Cách đây chừng bảy, tám tháng, trong một lần vì áp lực công việc và bị mắc một vài lỗi lầm, cô gái ấy bị khiển trách và tạm thời nhận quyết định nghỉ việc không lương. Những buổi sáng rảnh rỗi, sau khi lục tìm trong ví, cô thường nắm chặt trong tay những đồng tiền lẻ cuối cùng rồi lặng lẽ mang thẻ ATM xuống đường, tìm đến bốt rút tiền tự động tằn tiện rút thêm ra một chút để trang trải cho chi tiêu hàng ngày. Lần ấy, người con trai tên T. cũng đến ngay sau cô và chờ đợi rút tiền. Từng tiếng kêu lạch xạch của cỗ máy đếm tiền rít lên và nhả ra một vài đồng ít ỏi. "Nếu mai mốt, tôi và cô giàu có hơn một chút, chúng ta sẽ mạnh dạn bấm con số rút tiền lớn nhất ghi trong bốt này". T. nói vậy. Cô ngoảnh ra, gật đầu đồng tình một cách dễ dãi. Họ làm quen nhanh chóng theo kiểu của những người đang nghèo và nhàn rỗi. Băng ghế đá của công viên ngay cạnh đó. Họ cùng đi ra. T. thổ lộ một vài điều về nơi ẩm thấp mà anh sống và những thất bại của người chưa kịp nhận bằng tốt nghiệp đã bị đuổi ra khỏi trường nên chưa được một lần đi làm với công việc được gọi là tử tế. Giọng điệu tưng tửng của T. khiến cô gái cảm thấy tình cảm về sự thất bại của mình được san sẻ một cách dễ chịu hơn. Mọi người trong khu nhà cô gái ở thường ngạc nhiên bởi dáng vẻ kỳ quặc của cô. Cô không nhanh nhẹn, vẻ bề ngoài thì gầy, nhỏ, đôi mắt thì rất to như hai viên sỏi và đôi khi còn ngơ ngác. Ngày ông thầy dạy của cô đưa cô đến ở trong căn nhà để trống này của ông đã làm tất cả đều phải ngạc nhiên và sửng sốt. Ngay cả khi người vợ của thầy - là một người đàn bà ăn mặc lòe loẹt - tìm đến tận nơi để đánh ghen, người đàn bà ấy cũng phải kìm giọng mình lại cho thêm phần kín đáo. Không một ai lý giải nổi sự say mê của ông thầy ấy với cô học trò xấu xí của mình. Họ chỉ có thể chép miệng nói rằng: "Ở đời, đôi khi cũng có những điều không tuân theo quy luật của nó". Mối quan hệ giữa cô và người thầy ấy kéo dài được hơn một năm thì cô gái ra trường. Sau khi lo cho cô một chỗ làm ổn định thì người thầy cũng nhận quyết định đi dạy và học thêm ở một nơi xa. Một mình ở lại, và chỉ bốn tháng sau, cô đã tự mình đánh mất đi cơ hội công việc mà người thầy mang lại. Hơn thế nữa, trong căn phòng của người thầy dành cho cô đang ở lại có thêm một người con trai tên T. ấy đến ngụ cùng. Nơi cô gái mới đến làm việc là một xưởng chuyên sửa chữa các máy móc cũ và hỏng. Cửa hiệu nằm giữa một ngã sáu, nơi mà nhìn thì thấy có nhiều các vỉa hè. Chúng đều trải sỏi nên xung quanh được bao phủ bởi một màu vàng nhạt. Thi thoảng ngừng tay giữa công việc, rời mắt ra khỏi những mảnh kim loại vẩn màu thời gian, cô gái hay ngước lên và nhìn ra xa các phía vỉa hè ấy. Từng viên sỏi nhỏ xếp đặt cạnh nhau tựa như ẩn chứa sự sắp đặt số phận của mỗi một con người. Chúng luôn luôn đặt cạnh, nương tựa vào nhau. Từng bước chân của người nào đó đi bộ giẫm lên. Âm thanh lạo xạo ban đầu thoạt nghe tưởng như choi chói, nhưng nếu nghiêng đầu và cảm nhận kỹ càng hơn hẳn sẽ nhận ra một điều gì như là lẽ tất nhiên của âm thanh cuộc sống. Đưa tay lên vén lại mái tóc, cô gái rời mắt khỏi các viên sỏi và lại cúi xuống cặm cụi cùng công việc. Người chủ của xưởng này là một ông già người Hoa. Sau khi đăng báo tuyển người suốt ba tháng mà ông không ưng ý một ai. Cho đến tận một ngày, cô gái ấy bước vào. Không đợi để cô chìa ra tấm bằng kỹ sư tốt nghiệp đại học Bách khoa, ông giao ngay cho cô một chiếc đồng hồ cũ để thử việc. Cầm nắm, xoay xở với các ốc vít một hồi thì tiếng tích tắc của sợi kim mỏng cũng vang lên và xoay xoay. Ông già ấy khẽ mỉm cười rồi dịu dàng bảo ngay, ngày hôm sau cô có thể đến làm việc với mức lương vô cùng thỏa đáng. Kể từ ngày có công việc mới, cô gái hay đi làm về muộn. Sau mỗi ngày làm việc trở về, cô thường thấy người con trai tên T. hay đợi cô ở bên cửa sổ. Ngoài giờ làm việc thêm cho một quán ăn buổi sáng, anh ta còn đang miệt mài ôn lại những học phần đã bị dở dang với quyết tâm sẽ xin được trở lại trường và hoàn thành hết khóa học. Nhớ hồi nhận được tiền công tháng đầu tiên cộng với tiền làm thêm của T. góp vào một ít, cô gái đã trích ra để mua thêm một số linh kiện về lắp ráp vào chiếc máy tính cũ hỏng mà cô được cho lại từ xưởng sửa chữa. Kể từ đó, internet được kết nối. Thi thoảng, cô nhận được e-mail của người thầy ở nơi xa gửi về kèm theo những ân cần, quan tâm, nhớ nhung. Thầy kể cho cô nghe về những công việc mới, những dự định mới và cả về một cách nhìn tích cực hơn trong tâm hồn. Có lần, thầy hỏi cô xem có điều gì mới mẻ trong cuộc sống không. Cô loay hoay không trả lời được. T. bước lại và ôm chặt cô gái trong vòng tay. "Hình như thầy ấy sắp về?". "Vâng". "Em sẽ dự định thế nào?". Đôi mắt vốn mở to của cô gái trở nên khác lạ. Cô chỉ biết lặng im, không nói. Mùa xuân qua, rồi mùa hạ lại về. Tán lá xanh ngăn ngắt của hàng cây sấu phía ngã sáu phủ kín những vỉa hè đầy sỏi. Mỗi lần nhìn ra khoảng không gian ấy, ánh mắt cô gái như sẫm lại đến mênh mang. Ông già người Hoa quan sát cô gái bằng cặp mắt tinh tường. "Có chuyện gì băn khoăn vậy?". Cô gái gật đầu rồi lầm rầm kể cho ông nghe về việc cuối tuần trước, người thầy của cô bất chợt trở về và đẩy cánh cửa gỗ cũ kỹ bật mở ra. Thầy đã gặp T. là người đang đứng ngang giữa cửa. "Cháu chưa biết lựa chọn thế nào?". "Vâng". Ông già bước lại, đặt khẽ bàn tay lên vai cô. "Một người đàn ông ngoài 40 tuổi cô độc và bất hạnh trong hôn nhân, một chàng trai trẻ vì trót lông bông nên bỏ bê mọi chuyện. Họ cũng tựa như một cỗ máy bị hỏng ở đâu đó. Và có lẽ cháu là người thợ sửa chữa lành nghề nhất mà ta đã hiếm hoi nhận ra từ ngay buổi đầu gặp cháu. Nhưng, khi các cỗ máy đã được cháu "sửa", nó vận hành tốt trở lại rồi thì dù sao cái gì có chủ cũng nên trả về với chủ của nó. Những gì còn lại, chắc đó là thuộc về mình". Vài ngày sau đó, vào lúc chiều muộn, mọi người trong khu chung cư cũ nát thấy có một đôi bạn trẻ lặng lẽ chuyển đồ ra đi. Chìa khóa của căn nhà được gửi lại người thầy qua đường bưu điện. Mãi đến sau này, một đôi khi, người dân trong khu vẫn không thể nào quên được cô gái nhỏ. Họ xì xào với nhau, hình như họ đã nhìn thấy cô gái "xấu xí, mắt to" ở đâu đó trong khu triển lãm hoành tráng các sản phẩm về máy móc. Một đôi khi, họ lại nhìn thấy cô và anh T. hình như có thấp thoáng dạo bộ trên một ngã sáu rải đầy những viên sỏi ở dưới chân. Còn người thầy của cô - chủ căn hộ - vẫn thi thoảng về qua đấy. Một số đồ sửa chữa của cô gái vẫn còn để sót lại. Ông tỉ mẩn chạm vào chúng một cách ngày một cẩn trọng hơn. Và những khi có nắng, ông thường mở tung các cửa sổ để ánh sáng lọt vào. Các tia nắng tròn và nhạt nhấp nháy trên đống đồ cũ không bị hoen gỉ vì thời gian. Có lúc nào đó, ông cảm thấy tia nắng ấy tựa như một viên sỏi ánh màu vàng êm dịu. Khi ấy, ông lại lầm rầm một điều gì đó, như là để cảm ơn, và cũng như là để cầu chúc cho "viên sỏi nhỏ của riêng ông" được luôn luôn hạnh phúc.