Biệt hiệu Mai Sơn, người làng Liên Bạt tỉnh Hà Đông, sinh năm 1867, con của Nguyễn thượng Phiên. Nguyễn thượng Hiền văn chương lỗi lạc, nổi tiếng tài hoa. Khoa thi hương Giáp Thân đời Kiến Phúc ( 1884 ), 17 tuổi đỗ cử nhân, thủ khoa là Vũ phạm Hàm. Nguyễn tuy quán ở Hà Đông, nhưng gia đình lại lập nghiệp riêng ở vùng quê Thanh Hoá. Có lần phải lên tỉnh mướn nhà để tị nạn hơn một năm, ông thấy đời sống thành thị nhộn nhịp không hợp với tính hiếu tĩnh, nên cảm khái làm bài thơ: Hơn một năm nay vẫn ở thuê. Mới hay thành thị khác nhà quê. Ăn tiêu củi nước coi mà tốn. Dáo dở lòng người nghĩ cũng ghê. Xe ngựa kéo quanh trò lục sở. Khố khăn đổ lộn đám ba que. Đất này rộn rã lâu sao được. Cũng tính nay mai sắp dọn về. Khi đỗ cử nhân rồi, có ý chán đời, không thiết công danh phú quý, bỏ nhà vào núi học đạo. Sau vì anh ông mất sớm, gia đình cho tìm về bắt lấy vợ, ông đành về, kết duyên với con gái của Tôn thất Thuyết. Năm Ất Dậu ( Hàm Nghi 1885 ), đi thi hội, đã trúng cách, chưa kịp truyền loa thì kinh thành thất thủ, ông phải bỏ về. Đến khoa Nhâm Thìn ( Thành Thái 1892 ), ông lại vào thi hội, nhưng không phải thi chỉ vào kỳ đình đối. Khi truyền loa, ông đỗ Hoàng giáp. Vũ phạm Hàm đỗ tam nguyên thám hoa. Được bổ đốc học Ninh Bình, ông ưa tiêu dao sơn thủy, có câu đối dán ở thư phòng để tỏ ý mình. Bích vân phương thảo, cung thi liệu. Hoàng cúc thanh sơn xứng hoạn tình. - Lấy mây biếc cỏ thơm để cung vào món làm thơ. - Hoa cúc vàng ở núi, thanh đạm hợp với cách của ông. Ông có bài thơ đề Thúy Sơn: Nhất loan sơn thủy, nhất lương đài. Kim cổ tao nhân tự khứ lai. Bạch thạch bán duyên, danh cú lão. Hoàng hoa nhất hướng, hộ thành khai. Điểu tri sự khứ ninh đề thụ. Sơn khiếp trần xâm cố yểm đài. Ngữ liễn thiên chương dư vận sự. Kim chi hoang kính tích bồng lai. Bản dịch của Nhân Phủ: Một làn nước biếc, một lương đài. Mạc khách đi về trước tới nay. Đá trắng có duyên mòn chữ khắc. Cúc vàng đồng loạt nở hoa đầy. Việc hư, chim biếc: cây cao hót. Bụi bám, non ghê: rêu phủ đầy. Bút ngự, xe loan trơ lại đó. Nay là rừng rậm, trước bồng lai.. Ông ngồi đốc học Ninh Bình, sau chuyển ra đốc học Nam Định, nên tục gọi là ông đốc Nam. Đến năm Thành Thái 19 ( 1907 ), vua phải tốn vị, ông lên phủ toàn quyền chất vấn và yêu cầu phục lại ngôi vua, nhưng không được toại ý, ông liền cáo quan, về phụng dưỡng hai thân. Đến khi hai cụ tạ thế, tang lễ xong, ông trốn sang Tầu, vận động cuộc cách mạng. Ông cùng Phan bội Châu sáng lập Việt Nam Quang Phục hội. Sau thấy công cuộc gặp nhiều trở ngại, ông sinh chán nản, cạo đầu vào tu ở chùa Thường tích quang Hàng Châu ( Chiết Giang ) được ít lâu thì từ trần. Nhà chùa theo lời ông dặn lại, đem hỏa táng và đổ tro xuống sông Tiền Đường.