Tháng 6 năm 1945 ngày hai buổi tờ mờ sáng và chập tối là nằm trong nhà lao Byturki cũng nghe ầm ầm tiếng kèn tiếng trống trổi toàn diện quân hành. Cửa sổ nhà lao bít bùng lưới thép hũ nút. Chúng tôi lắng nghe, chắc đang tập diễn hành gắt trên đường Lesnaya hay đường Novoslobodskaya. Không biết quân đội tập hay công nhân nô nức đua nhau giờ nghỉ tập đi cho quen? Nghe nói ngày 26 tháng 6 sẽ có cuộc diễn binh khổng lồ mừng Chiến thắng ở Công trường Đỏ, nhằm đúng ngày kỷ niệm Đệ tứ chu niên ngày chiến tranh bùng nổ. Trớ trêu ở chỗ những thành phần chủ lực từng đào nền đắp móng cho chính cuốn chiến thắng lại không được ăn mừng hoặc góp phần mừng chiến thắng, dù ngay từ hồi đầu chính họ đã mang thân xác hứng chịu những đòn ác liệt của địch. Họ đã cản đầu địch nhưng mừng chiến thắng thì bị bỏ rơi. “Nhạc hoan ca đâu có nghĩa gì với thằng phản quốc!” Mùa Xuân năm ấy mùa Xuân chiến thắng 1945, quần đảo ngục tù phát ngộp vì các đợt tù binh hồi hương vô khám! Từ các trại tù binh Đức ra, từng đàn từng lũ bị lùa vô các trại giam ở quê nhà đông như kiến. Người tôi biết đầu tiên là Yuri Y. Nhưng sau đó họ đổ dồn về quá đông, biết thân phận chẳng thoát nên nối đuôi nhau… Mà đâu phải chỉ riêng tù binh hồi hương? Còn lớp lớp những kẻ từng di cư, lánh cư sang Âu châu từ những người ly hương sau cuộc Nội chiến, những công nhân bị Đức trưng tập làm nông dân đến những sĩ quan Hồng quân có dịp ra khỏi nước nên sớm mở mắt bị Lãnh tụ nghi ngờ có thể mang về chút ít tự do Tây phương như đám sĩ quan đã phản Nga hoàng 120 năm trước. Nhưng tối đại đa số vẫn là những người chiến sĩ từng bị địch cầm tù, nhiều nhất lại là lứa tuổi tôi, mở mắt chào đời trong Cách mạng, năm 1937 còn nhắm mắt ăn mừng Cách mạng 20 tuổi và lúc chiến tranh bùng nổ vẫn còn là nòng cốt của kháng chiến chống Đức. Chính lớp tuổi này bị tản mác ra, cho vô quần đảo lẹ nhất. Vỏn vẹn có vài tuần là xong hết! Cùng với nhịp quân hành chiến thắng vọng vang, mùa Xuân tù ngục vô vị đó đã trở thành mùa Xuân vay trả của nguyên một thế hệ chúng tôi. Thế hệ nằm trong nôi đã nghe khẩu hiệu phục vụ rồi Nhi đồng Cứu quốc, Thiếu niên Tiền phong luôn luôn “sẵn sàng” (kể cả việc đem lậu võ khí vào trại giam Buchenwald) rồi tuyên thệ vô Đảng. Cuối cùng là bị lùa cả đám vô ngục chỉ vì chúng tôi còn sống sót. [7] Ngay hồi theo chân Hồng quân tiến vào miền Đông nước Đức tôi đã bắt gặp dọc đường từng đoàn tù binh hồi hương. Tôi không hiểu tại sao tất cả bọn họ không vui mừng được ra tù, được về nước mà lại thiểu não, đau khổ bảo nhau tập họp từng đoàn từng toán kéo về ngoan ngoãn, cam chịu… Sao họ không đi lẻ tẻ, đi từng người như tù binh các nước khác? Tôi xuống xe muốn hỏi chuyện họ lắm nhưng mang lon đại úy, đi ngược đường trở ra mặt trận thì đời nào biết được sự thực. Chừng sự đời xoay chuyển, tôi cũng ra thân phận tù tội như họ mới được biết phần nào sự thực qua những mẩu chuyện trao đổi ở các xà lim. Cho đến lúc gặp Yuri Y. Nằm giữa khám đường Byturki với những chóp gạch xây đỏ ửng tôi càng thấm thía tình cảnh não nề của cả mấy triệu con người và có cảm giác một cây đinh cắm ngập vào hồn. Những ý nghĩ bị hạ nhục biến mất. Đời tôi chỉ may mắn chút xíu, bằng không cũng đến như họ chớ gì. Tôi phải chìa vai gánh vác, chia sẻ với những người cùng lứa tuổi một gánh nặng cho đến khi trĩu xuống chịu không nổ mới đành thôi. Tôi cũng có thể bị bắt làm tù binh in như họ trong trận vượt eo Solovyev, trận bao vây Kharkov, trận hầm đá ở Kerch để quặt tay ra sau lưng mang niềm kiêu hãnh Xô Viết vào các trại tù binh lớp lớp kẽm gai. Tôi cũng có thể sắp hàng mấy giờ ngoài trời lạnh cóng đợi lãnh một muỗng “cà phê bung” và chưa tới lò cà phê đã té gục xuống, kể như chết rồi hay cặm cụi lấy mảnh đồ hộp rỉ đào cái huyệt nho nhỏ để chui xuống nằm cho đỡ lạnh như ở Oflag 68 trại Suwalki lại thằng bạn tù điên cuồng tưởng là chết rồi bèn bò tới cạp một miếng thịt còn nóng hổi ở bắp tay. Tôi cũng có thể chống chọi không nổi cơn đói hành hạ mỗi ngày, nằm gục trong xà lim đầy những thằng mắc bệnh chấy rận hay nằm chầu ngoài hàng rào kẽm gai trại tù binh Ăng lê. Ắt hẳn lúc ấy tôi không thể không có ấn tượng mẹ Xô Viết bỏ rơi các con. Chết dở trong trại tù binh thì chết luôn đi. Tổ quốc có cần là cần những đứa con mạnh khoẻ dám lao đầu vào xe tăng giặc, đứng dậy được còn xung phong nữa! Đã tù binh rồi thì nuôi làm gì cho tốn thực phẩm? Đã là những cái miệng ăn hại chúng còn là nhân chứng khó chịu của những chiến bại nhục nhã. Thế rồi những thằng sống sót đau khổ đó bị kết tội lần lượt bởi các điều tra viên, công tố viên, thẩm phán. Rồi cá nước lên án, báo chí phụ hoạ nhai nhải chửi chúng. Đó là những quân phản quốc. Kỳ lạ ở chỗ đáng lẽ phải mệnh danh chúng “những thằng phản bội đối với Tổ quốc” thì không hiểu, sao từ khẩu hiệu đến bài đăng báo thậm chí đến án toà cũng cứ đồng thanh: “Những thằng phản bội của tổ quốc!” Ngẫm lại kỹ danh từ thì quả thực một sơ hở lòi đuôi! Chúng đâu có phản bội đối với Tổ quốc. Chúng là những thằng phản bội của đất nước này! Những thằng người đau khổ đó không phản lại Đất Mẹ…mà bà mẹ độc ác, tính toán đã phản chúng. Không phải một lần mà phản tới 3 lần! Lần thứ nhất ở ngay bãi chiến trường: bởi mù tịt khả năng, mấy ông nhà nước con cưng của Mẹ Tổ quốc đã ra sức phá hại cuộc chiến đấu. Nào ra lệnh phá bỏ hết chiến tuyến, đưa cả không lực và cảnh tận diệt, làm tan nát rã rời 2 binh chủng Thiết giáp và Pháo binh, nào truất quyền các tướng lãnh có uy tín, nào buộc các đại đơn vị bỏ súng, ngừng chiến [8]. Chính những thằng bị bắt làm tù binh đau khổ đó đã lăn lưng vào, đánh chặn quân Đức lại. Lần thứ hai bị Mẹ Tổ quốc phản một cách tàn nhẫn, bất nhân là để mặc cho chết dần chết mòn trong các trại tù binh Đức. Lần thứ ba bị Mẹ Tổ quốc phản trắng trợn: Mẹ tha thiết kêu gọi các con trở về “Tổ quốc tha thứ hết” và mắc lừa hết vì Mẹ trở mặt lập tức ngay sau khi vượt biên trở về. [9] Phải công nhận suốt một ngàn một trăm năm lịch sử, nước Nga đã có thiếu gì những hành động sai lầm điên khùng, kinh khủng của nhà cầm quyền? Nhưng đã phản bội chính các con dân chiến sĩ của mình và còn gán cho chúng tội phản quốc – không phải một người mà nhiều triệu con người – thì lịch sử chưa hề có! Nếu phản bội Tổ quốc là triệt hạ, là “bôi sổ” thì Nhà Lãnh Tụ của chúng ta đã “bôi sổ” trước quá nhiều. Người đã đẩy đám tinh hoa của trí thức Mạc Tư Khoa vào lò thịt Vyazma với khẩu súng trường lên cò phát một Berdan đời 1866 mà năm thằng mới có một khẩu. Còn vụ Borodino thê thảm thì Lev Tolstoi sẽ mô tả thế nào đây? Chỉ cần đưa mấy ngón tay chuối mắn lên quẹt một cái là Cha Già Đại chiến lược gia tống một phát 120 ngàn thanh niên – đâu có thua tổng số quân ở Borôdin bao nhiêu? – băng ngang eo biển Kerch tháng 12 năm 1941 – nạp mạng nguyên vẹn và ngu muội cho quân Đức, không chống cự. Chỉ để Thông điệp đầu năm có một cái gì hấp dẫn, giựt gân! Rành rành như vậy song Cha Già đâu có phản. Chỉ đám con cái phản…và bị liệt vào hạng phản bội quá dễ dàng! Mùa Xuân năm đó trong xà lim khám đường Byturki có ông già Lebedev. Một giáo sư, chuyên viên đúc nấu sắt thép, điển hình của những tay thợ lành nghề của lò nấu Demidov lừng danh từ thế kỷ trước. Ông cụ Lebedev người lực lưỡng đầu to sù sụ, hàm râu quai nón kiểu Pugachev, cánh tay vạm vỡ nhấc một chiếc thùng sáu bảy chục kilô như chơi. Ông ta lại ưa mặc bộ đồ nông dân, trông hùng hục như một gã thợ phụ làm cho nhà lao. Nhưng khi ngồi xuống đàm luận hay đọc sách thì vẻ trí thức mạnh dạn hiển hiện trên khuôn mặt sáng rỡ. Nghề là nghề nấu thép nhưng qua giọng nói ồ ề chủ đề ruột của ông già Lebedev là Stalin, “một týp người điên cuồng, khát máu…in hệt Vua chó điên Ivan, động một chút là “Bắn… Giết… Treo cổ nó lên… Giết” khỏi ngần ngại! Ông cụ giải thích, lý luận cho tụi tôi thấy Maxim Gorky không là gì khác hơn một con vẹt non bập bẹ vụng về, một chuyên viên đi điếu cho quân đao phủ. Từng chuyện rồi từng chuyện tôi chịu Lebedev và có cảm giác ông cụ là điển hình bằng xương bằng thịt của dân tộc Nga xưa, đầu óc thông minh rắn rỏi thân thể chân tay chắc nịch, cường tráng. Một mẩu người sống nhiều và suy nghĩ nhiều. Tuy nhiên, tôi còn nhớ giữa lúc đang phân tích đàng hoàng bỗng ông cụ đập tay vào nhau đánh chát một phát và thẳng cánh tuyên bố chỉ những thằng phạm vào điều 58 khoản 1b là những thằng đáng chết, không thể tha thứ được. Những thằng 1b trong xà lim này nhiều quá! Chúng nằm lểu nghểu đầy xà lim và thằng nào cũng hết hồn, nhất là ông cụ lại nhân danh thợ thuyền, nông dân để “đòi trừng trị’ thì còn biết đằng nào mà cãi. Chính tôi cũng kẹt vậy và cùng với hai thằng tội 58/10 (tuyên truyền, xách động nhằm lật đổ chính quyền Xô Viết) được cử ra để tự bênh vực nhưng rốt cuộc cũng chỉ nhắm mắt hiểu được một phần nào sự thực, chính địa hạt mà mình phải dấn thân vào. Làm sao hiểu nhau được?. [10] Làm sao gạt bỏ được sự tin tưởng lệch lạc tai hại trong cảnh tượng ấy? Nhìn lại lịch sử thì Nga đã tham chiến quá nhiều. Thử hỏi trong các cuộc chiến đó có nhiều thằng trở cờ không? Có ai ghi nhận là trong lòng người chiến binh Nga vốn đã ăn sâu tư tưởng phản quốc không? Vậy mà chế độ xã hội tốt đẹp nhất, cuộc chiến có chính nghĩa nhất (so với những trận chiến trong quá khứ) tại sao và từ đâu bỗng nảy nòi ra cả triệu thằng phản quốc, xuất thân thành phần công nông? Tại sao có chuyện ngược đời, không thể giải thích nổi đó? Nước Anh tư bản cũng đánh Đức. Karl Marx từng hùng hồn vạch rõ sự nghèo đói, khổ cực của giai cấp thợ thuyền Anh. Tại sao suốt trận giặc họ chỉ có một gã phản quốc duy nhất là Lord Haw-Haw [11] mà đất nước chúng ta lại có cả triệu? Phải chăng vì chế độ chính trị? Tù binh còn lạ gì ngạn ngữ cổ: “Chẳng thằng chết hết nói, thằng sống sót thế nào cũng la lên. Dưới thời Nga hoàng Aleksei Mikhailovich, tù binh chịu đựng giam cầm về còn được tước hiệu vua ban. Trước đây có chiến tranh tù binh bao giờ cũng chẳng trao đổi, săn sóc? Tù binh vượt ngục được là cả một tấm gương anh dũng. Thời Thế chiến thứ nhất, Nga còn quyên tiền gửi cho tù binh, gởi y tá sang tận trại giam Đức săn sóc mà. Báo chí hàng ngày nhắc nhở chớ quên tù binh mình đang đau khổ trên đất địch. Trong Thế chiến II tù binh các nước Đồng minh với Nga đâu có thiếu thư từ quà bánh gởi qua các quốc gia trung lập. Do đó họ đâu phải khom lưng lãnh mấy muỗng súp của Đức nên mới trò chuyện ngang hàng chứ. Dù bị giam họ vẫn lên lon, lên ngạch và lãnh lương đủ như đang tác chiến. Có một nước nào không cho phép chiến sĩ đầu hàng làm tù binh? Duy nhất có Hồng quân mà lính Đức ưa ngạo là những thằng “Ivan không tù binh!”. Chiến đấu được, chết được, nhưng cấm đầu hàng. Thậm chí cụt chân bị địch cầm tù ráng vượt ngục lết về trên đôi nạng gỗ…chừng về được thỉ ra Toà và đi tù. Như trường hợp Ivanov ở Lêningrad, chỉ huy trong đội đại liên đó. Vượt khỏi trại tù binh Phần Lan thì lại tống vô Ustvymlag! Trên thế giới chỉ có lính Hồng quân sa cơ là bị Tổ quốc bỏ rơi, bạn thù khinh rẻ đành chịu tàn đời trong trại tù binh. Cánh cửa trở về đã đóng sập rồi, không muốn tin cũng đành phải tin vậy. Điều 58, khoản 1b nằm sờ sờ mà thời chiến chỉ có một giá là xử bắn. Không muốn chết vì đạn Đức, ráng sống để trở về lãnh đạn mình. Chỉ vì để địch bắt làm tù binh! Nếu đặt câu hỏi “Tại sao? Để làm gì?” thì ngây thơ quá. Nhà nước đâu có làm luân lý mà bỏ tù hay xử tử một thằng vì nó đã làm một cái gì. Nhà nước trừng phạt để ngăn ngừa không cho làm. Có vậy thôi. Nhà nước tống giam tất cả tù binh đâu phải vì chúng phản quốc. Phản quốc thực sự thì chỉ có đám người theo Vissov, điều này một thằng khùng cũng biết! Nhưng tất cả tù binh đều phải tống giam hết để bịt miệng chúng, ngăn ngừa chúng tiết lộ về những điều tai nghe mắt thấy ở các nước Âu châu. Để đám dân Nga không được biết gì hết mới không đòi hỏi, so sánh. Phần tách ra lính Hồng quân một khi đã bị rơi vào tay địch thì làm sao đây? Trên nguyên tắc họ phải chọn một trong 4 con đường. Con đường thứ nhất, con đường phải đi theo cho vừa lòng nhà nước là con đường chết. Hãy nằm xuống và chịu chết đi, dù cọng cỏ vô tri cũng vươn lên đòi sống! Không chết trước ngoài mặt trận thì chết sau, chết mòn mỏi trong trại giam cũng được. Chết là hết, khỏi sợ nhà nước làm tội. Chỉ có con đường đó, cách đó bao nhiêu cách khác chợt lóe lên trong cơn tuyệt vọng thì trước sau cũng sẽ đụng đầu luật pháp nhà nước. Con đường thứ hai là tìm mọi cách vượt ngục trở về với đất mẹ. Con đường đầy gian nguy, vượt hàng rào canh gác, vượt một nửa nước Đức, băng qua Ba Lan, qua miền Ba-nhĩ-cán. Con đường dẫn thẳng về một trạm SMERSH và từ đây là vô quần đảo chắc! “Trại giam tù binh canh gác kỹ là thế, giam biết bao nhiêu ngườI tại sao chỉ một mình anh vượt ngục được? Biết điều khai ngay, thằng khốn! Mày lãnh công tác gì của bọn Quốc Xã?” Có thắc mắc đúng quá! Biết bao nhiêu thằng đã liều vượt ngục để vô trại giam, những thằng như Mikhail Burnatsev, Pavel Bondarenko... [12] Con đường thứ ba cũng là vượt ngục nhưng không hồi hương mà đi tham gia kháng chiến chống Đức cùng du kích quân bạn ở các chiến khu bên Âu châu. Có thể tạm thời kéo dài ngày ra toà lãnh án nhưng lúc lãnh thì nặng hơn nhiều. Chỉ vì đã làm quen với nếp sống tự do, phóng túng! Một thằng đã đủ gan dạ vượt ngục lại dám tiếp tục chiến đấu nữa thì còn nguy hiểm gấp bội, phải triệt hạ thẳng tay nữa. Con đường thứ tư là ở trong trại giam sống trên lưng, phản bội đồng bào, đồng đội. Phải có chân trong các ban An ninh Trật tự trạI phải đầy tớ cho quan Đức, phải tán trợ chúng giết người mới mong sống sót trong các trại tù binh chớ. Tuy nhiên đừng ngại vì có cộng tác với địch trong trại giam cũng không bị xử nặng hơn bọn vượt ngục tham gia kháng chiến bên cạnh các lầm lẫn bạn đâu! Luật lệ thời Stalin còn trái lại là khác mà bất quá cũng chỉ bằng là cùng. Cũng xử chung một điều khoản, hình phạt giống nhau. Chỉ vì những thằng cộng với tác địch đỡ nguy hiểm cho nhà nước sau này nhiều chứ có gì lạ. (Vậy mà biết rõ như thế cũng chẳng mấy thằng chọn con đường thứ 4 trừ mấy thằng hèn, tham sống sợ chết). Đại khái 4 con đường trước mặt là như vậy. Lỡ bị Đức bắt làm tù binh thì chỉ có 1 trong 4 cách để tự lo liệu lấy thân. Nhưng trên thực tế vẫn còn một ngã đường thứ 5 nữa chớ. Đó là lúc đang nằm chờ chết trong trại bỗng nghe có tin “phái đoàn Đức tới tuyển mộ người”. Đẹp nhất là có phái đoàn Đức từ các địa phương tới tuyển mộ kỹ sư, thợ thuyền. Đúng “phép nước thời Stalin” là phải chối từ, phải giấu kín không để lộ gốc kỹ thuật gia, chuyên viên cho địch lợi dụng mà phải chịu chết gục moi đất trong trại tù binh, moi thùng rác kiếm thức ăn. Nhưng thực tế thì có cộng tác với địch hay không cộng tác thì bản án cũng có sẵn là 10 năm đi đày và cộng thêm 5 năm quản thúc. Chỉ khác nhau là lúc lãnh án một thằng phải cúi mặt xuống, một thằng còn có quyền ngẩng mặt lên. Luật pháp thời Stalin là vậy. Lâu lâu cũng có phái đoàn Đức đến tuyển mộ “gián điệp”. Hay thân binh cho quân đoàn Vlasov chớ. Lạ một điều chỉ có những thằng cựu đảng viên Cộng sản là hăm hở sốt sắng nhào vô – chính ủy nhiều nhất còn những phần tử bị coi như phản động ở quê nhà lại không hề dám “đi” cùng với giặc! Xin đừng nghiêm khắc kết án họ phản bội, bởi những ai chưa từng nếm trải mùi trại tù binh Đức, chưa từng phải hè nhau đập từng con dơi bay lạc vô phòng để gậm thịt ăn, chưa từng phải ninh đế giày cũ cho mềm ra để có một cái gì tống vô bao tử! Cơn đói bốc lên, hành hạ con người thực sự đẩy bật bằng hết tất cả những cái gì gọi là ý thức hệ. Mà sát ngay bên cạnh họ đang làm thức ăn ngon quá, khói bốc thơm lừng. Chịu hết nổi! Chỉ cần ký giấy một phát, bước ra khỏi phòng là có cả một nồi súp kasha tha hồ ăn đến bể bụng. “Cưỡng làm sao nổi trời ơi, thà cho tôi ăn một lần rồi bắt tôi chết cũng được nữa!”. Đừng quên là ăn đủ ngon trong trại tù binh đã quý. Đang bị giam giữ lại có quyền tự do, ký xong giao kèo là có quyền “bay” vọt ra khỏi trại. Có nhiều đơn vị cần đến họ quá mà. Có thể gia nhập các đơn vị thuộc binh đoàn Vlasov, có thể vào các đoàn Cốt-sắc ở Krasnov. Hay gia nhập các toán Công binh cũng được. Công việc chỉ có tối ngày đổ xi-măng, đúc cột “bê-tông” cốt sắt cho dãy trường thành Đại Tây Dương. Hoặc sang đắp chiến hào ven biển tuốt bên Na Uy băng giá… Sang xứ sa mạc Lybie nắng đổ lửa. Cũng có thể sung vào các đội Cảm tử quân Hiwi để lãnh công tác nặng, hiểm nghèo đùa giỡn với cái chết. Đại đội Đức nào chẳng có một tiểu đội liều mạng với Hiwi này? Chót hết còn có thể đăng vô các Ủy ban An ninh, Trật tự làng xã. Công tác cũng dễ dàng: Chỉ việc lãnh lương và theo dõi để tận diệt bọn cán bộ du kích về làng quấy rối! Xét cho cùng muốn đi đâu, muốn theo ai và để làm công tác gì cũng được hết. Miễn là ngay bây giờ khỏi đói và sau này khỏi phải tàn tạ cuộc đời trong trại tù binh bốn bề toàn hàng rào kẽm gai. Không ai thèm cứu vớt, không ai để ý đến mà có quyền chết tàn tạ như trâu bò chết dịch. Nói cho cùng những con người dở sống dở chết đã phải canh chừng cả dơi bay lạc để đập ăn cho khỏi đói thì cố nhiên chẳng còn trách nhiệm gì ràng buộc họ được, kể cả Tổ quốc hay nhân loại. Huống hồ chính những thằng chịu làm gián điệp nửa mùa lại chưa đến nỗi dứt khoát căm thù Tổ quốc mà tất cả đều nghĩ như nhau: Thà nhận đại công tác chừng về đến quê hương thì trở súng lập tức. Vẫn có quyền ra đầu thú, nộp võ khí, bẻ gãy âm mưu của địch để được phép trở lại hàng ngũ chiến đấu chống lại chúng! Đồng ý đó là một quyết định ngây thơ. Nhưng con người mà, kẹt hoàn cảnh họ mấy ai làm khác được? Vả lại có cách nào khác đâu? Tôi từng gặp nhiều khuôn mặt ngây thơ, tròn trĩnh giọng nói còn nguyên chất Vyatka, Vladimir đó. Họ dám liều tình nguyện theo cua “gián điệp”, dù học lực chưa đầy cấp Tiểu học trường quê, đọc bản đồ hay nhìn la bàn còn chưa nhận ra hướng! Người như họ thì chỉ có mỗi một cách liều mới mong ra thoát. Nhìn chung ai chẳng thấy trường đào tạo “điệp viên” nửa mùa đó là cả một khoản chi phí phạm vô ích và ngu muội của Bộ Tư lệnh Quốc xã. Không đắc! Cùng cánh độc tài với nhau còn ai hiểu Cha Già Dân Tộc bằng Trùm Quốc xã Hitler? Hắn đã tính đúng và đánh đúng boong căn bệnh điên loạn trầm trọng, nhìn chỗ nào cũng thấy dầy những gián điệp của ông bạn già Nga! Tất cả kiều dân Trung Hoa sinh sống ở vùng Viễn Đông thuộc Nga đối với Stalin đều là gián điệp hết. Phải khép hết vào điều 58 khoản 6, tống hết vô các trại trên Nga Bắc cho chết hết. Từng tham gia Nội chiến Nga mà không nhanh chân chạy cũng đi đày một lượt. Cũng bị rớt vô điều 58/6 Hình Luật, còn mấy trăm ngàn dân Cao-ly đày lên Kazakhstan. Cũng như tất cả công dân Nga từng đặt chân ra nước ngoài một lần hay quen lảng vảng quanh mấy hô-ten Intourist nhà nước, có gặp gỡ chụp hình một lần với người ngoại quốc là bị điều 58/6 hết. Chụp hình một “cơ quan nhà nước” như cổng Hoàng môn ở Vladimir, nhòm ngó đường hoả xa, một cây cầu xa lộ, một ống khói nhà máy cũng còn bị kia mà. Ngay đến các đồng chí từ các nước anh em đến và mắc kẹt lại, nhân viên lớn nhỏ trong các văn phòng Komintern trước sau cũng bị không sót một mạng, miễn kể chức tước địa vị đều bị gài trước hết vô điều 58/6, chạy không thoát [13]. Còn đám Vệ binh gốc người Latvia chuyên xài lưỡi lê gần đầu súng mấy năm sau Cách mạng phục vụ đắc lực, được trọng đãi là thế qua năm 1937 vào tù không còn một mạng ở ngoài. Bệnh đa nghi của Stalin đã quay cuồng, dâng đến cao độ để cụ thể hoá câu châm ngôn lừng lẫy của Nữ hoàng Catherine: Thà bắt chết oan 999 mạng còn hơn để sẩy một thằng gián điệp thực! Vậy đó làm sao tin nổi những thằng đã bị lọt lưới Tình báo Đức? Cả ngàn thằng từ Âu Châu đổ về, vỗ ngực tự nhận là ở trường gián điệp ra thì cán bộ MGB dễ làm việc quá. “Lãnh tụ đã sáng suốt tiên liệu cả rồi. Quả nhiên sự tình biểu diễn in hệt. Đã có luật trừng phạt sẵn, có bản án định sẵn cho chúng bay rồi. Cứ việc chui đầu về!” Nhưng còn trường hợp này nữa. Có những thằng tù binh không chịu đăng lính hay cộng tác với giặc, không để cho chúng lợi dụng tài năng chuyên môn của mình, trong trại tù binh không làm An ninh, Trật tự mà cũng không hề đặt chân ra khỏi trại cho đến lúc được giải phóng mà vẫn xoay sở được để sống sót, chẳng hạn như cặm cụi lấy miếng sắt vụn hì hục làm thành hộp quẹt máy để đổi lấy đồ ăn sống qua ngày như trường hợp các kỹ sư điện Nicolai A. Semyonov và Fyodor F. Karpov thì sao đây? Không lẽ Tổ quốc không tha thứ cho chúng tôi để giặc bắt làm tù binh? Cố nhiên Tổ quốc không tha! Tôi đã gặp Semyonov và Karpov trong lao Byturki và bản án của họ cũng in vậy, không nhẹ đi được một ngày! Vẫn 10 năm đi đày và cộng thêm 5 năm quản thúc. Cả hai đều kỹ sư cừ, trong trại tù binh cương quyết không làm cho Đức đấy! Riêng Semyonov thì năm 1941 đã xung phong tòng quân mang cấp Thiếu úy vẫn chưa có khẩu súng sáu, chỉ được phát cái bao da đeo lấy lệ nên sa tay giặc có muốn tự sát cũng không thể bắn vào đầu bằng chiếc bao súng không. (Đó là điều ông Điều tra viên không chịu hiểu cho). Sau 3 lần vượt ngục không thoát mãi 1945 Thiếu úy Semyonov mới được một đơn vị tùng thiết ta giải thoát. Hắn bèo leo lên nóc chiến xa với tư cách lao công đào binh, tham gia trận tiến đánh Bá Linh và được gắn huy chương Sao Đỏ. Sau đó Semyonov hồi hương và đành chui vào trại Cải tạo. Như đã nói ở trên, rất ít tù binh hồi hương tự do và nếu có nương cơ hội lộn xộn về thoát an toàn thì đến 1946 hay 1947 cũng bị bắt hết. Nhiều kẻ bị ngay từ các địa điểm tập trung ở Đức nhưng được chuyên chở tự do bằng công voa, xe lửa vượt biên về một trạm Nhận diện, đãi lọc (PFL) của SMERSH đặt rải rác khắp nơi. Gọi là trạm vì tù binh chỉ nằm tạm đợi các ông sĩ quan Phản gián nhận diện, điều tra rồi lãnh án sau nhưng về tổ chức không khác Trại Lao động Cải tạo (ITL). Bên cạnh một PFL bao giờ chẳng có sẵn một công xưởng, công trường hầm mỏ nằm ngay trong cùng một vòng rào kẽm gai? Thoát khỏi trại tù binh kẽm gai bên Đức lại vào vòng kẽm gai ở quê hương và trong khi chờ đợi kết thúc hồ sơ, ngay từ ngày đầu tiên nhập trại là tù binh xếp hàng sang công trường, nhà máy kế bên lao động một ngày 10 giờ. Thời gian điều tra cố nhiên ngoài giờ làm việc. Buổi chiều tan tầm hay suốt đêm cũng có cả toán sĩ quan điều tra viên thay phiên nhau công tác. Tạm thời cứ kể như có tội, nạn nhân muốn được coi như vô tội phải chứng minh cho điều tra viên thấy nhưng tuyệt đối không được ra khỏi hàng rào kẽm gai. Biện pháp độc nhất là viện dẫn được nhân chứng xác nhận mình vô tội trong thời kỳ ở trại tù binh…nhưng nhân chứng đương nhiên cũng mắc kẹt trong một trại PFL nào đó, cách cỡ vài ngàn cây số! Do đó đành phải làm tờ khai, nếu tên nhân chứng để ban quản đốc hai trại liên lạc với nhau bằng thư từ, công văn. Những lời khai sẽ được kiểm chứng từng người một. Trong khi đợi điều tra nạn nhân ngược lại cũng phải làm nhân chứng cho một vài thằng khác. Cuộc điều tra bằng công văn kéo dài một năm, tù binh cũng lao động đủ 10 tiếng đồng hồ mà. Chỉ một nhân chứng khai không đúng rập theo bản tự khai hay bất hạnh từ trần hoặc tìm kiếm không ra là kể như tàn đời. Không kêu ca vào đâu được, đành chờ một phiên toà quân sự lưu động tới trại “in” ra những bản án 10 năm đi đày vậy. May mắn nhất là có đủ bằng cớ vô tội mà còn được chính quân ta giải thoát nữa. Trường hợp trại tù binh bị quân Anh Mỹ đến giải thoát trước rồi trao trả lại cho quân ta sau còn kẹt dữ (vậy là có tội tiếp xúc với người ngoại quốc rồi!). Truy ra không có một tội nào buộc được thì chính ở điều tra viên sẽ đề nghị một “giải pháp” thay vì trừng phạt. Có người không phải đi an trí nhưng được đề nghị đổi chỗ ở song đổi chỗ ở cách này khó sống! Có người may hơn được đề nghị sung vào Dân vệ, nghĩa là cũng vẫn phải tách xa chỗ ở, xa gia đình. Cũng có người được ông điều tra viên bắt tay, cho về nguyên quán (dầu điều tra kỹ đầy mình tội lỗi và chỉ một tội bị giặc bắt làm tù binh cũng đủ ra pháp trường rồi!). Tuy nhiên đừng hí hửng mừng vội. Chưa về đến nhà thì “hồ sơ” đã về đến nhà trước để “lưu ý” Ủy ban Địa phương, qua hệ thống chặt chẽ của Bộ Nội An. Đã bị Nội An lưu ý thì kể như muôn năm sống ngoài lề sinh hoạt xã hội để có lệnh an trí tập thể (như hồi 1948-1949) là tự động bị mời đi vì một tội trạng nào đó, tuyên truyền chống chế độ chẳng hạn. “Phải chi tôi biết trước cung cách này”… Mùa Xuân năm ấy nhà tù nào cũng rặt một điệu than thở đắng cay, chua chát vậy không! Nếu biết nhà nước đối xử tệ hại đến mức này thì hồi hương làm chi? Thà đi biệt sang Pháp, sang Thụy Sĩ hay vượt biển, băng mấy đại dương cũng được. [14] Nếu biết là “lỡ rồi” thì đáng lẽ phải biết sớm hơn, chớ đâu có dại dột xung phong xin ra tiền tuyến năm 1941. Biết từ hồi đó thì phải xoay sở vận động bằng được một chân “miễn lính” ở một hậu phương nào an toàn nhất để hết chiến tranh làm “ông lớn” như bao nhiêu thằng khác! Không được thì đào ngũ phứt cho rồi. Chắc chắn là không chết mà có ở tù cũng chỉ tối đa 8 năm có khi 7 không chừng! Ở tù đào ngũ vẫn có thể tù cha kia mà. Lại không bị liệt vào hạng quân thù, phản quốc, chính trị phạm. Chỉ nhẹ nhàng “phạm nhân không chính trị”! Dĩ nhiên vụ đối xử đẹp với tù đào ngũ, bị nhiều giới chỉ trích nặng (Bọn đó phải để ở rục xương. Không tha thứ được!) Nhưng nói thế thôi, có lệnh đại xá là chúng cũng về hết, chẳng kẹt một thằng! Chỉ tội nghiệp những thằng bị vướng Điều 58 khoản 10. Đang ở đơn vị hay nằm nhà bỗng bị mời đi và tống giam về tội “có âm mưu xách động, có tư tưởng chống đối chế độ. Cũng lãnh bằng giá mọi người tức tối thiểu 10 năm chẵn mà đau ở chỗ tù vô duyên, không làm được một cái gì, chỉ ru rú xó nhà cũng tù. Thà là được đi đây đó, mắt thấy tai nghe rồi ôm hận 10 năm cũng cam! Trách nào trong tù mùa xuân năm ấy chỉ có đám 58/10 là phấn khởi. “Nếu có thả thì cố nhiên bọn này phải ra trước!”. Năm đó đặc biệt chỉ có một đám người không ân hận, không “biết thế này thì”. Họ làm gì họ biết nên biết không cầu mong gì nhà nước tha thứ hay đại xá. Đó là những người cầm súng theo Vlasov…
[1]Quy ước The Hague năm 1905 về tù binh chỉ được Nga công nhận năm 1955. Theo Melgunov thì Nga không chịu gởi thực phẩm, thuốc men cho tù binh ở Đức và còn muốn cho lính tác chiến là trại tù binh Nga bị đối xử tàn tệ hơn các trại tù binh Đồng minh nhiều chỉ để giới hạn bớt những vụ đào ngũ. Họ sợ lính tự ý ra hàng để được ở trại tù binh.[2]Điều tra viên Cơ quan không bao giờ chấp nhận sự giải thích này, không tin bọn “điệp viên nhảy dù” lãnh công tác để khỏi phải bắn lại đồng đội. Những điêp viên bất đắc dĩ dù công tác để khỏi chết cũng bị và bị nặng nhất vì điều 58 khoản 6 mà cộng thêm tội phá hoại có dự mưu là đương nhiên khổ sai chung thân. [3]Chú thích của người dịch: Trận Ardennes là một trong những trận áp chót của Thế chiến II. Để ngăn cản quân Anh – Mỹ tiến ào vào lãnh thổ. Đức đã gom quân mở mặt trận Ardennes (Đông Nam nước Pháp) phản công xuyên qua phògn tuyến Anh – Mỹ làm tướng lãnh Anh – Mỹ bàng hoàng, tiến quân chận hẳn lại. [4]Nhờ thời gian lái xe riêng cho “Ông Địa” Shcherbakov, Tổng Giám đốc Thông tin (Informburo) Viktor không lạ gì những tật xấu, hách dịch của “ông cán bộ” cao cấp này. Vì quá thừa mỡ đi lại nặng nhọc, phục phịch nên ông Tổng Giám đốc không muốn thấy ai trước mắt những lúc đến Sở về Sở. Nhân viên phải lánh đi hết cũng như luôn luôn bị cảnh cáo vì làm biếng, dám để tấm thảm trong văn phòng bám bụi ở góc. Ông Tổgn Giám đốc sợ bụng bự quá nên phải tập cúi thấp đầu, tay đụng sàn nên tiện thể lật góc thảm lên coi.[5]Đó là lý do Viktor giật mình, sợ sệt khi được biết xà lim mang số 53. Phân tích những lời của cụ tiên tri thì thấy quả nhiên năm 1953 có cuộc đổi thay vĩ đại về chế độ nước Nga thật. Chỉ có một sai lầm là người lên “ngôi Hoàng đế thống trị cả giang sơn vĩ đại” không phải chú tài xế Viktor mà chính là ông chủ cũ Krushchev.[6]Năm 1962 có dịp diện kiến Krushchev tôi đã định gợi nhớ lại chuyện Hoàng đế Viktor, chú tài xế ngoan ngoãn của Nikita, ngày nào và bạn xà lim Lubyanka của tôi. Tuy nhiên mắc nói nhiều việc nhân danh các cựu tù nhân nên không tiện nói nữa.[7]Thậm chí những người bị giam ở “địa ngục” Buchenwald mà không chịu bỏ xác, được giải phóng và hồi hương cũng bị tống vô trại giam để điều tra “Tại sao vô Buchenwald mà không chết mất xác? Phải có lý do gì…”[8]Hai mươi bảy năm sau mới bắt đầu xuất hiện những sổ sách, tài liệu soi sáng trung thực “nỗ lực phá hại” của nhà nước hồi đó. Khởi đầu là “Lá thư gởi tập san Những vấn đề của lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô” của P.G. Grigorenko đăng năm 1968. Còn nữa vì nhân chứng lịch sử đã chết hết cả đâu. Rồi đây chế độ và chính quyền Stalin thời đó sẽ không gì khác hơn là Điên Cuồng và Phản Bội.[9]Vụ “Mẹ Tổ quốc kêu gọi các con trở về và tống hết các con vào tù” do một Cơ quan riêng chuyên trách, đặt dưới quyền chỉ huy của Đại tướng Golikov, nguyên Chỉ huy trưởng Quân báo Hồng quân. Golikov có thể coi như một trong số phạm nhân chiến tranh hạng nặng nhất.[10]Chính Vitkovsky viết về đời sống tù tội hồi 1930 cũng có nhận xét rằng: “Giới này nhất định cho rằng những giới kia mới phạm tội, chính mình oan”. Làm sao hiểu nổi tại sao những người không hề phá hoại kinh tế bị gán tội phá hoại cứ nằng nặc tin tưởng rằng giới nhà binh, tu sĩ bị đốn là phải, là đúng? Các quân nhân lãnh án (dù họ không làm gián điệp cho ngoại bang, không phá hoại Hồng quân thì họ biết hơn ai hết) nhất định cho là bọn kỹ sư đã thực sự phá hoại kinh tế và giới tu sĩ phải trừng trị bằng hết. Cùng vô tù mà một số người vẫn cho rằng: “Trường hợp tôi oan. Còn đối với những đứa thù địch kia thì muốn dùng biện pháp nào cũng tốt cả!”. Đối với hạng người đó thì những bài học thẩm vấn ở xà lim cũng chẳng giác ngộ được. Cho đến khi lãnh án đi đày vẫn không thay đổi ý kiến ngày nào, vẫn còn có những vụ phá hoại, đảo chính, gián điệp thực sự.[11]Lời chú thích của người dịch: Lord Haw-Haw là biệt danh dân Anh gán cho một gã tên cộng tác viên đầu tiên và duy nhất của Đức Quốc Xã (trên địa hạt chính thức) ngay những ngày đầu tiên trận giặc Anh quốc đã làm xướng ngôn viên đài Bá Linh, chuyên lung lạc tinh thần dân Anh bằng những bài bình luận, tin tức.[12]Nhân nói chuyện vượt ngục cũng nên nhắc lại một tác phẩm lớn của Sholokhov Số kiếp con người mà các nhà phê bình ca ngợi ầm ầm lên là đã “nói lên được vấn đề”, “phanh phui sự thực cay đắng” một “khía cạnh đời sống chúng ta”. Sự thực thì toàn bộ Số kiếp con người là tiểu thuyết rất tồi, những đoạn nói về chiến tranh nhạt nhẽo và vô duyên…vì Sholokhov có chiến đấu bao giờ, có biết gì về chiến tranh? Đoạn tả những nhân vật Đức thì rõ ràng “chụp lại nguyên bản”. Chỉ có vai vợ thì tù binh là sống động, có nét…nhưng lại cóp nhặt của Dostoyevsky rõ quá! Vả lại trong cuốn Số kiếp con người những vấn đề đích thực của tù binh đã bị giấu kỹ, xuyên tạc bóp méo. Thử xét mấy điểm dưới đây: 1) Tất cả đã thu xếp cho người tù binh bị bắt dễ dàng quá, bị bắt giữa lúc đang chết ngất thì còn nói gì nữa! Khỏi cần ghi nhận phản ứng, xúc động như đại đa số trường hợp tù binh định bắt thật. Giả thử lúc ấy tỉnh táo gã sẽ có thái độ nào, sẽ hành động ra sao? 2) Sholokhov lờ hẳn mối quan tâm chính cảm giác bị phản bội này mới quan trọng và mới…kẹt. Trái lại hắn chỉ đặt vấn đề “có những kẻ phản bội trà trộn với chúng ta” như nòng cốt của truyện. Mà cho dù có đặt vấn đề trà trộn cũng được nhưng Sholokhov “quên” không giải thích và lý luận tại sao có nhiều thằng phản bội như vậy? Hai mươi lăm năm trước toàn dân còn làm Cách mạng hăng quá mà. 3) Sholokhov đã tưởng tượng ra cả một cốt truyện “gián điệp vượt ngục” kéo dài ra để khỏi vướng phải thủ tục “đón tiếp” tù binh trở về, bắt buộc phải qua các địa điểm “nhận diện và đãi lọc người” của SMERSH. Tất cả tù binh hồi hương đều nhốt trong trại giam cái đã…nhưng tác giả chỉ có một mình gã Sholokhov được ông Đại tá đặc biệt cho nghỉ phép một tháng! Để làm gì? Để gã có thời gian công tác điệp báo cho Quốc Xã! Nếu quả có vậy thì ông Đại tá của “Người tù trở về” Sholokhov phải chịu chung số phận chớ? [13]Chính Thống chế Nam Tư Tính toán cũng bị vồ hụt lần đó. Còn hai đồng chí Popov và Tanev từng ra toà một lần ở Leipzig với Dimitrov thì dính luôn. Riêng Dimitrov được Lãnh tụ để riêng, tính một lần khác.[14]Vậy mà dù biết trước số phận sẽ tàn mạt, tù binh vẫn cứ trở về như thường: Như trường hợp Vasily Aleksandrov bị cầm tù ở Phần Lan. Có ông già gốc thương gia Petersburg lánh cư sang đây đến tận trại hỏi họ tên, nhận ra là cháu nội của cố nhân và hồi còn ở quê nhà có mắc ông nội Vasily một món nợ từ 1917. Chiến tranh dứt, ở tù ra hắn được kiều bào ở Phần Lan đãi ngộ đặc biệt. Có người tính gả con gái cho và đưa cho cậu rể tương lai đọc chơi cho biết nguyên một tờ báo Pravda từ 1918 đến 1941, không thiếu một tờ! Vasily còn được ông nhạc tả từng chi tiết các đợt tống giam tập thể ở quê nhà. Biết vậy hắn cũng nằng nặc đòi về, bỏ của cải, bỏ cả cô vợ sắp cưới để hồi hương lãnh bản án phổ thông 10 năm đi đày, 5 năm an trí. Năm 1933 Vasily còn lấy làm sung sướng “bắt” được một chân cai thợ trong một trại Cải tạo đặc biệt.
[1]Quy ước The Hague năm 1905 về tù binh chỉ được Nga công nhận năm 1955. Theo Melgunov thì Nga không chịu gởi thực phẩm, thuốc men cho tù binh ở Đức và còn muốn cho lính tác chiến là trại tù binh Nga bị đối xử tàn tệ hơn các trại tù binh Đồng minh nhiều chỉ để giới hạn bớt những vụ đào ngũ. Họ sợ lính tự ý ra hàng để được ở trại tù binh.[2]Điều tra viên Cơ quan không bao giờ chấp nhận sự giải thích này, không tin bọn “điệp viên nhảy dù” lãnh công tác để khỏi phải bắn lại đồng đội. Những điêp viên bất đắc dĩ dù công tác để khỏi chết cũng bị và bị nặng nhất vì điều 58 khoản 6 mà cộng thêm tội phá hoại có dự mưu là đương nhiên khổ sai chung thân. [3]Chú thích của người dịch: Trận Ardennes là một trong những trận áp chót của Thế chiến II. Để ngăn cản quân Anh – Mỹ tiến ào vào lãnh thổ. Đức đã gom quân mở mặt trận Ardennes (Đông Nam nước Pháp) phản công xuyên qua phògn tuyến Anh – Mỹ làm tướng lãnh Anh – Mỹ bàng hoàng, tiến quân chận hẳn lại. [4]Nhờ thời gian lái xe riêng cho “Ông Địa” Shcherbakov, Tổng Giám đốc Thông tin (Informburo) Viktor không lạ gì những tật xấu, hách dịch của “ông cán bộ” cao cấp này. Vì quá thừa mỡ đi lại nặng nhọc, phục phịch nên ông Tổng Giám đốc không muốn thấy ai trước mắt những lúc đến Sở về Sở. Nhân viên phải lánh đi hết cũng như luôn luôn bị cảnh cáo vì làm biếng, dám để tấm thảm trong văn phòng bám bụi ở góc. Ông Tổgn Giám đốc sợ bụng bự quá nên phải tập cúi thấp đầu, tay đụng sàn nên tiện thể lật góc thảm lên coi.[5]Đó là lý do Viktor giật mình, sợ sệt khi được biết xà lim mang số 53. Phân tích những lời của cụ tiên tri thì thấy quả nhiên năm 1953 có cuộc đổi thay vĩ đại về chế độ nước Nga thật. Chỉ có một sai lầm là người lên “ngôi Hoàng đế thống trị cả giang sơn vĩ đại” không phải chú tài xế Viktor mà chính là ông chủ cũ Krushchev.[6]Năm 1962 có dịp diện kiến Krushchev tôi đã định gợi nhớ lại chuyện Hoàng đế Viktor, chú tài xế ngoan ngoãn của Nikita, ngày nào và bạn xà lim Lubyanka của tôi. Tuy nhiên mắc nói nhiều việc nhân danh các cựu tù nhân nên không tiện nói nữa.[7]Thậm chí những người bị giam ở “địa ngục” Buchenwald mà không chịu bỏ xác, được giải phóng và hồi hương cũng bị tống vô trại giam để điều tra “Tại sao vô Buchenwald mà không chết mất xác? Phải có lý do gì…”[8]Hai mươi bảy năm sau mới bắt đầu xuất hiện những sổ sách, tài liệu soi sáng trung thực “nỗ lực phá hại” của nhà nước hồi đó. Khởi đầu là “Lá thư gởi tập san Những vấn đề của lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô” của P.G. Grigorenko đăng năm 1968. Còn nữa vì nhân chứng lịch sử đã chết hết cả đâu. Rồi đây chế độ và chính quyền Stalin thời đó sẽ không gì khác hơn là Điên Cuồng và Phản Bội.[9]Vụ “Mẹ Tổ quốc kêu gọi các con trở về và tống hết các con vào tù” do một Cơ quan riêng chuyên trách, đặt dưới quyền chỉ huy của Đại tướng Golikov, nguyên Chỉ huy trưởng Quân báo Hồng quân. Golikov có thể coi như một trong số phạm nhân chiến tranh hạng nặng nhất.[10]Chính Vitkovsky viết về đời sống tù tội hồi 1930 cũng có nhận xét rằng: “Giới này nhất định cho rằng những giới kia mới phạm tội, chính mình oan”. Làm sao hiểu nổi tại sao những người không hề phá hoại kinh tế bị gán tội phá hoại cứ nằng nặc tin tưởng rằng giới nhà binh, tu sĩ bị đốn là phải, là đúng? Các quân nhân lãnh án (dù họ không làm gián điệp cho ngoại bang, không phá hoại Hồng quân thì họ biết hơn ai hết) nhất định cho là bọn kỹ sư đã thực sự phá hoại kinh tế và giới tu sĩ phải trừng trị bằng hết. Cùng vô tù mà một số người vẫn cho rằng: “Trường hợp tôi oan. Còn đối với những đứa thù địch kia thì muốn dùng biện pháp nào cũng tốt cả!”. Đối với hạng người đó thì những bài học thẩm vấn ở xà lim cũng chẳng giác ngộ được. Cho đến khi lãnh án đi đày vẫn không thay đổi ý kiến ngày nào, vẫn còn có những vụ phá hoại, đảo chính, gián điệp thực sự.[11]Lời chú thích của người dịch: Lord Haw-Haw là biệt danh dân Anh gán cho một gã tên cộng tác viên đầu tiên và duy nhất của Đức Quốc Xã (trên địa hạt chính thức) ngay những ngày đầu tiên trận giặc Anh quốc đã làm xướng ngôn viên đài Bá Linh, chuyên lung lạc tinh thần dân Anh bằng những bài bình luận, tin tức.[12]Nhân nói chuyện vượt ngục cũng nên nhắc lại một tác phẩm lớn của Sholokhov Số kiếp con người mà các nhà phê bình ca ngợi ầm ầm lên là đã “nói lên được vấn đề”, “phanh phui sự thực cay đắng” một “khía cạnh đời sống chúng ta”. Sự thực thì toàn bộ Số kiếp con người là tiểu thuyết rất tồi, những đoạn nói về chiến tranh nhạt nhẽo và vô duyên…vì Sholokhov có chiến đấu bao giờ, có biết gì về chiến tranh? Đoạn tả những nhân vật Đức thì rõ ràng “chụp lại nguyên bản”. Chỉ có vai vợ thì tù binh là sống động, có nét…nhưng lại cóp nhặt của Dostoyevsky rõ quá! Vả lại trong cuốn Số kiếp con người những vấn đề đích thực của tù binh đã bị giấu kỹ, xuyên tạc bóp méo. Thử xét mấy điểm dưới đây: 1) Tất cả đã thu xếp cho người tù binh bị bắt dễ dàng quá, bị bắt giữa lúc đang chết ngất thì còn nói gì nữa! Khỏi cần ghi nhận phản ứng, xúc động như đại đa số trường hợp tù binh định bắt thật. Giả thử lúc ấy tỉnh táo gã sẽ có thái độ nào, sẽ hành động ra sao? 2) Sholokhov lờ hẳn mối quan tâm chính cảm giác bị phản bội này mới quan trọng và mới…kẹt. Trái lại hắn chỉ đặt vấn đề “có những kẻ phản bội trà trộn với chúng ta” như nòng cốt của truyện. Mà cho dù có đặt vấn đề trà trộn cũng được nhưng Sholokhov “quên” không giải thích và lý luận tại sao có nhiều thằng phản bội như vậy? Hai mươi lăm năm trước toàn dân còn làm Cách mạng hăng quá mà. 3) Sholokhov đã tưởng tượng ra cả một cốt truyện “gián điệp vượt ngục” kéo dài ra để khỏi vướng phải thủ tục “đón tiếp” tù binh trở về, bắt buộc phải qua các địa điểm “nhận diện và đãi lọc người” của SMERSH. Tất cả tù binh hồi hương đều nhốt trong trại giam cái đã…nhưng tác giả chỉ có một mình gã Sholokhov được ông Đại tá đặc biệt cho nghỉ phép một tháng! Để làm gì? Để gã có thời gian công tác điệp báo cho Quốc Xã! Nếu quả có vậy thì ông Đại tá của “Người tù trở về” Sholokhov phải chịu chung số phận chớ? [13]Chính Thống chế Nam Tư Tính toán cũng bị vồ hụt lần đó. Còn hai đồng chí Popov và Tanev từng ra toà một lần ở Leipzig với Dimitrov thì dính luôn. Riêng Dimitrov được Lãnh tụ để riêng, tính một lần khác.[14]Vậy mà dù biết trước số phận sẽ tàn mạt, tù binh vẫn cứ trở về như thường: Như trường hợp Vasily Aleksandrov bị cầm tù ở Phần Lan. Có ông già gốc thương gia Petersburg lánh cư sang đây đến tận trại hỏi họ tên, nhận ra là cháu nội của cố nhân và hồi còn ở quê nhà có mắc ông nội Vasily một món nợ từ 1917. Chiến tranh dứt, ở tù ra hắn được kiều bào ở Phần Lan đãi ngộ đặc biệt. Có người tính gả con gái cho và đưa cho cậu rể tương lai đọc chơi cho biết nguyên một tờ báo Pravda từ 1918 đến 1941, không thiếu một tờ! Vasily còn được ông nhạc tả từng chi tiết các đợt tống giam tập thể ở quê nhà. Biết vậy hắn cũng nằng nặc đòi về, bỏ của cải, bỏ cả cô vợ sắp cưới để hồi hương lãnh bản án phổ thông 10 năm đi đày, 5 năm an trí. Năm 1933 Vasily còn lấy làm sung sướng “bắt” được một chân cai thợ trong một trại Cải tạo đặc biệt.