Tan trường về, Bội Nhu ôm vở men theo lộ Nam Tân Sinh, hôm nay Nhu chẳng muốn dùng xe bus. Đi giữa nắng hoàng hôn mùa hạ, thời tiết tuy nóng bức nhưng vẫn thoải mái hơn giam mình trong bốn thành xe, hơi người, mồ hôi nhễ nhại. Mặt trời chưa lặn hẳn. Thành phố chìm giữa cái nóng khô khan,. Nhu vuốt từng dòng mồ hôi trên trán. Con đường quá quen thuộc, quen thuộc từ cành cây đến từng hạt đá sỏi. Khỏi đường Hòa Bình đông quẹo mặt. Không phải hướng về nhà, nhưng... Bội Nhu bước nhanh hơn. Quanh một con hẻm nhỏ, rồi thêm một ngách khác. Ngôi nhà gỗ có đôi cửa khép hờ hiện ra trước mặt. Sáu giờ mười phút. Có lẽ chàng đã về. Nhu xô cửa bước vào. Một khung cảnh hổn loạn bày ra trước mắt, mền gối nằm vương vãi khắp nơi, áo dơ, quần bẩn. Báo chí và bút. Gian phòng của một người độc thân. Như một phản xa. tự nhiên của người đàn bà, Bội Nhu để tập vở lên bàn bắt đầu thu dọn. Bên dưới đống giấy bừa bãi, có một mảnh giấy nhỏ. Bội Nhu. Ba hôm rồi không thấy em, nhớ quá, nhớ quá. Thêm một điếu thuốc cháy tàn. Mỗi điếu thuốc là trăm lời gọi tên em. Nhu hãy đếm thử xem trên bàn có bao nhiêu tàn thuốc? Bội Nhu. Anh đang viết lách đây, nhưng không hiểu tại sao trên giấy lại chỉ hiện lên mỗi khuôn mặt của em. Không một trang giấy nào viết thành truyện cả. Mộng văn sĩ của anh mất rồi, phải không em? Thụ động ngồi nhà chờ em mãi thế này anh không còn chịu nổi nữa. Ngày mai nếu em vẫn còn chưa đến, chắc chắn anh sẽ xông đến nhà, bất chấp, bất chấp điều gì nữa hết! Bội Nhu xếp mảnh giấy lại, nước mắt lưng tròng. Cẩn thận thu nhặt từng trang giấy. Mười tám trang cả thảy, thế nầy chắc chắn ông thầy cò phải bực mình lắm. Thu xếp xong giấy bút: Nhu phải soạn lại giá sách. Nói giá sách cho sang, chứ thật ra đấy chỉ là một chiếc thùng ghép lại bằng mấy thanh gỗ. Dùng thời gian kỷ lục nhất, sắp xếp, quét dọn, lau chùi. Ăn ở thế nầy ung thư phổi cho xem. Sắp bảy giờ rồi. Bội Nhu bật nút điện. Mở quạt máy, rồi ngồi vào bàn chép từng trang bản thảo. “Người đến từ địa ngục”. Đọc cái tựa Bội Nhu ngẩn người một chút, rồi tiếp tục. “Nàng đến từ thiên đàng, và trong một phút giây lầm lẫn đã sa chân vào địa ngục...” Nhu ngừng bút, chống tay trên trán, nỗi buồn mông lung vào tim. Có tiếng mở cửa. Nhu giật mình quay lại. Người thanh niên cao lớn, đã xậm đen - Giang Vỹ, người tình muôn thưở, chiếc áo dính đầy dầu, quần bạc màu. - Anh Vỹ! Nhu chạy tới. Mùi mồ hôi, mùi dầu, mùi đàn ông lẫn lộn. Nhưng Giang Vỹ chỉ phản ứng ơ hờ. - Nhu coi chừng anh làm bẩn áo bây giờ, để anh đi tắm đã nhé. - Không cần! Không cần! Nhu hét - Em thích mùi mồ hôi của anh. Vỹ cúi xuống hôn lên trán Nhu. - Em thơm như hoa nhài. - Phải em mới xức đấy. Một người bạn của bố em vừa từ Paris về mang tặng, anh thích mùi này phải không? Nghe nói. Vỹ lẳng lặng buông Nhu ra, mặt đổi lạnh. - Anh nghĩ anh không có quyền nói thích hay không thích. Nhu ngẩng đầu lên. - Anh, nếu anh không hài lòng lần sau... lầu sau em sẽ không bao giờ dùng đến nó nữa. Vỹ vẫn yên lặng, cúi xuống lượm chiếc áo dưới đất lên, bình thản đến tủ lấy áo khác đi vào nhà tắm. - Anh Vỹ! Vỹ đứng lại. - Anh nghĩ mùi dầu, mồ hôi... Không bao giờ xứng được với mùi nước hoa được. - Em đã nói. Nhu muốn khóc - Em đã bảo anh là em sẽ không bao giờ xử dụng nước hoa nữa mà tại sao anh... anh... Thế bây giờ anh có dầu hôi không? - Để làm gì? - Em tưới lên mình em cho anh vui? Vỹ châu mày, đặt áo xuống rồi quay lại. Nỗi bực dọc tan biến. Chàng hôn lên trán, lên mặt, lên môi của người yêu. - Nhu, xin lỗi em... Nhưng đừng trách anh... Tại mấy hôm nay anh nhớ em quá. - Em biết! - Biết sao không đến? - Hai hôm nay mẹ không hiểu sao khó chịu quá, hết gắt người này đến người khác, đi học trễ về cứ bị hạch hỏi lung tung. - Tại sao em không nói thẳng với mẹ? Em không đủ can đảm à? Không đủ can đảm để thưa rằng: Thưa mẹ, con lỡ yêu một tên lang bạt không nhà không cửa, chỉ biết sửa xe, chỉ biết dựa vào mồ hôi và sức lực của mình để mưu sinh, không hề học qua đại học. Em không dám phải không? Em nhẫn tâm để anh suốt đời làm tên tình nhân lén lút? Chuyện công chúa với tên ăn mày. Tiểu thơ và gã giang hồ. Những nhân vật tiểu thuyết? Bội Nhu, anh không thích phải diễn những vai trò đó mãi, em ạ. - Anh đừng tàn nhẫn như vậy, anh đâu phải chỉ là một tên thợ sửa xe hơi, anh là chuyên viên mà. - Không, anh chẳng qua là một công nhân. Giang Vỹ xác định, chàng đẩy Nhu ra - Nhưng công nhân thì có gì là xấu hổ đâu? Tại sao em lại sợ tai tiếng đó chứ? Người thợ sống bằng mồ hôi của chính mình, đồng tiền chẳng có gì tủi nhục. Ngoài việc làm hằng ngày anh đã cố gắng học hỏi thêm, viết lách để tiến bộ, sự vươn lên đó không có gì đáng nhục, nếu em thấy làm bạn với anh không có gì tủi hổ, cứ tiếp tục, còn bằng không, chúng ta cứ chia tay. Bội Nhu ngỡ ngàng nhìn Vỹ. Đôi mắt giận dữ hằn tia máu, thái độ hùng hổ của chàng khiến nàng khiếp sợ. Nhưng cảm giác khiếp sợ chẳng bao lâu lại tan biến nhường chỗ cho mặc cảm bị hiểu lầm. Con người sao lại vô tình. Nói chuyện chia tay một cách dễ dàng như vậy? Tại sao? Tại sao? Nhu cũng không hiểu tại sao mình bỏ bê bao nhiêu sự tán tỉnh hoa bướm của hàng chục gã con trai sang giàu để đến đây chịu biết bao lời ức hiếp. Đến với Vỹ là lúc nào Nhu cũng thấy mình bị thua thiệt, bị chịu đựng. - Anh Vỹ, nếu em xấu hổ vì anh thì giờ này em đứng đây làm gì? Em đến đây giúp anh thu dọn nhà cửa chép bài vậy mà vẫn bị anh thù ghét. Anh khinh em lắm à? Con nhà giàu đâu có gì đáng tội. Nhu nói nước mắt lưng tròng, nàng chạy ra cửa nhưng Vỹ đã nhanh chân hơn chận ngang. - Em đi đâu? - Ban nãy anh bảo: Anh không muốn gặp mặt em nữa. Vậy thì hãy tránh ra cho em đi. Vỹ vẫn đứng yên. - Anh không cho em đi. Bội Nhu ngước mắt lên đối diện với nàng là một khuôn mặt trẻ khổ sở. Nhất là đôi mắt ở đó có những bóng đen dày vò. - Dang ra! Nhu vẫn nói cứng: Ban nãy anh đã đuổi tôi mà. - Anh đã đuổi em bao giờ? - Bao giờ?... Không biết, tránh ra. Tự ái khiến nàng không thể làm hòa, nhưng cánh tay của chàng đã vòng qua. - Em đi thật à? - Chẳng lẽ nói chơi. Nhu thút thít khóc - Anh đã bảo em đi thì em phải đi chớ - Nhưng anh cũng đã bảo em ở lại rồi sao em không nghe? - Không có, mà anh chỉ hạ lệnh không cho đi. Vỹ xiết chặt Nhu trong vòng tay chàng hạ thấp giọng. - Tại sao chúng ta phải dày vò nhau như vậy? Anh đã đợi em, chờ em, nhớ em mơ ước em đến. Gọi tên em hàng trăm ngàn lần. Mỗi lần nghe gió đập vào phên cửa thấy bóng cây len qua song, anh cứ tưởng em đến, nhưng chỉ hoài công. Thế mà không hiểu sao em đến, chúng ta cũng không có lấy một giây phút cho nhau... Băng giá rồi cũng tan rã. Nhu khóc như mưa. - Bội Nhu, em còn giận anh sao? Tất cả chỉ là sự hiểu lầm, anh không muốn em phải khổ sở vì anh, nhưng nếu em thấy có thể chịu đựng nổi, thì hãy về với anh vậy. Bội Nhu mở to mắt. - Anh nói thế là thế nào? - Chúng ta sẽ thành hôn. Vỹ bình tĩnh nói - Em nhận làm vợ anh nhé? Bội Nhu yên lặng, đưa tay sờ nhẹ những sợi râu cứng trên cằm người yêu. - Bây giờ chưa được anh ạ. Bội Nhu nói - Em còn nhỏ quá, cha mẹ đâu chịu cho em lấy chồng sớm như vậy. Vả lại, em còn đi học, bao giờ ra trường xong làm lễ cưới cũng chưa muộn. Mẹ nóị... Mặt Vỹ dàu dàu. - Nhất định phải nghe lời “mẹ” sao? Nhu chớp mắt: - Dầu sau em cũng là con của ba má. Anh nghĩ có đúng không? Ba mẹ còn có cái ơn nuôi ta trưởng thành, ta đâu thể muốn làm thế nào thì làm được? Rồi như sợ Vỹ buồn Nhu an ủi. - Thế nào thì em cũng... là vợ anh, xin anh gắng chờ em một thời gian. - Bao giờ? Một tháng? Hai tháng? - Anh Vỹ, em hiểu anh, nhưng bốn năm nữa em mới ra trường. Vỹ yên lặng đẩy Nhu qua một bên, chàng lấy áo quần tiếp tục bước về phía phòng tắm. - Anh Vỹ! Anh cũng còn giận em sao? - Anh không giận em, anh cũng không phải chờ đợi. Vỹ quay lại dằn mạnh từ chữ - một năm, hai năm... mười năm cũng không thành vấn đề, nhưng em đừng để anh phải làm người tình một cách lén lút mãi chứ? Phải để anh đường đường chính chính làm người yêu của em. Anh có quyền tự nhiên nói chuyện với cha mẹ tự do đến nhà em. Bội Nhu cúi mặt. - Xin anh hãy dành cho em một thời gian, em cần thưa với ba mẹ trước. - Dành? Cứ dành? Chúng ta quen nhau đã bao lâu rồi? Nửa năm? Phải. Vỹ chui vào phòng tắm rồi lại thò đầu ra - Anh biết chắc là ba mẹ em sẽ phản đối, đúng không? Bội Nhu buồn buồn, lắc đầu. - Em không biết, em chưa nói với mẹ. - Nhưng anh biết chắc sẽ như vậy. Còn lại một mình bên ngoài. Nhu chống tay lên cằm tư lư. Sự thật không thể nào che dấu mãi. Phải nói thật với mẹ. Vâng. Nhu nghĩ đến phản ứng của vị sinh thành. Giang Vĩ cũng không phải là người dễ bảo. Chàng cứng đầu, cao ngạo, tự ái. Nhưng, phải làm sao khác hơn? Và tối hôm ấy khi trở về, trời đã khuya, cha không có mặt chỉ có một mình mẹ trong phòng khách xem ti vi. Đúng là một dịp may. Nhu nhủ thầm và ngồi xuống cạnh mẹ. - Mẹ. - Hử? Bà Uyển Lâm ngước mắt lên, vừa thấy con gái, cơn giận ở đâu đột ngột kéo đến ngay - Con gái làm gì mà về khuya thế? Tối ngay lông bông ngoài đường, ở nhà rồi chết hay sao? - Mẹ! Bội Nhu nhẫn nhịn - Nếu con không lầm thì hai hôm trước mẹ con mình đã bàn luận về vấn đề giao thiệp bè bạn của con? - Ờ. Bà Lâm như quên hết cơn giận - Bây giờ con đã nghĩ là mẹ đúng rồi phải không? - Mẹ nói có sai bao giờ đâu? Con lớn rồi, sinh viên rồi chứ đâu phải nhỏ nhắn gì nữa. - Tuổi mới lớn như con ở thời buổi này nguy hiểm lắm, vì vậy khi giao tiếp với bạn trai, ta phải dò xét rõ ràng gia tộc họ, hoàn cảnh gia đình họ, lũ bạn đồng học của con chắc hẳn là sure rồi, ta chỉ cần xem bài vở, cha con dù sao cũng giới thượng lưu... - Mẹ. Bội Nhu khó chịu cắt ngang - thế nào gọi là thượng lưu hở mẹ? - Có vậy mà con cũng không biết nữa à? Bà Lâm trố mắt - Chẳng hạn như gia đình ta thế này này. - Nói khác đi là khi chọn bạn, con phải chọn một tên nào cũng có quán cà phê “Vân Đào” như cha? Mẹ muốn nói là nó phải lắm tiền, phải không? Bà Uyển Lâm nhìn con thay đổi sắc mặt. - Nhu, con đừng xem thường đồng tiền như vậy, con có nghe người ta nói có tiền mua tiền cũng được không? Cha mẹ khổ cực biết bao nhiêu mới có số tài sản này? Cảm giác lúc không tiền khó chịu lắm. Đừng có dại, làm việc mà không tính toán thì có ngày... - Thế nào mẹ? - Con phải coi chừng, mấy thằng đói rách mà có bu theo tán tỉnh con cũng chẳng qua vì túi tiền cha con đấy. Bội Nhu bàng hoàng. - Sao mẹ lại nói thế? Tùy người chứ? Vậy lúc xưa khi cha con không tiền mẹ nhận lấy cha làm gì? - Vì mẹ biết, người như cha con sẽ không bao giờ đói. - Thế à? Bội Nhu đứng dậy, nàng thấy không thể tiếp tục hầu chuyện với mẹ. Khoảng cách tư tưởng giữa hai người quá lớn. - Nhiều lúc mẹ khiến con đau lòng quá! - Con nhỏ nầy ăn nói gì mà kỳ cục. Bà Uyển Lâm lộ vẻ khó chịu - Sống sung sướng thế này có gì phải đau lòng? Nói chuyện phải lựa lời nhe, con gái lớn rồi. Bội Nhu yên lặng đi và trong, bà Lâm gọi giật lại. - Nầy, nầy! Đi đâu thế? Ở lại đây phân mình rõ ràng cho tôi nghe chứ? Tối rồi còn định đi đâu? Đến nhà Từ Trung Khao à? - Con đã cho tên Hào với tài sản của cha xuống địa ngục hết cả rồi. Uyển Lâm ngơ ngác nhìn theo con. - Thời buổi bây giờ con cái khó dạy quá, sinh ra chỉ làm khổ cha mẹ thôi.