôi mở nắp hộp, một đám mây những con nhậy bay ra ngoài, tiếp đó là một dòng sông những con mọt màu xám bạc. Còn lại trong hộp là những cái lỗ kết lại thành một chuỗi. Những bông hoa thêu tay, những sắc màu tươi sáng biến đâu mất và cái điều tệ hại nhất là tôi đã đánh mất tên họ của dì Báu. Dì Báu ơi, đấy có phải là họ của chúng ta? Con bao giờ cũng muốn nhận nó là họ tên mình. Hãy giúp con nhớ lại. Con không còn là đứa trẻ bé dại nữa. Con không sợ ma. Dì vẫn còn bực con sao? Dì không nhìn nhận con sao? Con là Lưu Linh con gái của dì.