Dịch giả: Phạm Cao Tùng
Phần III - Chương 3
NHỮNG ÁP DỤNG CỦA TÂM LÝ HỌC


ÁI TÌNH VÀ PHỤ NỮ

Yêu và… yêu:
“Anh có yêu em chăng?” – “Em yêu quý của anh”. Mấy câu đối đáp muôn đời mà từ thuở nào những cặp tình nhân trên thế giới này đã từng thốt ra. Nhưng chúng ta nên tìm hiểu nghĩa những gì chúng ta nói. Ngôn ngữ Pháp tuy rất phong phú về những danh từ gần đồng nghĩa nhưng lại rất nghèo nàn về những danh từ để chỉ về yêu đương. Chúng ta chỉ có một danh từ là “ái tình” và những danh từ do gốc đó mà ra để diễn tả bao nhiêu trạng thái khác nhau của tâm hồn. Khi người ta nói đến ái tình một cách gọn lỏn, thoáng qua người ta không biết rõ mình nói gì. Để nói về mối tình mà câu thư sinh trao gửi cho đô đào chớp bóng, để chỉ về tình yêu của một tân lang đối với giai nhân, để chỉ về mối tình giữa một cặp tình nhân, về mối tình của nhà thơ đối với nàng thơ hoặc của gã Sở Khanh đối với cô gái sau cùng vừa sa vào cạm bẫy của hắn? Hoặc của đôi trai gái vừa ước hôn? Chúng ta nên định rõ nghĩa.
Như chúng ta đã biết, ái tình không phải là một khuynh hướng đơn giản như lòng ái quốc hay yêu súc vật. Chúng tôi cũng đã nói: ái tình đặt cơ sở trên bẩm chất lòng nhân, mà lòng nhân lại do tính dục, một trong những điều kiện sống mà ra, nhưng ái tình cũng bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác. Trong ái tình người ta có thể nhận thấy trước hết là sự lôi cuốn của xác thịt, sự thèm khát về tình dục bắt nguồn nơi phần sinh lý của chúng ta. Nội một sự trạng này cũng sinh ra lắm thứ ái tình, từ thứ tình yêu thuần nhục dục đến tình yêu không tưởng.
Nhưng ngoài ra, toàn bộ cá tính chúng ta đều có dự phần trong tình yêu, những bẩm chất thiên nhiên chúng ta dự vào với tư cách là những yếu tố bổ chính. Một người có quá nhiều bẩm chất tham muốn rất dễ bị cái óc chiếm đoạt chi phối, nếu người ấy lại đa cảm xúc, tự nhiên y phải mắc chứng ghen tuông nguy hại.
Một người suy nhược sẽ yêu đương một cách nhút nhát, có khi họ chẳng dám tỏ tình trong khi người nhiều hoạt động tính chinh phục người yêu một cách tạo tợn. Người hoạt động biết chia cuộc đời ra nhiều ngăn nhờ vậy trong những lúc làm việc họ biết đuổi xua hoặc dẹp qua bên những chuyện tâm tình. Người bạc nhược, trái lại không dám thốt ra mối tình ấp ủ trong thâm tâm để rồi bị nó ám ảnh mãi. Người đa cảm sẽ yêu một cách nồng nhiệt hơn người có tính thản nhiên vì do bản chất, người thản nhiên không biểu lộ những cảm xúc của họ. Người ích kỷ theo lối các cụ già vừa yêu nhưng cũng vừa hành hạ con chó con yêu quý của họ. Người vị tha trái lại suốt đời quỳ lụy dưới chân người yêu.
Trí tuệ và nhất là óc phán đaón cũng có thể tham dự vào tình yêu, để bổ túc, để sửa đổi, để kềm giữ nó ở mực trung bình.
Điều nguy hại trong tình yêu là khi những quyến rũ của xác thịt và những tình cảm không đặng phối hợp, không đặng chồng lên nhau mà lại đi song song. Có khi người đàn bà gần gũi người đàn ông mà họ yêu nhưng họ lại chỉ nếm đặng những khoái cảm tương đối thôi, thường là một khoái cảm thuộc đầu óc. Cũng có khi họ yêu chỉ vì xác thịt thôi. Điều này nhận xét về những đàn ông cũng đúng.
Sau hết còn bao nhiêu yếu tố khác thuộc bên ngoài cũng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của tình yêu. Không phải bình luận dài dòng, chúng ta có thể nhận thấy những yếu tố sau đây có ảnh hưởng đến tình yêu: sự tự do hoặc áp bức, sự sống chung hoặc sự xa cách, sự cách biệt về địa vị xã hội, về học vấn, về giáo dục, về hoàn cảnh sống, về tài sản và ngay những chức nghiệp cũng có ảnh hưởng đến tình yêu.
Như thế chúng ta có thể nói: tình yêu hết sức chủ quan. Không có mối tình của một người nào lại đặng giống mối tình của một người khác.
“Em không yêu anh như anh đã yêu em”. Câu phiền trách muôn đời của những cặp tình nhân. Câu phiền trách rất vô lý này lại là nguyên do của bao nhiêu thất vọng, bao nhiêu thảm kịch. Về điểm này không có cặp tình nhân nào biết nhận xét sáng suốt.
Khôn ngoan hơn, chúng ta nên nhận lấy người yêu, tìm hiểu và tìm cách dung hòa với họ. Trong tình yêu cũng như trong tình bạn đừng đòi hỏi người kia những gì mà họ không thể cho chúng ta.
Có hiểu biết nhau, mới mong có hạnh phúc. Điều cốt yếu không phải là cái sắc thái của tình yêu mà chính là cái lòng thành của người đã hiến mối tình ấy cho chúng ta.
 
Tâm lý học và đàn bà:
Những dẫn cứ của tâm lý học lẽ dĩ nhiên có thể áp dụng cho đàn bà cũng như cho đàn ông, tuy thế hai phái vẫn tố cáo lẫn nhau rằng “không ai hiểu mình cả”.
Các bà thường cho rằng “bọn đàn ông là ích kỷ” và các ông thường cho rằng “đầu óc đàn bà kém cỏi” trí thức không bằng họ.
Nếu phải luận về cái khía cạnh của thói ích kỷ của các bà, nhất là các bà đang si tình, có lẽ phải mất nhiều trang giấy. Còn về sự chê trách của các ông, nó chỉ đúng một phần nào đó thôi. Vẫn biết rằng trong những địa hạt mỹ thuật và khoa học, phái nữ không sao bì nổi với phái nam, không kể một vài trường hợp ngoại lệ, tuy thế các bà cũng chẳng kém thông minh hơn các ông. Cái trực giác, cái linh tánh mà các bà thường tự hào đặng dà do lề lối giáo dục, các bà phải quan sát nhiều hơn các ông. Họ góp nhặt, phối trí cái kỷ niệm của những việc nhỏ nhặt rồi họ rút lấy kết luận… nhưng thường khi không mấy đúng.
Nhiều tiểu thuyết gia đã từng thêu dệt chung quanh cái đề tài: sự bí mật của người đàn bà, về lòng nham hiểm của người đàn bà hoặc về lòng dạ khó lường của người đàn bà. Có nên nhắc lại câu thơ này của J. Samain:
Ôi đàn bà, một cái hố sâu thẳm nó giữ miết những ai đắm mình vào đấy.
Đó là một bả mồi hay một cạm bẫy, dù sao cũng chỉ là một tấm thân dệt toàn bằng mộng.
Thật ra cá tính người đàn bà không bí mật gì hơn của người đàn ông, nhưng khi một người bên phái này phán đoán về người bên phái kia thì luôn luôn họ bị ảnh hưởng bởi yếu tố tính dục. Do bản năng, khi gặp nhau lần đầu, họ tự xếp loại nhau theo mấy hạng: “có thể yêu” hoặc “rất có thể yêu”. (Một cảnh thường thấy: Trong một nhà hàng hoặc ở một nơi nào khác tương tự. Khi có một người đàn bà bước vào, tất cả bọn đàn ông có mặt đều liếc mắt để rồi ngoảnh mặt liên sau đó, nếu người đàn bà ấy “không có gì hấp dẫn”. Khi có một người đàn ông bước vào? Tất cả những cắp mặt xanh cũng đều ngước lên để rồi trở nên lạnh lại nếu người đàn ông ấy chẳng có gì đặc sắc, nói theo thời đại nguyên tử này là không có “điện lực”). Họ chỉ nhận xét theo yếu tố tình cảm, có cảm tình hay ác cảm, một yếu tố không ăn chịu với việc muốn tìm hiểu cá tính của một người. Chúng ta thấy nhận xét trên rất đúng vì khi người đàn bà đã luống tuổi, bóng sắc đã về chiều thì đối với bọn đàn ông họ cũng không còn là một cái gì bí mật nữa.
Một triết gia nói: “Người ta chọn bạn, không ai có thể chọn những kẻ thù của mình”. Dựa theo câu này chúng ta cũng có thể nói: “Người ta chọn vợ (ít ra trong một phần nào đó), không ai có thể chọn người nhân tình của  mình”.
Một cuộc tình duyên có đặng nảy nở hay chăng thường do những trường hợp thuận lợi về cảnh trí, về không khí, về cách trang phục và cũng do những điều khả dĩ đưa đến thuận chiều hay chăng, hoặc vì người ta biết chắc mối tình ấy sẽ đặng giữ kín đáo. Đôi khi chỉ vì thiếu một trong những yếu tố thuận lợi đó mà một vài đàn bà khỏi sa ngã, giữ đặng tiết trinh, và một vài đàn ông có dịp “làm cao”. Muốn yêu, hai người chỉ cần thích nhau, dù là chỉ thích nhau trong giây lát, song tình yêu ấy có thành tựu hay sẽ tan, điều ấy không thuộc quyền của họ (mặc dù có người vẫn tưởng rằng họ có thể chi phối đặng tình yêu) nó còn tùy hoàn cảnh của mỗi người lúc gặp gỡ.
Sau đó đến đoạn “vỡ mộng” vì lúc đầu hai bên đều giữ kẽ, họ không thích vén tấm màn dĩ vãng của nhau hoặc có vén lên họ cũng chỉ trình bày những khía cạnh nào đẹp đẽ nhất, lẽ đương nhiên là rất sai với sự thực; điều khác, lúc bấy giờ sức quyến rũ của xác thịt làm cho họ tối mắt, và những năng lực của họ dùng để nhận xét về tâm lý hình như bị tê liệt.
Một người đàn bà, dù là người như thế nào đi nữa, cũng không có gì là bí mật. Muốn phán đoán về họ, để hiểu họ, người đàn ông chỉ cần quên mình là người đàn ông và hãy nhìn qua cách sống của họ.
Ngoài ra, trong việc khảo xét về phụ nữ, chúng ta còn vấp phải khó khăn này là cá tính tập thành của họ thường bị che kín chứ không bộc lộ như ở người đàn ông. Họ đặng giáo dục cách nghiêm ngặt hơn chúng ta. Khi còn con gái (dù là hạng tân thời) họ cũng không đặng tự do như bạn trai. Lúc đã có đôi bạn, họ thường bị câu thúc bởi những ràng buộc của xã hội, của lễ giáo. Mặc dù điều này cũng còn tùy địa vị xã hội của mỗi người. Những đàn bà thuộc hạng tiểu tư sản sống ở thành thị vì chồng bận việc suốt ngày có lẽ đặng tự do hơn những “bà lớn” thuộc hạng trưởng giả thường bị bọn gia đinh rình mò, hoặc những đàn bà hạng dân giả thường bận bịu về công việc nhà.
Sở dĩ các bà thường có vẻ bí hiểm là bởi con người, một “con vật có óc địa chủ” đã xây đắp những bức thành kiên cố chung quanh họ. Từ thuở bé, người ta đã dạy họ cách giấu nhẹm mọi phản ứng và người ta cũng tập cho họ tính e dè, kín đáo, một cách gắt gao hơn bọn đàn ông.
Khéo léo trong cách nói chuyện, họ biết dùng lời nói để che đậy tâm tư. Luôn luôn họ dè dặt, kín đáo không phải do bẩm sinh mà do giáo dục.
Nhưng người ta vẫn có thể lột cái mặt nạ ấy ra, bằng chứng là ở giai đoạn sau đây:  Có bà nọ đến nghe ông Marcel Boll diễn thuyết, lại chất vấn ông:
- Tôi tin chắc rằng không sao ông có thể biết rõ cá tính của tôi.
Diễn giả chặn ngay:
- Bà khỏi nói thêm, với câu bà vừa thách đố, tôi đã biết rõ đặc điểm của tâm tính bà.
Đàn ông chúng ta thường không mấy người am tường về cách ăn mặc của phụ nữ. Chúng ta thường chỉ biết móc bóp phơi trả tiền công thợ may cho các bà. Âu đó cũng là điều đáng tiếc, vì liếc qua mà có thể đoán biết chiếc áo của bà kia đang mặc nó xuất xứ từ nơi một nhà may có tiếng hay từ một nhà bán quần áo may sẵn, hoặc giả biết phân biệt thứ bít tất bằng tơ nhân tạo cũng giúp ích cho chúng ta khá nhiều trong việc xét đoán phụ nữ.
Một người đàn bà trang sức một cách giản dị nhưng rất phong nhã chứng tỏ họ có óc hợp đoàn, có nhãn thức, có tính chừng mực do óc phán đoán. Sự phong nhã không đo lường bằng xa hoa, bằng tiền của. Một người đàn bà có thể ăn vận một cách phong nhã với những thứ hàng vải rẻ tiền. Nếu họ không thuộc hạng dư giả thì sự dung dị trong cách phục sức cũng làm tỏ rõ nhãn thức của họ.
Những gì có tính chất xa hoa giả hiệu hoặc kiểu cách: kim cương giả, ví da cá sấu giả, áo viền ren không phải chỗ, những nút áo kiểu kỳ dị, giày có dính đầy kim tuyến hoặc hạt chai v.v…; sự thiếu hòa hợp trong phục sức: áo bằng hàng đắc tiền lại đi đôi với ví cầm tay kiểu tầm thường mua hở hiệu Pazar hoặc chiếc áo dài màu hồng mặc chung với chiếc áo lót màu xanh da trời v.v… tất cả những lầm lỗi về nhãn thức ấy chứng chỉ một người kém óc phán đoán.
Một người đàn bà có óc phán đoán bao giờ cũng biết ăn mặc thích hợp với địa vị xã hội của mình và như vậy họ vẫn có thể tỏ ra rất phong nhã, một sự phong nhã ăn khớp với địa vị của họ.
Cũng có những đàn bà không thiết nghĩ gì đến việc trang sức. Thường là những đàn bà có đầu óc đàn ông hoặc những đàn bà phải làm những nghề nghiệp của đàn ông.
Mối tương quan giữa tuổi tác và cách trang sức cũng là một điểm quan trọng. Một bà tuổi đã tứ tuần lại mặc áo màu tươi rói như cô gái mười tám chẳng những tỏ ra họ thiếu nhãn thức mà còn chứng tỏ họ có nhiều tham muốn. Những người quá tham vọng dù là tham về danh vọng, về tiền tài về thú vui vật chất thường không biết sống theo tuổi.
Trái lại, người đàn bà già trước tuổi vì không chịu săn sóc vẻ ngoài của mình, chừng chỉ người có tính khiêm tốn, chịu nép mình trước những gì không thể tránh.
Người thích trang sức lòe loẹt, nếu đó không phải là sự bắt buộc về nghề nghiệp, là chứng chỉ sự thiếu nhãn thức và một óc hợp đoàn phát triển quá mạnh. Người ta có thể lòe bịp bằng lời nói cũng không bằng bộ cánh.
Người đàn bà không thích son phấn vị tất là người đàn bà có giáo dục, đứng đắn, như người ta thường nghĩ. Chúng ta có thể giải thích: chẳng qua người đàn bà ấy kém óc phán đoán và tính quá khiêm tốn. Nhưng đã là người đàn bà mà không thích tô điểm thật là điều rất hiếm thấy vậy.
Thế thường và dù ở địa vị nào, người đàn bà cũng biết dùng trang sức để làm đẹp, lẽ dĩ nhiên phải dùng một cách vừa phải. Trang điểm thái quá là một lỗi lầm về nhãn thức mà cũng chứng tỏ sự thiếu giáo dục. Người đàn bà tô phấn trắng toát như quét vôi chắc chắn là người thiếu óc phán đoán, vì nghệ thuật trang điểm cốt ở sự kín đáo, cốt sao cho người khác (ít ra là bọn đàn ông, vì đối với các bà thì khó qua mặt họ) đừng nhận thấy sự tô điểm của mình…
Có những cha mẹ quá gắt gao, khi thấy con gái của họ tập tễnh bôi son thì vội vã đem giấu cây son ngay. Tại sao không chỉ dạy cho cô ấy biết cách thoa son, có phải là hơn không? Biết dùng những phương thuật trang điểm, lẽ dĩ nhiên dùng cách vừa phải, để làm tăng vẻ đẹp đó cũng là một phần trong chương trình giáo dục phụ nữ. Mà như chúng ta đã biết chỉ trừ một số rất hiếm, đa số phụ nữ cũng cần đặng giáo dục qua điểm này.
Lâu nay người ta thường có thành kiến là phấn son làm “hỏng” da mặt, nhưng cũng nên biết rõ, da mặt bị hỏng là do phấn son hay là do sự không biết cách dùng son phấn?
 
Những hành động “vô lý” của người đàn bà:
Cảm tính đã chiếm một phần quan trọng trong cá tính của người đàn ông; ở người đàn bà có chiếm một ưu thế rõ rệt. Bởi thường hành động thiếu suy nghĩ nên người đàn bà có thể có những hành động cao quý, họ biết hy sinh, tận tụy hơn người đàn ông, nhưng họ có thể làm nhiều việc tác tệ hơn người đàn ông.
Vì thế chúng ta khó mà tiên đoán cách phản ứng của người đàn bà trước một việc đã xảy ra. Những trái chứng, những hành động “ngông cuồng” của đàn bà đã làm cho chúng ta sửng sốt, là những hành động theo cảm tính trong đó mọi luận lý đều bị gạt bỏ. Những đàn ông mà người ta cho rằng họ “rất hiểu đàn bà” (và như thế các bà rất thích họ) là những người biết tự gạt bỏ, không lọc đãi những hành động của các bà ấy qua óc phán đoán của họ và nhất là họ biết làm tuồng như không ngạc nhiên chút nào.
Trước một hành động vô lý của một người đàn bà, nếu ông biết điềm nhiên tỏ ra không ngạc nhiên chút nào về sự vô lý ấy, ông sẽ đặng nghe người đàn bà ấy thủ thỉ: “Thật, chỉ có anh là người hiểu em”. Mặc dù chính họ cũng không thể giải thích nổi lý do hành động của mình. (Một thí dụ rất “sống” về sự vô lý của phụ nữ: Một bà nọ rất yêu quý chồng, đặt may chiếc áo. Bác thợ may mang áo đến, bà mặc thử trước mặt đức lang quân và bà thấy rằng chiếc áo ấy may hỏng không thể chữa. Bà rất bực tức và không dằn nổi sự bất mãn, nếu chẳng may ông chồng ấy lại tìm lời lẽ để an ủi bà, bà sẽ nổi xung lên và trở lại cự nự… ông chồng. Ông ta chỉ còn cách kêu trời và không còn hiểu nổi tại sao mình phải mang lấy cái vạ của bác thợ may kia. Có gì đâu, bà đặt may chiếc áo ấy chỉ vì muốn làm đẹp lòng ông, chẳng may nó không vừa ý bà thì dù sao cũng là tại… ông vậy).
Cũng có những đàn bà có tính điềm nhiên, điềm tĩnh, song rất hiếm. Tình điềm nhiên của đàn bà thường do chức nghiệp tạo ra, một tự động tính tập thành bởi nghề nghiệp. Đó là trường hợp những bà đỡ, những cô y tá hoặc các nữ bác sĩ. Thường hơn, người đàn bà cù có đặng uốn nắn bởi giáo dục cũng khó đè nén cảm xúc tính của họ. Người ta đã chẳng có thành kiến nhã nhặn và tâng bốc đàn bà vốn “đa cảm”?
Bẩm chất hoạt động tính cũng trổ sanh ra nhiều loại, nhiều thứ tính tình như ở người đàn ông. Có những đàn bà lù đù, suy nhược, hoạt động, vui tính, lại có những đàn bà thích bất định, khi hoạt động thái quá, khi ủ rũ nằm co như người bệnh.
Óc hợp đoàn thường phát triển quá mạnh ở phụ nữ. Có đàn bà nào không thích làm dáng? Chưa ắt họ thường nói dối hơn đàn ông, song chắc là họ nói dối khéo hơn chúng ta.
Về lòng nhân thì hai phái đều ngang nhau. Phụ nữ thường tự hào rằng họ không ích kỷ như bọn đàn ông chúng ta, đó là bởi ở họ luôn luôn có ẩn núp hình bóng một người mẹ (trừ một vài trường hợp rất hiếm). Bản năng làm mẹ là điểm làm cho đàn bà cao thượng hơn đàn ông, đó là một ân sủng riêng, bọn đàn ông chúng ta không đặng hưởng. Đừng lầm tưởng rằng tình cha con là một bản năng thiên nhiên, “lòng cha” thường tùy thuộc cá tính tập thành. Biết làm mẹ là một thiên tính, biết làm cha là do tập thành.
Xét về bẩm chất “tham muốn” chúng ta nhận thấy người đàn bà ham thích thú vui hơn tiền bạc. Nếu họ chuộng tiền bạc chẳng qua họ xem đó là phương tiện có thể giúp họ mua những thú vui. Người đàn ông hà tiện đã đáng khinh bỉ, người đàn bà mà keo kiệt thật đáng ghê tởm, bởi như thế họ đã không làm tròn nhiệm vụ xã hội của họ.