1.Ngôi nhà nhỏ tường xây bằng sỉ than sỉ vôi, mái ngói, nép mình trong khe núi, lối đi vào mỏ Mông Dương, là của một gia đình thợ mỏ. Họ chỉ có ba người. Một ông bố vốn là thợ hầm lò, đã nghỉ hưu hơn chục năm nay, bị bệnh suyễn, nói năng đi lại đều khó khăn. Một bà mẹ buổi sáng tráng bánh cuốn bán cho thợ và trẻ con đi học, trưa chiều nhặt củi, nấu cơm, quẩn quanh, lủi thủi với đàn gà, ổ lợn và mấy con chó, có muốn nói chuyện cũng chả có ai để nói. Và một anh con trai đã 26, 27 tuổi, đẹp trai, khỏe mạnh, đi làm đêm thì ngủ ngày, làm ngày thì bố mẹ ngủ lâu rồi anh mới rón rén mò về, cũng chả thích nói chuyện với ai, ngoài những câu hỏi và trả lời rất ngắn gọn và cộc cằn. Một ngôi nhà im lặng và buồn. Là một gia đình nhưng không có cái vui cái buồn chung, không có sự tính toán chung nên cũng không có câu chuyện chung ngoài sự góp lại thành một món lương hưu của ông bố, lương tháng của người con và tiền lãi buôn bán vặt của người mẹ. Mỗi lần bà lão nói với chồng: "Tháng rồi ngoài ăn tiêu ra còn dư được..." thì ông đã nhăn mặt, xua tay: "Tùy bà, bà muốn làm gì thì làm". Bà lại nói: "Tôi muốn mua một cái áo khoác cho ông, cũng rẻ lắm, trời đã lạnh rồi". Ông chồng vừa thở vừa gắt: "Cả ngày ngồi nhà, có đi đâu mà phải mua áo mới. Mua cho thằng Tùng ấy". Thằng con cười: "Cả năm chui trong hầm lò, cởi trần còn mồ hôi đầm đìa cần gì áo rét". Bà mẹ bảo: "Con trai chưa vợ, lúc hội hè cũng phải có bộ đồ rét cho đàng hoàng..." Thằng con gắt: "Một vụ rét chỉ có vài lần xỏ tay, mua làm gì cho phí tiền". Thế là hết chuyện. Vẫn còn một chuyện khiến cho mọi người đều quan tâm. Âởy là cái nhà này phải có thêm đàn bà, thêm một cô con dâu và một đứa cháu nội. Lắm nhà kiếm được một đồng cũng khó, vợ chồng trẻ lại hay cãi nhau, mấy đứa con ốm đau luôn, quấy khóc nhanh nhách cả ngày mà mỗi lần bà lão đi qua nhấc chân không nổi, vì thèm quá, vì tủi quá. Bà tâm sự với con trai cái nỗi niềm muốn được làm mẹ chồng, làm bà nội của một gia đình đông đảo thì thằng con lại cười khì: "Mẹ dở hơi thật. Nhàn nhã, thảnh thơi không muốn lại muốn chui đầu vào địa ngục". Bà cãi: "Tao thích được sống trong cái địa ngục ấy thì mày bảo sao?". Thằng con gầm gừ: "Con gái bây giờ không chịu làm vợ một thằng thợ hầm lò đâu. Đừng có mong!". Có lần bà nói chuyện vợ con với Tùng gay gắt quá thì hắn bảo với giọng dửng dưng:- Thì mẹ tìm đi, một cô gái nào đó chưa lấy chồng bao giờ hoặc đã có một đời chồng, mặt rỗ, mắt lác, chân vòng kiềng, miễn là còn đẻ con được là con lấy. Con không chê đâu.Bà mẹ không dám nói gì thêm, lẳng lặng xuống bếp chuẩn bị bữa cơm tối, vừa nấu cơm vừa khóc. Con trai bà đẹp đẽ thế, lanh lợi thế lại hẩm hiu chuyện vợ con đến vậy sao?2.Cuối thu trời se lạnh về tối và tảng sáng, đất mỏ nồng nàn những hương vị quen thuộc của cỏ cây, đất đá, than bụi và cả mùi da thịt của người. Nắng và mây của mù thu cũng ngượng ngùng, e ấp, thấp thoáng buồn lại thấp thoáng vui, chả hiểu vì sao? Vào một chiều cuối thu người anh con ông bác của Tùng, làm bảo vệ của mỏ, dẫn một cô gái tới nhà, bảo bà mẹ: "Con gửi cô này sang ở nhờ nhà thím, có được không?". Bà mẹ ngước nhìn cô gái đi phía sau, hỏi: "Người quen của anh à?" Anh kia liếc nhìn cô gái, cười nụ: "Quen, cô ấy muốn xin việc ở Nhà Sàng nhưng chưa có đợt tuyển. Phải đợi một hai tháng. ở nhà con cũng được nhưng không có chỗ nằm". Bà lão đứng dậy, nói vồn vã: "Thế thì cô cứ ở đây, nhà rộng lại vắng người".Ngay sau khi người giới thiệu ra về cô gái đã vào bếp đổ nồi cám lợn ra cái chậu sành đợi nguội cho lợn ăn, quét dọn trong bếp, quét sân và dọn cơm chiều cùng với bà lão. Bà cụ đi lại nhẹ nhàng, nói cười luôn miệng. Chuyện làng xóm, chuyện làm ăn, chuyện gia cảnh, thiếu gì chuyện vẩn vơ đã nhiều chục năm chưa có ai nghe để nói. Cô gái tên Lượm, là chị đầu của hai đứa em còn nhỏ, bố là bộ đội mới về hưu, cả nhà sống bằng nghề làm ruộng. Chỉ có lúa, tôm cua cá tép của vùng lúa nên mãi mãi nghèo. Một làng nghèo của một huyện nghèo. Nên cô muốn đi làm công nhân để có tiền giúp các em ăn học. Người đâu mà xinh đẹp, mà dịu dàng, lại còn trẻ quá, chỉ khoảng ngoài đôi mươi chứ mấy. Này, cháu có đi làm đâu cứ về đây mà ở. Nhà vắng người có thêm cháu thì vui lắm, bà lão gạ gẫm thế. Lượm chỉ trả lời nhỏ nhẹ "vâng", không ra nhận không ra chối. Sao thế nhỉ?Cuối thu đầu đông là khoảng thời gian dễ chịu nhất đối với ông lão. Bệnh suyễn như lui hẳn, ăn uống được, đôi khi có thể uống lưng chén rượu trước bữa ăn. Bữa nay ông lão được bạn đón ra Cao Sơn ăn mừng đầy tháng thằng cháu đích tôn của ông ta. Ông già đã định không đi nhưng người bạn nói, ông đến chia vui với vợ chồng chúng tôi bữa nay thì sang năm chúng tôi lại đến chia vui với ông bà. Thế là ông đi. Nói chơi biết đâu lại thật, nhân nói như thần nói. Tối được một lúc thì ông về. Lượm chạy ra mở cổng. Ông đứng sững, hỏi: "Cháu là bạn của Tùng hả?" Cô gái nói: "Thưa bác, cháu mới tới". Vào trong nhà ông lão hỏi nhỏ vợ: "Bạn gái thằng Tùng đấy à?" Bà vợ cười: "Người quen của thằng Trí, cô ấy ở đây ít hôm đợi việc làm". Ông già lấm lét nhìn cô gái đi lại thấp thoáng ngoài sân, mắt nhấm nháy: "Không chừng sang năm nhà mình có chuyện vui". Bà vợ thở dài: "Cũng mong thế, trời thương thì được". Vì ông đã ăn cơm nên bà vợ và cô gái muốn đợi ông chủ trẻ đi làm về cùng ăn cho vui. Tùng về sớm hơn mọi ngày, tay chân, mặt mũi, quần áo cứ như vừa từ vũng bùn lăn ra. Một cặp mắt rất to chiếu vào Lượm rồi một vệt sáng trắng từ hai hàm răng của người vừa bước vào: "Nhà có khách à?" Lượm đứng lên, nói lễ phép: "Em chào anh, em là Lượm". Cái đầu đen sì nghiêng về phía bà lão. Bà mẹ phải giới thiệu lần nữa. Hàm răng như càng sáng hơn: "Chúng tôi xin cảm ơn cô đã đến đây. Có cô thì cái nhà này sẽ vui hơn nhiều". Cô gái cúi mặt, không nói gì. Thằng quỉ mặt đen bước vào nhà trong, nửa giờ sau một chàng trai tuấn tú mặc áo pun trắng, quần bò xanh, đi dép lê bước ra. Là anh sao? Anh đẹp trai đến vậy sao? Không có một người thợ mỏ nào giống anh cả. Một bữa cơm có cá kho, đậu rán, canh cải, cả ba người đều rất đói mà không ai ăn thấy ngon. Cứ hồi hộp thế nào, nghẹn ngào thế nào. Tùng uống một chén rượu thuốc, ăn một miếng đậu rán, rồi gắp thức ăn cho mẹ và cho khách. Và anh nhìn ngắm cái mâm cơm gia đình lần đầu có một cô gái cùng ngồi ăn. Lại là một cô gái đẹp. Đẹp chứ không chỉ xinh. Một cổ tay rất tròn. Những ngón tay rất dài. Những sợi tóc xõa rối một bên vai sáng lên trong ánh điện. Lạ quá, đẹp quá, cứ như là chuyện không thể có thật. Mỗi lần Tùng gắp thức ăn cho Lượm, cô ta lại nói nhỏ, rất nhỏ: "Em xin anh". Nhưng cô không ăn, bát cơm đầy thức ăn chả vơi đi được chút nào. Bà mẹ nói: "Cháu ăn đi chứ, người trong nhà đừng làm khách". Cô gái hơi cười: "Anh con gắp cho nhiều thức ăn thế này, con ăn sao hết". "Anh con", em nói lại đi, giọng em nhẹ quá, mảnh quá, như một sợi dây nhỏ sít chặt cổ anh đây này. Anh chỉ muốn òa khóc thôi. Vì cái gì nhỉ? Vì sung sướng quá hay tủi thân quá? Vì vui quá hay buồn quá? Anh không biết, đã được trải qua lần nào đâu mà biết!3.Như có phép lạ, mùa thu năm nay bệnh suyễn của ông già hình như còn nhẹ hơn các mua thu của mọi năm. Dáng đi của ông thẳng hơn, nhanh nhẹn hơn. Ông cười nói tự nhiên, không bị cụt hơi, cũng không thở gấp và đã bắt đầu hay nói. Như một người vừa được sống lại. Và hay mủm mỉm cười một mình. Bà già thì khỏi nói. Bây giờ người dậy sớm nhất nhà là Lượm, từ ba bốn giờ sáng để xay bột tráng bánh cuốn. Vài cân gạo chỉ xay khoảng một giờ là xong. Rồi cô nhóm lò than. Bà lão dậy thì nồi nước tráng bánh đã bắc lên lò rồi. Những ngày sau cô xay tới mười cân gạo, bà già bán một phần ở nhà, phần còn lại cô đội ra chợ bán. Đã nhiều lần Tùng đứng ở cổng nhìn Lượm đội thúng bánh cuốn trên đầu, tay xách một cái giỏ tre đựng bát đũa và các chai nước chấm, bước đi uyển chuyển, thân người uốn theo mềm mại, một tay khẽ vung vẩy như một điệu múa đẹp. Anh thở dài rất nhỏ, nước mắt như muốn ứa ra, vì đã nhớ rồi, đã lo sợ rồi, hình như cô ấy sẽ không bao giờ trở lại nữa. Cô ấy đến bất thần rồi cũng ra đi bất thần. Một cái gì quá đẹp, quá mọi mong ước rất khó là cái thật bền lâu. Chuyện cổ tích đâu có thật, nó an ủi, nó hứa hẹn chứ không thể là thật. Em ơi, nếu không gặp em anh chỉ buồn ít thôi vì anh chưa từng có gì để tiếc, để so sánh. Còn bây giờ...Đã nhiều năm, từ ngày Tùng đi làm thợ hầm lò, những ngày làm ca 2, bà mẹ đều thức chờ con về khoảng gần nửa đêm, để đun nước tắm, hâm lại thức ăn và nhặt quần áo bẩn cho vào chậu ngâm. Như xưa kia bà đã chờ chồng về. Đã ba chục năm bà chưa bao giờ được ngủ trọn giấc hai tối liền, trừ những ngày lễ Tết. Bỗng nhiên bà được ngủ từ tối vì Lượm đã tình nguyện thay bà để chăm sóc con trai bà. Cô đi chợ và nấu cơm ngày ba bữa, bữa trưa, bữa tối và bữa nửa đêm cho riêng một người. Vợ trẻ chiều chồng mới cưới cũng không thể nấu cơm vào lúc nửa đêm. Lần đầu, Tùng được ăn bữa cơm đêm bằng cơm nóng xới trong nồi, anh cầm bát cơm lên mũi ngửi buột nói: "Em chiều anh thế này, lỡ nay mai em ở xa thì anh sống làm sao đây". Lượm cười nhẹ: "Thì anh vẫn sống như trước đây có sao". Tùng cũng cười nhưng rất gượng: "Trước ngày em đến và bây giờ đâu còn giống nhau nữa". Rồi Tùng vội nói sang chuyện khác, chuyện những ngày anh còn nhỏ, bố vẫn đi làm, là thợ hầm lò. Những ngày làm ca 2, khoảng nửa đêm, bà vợ vẫn thức chờ chồng về, đun nước tắm, dọn cơm và rót cho ông chén rượu. Trong khi ông ăn thì bà vá quần. Tức là đắp thêm vải vào những chỗ đã đắp vá nhiều lần, không còn là vải nữa vì nó đã cứng như cái mo. Mùa xuân, trời nồm, mưa bụi, những tảng vá không thể khô lại mà phải hong lên bếp lò, lấy tay gõ lên miếng vá như gõ lên miếng gỗ. Lương thợ hầm lò thì cao lắm, cao nhất mỏ, thứ nhất hầm lò, thứ nhì bò tót. Lái xe bò tót lên tầng, rét rất rét, nóng rất nóng nhưng vẫn có đầy đủ khí trời để thở chứ không luôn luôn có cảm giác bị ngạt như dưới hầm lò. Lượm vẫn ngồi nghe chăm chú, lát lát lại gắp thức ăn cho Tùng, nhưng cô chỉ mỉm cười chứ không nói thêm câu gì, cũng không hỏi, hình như cô cũng chả quan tâm gì nhiều tới những vất vả của người thợ mỏ. Khi cô đưa nắm sém cơm cho Tùng lúc cuối bữa, anh thở dài:- Thời bây giờ thợ mỏ làm ca 2 về nhà dễ tủi thân lắm. Không có ai ngồi đợi anh ta cả, tự tắm giặt, tự dọn cơm, có muốn hỏi chuyện gì cũng phải đợi sáng hôm sau. Vợ con đang ngủ, phá giấc ngủ của nó lại thêm rắc rối.Rồi Tùng kể một câu chuyện vui. Một anh bạn đi đánh bài về khuya vẫn hiên ngang đập cửa gọi vợ. Cách gọi của anh ta thần tình lắm: Em, em, mở cửa, than! Cô vợ choàng dậy ngay. Anh chồng nhâng nháo bước vào, nhăn răng cười: Đùa tí thôi, làm gì có than! Cô vợ chu chéo lên thì thằng chồng đã lăn ra ngủ rồi. Đêm sau hắn ăn cắp được một túi than nặng vác về, lại gọi cửa. Vợ không ra, bảo chồng cứ nằm ngoài hè mà ngủ. Hắn phá cửa nhảy vào, ném túi than lên người vợ, rồi đánh vợ một trận. Tùng kể xong rồi cười. Cô bạn gái của anh không cười chỉ hỏi:- Các anh ở mỏ hay đánh bạc lắm à?- Không đánh bài thì còn biết chơi gì?- Các anh cũng hay ăn cắp than của nhà nước à?- Tiền lương cuối tháng mới có, có dạo mỏ nợ vài tháng mới trả lương. Nếu không ăn cắp than lấy đâu tiền hàng ngày mua gạo cho người mua cám cho lợn.- Các anh cũng hay đánh vợ nhỉ?- Thi thoảng thôi, chứ không phải ngày nào cũng đánh. Lượm lại cười nhưng mặt lạnh tanh, không hỏi gì nữa.4.Lượm sống với gia đình Tùng được hơn một tháng mới dám cùng Tùng đi một đoạn đường trong đêm đến thăm một người bạn của anh suýt chết cách đó vài ngày. Anh ấy đang làm ca 2 được vài giờ thì sập lò, gỗ, than và đá đổ ào xuống, anh chỉ kịp nhoai nửa người ra còn thân dưới đã bị kẹt cứng trong gỗ và đá. Không dám vào đông người để cứu, cũng không dám làm một động tác nào mạnh khi cứu, chỉ một sự bất cẩn nhỏ là tất cả sẽ bị chôn vùi. Anh ta đã nằm chờ chết suốt bảy tiếng, đã ứa nước mắt vì tuyệt vọng, đã nói lời cảm ơn với bạn bè. Nhưng các bạn anh đã nhẫn nại hơn thần chết, đã cứu được anh ra khi trời vừa rạng sáng. Khi đưa anh lên khỏi miệng giếng, anh kêu lên: "Không ngờ đời tôi còn được nhìn lại ánh sáng của ban ngày".Khi hai người ra về đã gần nửa đêm. Họ vẫn đi theo con đường men núi, đến khúc ngoặt bất chợt một vầng sáng hiện lên ở phía xa. Đó là quầng sáng của Nhà Sàng Cửa Ông, xa hơn là của mỏ Cọc 6, của Đèo Nai. Phía dưới kia là thị xã Cẩm Phả. Bà mẹ Tùng đã nói với cô gái đã hai chục năm nay ông bà không xuống Hòn Gai, ra thị xã Cẩm Phả đâu có hai lần, lúc thì thăm người nhà nằm bệnh viện, lúc thì thăm đứa cháu sinh con đầu lòng. Cũng đã có lần bà đi qua phà Rừng, ấy là cái thời còn con gái theo chị em từ quê ra mỏ tìm việc. Từ bấy đến nay đã non bốn chục năm rồi. Tùng hỏi: "Sao em biết ở đây có tuyển nữ công nhân Nhà Sàng mà ra đất mỏ?" Lượm cười nhỏ: "Em đâu có biết. Theo bạn bè ra lúc đầu chỉ đi đội than thổ phỉ thôi. Sau ngày có con bạn chết vì bị đá đè, em sợ quá mới đi mót than ở các vỉa. Than ăn cắp ấy mà" - "Có bị bảo vệ bắt bao giờ không?" - "Có chứ, em bị các anh ấy bắt luôn, cảnh cáo mấy lần nhưng không ăn cắp than thì lấy gì mà sống" - "Có nhớ anh nào bắt không?" - "Cả mấy anh ở trạm gác Cao Sơn em đều quen nhưng chỉ nhớ tên có anh Trí thôi".Đứng trước cổng nhà cả hai đều dừng lại và cứ đứng im lặng bên nhau rất lâu. Rồi Tùng nói trước, giọng anh hồn hển, đứt quãng như người suyễn:- Anh thật lòng không muốn xa em, muốn mãi mãi được sống bên em. Chả biết em nghĩ thế nào?Lượm mím chặt môi, sống mũi và vè mắt cay sè. Cô cũng không muốn xa anh, muốn được sống mãi mãi với anh. Nhưng... em không thể, anh ơi. Em chưa yêu ai bao giờ nhưng em vẫn không thể yêu anh, không thể làm vợ anh.Những ngày sau Lượm dậy từ rất sớm để xay bột, đốt lò và tráng bánh. Rồi cô đội thúng bánh ra chợ gần trưa mới về. Về nhà lại lao vào nắm than, giặt quần áo, nấu cám lợn và làm cơm chiều. Và cô vẫn nấu thêm bữa cơm nửa đêm những ngày Tùng đi làm ca 2, ngồi bên anh xới cơm và gắp thức ăn, vẫn trả lời dịu dàng, ý nhị những câu hỏi của Tùng. Nhưng cô không cười, cũng không nhìn thẳng vào mắt Tùng bao giờ, khi không thể nói rõ được điều gì đó thì cô nín lặng và thở dài rất nhỏ.....Anh ơi, anh là người đàn ông đẹp nhất và tốt nhất, nhưng em vẫn không muốn ở lại đây, không muốn mãi mãi phải sống ở đây. Cũng như mãi mãi phải sống ở làng quê thì buồn lắm. Nếu em là vợ anh chắc sẽ là một cặp vợ chồng rất đẹp đôi, em sẽ sinh cho anh vài ba đứa con, sẽ tráng bánh và bán bánh ở chợ, và đêm đêm ngồi đợi anh về để nấu nước tắm, dọn cơm và rót rượu. Còn anh, ngoài giờ đi làm và chơi với vợ con anh sẽ đi đánh bài, đánh bida và uống bia, đôi lúc cũng đánh vợ giống như nhiều người, nhưng vẫn là một gia đình hạnh phúc, có phải thế không, nhưng mà buồn lắm. Vì mọi cái vui cái buồn đều có thể biết trước, giống hệt những người đã đi trước. Và anh về già cũng sẽ bị hen suyễn, bị thấp khớp như mọi người thợ hầm lò tới tuổi nghỉ hưu. Vậy thì em muốn gì, chắc là anh hỏi thế. Chính em cũng không thật rõ em đang muốn gì. Muốn đến một vùng đất mới, sống trong một hoàn cảnh mới, tự mình phải lựa chọn, phải quyết định, không phụ thuộc vào bất cứ ai, có thể cuộc sống sẽ tốt hơn mà cũng có thể còn tệ hơn. Với phụ nữ, sự lựa chọn hình như chỉ được có một lần, lần đầu. Lầm lỡ một lần là cả đời phó mặc cho may rủi, cho số phận. Em không hối tiếc đã rời nhà đi đến đất mỏ. Nhưng em sẽ ân hận suốt đời nếu em bằng lòng ở lại đây mãi mãi. Em đã biết em là ai đâu. Là một con bé tháo vát và can đảm, dám sống theo ý mình hay chỉ là một con nhóc con nhiều mơ mộng, cuối cùng vì yếu đuối lại phải ỷ dựa vào một ai đó, vào một người đàn ông nào đó......Em phải đi ngay anh Tùng ạ. Nếu em ở lại thêm một tháng nữa thì em sẽ không ra nổi cái nhà này. Anh đừng trách em nhá, đừng giận em nhá. Rồi anh sẽ quên nhanh em thôi. Rồi em cũng sẽ phải quên anh, sẽ cố mà quên. Đưa đầu vào cái cạm bẫy êm ái, ngọt ngào của một tổ ấm hạnh phúc đã được chuẩn bị sẵn là dễ nhắm mắt buông xuôi lắm. Em sợ mọi dự kiến táo bạo sẽ kết thúc quá nhanh chóng nếu em vì cái nhìn buồn bã, tuyệt vọng của anh mà nấn ná ở lại.Anh đừng nhìn em nữa nhá. Em xin thề sẽ không nhìn thẳng vào mắt anh một lần nào nữa, sẽ không nói thêm với anh một lời nào nữa. Và sẽ không bao giờ cho phép mình đi chung với anh trong đêm như đêm trước. Tháng 11 năm 1995