Trước ngõ nhà bác Gái có một cây sầu đông. Đó là một cây sầu đông bình thường, không có gì đặc biệt. Nó đã già. Cao lớn và luôn rụng lá. Bác Gái kể: Trước đây có những ba cây sầu đông cơ. Nhưng mấy năm trước, không hiểu vì sao một cây tự nhiên trút lá rồi lặng lẽ chết khô. Không lâu sau, một cây nữa cũng thế. Chỉ có cây này là vẫn còn tồn tại.Ba mẹ con Miên sống nhờ nhà vợ chồng bác Gái. Bác Gái là chị ruột của mẹ Miên. Phòng ở tầng hai, có hai cửa sổ. Một trông ra vạt cỏ dại um tùm và dòng sông mềm mại xa xa. Một trông ra cây sầu đông trước ngõ. Hằng ngày, hễ cứ đi học về là Miên chui tọt vào phòng làm cái gì đó vớ vẩn.Thường thường chỉ ngồi chống cằm trông ra cửa sổ. Hết ngắm mây bay lại trông gió thổi. Cả dãy phố dài dọc quốc lộ, chỗ nào cũng thấy lô nhô những ban công. Mái tôn và biển hiệu chìa ra. Cây xanh chuộng mỗi hai loại: Dâu da xoan và trứng cá. Hai loài cây ấy một cho hoa thơm, một cho trái ngọt và bóng mát. Duy có cây sầu đông trước ngõ nhà bác Gái là không hoa cũng chẳng quả, lại to lớn kềnh càng, án ngữ ngay trước cửa hiệu may luôn luôn đông khách của bác Gái. Miên luôn ngắm cây và tự hỏi: Bao nhiêu cái tên đẹp đẽ trên đời, sao tên nó lại là sầu đông.Miên sống thu mình, khép kín trong vỏ ốc ký ức về một tuổi thơ buồn bã. Nhiều nhất là những kỷ niệm đẹp hiếm hoi hồi ba Miên còn sống. Đầu ngõ nhà nội Miên cũng có một cây gạo rất to. Tháng ba, tháng tư hoa gạo nở đỏ rực, rụng đỏ gốc.Ba Miên bảo: "Hoa gạo còn có tên là Mộc Miên. Ba đặt cho con tên là Mộc Miên là mong con sau này có đi đâu xa vẫn luôn nhớ về quê nhà"… Hồi Miên chín tuổi, ba bệnh nặng, bao nhiêu tiền của trong nhà đều dốc hết, mong cứu được ba. Nhưng ba đã không ở lại. Ít lâu sau nhờ sự giúp đỡ của bạn bè, mẹ Miên sang Nga lao động, những mong kiếm tiền được sẽ cứu vãn kinh tế gia đình và nuôi Miên ăn học.Mấy năm mẹ vắng nhà, Miên luôn bị lãng quên trong đại gia đình chi chít trẻ con của nhà bác, nhà chú, nhà cô. Bà nội Miên già yếu, yêu thương các cháu không xuể. Bao nhiêu tiền mẹ Miên gửi về, các bác, chú, cô vay nợ, mua sắm hết. Cho đến một ngày mẹ Miên trở về, bế theo bé Tư Khoa… Thế là người ta lên án mẹ. Đuổi mẹ Miên đi…Hôm mẹ con Miên dọn đến ở nhờ nhà bác Gái, trời rất đẹp và trong trẻo. Bác trai là người hăng hái nhất trong việc bê vác những thứ lỉnh kỉnh, đồ đạc lên phòng. Mẹ Miên ái ngại: "Làm phiền anh chị thế này thật không phải". Bác trai xua tay: "Dì sao lại nói thế? Chị em trong nhà không đùm bọc nhau thì đùm bọc ai".Mẹ Miên cùng làm việc với bác Gái ở hiệu may. Hiệu may lúc nào cũng ồn ào tiếng máy chạy trên vải, tiếng nói cười và cả những tiếng phàn nàn, những lời giải thích. Miên ghét âm thanh đó. Miên cũng ghét những tiếng khóc váng nhà, những tiếng cãi cọ chí chóe, tiếng oóc-gan ầm ĩ của Vy Nhi những giờ tập đàn và cả những tiếng lầm bầm chửi rủa vô cớ của bác trai… nên Miên thường muốn nhốt mình trong căn phòng ở tầng hai, nơi có những ô cửa sổ mây bay và gió lộng.Bác trai luôn phàn nàn: "Con gái 14, 15 tuổi đầu rồi mà lười chảy thây. Chẳng động tay vào việc gì. Ngữ ấy chỉ có mà đi ăn mày. Mà có đi đệ tử cái bang còn không cho nhập cuộc ấy chứ…". Thế là mẹ Miên lại rơm rớm nước mắt: "Con à. Mình thân phận ở nhờ người ta, con phải chăm chỉ, biết việc mà làm chứ". Miên ấm ức: "Nhưng bác ấy đâu có cho con đụng vào việc gì. Con lau nhà, bác ấy bảo: Nhỡ ai trông thấy lại bảo bác ngược đãi cháu. Con nấu cơm thì bác bảo: Ngoài bác nấu ra thì ai nấu bác cũng không ăn được. Con xem tivi thì bác bảo: Điện đâu mà suốt ngày xem xét…". Thế là hai mẹ con lại khóc ròng trong bóng tối.Cả nhà chỉ duy nhất có Hào - con trai cả của hai bác - là bênh Miên. Bác trai phàn nàn về Miên, anh cự lại: "Thì bố có cho em ấy làm việc gì đâu mà em ấy làm? Những hôm bố đi vắng ở nhà em ấy chả dọn dẹp tinh tươm là gì?".Bác trai lập tức trợn mắt, gầm lên: "A… a… thằng này. Tao nuôi mày lớn khôn để mày bênh người dưng, cãi lại tao đấy phỏng?". Và thế là cả nhà lại nháo cả lên. Bác trai ầm ĩ quát tháo, lôi những chuyện rất trời ơi đất hỡi ra chửi bới. Vy Nhi thản nhiên ngồi vào đàn luyện ngón. Luyện những ca khúc dở hơi do những cô giáo bày vẽ sáng tác. Bác gái, mẹ Miên bế Tư Khoa đi dạo phố giảm cân.Bác gái động viên: "Thông cảm. Đàn ông ở nhà nội trợ lâu ngày đâm xấu nết. Kệ bác mày đi". Nhưng bao giờ Miên cũng sợ hãi, cun cút đi lên phòng, đóng cửa và ngồi khóc. Cứ thế, những chuyện tương tự xảy ra bao nhiêu lần, Miên không thể nào nhớ được. Và lần nào cũng chỉ có Hào an ủi Miên, luôn đợi Miên khóc xong là mang cho Miên cái gì đó để ăn, chơi, hay kể chuyện tiếu lâm cho Miên cười. Hào hơn Miên ba tuổi, có phong thái của một super baby. Một đôi mắt, một nụ cười vừa trong sáng vừa mê hoặc…Thi thoảng Miên lại hỏi mẹ trong đêm tối: "Bao giờ mẹ con mình chuyển đi hả mẹ?". Mẹ Miên trả lời: "Cố gắng lên con ạ. Không lâu nữa chúng ta sẽ mua nhà". Miên không bao giờ coi lời mẹ nói là một lời hứa. Chỉ như một lời an ủi để Miên tưởng tượng về một ngôi nhà tương lai. ở đó có mẹ con Miên và cả Hào nữa. Miên sẽ trồng ở ngõ một cây gạo để tưởng nhớ ba. Sẽ trồng một cây sầu đông để Hào ngồi dưới gốc cây kể cho Miên nghe về những con đường…Một hôm Hào mang ở đâu về một con chim xấu xí nhốt trong lồng và bảo: "Của bạn anh đấy. Nhà nó chuyển đi Hà Nội. Vì con chim này quá ồn ào, nó sợ hàng xóm mới phàn nàn nên bỏ lại. Anh mang về cho em nuôi, đỡ tội". Con chim cứ trông thấy người là nhảy choi choi và kêu choe chóe. Miên sợ sự ồn ào của nó sẽ khuấy động không khí ít bình yên ở ngôi nhà của bác Gái. Nhưng lại thương con chim nhỏ bị bỏ rơi…Hào động viên: "Nếu bố anh có mắng, em cứ nói là của anh nuôi…". Hào có giọng nói dịu dàng. Đối với Miên, giọng nói ấy còn uy lực đến nỗi, khi nó vang lên, thì dù có đang làm việc gì Miên cũng nín thở lắng nghe để rồi bao u uẩn trong lòng trở nên nhẹ bẫng.Từ ngày mẹ Miên đến làm việc ở hiệu may, nhà bác trai bỗng dưng đông khách hẳn. Toàn là những ông bạn khề khà, thích nói chuyện chính trị. Và bác trai, tự lúc nào, rất thích mang mẹ Miên ra giới thiệu với họ. Như thể mẹ con Miên là một gánh nặng không đừng được và bác phải có trách nhiệm lo lắng. Bác rất khoái khi nghe Tư Khoa gọi họ là "bố". Bao giờ họ cũng phá lên cười vui vẻ… Có một hôm: Một người đàn ông cao lớn, râu ria rậm rạp gần như đâm sầm vào Miên ở ngưỡng cửa. Miên nhảy lùi lại sau hai bước, trừng trừng nhìn ông ta, trong khi đó ông râu rậm lại nhìn và cười thân thiện. Bác trai giới thiệu: "Con gái đầu của dì Loan đấy. Miên. Chào bố cháu đi!"."Dạ?". "Thì cứ chào đi. Đằng nào chẳng phải gọi bằng bố!". Hiểu ra kiểu đùa tàn nhẫn của bác trai, Miên lí nhí: "Cháu chào chú". Rồi lục cục leo lên tầng hai. Bước chân Miên vừa đặt qua ngưỡng cửa thì ở nhà dưới, giọng bé Tư Khoa trong trẻo: "Bố ơi…". Tự nhiên chân tay Miên bủn rủn. Miên ngồi thụp xuống đất, ôm mặt."Sao thế Miên?" - Giọng nói ấm của Hào vang lên bên tai. Vì giọng nói ấm mềm này mà Miên òa khóc. "Đừng vì những chuyện vặt vãnh mà phải khóc em ạ…" - Giọng Hào thì thầm. Rồi Hào đứng bên cửa sổ, trông ra cây sầu đông trước ngõ: "Như cây sầu đông này ấy. Ngày trước có những ba cây kia. Nhưng hai cây đã chết. Chỉ có cây này biết vượt qua tất cả nên sống sót. Ngày xưa, ba cây đó lớn lên bên nhau rất hòa thuận. Thế rồi chúng lại đem lòng yêu nhau. Cây này yêu cây kia. Cây kia lại yêu cây khác. Cây khác lại yêu cây này… Vì mỗi cây đều đem trong lòng mối sầu tương tư và đau khổ nên một trong ba cây ấy chết. Nó nghĩ: Nếu nó chết đi thì hai cây kia sẽ hạnh phúc. Nhưng nó không ngờ cái cây yêu nó cũng vì quá đau khổ nên chết theo. Chỉ duy có cây này là không chết, ngay cả khi người ta vì nó mà chết. Người ta bảo nó là Sầu Đông vô tình em ạ…".Miên biết là Hào bịa chuyện. Đó chỉ là câu chuyện Hào tưởng tượng ra hay đã đọc ở đâu đó một câu chuyện tương tự. Dù vậy mỗi lần nhìn cây sầu đông xào xạc, Miên lại tự hỏi mình: "Nếu phải lựa chọn như cây sầu đông, Miên biết chọn gì đây?".Thi thoảng mẹ Miên lại có cuộc hẹn hò công khai. Đó cũng là mong mỏi của bác trai và bác gái. Hình như hai bác luôn nghĩ chỉ có thể dựa vào ai đó, mẹ con Miên mới có một ngôi nhà. Miên cũng biết có nhiều khả năng mẹ sẽ kết hôn với người nào đó. Mẹ còn trẻ, lại đẹp. Không ít người đến hiệu may chủ yếu để ngắm mẹ. Miên cũng biết mẹ chẳng hy vọng gì ở bố Tư Khoa.Người đàn ông xa lắc miền tuyết trắng, nên đã từ lâu lắm Miên không hỏi mẹ: Bao giờ chú ấy về đón mẹ? Vì sao chú ấy không viết thư? Bởi vì Miên biết mẹ sẽ lại trả lời: "Chú ấy thích nghĩ về mẹ hơn là viết thư cho mẹ...". Miên không hiểu những điều xa xôi ấy. Và ngay cả điều ấy cũng đã mãi là một điều xa xôi. Hào rủ rỉ: "Em có biết khi yêu tại sao người ta lại đau lòng không? Vì thần Cupid trao tình yêu cho con người bằng những mũi tên bắn vào trái tim. Nên thường thì tim sẽ đau...".Thực ra, mỗi lần mẹ Miên hẹn hò cùng ai đó Miên lại nhớ ba da diết. Miên thường rấm rứt khóc vì thương ba. Vì cảm giác mẹ phản bội ba. Miên luôn mong bất hạnh sẽ đổ lên đầu họ. Nhưng rất lạ lùng: Mỗi khi mẹ đứng trước Miên, mắt mẹ nâu thẫm buồn bã, đôi vai nhỏ trùng xuống là trong Miên chỉ còn lại nỗi xót thương không bày tỏ được.Cứ vậy, cuộc sống của cô bé 15 tuổi là Miên luôn thu mình lại trong cái vỏ ốc đơn độc, luôn cảm thấy hụt hẫng, lo sợ... Và Hào là một cơn gió dịu dàng. Một cơn gió để Miên luôn muốn mau chóng được về nhà dù toàn vấp phải những lời mai mỉa khó chịu của bác trai. Miên trân trọng hơn khi chạm vào những đồ vật từng in dấu tay Hào. Khi nhận ra, mình đã cẩn thận ngắm nghía, và vuốt ve lâu hơn khi gấp quần áo cho Hào... thì Miên cũng biết trái tim non nớt của Miên sắp phải chịu đựng một niềm đau vô vọng. Bác trai luôn nhìn Miên rồi cười lục khục. Có dịp là bác lắc đầu: "Tao chưa thấy ai lầm lì như con bé này. Trẻ con thì phải hồn nhiên, tươi cười vui vẻ, nó thì suốt ngày như nhà có người chết".Bác gái có ý bênh Miên: "Hay là nó mắc bệnh trầm cảm. Bây giờ người mắc bệnh này nhiều lắm đấy". Bác trai trề môi: "Có quái gì mà trầm với chả cảm? Chỉ việc ăn với học, chẳng phải lo nghĩ gì. Tao mà được thế, tao hát cả ngày ấy chứ". Thế là bác gái vội vàng hỏi chuyện Miên. Bác lo ngại: Người mắc bệnh trầm cảm thường hay tự tử lắm...Miên nhớ những ngày mẹ đi vắng, ngày nào Miên cũng bị các bác dâu, các thím mắng mỏ vì vô số nguyên nhân mà chính Miên cũng không hiểu nó từ đâu tới. Bà nội thì không đủ sức bênh Miên. Thế là Miên từng nghĩ đến ba Miên ở chốn thiêng đường. Trong cô độc, tuyệt vọng, Miên nghĩ đến cái chết. Miên tưởng tượng: Trong đám ma của mình, mọi người sẽ thương tiếc như thế nào. Những người độc ác kia sẽ hối hận ra làm sao. Còn Miên và ba thì hả hê bay lượn trên bầu trời, nhìn những kẻ độc ác lăn lộn khóc thương. Và mỗi lần hả hê trong tưởng tượng, Miên lại ngủ quên....Con chim nhỏ đột nhiên đổi nết. Nó kêu inh ỏi ngay cả khi chẳng có ai cả. Cái đêm con chim nhỏ bay đi ở cây sầu đông, Miên thức khuya lơ khuya lắc. Trời mưa, phố vắng hoe người. Mẹ Miên lại có hẹn. Lần ấy là cuộc hẹn với chú Bình râu ria. Bác trai ra sức quảng cáo: "Chú ấy tốt lắm. Lại sống độc thân. Mẹ con mày vớ phải vàng mười rồi”. Miên nóng lòng ngóng mẹ. Và mẹ Miên... đã không về trong đêm. Lần đầu tiên trong những cuộc hẹn hò.Cứ đến mùa đông, trời lại đổ những cơn mưa dài ảm đạm. Vì mưa lạnh nên bác trai ít muốn đi lại hơn mà chỉ thích thu mình trong chăn để ngủ. Ngôi nhà cũng đỡ đi những tiếng phàn nàn. Đó cũng là cơ hội để đám bạn của Hào thường lui tới, chui tọt vào phòng riêng hí húi với những trò trên máy tính. Có cả một cô bạn tóc ép xinh đẹp. Hào ít quan tâm đến Miên hơn trước. Miên buồn. Nhưng cũng chỉ biết để nỗi buồn trong lòng. Miên lại dành thời gian để ngắm cây sầu đông trước ngõ. Câu chuyện Hào kể cứ phảng phất quanh Miên.Với Hào, Miên chỉ là cô em gái nhỏ cô độc, đáng thương. Với Miên, Hào lại là cả một khoảng trời mây bay và gió lộng. Miên không sao cắt nghĩa được tình cảm lạ lùng ấy. Miên cũng không dám nói với mẹ, vì Miên biết mẹ sẽ kinh ngạc và đau đớn... Vì tình cảm ấy cứ lớn dần lên, nên Miên đã không còn mong sớm chuyển đi khỏi nhà bác nữa. Lạ thay, Miên còn sợ điều đó hơn cả điều Miên mong mỏi.Nhưng rồi mẹ Miên bảo hết mùa đông ba mẹ con sẽ dọn đi. Mẹ đã mua được một rẻo đất nhỏ ngoài rìa thị trấn. Nơi đó, có một dải đồng lúa xanh ngắt. Cả nhà bác Gái thở phào hơn là vui mừng cho mẹ con Miên. Chỉ có Hào là thành thật: "Nhà rộng thênh thang thế này mà dì đi thì buồn lắm. Cháu đã quen có dì và các em ở đây rồi. Thôi, dì đừng đi dì ạ". Mẹ Miên cười: "Nhà rộng thì cho thuê, có gì mà phải tiếc". Miên lặng lẽ như một cái bóng. Một cái bóng lặng lẽ hơn cả cái bóng của Miên ngày trước. Ngoài ngõ, cây sầu đông trút lá ào ào. Bác Gái nói: "Mỗi năm cây lại rụng lá nhiều hơn".Mẹ con Miên chuyển đến nhà mới còn nồng mùi cát-ximăng và gạch. Cuộc ra đi sớm hơn dự định. Miên đòi mua một cây sầu đông về trồng trước nhà. Bác thợ xây bảo: "Bây giờ không ai trồng sầu đông nữa, nên không mua được cây con". Có lẽ cây sầu đông trước ngõ nhà bác Gái là một trong số những cây sầu đông cuối cùng.Lâu lâu Miên lại đạp xe vào thị trấn thăm gia đình bác Gái. Hào đã đi học xa nhà. Vy Nhi cuối cùng cũng giành được một giải thưởng âm nhạc nho nhỏ ở địa phương. Bác trai vụt trở lại thành một ông bác tốt như ngày đầu xa lắc. Cây sầu đông quanh năm rụng lá. Miên thường đứng lâu ở khung cửa sổ tầng hai, nơi suốt bao ngày nghe cây sầu đông xào xạc câu chuyện tình yêu buồn thảm. Nơi trái tim Miên lắng nghe từng giọng nói, từng bước chân của Hào với nỗi buồn vô vọng. Hào vẫn cứ bảo Miên: "Niềm vui đến, niềm vui lại ra đi. Cuộc sống luôn cần có sự thay đổi. Giống như nghệ thuật cần có sự sáng tạo. Người ta luôn cần cái gì đó khác lạ hơn những thứ bình thường...". Lời của Hào luôn là danh ngôn đối với Miên. Giống như ba Miên, kỷ niệm về ba, về Hào giống như những viên thủy tinh lấp lánh giữa rêu phong ký ức đời Miên...Sau này, mẹ Miên nói với Miên rằng: Mẹ quyết định chuyển đi thật nhanh. Vì Miên không biết rằng có những đêm, trong mộng mị, Miên đã vừa gọi tên ba, vừa gọi tên Hào vừa khóc.Tình yêu cần có sự can đảm để vượt qua. Như cây sầu đông biết tìm được lý do để tồn tại.Nhưng Miên mãi không hiểu vì sao khi yêu người ta thường thấy đau lòng. Miên mãi không hiểu vì sao thần tình yêu lại nhất thiết phải dùng đến cung tên.Hai năm sau ngày Miên chuyển đi, cây sầu đông bị chặt bỏ. Hào kể, khi đốn thân cây, vân gỗ trông giống hệt những trái tim tan vỡ...Miên biết, có lẽ Hào lại bịa chuyện nữa rồi.