ứng trước gương ngắm nghía một hồi rồi lão Nhị Đao mỉm cười bước ra khỏi nhà. Đã thành thói quen, từ ngày về hưu lão thích tản bộ dọc con phố có vô số nhà hàng quán nhậu sang trọng nối tiếp nhau trải dài bất tận vào lúc chiều tà. Hai tay xỏ túi quần, lão vừa thong thả nện gót trên vỉa hè, vừa nghĩ ngợi vẩn vơ... Khi còn đương chức, lão phải sắp xếp "lịch tham dự những cuộc vui" sau tám giờ vàng ngọc làm việc ở cơ quan. Tuy là cấp phó của sở, chỉ được "sờ nội vú", không được sờ lung tung, như mọi người gọi đùa, nhưng lão có uy quyền khiến bao kẻ phải nghiêng mình kính nể! Đề bạt ai, cất nhắc ai, do lão tham mưu. Ý kiến của lão mang tính quyết định. Lão gật, lãnh đạo tỉnh chấp nhận ngay. Còn lão lắc, tất nhiên anh bị liệt vào diện "cần xem xét lại"! Điều đó có nghĩa là, anh đã đánh mất một cơ hội trời cho để tiến thân... Nhận ra lão là người quan trọng nên có không ít "cán bộ choai choai" luôn tìm cách cầu cạnh kết giao... Lão Nhị Đao tản bộ đến cuối phố. Đoạn đường hai cây số đã lùi lại phía sau. Và cánh đồng không mông quạnh mở ra trước mắt. Cố giấu vẻ mặt bẽ bàng thất vọng hiện trên nét mặt, lão Nhị Đao lững thững quay về lại nơi xuất phát. Các nhà hàng quán nhậu sang trọng trong sân ngoài ngõ đều chật cứng xe máy. Có nhiều kiểu dáng xe, biển số xe quen thuộc, nhưng chủ nhân của chúng ngồi ở chỗ nào, lão không nhìn rõ. Còn họ? Liệu họ có trông thấy lão không? Tiếng cười nói ồn ào vọng ra. Và đôi chân cứ xúi lão hãy mạnh dạn bước vào. Nhưng đầu óc tỉnh táo lại can ngăn lão quyết liệt: "Miếng ăn là miếng tồi tàn... Dẫn xác vô, có nghĩa là mi tự biến mình thành nhân vật chính trong chuyện tiếu lâm “Ai kêu tui đó? Có tui đây!". Đấy là chuyện được dân ăn nhậu sáng tác dựa trên thực tế để chửi khéo những kẻ không mời mà tới! Rằng, có anh chàng nọ thích bia bọt rượu chè nhưng lại nghèo kiết xác. Chiều chiều, anh ta lân la đến các quán xá, những mong có ai quen ngoắc vô nhập hội cùng "nâng tửu bôi đả phá thành sầu"! Chẳng có ma nào vẫy gọi! Anh ta đành muối mặt nói to: "Ai kêu tui đó? Có tui đây!". Và anh ta nhận thấy có lỗi với mọi người bởi đến trễ nên tự phạt năm ly khi ngồi vào bàn... Hết quan hoàn dân. Lão Nhị Đao chẳng còn là người quan trọng. Những kẻ được lão o bế để leo lên từng nấc thang danh vọng vội quên công ơn trời bể, coi lão như đồ bỏ đi. Chúng nó nhậu tỳ tỳ, nói cười rổn rảng ở trong kia, không thèm đếm xỉa gì tới lão đang cố tình đi chầm chậm ngoài này. Nếu biết vậy, trước đây lão không gật mà lắc tất tần tật chúng nó cho bõ ghét! Nhưng lão đâu có suy nghĩ được sâu xa mọi nhẽ. Đã bao năm trôi qua, song lão vẫn không sao quên được buổi tối hôm ấy... Cơm nước xong, ông cụ thân sinh bảo lão lên nhà trên có chút việc cần trao đổi. Ông cụ ngồi sát bên cạnh, đưa tay sờ nắn khắp mặt mũi lão và hỏi: "Anh thấy đầu của mình thế nào, có bình thường không?". "Dạ, bình thường! Mà tại sao cha lại hỏi như vậy?". "Anh thấy bình thường, nhưng tôi thấy nó không bình thường vì có hai cái sừng to tướng...". Im lặng một lát rồi ông cụ bảo: "Tôi nói đúng hay sai, anh xem lại vợ anh, khắc rõ!". Tản bộ trở về, lão Nhị Đao cảm thấy mỏi chân. Gần cây si cổ thụ bên đường có quán nước chè xanh. Lão ghé vào cho cặp cẳng nghỉ giải lao. Quả như lời ông cụ bảo. Vợ lão ngoại tình. Thị không chối cãi. Thị lại còn dẩu môi: "Tôi không hề yêu thương gì thằng chả! Chẳng qua, tôi cần tiền, còn thằng chả cần tình! Nói trắng ra là thằng chả cần "cái vốn tự có" của tôi! Và cả hai lợi dụng lẫn nhau. Khi nào móc sạch hầu bao thằng chả, tôi sẽ bái bai... Lúc đó, tôi lại là người vợ ngoan hiền của ông! Đừng có ghen tuông vớ vẩn. Nó chẳng "hao mòn" đâu mà sợ!". Lão tức lộn ruột. Nhưng rốt cuộc lão cũng đành phải ngậm bồ hòn làm ngọt! "Mời chú uống nước kẻo nguội mất ngon!" - Bà già từ tốn bảo khiến lão giật mình. Lão cười ngẩn ngơ. Hồi đó, không hiểu vì sao lão lại sợ vợ đến vậy? Và bây giờ vẫn thế! Lão nghĩ mãi không ra. Lão từng hạ sát không biết bao người bằng ba tấc lưỡi không một chút run tay. Nhà lão đầy của chìm của nổi cũng là nhờ lão đánh thằng này, nâng đỡ thằng kia. Và người ta hàm ơn lão, biếu xén đút lót... Nhị Đao không đần, cũng chẳng phải bị thiểu năng trí tuệ. Nhị Đao là kẻ có hai cây đao giấu trong người với ngón nghề "thọc gậy bánh xe" cực kỳ lợi hại. Lão chỉ múa có một đao mà lắm đứa tài năng đức độ thuộc diện cán bộ dự nguồn đã phải thân bại danh liệt... Lão Nhị Đao uống hết ấm nước chè xanh cũng là lúc ngày dần chuyển sang đêm. Đèn đường bật sáng trưng. Những chiếc xe máy láng cóng cõng chủ nhân của nó mặt mày đỏ như gà chọi, rời các nhà hàng quán nhậu sang trọng, phóng qua trước mắt lão. Trông bọn họ no say mãn nguyện. Lão quen thân với hầu hết bọn họ. Bởi đa số thậm thụt tới nhà nhờ vả lão bảo kê để ngoi lên từng nấc thang danh vọng. Vậy mà bây giờ bọn họ đều vong ơn bội nghĩa. Lão ngồi phơi mặt nơi quán nước này đây. Chúng nó thấy nhưng lại giả vờ làm như không thấy, cứ vù xe chạy thẳng. Đời là thế đấy! Mới ngày nào còn đương chức đương quyền, lão phải sắp xếp "lịch tham dự những cuộc vui" sau tám giờ vàng ngọc làm việc ở cơ quan. Chừ về hưu chưa được bao lâu, lão trông mong chờ đợi, đi tới đi lui mỏi rạc cả cẳng cũng chẳng có ma nào mời nhậu... Thực ra, lão đâu phải hạng người "có tâm hồn ăn uống", lão chỉ ham vui mà thôi! Về hưu rồi, ngồi nhà mãi, lão đâm nhớ đám gái tơ tiếp viên nhà hàng "áo váy ngắn trắng màu hoa huệ, không đủ che những chỗ cần che, ngực - mông - đùi tất cả đem khoe...". Thế mà chúng nó lại đối xử cạn tàu ráo máng với lão, tệ thật! Ruột gan lão Nhị Đao quặn thắt vì uống nước chè xanh hãm đặc. "Mất công toi một buổi chiều tà tha thẩn dọc con phố có vô số nhà hàng quán nhậu sang trọng nối tiếp nhau trải dài bất tận" - Lão vừa nghĩ vừa móc ví trả tiền nước cho bà già và tản bộ trở về nhà. Chắc giờ này mụ vợ lão đang nằm chàng hảng trên đivăng, dán mắt xem tivi. Thị mà trông thấy lão tỉnh như sáo, thế nào cũng giở giọng châm chọc. Không biết thị học ở đâu những câu nói mát mẻ, văn vẻ, khiến lão xấu hổ muốn độn thổ, nếu được! Phía trước là ngôi nhà ba tầng xinh xắn của gia đình lão. Không nhìn ngang ngó dọc, chẳng mấy chốc lão sắp về đến nơi xuất phát. Sợ mụ vợ ác khẩu, lão tạt vào con hẻm sâu hun hút có hàng quán di động phục vụ giới bình dân, gọi một đĩa ốc xào, một chai rượu gạo, ngồi nhâm nhi. Khi mặt mày đỏ như gấc, mồm miệng nồng nặc mùi men, lão mới đứng dậy lững thững đi về nhà. "Chu cha! Lỡ vui bạn vui bè, tôi say quá, bà ơi! Làm cho tôi ly nước chanh...". Lão đứng trước cửa, vừa cười nói như người biết lỗi, vừa cởi giày cởi tất. Vợ lão rời mắt khỏi tivi, nhìn lão, nhếch mép. "Tôi bảo, bà có nghe không đấy? Ấy dà! Ngồi cả buổi, uống có mấy chai dầu gió Heineken đã ngà ngà say! May mà chúng nó chở về tận cổng ngõ..." - Lão than. Đang nằm chàng hảng trên đivăng, vợ lão ngồi bật dậy. Thị cười khẩy: "Nếu được như vậy, con này hãnh diện lắm thay! Ấy mà tôi cứ nghĩ, ông đi tới đi lui, dài cổ đợi chờ có người quen trông thấy mặt, ngoắc vô... Chẳng có ma nào cả! Và rồi mỏi chân, ông ghé vào quán bà già ở gần cây si cổ thụ bên đường, uống một bụng nước chè xanh hãm đặc đến quặn thắt ruột gan! Sau đó, ông tản bộ về con hẻm sâu hun hút nằm đối diện với nhà ta, gọi một đĩa ốc xào, một chai rượu gạo…". Lão há hốc mồm nhìn thị, kinh ngạc. Thị nhếch mép cười nhạt: "Chắc tôi nói trúng chóc, không sai?". Lão im lặng. Mồm miệng đắng ngắt. "Vì tiền, ông bán đứng bạn bè thân thiết. Vì tiền, ông trù dập người ngay, đưa tay che chở kẻ gian. Sống như ông, về hưu rồi, chẳng còn ai nể trọng nữa đâu! Đừng có mà hoang tưởng! Thôi, cơm canh dọn sẵn trên bàn, có đói thì xin mời cứ tự nhiên cho..." - Thị khó chịu bảo. Lão Nhị Đao chẳng nói chẳng rằng, lẳng lặng đi xuống nhà dưới với tâm trạng ê chề... Vườn Cừa, 6/2008