MỘT NGÀY CUỐI NĂM

Xuân về!
Những mầm cây cựa mình run rẩy. Gió thổi hiu hiu, dịu dàng, vuốt ve chiều chuộng. Mưa bay rất khẽ, từng hạt bụi sương lướt nhẹ qua đầu. Cây đào trơ trụi suốt mùa đông giá lạnh, cái cành khẳng khiu trồi mấu rồi nhú lên vài mầm xanh bên nụ hoa màu hồng nhỏ xíu. Không gian rộn ràng hơn khi bầy chim về hót. Trên sườn núi áo váy được giặt phơi nhìn giống những cánh bướm sặc sỡ nhiều màu sắc đang xập xoè bay lượn. Vài nhà đã thịt lợn tết, họ mời xóm làng đến ăn một bữa thật vui, số còn lại được treo gác bếp để ăn dần.
Cứ sau mùa vụ, khi những bắp ngô đã về nằm trên gác, công việc nương rẫy đã cạn là lúc người Mông ăn tết. Tết của người Mông mỗi nơi một khác, kéo dài từ đầu tháng chạp đến sau tết. Có nơi ăn tết lần lượt theo họ, có nơi ăn tết lần lượt theo các gia đình trong họ.
Tết của người Mông là một ngày hội, những cuộc chơi, những buổi hẹn hò. Người già nhớ về một thời trai trẻ, hướng về tổ tiên dòng họ. Người trẻ kiếm tìm tương lai, hướng tới một ngày mai tốt đẹp hơn, khát khao một tình yêu lớn, một cuộc sống vẹn nguyên hai chữ hạnh phúc.
Lễ hội năm nay nghe đâu khác hẳn với mọi năm, lần đầu tiên Uỷ ban xã đứng ra tổ chức, các trò chơi như đánh yến, đánh cù, ném pao,... mọi năm chỉ là trò bày ra chơi cho vui năm nay còn có giải thưởng đem về nữa. Các điệu múa, bài khèn, lời hát giao duyên,... là tiết mục để các xóm đua tài với nhau...
Sình rủ tôi đi huyện chơi, nghe nói có đoàn nghệ thuật ở dưới xuôi lên biểu diễn mấy ngày. Bọn thằng Sèo rủ tôi đi khám phá phía trong khoảng tối của Thác Tiên. Thằng nào cũng nói những lời hay lời ngọt để tôi đi cùng. Tôi chưa biết phải từ chối chúng như thế nào. Bố tôi đang ốm nằm trong nhà, mẹ tôi đến giúp bà ngoại tôi dọn sang ngôi nhà mới, tôi không thể đi đâu lúc này.
Bọn chúng ra về với sự thất vọng hiện rõ trên nét mặt, "Sẽ còn rất nhiều dịp khác để cả bọn cùng đi chơi", tôi nói vậy không đứa nào nói thêm nữa, chúng đã hiểu được lý do. Bọn chúng đi rồi tự nhiên nỗi buồn không biết từ đâu kéo đến xâm chiếm lòng tôi.
 
°
Buổi học cuối cùng của năm cũ hơi ồn ào, chẳng có mấy đứa để tâm đến bài vở, chúng đang nghĩ tới những ngày vui sắp tới. Cô giáo hôm nay dễ tính không kỷ luật những đứa lắm lời. Thời gian chậm chạp trôi.
Ra chơi, tôi tha thẩn một mình đi về phía hàng cây cuối sân trường, mùi thơm từ hoa lá thoảng bay nhè nhẹ. Một cơn mưa mỏng chợt đến, chợt đi rất nhanh làm tôi vừa kịp nhận ra đã vội tan biến giữa đất trời. Một cơn gió tràn tới, mùi rượu ngô nhà ai đang cất toả bay ngào ngạt. Thằng Sình vỗ vào vai làm tôi giật mình, đúng lúc đó thằng Sùng ào đến, trống báo vào lớp.
Cô giáo dặn dò cẩn thận lũ học trò trước khi nghỉ tết. Gớm, sao mà chúng nó ngoan thế, đứa nào cũng luôn mồm "vâng ạ!". Và tôi dám chắc rằng những đứa to mồm nhất kia là những đứa chóng quên nhất. Vừa nghe cô nói xong chúng đã quên mất gần nửa, ra đến cửa lớp chúng chẳng còn nhớ gì nữa.
Trống tan trường. Vỡ oà sự náo động, rồi nhanh chóng tan về khắp nẻo, sân trường lại yên vắng một mình. Ngôi trường buồn lặng lẽ. Mưa bụi lất phất bay từng lớp nối đuôi nhau là là trên mặt đất. Tôi lững thững đi về nhà, lòng cô đơn đến lạ. Mưa dày hơn. Gió lạnh nghiêng nghiêng thổi. Con đường loang loáng ướt.
 
°
Chiều.
Trời không mưa nhưng xám ngoét. Gió thổi vẫn đầy hơi lạnh. Cây đào đã bung vài cánh hoa. Cái màu hồng mỏng manh ấy đang run lên trước cơn gió lạnh. Vẫn còn vô khối cành khẳng khiu mới trồi lên những mấu. Còn hai chiếc lá không biết có phải từ xuân trước đang cố bấu víu vào cái cành đã già nua cằn cỗi, mỗi đợt gió thổi lại bạt đi, chỉ mạnh chút xíu nữa thôi sẽ lìa cành. Những chồi non mơn mởn đầy sức sống đang xoè ra ngay cạnh đó.
- Mơ mộng quá!
Tôi quay lại gặp ánh mắt thằng Sùng, cái nhìn của nó có gì là lạ. Tôi chưa kịp hỏi câu nào thì nhìn thấy cô giáo và thằng Sình đang đi vào vào từ đầu ngõ. Tôi vội trở về và mời cô giáo vào nhà. Cô đặt gói quà lên bàn. Bố tôi ngồi nhỏm dậy.
- Cảm ơn cô giáo đã đến nhà, mang quà làm gì, chỉ cần đến chơi thôi...
Cô giáo vội nói:
- Nghe tin anh ốm, em tới thăm. Anh đã đỡ tí nào chưa ạ?
- Đỡ rồi! - Bố nói. - Khỏi đến nơi rồi ấy chứ, cái thuốc của y sĩ Kiên tốt thật đấy.
Mẹ tôi đi lấy rau về thấy cô giáo đến chơi, vui quá bỏ bó ngồng cải ngoài cửa vào nhà ngồi nói chuyện. Câu chuyện kéo dài từ chuyện chồng con của cô giáo đến chuyện làm nương, dựng nhà, lễ hội,bánh trái, bếp núc, tết nhất,... Không ngờ cô giáo là người Kinh mà lại biết nhiều về phong tục của người Mông đến thế. Bố mẹ tôi nói chuyện với cô giáo nổ giòn như rang ngô trên bếp...
- Chơ ơi, về đây cô bảo.
Bỗng cô giáo gọi tôi lại gần.
- Thấy em thích đọc sách cô cho mượn cuốn này, đọc hay lắm, tri thức nhân loại phần nhiều đến từ sách vở, thích đọc sách là một điều tốt.
- Dạ. Em cám ơn cô ạ!
Tôi đáp rồi đón lấy quyển sách từ tay cô. Lần đầu tiên tôi được cầm trong tay một quyển sách dày và đẹp đến vậy. Sùng và Sình ngồi sát lại bên cạnh. Tôi đặt cuốn sách lên đùi, hàng chữ mạ vàng trên nền bìa màu nâu: "Truyện cổ các dân tộc Việt Nam". Sùng đưa tay rờ lên mặt chữ.
- Đẹp thật đấy! - Nó suýt xoa. - Lúc nẫy thấy cô giáo cầm tao cứ tưởng là hộp bánh, sao nhìn thấy giống thế.
- Mày thì suốt ngày nghĩ đến ăn. - Sình nói.
- Dễ mày không ăn mà sống được chắc. - Sùng cãi lại.
Mẹ bảo chúng tôi đem sách ra ngoài hè, trời sáng dễ xem hơn. Cả ba thằng chạy tót ra sân. Chúng tôi ngồi chụm đầu lại đọc. Một thế giới đầy mầu sắc huyền thoại hiện ra, cái thiện luôn thắng cái ác dù trong cuộc đấu tranh sinh tồn ấy nó luôn phải chịu muôn vàn khổ cực. Cuối cùng cái thiện cũng đến được thiên đường hạnh phúc.
Bất giác tôi thấy câu chuyện vừa đọc có cái gì đó giống với thời tiết lúc này đến thế, mùa đông héo úa dẫu có dài dằng dặc rồi cũng phải đi qua để mùa xuân tràn về, cây cối cằn cỗi rồi cũng đến ngày đâm trồi nảy nở những mầm xanh./.

Xem Tiếp: ----