Có người sẽ lấy làm lạ từ đầu đến giờ chúng tôi chưa bao giờ đề cập đến vấn đề ý chí. Mặc dù những sách tâm lý học xưa nay thường cho rằng ý chí là một bẩm chất cốt yếu, một đức tính. Và người ta cũng thường nói đến vấn đề luyện chí, rèn chí. Nhưng thật ra ý chí không phải là một bẩm chất độc lập, riêng biệt như lòng nhân, hoạt động tính v.v… Nó chỉ là kết quả những ảnh hưởng nhiều bẩm chất như chúng ta sẽ thấy sau đây. Ý chí vốn “động”: Sống tức là hoạt động và như thế có nghĩa là đi đến những tác động. Điều này rất quan trọng, cho nên ngôn ngữ có một danh từ riêng: ý chí, để chỉ về cái việc mà tư tưởng có thể bước sang tác động một cách khó hay dễ. Và dường như người ta muốn dùng danh từ ý chí này để chứng tỏ rằng đó là một quan năng đặc biệt của trí tuệ, nó giúp cho tư tưởng có thể đi đến tác động. Những xét kỹ ra, chúng ta thấy rằng ý chí vốn “động”, đó là sự vượt qua, sự chuyển sang có dễ dàng hay chăng của tư tưởng đến tác động, đó là sự quyết định để hành động. Trước hết, chúng ta nhận thấy rằng quyết định còn quan trọng hơn tác động. (Lẽ dĩ nhiên đây là nó về phương diện tâm lý. Về phương diện pháp lý chỉ có tác động là đáng kể). Vì tác động chỉ là một hiện tượng thể chất, một sự hợp thành, còn quyết định mới là tối thượng. Nếu sự quyết định không đặng trọn vẹn, hành động có thể bất thành. Điều đáng chú ý khác là sự bất động cũng đòi hỏi nhiều ý chí hơn,vì một tác động có thể giải tán một trạng thái căng thẳng của thần kinh. (Chúng ta thường thấy, một người đang cơn giận dữ sau khi có dịp đập phá một vài món đồ thì con giận dữ cũng đã dịu bớt). Biết ức chế trước một biến cố đôi khi còn khó hơn hành động. Rốt cuộc lại, chúng ta thấy ý chí là khả năng để quyết định theo một hướng này hoặc hướng khác. Đó chỉ là hình thức của tâm tính như tính lười biếng, tính can đảm v.v… mà chúng ta đã có dịp xét qua, đó không phải là một khả năng biệt lập. Những bẩm chất căn bản tạo nên ý chí: Bây giờ chúng ta thử tìm xem những bẩm chất căn bản nào có thể chi phối tạo nên ý chí. Trước hết, chúng ta đã thấy rõ là cần nhiều hoạt động tính, vì nó là bẩm chất hướng chúng ta hoạt động. Một người suy nhược không thích hoạt động và do đó cũng không thích quyết định một việc gì. Nhưng hoạt động tính ấy cũng không nên đi đến mức náo động, khích động một cách rời rạc. Điều kiện khác là lòng tham muốn vừa phải, vì tham muốn và hoạt động tính là hai bẩm chất làm cho những tác động chúng ta có ý nghĩa, có mục đích. Không nên có nhiều cảm xúc tính. Người đa cảm xúc hay rụt rè, sợ hãi, hoặc hành động thiếu suy nghĩ. Óc phán đoán phải thật tốt để ý chí có thể hành động đúng đường lối. Có thể gom những điều kiện ấy trong phương trình sau đây: M vừa phải + H nhiều + C kém + P thật tốt. Những người kém ý chí thường là những người suy nhược, những người hoàn toàn bất vụ lợi, những người đa cảm. Đó là những người mềm yếu, không biết hoặc không dám quyết định, người ta gọi họ là những người thiếu tính khí. Lòng nhân quá nhiều cũng ảnh hưởng đến ý chí: đôi khi người ta không dám quyết định để hành động vì sợ phật ý, làm buồn người khác. Rèn luyện ý chí: Có thể nào chúng ta rèn luyện ý chí đặng chăng? Đã biết rõ nó tùy thuộc cá tính thiên nhiên thì khó nghĩ đến việc huấn luyện nó. Làm sao có thể sửa đổi những bẩm chất cốt yếu mà theo định nghĩa nó vốn là bất di bất dịch? Tuy thế, đôi khi người ta cũng có thể thành công trong việc rèn luyện ý chí. Điều đó kể ra cũng có thể hiểu đặng, công việc rèn ý chí chỉ có ảnh hưởng tốt đối với những người mà do bẩm sinh họ đã sẵn có những bẩm chất để trở nên người có ý chí, nhưng họ không biết cách dùng những bẩm chất ấy. Có thể sánh họ với những người thợ sẵn có trong tay những dụng cụ tốt, nhưng lại tạo ra những môn đồ vụng về, xấu xí. Với hạng người đó, người ta có thể chỉ dạy họ cách sử dụng những dụng cụ ấy khéo léo hơn và cũng có thể rèn tập họ cách làm việc. Nhưng đối với những người khác, những người suy nhược (thiếu hoạt động tính), những người bất vụ lợi (thiếu tham muốn) khó mà rèn tập cho họ có ý chí. Chúng ta cũng nhận thấy điều này: những người đã kiên tâm, trì chí theo học những lớp huấn luyện ý chí là những người tỏ ra họ đã có ý chí một phần nào. Những người bẩm chất vốn suy nhược, không đủ sức cố gắng để đeo đuổi đến cùng chương trình huấn luyện, thường bỏ dở nửa chừng. Những lớp dạy rèn chí thường rêu rao những kết quả mỹ mãn mà một số môn đẹ tập theo phương pháp họ chỉ dạy đã thâu thập đặng. Song những môn đệ đó thường là những người thuộc hạng tâm thần bất định mà ở trước chúng tôi đã có nói qua. Họ bắt đầu theo những lớp rèn chí ấy vào lúc tinh thần họ đang xuống dốc. Sau thời kỳ suy vi này tất nhiên lại đến một thời kỳ khích động và những học trò đó rất dễ ngờ rằng họ đã tìm lại đặng ý chí đã mất. Họ tưởng rằng họ đã đoạt đặng kết quả, đã đạt đến đích, họ rất sung sướng “làm lễ tạ thầy” nhưng sau đó, thời kỳ trầm trệ, suy vi lại đến và họ phải khởi tập lại… Trong một bài khảo luận đăng trong tạp chí “Mer de France” Marcel Boll đã bài xích một cách cay độc những phương pháp rèn luyện ý chí như phương pháp Pelman, Coué và Christian Science. Nhà tâm lý học chỉ có thể giúp ích những người muốn luyện ý chí bằng cách chỉ định cái phương trình cá tính của họ và giúp họ đề phòng những phản ứng nó bắt nguồn ở những bẩm chất đã phát triển một cách quá mức hoặc đã bị suy kém. Nhà tâm lý học là một y sĩ có thể đoán trúng căn bệnh nhưng than ôi, ít khi chữa đặng bệnh. Người ta chưa tìm ra thứ thuốc nào để ngừa bệnh hà tiện, bệnh ghen tuông, bệnh ích kỳ, bệnh nói dối. Người ta chỉ có thể ảnh hưởng phần nào đến ý chí bằng cách tập thể dục, bằng cách tạo nên cái “toàn thân cảm giác”, nói tóm lại bằng cách tạo nên một sinh lực dồi dào. Chúng tôi đã nói, năng xuất của bẩm chất hoạt động tính có thể cải thiện khi sức khỏe đặng gia tăng nhờ biết giữ vệ sinh, biết tập thể dục một cách hợp lý. Hoạt động tính là một thành phần của ý chí, một khi nó đặng cải thiện tự nhiên ý chí cũng đặng ảnh hưởng tốt. Và đó là thêm một lý lẽ để chúng ta trao dồi sức khỏe.