Tôi đứng dưới chùm hoa giấy non. Mấy bóng người thoáng qua khoảng sân nhạt nắng chiều. Một con chim sâu nhỏ bé cũng vừa rời cành cây này bay đi với một tiếng kêu bỏ lại. Tôi đưa tay nhấn chuông, chờ đợi. Tôi hy vọng không đến trễ giờ. Và đây là lần đầu tiên tôi nhận được một tấm thiệp mời dự sinh nhật của một người lạ, chưa quen, cũng chưa thân thiết. Trâm làm tôi bối rối một chút. Cô bé ác quá. Tôi thầm trách như vậy và cười một mình lúc đi chọn quà. Chắc hôm nay tôi sẽ bị rơi vào một mê hồn trận. Tôi tính tới một chút rồi rút lui. Đó là một cách làm vui lòng Trâm. Cô bé với một bông cúc vàng trên bao lơn mỗi buổi sáng nhìn tôi qua một màn mưa giăng mờ trước khi đi học. Tôi đã biết mặt Truyền, nhưng chưa lần nào nói chuyện. Hôm nay sinh nhật muời sáu tuổi của cô bé. Tôi thấy quà tặng sinh nhật muôn đời cho một cô gái chỉ có thể là một con búp bê. Tôi lắc lắc cái hộp giấy và cười một mình. Người ra mở cổng cho tôi là Trâm. May quá tôi đỡ phải bối rối.Trâm vừa mở cổng vừa cười:- Tiếng chuông gọi cổng của người khách cuối cùng mà mọi người chờ đợi đấy nhé.- Tôi mà được mọi người chờ đợi đến như thế sao. À, tại tôi tới trễ.- Không phải đâu ạ. Mọi người có vẻ chờ đợi thật đó.- Cô bé quên mời tôi vào rồi.Trâm cười:- Ấy chết, mời ông vào ạ.Trâm nhường chỗ cho tôi bước vào rồi đóng cánh cổng lại. Hôm nay cô bé mặc chiếc rốp xòe màu trắng và chiếc áo màu xanh lá mạ. Tóc không cài hoa cúc vàng mà thay vào đó chiếc ruy băng màu tím than. Tôi khen:- Hôm nay Tí Bo xinh quá.- Mấy chị bạn của chị Truyền vừa ngạo Trâm ầm ĩ trong đó, bây giờ tới ông.- Tôi khen thật. Tôi không biết ngạo.- Ông mua quà cho chị Truyền mà quên mua cho em.Tôi thấy cánh môi cô bé bĩu ra, có vẻ như giận dỗi. Tôi cười:- Hôm nay sinh nhật của chị Truyền. Hôm nào sinh nhật của Tí Bo tôi mua thật nhiều quà để bù lại.- Sinh nhật của em còn lâu lắm.- Sinh nhật tới mau lắm. Nó đem cho mình một tuổi, không chờ mà cũng không đợi. Tin tôi đi.- Ngày xưa, sinh nhật ông, ông có chờ không?- Tôi không nhớ được ngày sinh của mình. Trâm ngạc nhiên:- Sao kỳ vậy?- Mẹ tôi sinh tôi ra trong lúc chạy giặc. Mãi đến sau này mới ra tòa án làm khai sinh. Thế nên không nhớ ngày giờ gì nữa. Tôi phải mang một ngày sinh theo trí tưởng tượng của bà.- Vui nhỉ?- Ừ, không có ngày sinh nhật cũng vui như người ta có ngày sinh nhật để vui vậy.- Vui mà buồn.Tôi ngó Trâm, thấy những sợi tóc óng ánh của cô bé. Bước chân Trâm nhún nhẩy trên lối đi. Koảng sân rộng đã hết. Tôi thấy mấy chiếc xe gắn máy nằm rải rác quanh đó, dưới những bóng cây. Trâm dừng lại trước cửa gọi:- Chị Truyền ơi, có khách tới.Truyền bước ra với một nụ cười. Chiếc áo dài màu vàng làm sáng rực một vuông cửa. Bên trong, tôi thấy những gương mặt lấp ló, những màu áo, những tiếng cười khúc khích nổi lên. hai người contrai tiến ra bắt tay tôi. Truyền giới thiệu. Trâm ngược lại, dành để giới thiệu tôi. Mọi người cùng cười. Gói quà được đưa cho Truyền. Cô bé lí nhí một lời cảm ơn và nở một nụ cười. Tôi thích nụ cười thành thật và rộng mở như thế. Và tôi bước vào nhà làm người khách cuối cùng, mọi người trông ngóng, chờ đợi tôi đúng như Trâm đã nói.Tôi nói chuyện với hai người thanh niên. Họ có vẻ lúng túng trước một đám đông toàn con gái. Tôi bắt gặp vẻ ngượng ngập của họ. Tự nhiên tôi mỉm cười. Con trai bắt đầu bằng những điếu thuốc của mình. Con gái bắt đầu khui nước ngọt và nói chuyện tiếp. Tôi nhìn quanh bàn, không khí có vẻ rực rỡ vui mắt. Nhưng món ăn được bày biện một cách khéo léo. Chiếc bánh to cắm mười sáu cây nến. Những bình hoa nhỏ thật đẹp mắt. Tôi ngồi cách hai người thanh niên rồi tới Trâm. Truyền ngồi kế đó với Trầm và Khanh. Phía bên kia gồm Quỳnh và những người tôi chỉ vừa biết tên, nhưng chắc là khó nhớ được hết một lúcKhanh nói trước nhất:- Thôi đốt lên đi chứ, Truyền.- Tuyên bố lý do đã. Phải thủ tục, lễ nghi đàng hoàng đừng có ẩu.- Tuyên bố lè lẹ lên chứ.Trâm ngó tôi cười. Truyền bối rối đứng lên sau khi được các bạn nhắc nhở, thúc giục. Trầm pha trò:- Chà, cảm động. Đừng có khóc nghen.Quỳnh cười:- Can đảm lên. Khóc ta ăn hết.- Sức mấy mà khóc hả Truyền?Người thanh niên ngồi bên cạnh tôi lên tiếng hỗ trợ. Thúy nói:- Xin mấy phút yên lặng.- Mấy phút xin nói rõ ra. Đừng có mơ hồ.- Năm phút.- Bốn phút thôi. Năm phút lâu quá.- Thôi, yên cho nó nói. Mi dành nói cả.- Nói đi Truyền. Nói xong ta cho mi uống nước.Truyền chớp mắt:- Quí vị hối quá, cảm động thật thì nguy.- Tha hồ mà cảm động.- Cảm động một chút thôi chứ, cảm động hết mai mốt lấy gì cảm động nữa?Truyền ngó quanh bàn, bắt gặp những nụ cười. Phải nói hôm nay Truyền xúc động thật. Ngày sinh nhật lần này, Truyền bước vào tuổi mười sáu có cái gì mông mênh, lớn lao như đời sống đã sang bờ, qua một đại dương muôn trùng. Truyền của ngày mười sáu tuổi khác xa với Truyền hồi còn mười lăm. Phải chăng mình đã bắt đầu bước xa khỏi một khoảng đời thơ ấu? Truyền ngó mười sáu ngọn nến cắm vòng quanh chiếc bánh sinh nhật, những ánh nến lung linh soi hồng đôi má Truyền, soi hồng những gương mặt bạn. Như thế là ta đã thổi tắt những ngày hôm qua để đốt lửa cho những ngày sắp tới.Trâm cấu vào tay chị nói khẽ:- Nói gì đi chứ chị Truyền. Chị không nói, em nói thế nghen?Truyền lấy giọng một lần cuối cùng rồi nhỏ nhẹ nói, trong khi các bạn của Truyền đã im lặng.- Thưa các anh, thưa các bạn. Hôm nay là ngày sinh nhật thứ mười sáu của Truyền. Được đông đủ các anh và các bạn tới dự, Truyền rất cảm động. Truyền cảm động thật. Truyền khó mà nói gì nhiều. Khó nói quá. Thôi, Truyền xin phép thổi nến.Tiếng vỗ tay rào rào. Truyền chu môi đỏ mặt thổi nến. Thổi một lượt, còn năm cây nến chưa chịu tắt. Thúy đứng lên:- Để ta thổi phụ với.Thúy thổi phù phù. Nến lần lượt tắt hết. Khanh cười cười:- Nói gì mà ngắn tí xíu vậy?Quỳnh thúc vào hông Khanh:- Mi có tiếc thì nói tiếp đi.- Ăn xong rồi nói.Trầm lườm Khanh:- Cái bụng cái dạ mi ta biết rõ như ban ngày như bàn tay ta có năm ngón vậy. Thấy ăn thì mắt sáng lên còn làm bộ tử tế.Khanh cười, đảo mắt quanh những gói quà, rồi vụt la lớn:- Quên lớn rồi, phải khui những gói quà này ra chứ?- Ừ nhỉ, quên nhỉ?- Tại sao Truyền lại có thể quên chuyện trọng đại này nhỉ?- Khui quà bây giờ, quê chết.- Quê gì. Ta tặng cho nó mộ con thỏ vặn dây cót, nhảy cà tưng như nó vậy.Mấy ông con trai có vẻ ít nói trước đám con gái. Nãy giờ chả ai phát biểu câu nào.Quỳnh ngày thường cũng không thua chi bọn Khanh, nhưng không hiểu sao hôm nay cũng ít nói. Có lẽ tại từ lúc ra cổng rước anh chàng lạ mặt vào nhà, Trâm khều tay Truyền nhắc:- Thôi khui quà đi chị Truyền rồi cắt bánh nữa chư. Để em đi mở nhạc.Tôi nói:- Đừng mở nhạc ngoại quốc nghe. Nhất là nhạc soul. Tôi thích nghe những bản nhạc tiền chiến, thật xa xôi, thật xưa cũ.Tiếng nhạc trỗi lên bằng giọng ca của một nam ca sĩ. Có thể không phải là một ca sĩ. Giọng ca không nhà nghề, giọng ca ít nghe và rất tài tử. Tôi thích một giọng ca vàng như thế. Khanh đứng lên phụ với Truyền khui những gói quà. Những tiếng cười khúc khích, tiếng ồ đầy vẻ ngạc nhiên. Cuối cùng bữa sinh nhật của người con gái nào cũng đều nhận được nhiều búp bê. Truyền có vẻ thích thú con búp bê của tôi hơn, mái tóc hung hung và chiếc khăn quàng cổ lấm tấm hoa ấy làm mắt Truyền chớp mãi. Mỗi một bàn tay sắp một con búp bê trước mặt. Ngó lại, bàn toàn búp bê và hoa. Khi Truyền cầm con dao nhọn định cắt bánh thì có một người nói:- Khoan khoan, bánh ăn cuối cùng. Bây giờ ăn đồ mặn trước.- À, lại quên. Hôm nay Truyền mù mờ quá.- Chắc tại nhỏ cảm động.- Còn phải nói.Và mọi người bắt đầu bữa ăn. Bữa ăn pha đầy tiếng cười. Có người đề nghị tắt máy để thưởng thức những giọng ca đặc biệt. Nhưng lời đề nghị có lẽ không làm ai hăng hái. Những gương mặt quay vội đi che giấu. Những nụ cười ngượng ngùng lấp kín. Quỳnh nói:- Nghe băng cũng chán. Bây giờ nghe lời ca tức cảnh sinh tình thú hơn. Đề nghị mỗi người một bản tặng Truyền.- Quỳnh ca trước đi.- Không. Phải chọn cơ. Truyền đóng vai chủ gia, cho Truyền được quyền quyết định.Truyền nhả một miếng xương vào chén, cười sung sướng:- Chỉ ai thì người đó hát hả?- Chứ sao?- Vậy Truyền chỉ một người đầu tiên thôi nhé?- Chỉ đi, nhưng đừng có chỉ tui à.Mọi người khúc khích cười. Truyền đảo mắt một vòng quanh bàn. Những con mắt chớp nhanh giấu mặt. Nhưng Truyền đã có ý định từ đầu. Truyền chỉ một người lạ:- Mời anh Lam ạ.Lập tức tiếng vỗ tay như mưa rào. Tôi mỉm cười đứng lên nói:- Tôi hát cũng được đấy. Nhưng quí vị có can đảm ăn nữa sau khi nghe tôi hát xong không đã?- Có.- Có chứ.- Anh tự nhiên. Tụi này chỉ sợ bắt làm chứ không sở bắt ăn đâu mà lo.Tôi ngó Trầm:- Trầm có dám ngồi lại không?Trầm đỏ mặt:- Chắc dám. Tin là anh hát không đến nổi... tệ.- Tôi chỉ hát được một bài thôi. Bài con ếch che dù. Quí vị có muốn nghe không?- Gì mà con ếch che dù?- Bài này lạ.- Sao không hát bài con nhái che dù mà bài con ếch.- Tại vì anh Lam không thuộc ài con nhái. Những giọng cười nổi lên một cách thích thú. Tôi đứng ngây người cố giữ vẻ tự nhiên. Đây là một bài hát trẻ con học tiểu học, tôi nghe chúng hát trong xóm khi chúng bày trò chơi. Bài hát duyên dáng, dí dỏm. Và tôi hát:Con ếch đi tu Nó vô trong chùaNó kêu uệch uệchChú chệt bán dầuChú đi qua cầuChú té chú chếtTôi không có giọng khôi hài lắm nên bài hát không tức cười. Tuy nhiên cả bàn tiệc cũng cười lăn. Truyền định nói cái gì đó nhưng không thể nín cười được. Quỳnh cười chán chê rồi mới khen tôi hát hay. Sau đó, mọi người thay phiên nhau hát. Tôi ngồi yên nghe. Truyền hát cuối cùng với bài “Tóc Mai Sợi Ngắn Sợi Dài”. Bài hát có những câu thật cảm động và Truyền hát làm tôi nhớ mãi. Mọi người chia bánh. Trâm cho tôi một tách nước trà xanh ngon mắt. Nước trà bọc khói thơm. Phần bánh của tôi có chiếc hoa hồng vàng. Quỳnh táy máy làm sao lại lôi ra được trong gói quà của tôi ra bài thơ tôi làm tặng Truyền. Quỳnh hét lên:- Trời ơi, anh Lam là một thi sĩ. Anh ấy làm bài thơ tặng Truyền này.- Đâu. - Đọc xem.- Ngâm lên cho người ta thưởng thức với Quỳnh. Mình mi độc quyền à?Tôi ngó Quỳnh, hơi xấu hổ:- Cho tôi xin đi Quỳnh. Tôi làm thơ dở lắm. Đọc lên thiên hạ bỏ chạy về hết.- Thơ anh Lam hay thấy mồ.Thúy chu môi:- Thơ hay thấy mồ là thơ hay làm sao vậy Quỳnh?Truyền bỗng lên tiếng cứu bồ:- Ơ, của người ta. Không ai được ngâm nga chi hết.- Của Truyền. Đồng ý. Nhưng chút nữa cơ. Bây giờ là của chung. Phải đọc lên cho tất cả nghe. Trâm bên tôi.- Quà người ta tặng cho ai thì người đó mới có quyền chứ.- Trầm ngồi gần anh Lam.- Tí Bo đi Tây Ninh thêm dấu nặng rồi.- Đề nghị anh Lam làm tặng mỗi người một bài thơ là xong chuyện.Tôi cười:- Sẽ có.- Chừng nào?- Khi mỗi cô đi lấy chồng.- Như vậy là thơ tiễn đưa, buồn lắm. Muốn anh làm thơ tặng ngày sinh nhật thôi à.- Vậy nếu ai có sinh nhật nhớ mời tôi nhé!Truyền chạy tới phía Quỳnh giật bài thơ xếp trong túi áo. Tôi mừng lắm. Chỉ sợ Quỳnh đọc lên thì xấu hổ. Tôi quay qua bảo Trâm:- Trâm tới cho băng chạy đi.- Nhạc gì chú?- Nhạc gì cũng được.Tiếng nhạc cất lên sau đó. Mọi người ngưng nói chuyện. Hình như tất cả đều no, ngán bánh ngọt. Tôi cố ăn hết phần bánh trong dĩa của mình và nhâm nhi cho hết tách nước trà. Bên ngoài bóng tối đã tràn ngập khoảng sân. Truyền bật đèn.- Nhạc buồn quá.Một người bỗng thốt lên câu nói bất ngờ đó. Và không khí tự nhiên cũng lắng lại, buồn theo. Tôi rời chỗ ngồi bước ra thềm đứng nhìn những ngọn lá, lem úa trong bóng tối. Trong khoảng sân nhà Truyền có nhiều chim. Chúng thấy tôi, bay về đậu trong các khóm cây và khóm hoa kêu chíp chíp. Trâm đứng bên cạnh tôi, thấy tôi ngậm điếu thuốc và đang móc túi tìm bật lửa. Trâm chạy vào nhà lấy bật lửa và bật đánh tách một tiếng mồi cho tôi.- Trâm không ở trong đó chơi à?- Ra này đứng với chú vui hơn. Chú đang nhìn gì?- Đang nhìn lá cây, nhình hoa, nghe tiếng chim và cảm nhận hương thơm buổi tối.- Chú nói như làm thơ. Ừ nhỉ, chú là thi sĩ mà.- Chú không phải là một thi sĩ đâu.- Chú làm thơ mà.- Buồn thì viết mấy câu. Cũng như vui vui thì hát chơi mấy câu. Như cháu thường nghe chú hát ngoài bao lơn đó.- Nhà chú, Trâm chưa qua lần nào. Chắc có nhiều sách lắm.- Hôm nào Trâm qua tha hồ đọc. Sách nhiều lắm.- Trông chú lúc nào cũng có vẻ buồn. Tại sao vậy chú?Tôi bật cười:- Đâu có. Chú lúc nào cũng vui. Không vui sao chú tới dự sinh nhật chị Truyền.- Ừ nhỉ, sao Trâm gọi chú bằng chú, còn chị Truyền gọi chú bằng anh?- Gọi gì cũng được. Miễn đừng gọi chú bằng bác là được rồi.Nghe thế, Trâm cười khúc khích. Mọi người hình như cũng bỏ chỗ ngồi của mình để ra đứng dọc thềm hay đi tản mác trong sân. Trong nhà nhạc vẫn mở và tiếng hát vẫn vọng ra.Truyền tới bên tôi nói:- Anh Lam, Truyền vừa đọc bài thơ của anh xong. Cảm động lắm.- Đừng khóc là được.- Nếu không có ai. Truyền khóc ngay bây giờ.Trâm cười:- Chị Truyền thường khóc như vậy đó chú Lam ơi. Trong nhà Ba thường gọi chị là “người dòn cười, tươi khóc”. Nghe hay ghê.- Anh Lam làm thơ hả?- Tôi không có làm thơ.Trâm bảo:- Anh Lam vừa nói với em. Ấy quên, chú Lam chứ. Chú vừa bảo: buồn chú viết mấy câu, rồi thành thơ. Cũng như vui vui chú hát mấy câu rồi thành nhạc. Chú Lam khiêm nhượng.Trâm nói chuyện hay hơn cả tôi tưởng. Trâm thêm thắt vào câu nói của tôi làm nó hay thêm lên. Ngôi nhà này thường ngày chắc vắng và êm đềm. Tôi tưởng tượng những buổi tối như thế này chị em Truyền cũng đứng ngoài thềm nhìn lá cây khuất mờ trong tối, nghe hương hoa thoảng bay đâu đó. Tôi cười:- Có bao giờ tôi nghĩ mình bước vào ngôi nhà này đâu.- Công của Trâm đấy. Quen nhau vì một tấm thiệp mời.Hình như hai chị em Truyền nhìn nhau rồi thầm mỉm cười. Tôi nói tiếp:- Sinh nhật mười bảy nhớ mời tôi nhé?- Mai mốt tới sinh nhật Trâm rồi, chú lo qua đi thì vừa. Nhớ làm cho Trâm bài thơ nữa nghen chú.- Trâm ăn sinh nhật thứ mười mấy nào?- Thứ mười ba.- Vậy, chú chép cho Trâm bài thơ “Tuổi mươi ba” nhé?- Không chịu. Phải thơ của chú cơ.- Để chú rán xem.Trâm cười:- Trời ơi, làm như ăn uống gì không bằng. - Phải rán mới được. Chú làm thơ toàn rán không. Không rán, chú tịt. Chữ nghĩa bay mất hết trơn.- Ừ thôi. Chú rán dùm cho Trâm vậy. Chờ chú từ bây giờ nhé?Tôi ném mẫu tàn thuốc ra sân, gật đầu. Mẫu tàn còn lóe sáng một lần cuối cùng rồi mới chịu tắt hẳn. Có tiếng nói, giọng cười của ai đó rải rác vang lên. Tôi nói với chị em Truyền:- Tôi về nhé?- Anh Lam không ở lại chơi một chút nữa?- Tôi về, gần nhau quá, khi nào buồn, tôi sẽ qua chơi. Lo gì.- Để Trâm đưa chú Lam về.Tôi quay lại cười:- Cám ơn. Nhưng mà này, hai chị em gọi tôi gì kỳ thế?Truyền xấu hổ quay đi. Trâm theo tôi ra cổng. Tôi gật đầu chào một vài người.Trâm nói với tôi:- Họ Ồn ào quá chú nhỉ?- Như thế mơi vui chứ.- Sợ chú phiền lòng.- Không có gì.- Đi ngõ này đi chú.Trâm kéo tay tôi vòng qua ngõ phía tay mặt. Con đường tối, về nhà tôi xa hơn nhưng là một con đường đẹp, có nhiều lá và hoa. Hoa ở ven rào nhà ai nở thơm ngát trong đêm. Tôi nghe dưới chân mình xào xạc lá khô. Không có mưa, con đường khô ráo. Lối đi tắt trong xóm nghe nao nao một cảm giác lạ lẫm mơ hồ.Trâm cười:- Tới nhà chú rồi. Gần quá. Phải chi đi xa hơn một chút thì hay.- Thôi Trâm về. Ở đằng đó tiệc vẫn còn.- Mấy bà ấy còn định đi xinê nữa đó chú Lam.- Trâm có đi không?- Đi. Chứ ở nhà buồn quá. Nếu ba má về sớm Trâm sẽ không đi, chỉ bắt chị Truyền mua mấy cốc kem thôi.Tôi tra chìa khóa mở cửa Trâm bỗng nói:- Cháu muốn mượn chú một cuốn sách.- Sách gì?- Cuốn gì cũng được. Cho cháu vào nhà không?- Mời cháu vào.Tôi đẩy cánh cửa và nhường lối cho Trâm bước vào. Trong nhà tối om. Vì khi đi tôi chưa bật đèn. Lúc đó hãy còn là buổi chiều và cửa sổ là một khoảng nắng vàng thắp sáng cả căn phòng. Tôi nói:- Để chú đi bật đèn đã.Tôi lần mò đi tới chỗ cái công tắc. Trâm không chịu đứng một chỗ, Trâm đi theo tôi và ngã chúi vào bộ ghế sa lông. Tôi bật đèn lên, Trâm xuýt xoa chân. Tôi tới gần, xem và hỏi:- Có sao không?- Đau một chút.- Lẽ ra cháu phải đợi chú bật đèn.Trâm ngó quanh nhà, có vẻ chú ý đến bức tranh treo trên tường. Trâm khen:- Bức tranh đẹp quá. Cháu vẫn thích một người thiếu nữ tay đeo vòng.- Của người bạn vẽ tặng chú.- Ai vậy chú?- Chú làm sao biết được trong trí tưởng tưởng của anh ta.Trâm cười:- Chú lấy sách cho cháu đi chứ.Tôi nhớ đã hứa nên nói:- Cháu chờ tí xíu nha.Trâm gật đầu, mắt không rời bức tranh.Tôi chạy lên lầu lấy một cuốn mà không biết đó là cuốn gì, mang xuống đưa cho Trâm. Và hình như cô bé cũng chẳng cần biết tôi đưa cuốn sách gì nữa. Cô bé đi ra cửa sau khi vẫy những ngón tay nhỏ ra hiệu chào từ biệt. Tôi nhìn theo Trâm và chợt bật cười một mình.