Chương 4

Phần đêm về sáng có những hôm lạnh quá khiến tôi tỉnh dậy. Đã quấn vào người hai lớp áo và một lần chăn dày thế mà tôi vẫn bị đánh thức bởi khí lạnh. Hai bàn tay và cả hai bàn chân tôi cóng buốt. Chui ra khỏi chăn để tìm đôi vớ là một điều quá ngại ngùng mà tôi vẫn gắng được. Cũng như tôi không sao có thể ngăn được những cơn ho bất chợt theo cơn gió lùa vào một khe trống nào đó trong phòng. Mấy lần tôi đã nghĩ tới là phải đi kiếm những giẻ và giấy báo cũ để nhét cho kín những khe trống ấy, rồi mấy lần sau đó đều quên. Có một buổi chiều nhớ lời cô Ngàn tôi đã leo lên ngọn đồi thấp bên cạnh nhà và dùng gậy bẩy về được một khúc cây lớn cho cô Ngàn dùng búa bửa ra để bỏ vào lò sưởi mới được đốt lại trong mùa đông này.
Buổi sáng, tôi ngồi rút người trong chiếc chăn dày quấn quanh khi cô Ngàn pha cho tôi ly cà phê sữa bốc khói. Cô nói, chiếc áo len của cháu hơi mỏng, để hôm nào cô đan cho chiếc áo len khác dày hơn. Không ngờ năm nay lạnh quá. Nhìn đám cây cỏ mọc um tùm ở trước nhà hôm mới tới tôi có nói với cô là sẽ bỏ ra vài ngày để phát quang đi. Nhưng đã mấy tuần rồi tôi vẫn chưa khởi công được.
Buổi sáng, dùng bàn tay lau đám bụi nước bám vào mặt kính cửa sổ để nhìn được ra ngoài, tôi đã thấy một cành anh đào vươn lên trong đám cỏ cây um tùm ấy. Những nụ hoa hé nở trong rất dễ thương. Tôi lao ra ngoài mặc cho lạnh đến se buốt hai lỗ mũi và tê cóng chân tay, để xem rõ đó có phải là những nụ anh đào. Tôi nói với cô Ngàn, đây là lần đầu tiên cháu được nhìn thấy anh đào nở trên cây. Năm nay lạnh anh đào nở sớm, cô Ngàn bảo thế và tôi thấy cô chẳng mảy may xúc động về chuyện thời tiết đang thay đổi chung quanh. Rồi một mùa xuân của trời đất, của cỏ cây, của những loài côn trùng bé nhỏ biến thái, cựa mình lớn dậy. Mùa xuân đang nao nao trong tôi. Tôi đang nao nao trong mùa xuân.
Trời có những hôm đã đầy nắng ấm áp vào lúc chín giờ sáng. Tôi thấy khỏe khoắn lạ thường. Suốt một ngày thứ sáu tôi tìm được một con dao cán dài và phát quang được một góc vườn. Cây anh đào như vươn cao hơn giữa đám cây cỏ bị thương nằm rạp trên đất, có vài bông đã nở. Tôi rộn ràng khi nhớ tới Chi vào những ngày đầu của mùa xuân em ở bên tôi. Tôi sẽ đưa em về đây, chúng tôi sẽ sống ríu rít như một đôi chim trong thành phố sương khói này. Tôi còn tưởng ra những điều sắp đến, và cảm thấy mình còn được hồn nhiên như một trẻ nhỏ.
Buổi tối thứ bảy, ngồi gỡ đám len rối cho cô Ngàn, tôi ngập ngừng nói với cô rằng cháu có một đứa em gái nuôi gửi nội trú ở trên này, có thể tết cháu sẽ xin phép cho em về đây chơi. Nét mặt cô Ngàn điềm tĩnh khi nghe tôi nói điều đó. Cô cho đó là một chuyện thường và tin tôi không định xếp đặt một điều gì. Đêm ấy tôi đã mơ thấy căn nhà có hoa leo quanh các cửa sổ, bò đầy trên mái nhà. Tôi đã mơ thấy dòng sông nước trắng xóa như bạc. Tôi đã mơ thấy cánh đồng cỏ mà tôi và Chi đuổi bắt nhau. Tôi đã mơ thấy nắng điểm tâm ở cửa sổ và sao gục đầu tâm sự cũng ở bên cửa sổ đó. Sáng chủ nhật tôi đến với Chi thất sớm.
Tôi hỏi Chi:
- Bây giờ anh xin phép cho Chi ra ngoài chơi với anh nhé.
Chi nhìn tôi do dự:
- Chi sợ lắm, anh Huy.
- Sợ gì?
- Soeur giám thị la.
Tôi cười:
- Ở đây các soeur cho phép học trò về nhà chơi ngày chủ nhật mà.
- Nhưng phải có người lớn tuổi tới đón.
- Anh cũng là người lớn vậy.
- Nhưng anh khác.
Tôi bậm chặt môi dưới, nói cho Chi yên lòng:
- Soeur không la đâu Chi, hồi nãy anh có thưa với soeur rồi mà.
- Soeur nói sao?
- Soeur bảo rằng bằng lòng cho em ra ngoài chơi nhưng mà em cũng bằng lòng cơ.
Một ngón tay Chi bị cắn giữa hai hàng răng. Đôi mắt Chi hoang mang lo lắng khi ngước lên nhìn tôi:
- Nhưng em sợ mẹ biết.
- Không sao đâu Chi.
Tôi nắm tay Chi, trấn an:
- Soeur giám thị cho phép là mẹ không bao giờ la cả.
Biết Chi bắt đầu tin tưởng ở những điều mình nói, tôi vội bảo em ngồi chờ để tôi trở vào xin phép soeur giám thị. Không rắc rối chi cả, bà trao cho tôi mẩu giấy in sẵn điền vào, tên Chi và tên tôi. Yêu cầu thân nhân đưa em trở lại nội trú trước sáu giờ. Và tôi với Chi có trọn một ngày chủ nhật để tung tăng bên nhau. Ký tên mình vào dưới tấm giấy trao lại cho soeur giám thị, tôi linh cảm như mình bắt đầu dẫn Chi tham dự vào cuộc phiêu lưu mới. Trong lúc đợi Chi vào sửa soạn vài thứ mang theo, lòng tôi hớn hở lẫn hồi hộp, hoang mang khó tả. Tôi thấy mình đã lớn, khôn ngoan và đồng thời cũng nhận ra mình còn trẻ dại, ngây ngô.
- Anh Huy.
Chi gọi tôi khi cô bé hiện ra ở cửa phòng khách, nhí nhảnh vui tươi. Chưa bao giờ tôi thấy em dễ thương đến thế. Buổi sáng chủ nhật ơi, ta muốn tung mình lên mây xanh. Ta muốn ca hát như loài chim say sưa suốt ngày không ngưng nghỉ. Ta muốn có bước chân là gió tung tăng cho tới cuối cuộc đời. Chủ nhật ơi, hôm nay em đẹp như một bông hoa pha lê trong vắt.
Chi mặc áo măng-tô xám, chiếc khăn đỏ quàng ở cổ một đầu bỏ rơi xuống ngực, một đầu bỏ rơi phía sau. Trên vai cái xách Pan-Am nhỏ màu trắng, em ríu rít:
- Anh đợi Chi lâu không?
- Vừa đủ ngậm tan một viên kẹo nhỏ.
Chi sáng mắt:
- Anh cũng có kẹo bỏ túi cơ à?
- Không, nước bọt anh nó ngọt thành kẹo mà. Kẹo mật ong. Chi cười bảo anh Huy xạo ghệ Chi nói, anh Huy biết không, tại em sợ gặp soeur Catherine đó. Sơ bảo đang đi tìm em.
- Sơ tìm Chi làm gì?
- Thường là chủa nhật nào sơ cũng rủ em lên nhà nguyện tập đàn.
Chi nhún nhảy, em nắm cánh tay tôi và cả hai cùng đứng nép bên nhau trước bàn sơ giám thị sau đám đông để chờ gật đầu chào soeur một cái trước khi tung mình ra khỏi khu nội trú. Soeur giám thị dặn tôi, nhớ đưa em về trước sáu giờ là giờ cơm chiều, đừng trễ.
Ra đến cổng, Chi nhìn lên ngọn tháp chuông nhà nguyện mắt ngơ ngác tìm kiếm. Tôi nhìn theo mắt em:
- Tìm gì trên đó vậy?
- Vợ chồng nhà chim sẻ của em, chẳng thấy chúng đâu cả.
Tôi cười:
- Chim sẻ cả trăm con giống nhau em biết đâu mà nhận với thiên hạ.
- Nhưng của em, em biết chứ?
- Làm sao em phân biệt?
- Chiều hôm qua em thấy có một đôi chim sẻ thay phiên nhau tha rác về làm tổ, ở tuốt trên ngọn tháp đó anh, nó bay vào lối cái ô vuông kính vỡ kia kìa.
Tôi nghiêng đầu nhìn theo ngón tay trỏ của Chi nhưng chẳng thấy lối kính vỡ nào vợ chồng nhà chim sẻ của Chi đã tha rác về đó qua đó làm tổ.
- Anh thấy không?
- Thấy.
- Sao em chẳng thấy bóng dáng chúng đâu cả.
- Chắc bọn chúng rủ nhau đi ăn sáng.
- Chúng cũng ăn sáng nữa hở anh?
- Có chứ.
Chi leo lên một tam cấp bước vào sân nhà nguyện:
- Em muốn đợi chúng trở về quá.
- Nếu vậy thì em phải đợi lâu lắm.
- Sao vậy anh?
- Vì điểm tâm xong chúng tôi còn tắm nắng. Bọn chim sẻ là chúa rong chơi, biết đâu chúng lại chẳng họp bạn vui chơi đã đời rồi mới chịu đi làm việc.
- Vậy hở anh?
Con chim sẻ của tôi giương mắt ngây thơ nhìn tôi nói chuyện. Tôi tủm tỉm cười nhìn em:
- Nhưng anh vừa thấy rồi
- Anh nói thấy gì cơ?
- Một con chim sẻ mào xám.
- Đâu anh?
-Cổ nó choàng khăn đỏ đây nè.
Chi không kịp reo lên một câu gnơ ngàng, tôi đã nắm tay em, lôi em chạy như bay xuống dưới con dốc. Cho đến khi Chi kêu đau tay em quá anh ơi, tôi mới buông ra. Những ngón tay đỏ ửng. Em nhìn tôi phụng phịu trách móc. Những đám hoa cỏ dại bên đường cũng xót xa giùm, ăn năn giùm tôi. Xin tha thứ cho tôi, hỡi thiên thần bé bỏng dễ thương. Tôi nâng bàn tay Chi và kính cẩn đặt môi lên đó. Những ngón tay ngà tỏa hương, thánh thiện. Em nép chặt bên tôi cùng với cơn gió về ngang trên đầu hai đứa. Em khóc. Em như một cái trứng mỏng manh bé bỏng, khẽ động tới cũng có thể vỡ ra.
- Chi nè.
- Dạ.
Tôi quàng tay qua vai em cùng bước xuống những bậc đá thoai thoải. Tôi bảo em nhìn về cùng phía với tôi, trên những cành thông mà nắng sáng đang ngồi điểm tâm trên đó. Những phiến lá uống nắng lóng lánh sáng như ngàn phiến thủy tinh. Và khi chớp mắt, tôi thấy hạt sương trong hồ mắt em cũng sáng như thủy tinh, long lanh.
- Đẹp ghê đi, anh nhỉ.
- Những cũng chỉ đẹp gần bằng những ngọn me ở con đường nhà em thôi đấy.
- Thật hở anh?
- Thật mà.
Chi đong đưa cái túi xách trên vai:
- Chi cũng chả biết nữa. Ở đây hôm nào nhìn thấy nắng to thì mừng ơi là mừng.
- Như hôm nay có gọi là nắng to không?
- Anh nhìn đám núi kia kìa, hễ nhìn thấy rõ là báo hiệu trời sẽ nắng to đấy. Em sợ những buổi sáng nhìn ra ngoài lớp học chả thấy gì cả, toàn sương mù.
- Lần trước anh tới đây ít lạnh hơn bây giờ nhiều.
Tôi bảo, lần trước nói chuyện anh chỉ ngậm điếu thuốc nhỏ, bây giờ anh ngậm điếu xì gà. Xì gà đây nè. Tôi bước lên một bước, quay lại đối diện với mặt Chi và thở ra những đám khói lớn. Chi cười thích thú. Em chỉ cho tôi xem một cây anh đào nở hoa. Và tôi thấy hình như tất cả những cây cối bên đường đều nở hoa, rực rỡ. Bây giờ là mùa xuân. Vàng hương của đất trời đang rắc đầy trên lối đi huyền thoại. Chi và tôi là đôi tình nhân lạc loài trên cõi đời này. Chúng tôi có trọn đôi bàn tay, hơi thở ấm cùng những bước chân nhỏ đếm chậm bên nhau. Nhưng chúng tôi không có lời tình tự, không có lời hẹn ở mai sau. Và Anh Chi thì lúc nào cũng còn quá nhỏ bé đứng bên vai tôi.
- Nhà anh xa không anh?
- Không phải nhà anh, nhà của cô anh mà.
- Vậy nhà của cô anh xa không?
- Em biết đường bờ hồ?
- Em biết.
- Nhà cô Ngàn ở đường bờ hồ đó. Nhưng anh hẹn với cô Ngàn buổi trưa mới về. Bây giờ chúng ta đi chơi đã.
Chi đứng lại:
- Anh có nói với cô của anh rồi hở?
- Nói gì cơ?
- Nói anh Huy đưa Chi về.
- Có chứ.
Trong mắt Chi có một chút gì đó bối rối, lo sợ. Tôi vội nắm lấy tay em:
- Cô Ngàn hẹn nấu chè để đãi bọn mình.
- Nhưng Chi sợ.
- Có anh Huy mà.
Bàn tay Chi bị siết chặt thêm. Bỗng em cười, nhẹ nhàng:
- Làm như anh Huy ghê gớm lắm vậy.
Tôi lắc mạnh tay Chi:
- Ghê gớm thiệt chứ bộ.
Chi rút phắt bàn tay em ra khỏi tay tôi, làm ra cái bộ mặt thách thức dữ tợn:
- Thí dụ như có người nào ghê gớm định đánh em thì anh sẽ làm sao nào?
- Anh sẽ đấm vào mặt hắn trước.
- Ghê nhỉ.
- Chứ sao không.
Chi bĩu môi:
- Anh bé bằng cây tăm tre mà đòi bênh ai.
Tôi vênh mặt:
- Vậy mà khi cần bênh ai cũng gồ ghề phải biết.
Chi cười:
- Cứ cho là vậy đi. Nhưng thí dụ như cái người ghê gớm dữ tợn ấy không bắt nạt em mà định đánh anh trước thì anh sẽ làm sao nào?
- Anh sẽ co giò, vận sức và... chạy lẹ.
Cả hai đứa cùng cười. Cười đến mệt rồi dựa người vào một thân cây tùng già bên đường mà thở. Chi bắt đền tôi:
- Em không thèm đi nữa đâu.
- Sao vậy?
- Anh chọc em cười mệt quá.
Tôi đề nghị:
- Vậy thì ngồi xuống đây nghỉ đã.
Chi tuột cái túi xách Pan - Am nhỏ khỏi vai:
- Anh phải xách cho Chi.
- Sẵn sàng.
- Anh phải cõng Chi leo hết con dốc này.
Tôi giật mình:
- Ơ...
Chi tròn xoe mắt:
- Vậy mà hồi nãy anh bảo anh gồ ghề lắm.
- Thì anh gồ ghề.
- Sao Chi bé xíu mà anh cõng không nổi.
- Đâu phải, tại anh... anh... sợ người ta nhìn thấy chứ bộ.
- Kệ người ta nhìn.
- Người ta sẽ cười.
- Kệ người ta cười.
- Kỳ thấy mồ.
Chi và tôi mỗi đứa ở một gốc cây nhìn nhau. Lúc ấy có tiếng kèn xe rồi một chiếc xe hơi màu đỏ nhô lên ở đầu con dốc. Chiếc xe bấm còi thêm mấy lần nữa và bọn con trai con gái ở trong xe ló đầu ra nhìn chúng tôi chỉ trỏ nhau cười khi đi ngang qua.
- Thấy chưa. Chi mới nói khẽ thế mà họ đã cười rồi đó.
Chi bỏ gốc cây của Chi, bỏ chiếc xách màu trắng và bước tới ngồi xuống trên một thân cây bị đốn ngang gần đó, lưng quay về phía tôi.
- Chi giận anh đó à?
Chi không đáp cũng không quay lại. Tôi biết cô bé giận tôi thật. Tới chỗ cái xách Chi bỏ lại, tôi lượm lên và đeo vào vai mình trước khi đến chỗ Chi ngồi.
- Anh ngồi xuống được không?
Chi không đáp. Tôi bước qua thân cây và vòng ra phía trước mặt Chi:
- Chi nhìn xem anh có đẹp không nè.
- Không biết.
Tôi ngồi xuống bên cạnh Chi nhưng Chi đã xích xa tôi một chỗ và quay mặt đi. Tôi làm bộ reo lên:
- Hay quá!
-...
- Đúng rồi!
-...
- Giống y hệt!
- Ai giống?
Tôi biết là mình có thể thành công được nên bèn xích lại gần Chi trước khi đáp:
- Anh Chi.
- Không thèm.
- ê, bảo mình giống công chúa mà không thèm nhé.
- Công chúa nào?
- Công chúa Sissi.
Chi vừa xoay mình lại, tôi vờ quay đi nhìn nơi khác ngay:
- Chuyện hay ghê.
- Chả hay.
- Sissi bị nhốt ở nhà không được mẹ cho đi dự dạ hội mà nhà vua tổ chức, ở nhà buồn quá bèn trèo qua cửa sổ vác cần câu đi câu. Câu mãi chẳng được con cá nào, lưỡi câu lại mắc vào vai áo nhà vua khi vừa đi xe ngang quạ Thế là Sissi câu được vua.
Tôi bật cười một mình và liếc thấy Chi cũng đang cười nhưng là nụ cười giấu tôi. Chi làm bộ:
- Chả hay.
- Hay thí mồ.
- Khi không mà bảo người ta giống.
- Giống thật đấy chứ.
- Giống đâu?
- Rồi sau này mới giống.
- Sau này làm sao cơ?
Tôi quay mặt lại nhìn Chi, vẫn còn nụ cười hồi nãy, tôi muốn trêu em một câu cho em giận nữa ghệ Nhưng nhìn Chi đang ngượng ngập khi biết mình lỡ lời tôi lại bỏ quên ý định ấy đi ngaỵ Anh Chi, em dễ thương ghê đi ấy.
- Chi muốn nghe hết chuyện không?
Chi gật đầu.
- Nhưng Chi hết giận anh chưa đã?
Chi dụi đầu trên vai tôi:
- Anh khôn ghê.
- Người dỗi để đòi kẻ khác dỗ mới là khôn.
- Hứ.
- Lại càng giống nữa.
- Anh chưa kể hết cho Chi nghe mà.
Chi níu tay tôi:
- Rồi sao nữa anh?
-... rồi nhà vua bắt đền. Công chúa Sissi ấy mà, móc lưỡi câu vào rách áo người ta không bắt đền thì thôi lại còn đi bắt đền người ta nữa. Sissi bắt nhà vua dẫn đi dạo chơi trong rừng. Rồi họ tới một gốc cây gỗ đổ ngang và cả hai cùng ngồi chuyện trò ở đấy. Chính nơi cây gỗ ấy đã là chốn hẹn hò đầu tiên của hai người, trong suốt những buổi chiều sau đó.
- Cây gỗ ấy anh và Chi đang ngồi đây này.
Chi chu mỏ chim:
- Anh xạo ghê.
- Thật chứ bộ.
- Rồi sao nữa?
Tôi đứng dậy:
- Chuyện còn dài lắm, để mỗi lần Chi giận anh lại kể cho Chi nghe một đoạn.
- Thế thì Chi sắp giận anh rồi.
- Đừng khôn thế chứ nhỉ.
Tôi đeo chiếc xách Pan - Am vào vai Chi:
- Chi quên chuyện đòi anh cõng rồi à?
- Cho anh nợ đấy.
- Bây giờ hết mỏi chân chưa, leo dốc được không?
- Anh sẵn sàng cõng em thật à?
- Sẵn sàng.
- Sao hồi nãy anh nói sợ người ta cười?
- Ai cười cho họ hở mười cái răng sâu, anh hết sợ họ rồi.
Chi nhún chân trên một cành cây khô:
- Anh nhớ nhỏ Thảo không?
- Thảo mà tuần trước Chi nói với anh chứ gì?
- Vâng. Tuần nào nhỏ ấy được về, trở vào là nhỏ cũng khóc sưng mắt.
- Sao vậy?
- Vì ở nhà được bố cưng. Nhỏ kể chuyện được bố chiều ghê lắm, lên thang lần nào nhỏ cũng đòi bố cõng. Chi tưởng tượng tới mà thèm.
Tôi nghiêng hẳn đầu nhìn Chi:
- Thèm thật không?
Chi nhảy xuống khỏi cành cây:
- Bao giờ Chi đòi, anh cõng Chi liền nhé.
Tôi gật đầu, cười. Ừ, ừ anh sẽ cõng em đi khắp thế giới, đi mòn một đời. Buổi sáng, nắng rắc hoa vàng trên đầu chúng tôi. Nắng của một ngày ấm áp đưa chúng tôi lên xuống những con dốc nhỏ, trải từng bước mềm dưới chân chúng tôi. Hai đứa đi bộ bên nhau suốt cả buổi sáng. Khi tôi đưa Chi về nơi trọ thì vừa vặn buổi trưa, cô Ngàn đang lom khom ở phía sân trước nhà, nơi mà tôi đã dùng con dao cán dài phát bớt đi những cỏ cây mọc um tùm vào tuần trước. Cô ngẩng lên với mớ cành cây khô trên tay, đôi lông mày hơi nhíu lại khi nhận ra người con gái nhỏ đứng bên tôi. Tôi nắm chặt lấy tay Chi để em bớt sợ và nói hơi lớn khi bước vào sân:
- Em của cháu đó cô, em ấy tên Chi.
Cô Ngàn bỏ rơi mớ cành củi kho xuống đất, tay buông thõng, mỉm cười:
- Cô đợi nãy giờ.
- Đáng lẽ bọn cháu về sớm cơ, tại...
Nhìn sang Chi, thấy em cúi xuống, tôi phải vội nhỏ nhẹ dỗ em:
- Anh Huy đang đứng bên Chi đây mà.
Tôi sợ Chi khóc. Tôi chuyền chiếc xách Pan - Am từ vai mình sang vai Chi và tưởng như hai đứa vừa về sau một chuyến đi du lịch. Có một chút bụi bám trên tóc Chi với vài sợi rối lòa xòa trước trán. Thú thật tôi đã muốn cúi môi trên vầng trán em ngay khi ấy, lúc chúng tôi bước vào nhà.
- Phòng anh ở trên những bậc này, để anh đưa em vào.
Tôi nắm tay Chi, kéo theo cho em chiếc ghế ngồi nơi chỗ bàn viết rộng ngay sát cửa sổ.
- Em mắc áo nơi đây, ngồi đợi anh ra ngoài giúp cô Ngàn một chút nhé.
Tôi lăng xăng tới lui lo cho Chị Cô Ngàn hỏi:
- Sao con bé chả chịu nói gì vậy?
- Có lẽ em ấy sợ. Hơi chút là khóc, để cháu trở lại, không chừng đang ngồi khóc đó cô.
Chi đã khóc thật khi tôi trở lại, tôi dỗ dành và lau nước mắt cho em. Tôi nói với cô Ngàn, cháu không dám rời em ấy một bước. Cô nói, con bé dễ thương quá. Buổi trưa nơi bàn ăn thường ngày của chúng tôi có thêm bát thêm đũa. Chi ngồi bên tôi và đối diện là cô Ngàn, cả hai cùng liếc chừng để lo cho Chị Chi ăn như một con mèo. Cô Ngàn chia cho chúng tôi mỗi đứa một chén chè đậu xanh mà cô nói đã ba bốn năm nay cô mới nấu một lần.
- Không ngờ những món mình bỏ quên đã lâu có ngày đốt bếp nấu lại thấy ngon quá.
Tôi nói giọng xúc động:
- Mai mốt cháu sẽ tìm mượn cái thang, quét vôi lại những bờ tường cho mới. Cháu sẽ làm lại những lối đi, rào lại những nơi đổ nát. Cháu sẽ biến ngôi nhà rêu phong cũ kỹ này thành một ngôi biệt thự đẹp nhất thị xã...
Cô Ngàn cười khẽ. Có lẽ cô cho điều tôi nói là lạ lắm. Và cô nhìn Chi, vẫn tủm tỉm cười:
- Chắc mỗi chủ nhật cháu xin cho em Chi về được chứ?
- Vâng, các soeur trong trường đều bằng lòng cho cháu bảo lãnh đưa em về mỗi tuần.
- Thế thì vui quá.
Cô Ngàn vuốt lọn tóc mai bên má Chi:
- Chiều nay cháu nên nghĩ tới chuyện đưa em ấy đi phố chơi một vòng.
- Vâng, rồi cháu sẽ đưa Chi trở lại nội trú luôn. Gần Tết chắc phố xá vui lắm cô nhỉ.
- Đã lâu cô chẳng có dịp thong thả. Nhưng hẳn là phải vui. Vui như tết mà.
Chiều, tôi dẫn Chi lên khu Hòa Bình đông đảo, đi lung tung suốt từ phố này qua phố kia, dúi mũi vào những tủ kính và cười soi vao mắt nhau.
- Ai giống em quá kìa.
- Đâu ạ?
- Đó, cô bé đứng bên cạnh anh đó.
Chi cười, cấu tôi một cái:
- Em chứ còn ai.
Tôi cụng đầu mình vào đầu Chị Chúng tôi vẫn nhìn nhau trong tủ kiếng.
- Em đứng bằng vai anh.
Chi di ngón tay út lên mặt kính:
- Rồ iem sẽ nhớn bằng anh cho xem. Anh Huy cứ nhắm mắt vào đi... Rồi...
Chi kiễng chân len và tôi thấy Chi trong tủ kính cao gần bằng tôi. Tôi ngả đầu xuống trên mái tóc em và cả hai chúng tôi cùng cười.
- Bây giờ em cứ nhón chân như vậy mà đi bên cạnh anh nha.
Chi lê được vài bước, nhăn nhó dễ thương:
- Mỏi chân em.
- Đã có anh cõng.
- Anh dám cõng em đi phố không?
- Dám liền.
Chi bĩu môi:
- Không thèm.
Đứng lại ở cửa hàng kẹo mứt, tôi mua cho Chi đầy nhóc hai túi áo hạt dưa. Chúng tôi vừa đi vừa nhấm như hai con sóc. Một lát nhìn lại môi đứa nào cũng đỏ như son.
- Anh Huy ơi, em khát nước.
Tôi đưa Chi vào một quán cà phê gọi hai chai cam vàng rồi ngồi bên nhau như mọi người, như mọi bàn, thân thiết như những cặp trai gái đang ngồi trong quán.
Tôi nói chuyện với Chi:
- Có lẽ em là người khách bé nhất trong cái quán này.
Chi liếc nhìn một lượt chung quanh:
- Cái chị mặc áo vàng ngồi ở góc kia kìa, em thấy nãy giờ cứ nhìn em mãi đó anh, hình như họ nói gì về mình anh ạ.
Tôi hơi mất tự nhiên khi trả lời Chi:
- Chắc là cô ấy khen em dễ thương đấy.
- Không phải, em thấy cô ấy cười khi ngó mình nữa.
- Kệ cô ấy, ai cười hở mười cái răng sún ra.
- Cô ấy cười em nhỏ hở anh?
- Nhỏ thì nhỏ chứ, ai lại dám cười nhỉ?
- Tại vì ở đây toàn các chị lớn.
Chung quanh chúng tôi, mỗi bàn mỗi cặp, người con trai và người con gái ngồi chụm đầu bên nhau tình tự. Tôi thấy Chi và mình lạc lõng vô nghĩa ở nơi này. Nhất là tôi lại không muốn Chi bị ám ảnh bởi chỗ ngồi của một người con trai bên cạnh một người con gái để so sánh chỗ ngồi của tôi và Chi bên nhau, nên tôi đã đưa Chi ra khỏi quán ngay sau đó.
- Không thèm ngồi ở đây nữa, anh thích đi ngắm mình trong tủ kính hơn.
Tôi đưa Chi trở lại đường phố và nắm tay Chi tự nhiên như một người em nhỏ, qua hết chỗ này đến phố khác. Tôi mua cho Chi một chùm bóng baỵ Em thả bay một trái khi băng qua đường và ngửa cổ nhìn theo đến khi nó bay khuất mất. Con hai trái màu đỏ và màu vàng.
- Trái màu vàng cao hơn là của anh.
- Còn trái màu đỏ là của em.
Và chúng tôi là hai trái bóng bay phần phật trên các lối phố xá, gõ đầu vào nhau, hôn nhau dịu dàng trên đầu mọi người. Chúng tôi là hai đứa trẻ dễ thương nhất đang đi trong thành phố này. Tôi nói chuyện với Chi, em chia cho anh một trái bóng đi. Mỗi đứa cầm trái bóng của mình bằng sợi chỉ quấn vào một ngón tay.
- Bây giờ thí dụ trái bóng lôi em đi, đưa em bay bổng lên cao thật cao nè.
- Thì trái bóng của anh cũng lôi anh bay theo luôn...
- Mình đi đâu hở anh?
- Đi bất cứ nơi nào mà mình thích.
- Em thích leo lên ngọn tháp nhà nguyện ở trường em.
- Chi vậy?
- Để xem vợ chồng nhà chim sẻ của em đã xây tổ xong chưa.
- Cho anh theo với nhé.
Chi nghiêng đầu nhìn tôi, dễ thương:
- Có chứ.
- Nhưng anh sẽ ở trên đó luôn.
- Ở đâu ạ?
- Ở trên tháp chuông đấy mà.
Chi tròn xoe mắt:
- Bộ anh tính làm chim sẻ hở?
Tôi cười cùng đầu vào đầu Chi:
- Ừ, anh làm con chim sẻ để đứng trên cao ngó sang nội trú Chi ở.
Chi phụng phịu:
- Cho em làm chim sẻ nữa cơ.
- Thế rồi chúng ta xây tổ ở trên đó à?
Chi cười thích thú:
- Có chứ, làm chim sẻ là phải làm tổ. Mà anh Huy nè...
- Chi nói gì cơ?
- Nhưng đừng bắt chước bọn chúng.
- Bọn chúng nào?
- Bọn chim sẻ làm tổ bằng rác, dơ thí mồ. Mình làm tổ bằng bông gòn đi.
Tôi quàng tay qua vai Chi:
- Ừ, phải đấy. Chúng ta sẽ làm một cái tổ bằng bông gòn trắng muốt, đẹp tuyệt vời.
Hai trái bóng màu vẫn bay lật phật trên đầu chúng tôi, chúng cụng nhau hôn nhau liền liền mỗi khi có cơn gió.
Buổi chiều tôi đưa Chi trở lại nội trú. Trời chẳng còn chút nắng nào trên những con dốc buổi sáng. Đám cỏ bên đường trốn lạnh đã ngủ vùi bên nhau tự bao giờ. Một vài người qua lại vội vã trên chiếc cầu khi chúng tôi ngang qua khu trường học. Tôi nói với Chi, muộn rồi em. Anh sợ soeur giám thị la em quá. Không biết còn kịp giờ cơm chiều. Chi bảo, em chả thấy đói bụng chi cả, em cắn hạt dưa đầy cả bụng. Tôi trao Chi tất cả những gì chúng tôi đã mua được trên phố. Con nai bằng gỗ, cái kẹp tóc nhỏ có đính một chùm trái cherry dễ thương, vuông vải để em học thêu và vài ba cuốn sách mỏng.
- Còn gói kẹo của em đâu?
Chi giả bộ hỏi tôi thế, em đã cất nó vào trong cái túi xách trắng của em cùng với mấy thứ đồ ăn khác. Chi chọn cho tôi một chiếc kẹo rượu và bắt tôi hả miệng to ra.
- Cho anh Huy say chết luôn.
- Ừ, say chết luôn.
Trái bóng dật dờ trên tay, tôi đưa nó cho Chi:
- Em giữ giùm anh cho có bạn, kẻo lẻ loi, chúng buồn.
Chi dốc túi chia cho tôi mớ hạt dưa mà hai đứa ăn dở, anh ăn với em một nửa. Mớ hạt dưa được bỏ đều trong hai bàn tay chụm lại, chúng tôi nhìn nhau cười.
Trước khi tôi đưa em trở vào sân trường:
- Chi xòe tay ra.
- Có gì cho em hở?
- Quà tết.
Tôi bỏ vào lòng bàn tay Chi một trái quất vàng óng mà lúc qua nơi bán hoa tết tôi đã lén hái trộm được. Chi tròn xoe mắt:
- Ở đâu anh có vậy?
Tôi cười:
- Em không nhớ hồi nãy mình đi qua nơi bán hoa à?
- Nhưng em có thấy anh mua đâu.
Tôi chỉ cười. Tôi bảo Chi, mau vào không thôi các soeur đang ngó kìa. Chi vội vã bước lên thềm còn ngơ ngác nhìn lại tôi. Thực sự nơi văn phòng vắng ngắt, chẳng có bóng dáng soeur nào. Đáng lẽ tôi phải dẫn em vào tận trong, giao lại em cho soeur trách nhiệm và cáo lỗi bởi trễ giờ trở lại nội trú. Mãi một lúc sau tôi mới nhận ra điều đáng lẽ phải làm đó, khi tôi còn đứng lại ở cổng nhìn theo Chi nhỏ bé đi ngang sân nội trú, với hai trái bóng bay lơ lửng trên đầu.
Tôi đã tưởng hai trái bóng ấy lôi Chi bay khuất mất ở cuối dãy hành lang tối. Sáu giờ, lúc tiếng chuông của ngôi nhà nguyện ngân nga từng tiếng một.