Tôi được nuôi dưỡng theo những lời dạy của ông Mao và những vở kinh kịch của bà Mao, đồng chí Giang Thanh. Tôi trở thành người lãnh đạo của tiểu Hồng vệ binh ở trường tiểu học. Đấy là suốt thời kỳ đại cách mạng văn hoá mà màu đỏ là màu cờ sắc áo của tôi. Cha mẹ tôi luôn sống hoà thuận với láng giềng và thường gọi là đũa sóng đôi. Cha tôi là giảng viên về thiết kế kỹ thuật công nghiệp ở học viện kỹ thuật dệt Thượng Hải, mặc dù đam mê đích thực của ông là môn thiên văn học. Mẹ tôi là giáo viên một trường trung học ở Thượng Hải. Bà dạy bất cứ điều gì mà Đảng yêu cầu, một học kỳ đầu bằng tiếng Trung Quốc và học kỳ sau bằng tiếng Nga. Cha mẹ tôi đều tin tưởng vào ông Mao và Đảng Cộng sản hệt như mọi người lánh giềng khác. Cha mẹ tôi có bốn con, mỗi đứa chênh nhau một tuổi. Tôi sinh năm 1957. Chúng tôi sống ở thành phố trên đại lộ Nam Hoa Lệ trong một ngôi nhà nhỏ hai tầng của gia đình. Ngôi nhà do ông tôi để lại sau khi qua đời vì bệnh lao vào đúng lúc tôi chào đời. Tôi đã là người lớn từ tuổi lên năm. Điều đó chẳng có gì bất bình thường. Lũ trẻ chơi với tôi cũng phải cõng em trên lưng bằng địu vải. Trong khi chúng tôi chơi trò ú tim, bọn trẻ trên lưng cũng vui đùa theo, mũi dãi thò lò. Tôi được giao trách nhiệm quản lý gia đình vì cha mẹ tôi suốt ngày phải ở nơi làn việc, hệt như cha mẹ những đứa khác. Tôi gọi các em tôi là lũ trẻ vì tôi phải đón nhận từng đứa từ nhà trẻ và trường mẫu giáo về, trong khi bản thân tôi cũng chỉ là một học sinh mẫu giáo. Tôi sáu tuổi, em gái tôi, Khai Hoa, năm tuổi, em gái San Hô bốn tuổi và em trai Chính Vũ ba tuổi. Cha mẹ tôi thận trọng đặt tên cho chúng tôi. Nhưng bị coi là trái khoáy vì những người láng giếng đều đặt tên cho con là Hồng Vệ, Đại Diệp, Trường Chinh, Hồng Tinh, Giải Phóng, Tân Hoa, Nga Lộ, Kháng Mỹ, Tiên Phong, Ái Quốc, Vô Địch, Hồng Binh...Cha mẹ tôi có suy nghĩ riêng. Trước đặt tên tôi là Minh Sơn - Mặt trời mọc trên núi. Rồi bỏ tên đó vì chỉ ông Mao mới được ví là mặt trời. Suy nghĩ sâu xa hơn, liền đặt cho tôi cái tên Yên Châu (An-Chee), nghĩa là viên ngọc yên bình. Thêm nữa phát âm gần giống Trung Quốc phát âm từ Angel (thiên thần). Tên đó được đăng ký cho tôi. Khai Hoa và San Hô được đặt tên để thuận âm với Châu (chee). Có hai lý do để cha mẹ tôi đặt tên em trai tôi là Chính Vũ (chinh phục vũ trụ), một là cha tôi yêu môn thiên văn, hai là hưởng ứng lời kêu gọi của ông Mao rằng Trung Quốc sẽ sớm chế tạo được tàu vũ trụ của riêng mình. Theo như tôi hiểu, cha mẹ tôi đang làm công việc cứu nguy thế giới. Tối tối, tôi thường phải đi đón các em về, và thường đánh nhau với lũ trẻ cùng dãy trong suốt dọc đường về nhà. Như một thực đơn đều đặn, má tôi bần tím hoặc đổ máu mũi. Điều đó cũng chẳng làm tôi phiền lắm. Mặc dù thường hoảng sợ mỗi khi vượt qua đoạn đường và những lối đi tối om, nhưng tôi học cách che giấu nỗi sợ hãi, bởi vì tôi phải làm gương cho các em, để tỏ cho chúng biết thế nào là lòng dũng cảm. Sau khi sắp xếp cho các em tự chơi với nhau trong phòng khách, tôi đi nhóm lò nấu bữa tối. Thông thường tôi phải mất nhiều thời gian mới nhóm được lò, bởi vì tôi không hiểu củi và than cháy được nhờ không khí. Tôi vừa nhét đầy than vào lò vừa tụng những lời dạy của ông Mao. Một bận, cố mãi lò vẫn không cháy được, tôi hết kiên nhẫn, nghĩ rằng lò không cháy, tôi bỏ đi chơi. Rồi một đứa trẻ khác đến bảo với tôi rằng khói bốc qua cửa sổ nhà tôi. Ba lần như vậy. Tôi cố cho các em ngủ khi trời chưa tối hẳn. Nhưng bàn chân nhỏ bé của chúng đạp vào chăn bông tạo nên những lỗ thủng mới bên những lỗ cũ. Những tấm chăn chẳng bao lâu biến thành giẻ rách. Khi căn phòng đã hoàn toàn yên tĩnh, tôi thường tựa đầu vào cửa sổ, mắt hướng về lối rẽ vào ngõ chờ đợi cha mẹ mình hiện ra. Tôi ngắm nhìn bầu trời chuyển màu xanh thẫm, sao Hôm mọc và thường ngủ thiếp đi bên cửa sổ. Năm 1967, lúc đó tôi mười tuổi, gia đình tôi phải dọn đi. Lý do vì láng giềng ở tầng dưới tố cáo chúng tôi ở rộng hơn họ. Họ nói tại sao một gia đình có sáu người lại có thể chiếm những bốn phòng trong khi gia đình mười một người lại chỉ có một phòng. Cách mạng là đem lại công bằng. Họ xông lên mang những chiếc bô đổ đầy phân lên chăn chiếu nhà tôi. Không có cảnh sát. Đồn cảnh sát bị gọi là guồng máy xét lại và bị những người cách mạng đóng cửa. Hồng vệ binh bắt đầu cướp phá các ngôi nhà. Chẳng ai đáp lại lời kêu gọi giúp đỡ của chúng tôi. Hàng xóm chỉ đứng nhìn. Láng giềng tầng dưới không ngừng quấy phá chúng tôi. Đêm đêm chúng tôi phải dọn phân và nhẫn nhục nuốt những lời chửi bới. Gia đình tầng dưới càng thêm được thể. Họ hành hạ lũ trẻ chúng tôi khi bố mẹ chúng tôi vắng nhà. Họ bảo đứa con gái thứ hai của họ bị tiền sử tâm thần, bởi vậy họ sẽ không chịu trách nhiệm với những gì nó gây ra. Đứa con gái đó đi lên và cho tôi xem một cái rìu nó vừa mài sắc, nó bảo nó có thể chẻ đôi đầu tôi ra như bổ một quả dưa hấu. Nó hỏi tôi có muốn nó làm như vậy không? Tôi bảo, chị cứ đợi đấy, rồi tôi sẽ bảo cho chị biết tôi muốn hay không muốn. Tôi túm lấy các em tôi chạy nép chặt vào trong nhà vệ sinh suốt ngày hôm đó. Một hôm, mẹ tôi đi làm về, vừa bước vào cửa, đứa con gái đã nhảy bổ vào mẹ tôi. Tôi thấy họ vật lộn với nhau dưới gầm cầu thang. Mẹ tôi bị đẩy ngã, bị đè xuống sàn và bị đâm bằng kéo. Tôi choáng váng. Tôi đứng ngay cạnh mẹ tôi và tôi thấy máu trào ra đất từ mặt và từ cổ tay mẹ tôi. Tôi muốn gào lên nhưng không thành tiếng. Nó bỏ xuống dưới và dùng kéo tự cắt cổ tay mình. Rồi nó lao vào đám đông người tò mò qua cửa, giơ hai bàn tay đẫm máu và hô to: - Xem tôi đây này, tôi là một công nhân bị một trí thức tư sản hành hung. Các đồng chí, đây là một tên sát nhân chính trị. Gia đình nó đổ ra. Chúng hô: - Nợ máu phải trả bằng máu. Cha tôi bảo chúng ta phải chuyển đi, phải thoát khỏi nơi này. Ông viết vào những tờ giấy nhỏ miêu tả ngôi nhà của chúng tôi và muốn đổi như thế nào, rồi dán lên những thân cây ở các phố. hôm sau một chiếc xe tải chở đầy đồ đạc đỗ trước nhà tôi. Năm người đàn ông xuống xe bảo họ đến đổi nhà. Bố tôi chưa được xem nhà họ ra sao, người đàn ông nói: - Nhà chúng tôi là ngôi nhà hoàn hảo cho ông, đang sẵn sàng đợi ông chuyển đến. Bố tôi bảo không biết nó như thế nào. Ông ta bảo, vậy thì ông đến mà xem, rồi ông sẽ thích. Bố tôi hỏi có bao nhiêu phòng. Họ bảo: - Ba phòng rất đẹp, tiêu chuẩn Thượng Hải. Mẹ tôi hỏi: - Ông có biết đứa con gái nhà tầng dưới bị bệnh tâm thần không? Họ bảo: - Không thành vấn đề! Họ nói họ đã nện cho nó một trận và nó đã thú nhận nó là người bình thường, chẳng qua gia đình nó muốn được nhiều phòng hơn. Nó hứa từ nay không quấy nhiễu nữa. Họ nói tiếp họ là công nhân nhà máy thép Thượng Hải, gồm bố và bốn con trai. Các con trai cần phòng riêng để cưới vợ, và cần gấp. Bố tôi nói để suy nghĩ lại đã. Họ bảo sẽ đợi ngoài cửa chờ ông quyết định. Bố tôi bảo không thể làm như vậy được. Họ nói: - Không thành vấn đề! Bố mẹ tôi quyết định xem qua ngôi nhà họ ở đường Sơn Tây. Tôi được giao trách nhiệm coi nhà khi bố mẹ tôi đi. Đang làm bài tập về nhà, tự nhiên tôi thấy họ dỡ đồ đạc của họ xuống. Sau đó họ chuyển đồ đạc của gia đình tôi. Tôi xông tới bảo họ, bố mẹ tôi còn chưa về. Họ nói tiện xe đây nên họ muốn giúp gia đình chúng tôi. - Đợi đến lúc nhà mày nghĩ đã sẵn sàng chuyển, nhà mày mượn đâu ra xe? Hay là định chuyển những thứ này bằng đôi tay bé xíu của mày? Lúc bố mẹ tôi về, hầu như đồ đạc trong nhà tôi đã chất gọn trên xe của họ. Mẹ tôi bảo: - Tôi không muốn thế này, các ông không thể cưỡng ép chúng tôi di chuyển. Họ nói: - Chúng tôi là công nhân, chúng tôi không chơi trò đấu trí. Ông bà cáo thị, chúng tôi đến với thiện ý. Hôm nay chủ nhật là ngày nghỉ duy nhất của chúng tôi. Chúng tôi không thích bị làm trò hề. Chúng tôi đã nện cho đứa con gái duới tầng một một trận vì nó đã giở trò với chúng ta. Bố tôi gạt mẹ tôi và lũ trẻ chúng tôi ra và nói: - Chúng ta phải đi thôi. Đi thôi - Quên chuyện công bằng đi. Thể là chúng tôi chuyển đến đường Sơn Tây quận Xuhui. Đó là một dãy nhà mái bằng. Căn hộ của chúng tôi là họ hai phòng chia cho ba gia đình. Căn hộ thuộc sở hữu của nhà nước, ngoài phòng khách ra, chúng tôi có một tiền sảnh và một cái bếp. Gia đình ở phía sau có năm khẩu. Họ sống trong một phòng bà bếp lò của họ đặt sát phòng vệ sinh. Tôi không thích việc này bởi vì hay xảy ra lúc tôi đại tiện họ thường đun nấu. Gia đình thứ ba sống ở hậu sảnh cơi nới thêm. Họ là những người sống rất lặng lẽ. Bố tôi bảo: Đành phải định cư ở đây thôi. Phải nghĩ thế này: mọi việc rồi sẽ có thể tồi tệ hơn, có thể bị giết hại. Ít nhất ở đây cũng an toàn hơn. Cả gia đình đều bằng lòng và cảm thấy dễ chịu. Tầng trên là một gia đình lớn có sáu con. Con gái thứ ba của họ bằng tuổi tôi. Tên chính thức của nó là Hướng Dương. Nhưng mọi người đều gọi nó là Tiểu Quan (quan tài nhỏ) bởi vì nó gầy như một bộ xương. Nó xuống hỏi tôi có thích tham gia buổi hội thảo Mao cùng gia đình nó vào mỗi buổi tối sau bữa ăn không? Tôi trả lời phải hỏi bố tôi. Bố tôi bảo không. Ông bảo ông không muốn có cách mạng tại nhà. Điều đó làm tôi ngạc nhiên. Suốt đêm tôi suy nghĩ không biết có phải bố tôi là một tên phản cách mạng giấu mặt không, tôi nên hay không nên báo cáo về ông. Tiểu Quan thất vọng khi tôi nói sẽ không tham gia thảo luận nghiên cứu Mao cùng gia đình nó. Nó đi lên và tôi nghe thấy gia đình nó hát lên:"Đông phương hồng, mặt trời lên, Trung Hoa có Mao Trạch Đông…". Tôi ngưỡng mộ gia đình nó. Tôi ao ước gia đình tôi có thể làm như vậy. Chị em gái chúng tôi được xếp ngủ ở tiền sảnh, còn em trai tôi ở bếp. Mẹ tôi nhớ ngôi nhà cũ của chúng tôi ghê gớm. Bà nhớ đã từng có nhà vệ sinh riêng. Buổi sáng thứ hai sau ngày chúng tôi chuyển đến, tôi nhớ tôi bị đánh thức bởi một hồi còi điện choáng tai. Tôi nhô người ra ngoài cửa số nhìn xuống. Nhà tầng dưới chúng tôi hóa ra là xưởng cơ khí, sản xuất dây cáp và dây thép. Còi điện kêu vang lúc 7h30. Một đám đông phụ nữ đổ đến. Những cái đầu người chuyển động như bầy ong chen nhau vào cái tổ. Có chừng hai trăm phụ nữ làm việc ở tầng trệt và cái ngõ nhỏ phía sau đã được che một phần ba bằng những mái lán. Những phụ nữ này vốn là những bà nội trợ. Họ không được học hành nhưng lại khéo tay. Họ đem theo cả những bữa ăn trưa ăn tại sân để gò hàn cả ngày. Từ cửa sổ, tôi thấy họ ăn những thứ gì, hầu hết là cá mắm và đậu phụ. Một số được cấp nhiều sữa vì những chất họ hàn có chứa chất độc hóa học. Mùi của những chất độc hóa học này bốc cả lên tầng trên mỗi khi họ lôi những sắt thép đó ra sân. Những người phụ nữ dưới đó rất thích gẫu chuyện, cãi nhau và hát những vở kinh kịch của đồng chí Giang Thanh tức Mao Phu nhân. Hàng xóm mô tả những người phụ nữ thế này: Đại chiến vào thứ hai, thứ tư và thứ sáu, khẩu chiến vào thứ ba, thứ năm và thứ bảy. Mỗi phòng đều có loa phóng thanh. Chiều chiều, một giọng đọc đọc lên những trước tác của ông Mao, hoặc xã luận của Nhân dân nhật báo và tạp chí Hồng kỳ. Khoảng ba rưỡi chiều, lúc chúng tôi đi học về, chúng tôi thường được nghe băng nhạc thể dục, những người phụ nữ này ra ngoài xếp hàng, chiếm hết cái ngõ, vươn tay duỗi chân trong mười phút. Tôi thường tựa cửa sổ cùng các em quan sát họ. Chúng tôi bắt đầu biết được các biệt danh của họ: Châu Di (chăn dắt đứa em trai), Lai Di (kiếm đứa con trai), Shuang Di (con trai sinh đôi), Yin Di (đạt được con trai), Bảo Di (đảm bảo con trai). Những tên đó làm tôi bực mình, mặc dù những tên đó chẳng liên quan gì tới tôi, nhưng cái ý nghĩ sinh ra là đứa con gái là một điều đáng buồn cứ ăn sâu vào trí não tôi. Phân xưởng chạy ba ca. Chiếc máy vuốt dây thép làm việc suốt ngày đêm. Cha tôi không chịu nổi những tiếng ồn, ông không ngủ được. Ông xuống phàn nàn nhưng vô hiệu. Phụ nữ cần việc làm, người chủ nói, đó là nhiệm vụ cách mạng. Tất cả trẻ con trong ngõ thường đến xem các bà làm dây thép. Họ đánh bóng dây thép trước khi đem mạ. Họ cho chúng tôi giấy ráp để chúng tôi cùng đánh. Chúng tôi có được trò vui. Họ bảo chúng tôi dây thép này sẽ được chuyển bằng tàu biển sang Việt Nam. Những gì chúng ta đang làm là bí mật quốc gia. Họ được nhà nước thưởng bằng khen. Họ treo bằng khen lớn nhất trên tường có nội dung: "Vinh quang thuộc về phân xưởng cơ khí Wu-lee". Tôi đi học ở trường tiểu học Trường Phúc. Trường ở cách nơi tôi ở sáu dãy nhà. Bạn mới cười tôi vì tôi đi học chỉ mặc chiếc áo khoác bị thủng tứ tung, mùa nào cũng vậy. Đó là chiếc áo cũ của chị họ tôi. Hoa thường mặc quần áo của tôi khi tôi mặc chật. Khi thêm nhiều miếng vá ở cổ và khuỷu tay đến lượt San Hô. Thêm nhiều miếng vá, quần áo bợt ra, mặc dù San Hô giữ cẩn thận. Nó biết cong phải tới lượt Chính Vũ. Chính Vũ mặc thường thành giẻ rách. Điều đó khiến tôi cảm thấy mình thật có tội. Lũ trẻ hàng xóm mới không thân thiện với chúng tôi, luôn khiêu khích chúng tôi. chúng tôi bị gọi là giẻ rách và ruồi bọ. Bố tôi bảo chúng tôi, bố không mua nổi cho các con quần áo tử tế hơn nhưng nếu các con học tập tốt ở trường các con sẽ được tôn trọng, lũ trẻ hư có thể quẳng cặp sách của các con, nhưng không thể quăng đi trí tuệ của các con. Tôi theo lời dạy của bố, và nó có hiệu quả. Chẳng bao lâu, tôi được kết nạp vào tiểu Hồng vệ binh, và được phân công làm đội trưởng vì xếp hạng học tập rất tốt. Tôi vốn là một nhà lãnh đạo bẩm sinh. T đã thực hành trước ở nhà rồi. Trong những năm tháng đó, đối với tôi, học làm một người bạn cách mạng là tất cả. Hồng vệ binh đã chỉ cho chúng tôi biết phá hủy thế nào, tôn thờ thế nào. Họ nhảy từ các cao ốc xuống để tỏ lòng trung thành với ông Mao. Có nghĩa cái chết thể xác chẳng là gì, nhẹ như lông hồng. Chỉ khi chết vì nhân dân, cái chết ấy mới nặng hơn núi. Bố mẹ tôi không bao giờ nói chuyện chính trị ở nhà, không bao giờ phàn nàn về lao động được phân công. Năm 1971, bố tôi không còn là giảng viên đại học nữa. Ông được đưa xuống một xưởng in như một thư ký phụ việc. Mẹ tôi, dẫu có bằng đại học tổng hợp, cũng bị đưa tới làm việc tại một xưởng đóng giày. Đó là yêu cầu chính trị với mỗi ai muốn trở thành thành viên của giai cấp công nhân, chủ xí nghiệp của bà nói vậy. Đảng gọi đó là chương trình cải tạo. Bố mẹ tôi rất khổ vì những nghề này nhưng vẫn cư xử đúng mực là vì chúng tôi, bởi nếu bị phê phán tất sẽ ảnh hưởng đến tương lai của chúng tôi. Mẹ tôi không khéo nhập vai kẻ không phải chính mình. Các đồng nghiệp của bà nói rằng bà vụng về về chính trị. Một hôm bà được giao viết trên nền giấy khẩu hiệu: "Kính chúc Mao chủ tịch vạn thọ vô cương", bà lại viết "Mao chủ tịch vô thọ vô cương". Tiếng Trung Quốc "vạn thọ vô cương" nghĩa là "sống vạn năm, không bao giờ chết", vậy còn chữ "vô" trong đó. Mẹ tôi nhầm đảo chữ "vô" lên, và trở thành "vô thọ, vô cương" (không thọ, không chết). Bà bảo, thật là một tai họa. Lúc được giao làm việc đó, bà đang bị một cơn đau đầu dữ dội. Bà không được nghỉ ngơi và huyết áp tăng cao. Bà không hiểu tại sao lại viết nhầm như vậy. Bà thú nhận vẫn luôn yêu ông Mao cơ mà. Bà bị phê phán tại cuộc mit-tinh chính trị hàng tuần. Mọi người trong quận đều phải tham dự. Họ nói bà có chủ định xấu. Phải xử lý bà như một tội phạm. Mẹ tôi không biết phải lý giải cho mình như thế nào. Bà không biết làm thế nào. Tôi phác thảo bản tự phê cho mẹ tôi. Tôi mới mười hai tuổi. Tôi nói Mao chủ tịch đã dạy phải cho phép quần chúng sửa chữa lỗi lầm. Đó là cách học tập chủ nghĩa cộng sản vĩ đại duy nhất. Một khuyết điểm của người vô tội không phải là một tội lỗi. Nhưng khi kẻ vô tội không được phép sửa lỗi của mình thì đó là tội lỗi. Không vâng theo lời dạy của Mao là một tội lỗi. Mẹ tôi đọc bản thảo của tôi tại cuộc mit-tinh tại xưởng của bà và bà được miễn tội. Mẹ tôi về nhà và nói rằng bà thật hạnh phúc vì có đứa con tinh khôn như tôi. Nhưng ba tuần sau bà lại bị bắt. Bà đã dùng mẩu báo có ảnh ông Mao trong nhà vệ sinh. Những năm đó, chúng tôi dùng báo trong nhà vệ sinh, vì hiếm người có đủ tiền mua một cuộn giấy vệ sinh. Mẹ tôi xuất trình giấy chứng nhận của bác sĩ ra trước cuộc mit-tinh quần chúng. Giấy chứng nhận lúc sự cố xảy ra, huyết áp của mẹ tôi tăng cao. Lần nay bà không được tha. Bà bị đưa đi cải tạo lao động tại một xí nghiệp làm ủng cao su. Mỗi đôi nặng 4 kg rưỡi, công việc của bà là tháo ủng khỏi khuôn. Tám tiếng một ngày, tối đến về nhà, bà thường suy sụp. Bước qua ngưỡng cửa là bà buông mình xuống ghế. Bà ngồi đó, bất động như thể bất tỉnh. Tôi thường sai Hoa lấy khăn ướt và chậu nước, San lấy quạt nan, Chính Vũ lấy một tách nước còn tôi đi tháo giày cho mẹ. Rồi chúng tôi cùng im lặng đợi mẹ tỉnh lại mới bắt đầu công việc phục vụ. Mẹ thường mỉm cười sung sướng để mặc chúng tôi hầu bà. Tôi lấy khăn ướt lau lưng. Hoa quạt, san vò lại khăn đưa cho tôi, còn Chính Vũ thay nước, vào những lúc ấy, chúng tôi thường nghe tiếng bước chân của bố ở cầu thang. Chúng tôi thường ngóng ông mở cửa và tạo một vẻ mặt vờ vĩnh. Chúng tôi thường hết sạch lương thực lúc cuối tháng và trở thành những con thú đói. Đói quá, một lần San Hô bới được một chai thuốc viên từ nhà vệ sinh, nhai luôn những viên chống táo màu hồng. Nó tưởng là kẹo. Liền bị ỉa chảy. Chính Vũ nhai vỏ cây và hạt bới trong thùng rác ngoài phố, Hoa và tôi uống nước trừ chờ qua ngày cuối tháng. Mẹ tôi hàng tháng được lĩnh lương vào mồng 5. Ngày đó chúng tôi thường đợi mẹ về tận bến xe bus. Cửa xe mở, mẹ tôi xuống xe mặt rạng rỡ, chúng tôi chồm lên mẹ như lũ khỉ con. Mẹ thường dẫn chúng tôi vào của hàng bánh gần đó, đánh một bữa thật no. Chúng tôi ngốn cho đến khi bụng căng như quả dưa hấu. Nhưng lúc đó mẹ là người hạnh phúc nhất thế gian. Đó là ngày duy nhất trông mẹ không ốm yếu. Bố tôi không biết khâu giày, nhưng ông vẫn khâu giày cho tất cả chúng tôi. những đôi giày bố khâu trông như những con thuyền nhỏ, hai thành vểnh lên, bởi đế mua thường quá nhỏ để ghép má giày. Ông dùng tuốcnơvít, dùi và khâu lại với nhau. Mỗi chủ nhật ông phải sủa giày cho chúng tôi, các ngón tay băng kín vải. Ông khâu mãi cho đến khi tôi và Hoa học được cách khâu giày bằng giẻ rách. Một hôm, mẹ tôi về nhà, đem theo nhiều lọ thuốc viên. Bà từ bệnh viện về. Bà bị lao và được bảo ở nhà và phải đeo khẩu trang. Bà bảo mắc bệnh như vậy cũng dễ chịu vì cuối cùng bà cũng được nghỉ ngơi cùng gia đình. Tôi trở thành phần tử Mao tích cực trong quận và chiến thắng trong các cuộc thi vì tôi có thể đọc làu làu cuốn sách đỏ nhỏ (Tiểu Hồng thư). Tôi trở thành người hâm mộ kinh kịch. Các loại hình giải trí chẳng có được bao nhiêu. Từ "giải trí" bị coi là một từ tư sản bẩn thỉu, kinh kịch thì khác hẳn. Nó là hình thức thể hiện vô sản. Kinh kịch cách mạng đều do Mao phu nhân, đồng chí Giang Thanh sáng tác. Yêu hay không yêu kinh kịch, là một thái độ chính trị nghiêm trọng, có nghĩa, là hoặc không phải là một người cách mạng. Kinh kịch được dạy trên các sóng phát thanh và trong nhà trường, và được các tổ chức trong quận khuyến khích. Mười năm liền, vẫn những vở đó. Tôi nghe kinh kịch trong khi ăn, khi đi và khi ngủ. Tôi lớn lên cùng kinh kịch. Chúng trở thành tế bào sống của tôi. Tôi trang hoàng tiền sảnh bằng những tấm quảng cáo và những nhân vật kinh kịch tôi hâm mộ. Đi đâu tôi cũng hát kinh kịch. Mẹ tôi thấy tôi hát cả trong mơ. Bà nói tôi bị kinh kịch ướp xác. Đúng là như vậy, suốt ngày tôi sẽ vẩn vơ nếu không có kinh kịch. Tôi áp tai vào máy thu thanh để hình dung ra hơi thở của các ca sĩ. Tôi bắt chước họ. Một đoạn solo có tên là: "Tôi sẽ không rời trận chiến này cho đến lúc tất cả lũ súc sinh bị giết", do Lý Thiết hát, một tính cách thiếu niên trong vở "Đèn lồng đỏ". Tôi thường không ngừng hát đoạn đó cho đến khi tôi thấy thanh quản đau. Rồi tôi lại đẩy giọng hát tới đoạn cao nhất: Cha tôi là một cây thông, ý chí kiên cường Một anh hùng bất khuất, một người cộng sản chân chính Tôi theo cha, Bước tới theo cha không hề do dự Tôi giương cao chiếc đèn lồng đỏ Ánh sáng dẫn đường tôi Tôi theo cha đánh loài thú dữ Thế hệ tôi và thế hệ sau… Tôi có thể thuộc làu làu tất cả tác phẩm nhạc kịch của những vở: Hồng đăng, Dùng mưu chiếm Hổ sơn, Đầm Sha-ja, Hải cảng, Tập kích trung đoàn Bạch Hổ, Trung đội nữ Hồng quân, Bài ca Long Giang. Cha tôi không chịu nổi tiếng rên rỉ ầm ĩ của tôi theo máy thu thanh. Ông luôn hét lên: - Mày đang tự treo cổ trong bếp đấy à?