Bảy

Mẹ ngồi may bên cửa sổ, tiếng máy đạp lè xè buồn bã. Tôi nằm chống cằm ngó chằm chằm vô mảnh gương trước mặt. “Sao hoài ba không về vậy mẹ?” – “Mẹ không biết – Giọng mẹ nghèn nghẹt như bị cảm – Chắc ba bận nhiều công việc không dứt ra được” – “Ba thiệt kỳ mẹ hén”. Tôi càu nhàu, ráng hết sức ép mớ tóc ngắn ngủn cứ chực dựng lên như đuôi con gà chọi. “Mẹ ơi, con để tóc dài có hợp không mẹ? Tướng con mặc đầm có kỳ không héng?”… Chị Lương đang ngồi coi tivi quay phắt lại, mừng như bắt được vàng: “A, cô Út  nhà mình hôm nay người lớn rồi ta – Chị dựng tôi dậy, xoay tôi mòng mòng – Tóc dài được, mặc đầm được. Chỉ có điều tính tình phải dịu dàng chút, nghe chưa?” Mẹ góp chuyện: “Đúng rồi đó. Con gái lớn đi đứng phải đoan trang ăn nói dịu dàng. Lúc nào cũng hùng hục như con trai người ta cười chết. Mai mẹ cho tiền con Lương dẫn em đi mua áo đầm” – “Là con nói thế thôi. Chớ giờ hoc, diện đầm lúc nào mà mua cho uổng” – “Con nhà quê này – Chị Lương bẹo má tôi – Đi dự sinh nhật, đi chơi bao nhiêu dịp. Đừng có điệu rơi điệu rụng ra là được chớ gì”.
Tôi không trả lời, nằm quay mặt vô tường cười tủm tỉm một mình. Tưởng tượng mình xõa tóc dài, à không tết thành bím có nơ cột như của con Mây chắc xinh hơn, đỡ nóng bức hơn, đạp xe thong thả giữa phố đầy cây và người và nắng… Chỉ nghĩ đến đó tôi đã ngủ thiếp đi mất.
“Út ơi”. Tôi vùng dậy dớn dác: “Ba về hả mẹ?” – “Không – Mẹ xoa xoa đầu tôi – Vô nhà ngủ đi con, nằm ở đâycoi chừng muỗi”. Tôi ngáp chảy nước mắt, không muốn động tay chân. Bỗng nhớ ba quay quắt. Ngày xưa mỗi lần ngủ quên như vầy ba lại bồng tôi vô giường, lèn mùng mền cẩn thận rồi mới rón rén đi ra. Ba ơi, giờ ba ở đâu? Ba có nhớ con không?
Trúc đặt ly cà phê lên khay: “Ba Ly về chưa?” – “Chưa”. Tôi buồn bã vẽ những hình li ti trên mặt bàn đầy nước. “Cũng chả có tin tức gì” – “Rồi sẽ ổn hết – Trúc an ủi, già dặn như một cụ non – Chắc ở xa quá không liên lạc được. Đợi Trúc chút xíu nghen”…
Tôi lơ đãng nhìn Trúc bưng đồ tới bàn ăn số ba. Ở đó có một đám thanh niên loai choai nói cười ầm ĩ. Một đứa con gái chồm lên vuốt má Trúc. Mấy đứa còn lại cười hô hố. Chúng nó đổ đầy nước ra bàn và bắt Trúc phải lau bằng sạch, Trúc nhẫn nại làm và bình thản quay lại chỗ tôi như không có chuyện gì xảy ra. Tôi bực: “Sao Trúc để thế được. Ai cũng là người” – “Nhưng bọn nó giàu. Mình chỉ là người phục vụ”. Tôi nhỏm dậy: “Giàu nghèo không phải là thước đo để coi thường nhau. Trúc không nói để Ly nói”. Trúc kéo tay tôi lại can: “Kệ họ, có mất gì”. Tôi chán: “Trúc thay đổi quá à!” Đám thanh niên đã kéo đi. Quán trở nên yên tĩnh hẳn. Trúc bảo: “Đi làm mới biết. Không tự do, sung sướng như đi học được”. Tôi dịu dàng “Dạo này Trúc có thì giờ để học không?” – “Không tồi – Trúc vui vẻ - Đang đợi kết quả thi học sinh giỏi. Mà khả quan lắm nghe”. Nói đến chuyện học Trúc tươi tỉnh và tự tin hẳn lên: “Năm bài làm được cả năm. Phần cuối hơi lừng xừng một tí nhưng không ăn nhằm gì” – “Chuẩn bị đập heo ăn mừng được chưa?” Tôi đập mạnh vai Trúc: “Ý quên…” Tôi kêu lên, sực nhớ lời mẹ dặn: “Con gái lớn…” – “Chuyện chi?” – Trúc hỏi. Tôi chối bay: “Không gì. Bà nội mạnh không Trúc?” – “Bà yếu xìu – Trúc buồn xo – Bà bệnh lại chẳng được thuốc men đầy đủ. Trúc làm vầy đâu có lo đủ tiền bồi dưỡng cho bà”. Nó nhìn ra ngoài trời đầy sao, mặt xanh xao nhưng hai mắt sáng long lanh: “Ước chi có ba hạt dẻ thần ở đây. Một hạt Trúc ước má Trúc về. Hạt thứ hai ước ba Ly không đi công tác xa nữa. Hạt cuối cùng Ly với Trúc là bạn thân mãi” – “Còn nội?” – “Má về, Trúc học giỏi lại ngoan là bà vui. Bà hết bệnh liền à!”
Chúng tôi cùng yên lặng. Trúc gục đầu xuống như đang cầu nguyện. Tôi không biết lời cầu nguyện của nó có đến tai được vị thần nào không mà chỉ một thời gian sau điều ước của nó đã thành sự thật, cho dù nó kéo theo bao nhiêu chuyện đau buồn khác.
Sài Gòn mưa nắng thất thường. Nhà nào cũng thủ sẵn một vỉ decolgen trong tủ thuốc. Mỏi mệt và uể oải len trong đời sống chỉ đợi có một sơ hở là kèn người ta ngã bệnh lăn quay.
Trúc tới, phờ phạc thông báo: “Nội bệnh nặng phải đưa vô cấp cứu hồi đêm. Trúc đi làm về thấy bà nằm té đập đầu xuống đất. Chắc bà bị trúng gió”. Tôi kéo Trúc ngồi xuống: “Từ từ đã. Bây giờ bà ở đâu?” – “Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Bà chảy máu tùm lum, mê man từ đó tới giờ”. Trúc rân rấn nước mát. “Có ai trông nội không?” – “Giờ thì không. Trúc chạy về lấy đồ ghé qua báo cho Ly hay rồi vô liền”. – “Vậy đợi Ly chút xíu”. Tôi chạy lên thay đố. Đồng hồ chỉ bảy giờ thiếu hai mươi phút. Hôm nay đành phải nghỉ học thôi. Một tiết Lý, hai tiết Văn, hai tiết Toán… không có tôi chắc Lam sẽ chịu chép bài đầy đủ hơn.
Tôi xuống nhà. Trúc ngủ gật trên divan, đầu ngoẹo sang một bên khổ sở. Tôi xách túi đồ, lay Trúc: “Dậy đi, Trúc ơi!” Trúc mở mắt ngơ ngác: “Đi đâu?” – “Vô với nội chớ đi đâu” – “Ờ hén, đêm qua Trúc thức trắng mệt quá”. Trúc vặn vẹo người cho đỡ mỏi: “Thôi vô lẹ không nội đợi”.
Trong phòng hồi sức Hiền, Thục, đứa đứng đứa ngồi vẻ mặt bồn chồn. Vừa nhác thấy chúng tôi, bọn nó đưa tay suỵt khẽ: “Bà vừa ngủ lại. Hồi nãy tỉnh dậy, bà đòi gặp Trúc miết”. Trúc lại gần giường cầm tay bà ấp lên mặt. Cái bàn tay lủng củng xương, nhăn nheo đầy gân xanh đã từng làm bao nhiêu việc, kể cả lượm bao nilon để nuôi Trúc lớn bằng này.
Tôi hỏi khẽ: “Sao bọn mày biết nhanh vậy?” Thục tự hào: “Bạn thân có gì là không biết”. Hiền cười khe khẽ: “Đùa thôi. Hồi sáng tụi tao ghé qua nhà Trúc thấy khóa cửa. Bà Năm chạy sang báo cho biết đó chớ”. Thục kéo áo Trúc: “Ông về nghỉ đi. Để tụi này trông nội cho” _ “Mấy bạn còn phải đi học” Trúc e dè. “Trễ rồi học gì nữa – Thục toét miệng cười – Lâu lâu mới được cúp học vì có lý do chính đáng chớ bộ. Bây giờ chia ca nghe. Sáng nay là tụi này. Chiều đến ông. Tối nay ai rảnh?” – “Ly rảnh”… “Ờ, vậy tối Ly với Trúc trực đêm” – “Chết cha – Hiền nhớn nhác – Tối nay tao cũng rảnh” – “Mày hả? Để khi khác. Tối nay hổng có duyệt”. Thục cười ranh mãnh. Tôi cáu: “Con quỷ. Vô đây còn quậy được” – “Thì cũng phải để cho ông Trúc tươi cái mặt lên chút chứ!” Thục chống chế. “Lo cho mày đi – Tôi lườm Thục – Cái miệng lép nhép hoài không kịp lên da non”. Hiền giục: “Trúc về nghỉ đi!” Trúc ra cửa còn nhóng lại: “Cám ơn mấy bạn nhiều nha” – “Ơn gì – Thục rúc rích – Hồi bà khỏi bệnh cho tụi này xơi một bữa là xong ơn huệ liền”.
Bóng Trúc đã khuất sau tấm kính chắn mờ vẽ chữ thập đỏ chót. Tôi ngắt mũi Thục: “Quỷ con. Mày lúc nào cũng ăn uống. Tiền nó lo chưa đủ cho bà nằm bệnh viện mày còn bóc lột” – “ Là tao ghẹo thế. Chớ tới lúc đó tụi mình hùn tiền vô chung mà” –“Đứa nào đòi ăn đứa đó bỏ tiền, Hiền há?”
Bà nội cựa quậy người. Vài sợi tóc bạc dính bết trên vầng trán nhăn nheo. Hai má bà tóp xọp. Cái miệng chấp chới há ra ngậm vô từng chút không khí. Hiền vuốt vuốt trán bà, thở dài thiểu não. Thục gắt: “Mày cứ âu sầu vậy càng làm thằng Trúc rối ruột thêm. Ra đây tao biểu cái này”. Ba đứa chụm đầu vô. Thục lào thào: “Đứa nào cũng có quỹ tiết kiệm phải không? Chịu hùn vô chữa bệnh cho bà nội không?” Hiền lo lắng: “Nhưng mờ Trúc hay mặc cảm lắm. Chắc chắn nó sẽ từ chối”. Thục láu táu: “Từ chối làm sao được. Tao có cách tụi mày khỏi lo” – “Cách chi vậy?” – “Bí mật cứ nộp đủ tiền cho tao đã rồi từ từ biết” – “Không phải mua bò bía với gỏi bò mời bà xơi chớ?” Thục liếc tôi một cái sắc lẻm: “Người ta đang bàn chuyện nghiêm túc chớ bộ”. Hiền xí xóa: “Xin can. Xin can. Ở đây là bệnh viện mà tụi bay làm như cái chợ” – “Ủa – Thục trợn mắt – Mày không biết ba người đàn bà họp lại với con vịt mới thành cái chợ à? Tụi mình còn thiếu con vịt, lo gì”.
“Tôi có thể biến thành con vịt được không?” Một giọng khàn khàn cất lên. Chúng tôi giựt mình ngoái ra sau. Ông bác sĩ già vô cùng bệ vệ dẫn theo một đám sinh viên thực tập. Ông ta yêu cầu: “Bây giờ chúng tôi khám bệnh cho bệnh nhân. Mời các cô ra ngoài kia”.
Ba đứa đứng chóc ngóc ngoài cửa hơn 15 phút. Lâu lâu Thục lại lon chon nhón người lên, xong lại thụt xuống thất vọng: “Tầm quan sát bị chặn bởi những hàng rào kẽm gai của những cái lưng quá phì nhiêu”. Hiền nhăn: “Mày nói khẽ không thì nghe thấy chửi chết” – “Đùa vui mà” Thục rụt cổ cười hi hi.
Cửa khính mở. Ông bác sĩ lại dẫn bầy sinh viên diễu qua trước mặt chúng tôi đến phòng khác. Tôi túm tay một anh chàng sinh viên tướng mập mạp: “Anh ơi, bà nội em có sao không?” Anh ta quay lại nhìn tôi vẻ khó hiểu, mặt cau có và câm lặng bước đi. Tôi không kịp tức, chỉ thấy buồn cười vì cái bộ dạng quan trọng đó hoàn toàn không hợp với cặp kính cận quá bé bỏng và tội nghiệp nằm chênh vênh trên khuôn mặt tròn xoay và ửng đỏ vì nóng bức. Một mẫu người không thể dành cho các bệnh viện miễn phí.
Hơn chín giờ Trúc đã vô, mang theo lỉnh kỉnh ly tách và một bịc bánh bông lan. Nó chìa ra mời, mắt viền hai quầng thâm tái xanh. Thục nửa đùa nửa thật: “Đang có chiến dịch chống tham ô hối lộ. Bộ muốn tụi này vô tù à?” Hiền giựt áo Thục: “Sao Trúc vô sớm thế?” – “Tại Trúc sốt ruột quá. Giờ mấy bạn về trước đi nghen”. Ba đứa ngần ngừ nhìn nhau. Tôi quyết định: “Ừ thôi về. Chiều đứa nào rảnh lại lên”.
Cả bọ lục tục kéo ra cổng. Trèo lên xe rồi Thục còn quay dặn dò kỹ lưỡng: “Nhớ chuyện hồi nãy nghen. Nhớ đừng cho thằng Trúc biết”.
Về nhà tôi chui tọt vô phòng, đóng chặt cửa. Tôi ngập ngừng nhìn con heo đất đỏ tươi có cái xoáy hồng hồng trên đỉnh đầu nằm phục phịch trên bàn học. Tôi cầm nó lắc nhẹ. Những đồng tiền giấy cạ vô nhau loạt xoạt. Lên quyết tâm, hạ quyết tâm mãi tôi mới đập được đít con heo, dốc ngược. Những tờ tiền gấp tư bay xòa ra đầy sàn. Gần hai trăm ngàn… Một bộ cọ và một hộp màu mơ ước từ lâu… Thôi nhé, tạm biệt chúng mày. Tao phải giúp đỡ Trúc, làm một việc gì đó có ý nghĩa hơn.
Tôi thở hắt ra vừa sung sướng vừa tiếc rẻ.
Mẹ gọi: “Út ơi có quà của ba nè”. Tôi hấp tấp chạy ra, vấp phải chân bàn đau điếng: “Ba về hồi nào vậy mẹ?” – “Lúc con vô bệnh viện. Xong ba lại phải đi công tác ngay”. Mẹ không biểu lộ một cảm giác gì. Bỗng nhiên tôi linh cảm một mối quan hệ bất bình thường đang diễn ra trong ngôi nhà này, mà chỉ riêng mình tôi là đứa mù tịt. Tôi gặng hỏi: “Ba mẹ có chuyện chi phải không?” – “Đâu có. Dạo này ba phải họp hành suốt mà”. Chị Lương ngồi ngoài xen vô: “Phải đó. Hồi nãy ba về ba bảo phải họp liên miên. Ba còn nhắn tao kêu Út đừng có khóc nhè. Đó, đó mẹ thấy chưa? Mới nhiêu đó mà cái môi nó chảy thượt rồi kìa”. Chị cười hích hích. Tôi ngượng dụi đầu vào vai mẹ: “Đâu, quà con đâu?” Mẹ đưa cho tôi một hộp lớn. Ôi trời, một bộ cọ con sóc và hộp màu nước Lêningrat. Mẹ ơi, ba thật muôn năm! Tôi hôn mẹ đánh chụt, nhảy tưng tưng khắp nhà. Quên bẵng chuyện đặt dấu hỏi nghi ngờ hồi nãy. Dấu hỏi mà ngày lại ngày càng lúc nó càng to bự lên.