“Khi ta căm ghét kẻ thù hay người khác, có nghĩa là ta đang dành cho họ quyền có thể gây cho ta mất ăn mất ngủ, ảnh hưởngđến sức khỏe và hạnh phúc của chúng ta.Kẻ thù thì khoái trá và vẫn bình thường trong khi ta lại vất vả, chết dần chết mòn. Sự bực tức, lòng căm thù của ta làm hại chính ta cả ngày lẫn đêm, chẳng khác gì phải sống trong hỏa ngục. Dale Carnegie Khi cuộc hôn nhân kéo dài suốt mười bốn năm của tôi chấm dứt, tôi đã đau khổ, tan nát cõi lòng. Đó hoàn toàn không phải là điều tôi muốn lựa chọn. Mọi thứ xung quanh tôi dường như sụp đổ, và trong tôi dâng trào một nỗi uất hận. Chúng tôi không chỉ sống cùng nhau, mà còn là đồng sở hữu một nhà xuất bản nhỏ. Trong đau khổ và uất hận, có một điều tôi thật sự nhận ra: Tôi không muốn ly hôn, cũng không muốn từ bỏ công việc làm ăn. Suốt sáu tháng đầu sau khi chia tay, chồng tôi cảm thấy trống vắng, nhớ nhung cuộc sống gia đình, còn tôi thì cũng đủ thời gian để bình tĩnh trở lại. Một ngày nọ, anh ấy đến văn phòng tìm tôi, cùng bàn kế hoạch làm ăn, và chúng tôi lại trở về nhà sống với nhau hạnh phúc như xưa. Kể từ đó, chúng tôi đã tìm ra phương cách để công việc đạt hiệu quả hơn trước rất nhiều. Nhà xuất bản của chúng tôi ngày càng phát triển, được nhiều tác giả nổi tiếng tín nhiệm giao bản thảo. Chúng tôi đã tiếp tục sống hạnh phúc bên nhau dưới một mái nhà cho đến tận bây giờ, khi các con đều đã khôn lớn. Nhiều người hỏi tôi vì sao tôi có thể tha thứ lỗi lầm cho chồng mình một cách đơn giản như vậy? Trên hết mọi lý do, tôi làm như vậy vì tôi nghĩ đến tương lai các con tôi, nghĩ đến công việc của chúng tôi, chứ không chỉ nghĩ cho riêng mình. Tôi không hề muốn các con tôi phải lớn lên trong cảnh sống đau khổ của mẹ nó. Tôi không muốn các con tôi nhìn thấy cảnh cha mẹ chúng lục đục, mâu thuẫn với nhau. Tuy nhiên, để làm được điều đó, đối với tôi cũng khó khăn vô cùng. Tôi cảm thấy mình bị tổn thương rất nhiều, thậm chí cảm giác này vẫn còn kéo dài nhiều năm sau đó. Thế nhưng tôi biết điều gì là quan trọng đối với tôi trong cuộc sống. Tôi có thể dẹp những cảm giác tổn thương ấy qua một bên, rồi tìm cách vượt lên chúng. Có lẽ không ai trong chúng ta chưa từng trải qua cảm giác bị tổn thương, đau khổ do những lỗi lầm mà người khác gây ra cho mình. Những vết thương ấy làm chúng ta đau khổ, tiếc nuối, cảm thấy mình bị xúc phạm, bị bỏ rơi, bị thiệt thòi, bị coi thường… Thật không thể nào liệt kê hết những đau khổ mà nhân loại đã phải trải qua. Ngày nào trên thế giới này cũng có những cuộc chiến tranh đẫm máu, những chuyện cướp bóc, hãm hiếp, tham nhũng, những mâu thuẫn, va chạm vì quyền lợi ích kỷ cá nhân... Muốn giải quyết được những vấn nạn này, tất cả mọi người phải cùng nỗ lực rất nhiều. Đó là chưa kể đến việc, muốn hướng tới thế giới hòa bình, xã hội tiến bộ, văn minh, còn có rất nhiều vấn đề liên quan cần phải được xóa bỏ như đói nghèo, bệnh tật, thiên tai… Tuy nhiên, xét ở khía cạnh hạnh phúc cá nhân, nếu muốn sống hạnh phúc, chỉ có một cách là chúng ta phải biết tha thứ cho những lỗi lầm của người khác. Nếu không, cảm giác bị tổn thương sẽ ngày càng đè nặng trong lòng rồi làm cho chúng ta chết dần chết mòn bởi chính những bực tức, oán hờn do chúng ta tự tạo thêm ra cho mình. Cho nên tha thứ cho người khác không chỉ đơn giản là ta biết nghĩ đến người khác, mà trước hết là chúng ta nghĩ đến chính mình, nghĩ đến sự an lành của tâm hồn mình. Theo lẽ tự nhiên, mọi vết thương trên cơ thể chúng ta đều có khả năng lành lặn trở lại. Một cành cây bị cắt đi sẽ lại mọc lên những chồi non xanh tươi. Còn vết thương trong tâm hồn, lẽ nào chúng ta cứ để nó mãi đau đớn âm ỉ? Gặm nhấm nỗi đau của bản thân tức là chúng ta đang ngoan cố chống lại quá trình lành lặn của vết thương. Tại sao chúng ta cứ phải hành hạ mình như thế? Tha thứ cho người khác chính là giải thoát cho bản thân, là cách tốt nhất để có một cuộc sống nhẹ nhàng, thanh thản. Tôi biết có một người phụ nữ nhất quyết đòi tòa án cho chị được ly hôn với chồng. Mặc cho những lời khuyên và những lý do hòa giải được đưa ra, chị vẫn khăng khăng giữ ý định đó, vì chị không thể nào chấp nhận nổi đứa con ngoài giá thú của chồng mình với một người phụ nữ trẻ đẹp khác. Bạn thử đoán xem, sau khi tòa xử cho ly hôn, ai sẽ là người chịu nhiều thiệt thòi hơn? Chính là người phụ nữ và bốn đứa con nhỏ của chị ta. Giờ đây, chị phải sống vò võ một mình, nuôi bốn đứa con. Bốn đứa con chị phải lớn lên trong sự thiếu vắng tình yêu thương của người cha. Thế còn chồng chị thì sao? Anh ta đã kết hôn cùng người phụ nữ trẻ đẹp kia và có một cuộc sống mới rất hạnh phúc. Có rất nhiều lời khuyên rằng chúng ta phải biết tha thứ cho người khác. Dù đây là điều rất khó thực hiện, tôi vẫn tin rằng lòng bao dung là một điều thiết yếu giúp chúng ta sống hạnh phúc. Bất cứ khi nào bạn cảm thấy khó tha thứ cho người khác, hãy bình tĩnh suy nghĩ xem điều gì là quan trọng hơn đối với cuộc sống của bạn. Và khi bạn biết hướng đến điều có ý nghĩa quan trọng đó, lỗi lầm của người khác sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn. Chẳng hạn, khi cảm thấy khó mà bỏ qua sai trái của người bạn đời, bạn bè, cấp trên, hay một người nào đó bỗng nhiên xúc phạm bạn, bạn hãy thử nghĩ đến một điều gì khác - một mối quan hệ khác, một công việc mới, một ước mơ và hướng tới nó. Bất cứ khi nào bạn hướng đến những điều cụ thể như vậy, tự nhiên bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc, nhẹ nhõm hơn rất nhiều. Và có thể bạn chẳng còn phải bận tâm đến chuyện mình có nên tha thứ hay không nữa, vì lúc này xem như bạn đã quên rồi, đã tha thứ tự khi nào rồi, những gì đã qua cũng trở thành “chuyện xa xưa” rồi! Bạn cứ tự hỏi mình xem, chắc gì trong thời gian hai, ba năm nữa, mình còn nhớ nổi những chuyện bực mình này. Cuộc đời còn biết bao điều thú vị khác đáng để bạn quan tâm hơn! Tóm lại, bạn có tha thứ cho người khác hay không là do thái độ, lựa chọn của chính bạn. Tha thứ không chỉ đơn giản là vấn đề cảm nhận, mà còn là vấn đề của sự suy xét khôn ngoan. Nó không chỉ là vấn đề của con tim, mà còn là của khối óc. Nếu bạn biết tha thứ, nghĩa là bạn đã trưởng thành hơn một bậc, bởi trên hết, tha thứ chính là tự đem lại sự an lành, hạnh phúc cho tâm hồn mình.