Ngôi nhà ở đường Phan Đình Phùng từ ngày Marlène bỏ đi và Thu Hà về thay thế, đã có một bộ mặt, một sinh hoạt khác. Điều thứ nhất mà Thu Hà không chấp nhận được là những dấu tích Marlène còn để lại. Phải huỷ diệt hết, phải thay thế hết tất cả những gì thuộc về Marlène, còn gợi nhớ đến Marlène. Chỉ hai ngày sau khi về ở cùng tôi, vấn đề đó đã được Thu Hà đặt ra. Nàng nói: "Em phải làm mới lại căn nhà này". Tôi hỏi: "Như thế nào?" "Thay đổi hết, trang hoàng lại. Từ những tấm rèm cửa cũng phải thay đi". Thu Hà hỏi: "Con Marlène thích màu xanh, phải không?" Tôi ngạc nhiên: "Sao em biết?" "Đó. Cái gì ở đây cũng là màu xanh hết. Không chịu được. Em thích màu hồng. Tất cả, từ nay sẽ là màu hồng". Tôi nhăn mặt: "Ăn thua gì chuyện đó?" "Đối với em rất quan trọng". "Anh đã thôi Marlène là thôi hẳn. Ở đây, chẳng còn dấu tích gì của nó nữa. Màu xanh hay màu hồng cũng thế thôi. Em phải tin anh mới được". "Em chỉ tin em thôi. Anh đừng cản em. Em đã thích như thế nào, em phải làm được như thề". Tôi thở dài: "Thì tùy đó, thích gì cứ làm". Đàn bà bây giờ như thế hết. Như Marlène. Như Thu Hà. Có hàng trăm Marlène. Có hàng nghìn Thu Hà. Họ khác biệt nhau về hình thức nhưng giống nhau ở một điểm là chỉ muốn sai khiến đàn ông, biến tất cả những thằng đàn ông trên trái đất này thành một bầy nô lệ. Những ngày tháng sống chung trở lại với Thu Hà bắt đầu với tôi bằng một nguồn hy vọng mới. Tôi hy vọng gió bão đã qua, dông tố đã lắng. Tôi hy vọng được sống với Thu Hà những ngày tháng bình yên. Thật vậy, tôi đang cần được nghỉ ngơi. Để tính toán làm ăn, chuyện này, chuyện nọ. Marlène đã lôi cuốn tôi vào một cơn lốc hãi hùng. Sống với Marlène, mệt đứt hơi. Sống với Marlène chẳng khác nào như mình là một con thuyền trôi trên một mặt biển ầm ầm động sóng. Bây giờ tôi muốn con thuyền tôi được ở yên trong một bến đậu khuất lánh. Tôi hy vọng cùng với Thu Hà, tôi sẽ có được những đêm ngủ ngon, những buổi sáng dịu dàng, những buổi chiều thư thái. Tôi cho Thu Hà biết rõ ý tôi như vậy. Nàng nói: "Anh sợ những gì?" "Sợ những buổi tiếp tân. Sợ khách khứa ra vào ồn ào. Sợ những người lạ mặt". Thu Hà cãi: "Em có thích ồn ào đâu?" "Thì là anh nói trước như thế". Thu Hà hỏi: "Bạn trai của em tới đây được không?" Tôi cau mày: "Những loại bạn trai nào?" Thu Hà cười: "Bạn trai mà cũng có nhiều loại nữa sao?" Tôi giải thích: "Tại sao không. Có những thứ bạn mất dạy, đểu giả. Lại cũng có thứ bạn chân thành, đứng đắn, tử tế. Loại thứ nhất không thể đặt chân tới nhà này". Thu Hà phật ý: "Bộ anh muốn nói em quen toàn những thằng mất dạy?" "Đâu phải thế". Tôi nghĩ đến những thằng đàn ông đã giao du mật thiết với Thu Hà. Bây giờ sự giao du đó phải chấm dứt. Tôi mất Marlène vì những thứ "bạn trai" của Marlène như Karl, như thằng chủ tiệm nhảy. Trường hợp này không thể tái diễn với Thu Hà được nữa. Tôi đã có kinh nghiệm đau đớn về chuyện này. Và đã phải trả thật đắt. Trả bằng tan nát gia đình. Trả bằng tan vỡ hạnh phúc. Tôi nghiệm ra một điều này. Đàn bà, khi người đàn bà đó là vợ mình, không có thể buông tha cho giao du bừa bãi được. Mà phải bắt họ ở trong nhà. Làm sao cho họ dần dần trở thành một người đàn bà nội trợ. Tôi bảo Thu Hà: "Em đừng quên đã là vợ anh". "Cứ làm vợ là mất hết tự do sao?" Tôi nói: "Anh lấy em, chính anh cũng phải giới hạn sự tự do của anh lại. Phải có với nhau những ràng buộc. Phải vì nhau, tạo sự cách biệt với những kẻ khác". Thu Hà nhún vai: "Đồng ý. Nhưng bạn gái em thì sao?" "Bạn gái không thành vấn đề. Em có thể mời các chị ấy đến chơi nhà, bất cứ lúc nào em muốn". Thu Hà hỏi: "Thật không?" "Thật". "Anh đã nói đồng ý. Nhớ đấy nhé!" Tôi hơi chột dạ: "Em nhiều bạn gái lắm?" "Trung bình. Như ai ai cũng phải có bạn". Nói đến những bạn gái của Thu Hà, là nói đến nguồn vui vô tận cho nàng, cũng đồng thời là một thảm kịch cho tôi. Mỗi người đàn bà là một thảm kịch cho đàn ông ở nơi những chứng tật lạ lùng, những sở thích kỳ quái của họ. Hầu như là nếu đàn bà không có những chứng tật, không có những thói xấu làm nhăn mặt đàn ông, họ không còn là đàn bà nữa. Ở Thu Hà, điều làm cho tôi bực mình nhất là đám bạn gái của nàng. Trước kia đâu có thấy Thu Hà nhiều bạn gái như vậy. Nàng chỉ có một vài người bạn, bạn học, hiền lành, nhu mì, ít khi gặp nhau. Ngày xưa Thu Hà còn tuyên bố nàng rất ghét bạn gái. Chỉ thích bạn trai thôi. Không ngờ Thu Hà về riêng cái điểm này lại thay đổi ghê gớm đến như vậy. Người bạn gái thứ nhất tới nhà đã làm cho tôi ngán ngẩm. Tên chị ta là Liễu. Dáng người mập mạp. Tiếng nói oang oang như lệnh vỡ. Chưa thấy người đã thấy tiếng. Đã nghe thấy tiếng là nghe thấy không ngừng. Nhớ mãi cái hôm đầu tiên khi Liễu tới. Hôm đó Thu Hà đi vắng. Tôi đang ngồi uống cà phê, xem báo trong phòng khách. Buổi sáng yên tĩnh. Tôi đang thích lắm sự yên tĩnh này thì cái không khí tôi đang muốn kéo dài thình lình bị phá vỡ. Một tiếng gọi, thật lớn, vang động phố xá: "Thu Hà có nhà không?" Tiếng nói chói tai, lanh lảnh, hệt như tiếng còi ấy ném vào từ đầu cổng. Tôi đã định lờ đi. Không được. Tiếng gọi lại nổi lên, lớn hơn: "Thu Hà đâu?" Tôi đành ném tớ báo đi ra. Tôi nói qua cánh cổng đóng kín: "Nhà tôi đi vắng". Rõ ràng là tôi không muốn cho người đàn bà vào nhà, cho nên mới có cử chỉ thiếu lịch sự. Nhưng người đàn bà thì không chịu hiểu như thế, mà nheo mắt nhìn tôi từ đầu đến chân, như ngắm một quái vật. Ngắm xong rồi hỏi, rất thân mật tự nhiên: "Thế ra anh đó, anh là anh Viễn?" Tôi miễn cưỡng: "Vâng, chính tôi". "Bây giờ mới được gặp. Tưởng anh già. Cũng chưa già lắm". Tôi nghiêm trang: "Có chuyện gì không ạ?" Và nhắc lại: "Nhà tôi đi vắng". "Thu Hà đi vắng hồi nào?" "Từ sớm". Liễu thản nhiên: "Chắc cũng sắp về. Anh mở cổng cho tôi vào". Tôi chưa kịp có phản ứng gì, Liễu đã cất tiếng cười lớn: "Tôi là bạn thân của Thu Hà đây. Thân lắm. Chứ Thu Hà chưa nói chuyện với anh về tình bạn giữa hai chúng tôi sao?" Tôi đành mở cổng cho Liễu vào. Sự thực Liễu khá hấp dẫn, khá duyên dáng. Cái đẹp của Liễu hơi thô bạo một chút, nhưng cũng là đẹp. Có điều là Liễu đã tự làm cho nàng xấu đi rất nhiều bởi một cách thức trang điểm quá đáng. Khuôn mặt nhiều son phấn và thuốc kẻ lông mày quá. Liễu mặc một cái áo dài, thứ hàng lụa mỏng nhất, bó sát lấy thân thể, làm nổi bật da thịt. Tóm lại, nàng là hiện thân của một khiêu khích trắng trợn. Mới đến lần đầu, chưa biết nếp tẻ ra sao, chẳng cần xem tôi có thái độ thân mật lơi lả hay không. Coi tôi như rất thân. Thân đến độ muốn nói gì thì nói. Coi nhà tôi như nhà Liễu. Đến độ muốn làm gì thì làm. Vào tới phòng khách. Liễu ném cái sắc tay xuống ghế bành. Hai tay chống nạng vào sườn, Liễu nhìn những tấm rèm cửa, những bông hoa hồng, gật gù: "Đoán được từ trước mà!" Tôi ngơ ngác: "Chị đoán được trước cái gì?" "Màu hồng". Liễu cười, bất chợt, thật lớn, vui thú: "Cái con Thu Hà này ở đâu là thấy màu hồng ở đó. Người tình của nó là màu hồng. Phòng ngủ của ông bà chắc cũng màu hồng cùng khắp. Phòng ngủ đâu? " Tôi chỉ tay vào một cánh cửa đóng kín: "Đó, thưa chị". Sự ngạc nhiên của tôi biến thành kinh ngạc và bực bội không thể nào tả được, khi Liễu sầm sầm đi tới mở phăng ngay cánh cửa, vào thẳng phòng ngủ. Như thế, tự nhiên, sỗ sàng. Không cần biết tôi có bằng lòng hay không. Đàn bà bạo tợn, ngang nhiên, có bí quyết làm phiền mọi người, đến như Liễu, tôi cho là nhất. Tiếng Liễu gọi lớn: "Anh Viễn đâu?" Tôi đáp, cố bình tĩnh: "Tôi đây". "Vào đây anh". Lạ thật. Tự nhiên thật. Tôi đành đi sang. Liễu tươi cười chỉ những tấm đệm gối màu hồng, khăn trải giường màu hồng, chao đèn ngủ màu hồng, hất hàm: "Tôi nói trúng phóc! Anh chịu chưa?" Tôi gượng cười: "Chịu chị là giỏi". Liễu nhìn tôi, nghiêng đầu: "Anh vừa kêu tôi là gì vậy?" "Kêu chị bằng thưa chị". Liễu xua tay rối rít: "Khách sáo. Tôi tên Liễu, anh cứ gọi Liễu, trống không, cho thân mật". Tôi từ tốn: "Không dám". Liễu phá lên cười: "Tưởng anh ở ngoại quốc đã bao nhiêu năm, lấy vợ đầm, có con với đầm, lại là thứ đầm Thuỵ Điển, anh phải bạo dạn lắm với đàn bà. Xem chừng cũng chẳng bạo dạn gì. Anh gọi em là Liễu đi. Em xưng em với anh cho thân". Tôi nín thinh, Liễu giơ tay: "Thân. Từ nay, dù anh muốn hay không muốn, em cũng có mặt gần như hàng ngày trong căn nhà này". Câu nói làm tôi kinh hoàng. Liễu mà có mặt luôn luôn trong nhà tôi thì tôi chịu đựng thế nào được mãi. Thì tôi phải đi chỗ khác. Từ phòng ngủ đi ra, Liễu nhìn ly cà phê tôi đang uống dở trên mặt bàn. "Anh đang ăn sáng?" "Vâng". "Em thì chưa. Định đến rủ Thu Hà đi ăn sáng ở tiệm, luôn thể được thấy mặt anh. Anh không mời em ăn sáng?" Tôi vội nói: "Xin lỗi. Tôi quên. Liễu muốn dùng gì tôi bảo người làm đi mua". Cái gì Liễu cũng tranh lấy làm trước, bất chấp chủ nhân bằng lòng hay phật ý. Bằng giọng nói choanh choang ầm cửa ầm nhà, Liễu gọi người chị Hai lên. "Mua tao tô phở". Tiệm phở ở mãi đầu phố. Chính tôi chưa từng sai chị người làm đi xa như thế bao giờ. Chị ta nhìn tôi nhăn mặt, ngần ngại. Tôi bảo Liễu: "Chị dùng thứ khác đi". Liễu lắc đầu quầy quậy: "Em đã muốn ăn phở là ăn phở. Bộ khu phố này không có tiệm phở?" Người chị Hai: "Xa lắm, thưa bà". Liễu điềm nhiên: "Đi bộ không được thì đi xe. Đi ngay đi, ơ hay, chị là người làm hay là bà chủ nhà này". Người chị Hai đành lấy tô đi ra cửa, Liễu thản nhiên ngồi xuống ghế, lấy gói thuốc lá của tôi, rút một điếu, châm lửa hút. Tôi chưa hết nhìn Liễu bằng cái nhìn kinh ngạc. Chẳng hiểu Thu Hà tìm ở đâu ra thứ bạn gái khủng khiếp này? Đây mới chỉ là Liễu đầu tiên? Còn nhiều Liễu khác nữa, sẽ tới, sẽ biến ngôi nhà đang yên tĩnh của tôi thành một Ngã Tư Quốc Tế, một cửa chợ Bến Thành. Tôi đứng đờ người. Nếu sẽ là thế, tôi phải đối phó như thế nào đây. Chừng như đoán hiểu được những ý nghĩ thầm kín trong đầu tôi, Liễu cười khanh khách. "Sáng nay anh gặp tai nạn lớn phải không?" Tôi hỏi: "Tai nạn nào?" Liễu chỉ tay vào ngực Liễu, ngón tay trỏ ngược vào cái núi ngực đồ sộ: "Em". Tiếng cười lại phá lên: "Em là một tai nạn trường kỳ của anh". Đoạn, nghiêm mặt lại, hệt như một diễn viên đóng kịch trên sân khấu: "Con ở nhà anh hỗn như gấu". Tôi cãi cho con Tám: "Đâu có. Nó ngoan lắm". "Em vừa mới sai một chút, nó đã nặng mặt ra. Phải người ăn người làm nhà em, em đánh vỡ mặt'. Tôi nói: "Mình không thể khó khăn như thế. Người ở bây giờ mướn khó lắm'. "Sao anh biết?' "Thu Hà cho biết như vậy'. Liễu nhún vai: "Vợ anh vụng lắm, đoảng lắm. Dễ bị người ở nó bắt nạt. Anh cứ thẳng tay, con người làm nào dở chứng xin thôi, anh cho thôi luôn. Em mướn ngay người khác cho". Tôi bỏ Liễu ngồi một mình, vào phòng ngủ, đóng cửa lại. Tôi tắm, thay quần áo, cố chùng chình cho mất thật nhiều thì giờ. Cốt làm thế, cho Liễu ăn sáng xong, không có ai tiếp, về đi cho xong. Nửa tiếng đồng hồ sau, từ buồng ngủ đi ra, tôi vẫn thấy Liễu ở đó. Chưa về. Coi nhà tôi như nhà Liễu. Sự xâm phạm thật trắng trợn, khả ố. Không làm sao tìm được cách tống khứ Liễu ra khỏi nhà, tôi không biết làm thế nào hơn là đành phải đi ra khỏi nhà. Tưởng làm thế Liễu phải đi. Cũng không. "Anh đi đâu vậy?" Tôi lạnh lùng: "Xuống phố". "Lâu không?" "Gần trưa tôi mới về". Liễu hỏi: "Những lúc hai ông bà cùng đi vắng như thế này, nhà cửa làm sao, giao cho ai?" "Khoá cổng lại. Thế thôi. Không ai vào cũng không ai ra". Liễu ngẫm nghĩ, rồi thản nhiên: "Anh khỏi phải khoá cổng! Để nhà đấy, em coi cho. Đã chờ Thu Hà về là em phải gặp nó bằng được". Tôi nhìn Liễu, cố tình nói cho Liễu giận: "Đàn bà xem chừng vô công rồi nghề lắm nhỉ? Liễu không có việc gì làm sao?" Liễu đáp ngon lành: "Không". Thế là hết nước rồi. Tôi chịu thua thứ đàn bà như Liễu, hoàn toàn chịu thua. Buổi sáng hôm đó, tôi ra khỏi nhà. Đi lang thang hết chỗ này, chỗ nọ, ăn cơm tiệm đến hai giờ trưa mới trở về. Đinh ninh Liễu không còn đó nữa. Phòng khách vắng vẻ, hiu quạnh. Buổi trưa chìm sâu trong yên tĩnh. Tôi lẳng lặng, định tâm thay quần áo, đi ngủ một giấc đến chiều. Mở cửa phòng ngủ, bước vào, tôi đứng sững kinh ngạc. Trên mặt đệm giường ngủ, nơi tôi đang muốn đặt mình nằm xuống là hai người đàn bà ngủ ngon lành. Thu Hà nằm với Liễu. Trên bàn phấn, cái tàn thuốc lá cao có ngọn. Những vỏ cảm, vỏ táo ném bừa bãi trên mặt thảm. Chiếc áo dài của Liễu vắt trên một thành ghế. Chưa bao giờ phòng ngủ của tôi là phơi bày một cảnh tượng bừa bãi, tan hoang đến như thế. Tôi đứng ngây, tức Liễu một phần, giận Thu Hà mười phần. Lỗi không ở Liễu mà ở Thu Hà. Nàng không thèm đếm xỉa đến tôi nữa, không cần biết tôi bực bội thế nào, coi tôi như không có mặt. Buổi trưa hôm đó, tôi đành ngủ ngoài đi văng phòng khách. Buổi chiều, khi Liễu đã về rồi, tôi đặt vấn đề với Thu Hà về những bạn gái của nàng, về sự đột nhập hung bạo vào gia đình tôi của họ. Tôi kể lại cho Thu Hà nghe về những hành động, thái độ của Liễu trong lúc Thu Hà đi vắng. Thu Hà nghe xong, chỉ nói vắn tắt: "Tính Liễu nó thế, tự nhiên lắm". Tôi kêu lớn: "Không được". Thu Hà nhíu mày: "Bộ anh muốn em phải đoạn tuyệt với bạn hữu của em? Bạn trai, em đã không cho họ đến nhà rồi. Theo đúng ý anh muốn. Bạn gái, anh phải chiều em một chút chứ. Sống chung là một thoả hiệp. Anh không có quyền khó tính". Tôi hỏi: "Những bạn em như Liễu, nhiều lắm không?" "Nhiều". "Bao nhiêu?" "Không đếm được. Nhiều lắm. Họ sẽ tới, anh sẽ gặp họ". Và tôi lại thua, lại thua. Cái thua lớn nhất của tôi là đàn bà, không riêng gì ai mà tất cả những người đàn bà. Phải đấu khẩu với họ, là một cực hình. Tôi cố gắng né tránh, tránh đến cái mức không thể né tránh được nữa thì thôi, thứ cực hình đó. Thành ra cũng vì thế mà phơi bày chỗ yếu của mình ra. Đàn bà thời bây giờ quỷ quái, thông minh. Họ nắm ngay được chỗ yếu ấy. Marlène trước kia, bây giờ là Thu Hà. Từ sau hôm Liễu đến, Liễu trở lại liên tiếp nhiều lần nữa, ăn cơm, ngủ trưa, đánh bài tại nhà tôi. Liễu là người mở đầu cho những người đàn bà khác. Tên họ tôi không nhớ hết được. Tất cả hợp thành một cơn ác mộng. Chừng một tháng sau khi Marlène bỏ đi, tôi biết được chỗ ở của Marlène. Vợ cũ của tôi ở với ai? Với Karl đó. Một biệt thự gần vùng Tân Sơn Nhất. Tôi tìm đến giao con Elga cho Marlène nuôi dưỡng. Chẳng phải là tôi không muốn gần con nhỏ. Trái lại, tôi yêu nó vô chừng. Nhưng con Elga còn nhỏ quá. Nó phải được ở gần mẹ hơn là gần cha. Mặt khác, Thu Hà tỏ ra ghét bỏ con nhỏ ra mặt. Sợ nó bị hành hạ trong những lúc tôi vắng nhà, tôi nghĩ tốt hơn là đưa nó về cho Marlène. Hôm gặp lại nhau, lạ lắm. Người mở cửa cho tôi là Karl. Thấy tôi, y sững người rồi đưa tay bắt tay. Tôi thản nhiên bắt tay Karl. Y mừng rỡ: "Anh không thù oán tôi sao?" Tôi lắc đầu: "Không". "Thành thực?" "Phải. Thành thực không thù không oán". "Anh không nghĩ tôi là một thằng khốn nạn đã cướp mất Marlène của anh?" Tôi gật: "Có. Tôi nghĩ anh là một thằng khốn nạn. Tuy vậy, tôi không thù hận. Tại Marlène, không phải tại anh. Không anh thì cũng sẽ là những thằng khốn nạn khác". Karl ngập ngừng: "Tôi rất ân hận". Bỏ qua câu nói của Karl, tôi hỏi: "Marlène đâu?" "Trên lầu". "Tôi muốn gặp". "Anh ngồi chơi, mười lăm phút nữa Marlène sẽ xuống". Tôi chỉ tay vào con Elga: "Tôi đến để điều đình với Marlène về đứa nhỏ này. Chỉ có thế, không có gì khác". Karl hỏi: "Điều đình thế nào?" "Tôi không nuôi nổi con Elga. Tôi cũng đã lấy một người đàn bà khác làm vợ. Người đó không thương yêu Elga chút nào. Tôi muốn đưa trả cháu cho Marlène". Karl cau mày: "Hơi phiền". "Anh không muốn?" "Đâu phải vậy. Chuyện này chẳng ăn nhằm gì đến tôi. Con nhỏ ở đây với chúng tôi cũng được. Phiền một nỗi là chúng tôi sắp đi xa". Tôi ngạc nhiên: "Anh không ở đây nữa?" Karl lắc đầu: "Sở vừa thuyên chuyển tôi sang Thái Lan, một chi nhánh mới được thành lập ở Vọng Các. Cuối tháng tôi sang bên đó, Marlène sẽ đi cùng". Tôi ngẫm nghĩ rồi nói: "Marlène có thể đưa con Elga đi theo, nếu nàng muốn". "Như thế anh sẽ không bao giờ gặp lại con anh nữa". Tôi nhún vai: "Đành vậy. Tôi đã mất hết những gì đã có với Marlène. Mất thêm một đứa con cũng chẳng sao". Tôi bồng con Elga trên tay, ngồi chờ Marlène ở phòng khách. Biết sự có mặt của y, dẫu sao cũng làm tôi khó chịu, Karl nói dối có việc bận phải đi, và ra khỏi nhà. Ngồi lại một mình, tôi cố gắng tạo cho mình một thái độ bình tĩnh, mặc dầu đầu óc tôi bồn chồn xao xuyến. Nhìn quanh, căn phòng khách với những đồ đạc và cách thức trang hoàng, bài trí của nó đã nói lên, đậm đà, sự có mặt của Marlène. Ở đâu, ở với ai, với Marlène, cũng là màu xanh nhạt, xanh đậm cùng khắp. Cũng là những chiếc ghế bành lùn, thấp, những đồ đạc hình dáng tân kỳ, táo bạo và một cái quầy rượu ở một góc phòng. Có tiếng chân trên cầu thang. Marlène đi xuống. Hơi thở tôi như ngừng đứng lại trong ngực. Marlène vẫn vậy. Nẩy lửa, khêu gợi. Nẩy lửa một cách sỗ sàng. Khêu gợi một cách khiêu khích. Như thời kỳ chung sống với tôi, ở nhà, gần như Marlène không mặc quần áo. Nàng để chân trần, chỉ mặt một cái quần đùi ngắn cũn cỡn. Một cái áo chemise ngắn tay, không cài khuy trước ngực. Thế thôi. Bên trong, không một mảnh vải nhỏ của quần áo lót. Marlène hơi già đi một chút. Vì cuộc sống trác táng, phóng đãng, buông thả đến tận cùng cho hoan lạc và đòi hỏi của xác thịt. Nhưng nàng vẫn đẹp. Đẹp rùng rợn. Thấy tôi, nàng đứng lại một giây rồi chạy đến, cướp lấy con Elga ở trên tay tôi. Nàng ôm ghì lấy con nhỏ. Hôn như mưa vào mặt vào tóc nó. Marlène như thế. Muôn thuở như thế. Tình cảm đã không biểu lộ ra thì thôi. Đã biểu lộ, là những biểu lộ bốc lửa. Nàng đúng là một trái hoả diệm sơn. Tôi lẳng lặng. Một lúc. Rồi Marlène nhìn tôi: "Anh vẫn mạnh". Tôi gật, nghẹn ngào không nói được. "Anh ngồi xuống đó". Tôi làm theo, như người mất hồn. Marlène ôm con, ngồi xuống trước mặt tôi. Nàng hỏi: "Anh vẫn ở chỗ cũ?" Tôi gật: "Phải, Vẫn chỗ đó". "Anh đã trở lại với người tình cũ của anh, người đàn bà đã ra đón anh ở phi trường Tân Sơn Nhất phải không?" Tôi hỏi: "Sao em biết?" Marlène nhún vai: "Nghe thiên hạ đồn. Chẳng sao. Hỏi thế. Em đã làm khổ anh nhiều. Chính em đã bỏ anh, lừa dối anh, làm cho anh nhục nhã điêu đứng. Em là người có lỗi. Bây giờ anh làm gì cũng là quyền tự do của anh. Marlène đến quầy rượu, lấy hai ly rượu đem tới. Tôi đón lấy". "Anh được sung sướng không?" Tôi nhún vai thay cho câu trả lời mà tôi không muốn trả lời. "Anh đến kiếm em có việc gì?" Tôi chỉ con Elga: "Giao nó lại cho em nuôi dưỡng". "Sao vậy?" "Anh không giữ nó ở cùng với anh được". Marlène nhìn tôi, trắc ẩn, tội nghiệp. Một người không sung sướng, che giấu thế nào cũng vẫn để lộ ra cái không sung sướng. Đóng kịch thần thánh thế nào cũng vô ích. Nhất là tôi đã ăn ở với Marlène bao nhiêu năm trời, Marlène đã hiểu tôi rõ quá! "Anh đang gặp nhiều chuyện buồn bực?" Tôi gật. "Sao anh không sống một mình ít lâu đã. Trở lại với cuộc đời độc thân của anh. Với sự tự do của anh". Tôi thở dài: "Anh đã muốn thế mà không được. Anh đúng là cái thằng đàn ông khốn nạn. Suốt đời khổ vì đàn bà". Marlène nhìn con Elga. "Anh muốn giao nó lại cho em, Karl chưa nói cho anh biết em sắp sang Thái Lan với y?" "Đã. Đã nói". "Thế này thì em phải đưa con nhỏ đi theo rồi. Phiền thật". Căn phòng đột nhiên rơi vào một vực thẳm yên lặng hoàn toàn. Trong sự im lặng này, một sự thảm hại hiện rõ. Đó là cái sự một người cha và một người mẹ cùng không muốn vướng bận vì đứa con nhỏ. Tội nghiệp cho con Elga. Phút ấy, tôi đã nhìn thấy tuổi ấu thơ của nó không phải là một thiên đường tuổi nhỏ. Mà nó sẽ khổ sở, điêu đứng ngay từ những tháng ngày thơ dại. Tôi và Marlène, cả hai chúng tôi cùng đáng tội chết, cùng ích kỷ, cùng hèn nhát như nhau. Cuối cùng Marlène cất tiếng: "Thôi cũng được. Em sẽ cố gắng nuôi nó. Anh khỏi lo". Tôi hỏi Marlène: "Em sang Thái Lan định làm gì?" "Mở một hộp đêm". Thế là hết. Người vợ cũ của tôi sắp làm nữ chủ nhân một hộp đêm. Cuộc sống của Marlène, con người của Marlène hoàn toàn thay đổi. Tôi hỏi: "Em có thể cho anh địa chỉ ở bên ấy?" "Để làm gì?" "Viết thư. Anh muốn luôn luôn nhận được tin tức của con anh". "Bao giờ em sang Thái Lan sẽ ở đâu, chừng nào có chỗ ở nhất định, em sẽ biên thư ngay cho anh biết". Tôi thấy không còn lý do nào ngồi lại nữa. Lòng tự ái của tôi buộc tôi phải về, không cho phép một biểu lộ tình cảm yếu đuối nào. Marlène cũng không giữ tôi ở lại. Nét mặt nàng tuy vậy cũng hơi thoáng một chút buồn rầu ngậm ngùi. Hỏi tôi: "Từ nay đến hôm em đi, anh đến đây với con lần nào nữa không?" "Không". "Tùy anh. Nếu anh muốn thế". "Anh sẽ ra phi trường". Marlène nhắc lại: "Tùy anh. Nếu anh muốn thế". Tôi đón lấy con Elga trong tay Marlène. Con nhỏ không theo mẹ, cũng không theo cha. Nó để cho tôi bồng, không phản kháng, không vồ vập. Ánh mắt nó thờ ơ, ngơ ngác. Khuôn mặt nó lững lờ, bất động. Cha mẹ nó còn ở bên cạnh, cha mẹ còn sống sờ sờ ra đó mà con nhỏ đã như một đứa trẻ mồ cơi cả cha lẫn mẹ. Tôi ôm con nhỏ thật chặt. Sự xúc động đến bất chợt. Tôi dàn dụa nước mắt. Một lát như thế, thật lâu. Rồi tôi quay mặt đi chỗ khác, giấu những giọt nước mắt. Trả lại con Elga cho Marlène, tôi đi nhanh ra đường. Không bao giờ tôi được nhìn thấy con tôi nữa. Lần đó là lần cuối cùng. Một tuần sau, Marlène sang Thái Lan với Karl. Tôi nhận được thư nàng một lần. Trong thư nói con Elga vẫn khoẻ mạnh, được nuôi dưỡng chu đáo tử tế. Tôi cũng biết vậy thôi. Một lần, tôi mua một vài thứ đồ chơi, gửi cho con gái tôi. Rồi ít lâu sau, đâu một vài tháng gì đó, tôi nhận được một bức điện tín, báo một tin đau đớn. Con Elga đã chết. Bị thương hàn. Đưa vào nhà thương, hôm sau con nhỏ tắt nghỉ. Hình ảnh đứa nhỏ chết ở một nơi chốn xa lạ ám ảnh tâm trí tôi đêm ngày. Tôi không làm sao quên được nó. Ánh mắt lặng lẽ buồn rầu của nó. Mái tóc vàng ánh, cái cằm nhỏ, những ngón tay gầy guộc, xanh yếu của nó. Tôi thấy tôi có tội. Tôi biết tôi phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về cái chết của con Elga. Bây giờ, trở lại với Thu Hà. Càng chung sống với Thu Hà tôi càng khám phá thấy ở Thu Hà nhiều đam mê và cái mê lớn nhất là kim cương, hột xoàn. Thu Hà thân với Liễu vì vậy. Liễu là một thứ trung gian cho mọi người mua và bán kim cương. Mỗi lần Liễu tới, việc đầu tiên là hai người đàn bà nói chuyện về kim cương trước đã. Họ kéo nhau ra một góc nhà. Những viên kim cương được đưa ra. Câu chuyện kéo dài hàng giờ, làm tôi sốt ruột. Một hôm, tôi tức giận: "Đàn bà không có việc gì khác nữa?" Liễu tròn mắt: "Việc này là việc chính". Tôi nhún vai: "Đàn bà muôn thuở là thế, không có kim cương, không được hay sao?" Thu Hà điềm nhiên: "Không được là chuyệt tất nhiên. Không thích trang sức, không mê kim cương, hột xoàn, không phải là đàn bà". Tôi bực bội: "Sự say mê nào cũng phải có một giới hạn. Quá, là một lố bịch". Thu Hà lớn tiếng: "Chuyện đàn bà chúng em có ăn thua gì đến anh đâu. Em đã thích gì, anh cấm em cũng không được đâu". Cái sự đàn bà thích kim cương và những đồ trang sức tôi biết là chuyện thường. Không thích những thứ đó lại không là đàn bà nữa. Tôi yêu lắm những người đàn bà làm dáng, thích ăn mặc, thích làm đẹp. Lúc nào cũng phải là một bông hoa cho đàn ông nhìn ngắm, chiêm ngưỡng. Đàn bà như thế, không thể khác. Nhưng Thu Hà và Liễu với những viên kim cương của họ lại không phải như vậy. Sự mê thích có một vẻ gì khoe khoang, rởm đời, rất đáng ghét. Chụm đầu trên những viên kim cương, Thu Hà và Liễu hình như không còn biết gì đến mọi người và đời sống chung quanh. Họ bàn bạc một cách say mê, cay cú. Họ thì thầm to nhỏ như họp hội kín. Những lúc đó, tôi có cảm tưởng không còn một mảy may giá trị nào nữa, đối với Thu Hà. Tôi cũng chỉ như một cái bàn, cái ghế, một đồ đạc trong nhà. Liễu và những viên kim cương đáng ghét của Liễu đột nhập vào ngôi nhà đáng thương của tôi bằng một đột nhập ghê gớm đến nỗi một buổi tôi phải gây với Thu Hà. Hôm đó, Liễu không đến. Ngôi nhà yên tĩnh hẳn. Tôi mừng như người trúng độc đắc cá cặp. Buổi tối, sau bữa cơm, tôi ngồi với Thu Hà ở phòng khách, xem truyền hình. Thu Hà ngáp dài ngáp ngắn. Thỉnh thoảng lại nhìn ra cửa. Tôi hỏi: "Em chờ ai vậy?" "Sao giờ này không thấy Liễu nó tới". Tôi bực mình: "Mới tới hôm quan. Hôm nay Liễu tới nữa để làm gì vậy?" "Liễu hẹn cho em coi một đôi hoa tai kim cương". Tôi giậm chân la lớn: "Lại kim cương. Lúc nào cũng kim cương". "Em đang cần một đôi hoa tai mà!" Tôi xua tay: "Nói chuyện khác đi". Thu Hà chán nản: "Chẳng có chuyện gì để nói hết". Tôi kinh ngạc: "Chúng mình không còn chuyện gì để nói?" Thu Hà lảng sang chuyện khác. Vẫn chuyện của Liễu. Nàng khen Liễu đủ điều. Nào là Liễu vui tính, dễ thương, nhờ việc gì được ngay việc nấy. Nào là Liễu nói chuyện có duyên, chu đáo với bạn bè, nhà có Liễu vui như trong nhà có hội lớn. Thu Hà tắt máy truyền hình, vẻ buồn chán hiện rõ ra nét mặt. Buổi tối mà tôi muốn kéo dài trong thân mật, ấm cúng của hai vợ chồng được có nhau hoàn toàn trong một thế giới riêng tây, biến thành một buổi tối gắng gượng, không còn gì vui thú. Tôi hỏi Thu Hà về Liễu, bằng lối hỏi móc máy, ác ý: "Chồng con Liễu ở đâu?" Thu Hà trả lời, ngon lành: "Bỏ chồng. Con không có. Tự do hoàn toàn". Tôi nhún vai: "Thảo nào". "Anh nói thế là nghĩa lý gì?" "Nghĩa lý như thế này: nhà mình không ở, cứ đến phá phách, quấy nhiễu những gia đình người khác". Thu Hà nghiêm trang: "Anh đừng quên Liễu là bạn thân của em, và em mời Liễu tới đây". Tôi bực bội: "Lúc nào cũng Liễu. Sáng Liễu, chiều Liễu. Em sống với anh hay với mấy mụ bạn gái nạ dòng của em? Anh là chồng em hay Liễu là chồng? Biết thế này…" Lỡ lời, tôi bỏ lửng luôn câu nói. Thu Hà đâu chịu cho qua đi sự lỡ lời đó. Nàng sừng sộ: "Biết thế này là thế nào?" Tôi đấu dịu: "Anh không định nói gì hết". Thu Hà quát lớn: "Có. Anh định nói biết em có nhiều bạn gái như thế này, anh không thèm lấy em, chung sống với em, phải thế không? Em có muốn lấy anh đâu? Anh bị con vợ đầm nó cắm sừng, làm cho điêu đứng, thân tàn ma dại, anh tìm đến em…" Thu Hà đi đi lại lại như một con hổ cái gầm gừ tức giận trước mặt tôi. Tôi ngồi im, thở dài não ruột. Đàn bà. Đàn bà. Những người đàn bà thoắt dịu dàng, hiền hậu, thoắt tức giận độc ác. Họ hành hạ đàn ông, coi người chồng như một thứ trò chơi và người tình như một cần thiết chốc lát. Không có một bà tiên nào hết. Chỉ có những bông hồng bọc gai nhọn. Chỉ có những con quỷ trá hình. Tôi đối phó không được, không nổi. Hết người đàn bà này đến người đàn bà khác, họ làm xiệc trước mặt tôi, họ đưa tôi và mê hồn trận, tôi hoang mang không tìm ra được lối thoát. Đành lại chỉ mặc họ muốn làm thế nào thì làm. Thu Hà đã làm thế. Theo ý muốn của nàng. Nghĩa là vào thẳng buồng ngủ, mặc quần áo, xanh sắc tay đi thẳng ra cửa. Tôi hỏi: "Em đi đâu?" "Đến nhà một con bạn gái. Được không?" Tôi nhún vai: "Em muốn làm gì thì làm. Cốt nhất đừng làm những chuyện khiến anh phải bực mình". Thu Hà nhìn tôi, nhìn đăm đăm. Như nàng mới khám phá thấy ở tôi một người đàn ông mới. Rồi nàng đi thẳng ra cửa. Tôi ngồi nhà một mình. Chán nản, mệt mỏi. Không biết làm gì, tôi đành lấy rượu ra uống. Đã tưởng bỏ được rượu. Đã tưởng không cần đến rượu. Tôi lầm. Tôi cần rượu như người tình nhân chung thuỷ nhất. Rượu trở thành nguồn ai ủi vô tận. Chai rượu đặt trước mặt, nỗi buồn đầy trong lòng, tôi rơi chìm mau chóng vào một cơn say choáng váng. Tôi nghĩ đến Thu Hà. Nàng đang ở nhà Liễu, chắc chắn là như vậy. Hai người đàn bà đang nói về tôi, chắc chắn là như vậy. Nói những điều không hay, không đẹp. Bao nhiêu cái xấu, cái hỏng của tôi đang được họ đem ra kiểm điểm lại, từ cái xấu đầu tiên đến cái xấu cuối cùng. Ý nghĩa này làm cho tôi tức giận muốn phát điên. Tại sao Thu Hà đi, tôi lại không làm như thế? Tôi thấy tôi đứng lên, cũng vào buồng ngủ, cũng mặc quần áo như Thu Hà, cũng phăng phăng đi ra đường như Thu Hà. Thật đúng là cái trường hợp chồng ăn chả vợ ăn nem, anh đi đường anh, tôi đường tôi. Hạnh phúc gia đình chỉ còn là một thứ đồ vật phế thải, một cái giẻ rách. Đêm tuyệt vọng. Chỉ có tâm hồn tôi không đẹp mà thôi. Mười lăm phút sau, tôi đã ngồi ở quầy rượu, trước mặt Nguyệt. Tôi gặp lại Nguyệt đêm hôm đó, tâm trạng cũng tương tự như tôi gặp Nguyệt lần đầu. Gọi một ly rượu rồi tôi hỏi Nguyệt: "Còn nhớ tôi không?" Nguyệt đã nhìn thấy tôi từ phút tôi đẩy cửa bước vào. Nàng mặc một bộ đồ lụa màu trắng, rất đơn giản, mái tóc vấn cao, để lộ cái cổ trắng ngần, tròn trĩnh. Ánh sáng một ngọn đèn màu xanh nhạt từ mặt quầy chiếu ngược lên, tạo cho khuôn mặt Nguyệt một vẻ đẹp lung linh hư ảo. Nàng thật đẹp. Trong đêm Nguyệt là một bông hoa quỳnh, chỉ nở về đêm. Nguyệt nghiêng đầu: "Nhớ. Sao quên được?" Tôi ngạc nhiên: "Tôi chỉ mới đến đây một lần". "Anh là một khách hàng khác thường". Tự ái được ve vuốt, tôi hỏi: "Đến một lần nhưng mọi người đã phải nhớ?" Nguyệt cười: "Đúng vậy". "Tôi có cái gì đặc biệt". Nguyệt làm bộ tìm kiếm, ngẫm nghĩ: "Vẻ buồn bã của anh, một vẻ buồn trầm lặng nhưng thấm thía, ghê gớm". Tôi cười: "Lúc khác, tôi vui lắm". "Bây giờ, không vui?" Tôi gật: "Buồn, phải đi tìm cô Nguyệt". Nguyệt cười, vui thú: "Mỗi lần có chuyện buồn, anh lại đi tìm em như thế này?" Tôi gật: "Và chỉ tìm một mình Nguyệt". "Sao vậy?" "Nguyệt mới có đủ cái vui, cái hay làm tôi hết buồn". Nguyệt cau mày làm bộ trách móc, một sự trách móc rất nũng nịu, rất đáng yêu: "Thế thì nỗi buồn của anh cũng tầm thường lắm". Tôi cãi: "Đâu có. Lớn lao, kinh khủng". "Nhỏ". Đến lượt tôi hỏi: "Sao vậy?" "Vì chỉ thỉnh thoảng anh mới cảm thấy sự cần thiết phải đi tìm em. Đêm nào anh cũng cần, đêm nào anh cũng kiếm, như thế, em mới tin được anh buồn lớn lao, buồn ghê gớm". Tôi đập mạnh tay xuống mặt quầy: "Từ đêm nay sẽ như thế. Bằng lòng chưa?" Nguyệt lắc đầu: "Không, vì em không muốn anh đến đây chỉ để giải buồn. Em chỉ là một thứ để giải khuây cho anh, như một ly rượu, một bài nhạc thì chán lắm. Em muốn hơn". "Như thế nào?" "Em không là gì hết. Hoặc phải là nguồn vui mới cho anh". Nguyệt nói chuyện thật thông minh, kẻ nói chuyện với nàng bắt buộc cũng phải thông minh theo. Trong khi trò chuyện, Nguyệt có một số những cử chỉ tôi rất yêu thích. Như những ngón tay nàng thỉnh thoảng lại đưa lên, lùa nhẹ vào mái tóc, cái cử chỉ thông thường này người đàn bà nào cũng có, nhưng không ai duyên dáng yêu kiều bằng Nguyệt. Như hàng mi dài và cong vút chớp nhẹ, mỗi khi Nguyệt mỉm cười, như nàng có hai núm đồng tiền xinh đẹp chưa từng thấy. Nguyệt ngồi trên ghế, chững chạc, nhỏ nhắn, vẻ đẹp của nàng là sự thanh thoát khác thường. Tôi đã nghĩ đến một bông hoa. Còn nghĩ đến một cánh bướm. Nguyệt là cánh bướm đêm, rất thướt tha trong bầu ánh sáng màu xanh nhạt. Có được người đàn bà này là người tình, cuộc sống chừng như cũng nhẹ nhõm, cũng dễ chịu thêm nhiều lắm. Đêm hôm đó, những cái ly lại xếp thành một hàng dài trên mặt quầy. Tôi say, lại ném Thu Hà vào một xó góc quên lãng. Nguyệt, đêm đó mời tôi uống rượu. Nàng nhất định không cho tôi trả tiền. Càng về khuya câu chuyện càng gắn bó, Nguyệt càng rực rỡ, đằm thắm. Phòng trà đóng cửa. Tôi xin được đưa Nguyệt về nhà. Nàng ngập ngừng chưa chịu. "Lần trước tôi đã yêu cầu. Để được biết Nguyệt ở đâu. Nguyệt từ chối. Lần này phải khác lần trước". Nguyệt cười: "Em bằng lòng thì anh hết buồn không". Tôi nói: "Hết từ lâu rồi. Từ lúc mới đến". "Được. Đưa em về. Nhưng biết chỗ ở của em thôi nhé!" "Không được vào?" "Lần sau?" Tôi đưa Nguyệt về tới cửa nhà nàng. Lúc ở quán rượu đi ra, Nguyệt đã nói trước nàng chỉ bằng lòng cho tôi đưa về tới nhà. Để biết chỗ ở cho lần sau. Tôi cũng hứa với Nguyệt như vậy. Nhưng lời hứa không có ý nghĩa gì hết, đối với một kẻ say rượu. Tôi đòi lên nhà Nguyệt. Nguyệt cười, chỉ phản đối chiếu lệ. Nàng nói đùa: "Chưa chi anh đã mất tín nhiệm. Tin anh làm sao được nữa". Tôi năn nỉ: "Lên cho biết nhà. Năm phút. Cam đoan không ở lại lâu hơn". Nguyệt cười: "Em có đuổi anh đâu mà anh phải nói thế. Đã lên, anh ở hẳn nửa tiếng, một giờ. Lên năm phút lên làm gì". Tôi đi theo Nguyệt trên những bực thang của một cầu thang lộ thiên cao vút. Hơi đêm lạnh làm cho cơn say của tôi giảm sút. Cái trạng thái quay đảo choáng váng chỉ còn là một ngất ngư dịu dàng. Tới hết cầu thang, Nguyệt đứng lại trước một cánh cửa đóng kín. Nàng quay lại thì thầm: "Nói nhỏ cho con em ngủ". Cánh cửa nhẹ nhàng mở ra, tôi rón rén theo Nguyệt bước vào. Căn phòng nhỏ, xinh xắn. Một bộ sa lông kê ở một góc. Giữa phòng, một tấm đệm trải rộng. Trên mặt đệm, hai đứa trẻ nhỏ ôm lưng nhau ngủ bằn bặt, giấc ngủ thần tiên ngon lành nhất của tuổi thơ. Nguyệt nhìn xuống hai đứa con nàng bằng một cái nhìn đầy mến thương, cảnh tượng có vẻ gì vừa ngộ nghĩnh vừa khác thường làm cho tôi xúc động. Tôi đứng ngây người nhìn Nguyệt. Phút đó, tôi không còn thấy Nguyệt là một người đàn bà truỵ lạc, sống với đàn ông, ban đêm và những ly rượu mạnh nữa. Chỉ còn thấy Nguyệt là một người mẹ, cũng đáng kính trọng như thất cả những người mẹ khác. Những lượng rượu cuối cùng còn sót lại trong cơ thể tan biến hẳn. Nguyệt chỉ tay xuống hai đứa nhỏ: "Con em". Nàng cười buồn: "Những đứa nhỏ không có cha, anh thấy chúng đáng thương không?" Tôi đáp: "Còn có em, chúng cũng không đáng thương lắm. Chúng cũng như những đứa trẻ khác". Tôi ngậm ngùi: "Chúng còn sung sướng hơn anh nữa". Nguyệt ngạc nhiên: "Sao vậy?" Tôi thở dài: "Anh có một đứa con gái. Cũng nhỏ như đứa nhỏ nằm kia. Nó đã đi theo mẹ nó sang Thái Lan. Anh coi như không bao giờ thấy mặt nó nữa". Nguyệt hỏi: "Anh uống rượu say, anh buồn vì thế?" Tôi nhún vai: "Còn nhiều chuyện buồn khác. Nhưng thôi, chẳng nói làm gì, buồn thêm. Phòng riêng của em đâu, hay mấy mẹ con chỉ có căn phòng này?" Nguyệt chỉ tay vào một cánh cửa đóng kín ở cuối phòng. "Có chứ. Em phải có một phòng riêng, để nghỉ ngơi. Trong ấy có máy lạnh". Nguyệt cười: "Có cả rượu cho anh nữa. Rượu nhà em ngon hơn rượu ở tiệm. Anh vào đây". Tôi theo Nguyệt đi vào phòng ngủ của nàng. Căn phòng khá ấm cúng, thơ mộng. Qua lối trang hoàng, bài trí, tôi biết Nguyệt là người có óc mỹ thuật sâu sắc. Nguyệt chỉ tay xuống mặt đệm phẳng phiu, nói tôi ngồi đó và chờ cho nàng năm phút, nàng lấy quần áo ngủ, vào buồng tắm. Tôi nghe tiếng nước đổ ào ào vào bồn rửa mặt. Lúc Nguyệt trở ra, khuôn mặt nàng đã trút hết mọi lớp son phấn. Bộ đồ ngủ màu xanh nhạt, lụa mỏng mềm mại. Vẻ khốc liệt của người đàn bà đêm đêm ngồi sau quầy rượu không còn nữa. Nguyệt bật đèn sáng, cho tôi nhìn thấy rõ nàng. Tôi nhìn, và rất bằng lòng. Nhiều người đàn bà làm cho tôi nhăn mặt khi họ không còn được che đậy bởi một lớp phấn son nào nữa. Khi đó, sự thật hãi hùng hiện ra. Sự thật của những đường nhăn tố cáo một tàn héo phũ phàng. Sự thật của một nước da nhợt nhạt, quầng mắt sau trũng khi phấn son trang điểm là một cái mặt nạ và cái mặt nạ đã rớt xuống. Những người đàn bà lấy đêm làm ngày như Nguyệt phần lớn đều như vậy. Nàng thì tươi mát, trẻ trung, nhẹ nhõm hơn bao giờ. Đời sống ban đêm chưa tàn phá được Nguyệt. Về tới nhà riêng, bông hoa đêm này lại tươi thắm hơn. Nguyệt ngồi xuống bên cạnh tôi. Tôi hỏi: "Em ở một mình đã bao nhiêu lâu?" "Ba năm". "Thế là lâu hay mau?" Nguyệt cười: "Em cũng không hiểu nữa. Mấy tháng đầu, sự lẻ loi trống trải làm em xao xuyến khổ sở, không đêm nào ngủ được. Thời kỳ đó, em đã nghĩ là không có một người đàn ông nào bên cạnh là không xong. Rồi em cũng quen dần. Bây giờ lại thấy cái chuyện ở một mình dễ chịu hơn là chung sống với một người". Tôi hỏi đùa: "Nhất định ở vậy đến suốt đời?" Nguyệt nghiêng đầu. Nàng luôn luôn nghiêng đầu làm cho mái tóc chạy dạt về một phía. Nghiêng đầu là một trong những cử chỉ đáng yêu nhất của Nguyệt. "Không hẳn". "Ai yêu thương Nguyệt thành thực, em có bằng lòng chung sống với người đó?" Nguyệt cười: "Tất nhiên là có". "Anh đây này, anh thương yêu em thật tình". "Em chưa thể tin như vậy. Chúng mình mới gặp nhau lần này là lần thứ nhì". "Người ta có thể yêu nhau ngay từ lần gặp thứ nhất". "Đúng. Nhưng đó là trường hợp mấy người trẻ tuổi. Anh và em khác. Chùng mình cùng lớn tuổi cả rồi. Chẳng thể có được tiếng sét ái tình nào nữa". Tôi ôm ngang lưng Nguyệt: "Anh nghĩ chúng mình có thể trở thành bạn thân của nhau". Nguyệt gật đầu: "Em cũng nghĩ vậy". "Anh đến đây với em có phiền phức gì không?" "Đôi khi anh sẽ đụng đầu với mấy người đàn ông. Nếu anh không lấy thế làm khó chịu thì không có chuyện gì phiền phức hết". Tôi hỏi: "Những người đàn ông ấy là ai?" Nguyệt nhún vai: "Anh biết đến họ làm gì?" Nàng nói tiếp, nửa buồn rầu nửa nghịch ngợm: "Loại đàn ông qua đường. Chẳng tình nghĩa sâu nặng gì. Nhưng em cần họ. Thích hay không thích họ, em cũng vẫn phải giao thiệp với họ như thường". Tôi cau mày: "Sao vậy?" Nguyệt điềm nhiên: "Họ cho em tiền. Em thì lúc nào cũng cần tiền". "Cần nhiều lắm không?" Nguyệt cười thành tiếng. "Khá nhiều, mà anh hỏi làm gì vậy? Em tiêu xài hoang phí lắm. Lại phải nuôi mấy đứa nhỏ. Tháng tháng phải đưa tiền về cho mẹ em nữa". "Bà cụ ở đâu?" "Em còn một mẹ già. Nhà rộng thì đã mời bà cụ về ở cùng. Nhưng nhà chật chội quá. Vả lại, đàn ông ra vào thế này, để bà cụ ở đây không tiện chút nào hết, anh có thấy như thế không?" "Thấy". Tôi làm bộ muốn đứng lên: "Nếu những người đàn ông nào đến đây cũng phải đem lại cho Nguyệt một cái gì thì anh sợ anh không đến đây được nữa". Nguyệt kinh ngạc: "Sao vậy?" "Anh không có tiền. Anh chẳng đem lại cho em được gì hết. Ngoài những tình cảm không cần thiết". Nguyệt kéo tôi ngồi xuống cạnh nàng. "Tình cảm chân thật thì tình cảm quý hơn tiền bạc". Nguyệt đưa tiễn tôi xuống cầu thang. Chúng tôi đứng với nhau trên một hè đường vắng lặng. Mặt đường về khuya rộng thênh thang. Suốt từ đầu phố tới cuối phố, không một bóng người qua lại. Những hàng cây đứng im, ngọn cây chỉ hơi lay động theo chiều gió đêm thổi nhẹ. Cái bóng Nguyệt đổ dài trên mặt đường. Một cái bóng thật nhỏ bé, thật dễ thương. Tôi nhìn Nguyệt, càng có thêm những tình cảm tốt đẹp. Sống một mình. Làm chủ một gia đình. Có mẹ già lại phải nuôi hai đứa con nhỏ. Vậy mà nàng sống thật ung dung bình tĩnh. Nàng can đảm, nghị lực hơn tôi nhiều. Tôi nói cho Nguyệt biết như vậy. Nguyệt cười, mái tóc lay động theo gió khuya. "Anh tưởng thế chứ không phải đâu. Em cũng chỉ là một người đàn bà". Tôi nói: "Không ai nhìn thấy sự mềm yếu đó". Nguyệt tiết lộ một bí mật: "Em giấu". "Tại sao phải giấu?" "Vì kiêu hãnh. Em không muốn cho ai nhìn thấy thảm kịch của mình. Không ai thương mình hết. Họ chỉ cười mình thôi. Lúc mọi người cười đùa, em đã cười theo. Cười trước, cười lớn hơn những tiếng cười khác. Còn những lúc buồn, em buồn một mình. Nghiến răng lại, chịu đựng như thế hết tháng này qua tháng khác, hết năm này qua năm khác". Tôi thở dài nghĩ đến tôi: "Chịu đựng mãi thì chịu đựng là một cực hình". Nguyệt nghiêng đầu: "Anh cũng phải chịu đựng?" Tôi gật, lấy thuốc lá châm lửa hút. Hơi thuốc toả lan, khói thuốc xanh biếc bay tạt trong gió đêm mỗi phút một tràn đầy. Con đường nơi tôi đang đứng với Nguyệt trong khoảng khắc đã lồng lồng gió thổi. Mái tóc Nguyệt bay tung. Bộ đồ ngủ mỏng dính uyển chuyển từng lớp sóng lượn. Tôi nhìn Nguyệt nghĩ không có cái hình ảnh người đàn bà nào đứng trên đường khuya có thể đẹp bằng Nguyệt. Nguyệt là một cánh bướm đêm. Nguyệt là một đoá hoa quỳnh. Đên dịu dàng và xanh biếc. Như Nguyệt không chỉ là một đoá hoa, nàng còn là một vầng trăng. Thấy tôi trầm ngâm, Nguyệt hỏi: "Sao lúc nào anh cũng buồn quá vậy". "Anh có nhiều chuyện buồn". "Đàn bà?" Tôi gật: "Phải. Và chỉ có một loại chuyện buồn như thế. Không có loại chuyện buồn khác". Nguyệt nhìn tôi đăm đăm: "Sao anh chịu cho đàn bà làm khổ?" Tôi cười nhạt: "Không chịu cũng không được". "Phải phản ứng lại". Tôi chán nản: "Thú thật anh không biết phản ứng bằng cách nào hết". Tôi cười nói đùa: "Mách nước cho anh". Nguyệt gật nói đùa theo: "Lại đây em mách nước cho. Anh nhu nhược với đàn bà quá không được. Phải trị đàn bà, đừng để cho đàn bà trị mình". "Khó lắm". Nguyệt chép miệng: "Anh cứ thế, chả trách được". Tôi dụi tắt điếu thuốc dưới gót giày. Còn muốn đứng lại, nói chuyện với Nguyệt lâu hơn nữa, tôi biết đã đến giờ phải về nhà. Đi chơi khuya như thế này cũng đã là làm việc khác với thường lệ, kể từ ngày tôi chung sống với Thu Hà. Tôi đã giã từ cuộc sống phóng đãng. Đêm không thức khuya. Không gần gũi một người đàn bà nào khác ngoài vợ mình. Thu Hà đã không nhìn thấy sự thay đổi ấy là một cố gắng phi thường ở một người dễ lăn mình vào phóng đãng, buông thả như tôi. Cuối cùng là kinh nghiệm mấy năm chung sống với Marlène, không giúp ích gì được cho tôi hết. Vẫn là đi trở lại một con đường cũ. Vẫn là đứng trước ngõ cụt một lần thứ nhì. Vẫn là sống lại với Thu Hà trong mối liên hệ chênh vênh tôi đã có và đã đứt với Marlène. Trong một khoảng khắc, một ý tưởng khác thường nảy sinh đột ngột trong tôi. Tôi muốn cứ đi thật lâu, mãi mãi trên những hè đường vắng lặng. Không về nhà nữa. Không gặp, một người đàn bà nào nữa, kể cả Nguyệt. Tìm lại cho mình một cuộc đời độc thân, bay nhảy tự do như thời kỳ niên thiếu. Chặt đứt mọi hệ luỵ. Phá vỡ mọi ràng buộc. Thế nhưng tôi đã yếu đuối, đã thoả hiệp quá rồi. Một cứng rắn tối thiểu tôi cũng không còn có nữa. Tôi nói với Nguyệt: "Thôi anh về". Nguyệt nhắc lại: "Cửa nhà em lúc nào cũng mở rộng cho anh. Anh lại chơi bất cứ lúc nào anh muốn". Tôi gật: "Cám ơn em". Nguyệt ngạc nhiên: "Em làm gì cho anh đâu mà anh cám ơn". "Em vừa cho anh được sống những phút thật dễ chịu. Thế chưa đủ để cám ơn hay sao?" Nguyệt nắm chặt lấy tay tôi, đi trở lên. Cái bóng nàng, nhìn thấy từ phía sau lưng, uyển chuyển trên từng bực thang. Một bông hoa nở về đêm, một vầng trăng xanh biếc, một hương thơm dịu dàng, thoang thoảng, tôi nhìn theo Nguyệt, vẫn cứ nghĩ được về Nguyệt bằng ý nghĩ tốt đẹp như vậy. Quay gót, tôi bước đi, lững thững trên hè phố về khuya. Bây giờ, trên mặt vỉa hè chạy dài, chỉ còn cái bóng tôi cô đơn thấp thoáng giữa những chùm lá. Tiếng chân tôi vang lên trong im lặng. Thành phố đã bằn bật ngủ thiếp. Những kẻ còn ở ngoài đường giờ này là những kẻ lạc lõng cô đơn. Tôi có một mái nhà. Cũng như không có một mái nhà nào. Tôi có một người vợ. Hẳn hoi. Rõ ràng. Mà cũng như không, vì một người vợi phải là một thuộc về mình, vĩnh viễn và hoàn toàn. Vậy mà, Thu Hà đâu có thuộc về tôi. Nàng chỉ thuộc về nàng. Về tới nhà, tôi lại có thêm một bằng chứng cụ thể là Thu Hà không chịu thuộc về tôi, cũng chẳng chịu thuộc về ai nữa, nàng chỉ thuộc về một người duy nhất. Đó là nàng. Tôi chỉ thuộc về tôi. Thu Hà đã nói và đã sống như vậy. Thu Hà chỉ thuộc về Thu Hà.