- 37 -
CÁI TỔ CHIM

Chắc anh có lần quan sát cái tổ chim và tấm tắc khen cái công trình tỉ mỉ, công phu của loài chim chóc. Tha, nhặt từng cọng cỏ, mảnh rêu, chiếc lá để đan kết thành chiếc tổ vừa ấm áp vừa xinh xắn phải chăng đó là một công trình đáng khen ngợi?
Ai cũng phải chịu rằng loài chim biết cần cù làm việc thật, nhưng có ai nhận rằng loài chim biết HOẠT ĐỘNG? Con chim chỉ biết làm công việc theo bản năng. Công trình của nó thiếu tính cách SÁNG TẠO. Nó chỉ biết làm công việc mà không biết HOẠT ĐỘNG. Bằng cớ: Cái tổ chim vòng vọc năm nay chẳng khác gì cái tổ chim vòng vọc 500 năm về trước.
Loài người có khác: Từ những hang đá tối tăm, ẩm thấp đến những tòa nhà chọc trời sáng sủa, cao ráo, cái “tổ” của con người không biết đã thay đổi bao nhiêu lối, bao nhiêu kiểu. Và mỗi lần thay đổi là mỗi lần cái “tổ” của con người thêm tiện nghi, thêm tinh xảo, thêm mỹ thuật. Vì con người chẳng những biết làm theo bản năng mà còn biết làm việc một cách có ý thức, làm việc với khối óc thông minh để luôn luôn SÁNG TẠO ra một cái gì mới mẻ, để tiến bộ con người đã biết HOẠT ĐỘNG.
HOẠT ĐỘNG tức là SÁNG TẠO. Đó là một nguyên tắc khác trong phép hành động. Công việc nào của chúng ta làm mà có sáng tạo ra một cái gì đó mới mẻ, có đem lại một sự cải thiện nào trong ngành hoạt động của chúng ta, công việc ấy mới đáng gọi là HOẠT ĐỘNG. Bàn về phép hành động, một nhà văn đã viết: “Hoạt động là phá cái thăng bằng sẵn có. Ví dụ: Trong khi bao nhiêu người phải đi vòng quanh núi, thả theo dòng sông, thì ta đục hầm xuyên núi hoặc đào kênh đi tắt”.
Như thế những người chỉ biết làm việc một cách máy móc, những người chỉ biết bắt chước mà không biết SÁNG TẠO đều không thể cho rằng mình đã HOẠT ĐỘNG.
Có lẽ anh vặn hỏi: “Nói thế thì ta chỉ có những bậc nhân tài xuất chúng như Descartes, Khổng Tử, Taylor, Pasteur, Bửu Hội, Marconi hay J. Watt có để lại cho nhân loại một học thuyết nào, một công trình sáng chế gì mới đáng gọi là HOẠT ĐỘNG, còn những tay thợ vô danh làm việc trong xưởng máy, những viên chức mỗi ngày chỉ biết cặm cụi trong góc phòng, làm gì có đủ điều kiện, có dịp để HOẠT ĐỘNG theo ý nghĩa nói trên?”.
Đó là do anh hiểu nghĩa của chữ SÁNG TẠO một cách quá sát. SÁNG TẠO nói ở đây không phải là một công trình sáng chế tân kỳ, một học thuyết cách mạng.
Một dụng cụ dù có người sáng chế rồi, những người thừa hưởng dùng nó rất có thể tạo thêm những bộ phận mới để nó đặng hoàn thiện. Một công việc đã có người làm rồi, những người đi sau vẫn có thể tạo ra một phương pháp làm mới hay hơn. Không nói địa hạt tư tưởng, khoa học hay nghệ thuật, hãy lấy ngay những công việc hết sức tầm thường trong đời sống hằng ngày: Lối viết một bức thư mua bán, vặn một cái đinh ốc, rửa một cái bát, bán một món hàng đều có một người HOẠT ĐỘNG tìm ra một cách làm hay hơn, tiện lợi hơn.
Hiểu một cách rộng rãi như thế thì bất luận một người nào, dù ở địa vị nào nào, ở trình độ nào miễn là tiêm nhiễm tinh thần “đắc lực” là những người luôn luôn hành động để đến chỗ hoàn thiện, luôn luôn cố gắng để làm hơn, đều có dịp thi thố sức HOẠT ĐỘNG  của mình.
Còn nếu anh nghĩ rằng: chỉ có những bộ óc siêu phàm, những nhà bác học mới có thể SÁNG TẠO thì cũng lầm nốt.
Tôi có thể dẫn những bằng chứng sau đây:
Không phải một kỹ sư xuất thân trường nghệ nghiệp đã sáng tạo ra chiếc máy in hồi chuyển mà chính là một người thợ máy in: Ông Hippolyte Marinoni.
Không phải một y sĩ xuất thân trường đại học y khoa đã tìm ra thuốc trị bệnh chó dại mà là một giáo sư: Ông Louis Pasteur.
Không phải những kỹ sư xuất thân trường bách khoa đã cầm đầu ngành kỹ nghệ ô tô Mỹ mà chính là những tay thợ máy như H. Ford Chrysler.
Không phải những người xuất thân trường đại học thương mãi đã sáng tạo ra những hiệu buôn to nhất ở Paris như “Au bon Marché”, A la Samaritaine” mà là những người đứng bán hàng tầm thường như vợ chồng ông bà André Boucicaut, hoặc vợ chồng Cognacq-Jay.
Không, một khi anh BIẾT và MUỐN HOẠT ĐỘNG thì dù ở trình độ nào hoặc địa vị nào anh cũng có thể HOẠT ĐỘNG.