Dịch Giả NGUƠN HAR CAO THỊ LAN
- 4 -
XẢ THIỀN

Ngoài ra, học viên phải nhớ rằng sự định trí tự nhiên làm cho các bắp thịt trong thân thể bị căng thẳng. Bằng cớ của sự tự động này là sự tham thiền thường hay cau lông mày. Bắp thịt bị căng thẳng như thế không những làm cho xác thân mệt mỏi nhiều mà còn ngăn cản không cho thần lực thiêng liêng chảy xuống. Vì vậy trong khi tham thiền cũng như ở vào nhiều lúc trong một ngày, khi đang làm công việc thường xuyên, người học viên phải thỉnh thoảng chú ý đến xác thân và “ xả hơi” thong thả cho đỡ mệt.
Những người bản tính mạnh mẽ và nồng nhiệt thường nói và viết một cách khó khăn để diễn tả ý tưởng mình, vì như thế họ bắt khối óc phải căng thẳng đột nhiên và quá mạnh. Họ phải học cách làm cho khối óc vận chuyển lần lần từ chút một, đúng như ta châm điện vào bình một cách thong thả; một lúc xả hơi nghỉ ngơi hoàn toàn sẽ khiến họ vượt được sự khó khăn này.
Cũng giống như một diễn giả khi trí óc mệt mỏi vì làm việc quá độ thì dòng tư tưởng bị đứt quãng hoặc ông ấy quên phứt đi một chữ không sao có thể nhớ lại được nữa; lúc đó thái độ khôn ngoan nhất là phải nghỉ  “xả hơi”  đàng hoàng trong một lúc, phải nghỉ ngơi hoàn toàn, chớ đừng quá cố gắng để nhớ lại vì sự cố gắng này chỉ làm cho khối óc bị căng thẳng thêm mà thôi. Học viên cũng phải nhớ rằng sự định trí không phải là một sự cố gắng của xác thân. Khi mà tinh thần trụ vào một ý nghĩ thì tức là có sự định trí rồi. Thật khó lấy lời nói mà diễn tả một sự việc ta chỉ có thể hiểu được nhờ kinh nghiệm bản thân nhưng định trí không phải là cố gắng giữ mãi tinh thần định vào một tư tưởng nào đó, nhưng chính là ta phải để cho tinh thần được nghỉ ngơi trên tư tưởng ấy một cách yên lặng và ổn định hoàn toàn. Ngoài ra, học viên phải thấm nhuần ý nghĩ này - và áp dụng nó vào kinh nghiệm nội tâm của chính mình theo đúng giá trị của nó. Trung tâm của tư tưởng là thể trí chớ không phải là khối óc; ngoài ra, ngay ở những buổi ban đầu, dường như ta phải cố gắng để làm cho khối óc được yên ổn; thật ra, sự định trí liên quan đến thể trí chớ không liên quan đến xác thân. 
CON ÐƯỜNG PHỤNG SỰ
Người học viên Thông Thiên Học phải luôn luôn nhớ rằng trong bất cứ việc gì y làm, cái lý do tốt đẹp và công bằng là một điều tối quan trọng, và y chỉ có thể tiến lên cao đến các Chơn Sư nhờ những hành động vị tha và vô ngã do lòng thành thực muốn giúp đỡ nhân loại. Trong những giai đoạn đầu, lòng người chí nguyện không cần phải tràn đầy tình thương yêu nồng nhiệt đối với toàn thể nhân loại. Chúng ta dám nói rằng y chỉ cần tìm cách hành động một cách không ích kỷ đối với những người gần cận xung quanh là đủ rồi: vì nếu y bền chí, y sẽ càng ngày càng trở nên nhạy cảm đối với tiếng kêu cứu đau thương của toàn thể nhân loại.
Tuy nhiên, người Thông Thiên Học đã bắt đầu hiểu được phần nào đời sống tinh thần thì nên biết rằng sự tham thiền và sự giúp đời phải bổ túc lẫn cho nhau; hợp nhất với nhau chúng cho ta những kết quả tốt lành nhất. Người ta không gia nhập  Hội Thông Thiên Học để được lợi lộc: chúng ta là học viên Thông Thiên Học vì những giáo lý của sự Minh triết Trường tồn Vĩnh cữu đã thấm nhuần sâu xa vào trái tim chúng ta và đang sửa đổi lại đời sống của chúng ta. Dấu hiệu của con người tinh thần là ban rải tràn trề mọi sự cho kẻ khác, chớ không đòi hỏi kẻ khác phải cho mình cái gì; chỉ như vậy ta mới tìm thấy hạnh phúc thực sự. Vì thế, đối với Hội Thông Thiên Học, ta phải có thái độ và tự hỏi như thế này:  “tôi có làm gì để giúp đời?”
Khi người hội viên mới gia nhập Hội Thông Thiên Học thì y gặp những dịp để giúp đời; y đón nhận những dịp phụng sự này như thế nào [9]? do đó người ta có thể đánh giá cái khả năng và giá trị  của y. Những sự giúp đỡ nhỏ nhặt được làm một cách trung thành thì quan hệ hơn là những công cuộc lớn lao mà người ta dự phần vào một cách đột nhiên theo ý thích trong chốt lát. Người học viên có thể tiến bộ là kẻ trung thành trong những công việc nhỏ nhặt như sẵn sàng rửa cửa kính, đốt lò sưởi của phòng nhóm của chi bộ, sẵn sàng làm những công việc nhỏ bé, lặt vặt trong các buổi nhóm, y luôn luôn có mặt rất đúng giờ ở chi bộ cũng như ở mọi buổi nhóm mà y hứa sẽ tham dự, y sẵn sàng tự rèn luyện để có thể viết văn và diễn thuyết. Về điểm này, tưởng không cần phải nói dài hơn nữa. Chỉ nói qua một lời cho người học viên đứng đắn cũng đủ hiểu, và câu chuyện ngụ ngôn về những tài năng và những nén bạc thực rất thật thích hợp với công việc Thông Thiên Học [10].
Phải phụng sự theo lối đó ta mới có thể thấy con đường dẫn đến Chơn Sư. Vì câu châm ngôn của người học viên phải là tự ý và vui lòng phụng sự. Và ở trong niềm vui phụng sự các nhu cầu của kẻ khác, y học quên mình và quên sự tiến bộ riêng của mình. Y hãy tìm cách làm mọi công việc phụng sự nhân danh Chơn Sư, y hãy làm việc như vậy một cách kiên nhẫn và đều đặn; y hãy tiếp tục tiến bước cho tới ngày y đối diện được với Chơn Sư và cảm thấy được ở nơi tâm khảm y nỗi vui vô tả của kẻ tự hiến mình cho Ðấng mình hằng tôn kính.
Tuy nhiên, ta chớ nên tưởng rằng trong sự giao thiệp giữa Chơn Sư và đệ tử, có một sự gì bó buộc hoặc làm tiêu hủy cá tính của người học trò, nhận chìm cá tính này trong dòng thần lực của Chơn Sư. Trái ngược lại, ảnh hưởng của Chơn Sư không phải là một sức mạnh bên ngoài thôi miên ta, mà chính là một sự giác ngộ vô cùng tuyệt diệu, từ bên trong chiếu ra, đó là một sức mạnh ta không chống cưỡng lại được vì nó hết sức thích hợp với cái nguyện vọng cao siêu nhất của người học trò, làm tỏ lộ rõ ràng cái bản chất thiêng liêng của chính y. Theo ý nghĩa đúng thực nhất, Chơn Sư chính là một con kênh ban rải đời sống thiêng liêng và đời sống phát sinh ở nơi người học trò được hoạt động. Thật vậy, người học viên nào học về khoa học thì có thể so sánh sự việc này một cách rất giống với cách tạo ra luồng điện. Vì bản thể của thầy và trò đều giống nhau nên ảnh hưởng của Chơn Sư mới kích thích đến tột độ những đức tính cao thượng và trong trắng nhất ở nơi người học trò.
Tình thương yêu của Chơn Sư đối với người đệ tử thì giống như ánh sáng mặt trời khiến cho nụ bông sen hé nở để đón nhận khí trời tươi mát buổi bình minh, và người ta có thể nói đúng rằng một nụ cười của Chơn Sư khiến cho lương tri của người học trò được nới rộng đến nỗi dù có tham thiền một cách uyên bác hơn nhiều tháng về tính chất của tình thương yêu, người học trò cũng không thể tự sức mình mà đạt được sự nới rộng như thế đó.
Cầu mong sao cho những lời khuyên vắn tắt trên đây về sự tham thiền có thể dẫn dắt vài ba linh hồn đến sự hiểu biết các vị Ðại Giáo Chủ mà nhân danh Ngài phụng sự nhân loại.
Cầu mong Ðấng Chí Tôn khêu gợi trong chúng ta cái ngọn lửa tình thương của Ngài và ngọn lửa của lòng từ ái ngàn đời.
.I.WEDGWOOD
Chú thích :
[1]  PLOTIN: một nhà hiền triết Tây Phương thời xưa.
[2] TRỪU TƯỢNG: mắt không trông thấy, tay không rờ thấy được, nhưng có thể lấy cái trí mà hiểu được (lời giải của dịch giả).
[3]  RAYON: Cung; có 7 cung: cung Ý chí, cung Bác ái v.v
[4] Tấm màn vật chất đầu tiên, rất mảnh mai mịn màng che phủ lên Thượng Ðế tuyệt đối, chất tiên sinh khí sáng ngời.
[5]  Có đăng báo “Revue Théosophique” năm thứ 15, 1904-1905.
[6]  cụ thể: rõ rang
[7] Luân xa: những trung tâm thu nhận và ban rải thần lực trong thân thể (centres). Giống như những bánh xe xoay tròn (chakras).
[8] Ðó là hệ thống tiêu cực (méthode passive négative) của Khoa chiêu hồn và hệ thống tích cực (méthode active, affirmative)  của Thông Thiên Học.
[9] Nghĩa là y sẽ nắm lấy cơ hội để phụng sự hoặc y sẽ bỏ qua cơ hội mà không làm gì cả. (Giải của dịch giả).
[10] Chữ  Pháp “talents” có hai nghĩa: tài năng và nén bạc. Chuyện ngụ ngôn “Les talents như sau: Một ông chủ khi vắng lâu ngày, có trao cho đầy tớ mỗi đứa một nén bạc. Kẻ đầy tớ siêng năng thì tìm cách làm cho nén bạc sanh lợi. Kẻ đầy tớ lười biếng thì cứ giữ nguyên nén bạc. Ðại ý chuyện này khuyên ta phải làm nảy nở tài năng trời đã phú thác cho ta.  (Lời giải của dịch giả).

Xem Tiếp: ----