Sau những gì phải trải qua và chịu đựng, tôi cảm thấy dường như tất cả đều vô nghĩa, đều trống rỗng hoặc nhẹ xốp như một thứ bọt biển mầu xám.Tôi đi lang thang theo những ngõ ngách tối tăm lờ nhờ, mơ hồ tiếng rúc rích của lũ chuột đói. Ánh sáng từ những ngọn đèn đường heo hắt mù mờ sương khói.Tôi đã tưởng rằng nàng là một tiên nữ giáng trần có thể nhặt những giọt sương sớm mai mà xâu lại thành một chuỗi cườm, có thể se những sợi nắng mà dệt thành tấm áo chống lại mọi giá buốt. A ha, bé cái nhầm.Thời gian xuyên qua ngực tôi như một vệt cháy cần phải có một thứ gì như nước để có thể hoặc là làm dịu đi hoặc dập tắt nó. Tôi đi không rõ bao lâu và bao xa, chỉ biết đôi chân mắc chứng thống phong bắt đầu đau nhức, cử động thấy khó khăn.Bất ngờ hiện ra dòng sông. Tự nhiên tôi không làm sao nhớ nổi tên con sông. Liệu không có tên thì con sông sẽ không phải là sông? Ngay phía bên phải tôi là một quán rượu.Quán cọ, ngọn đèn điện yếu ớt, vắng hoe. Những quán như thế chẳng là quán rượu thì là quán gì? Tôi bước vào, kéo ghế ngồi bên cửa sổ. Chủ quán là một gã trung niên. Mà thôi, để ý đến gã làm gì.Tôi hỏi rượu. Gã hỏi loại Bầu Sao, Hưng Nghĩa hay Hạ Đan? Tôi bảo cho một bình Hạ Đan, nhớ phải là rượu đựng trong bình làm bằng vỏ bầu. Gã chạy vào nhà trong, lát sau đem ra bình rượu mà tôi yêu cầu.Gã nói rằng tôi sành rượu, giọng chân thật không có vẻ gì đãi bôi. Tôi ngước nhìn qua cửa sổ, thấy có một bóng người lảo đảo từ xa đi tới. Một lão già. Tôi không để ý, đơn giản vì lúc ấy chẳng gì có thể khiến tôi phải để ý.Tôi mở nút bình rượu Hạ Đan, rót đầy li. Mùi thơm dìu dịu của rượu làm tôi ngây ngất. Tợp một hớp cạn, tôi như nhìn thấy dòng rượu trôi qua cổ họng, làm sống lại trong tôi những cảm giác đã tê liệt.Tôi không thể nào tưởng tượng ra rằng lão già đến bên tôi và nói, cho lão xin một li rượu. Nhưng tôi không thấy phiền lòng. Lão đứng đối diện với tôi, dốc li rượu cái ực, rồi kéo ghế ngồi.Lão suýt soa, thứ rượu ngon thật. Tôi ậm ừ thầm mong lão cút đi cho rảnh mắt. Nhưng lão ngồi im, đưa tay lột chiếc mũ vải cáu bẩn chẳng ra hình thù gì, ném lên bàn.Tôi nhìn thấy một cái đầu hói, chỉ còn lơ thơ mấy sợi tóc trắng muốt. Lão ngập ngừng nói, anh bạn cho tôi xin một hớp nữa được không? Tôi rót cho lão thêm li rượu nữa, nhìn chiếc túi vải lão vẫn còn khoác trên vai, hỏi:- Lão về đâu?Nghe tôi hỏi, lão đang nâng li rượu lên lại đặt xuống.- Thế anh bạn về đâu?Lão hỏi lại khiến tôi ngớ người. Phải rồi, sau đây tôi sẽ về đâu? Mảnh đất khi không còn tình yêu thì trở nên hoang vắng, không có nước uống và thực phẩm, đến không khí cũng loãng khiến người ta ngộp thở.- Làm quái gì có nơi nào mà về.Lão nói như thể là nói bâng quơ, như là nói với chính mình và cũng chẳng phải nói với chính mình. Nhưng lão nói rành rọt đủ để cho tôi nghe. Giọng lão tinh quái như thể lão đã đọc hết tâm can tôi.Tôi khẽ rùng mình. Lão nói như thế là thế nào? Nơi con người cần đi tới là nơi nào? Có thật có một nơi như thế hay không? Đầu óc mù mờ, tôi không biết chắc lời đáp. Lão già lại lẩm bẩm:- Nhưng có một nơi mà ai ai cũng phải đến, như người ta nói, mọi con đường đều dẫn đến... Văn Điển.Lúc đó hẳn là khuya lắm rồi, khách trong quán chẳng còn ai, ngoài tôi và lão già. Gã chủ quán đứng sau quầy ngáp ngắn ngáp dài, chán nản vì hai vị khách chưa ai tỏ ý muốn ra đi.Tôi bỗng thấy mình chìm ngập trong một nỗi buồn không thể chia sẻ. Có lão già ngồi bên cạnh cũng là hay. Người dưng có thể giúp cho ta cảm thấy bớt cô đơn. Lão già bụi bậm, nhưng ăn nói như một triết nhân. Tôi nâng bình rượu rót cho mình và cho vị khách không mời.Vào đúng lúc ấy xuất hiện người khách thứ ba, một gã trai lực lưỡng, mặt ngựa, trông dữ dằn. Gã lấy một bình rượu gì chẳng biết, rồi bước thẳng đến chỗ chúng tôi.Chẳng cần biết chúng tôi có đồng ý hay không, gã kéo ghế ngồi xuống. Tôi trong trạng thái bất cần, nên chẳng lấy làm ngạc nhiên. Lão già ngồi bên tôi ánh mắt như cười, một con người từng trải như lão còn cái gì mà lão không biết.Gã trai chậm chạp móc túi đặt lên bàn một con dao loang những vết đỏ thẫm như máu. Gã cất giọng oang oang khiến chủ quán run bắn người. Gã bảo, tôi cùng uống với các vị cho đến khi nào cảnh sát đến. Bụng tôi đầy nghi hoặc, không biết gã thuộc hạng người nào. Lão già mặt lạnh như băng, nhấm nháp li rượu tôi vừa rót.Gã trai uống liền ba chén. Dường như rượu làm cho gã trấn tĩnh lại. Gã nói:- Sao tất cả lại im lặng thế? Ai có chuyện gì kể đi chứ, kể về bản thân mình ấy.Lão già bỗng nhiên nở một nụ cười hồn hậu, dường như lão chờ câu nói ấy từ lâu lắm rồi. Lão bảo: “Tôi kể cho các cậu nghe.” Yên tĩnh vô cùng, dường như đêm cũng nghiêng xuống lắng nghe câu chuyện qua cái giọng kể đều đều của lão già.Tôi là một tên phản bội, lão nói. Các cậu có hiểu phản bội là thế nào không? Người vợ đi ngủ với trai gọi là phản bội chồng. Đem chuyện bí mật của bạn đi kể với người khác gọi là phản bội bạn.Cùng đá bóng mà bán độ thì gọi là phản bội đội bóng... Những thứ phản bội đó dù nặng nhẹ thế nào rồi dần người đời sẽ quên, có thể rửa sạch. Còn tôi phản bội... cách mạng, có nghĩa là phản bội đất nước thì đời đời không thể rửa sạch.Trong ý thức của mọi người, từ đứa trẻ đến người già, phản bội là vết nhơ không bao giờ gột rửa được. Nghe đồn ở nước Trung Quốc phương Bắc, người Trung Quốc cổ đã xây hẳn bức tượng một tên phản bội để người đời, thế hệ này qua thế hệ khác đến nhổ nước miếng vào. Nhưng... tôi không phải là kẻ phản bội.Để chứng minh rằng mình không phản bội phải có bằng chứng. Phải có bằng chứng, các cậu có hiểu không. Nhưng tôi không có bằng chứng. Có hai người biết rõ tôi không phản bội.Chỉ có hai người! Một người là tôi, còn người kia là ông Lê Văn Chí. Nhưng suốt cả mấy chục năm trời tôi không sao tìm được ông Lê Văn Chí, để ông ấy làm chứng rằng, tôi không phải là kẻ phản bội. Tôi không phản bội, nhưng phải có bằng chứng để chứng minh. Không có bằng chứng, ai tin. Không có bằng chứng, nên tôi là kẻ phản bội.Lịch sử nước ta các cậu có thuộc không? Để tôi nói cho mà nghe. Sau năm 1954, đất nước ta tạm thời chia làm hai miền theo hiệp định Giơnevơ, hẹn hai năm sẽ thống nhất. Bố mẹ tôi di cư vào Nam trước năm 1945, sinh tôi ở Sài Gòn.Tôi theo bố mẹ tập kết ra Bắc. Nhưng Mỹ - Nguỵ phản bội hiệp định, gây cuộc chiến tranh chống lại công cuộc thống nhất đất nước. Tôi được điều trở lại miền Nam, về lại Sài Gòn hoạt động bí mật.Người trực tiếp lãnh đạo tôi là ông Lê Văn Chí. Ông giao việc cho tôi làm, còn tôi thì báo cáo với ông. Chúng tôi hoạt động đơn tuyến. Trong tổ chức, ngoài ông Chí, tôi không biết và không được phép biết một ai.Đó là nguyên tắc. Mà nguyên tắc là kỉ luật, là không thể vi phạm, bởi chưng kỉ luật là kỉ luật sắt. Vì thế, tôi chỉ liên lạc với ông Chí, ngoài ra không còn liên lạc với ai.Ai là chỉ huy của ông Chí, tôi không biết. Ông Chí liên lạc với tôi, còn liên lạc với ai nữa, tôi không dám hỏi vì không được phép hỏi. Nguyên tắc hoạt động đơn tuyến là thế, là nhằm bảo đảm nếu có ai đó trong đường dây bị bắt không chịu được tra tấn mà khai ra thì tổn thất của tổ chức cũng không lớn.Tôi là một người nhiệt tình yêu nước, trung thành với cách mạng, lại thông minh lanh lợi, vì thế ông Chí quyết định đưa tôi vào hoạt động trong hàng ngũ địch với vỏ bọc là kẻ phản bội.Chắc chắn hành động của ông Chí phải được cấp lãnh đạo cao hơn cho phép, nếu không ông làm sao dám tự tiện làm. Những người hoạt động bí mật chúng tôi luôn luôn coi kỉ luật hoạt động bí mật là kỉ luật thép.Cấp trên phê duyệt để ông Chí cử tôi tìm cách lọt vào hàng ngũ địch với cái vỏ bọc kẻ phản bội là ai tôi không dám hỏi. Cấp trên ông Chí là ai đó, nhưng với tôi bấy giờ là tổ chức, là Cách mạng. Thế là quá đủ. Ông Chí bảo, đây là nhiệm vụ cách mạng. Đã là nhiệm vụ cách mạng giao thì không thể chối từ.Ông Chí đã duyệt kế hoạch hành động của tôi, khen là rất kín nhẽ và cho phép thực hiện. Tôi lọt vào hàng ngũ địch. Khỏi phải nói kẻ thù thử thách và theo dõi như thế nào, cũng chẳng cần kể bao lần suýt bị mất mạng. Chỉ biết rằng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ chui vào hàng ngũ địch. Thế nhưng đúng vào ngày đó thì Sài Gòn hoàn toàn giải phóng.Tôi bị lực lượng cách mạng tóm ngay ngày đầu. Những hồ sơ tài liệu kẻ thù chưa kịp tiêu hủy để lại chứng tỏ tôi là một tên phản bội đê hèn. Vậy là tôi lập tức bị đưa đi trại cải tạo.Ông Chí ở đâu tôi không biết. Có thể do công việc quá bề bộn, có thể do khi mới giải phóng nề nếp công tác chưa được cũng cố, có thể ông Chí bị điều gấp ra Bắc...Tôi không biết. Chỉ biết, tôi chẳng có cách nào liên lạc được với ông Lê Văn Chí. Tôi đi trại cải tạo. Tức là đi tù. Sáu năm tù đầy, sức lực của tôi bị vắt kiệt cùng với cái án vĩnh viễn: phản bội cách mạng.Ra tù tôi bỏ Sài Gòn lần tìm về quê. Nhưng cái tội danh phản bội cách mạng cũng theo tôi về. Tôi lại trở lại Sài Gòn, tìm kế sinh nhai, hy vọng không ai còn nhớ đến tôi, không ai nhận ra tôi, để tôi có thể làm lại cuộc đời.Nhưng tôi vẫn không thoát khỏi tội danh phản bội cách mạng nhục nhã, ê chề. Khi đó tôi đã vào tuổi bốn mươi, cần có một gia đình. Có một phụ nữ tin những điều tôi kể và nhận lời lấy tôi. Chúng tôi sống hạnh phúc.Rồi người phụ nữ muốn có con. Tôi không nhớ rõ bao nhiêu lần bà nói với tôi, rằng bà cần có một đứa con. Có con ư? Tôi giật mình mỗi khi nghe vang lên trong lòng câu hỏi đó.Tôi nói với vợ rằng, hãy khoan sinh nở, rằng tôi không muốn con tôi mang tiếng là con một tên phản bội. Hiểu nỗi lòng tôi, người đàn bà có tấm lòng trong sáng ấy nghe tôi.Để đem lại danh thơm cho đứa con tương lai của mình, tôi quyết định phải tìm cho ra ông Lê Văn Chí. Vâng, chỉ có thể tìm được ông Chí, để ông chứng nhận cho tôi, rằng tôi không phải là tên phản bội, thì bản án của tôi mới được cất đi, đứa con tương lai của tôi mới có tương lai.Bởi vì mọi thứ cần phải có bằng chứng. Tôi đi gần như khắp nước, tìm gặp tới hàng ngàn ông Lê Văn Chí, nhưng chẳng có ai là ông Chí mà tôi cần tìm. Tôi bắt đầu oán ông, vì ông mà tôi bị đeo tiếng xấu muôn đời.Ông cũng là một con người, tôi cũng là một con người, hơn nữa ông còn là cấp trên của tôi, tại sao ông lại thờ ơ với số phận của tôi như vậy? Tôi không tin ông lại có thể quên tôi.Tôi phải tìm gặp ông bằng được, tôi cần biết rõ rằng ông còn nhớ tôi hay không. Còn nếu ông đã chết rồi thì tôi cũng phải tìm được mộ ông. Vâng, vì tương lai của đứa con tương lai của tôi, tôi quyết không bỏ cuộc.Vợ tôi hiểu nên gánh vác mọi việc, chạy vạy tiền của cho tôi. Thế nhưng thấy tôi bỏ gần hết cả những năm sung sức vào cuộc tìm kiếm vô vọng bà đã nói: “Chúng ta sống với nhau hạnh phúc là em mãn nguyện rồi”. Tôi ngẩn người, soi vào gương mới biết tóc trên đầu đã rụng quá nửa. Nàng đã tắt kinh.Tôi đã qua tuổi tri thiên mệnh. Đã ngửi thấy mùi đất ẩm ướt và lạnh buốt. Thế là đã gần đất xa trời. Người phương Tây nói, mọi con đường đều dẫn đến La Mã...Người phụ nữ xinh đẹp ngày nào giờ đã thành một bà già. Bà không cản tôi đi tìm ông Chí nữa. Một lần bà bảo, nghe nói hoạt động bí mật mọi người đều dùng tên giả.Có lẽ Lê Văn Chí là tên giả của ông ấy chăng? Lời bà như một tia chớp loé. Một việc đơn giản như thế mà suốt bao năm trời tôi không để ý là làm sao? Tôi như được tiếp thêm sức mạnh để tiếp tục cuộc hành trình tìm kiếm của mình.Mới đây có người mách rằng, ở gần Ao Gỗ có một người khi hoạt động bí mật ở Sài Gòn đã mang tên giả là Lê Văn Chí. Không chần chờ, tôi phóng đến Ao Gỗ ngay.Hỏi người địa phương thì biết, nhà ông Lê Văn Chí chính là ngôi nhà ngói đỏ cao đẹp nhất vùng. Ngôi nhà đó được gọi là ngôi nhà tình nghĩa do một tập đoàn công nghiệp làm tặng.Đứng trước cổng nhà ông Lê Văn Chí, tôi bỗng thấy hồi hộp lạ. Tôi không biết chuyện gì sẽ xẩy ra khi tôi bước vào và xưng tên, nhưng hy vọng tìm được bằng chứng để chứng minh rằng tôi không phải là kẻ phản bội khiến chân tôi run lên không bước được.Sau khi nghe tôi kể khúc nhôi, người đàn bà đứng tuổi xưng là vợ ông Lê Văn Chí mời tôi vào nhà, dẫn đến bên chiếc giường rủ màn. Tôi chưa hiểu chuyện gì, thì người đàn bà đã vén tấm màn có lẽ để quá lâu không giặt loang nhiều vết ố bẩn. Người đàn bà nói: “Ông Lê Văn Chí bây giờ như thế này đây”.Tôi tự coi mình là người từng trải. Nhiều việc mà người thường không thể tưởng tượng nổi thì tôi đã chứng kiến hoặc đã nếm qua. Thế mà đứng trước cái người được gọi là ông Lê Văn Chí ngày xưa tôi bàng hoàng, chút nữa thì ngất xỉu. Sau đấy là sự thương xót.Có thể gọi đó là một con người được không? Khuôn mặt tê dại mọng nước, đôi mắt mở to nhưng tròng đen không động đậy, mất mọi phản xạ. Đó là một con người thực vật.Tôi nhận ra rằng, hy vọng vừa lóe lên tìm được bằng chứng giúp tôi xóa đi cái án phản bội treo trên đầu mấy chục năm nay thế là tan như bong bóng xà phòng. Phải mất một lúc lâu tôi mới trấn tĩnh lại được.Dù sao cuối cùng tôi cũng gặp được ông Lê Văn Chí. Người đàn bà đưa tôi một bát nước vối đầy tràn, kể rằng chồng bà nằm như thế đã mấy chục năm nay, tất cả mọi sinh hoạt đều diễn ra trên giường.Bà nói: “Ông ấy bỏ nhà đi hoạt động từ những năm năm mươi, để lại cho tôi hai đứa con nhỏ và gửi về gia đình duy nhất một lá thư báo đang ở chiến trường Nam Bộ. Ngay sau ngày giải phóng Sài Gòn, một hôm vào lúc mờ sáng ông đột ngột trở về, như là từ trên trời rơi xuống.Vợ con mừng tủi, nước mắt ràn rụa. Ông bảo, giải phóng rồi, đoàn tụ rồi phải vui lên. Rồi ông cười, cười không dừng lại được. Rồi ông ngã gục, vẫn còn cười. Chúng tôi không ngờ, sau niềm vui đoàn tụ lại là kết cục như thế này: Ông bị cấm khẩu.Gia đình chạy hết thầy hết thuốc, tuần lễ đầu hình như ông còn nhận ra được tôi, ú ớ cái gì trong họng, nghe như là oăng... oăng. Sau đó thì nằm đây mà như người chết rồi”.Tội nghiệp ông Chí. Có thể những tiếng oăng... oăng mơ hồ mà ông kêu trước khi sống cuộc sống người- thực vật là muốn nhắc đến tôi. Tên tôi là Hoằng, đúng thế.Nghĩa là ở vào lúc cuộc sống của ông chỉ leo lắt như ngọn đèn hết dầu, sắp sửa chỉ còn là gánh nặng đầy thương xót của gia đình, ông còn nhớ đến một người mà số phận mãi mãi gắn với ông.Dù tôi bị khổ ải thế nào thì vẫn cứ sung sướng hơn ông. Trong lòng tôi trào lên niềm ân hận. Nhiều đêm tôi đã nguyền rủa ông. Nghĩ vậy, đôi mắt tôi bỗng ứa lệ.Tôi trở về báo tin ấy cho vợ tôi, nhưng thật vô phúc cho tôi, bà đã chết ở bệnh viện sau khi bị một tên lái xe say rượu đâm phải. Người tuyệt đối tin tôi không cần bất cứ bằng chứng nào, người vợ của tôi đã chết.Tôi dù có mang tiếng là một tên phản bội, nhưng sau khi nhìn tận mặt ông Chí thì tôi biết chắc tôi không phản bội.Tôi bầy tỏ sự thông cảm với lão già, nói:- Ước gì có một thế giới trong suốt không cần đến những bằng chứng.- Hão huyền, làm gì có một thế giới như thế!Gã đàn ông mặt ngựa ngắt lời tôi. Lão già ngừng kể, tôi nhận thấy đôi giọt sáng trên mắt lão. Gã đàn ông khẽ chớp mắt, tợp một ngụm rượu. Chẳng lẽ gã mủi lòng bởi câu chuyện của lão già? Gã bảo, đến lượt gã kể chuyện.Tôi là kẻ bụi đời, là người của xã hội đen, gã kể. Tôi có một kẻ thù không đội trời chung, hoặc là tôi sống hoặc là nó sống. Có tôi thì không có nó, hoặc ngược lại.Mười năm nay tôi đi tìm nó. Nghe nói nó ở Sài Gòn, tôi vào Sài Gòn thì nó chuồn xuống Cần Thơ. Có tin nó ở Yên Bái, tôi đến Yên Bái thì nó đã sang Thái Nguyên.Mẹ cái thằng, thính mũi thính tai thế. Tôi đi tìm nó ngày này qua ngày khác. Nếu không giết được nó thì tôi ăn không ngon, ngủ không yên. Nó là kẻ thù không đội trời chung của tôi.Gã cầm con dao nhọn bén loang những vết đỏ thẫm như máu giơ lên trước mặt chúng tôi, khiến gã chủ quán đứng đằng xa cũng run bắn người. Gã bảo, gã luôn mang theo con dao ấy bên người, ngày nào cũng mài sắc đến mức sợi tóc kẽ chạm vào là đứt.Hàng ngày tôi mài dao, gã kể, mài để nhắc nhở lòng căm thù, để chuốt nhọn ý chí. Tôi muốn nhìn kẻ thù của tôi chết gục bởi con dao này. Nó phải dập đầu van lạy tôi, phải vừa khóc vừa chết. Nó phải chết trong sợ hãi. Có thế tôi mới hả dạ.Tình cờ tôi đi qua vùng đất này. Có lẽ do quỉ thần xui khiến, cách đây năm hôm tôi đã tìm thấy nó, nghĩa là sau mười năm tròn cộng với năm ngày tôi đã tìm thấy nó. Con ơi, lần này thì mày phải chết.Tôi nghĩ thế và bám theo nó. Năm ngày nay, chiều nào nó cũng đi ra bờ sông, đi một mạch không nhìn trước nhìn sau cảnh giác. Đang mùa nước lớn. Giòng sông cuồn cuộn chảy. Nó bước đến gần mép nước, đứng lặng hồi lâu rồi lại quay trở về nhà trọ nằm lì.Tôi ngạc nhiên, vì thế chưa muốn động thủ. Để xem mày còn dở trò gì, hơn mười năm rồi, mày có sống thêm mấy ngày cũng chẳng sao, tôi nhủ thầm như vậy. Nhưng lòng căm thù thì vô hạn, lòng kiên nhẫn của tôi thì có hạn.Chiều nay nó lại một mình đi ra bờ sông, lại đứng lặng trước dòng nước cuồn cuộn chảy. Nó nghĩ cái gì vậy? Không biết nó có nghĩ rằng trước đây nó gây cho tôi bao nhiêu đau khổ và rồi sẽ đến ngày nó phải đền tội không?Tôi căm thù nó. Tôi lặng lẽ bước đến sau nó. Hình như nó không nhận ra có người ở phía sau. Tôi lạnh lùng cất tiếng: “Thằng chó, mày có nhận ra ai đây không?” “Nó chậm rãi quay lại, nhận ra tôi ngay: “Là mày, mười năm cộng năm ngày rồi phải không?”.Tôi ngạc nhiên thấy nó cười, nụ cười hồn hậu như khi gặp người thân mà cười. Tôi thấy máu trong ngực tôi xôi lên, tôi nghe vang lên trong đầu tôi tiếng thét, hãy giết nó. Vậy là tôi rút dao xọc thẳng nó một nhát đúng tim. Nó ngã vật xuống mặt cát ẩm ướt, nụ cười còn đọng trên môi.Tôi đứng ngẩn người. Cảm giác của sự trả thù chả lẽ lại vô vị như thế này sao? Tất cả những gì tôi mường tượng ra là tôi sẽ được thỏa mãn khi giết nó đều bay biến đi đâu cả.Tôi đặt tay lên ngực nó, hình như trái tim đã ngừng đập nhưng người vẫn còn nóng. Vô tình tôi chạm phải một vật cứng trong túi áo ngực nó. Móc ra thì là một lọ thủy tinh nhỏ đựng một thứ bột mà những kẻ như tôi sống trong xã hội đen đều biết. Đó là một thứ thuốc độc cực mạnh.Lẽ nào nó lại định tự tử? Vì sao nó lại định tự tử? Và nó định tự tử nhưng chưa đủ gan để ra tay, nghĩa là nó thấy sợ khi đứng trước cái chết? Các người có nghĩ rằng gã kẻ thù không đội trời chung của tôi định tự kết liễu cuộc đời nhưng khi đứng trước cái chết lại run sợ không?Có à. Nghĩa là nó đã quyết định chết, nhưng khi đứng trước cái chết lại ngần ngừ. Cái thằng nhát gan, đồ thỏ đế. Có thể năm ngày qua nó biết tôi đi theo nó. Nó phải biết rõ, có tôi thì không có nó.Tại sao như vậy nhỉ? Các người nói xem nào. Hận thù không làm cho người ta sống yên ổn, nhưng tội ác cũng chẳng để cho người ta yên. Lão nói có lý. Vậy là tôi... Tôi đã...Bất ngờ một loạt đèn chói sáng bật lên, còi công an rú inh ỏi. Tôi phải nhắm mắt lại vì chói. Nhưng tôi có cảm giác, nhiều họng súng đang chĩa thẳng về phía chúng tôi. Một giọng dõng dạc vang to:- Giơ tay lên!Gã trai ngừng câu chuyện dở dang ở chỗ “Tôi đã...”, bình tĩnh đứng lên, nói:- Tôi đã giết hắn. Hãy bắt tôi đi.Những người cảnh sát bước đến và chúng tôi trở thành đồng phạm...Trước Rằm tháng Bẩy, năm 2000
Sửa lại tháng 7- 2008
Hà Phạm Phú