Biết vì lợi ích của người khác

“Hãy nhớ rằng, hạnh phúc rất dễ lan tỏa. Vì vậy, muốn nhận nhiều hạnh phúc thì bạn hãy cố gắng làm cho những người xung quanh cũng cảm thấy hạnh phúc.”
Maurice Maeterlinck
- Gần đây, tôi quan tâm đến những buổi diễn thuyết với đề tài “Hãy biết yêu thương bản thân, vì hạnh phúc của người khác” của Mark Abramson. Tôi rất đồng ý với Mark rằng, đó là một ý tưởng tuyệt vời. Lâu nay, chúng ta thường nghĩ, yêu thương bản thân là một điều có vẻ ích kỷ. Tuy nhiên, nếu hiểu rằng chúng ta yêu thương bản thân không phải vì mình mà còn vì người khác nữa thì điều đó sẽ trở nên có ý nghĩa hơn rất nhiều.
Câu nói trên có hai vế: “yêu thương bản thân” và “vì hạnh phúc của người khác”. Ai trong chúng ta cũng mang nặng ơn nghĩa đối với những người thân yêu của mình, như cha mẹ, vợ chồng, con cái, họ hàng, bạn bè… Khi họ cảm thấy hạnh phúc, thì bản thân chúng ta mới cảm thấy hạnh phúc, và ngược lại. Nói cách khác, hạnh phúc của bản thân ta gắn chặt với hạnh phúc của những con người đó. Nếu vẫn còn chưa hiểu hoặc không tin vào câu nói trên, bạn hãy thử suy nghĩ mà xem. Con cái của bạn có lớn lên trong hạnh phúc được không nếu cha mẹ chúng lục đục với nhau? Chúng có hạnh phúc khi biết rằng mẹ của chúng là một người đàn bà tội lỗi, hư hỏng, bị xã hội ruồng rẫy? Chúng có hạnh phúc không khi biết cha chúng là một người đàn ông sống thiếu trách nhiệm, buông thả, không được mọi người coi trọng?... Vậy nên, muốn được hạnh phúc, bản thân mỗi người cần tôi luyện nhân cách cũng như thái độ ứng xử trong cuộc sống, cho chính mình và cho mọi người. Hạnh phúc phải bắt nguồn từ trong tâm hồn, suy nghĩ, thái độ của mỗi người, trước khi lan tỏa ra cuộc sống bên ngoài. Một tâm hồn đẹp, một thái độ tích cực có sức mạnh rất lớn để thúc đẩy người khác hướng tới những điều tốt đẹp. 
 
Chúng ta thường có xu hướng ích kỷ, tự nuông chiều bản thân. Mỗi khi nói đến hai chữ “hạnh phúc”, thì ngay lập tức ta nghĩ đến cái gì đó chỉ thuộc về bản thân mình mà chẳng hề liên quan gì đến người khác. Nhưng thực tế không hoàn toàn giống như những gì ta nghĩ! Vì cuộc sống của ta có liên quan với cuộc sống của người khác, nên hạnh phúc của ta cũng liên quan đến hạnh phúc của người khác. Chúng ta nên dành một chút thời gian để suy nghĩ về ý tưởng sâu sắc mà Mark Abramson đã nêu ra.
Khi cảm thấy mình không hạnh phúc, chúng ta có bao giờ nghĩ đến những người thân không? Trong cuộc sống, những lúc gặp thất bại trong công việc, tôi buồn bã, mỏi mệt, phát ốm nhưng chẳng thiết ăn uống và cũng chẳng chịu đi khám bệnh. Tôi có thái độ chán nản, bất cần như thế để làm gì kia chứ? Chỉ vì tôi không biết nghĩ đến những người thân trong gia đình tôi, nên tôi mới xử sự như vậy. Nếu tôi biết nghĩ đến người khác, chắc chắc tôi đã biết yêu quý bản thân mình hơn, cố gắng tỏ ra vui vẻ, ăn uống bình thường, và không làm cho mọi người phải lo lắng vì mình! Đừng bao giờ tự hành hạ bản thân, để rồi làm cho người khác phải khổ sở theo!
Trong cuộc sống, mọi thái độ, hành vi, cử chỉ, cảm xúc của bạn đều có ảnh hưởng đến những người xung quanh. Mặt khác, chúng ta còn dựa vào mối quan hệ giao tiếp với những người xung quanh để tìm sự cân bằng cảm xúc của mình. Chẳng hạn, khi có điều gì bức bối, ngổn ngang trong lòng, nếu tâm sự được với một ai đó, bạn sẽ thấy lòng mình không còn trĩu nặng nữa và nhanh chóng tìm lại được sự cân bằng, thanh thản cho tâm hồn.
Trong thực tế, sự ảnh hưởng của cảm xúc từ người này lên người khác có thể diễn ra mà không nhất thiết mọi người phải ở chung trong một căn phòng hay một không gian nhất định nào đó. Một nghiên cứu trong môi trường hải quân cho thấy, cảm xúc của người sĩ quan chỉ huy có ảnh hưởng trực tiếp đến cảm xúc của từng người lính. Từng người lính đều có khuynh hướng bị chi phối bởi tâm trạng của người sĩ quan chỉ huy, cho dù họ không đứng trên cùng một chiếc tàu.