Tiếng chân đi ngoài hành lang làm cho Cúc Huyền giật mình, nghe trái tim đập nhanh và cảm tưởng như đang ngồi trên chiếc xe đâm xuống con dốc cao. Mấy ngày rồi, mưa liên tiếp vào buổi sáng, kéo dài tới khoảng xế trưa. Buổi chiều do ảnh hưởng của cơn mưa, nắng không vào được trong hành lang, trong khi không khí lạnh như ập cả vào phòng, làm căn phòng bệnh viện như ướt đẫm bởi một thứ hơi, và một thứ mùi hăng hắc bên mũi. Qua cánh cửa sổ có lót kiếng, Cúc Huyền nhìn thấy một bầu trời đục, lờ đờ những vùng mây tươm hơi nước bên ngoài. My đến ngày hôm qua, chỉ tay về phía sau nói là ở đó có con đường dẫn tới trường học của mình. Cúc Huyền nghe tiếng động cơ xe nổ thoáng qua rồi mất hút. Tiếng móng ngựa gõ trên đường kéo dài, rời rạc, quen thuộc như những buổi sáng sớm ở nhà. Cũng qua cánh cửa sổ có lót kiếng, Cúc Huyền nhìn thấy một ngọn cây, không biết là cây gì, ở ngay trong bệnh viện. Hôm nào ngọn cây còn đầy lá, bữa nay lá đã rơi rụng thật nhiều, còn trơ lại những cành khẳng khiu in trên nền trời mù lấm tấm bụi mưa. Suốt ngày Cúc Huyền chỉ nhìn thấy bầu trời đầy mây trắng và ngọn cây trơ trọi kia. Cúc Huyền không thể ngồi được, chỉ cử động được tay chân, một cách chậm chạp. Cúc Huyền chỉ uống nước cam vắt, uống sữa, nghe máu và hơi thở mòn dần trong thân thể héo hon của mình. Cái chết ám ảnh Cúc Huyền nặng nề, và thường xuyên bằng những cơn ác mộng. Có lúc Cúc Huyền thấy mình mặc toàn đồ trắng, bước qua cầu thật nhẹ nhàng theo một người không rõ hình dáng. Bên dưới là một cái hố sâu đen ngòm, gió lạnh ngắt, tiếng côn trùng rên rỉ kêu than. Có lúc Cúc Huyền thấy mình xoay quanh một cái vòng tròn, mới đầu to, sau nhỏ dần, xa vắng và tan nát trong mơ hồ. Cúc Huyền mê sảng từng đêm, kêu khóc và la hét hoảng sợ đến tột cùng. Khi tỉnh dậy, mồ hôi ướt trán, mệt mỏi, lờ đờ. Trên là đỉnh màn với ngọn đèn vàng vọt bất động của bệnh viện, bên cạnh, mẹ vẫn ngồi đó, từ bao giờ với nỗi lo âu hằn sâu trong đôi mắt. Bao giờ, dù khuya khoắt hay lờ mờ sáng, tỉnh dậy Cúc Huyền vẫn thấy mẹ ngồi đó. Cúc Huyền nhắm mắt lại sợ hãi cả những giọt nước mắt của mình. Trên chiếc bàn đem kê ở đầu giường, mấy múi cam lột sẵn, một con dao nhỏ, lạnh bạc, một cái ly không và những lọ thuốc. Như thế là đã bao nhiêu ngày rồi, Cúc Huyền nằm đây, như một cái cây chờ mùa hè qua hết để tàn tạ theo tiếng chim, Cúc Huyền hiểu rõ trong nỗi tuyệt vọng của mình là sức khỏe không còn trong cơ thể nữa. Một cái gì mong manh lắm, Cúc Huyền muốn bay ra khỏi căn phòng tanh tưởi, lạnh lùng của bệnh viện này. Bắt đầu từ bao giờ Cúc Huyền không hay, những sợi tóc dài óng mượt của mình rơi trên gối. Có khi sáng ra, Cúc Huyền nắm một nắm tóc rụng trong tay, và khóc ngất. Như vậy là Cúc Huyền không còn giữ được cái gì thuộc về mình nữa. Đã hết. Mái tóc thưa dần, rồi ngắn củn, cao khỏi bờ vai. Không ai dám đưa gương cho Cúc Huyền soi, nhưng Cúc Huyền biết, trên gương mặt mình là một cái gì tàn tạ nhất. Cúc Huyền dửng dưng với cơn bệnh của mình sau mấy ngày khóc nhiều hơn thở, vất vả nhiều hơn ăn uống. Đã rõ là không còn gì. Tất cả chỉ chờ đợi, mặc dù mọi người đều cố gắng phà vào cơ thể này một nguồn sinh lực, một tia hy vọng. Cúc Huyền biết khi lá rụng hết trên cành thì tâm hồn mình cũng mỏi. Đám tang lá vàng có thể sẽ đưa luôn Cúc Huyền trong cùng một ngày chết. Cúc Huyền mơ hồ nghe tiếng sóng gào, biển xanh ngát muôn trùng. Sẽ có một chỗ cho Cúc Huyền trên rừng thông, trên con dốc ngày nào Lũy đã bước tới.Sáng nay mưa nhỏ, và có nhiều tiếng chân đi lại ngoài hành lang. Mẹ vừa về mang theo một ít quần áo vào, chắc khoảng gần trưa mẹ mới tới. Một mình Cúc Huyền cảm thấy yên tâm với cơn đau của mình hơn. Không còn phải khóc khi thấy bóng bất động của mẹ. Rồi cũng sẽ không còn gì nữa. Không còn ai bận rộn với Cúc Huyền, một cái tên nào còn lại và xa lạ. Cúc Huyền nhìn những sợi mưa bay bên ngoài khung cửa, nhớ lại lớp học, bạn bè, và rất nhiều thứ mà tưởng chừng mình không còn dịp nào để nhớ. Cúc Huyền lại khóc, và thấy tan vỡ êm đềm kỷ niệm cùng những giọt nước mắt.Cả mấy cái bóng in lên khung cửa đục, rồi cửa được đẩy vào:Chị Thục, bé Hạnh và anh Đồng. Cúc Huyền cố nở một nụ cười, nhưng những giọt nước mắt cứ ứa ra. Hạnh nắm tay Cúc Huyền. Chị Thục ngồi xuống mép giường, trong khi anh Đồng đứng. Hình như cả ba cùng hỏi Cúc Huyền một câu:- Cúc Huyền bớt chưa?Và Cúc Huyền chỉ khẽ gật đầu. Không còn câu trả lời nào khác. Hạnh đặt cái túi cao lên bàn. Chị Thục nói:- Em uống nước cam tươi nhé? Chị làm cho.Cúc Huyền định từ chối, nhưng đôi môi khô quá nói không thành tiếng. Chị Thục lấy cam, loay hoay vắt vào ly đưa cho Cúc Huyền. Anh Đồng nói:- Cho dì ấy uống bằng muỗng.Chị Thục nhớ ra, vội lấy chiếc muỗng nhỏ múc đút vào miệng Cúc Huyền những muỗng nước cam ngọt lịm. Cúc Huyền lắc đầu, khi đôi môi đã ướt. Có thể nói chuyện được. Hạnh thường ngày vẫn tíu tít, hôm nay không còn nói cười được nữa, chỉ đứng nhìn những đường gân xanh nổi hẳn lên trên làn da tái mét của bàn tay Cúc Huyền.- Em định nói với mẹ, xin bác sĩ cho về nhà. Em nhớ nhà quá chị Thục ạ.Anh Đồng nói:- Không nên. Cứ ráng mà nằm cho lành bệnh hẳn rồi về nhà.- Biết có khỏi không mà nằm. Sợ em không còn dịp nào mà về nhà nữa.Chị Thục bịt miệng Cúc Huyền lại:- Em chỉ toàn nói gỡ.- Mấy đêm em liên tiếp nằm mơ thấy mình chết đi.Chị Thục cười:- Như vậy là Cúc Huyền sắp khỏi rồi đó. Vì nằm mơ thấy mình chết là chả bao giờ chết cả.- Chị nói dùm với mẹ cho em về nhà đi. Em sợ nơi này lắm.- Cúc Huyền còn đau mà.- Về nhà cũng như nằm ở đây thôi.- Sao được. Ở đây có bác sĩ người ta thuốc men cho, mới khỏi bệnh được chứ.- Chị thấy không, tóc em rụng hết, khi nào tóc rụng là mình sắp chết.- Em đừng nói nhảm. Đau thì tóc rụng, khỏi đau tóc mọc lại và đẹp như xưa.Cúc Huyền cười héo hắt:- Nhưng hôm qua em đã đọc được trên mắt bác sĩ nỗi thất vọng. Ông ấy không nói, nhưng em biết khó mà khỏi được.- Em đâu bằng bác sĩ.- Bằng chứ. Hơn nữa là khác. Vì em hiểu rõ em.Hạnh ghé sát vào tai Cúc Huyền nói:- Hạnh đã biên thư cho cậu Lũy rồi, nói dì đau nằm trong bệnh viện.Cúc Huyền nằm im nghe rõ ràng những giọt mưa ngoài kia như gõ vào tim mình. Lũy, là một cái gì làm cho trái tim Cúc Huyền đau nhói, thổn thức và giá buốt.Mắt mở, nhìn vào bức tường, nhưng Cúc Huyền lại mơ hồ thấy những trái bóng quay thật nhanh, đủ màu sắc, rồi những chiếc lá, những con chim bị tên rơi rớt lả tả. Cúc Huyền sợ quá, nhắm mắt lại. My lấy dao rọc cuốn sách. Tiếng rọc giấy khiến Cúc Huyền mở mắt ra, rạo rực, nôn nao khi nghe mùi giấy mới lất phất bên mũi. Cúc Huyền đã không còn cầm được sách nữa, không còn nghe mùi giấy vở thương yêu, mùi mực nồng đượm theo hàng chữ.- My đọc cho Cúc Huyền nghe đoạn này nhé?Cúc Huyền lắc đầu:- My hát đi, Huyền thích nghe hát.- Ở đây hát kỳ lắm.- Hát nhỏ thôi, chỉ để Cúc Huyền nghe mà thôi.- Bài gì?- Bài gì thật buồn.My cười:- Hát bài buồn cho Cúc Huyền khóc hả?Cúc Huyền lắc đầu. My nói:- Bác sĩ cấm gây xúc động. Cấm Cúc Huyền khóc đó.- Ai cấm nước mắt của mình rơi được. Phải không My?- My hát bài "Nước mắt rơi" đi.- Bài đó buồn lắm.- Đã bảo Cúc Huyền thích nghe cơ mà. Chỉ một lần này thôi, mai mốt My muốn hát cho Cúc Huyền nghe cũng không được.My đành chiều Cúc Huyền, nhất là khi thấy đôi mắt Cúc Huyền u sầu như một đám khói. My hát nho nhỏ, hát với tất cả hơi thở có trong buồng phổi, có trong lòng.My muốn gởi hơi thở đó vào trong người Cúc Huyền làm hồi sinh đôi mắt đẹp kia, làm hồi sinh một cuộc tình đẹp như giấc mộng. Trái với ý nghĩ của My, Cúc Huyền nằm yên, lắng nghe, chứ không khóc. Những giọt nước mắt như không còn ý nghĩa gì với Cúc Huyền. Và như vậy, Cúc Huyền đang có ở một cõi nào, My thương Cúc Huyền, cũng như thương chính cuộc tình của hai đứa. Tuyệt vời nhất là trong nỗi đau của Cúc Huyền, có nỗi đau của My. "Người đẹp thường hay mệnh bạc", có phải như thế không? My biết, Cúc Huyền sẽ không bao giờ ra khỏi cửa phòng này, để về ngồi bên bờ hồ mơ thơ mộng của Cúc Huyền, không còn cắp sách đến trường, không còn cười, không còn nói, không còn đi với My trên những con đường đầy lá vàng xưa.Biết thế, nhưng My vẫn hy vọng. Hy vọng vì My quá thương Cúc Huyền. My quá thương Lũy.Cúc Huyền cười:- My thấy không, Cúc Huyền đâu có khóc. My hát hay ghê. Thế nào rồi Lũy cũng lên đây. Mai mốt, ngày kia, ngày kìa nữa, chứ không lẽ Lũy giận cả thành phố rừng thông và bờ biển này. Lúc đó My ca hát cho Lũy nghe nhé.My nhớ ra, reo lên:- À, sao Cúc Huyền không biên thư cho Lũy nhỉ?- Cúc Huyền không còn cầm viết được nữa. Những ngón tay hình như không còn là của Cúc Huyền, với lại Cúc Huyền thích yên lặng.- Cúc Huyền đau, chắc Lũy không hay.- Chị Thục nói đã báo tin cho Lũy rồi.- Vậy là Lũy sẽ lên thăm Cúc Huyền.- Có còn kịp không?- Kịp gì?Chợt My hiểu rõ câu hỏi của mình hơn chính Cúc Huyền nữa. My thở dài. My thường không biết nói gì khi xúc động. Cũng như My chưa nghĩ được rằng phải làm sao khi ngày mai chỉ còn lại một mình My vào lớp học, đi và về trên con đường đó.Sẽ phải nói gì với Lũy, sẽ phải đối phó ra sao với những ngày sắp tới, những ngày mà thấy bơ vơ, lo sợ.- Hình như mưa to phải không My?- Mưa vẫn như thế thôi Cúc Huyền ạ.- Chiều nay có nhiều tiếng chân ở ngoài hành lang quá. Nếu My không vào chắc Cúc Huyền ghê buồn lắm. Nằm một mình ở đây thì thấy trời qua cửa sổ và thấy bóng mình qua bức tường.- Tại sao Cúc Huyền hay lo nghĩ. Lẽ ra Cúc Huyền phải cố ngủ thật nhiều. Khi trong người mình thật khỏe mình không có lo nghĩ quẩn.- My nói y như một bác sĩ vậy.Hai đứa ngó nhau cười. Cố không nhớ tới cơn bệnh của Cúc Huyền nhưng My vẫn phải thấy nụ cười của Cúc Huyền héo hắt. Đôi môi khô, có những nếp nhăn tái nhạt. Người ta có thể đau yếu một cách tàn tạ như thế sao?- À, mấy đứa kia hẹn chiều nay, vào thăm Cúc Huyền đấy.- Đông lắm không?- Không, mấy đứa thân với mình.- My cho biết à?- Đứa nào mà chả biết Cúc Huyền đau nằm trong bệnh viện.Cúc Huyền định nói "chỉ có Lũy chưa biết" nhưng Cúc Huyền vội lắc đầu, nhắm mắt lại, quên Lũy đi. Đừng nhớ gì tới Lũy nữa có hơn không? Tiếng móng ngựa gõ lóc cóc trên con đường phía ngoài đưa vào làm Cúc Huyền nôn nao. Bao giờ mới có thể ngồi lại trên chiếc xe ngựa đi loanh quanh ra bãi biển, lên đồi thông. Có ai đang ngồi trên chiếc xe ngựa đang chạy qua.- My biết không, Cúc Huyền chả muốn tụi nó vào đây. Cúc Huyền rất sợ đám đông, nhất là bạn bè, đám đông đến thì vui, nhưng khi về lại buồn. Cúc Huyền chỉ thích nằm ở đây một mình với My mà thôi.- Cúc Huyền không nói trước.- Biết gì mà nói trước.My cười. Bao giờ My cũng cười. Nhiều lúc My cũng không hiểu tại sao nụ cười lại dễ dãi với mình quá, trong khi có những điều quá khó khăn chẳng hạn như khi đứng trước mặt Lũy, vẫn biết không ai bắt My phải nói, hay chứng tỏ một điều gì, nhưng My vẫn thấy sự im lặng của mình là một điều thiệt thòi, mất mát. Có một lần Lũy bảo, khi Cúc Huyền quay đi chỗ khác, Lũy thích sự im lặng. Nhưng My vẫn áy náy và khổ tâm. My không phân biệt rõ ràng tình cảm của mình đối với Lũy. Chỉ thấy khoảng thời gian sau này, mơ hồ. Buổi chiều đi học về không có Cúc Huyền, con đường mở ra thênh thang với những bóng cây xa, những màu hoa trong một cổng nhà gần. Và mây trời óng ả trên đầu. Cúc Huyền đã mất, hay My đã mất mọi cảm giác êm ái như gió mùa thu lay màn cửa lúc ngồi học bài? My sợ phải làm người ở lại trước những cái vừa mất đi. Có lẽ My sẽ cuống cuồng, quay quắt trước quyết định của mình, trước tình cảm của mình.- Nghĩ gì?Bàn tay Cúc Huyền lạnh như cái bàn chải đánh răng ấp vào da tay mỗi buổi sáng súc miệng. My đứng nhìn vào mắt Cúc Huyền lắc đầu:- Không có gì hết.- Có chứ sao không. My đừng giấu. Có phải My đang nghĩ tới Lũy không?My sững sờ:- Sao Cúc Huyền biết tài thế?- Sao không. Cứ nhìn vào mắt My thì biết ngay.My cười. Những giọt mưa bên ngoài không lớn thêm, không kéo dài ra, nhưng nom có vẻ hiu hắt qua một khung cửa kiếng lờ mờ. Mẹ của Cúc Huyền che cây dù màu nâu chạy ra khoảng sân bệnh viện. My thấy những hạt nước bắn tung trên nóc dù. Bà vào với một cái xách đầy quần áo.- Lạnh không bác?- Mưa không to nên không lạnh. Tưởng cháu về rồi chứ.- Phải đợi bác vào với Cúc Huyền cháu mới về được.- Bây giờ cháu có thể về được rồi đó.Cúc Huyền nắm chặt tay My nói:- My ngồi chơi đợi bớt mưa luôn một thể.- My về nhà có chút việc. Sáng mai My trở vào. Không thì chiều đi học về My ghé. Phải để Cúc Huyền nằm nghỉ chứ. Ở đây hai đứa cứ nói chuyện hoài.My cười, bắt Cúc Huyền phải đồng ý. Cúc Huyền cố gượng một nụ cười. Không hiểu sao My lại để ý đến những nếp nhăn ở khóe mắt Cúc Huyền và đôi môi tái nhạt của Cúc Huyền.- Mai vào cho Cúc Huyền nhờ My việc này. Nói lúc nãy đó.- Nhớ rồi.- My về tụi kia đến thì sao?- Giờ này chắc tụi kia không đến rồi đó.- Mình cũng mong như vậy.My chào mẹ Cúc Huyền và bước ra cửa, lúc bà lui cui với cái xách đựng đầy quần áo, My phải đưa tay xô cái cửa kiếng, bước ra. Hành lang bệnh viện kéo dài tới một khu nào đó, cũng đầy những phòng tương tự như phòng của Cúc Huyền đang nằm mà My chưa hề bước tới, chỉ đứng ở đây, nhìn suốt về phía đó cũng thấy sờ sợ.My bước xuống những bậc tam cấp men theo chân hành lang tới cổng khép hờ với người gác cổng quen thuộc mấy hôm nay. Những giọt mưa rơi nhẹ trên tóc My, hình như chúng ở trên cây lá rơi xuống. Nếu Cúc Huyền ra được bên ngoài, đi dưới mưa như thế này, chắc là Cúc Huyền sẽ reo lên, hứng những giọt mưa kia vào lòng bàn tay. Ừ nhỉ, bây giờ My mới nhận ra điều đó, là đã thiếu mất Cúc Huyền trên những con đường cây lá xanh, và mưa bụi từng buổi chiều. My đã không dám đến nhà chị Thục, vì My sợ phải quen chân bước tới bờ hồ, rồi nhìn thấy nhà Cúc Huyền với cánh cửa sổ và cây trứng cá. Hay là My sợ đôi mắt sau cánh cổng hoa giấy ở nhà chị Thục?- My, My.Tiếng kêu bên kia đường làm My giật mình, suýt bước vào một vũng nước đọng! "Thằng cư xá" đang ngồi trên xe đạp ở dưới một gốc cây.- Cho hỏi thăm một chút.Và nó đạp xe vòng qua hỏi:- Cúc Huyền đau nằm trong đó hả?- Hỏi chi thế?- Vào thăm được hay không?- Không được.- Cúc Huyền không cho vào à?My lườm:- Dám vào không?- Sao không.- Thì vào đi.My mỉm cười, bỏ đi. "Thằng cư xá" ngần ngừ một lúc. Tưởng nó gan dám vào thăm Cúc Huyền, nhưng nó lại đạp xe theo phía sau My tìm cách hỏi chuyện:- Vào đó có trình giấy tờ gì cho người gác cổng không My?My biết nó cố tình thêm tên My vào câu nói. Gọi tên người ta được cũng chẳng phải dễ dàng gì đâu. My lắc đầu, nói để thúc giục nó vào:- Không phải giấy tờ gì hết. Muốn vào thăm thì vào.- Ngó bộ Ông gác cổng dữ quá My nhỉ?My tức quá la lên:- Không phải tên My.Nó ngạc nhiên:- Chứ tên gì?- Tên My là tên nhỏ bạn. Tôi không có tên.- Xạo. Ai đời lại không có tên.My chả thèm trả lời nữa. Nhưng "Thằng cư xá" vẫn không tha. Bây giờ thì My biết nó chỉ giả vờ hỏi chuyện để đi theo My. Như thế là gan lắm rồi. Bình thường nó chả bao giờ theo My cả. Bình thường My cũng chả cho nó hỏi đến một câu. My đã "tống khứ" nó đi. Nhưng hôm nay không hiểu sao My lại sợ người khác trông thấy sẽ nghĩ lầm.My bực quá định "mắng" nó một trận. Nhưng My nghĩ tội gì phải phí lời. Ngày mai vào lớp học sẽ nói với tụi kia nghe. Cả bọn đón đường chọc "Thằng cư xá" cho nó mắc cỡ chả dám bán mảng đến trường nữa. My nghe tiếng móng ngựa gõ lóc cóc, mặt tươi hẳn lên. Quả nhiên chiếc xe ngựa trờ tới đầu ngã ba. My đi nhanh và vẫy người xà ích. "Thằng cư xá" đạp xe theo, nhưng My đã leo lên xe ngựa ngó xuống cười mũi với nó. "Thằng cư xá" vội quay xe lại đi mất.My không có ý định về nhà. Chỉ lấy cớ để khỏi phải ngồi lại với Cúc Huyền mà nghĩ đến Lũy. Như thế là có lỗi với sự vô tâm của mình. My thương Cúc Huyền hơn bao giờ hết. Cũng như, My bắt đầu thương cho chính mình. Cái khoảng thời gian còn lại ở phía sau, quả thật mênh mông, bát ngát. My sẽ làm gì?- Đi đâu thế cô?- Ông có chạy qua hết những con đường không?Người xà ích cười:- Tôi chạy từ sáng tới giờ rồi. Mệt quá bây giờ định về nghỉ ngơi.- Ông chở tôi đến đường Huyền Trân Công Chúa đi.Nếu ông xà ích bằng lòng qua hết những con đường thì thú biết mấy. My thích ngồi trên xe ngựa một mình, quay ra phía sau nhìn con đường chạy lùi lại với cây cối nhà cửa, nền trời. Cùng một lúc nghe tiếng chân ngựa gõ ròn rã trên đường. Cùng lúc với mưa rất nhỏ và thu rất vô tình làm thành nỗi buồn như khói vây.Giờ này ra biển một mình. My suýt reo lên với ý nghĩ của mình. Phải lắm. Ra biển một mình. My nói với người đánh xe:- Cho tôi ra chợ đi ông.- Tôi cũng về đó đây.