""Tôi đã yêu, đã bị bỏ rơi, cô đơn trong đêm Giáng sinh. Tình yêu đối với tôi thật đáng sợ. Cho đến khi cánh tay ấm áp của anh sẵn sàng đón tôi vào lòng."
 
"Vĩnh biệt, Trần thân yêu!". Trong đầu tôi vang lên điệp khúc đau đớn, không làm sao cưỡng lại nổi.
Tôi, cô gái hai mươi lăm tuổi đời, quyết định chia tay mối tình đầu trong căn phòng hạng sang của khách sạn Hoàng Tử, Hà Nội.
"Mối tình đầu" của tôi vừa rời khỏi đây được 30 phút, sau khi để lại một nụ hôn vội vàng cùng lời giải thích cũ rích, quen thuộc: "Chán thật, đến giờ anh phải về nhà rồi!"
Mối tình giữa người si tình và thần tượng của mình.
Trần là một nhạc sĩ nổi tiếng. Ông đã vợ con đề huề, rất hấp dẫn với mái tóc muối tiêu và cái nhìn sâu thẳm. Tôi chỉ là kẻ bị định mệnh cột vào cuộc đời ông. Trước đám đông, tôi luôn là cô cháu gái nhỏ bé đi bên cái bóng lừng lững của ông.
"Nếu là đàn ông với nhau thì tao đã lôi mày ra bãi sông Hồng, tát cho đến khi nào mày tỉnh người ra mới thôi!" - Hoa, cô bạn thân nhất của tôi ấm ức nói như thế khi thấy tôi nằm bẹp trên giường, hai mắt sưng húp. Hôm ấy, số máy quen thuộc hiện lên, nhưng không phải giọng nói ấm áp của người đàn ông mà tôi yêu. Đó là giọng nói bình tĩnh đến nghẹt thở của người đàn bà có cái nhìn vô định: vợ của Trần. "Cô muốn gặp cháu, tại nhà cô. Chú Trần đi vào Nam, cuối tuần mới về."
Không gọi điện cho Trần, cũng chẳng hỏi ý kiến của Hoa, cứ thế tôi đi. Đằng nào rồi cũng có ngày hôm nay. Tôi đã chuẩn bị tinh thần cho cuộc gặp mặt căng thẳng này từ khi chấp nhận trong vòng tay Trần. Thế nhưng không hiểu sao, chân tôi vẫn muốn khuỵu xuống khi đứng trước mặt vợ ông. Không có một cuộc tổng xỉ vả, cũng chẳng có một biểu hiện ghen tuông nào. Vợ của Trần mang hoa quả ra mời tôi. Rồi bà đưa tôi xem những cuốn album ảnh gia đình.
Đây là Trần đang ôm hôn thằng cu Tít. Đây là cả nhà Trần ở Paris. Đây là vợ Trần đang đứng giữa hai cậu con trai cao lớn lừng lững ở Sài Gòn. Và đây là Trần người đàn ông tóc muối tiêu ngồi lặng lẽ trước cây đàn piano, chìm đắm vào một bản tình khúc mới. Một bức tranh gia đình hạnh phúc....
Thần kinh tôi căng thẳng đến mức ăn quả gì cũng thấy đắng. Tôi phải uống nước liên tục.
Tôi cũng không còn nhớ làm sao mình có thể chấm dứt câu chuyện hạnh phúc khủng khiếp của gia đình ông để thiểu não dắt xe ra về.
Rất nhiều lần Hoa cảnh báo tôi: "Mày phải cẩn thận với những cuộc đánh ghen! Liệu lúc đó Trần có dám đứng ra bênh vực mày không? Ông ta có dám bỏ vợ, bỏ con để làm lại từ đầu với đứa con gái hơ hớ như mày?"
Không phải tôi không biết lời Hoa nói là đúng. Thế nhưng, hễ cứ ở trong vòng tay Trần, tôi lại trở thành con thiêu thân không quan tâm đến quá khứ hay tương lai. Chỉ cần ông nói: "Không có em, anh chẳng còn thiết sáng tác nữa", thế là tôi sẵn sàng tình nguyện làm nguồn cảm hứng để ông sáng tác, không một đòi hòi nào cho riêng mình. Tôi yêu những bản tình cả của Trần trước khi gặp ông. Với tôi, Trần vừa là người tình, vừa là thần tượng.
Thỉnh thoảng, thấy tôi khóc vì tình cảnh trớ trêu của mình, Trần ậm ừ: "Nếu gặp được người tử tế, em cứ lấy làm chồng cho bố mẹ yên lòng!" Tôi hỏi: "Thế sau khi em lấy chồng, anh sẽ thế nào?" Ông đáp: "Chắc anh không làm được gì nữa! Tim anh tan nát mất!" Đôi mắt Trần buồn đến độ tôi sợ chúng rơi lệ vì tôi thật.
Hoa kêu lên: "Ông ấy đánh vào điểm yếu nhất của mày rồi. Đáng lẽ ông ấy phải chúc mày hạnh phúc, rồi khóc ở đâu thì tùy. Tim ông ấy tan nát hay tim bà già mày tan nát đây?".
Lòng tôi nhói lên khi Hoa nhắc đến mẹ. Dạo này mỗi lần lên thăm tôi, mẹ hay hỏi về Trần. Những lúc ngồi gỡ mái tóc rối bời của tôi, mẹ nói xa nói gần: "Làm phận gái phải biết giữ lấy thân con ạ, không rồi ân hận cả đời đấy!" Nghe mẹ nói, nước mắt tôi lặng lẽ tràn xuống má.
Ôm niềm đau riêng mình, chấp nhận nỗi cô đơn.
Tiếng chuông nhà thờ gióng giả trong không gian buốt giá của đêm Giáng sinh khiến tôi nhận ra mình thật cô độc. Tôi nằm cuộn tròn như con sâu tội nghiệp trong tổ kén của mình, nhìn xoáy vào ngọn đèn ngủ và lắng nghe điệp khúc: "Vĩnh biệt, Trần thân yêu."
Cứ như thế, tiếng nói ấy thoát từ lòng ngực của tôi, nhảy múa khắp căn phòng. Vĩnh biệt cuộc tình không được nắm tay nhau đi giữa đám đông. Vĩnh biệt những căng thẳng nhìn trước ngó sau khi bước chân vào khách sạn. Vĩnh biết cảm giác tủi hờn khi nhìn thấy người đàn ông của mình vươn vai đứng dậy, sửa sang áo xống, tạm biệt tình nhân. Anh ấy phải trở về với vai trò của một người chồng, người cha mẫu mực.
Tôi vùng dậy, quyết định đi về nhà. Bụng tôi chợt nhói lên. Ôi! Bây giờ tôi mới nhớ rằng mình đã không nói với ông điều quan trọng nhất. Giọt máu của ông đang tượng hình trong người tôi!
Thật tượng sụp đổ khi đối diện với sự thật.
"Mày phải báo cho Trần biết, để ông ấy có trách nhiệm với đứa con của mày", Hoa bảo tôi.
Tôi đưa cho Hoa tờ báo buổi sáng, trong đó có bài phỏng vấn nhạc sĩ Trần. Phóng viên hỏi: "Vì sao ông không sáng tác bài hát nào về gia đình hạnh phúc của mình?" Trần trả lời: "Gia đình luôn thường trực trong trái tim tôi, là thứ gắn bó máu thịt với cuộc đời. Đi đâu làm gì, tôi sáng tác nhạc cũng không nằm ngoài hai chữ gia đình..."
Thế đấy,  với những lời tuyên bố như thế, tôi còn tìm đến Trần làm gì nữa để thấy tim mình đau? Hoa vẫn nằng nặc: "Con mày cần có bố. Mày không chịu nói, tao sẽ nói."
Chưa bao giờ tôi thấy Trần suy sụp đến thế. Người ông gầy sụp, ánh mắt thất thần. Ông cầm một sấp tiền, dúi vào tay tôi, thì thầm: "Bây giờ em muốn anh làm gì cho em?"
Tay ông run đến mức tôi phải bật cười: "Anh có thể làm được gì cho em? Bỏ vợ, bỏ con, bỏ danh vọng để đến với em à".
Ông im lặng. Tôi nhồi tiếp: "Hay em bỏ con để tiếp tục làm nguồn cảm hứng  của anh."
Cái nắm tay của ông chặt hơn, run hơn. Tôi thấy thương ông như thương một kẻ tội lỗi, không biết làm sao để xóa hết tội của mình. Tôi thản nhiên: "Hoa nó thử lòng anh đấy, không có chuyện con cái gì đâu. Chẳng qua em sắp lấy chồng nên nó nói thế để bọn mình chia tay cho nhẹ lòng!"
Mắt ông bừng sáng. Ông nhào tới ôm lấy tôi cuồng nhiệt như chưa hề có chuyện khó xử vừa rồi. Thần tượng trong tôi vỡ vụn từng mảnh. Tôi tìm cách thoát khỏi vòng tay ông, để khỏi kéo dài thêm cảm giác khó chịu. Tôi không muốn nhìn thấy sự hèn hạ của người đàn ông mà mình hằng tôn thờ.
Giáng sinh không còn là kỷ niệm buồn đau của tôi.
Giáng sinh năm sau, đứa con gái bé bỏng của tôi đã được 3 tháng. Khi tôi thú nhận với mẹ là mình đã mang thai, bà thở dài rồi bảo: "Trẻ con sinh ra là ý Chúa, con không được từ bỏ nó".
Không hỏi cha đứa trẻ là ai, bà lặng lẽ chăm sóc khi tôi thai nghén, lo lắng chăm bẳm con tôi từ lúc cháu chào đời cho đến bây giờ. Những lúc thấy tôi ngồi thất thần, bà lại đến bên cạnh, ôm con vào lòng.
Nhờ có mẹ, tôi dần tìm lại sự tự tin của ngày xưa. Chỉ riêng tình yêu, tôi vẫn chưa đủ can đảm mở lòng đón nhận.
Mẹ tôi khuyên: "Đừng bi quan thế con ạ. Ở đời có người xấu, người tốt. Hãy cho mình một cơ hội mới."
Tôi biết mẹ nhắc đến Hoàng, một đồng nghiệp, đã theo đuổi tôi hai năm nay. Từ khi tôi sinh bé Na, anh tỏ ra yêu  chiều con gái tôi và bảo: "Hãy để anh được chăm sóc mẹ con em."
Tôi hiểu lòng chân thành của Hoàng. Tuy rất có cảm tình với anh nhưng tôi luôn tìm cách lẩn tránh vì thấy mình không còn xứng đáng với tình yêu của anh.
Chẳng bao giờ tôi nghĩ mình lại có thể yêu một người đàn ông khác nữa. Thế nhưng, đêm Giáng sinh năm nay, tôi đã tìm được bến bờ mới cho mình.
Đó là lúc tôi đi lễ nửa đêm với Hoàng. Khi anh vòng tay ra phía sau, bảo tôi: "Em lạnh không, ôm lấy anh cho ấm, thật chặt vào!" Tôi thấy tim mình đập lỡ nhịp. Đó là cảm giác tình yêu ngọt ngào mà tôi chưa bao giờ được nếm trải, dù từng yêu Trần như quên hết bản thân mình.
Vô tình, chúng tôi đi ngang qua nhà Trần. Căn nhà ba tầng không có ánh sáng. Người đàn ông gần đến ngũ tuần chắc đã ngủ vùi trong mỏi mệt. Tôi nghĩ đến Giáng sinh cô đơn, lạnh lẽo năm nào, thấy như vừa xem xong bộ phim buồn của ai đó.
Hoàng kéo tôi sát vào người: "Trời càng lạnh, anh càng thấy ấm khi ở bên em". Nước mắt tôi ướt đẫm bờ vai Hoàng, những giọt nước mắt của hạnh phúc.

Xem Tiếp: ----