Chị có vẻ bất lực. Tôi cũng bảo tôi có những ý nghĩ giống hệt như vậy. Chị hỏi rồi tôi phải làm như thế nào? Tôi bảo tôi đọc hết đọc một cuốn sách. Chị hỏi sau khi đọc có thấy dễ chị hơn không? Có chứ. Có thể đọc tên sách lên không? Tên sách là " Lần bắt tay thứ hai". Đó là câu chuyện bị bài trừ, tôi lấy được trong vali của Tiểu Lục. Đó là bản chép tay, dày ba trăm trang. Chị hỏi cuốn sách nói về cái gì? Một câu chuyện của một người đàn ông và một người đàn bà. Chị bảo chị cho rằng cuốn sách đó đã đầu độc đầu óc của Tiểu Lục. Tôi nói tôi phải đồng ý với chị. Chị bảo chị không muốn bị quyển sách làm lạc đường. Tôi bảo tất nhiên, những ai mà biết được xét đoán của người nào đó là đúng đắn. Tôi bảo tôi không tin một người có đầu óc kiên cường như chị có thể bị đầu độc bởi một cuốn sách. Nếu thế thì quả thật nực cười. Như một chuyện đùa vậy. Chị bảo cũng có lý. Chị bảo tôi đêm nay bỏ cuốn sách vào trong ủng mưa của chị. Tôi nói tôi không chịu trách nhiệm về bất kỳ những gì xảy ra say này trong đầu óc của chị đâu. Chị bảo chị sẽ chịu trách nhiệm với bản thân. Chị ngốn ngấu cuốn sách. Nghiêm, đại đội trưởng, bí thư, ngốn cuốn sách chép tay trong ba đêm bằng đèn pin trong màn ngủ. Khi trả lại tôi bản chép tay trông chị khác hẳn. Chị bảo tôi: CHị muốn viết cho Báo. Những rồi mặt xịu xuống. Chj bảo chị không thể. Không an toàn. Chúng tôi ra xưởng gạch. Tôi yêu cầu chị giải thích tại sao không an toàn. Chị bảo chính bức thư của tay sách vở kia viết cho Tiểu Lục đã bị Lu bóc xem - Vì thế mà đại đội biết đêm đó họ ở đâu. Lãnh đạo có thể kiểm tra thư từ và vali của bất kỳai vào bất kỳ lúc nào. Không có luật lệ nào chống lại việc đó. Tôi bảo Nghiêm, tôi căm ghét chị đã phanh phui Tiểu Lục. Chị bảo tôi cứ việc ghét. Chị cúi đầu. Chị lặng câm nghe những lời lên án của tôi. Tôi bảo: - Chị là một tên sát nhân. Tôi khóc. Chị nói chị cũng căm ghét chị, những cái đó là do chị được tạo nên để làm như thế. Từ lâu, chị đã biết Lu vẫn do thám Tiểu Lục. Là bí thư và đại đội trưởng chị không còn cách lựa chọn nào khác khi trường hợp này được báo cáo. Nghiêm nắm lấy tay tôi xoắn xuýt. Hai tay chị thô ráp như hai bàn tay của một bà già nhà quê. Chị nói bây giờ chị mới hiểu hành động của chị là không thể dung thứ ra sao. Bản thân chị giờ lại được đặt vào vị trí của Tiểu Lục tơ tưởng một người đàn ông. Những gì chị đã làm quả là không thể tha thứ được. Chị bảo chị là con ếch sống dưới đáy giếng. Sự hiểu biết của chị về vũ trụ chỉ to bằng miệng giếng. Sự ngây thơ và dốt nát của chị biến chị thành kẻ sát nhân. Chị bị ngu ngốc đi bởi những bài báo trên tờ Hồng kỳ và Nhân dân nhật báo. Chị được huấn luyện để trở thành kẻ sát nhân. Mà ai không thế nhỉ? Chị chẳng hiểu gì về thế giới xung quanh mình, cái thế giới sát nhân thì vẫn cứ sống trong khi người vô tội thì chết như cỏ rác. Tôi lại nhớ đến việc chị bắt rắn trong lau sậy. Tôi hỏi chị về việc đó. Nhìn mặt trời lặn, chị bảo đó là làm vì Tiểu Lục, để có ngày làm cho cô khỏi được, hồi phục được tâm thần. Chị bảo đã bắt được sau mươi chín con rắn độc nhốt trong bình dưới gậm giường chúng tôi. Chị phải đạt con số tròn một trăm. Chị bảo đây là lần đầu tiên trong đời, chị đặt niềm tin vào những chuyện mê tín. Bà chị từng một lần thu thập rắn để chữa cho em gái bị bại liệt. Khi đó bà có đủ con số một trăm. Em gái chị tự nhiên đứng lên và đi được. Nó đã bị bại liệt mất sáu năm. Tôi bảo: - Chị biết những con rắn này độc chứ phải không? Chị gật đầu cười thản nhiên như không khiến tôi xúc động vô cùng. Tôi yêu cầu chị cho phép tôi đi cùng chị. Tôi bảo tôi sẽ không sợ rắn đâu. Chị gật đầu và ôm chầm lấy hai vai tôi. Chúng tôi ra ngoài bắt rắn một cách riêng rẽ. Tôi chẳng bao giờ bắt được con nào. Tôi hoảng sợ những con vật ấy. Hình thù của chúng làm tôi kinh hãi. Thân hình bóng nhờn của chúng làm tôi liệt cứng. Tôi có những cơn ác mộng, thân thể tôi bị rắn quấn đầy. Tôi không nói với Nghiêm về những giấc mơ này. Tôi không tin nổi chị không sợ chúng. Khi chị mang thêm rắn về, tôi hình dung ra nỗi khiếp hãi chị đã phải trải qua. Chị là anh hùng của tôi. Chúng tôi nói với nhau nhiều hơn về đàn ông, đặc biết là Báo Lý. Tôi ngỏ ý, nếu chị muốn, tôi có thể làm sứ giả cho chị. Chị lắc đầu và bảo đó chính là sai lầm của Tiểu Lục, cũng sẽ là sai lầm của chị. Chị là Đảng viên, chị không thể làm những điều chị đã cấm đoán người khác. Chị có vẻ buồn những kiên quyết. Chị thật đáng nực cười những phẩm hạnh của chị rung động trái tim tôi. Nhìn chị là tôi như bị hút vào chị. Tối hôm ấy, tôi nhìn chị không biết chán. Chị là thần vệ nữ của tôi. Trên đường về trại tôi hỏi chị: - Đấy chỉ là ngoài mặt phải không? Bất ngờ chị bảo: - Chị cuộc rằng giờ đây em có thể chiến đấu với Lu, bởi em đã phát triển thêm những chiếc răng nanh sắc nhọn. Chị cười, chị làm một chiếc mũ bằng lá sậy cho tôi trong khi chúng tôi đang thảo luận bức thư nên viết thế nào và kiếm lý do chính thức để tôi có thể trao cho Báo. Tôi cảm thấy vui sướng. Niềm vui được cùng Nghiêm. Niềm vui của chị phụ thuộc tôi. Hai tuần trôi đi, Nghiêm vẫn chẳng có gì để tôi mang trao. Khi thấy tôi, chị lảng tránh chủ đề đó. Tôi có thể nói chị tỏ ra hạnh phúc, tuy hơi lo lắng. Tôi thấy chị đem phơi chiếc quần lót đỏ. Đỏ tươi. Chị khẽ ngâm nga hát, để nhiều thì giờ soi mình trước chiếc gương cỡ tàu lá cọ treo ở cửa. Chị thôi văng tục. Tôi chọc tức chị. Tôi văng tục những câu chị thường văng tục. Chị hiểu ý định của tôi, Chị mỉm cười và gọi tôi là ranh con. Tôi hỏi chị về bức thư cho Báo. Chị trở nên mơ hồ. Chị bảo không có thời gian để viết. Tôi bảo Báo có thể quên chị. Đêm đó, khi tôi đi nằm, chị hé màn ném vào một bức thư viết gấp. Đồng chí Báo Lý. Đồng chí có khỏe không? Tôi không rõ sáng kiến trồng trọt tiến triển ra sao ở đại đội đồng chí. Ở đây chúng tôi đạt được tiến bộ tốt. Tôi thường nghĩ đến những cuộc gặp gỡ của chúng ta luôn. Cuộc gặp gỡ đầy ý nghia và tốt đẹp như thành quả của chính trị vậy. Bên lề thư Nghiêm viết: "Em vui lòng giúp chứ?". Tôi lấy một mẩu giấy viết đáp rằng tôi sẽ làm bất cứ chuyện gì Đảng yêu cầu tôi. Ngày hôm sau tôi viết lại thư chị. Tôi không biết mặt mũi Báo Lý ra sao, đành miêu tả mặt mũi Nghiêm vậy. Tôi cố hình dung họ sẽ làm gì khi họ cùng nhau, họ tiếp xúc với nhau như thế nào, mới chỉ nghĩ vậy mà tim tôi đã hồi hộp. Tôi muốn miêu tả cơ thể Nghiêm những tôi chưa hề trông thấy. Tôi đành miêu tả chính tôi, sờ nắn người tôi và tưởng tượng thân hình tôi chính là của chị, ngón tay tôi chính là ngón tay anh. Khi Nghiêm quay lại, tôi nói thầm rằng đã làm xong. Chị xúc động và bảo chị không thể chờ lúc đi ngủ mới đọc. Tôi bảo chị là tôi muốn được xem chị đọc. Nghiêm bảo vậy chúng mình sẽ cố kiểm cớ để ngủ cùng giường. Chúng tôi vạch ra một kế hoạch và đợi trời tối. Cơm tối xong, tôi và Nghiêm ngồi ngay bậc cửa. Nghiêm lấy ủng mưa ra chữa còn tôi lấy súng ra lau. Chúng tôi không nói gì với nhau, vờ như đang tập trung vào đôi tay mình. Tôi tháo dời các bộ phận để lau. Đầu óc tôi để đi đâu mất. Đôi lúc tôi liếc trộm Nghiêm, chị lấy giấy ráp đánh chỗ rách, bôi nhựa lên và gắn lại. Chị không nhìn tôi những tôi hiểu chị biết tôi đang nhìn chị. Mặt chị đỏ lên, chị cười bẽn lẽn. Nhè nhẹ, chị thổi vào đôi ủng. Tôi yêu vẻ bẽn lẽn của chị, bởi không ai khác nghĩ rằng chị có thể bẽn lẽn. Chị trở thành người bạn tâm tình của tôi. Lu đang đọc sách Mao. Các bạn khác cùng phòng đang đi ra đi vào phơi quần áo lên dây, hắt nước bẩn ra ngoài. Những người lính nam bên kia nhà đối diện đang lấy đũa gõ bát và hát: "Khi mặt trời lên, ồ hồ, ồ hồ, ồ hồ, ồ hồ…". Bài hát như vô tận. Họ hắt nước xuống mặt đất lầy lội và đi chân không vào phòng. Cửa đã đóng. Bài hát trở nên lộn xộn. Lúc bóng đêm buông, tôi đã nằm trên giường. Tôi chờ đợi cho mọi người khác lên giường. Qua màn tôi nhìn quanh phòng, tôi nhìn Lu từ đầu đến chân. Sự tập trung của Lu làm tôi sững sờ. Ngày nào Lu cũng thực sự đọc sách Đỏ. Tôi tin chắc Lu nhớ từng dấu phẩy, dấu chấm. Lu vui sướng thực sự trong việc này ư? Hay Lu chỉ làm ra vẻ? Hay cả hai? Không bao giờ thấy mệt mỏi ư? Lu còn trẻ, thân thể tràn đầy. Tôi để ý thấy Lu thích ngắm chân mình. Đôi chân sạm nâu, những móng chân sạch như những hạt lạc. Không như chúng tôi, một màu da cam chết vì gỉ sét. Đêm đêm. Lu dùng dấm để tẩy sạch cái màu chết đó trên móng chân mình, khi người cuối cùng trong chúng tôi đã ngủ. Mỗi lần mùi dấm bốc lên nặng giữa đêm làm tôi thức giấc và qua màn tôi thấy Lu ngủ gật khi đang ngâm chân. Hai chân Lu vẫn để trong thùng như hai chiếc bánh bột gạo lớn. Đó là một đôi chân trẻ trung, dáng hình mỹ lệ. Tôi tự hỏi vì lý do gì mà Lu dành nhiều thời gian đến thế để quan tâm tới đôi chân của mình và tôi hiểu đôi chân Lu chính là bầu tâm sự của Lu. Lu cần bầu tâm sự đó để tồn tại giống như tôi cần bầu tâm sự của Nghiêm. Tôi bắt đầu kêu ca rằng tôi bị thiếu chăn và sợ bị nhiễm lạnh. Nghiêm hắt hơi và bảo chị cũng thấy quá lạnh. Lu như thường lệ vẫn đang nghiên cứu. Bị quấy rầy bởi việc làm ồn của chúng tôi, Lu cáu bực bảo: - Sao không giúp nhau các đồng chí? Sao không nghĩ nổi một cách gì đó giải quyết vấn đề, như chung chăn với nhau nhỉ? Lu rơi đúng bẫy của chúng tôi. Tôi ôm chăn nhấy xuống chui vào màn Nghiêm. Chúng tôi cài màn thật chặt. Tôi không giữ nổi khỏi cười rúc rích, Nghiêm lấy tay bịt miệng tôi. Tôi đưa thư cho chị, chị kéo chăn kín đầu chúng tôi và bật đèn pin. Mặt chị đỏ ửng, chị đọc đi đọc lại bức thư. Chị thầm thì bảo tôi đó là điều tuyệt diệu nhất chị chưa hề đọc bao giờ. Chị bảo chị không ngờ tôi lại tài đến thế. Chị áp má chị vào má tôi. Chị thầm nhắc đi nhắc lại câu tôi tài quá. Sau khi đọc thêm hai lần nữa, chị muốn tôi thử hình dung xem Báo sẽ phản ứng lại thế nào sau khi đọc bức thư. Tôi bảo anh ấy sẽ mê chị. Chị bảo tôi nhắc lại điều tôi vừa nói và tôi nhắc lại. Chị hỏi khẽ: - Sao em tin như thế? Tôi thầm thì: - Nếu em là đàn ông, em sẽ thế. Chị hỏi tôi đã bao giờ ăn quả nổ chưa? Tôi hỏi quả nổ là quả gì? Chị bảo đó là một loại quả mọc ở miền Nam, khi chín nó tự nổ kêu đoành đoành như tiếng pháo. Chị bảo giờ đây tim chị đang nổ như thế. Tôi bảo tôi đang rất vui vì có tài. Chị bảo chắc chắn như thế bởi tôi đã làm chị mê mẩn và chị chịu ơn hai bàn tay tôi. Tắt đèn pin, chúng tôi nhô đầu ra khỏi chăn để thở. Tôi hỏi quả nổ có ăn được không? Chị bảo ăn được, có vị ngọt, những quả có cái vỏ xấu xí trông như con nhím. Tôi bảo, lần đầu tiên thấy chị, em không thể tin nổi chị có tấm lòng dịu dàng cởi mở đến vậy. Tôi bảo chị chính tấm lòng dịu dàng cởi mở này đã khiến tôi tự hỏi không biết chị có phải là phần tử trung kiên thực sự của Đảng hay chỉ là một kẻ giả hiệu cách mạng. Chị bảo: - Mài bớt răng em cho bằng đi. Qua màn, tôi thấy Lu xong công việc tẩy dấm chân mình. Lu đóng nút chai đứng dậy tắt đèn và leo lên giường mình. Nghiêm và tôi vẫn nằm thức trong bóng tối vì bị kích thích không ngủ được. Chúng tôi nghe tiếng Lu ngáy ngay. Ánh trăng nhợt nhạt màu hoa huệ dãi qua màn. Tôi nghe được tiếng thở của những người cùng phòng. Những con rắn quật mình vào thành vò dưới gậm giường. Sự căng thẳng trở lại. Nó khuấy đảo tôi ghê gớm. Tôi cảm thấy đầu óc và cơ thể rời xa nhau. Đầu óc tôi muốn cố ngủ trong khi cơ thể tôi muốn nổi loạn. Không hiểu vì sao, tôi lại không muốn thấy rõ tại sao cơ thể tôi lại muốn nổi loạn. Tôi bị mê đi bởi một cảm giác nguy hiểm, một ngọn lửa, một phù chú. Nghiêm quay đi khỏi tôi, thở dài. Tôi muốn lật người chị trở lại, những bất chợt tôi sợ. Một cái gì khác lạ kỳ quặc nổi dậy. Người tôi cứng đờ. Chi thì thầm. Tôi thì thào: - Có phải chị nói cái gì không? Tôi nghe cả tiếng vọng của giọng tôi trong bóng tối. Chị thở dài và bảo: - Tệ hại lắm… Tôi đang chờ đợi chị nói đủ câu. Chi lặng im như cũng đang sợ chẳng kém gì. Tôi bảo: - Em đang đợi đây. Chị nói: - Thật tệ hại vì em không phải là một người đàn ông. Chi lại thở dài, một tiếng thở dài nặng nề, chán nản. Tôi cảm giác như bị gục đổ. Chất thanh xuân trong tôi trỗi dậy can trường. - Nếu em là đàn ông, chị sẽ làm gì? Chị quay lại áp mặt vào lưng tôi và bảo chị sẽ làm đúng như tôi đã miêu tả trong thư. Hơi thở chị nóng hổi. Lông mi chị cọ vào má tôi. Một dòng nóng ấm chảy ra từ chân đến đầu gối. Chúng tôi nằm trong im lặng. Trong cơn sốt. Một chân chị ở giữa hai chân tôi. Vòng tay chúng tôi quấn quanh người nhau. Rồi như chính vào thời điểm đó chúng tôi tách nhau ra. Để làm giảm nhự sự bức bối, tôi bảo tôi đang muốn đọc lên một đoạn trong sách Đỏ. - Đọc đi, tên cách mạng giả hiệu. - Mao chủ tịch dạy chúng ta, - tôi bắt đầu - "Vần một tảng đá, nó vấp ngay phải ngón chân chính nó thay vì ngón chân người khác, đó là tất cả bọn phản động đều phải gánh chịu khi chúng cố sức chống lại lực lượng cách mạng". - Đúng thế - Chị tiếp theo - Chị khi chúng ta tuân theo lời dạy của Mao chủ tịch, chúng ta mới có thể bất khả chiến bại. Tôi bảo: - Chúng ta phải tự phê bình thôi. Chị bảo: - Theo em, em nghĩ thế nào? - Thú nhận! - Vậy em hãy gột sạch tội lỗi trên ngực em đi. - Tội của em hay của chị, hỡi đồng chí bí thư? Một ngạn ngữ cổ có nói: "Phúc đáo trùng lai". Mùa thu ấy là một vụ mùa có phép lạ. Khi củ cải đường trên cánh đồng đã đủ ngọt và ăn được, chúng tôi phải báo cáo là nông dân địa phương đã ăn trộm củ cải đường của chúng tôi như thế nào? Chúng tôi sẽ gửi báo cáo lên ban chỉ huy nông trường để khỏi bị khỉển trách về việc hụt giảm trong thu hoạch. Nghiêm đã từng theo đường lối chính trị "Một mắt nhắm, một mắt mở", nghĩa là chị không quá chặt chẽ trong việc đính chính lại báo cáo. Thật ra chị thừa hiểu ai là tên ăn trộm. Chẳng phải là nông dân địa phương, chẳng phải chuột đồng mà chính là bản thân những người lính. Tôi là một trong số họ. Tiền lương tôi nhận được không đủ trang trải những khoản chi tiêu ăn uống, vài vậy lúc nhập nhoạng tối, tôi cũng trở thành tên ăn trộm. Tôi đào đất bới củ cải đường, củ cải và khoai lang. Nghiêm vờ như không thấy chúng tôi. Thật ra chị còn bận việc riêng của chị. Chị bị lôi cuốn bởi lòng tin của chị vào liệu pháp châm cứu. Chị mang Tiểu Lục đến bệnh xá nông trường bên cạnh, bệnh xá nông trường Sao Đỏ, gặp nhóm bác sĩ giải phóng quân nhân dân đang về dạy châm cứu cho bác sĩ địa phương. Hai ngày một lần. Nghiêm lại mang Tiểu Lục đi và tối mang về. Chị dậy từ bốn rưỡi sáng, bế Tiểu Lục lên máy kéo, phóng chồm chồm về phía bệnh xá này cho mỗi đợt châm, rồi lại mang Tiểu Lục về, để cô ở nhà ăn lót dạ, còn bản thân chẳng ăn uống gì, bổ ra đồng làm việc cho kịp với chúng tôi. Tôi luôn mang theo chiếc bánh bao đại. Khi chị ra tới đồng, tôi đưa cho chị. Chị cắn ba miếng là hết cái bánh bao to cỡ bàn tay. Một hôm chị trở về, ướt sũng, bùn dính đầy quần áo. Chị bị ngã. Chị bảo chị ngã xuống mương cùng với cả máy kéo của mình. Nghiêm hét lên sung sướng. Chị bảo xúc động quá không nói được. Chị bảo phép lạ đã xảy ra. Tiểu Lục đã hồi phục thần trí. Nghiêm hô lên: - Mao chủ tịch muôn năm. Chị yêu cầu chúng tôi hô theo. Chúng tôi hô theo. Khi binh sĩ quây quanh chị để biết thêm tin tức, chị bảo chị đã yêu cầu để Tiểu Lục lại bệnh xá để theo dõi thêm. Chị bảo Tiểu Lục đã hát được một câu trong bài "Tổ quốc tôi" sáng nay. Ngày hôm đó chị gánh gãy hai đòn gánh, mỗi chuyến gần nửa tạ phân ra đồng. Tối hôm đó, Nghiêm điều khiển, còn chúng tôi hát kinh kịch trong hội nghị học tập. Nhiệt tình của Nghiêm làm đại đội xúc động. Không ai chú ý đến Lu đứng riêng một góc lắc đầu. Mọi người đều hát "Không cái gì trên thế giới này cản trở được người cộng sản". Một trích đoạn từ vở Hồng đăng. Sau đó, lân đầu tiên Nghiêm chơi hồ cầm cống hiến cho mọi người. Chị được ngưỡng mộ và ca ngợi. Tôi ngồi đó hưởng niềm hạnh phúc của Nghiêm. Trong niềm hạnh phúc của chị tôi còn nghiệm thấy nỗi đau xé lòng của chị về Tiểu Lục. Tôi đề nghị tất cả hát bài "Tổ quốc tôi" để trời phật ủng hộ Tiểu Lục. Nghiêm chơi một giai điệu trên hồ cầm. Những đứt dây đàn vì chị xiết quá mạnh.Chị xin lỗi mọi người. Lẽ ra thay dây mới, chị đặt đàn sang một bên và hát. Giọng hát chị hệt như tiếng hồ cầm. Chúng tôi không nhịn được cười. Nghiêm không để ý. Chị hát bằng một giọng rất cao: Đó là đất nước vĩ đại của tôi. Đó là nơi tôi sinh ra và lớn lên Là xứ sở đẹp tuyệt vời Mặt trời sáng chói khắp nơi Khắp nơi gió xuân thổi. Niềm vui sướng của Nghiêm không được bao lâu. Không được một tuần. Khi Tiểu Lục trở về, cô trông vẫn thế, như loài thảo mộc. Việc châm cứu chỉ có tác dụng nhất thời, sau đó thần trí cô trở lại đờ đẫn. Nghiêm không chịu bỏ cuộc. Chị tiếp tục gửi Tiểu Lục đến bệnh xá. Một hôm máy kéo bị hỏng, chị cõng cô trên lưng hai giờ liền để tới bệnh xá. Hôm sau chị không dậy nổi đúng giờ, chị quá mệt. Tôi xin mang Tiểu Lục đi. Nghiêm khăng khăng đòi tự mình đi. Cuối cùng chúng tôi đành đi cùng nhau. Chúng tôi thay nhau cõng Tiểu Lục. Tiểu Lục ngủ như con lợn chết trên lưng chúng tôi. Trông cô thật hết hy vọng. Nghiêm bảo chị hãy còn may rủi cuối cùng, may rủi nhờ vào rắn. Tôi nói mình không tin điều đó có tác dụng thêm một lần nữa. Trong giọng nói chị vẫn tràn trề hy vọng, chị thật tội nghiệp. Tôi đón máy kéo phóng đại đến đại đội 32 để gặp Báo Lý. N mcử tôi đi như đại diện cho đại đội chúng tôi để "trao đổi kinh nghiệm cách mạng". Tôi khá xúc động khi được cử đi làm nhiệm vụ, như thể gặp người yêu của chính tôi. Bức thư được gấp cẩn thận và để ở túi trong. Tôi cài khuy túi nhỡ bị xóc trên xe, thư có thể rơi ra ngoài. Chốc chốc tôi lại kiểm tra xem có còn không. Tôi đã viết lại bức thư đêm trước. Nghiêm chìm đắm trong khi đọc bức thư. Rạng sáng chị đã dậy. Chị bảo tôi biến chị thành con người khác. Đúng tôi nghĩ như vậy. Chị trở nên dịu dàng hơn. Chị tốt với tất cả mọi người, kể cả với Lu. Binh lính hả hê, còn Lu thì khó hiểu. Nghiêm cho đại đội nghỉ cả vào ngày không mưa. Còn chính chị lại cắt hàng đống sậy suốt cả ngày. Khi chị thấy tôi, chị thẹn thùng như thể tôi là Báo vậy. Tôi ngạc nhiên cả với tôi, sao cứ càng nghĩ nhiều hơn về chị? Tôi không thể cưỡng nổi. Tôi ngắm chị ăn tối, chị ăn mà đầu óc để đi đâu, như hất cơm vào miệng. Chị thường đăm đăm nhìn ra cánh đồng xa hoặc theo dõi một con rệp đang nhai chiếc khuy của hoa bông. Chị bảo nhà ăn cho thêm đường vào các đĩa. Chị mặc bộ đồ lót đỏ tươi vào ban đêm. Chị mỉm cười trong gương khi nghĩ quanh mình không có ai. Chị bảo tôi mua cho chị một lọ dấm khi tôi ra cửa hàng. Chị ngồi cùng Lu trước giờ đi ngủ, để tẩy chất két vàng ở móng chân. Đôi khi chị hát kinh kịch cùng tôi và Lu. Chị hát nghe như tiếng hồ cầm, giọng chị như âm thanh dây đàn. Những người cùng phòng bảo họ thấy chẳng có gì khác nhau. Chị hét lên: - Thế thì đã sao? Những người cùng phòng trốn cả vào màn, tay bưng miệng và cười to hơn. Khi nhìn thấy Báo Lý, tôi ngạc nhiên vì sự lựa chọn của Nghiêm. Anh là phiên bản giống đực của Nghiêm, mắt to sâu, lông mày lưỡi mác, tóc nhờn và cứng như lông nhím. Anh không cao lớn và khỏe mạnh giống như tôi tưởng tượng. Anh khiến tôi nhớ tới một con vượn, hai cánh tay dài, hành động thoăn thoắt. Có lẽ vì vậy anh được lính tráng ca ngợi như một người lãnh đạo có nhiều thành tích. Tất cả đều gọi anh là Báo. Anh đáp lại họ một cách thân thiện. Anh đùa với họ và bảo họ đừng làm chết cây con khi xới đất. Anh có vẻ lúng túng sau khi tôi tuyên bố tôi từ đại đội bảy tới. Anh đưa mắt nhìn tôi. Tôi nói: - Tôi có thư cho anh. Thư của… Anh có vẻ lúng túng trước khi nghe tôi đọc lên tên Nghiêm. Anh mỉm cười thiếu tự nhiên và nhìn quanh. Tay anh run run cầm bức thư tôi chìa ra. Anh cho luôn thư vào túi, nhìn quanh một lần nữa và dẫn tôi qua cánh đồng tới trụ sở làm việc của anh. Đại đội anh hình như được xây dựng nhiều hơn của chúng tôi. Lính nhiều tuổi hơn, lính đàn ông gầy hơn và lính đàn bà béo hơn chỗ chúng tôi. Họ đang giờ giải lao. Ruồi nhặng bay vù vù lên mùi phân. Lính đang nằm nghỉ trên bờ ruộng, mũ che lên mặt, mặt đất nóng ran như lò than. Vừa rót cho tôi một tách trà, Báo vừa gọi phụ tá của mình, một người đàn bà thấp lùn. Anh bảo người đàn bà đến làm việc với tôi, còn anh bước ra ngoài. Người đàn bà lùn tự giới thiệu là Hồng già. Chị bắt đầu đọc cho tôi nghe về việc cách mạng văn hóa tiến triển ra sao ở đại đội này. Chị dừng lại một lát nhìn tôi và nhắc tôi chưa ghi gì cả. Chị trợn mắt biểu lộ sự bất mãn. Tôi chẳng để ý mấy đến chị. Tôi sốt ruột đợi Báo quay lại. Tôi phải cố lắm mới khỏi nhìn ra cửa sổ. Cuối cùng Báo cũng quay lại. Chẳng có gì đặc biệt biểu lộ trên nét mặt, anh hỏi chúng tôi đã xong chưa. - Ồ, vâng - tôi nói, hy vọng anh tống khứ được Hồng già ra ngoài. Những anh chẳng hề tỏ ra có ý định ấy. Anh hỏi liệu có còn chuyện gì khác tôi muốn biết nữa không. Tôi không hiểu tại sao anh lại phải hỏi như vây, anh biết rõ tôi muốn gì cơ mà. Tôi ngồi đó chòng chọc nhìn anh. Anh nghịch một chiếc dây cao su. Anh có vẻ lo lắng. Chiếc dây cao su đứt và bắn vào mặt Hồng già. Chị thét lên và hai tay ôm má. Anh nói xin lỗi và rút một điếu thuốc từ ngăn kéo. Anh châm thuốc rồi bung ngay trước khi có tàn thuốc. Hồng già nói chị có phải đi gọi máy kéo tới để chở tôi về không? Báo gật đầu. Tôi không thể nào tin nổi anh ta lại làm như vậy, những tôi không làm gì được. Tôi lên máy kéo. Người lái máy kéo khởi động máy. Tôi nhìn Báo. Tôi thấy anh ta chẳng ưa nhìn chút nào. Báo nhìn đi đằng khác. Anh ta quá sợ bị người khác biết chuyện. Anh ta là một thằng hèn, tôi bắt đầu ghét anh ta, bởi Nghiêm đang đối mặt cùng với mạo hiểm ấy, và không run sợ, còn anh ta, một thàng đàn ông lại không có gan. Đêm đó trong màn, Nghiêm hỏi tôi tình hình thăm viếng. Tôi sợ sẽ làm chị đau lòng khi nói rõ sự thật. Tôi bảo: - Ồ, trông anh ấy có vẻ rất phấn khởi. Nghiêm hỏi liệu anh ấy có viết thư trả lời không. Tôi gật đầu và nói có chứ bằng một giọng chắc chắn. Nghiêm hả lòng, chị yêu cầu tôi viết bức thư khác hộ chị. Tôi trao bốn bức thư trong hai tháng cho Báo. Anh ta không hề viết trả lại. Tôi trở nên thù ghét mỗi lần đến thăm anh. Tôi ước tôi có thể vụt anh như vụt một con bò đực sao cho anh si mê Nghiêm. Đôi lần, hình như anh muốn nói điều gì với tôi, nhưng anh luôn ngắt mạch đúng lúc dòng điện vừa tiếp xúc. Tôi nghĩ tại sao anh lại hành động kiểu rút lui như vậy. Anh thừa biết Nghiêm không quan tâm tới điều gì khác ngoài được cùng anh. Chị không thể giấu nổi cảm xúc của mình. Họ có thể bị bắt như Tiểu Lục và anh chàng tình nhân nghiện sách của cô. Họ sẽ bị mất địa vị của họ trong đảng. Nếu công khai tuyên bố tình yêu của họ, ban lãnh đạo nông trường sẽ cho họ nghỉ một ngày nào đó để cưới nhau và phân cho họ một căn phòng nhỏ ở trại như căn hộ vĩnh viễn của họ. Huyền thoại sẽ chấm hết. Cơ hội quay trở về Thượng Hải sẽ vĩnh viễn tiêu tan. Họ sẽ mang danh hiệu nông dân địa phương lúc chấp nhận như vậy. Chẳng lẽ đó là điều Báo mong cho đời mình? Tôi bất chợt nghi ngờ như vậy.