Dịch giả: LÊ HỒNG SÂM

Gã nông dân đứng đối diện viên thầy thuốc, trước giường người hấp hối. Bà lão, lặng lẽ, nhẫn nhục, minh mẫn, nhìn hai người đàn ông và nghe họ trò chuyện. Bà sắp chết; bà không cưỡng lại, đời bà hết rồi, bà đã chín mươi hai tuổi.
 
Qua cửa sổ và cửa ra vào để ngỏ, mặt trời tháng bảy tràn vào, rọi ánh nắng nóng nực lên nền đất nâu, mấp mô, đã nện lèn dưới gót guộc của bốn thế hệ dân quê. Cả mùi vị đồng ruộng cũng thoảng vào, do cơn gió oi bức thổi tới, mùi cỏ, mùi lúa mì, mùi lá khô nỏ dưới sức nóng ban trưa. Châu chấu kêu ran ran, khiến đồng quê vang lên tiếng lách tách lao xao, giống tiếng những con cào cào gỗ bán cho trẻ em chơi trong hội chợ.
 
Thầy thuốc cất cao giọng, nói:
Bác Honore, bác không thể để bà cụ bác trơ trọi một mình trong tình trạng này được. Bà cụ sẽ tắt thở bất kỳ lúc nào!
 
Và gã nông dân, phiền muộn, nhắc lại:
Tôi phải gặt lúa cho xong chứ. Lúa chín rũ xuống lâu quá rồi. Vừa may tốt trời. Này, mẹ bảo sao, hử?
 
Và bà lão hấp hối, hãy còn bị day dứt vì thói keo kiệt của gã Norman, “ừ” bằng mắt và trán, ý bảo con đi gặt lúa và cứ để bà chết một thân một mình.
 
Nhưng viên thầy thuốc nổi giận và giậm chân:
Bác chỉ là đồ súc vật thôi bác biết chưa và tôi không cho phép bác làm như thế bác biết chưa. Và nếu bác buộc phải gặt lúa về ngay ngày hôm nay, thì đi mà tìm mụ Rapet, chứ sao! Và bảo mụ ấy trông nom bà lão. Tôi muốn thế, bác biết chưa? Và nếu bác không nghe lời tôi thì khi nào đến lượt bác ốm, tôi sẽ để mặc bác chết như con chó ấy, bác biết chưa?
 
Gã nông dân người cao gầy, cử chỉ chậm chạp, bị dằn vặt vì do dự, vì sợ thầy thuốc và vì lòng ham chắt bóp dữ dội, ngần ngại, toan tính, ấp úng:
Thế nhà mụ Rapet, mụ ấy lấy ngần nào, để coi sóc?
 
Viên thầy thuốc hét lên:
Tôi biết đâu đấy? Đó là tùy theo thời gian bác nhờ mụ ấy. Bác đi mà thu xếp với mụ ấy chứ. Rõ thật! Nhưng tôi muốn một giờ đồng hồ sau, mụ ấy phải có ở đây, bác biết chưa?
 
Gã đàn ông quyết định:
Tôi đi đây, tôi đi đây, ông thầy thuốc, ông đừng có bực.
 
Và bác sĩ ra đi, còn dặn:
Bác phải biết, phải biết, liệu đấy, vì tôi ấy, tôi mà bực lên thì tôi không đùa đâu!
 
Còn lại một mình, gã nông dân quay nhìn mẹ, và bằng một giọng nhẫn nhục:
Tôi đi tìm mụ Rapet vậy, vì cái nhà ông ấy muốn thế. Tôi chưa về, mẹ đừng có lo.
 
Và gã cũng ra đi.
 
Mụ Rapet, một mụ thợ giặt già, thường trông nom người chết, người ốm ở làng và ở các vùng lân cận. Rồi bỏ xong khách hàng vào tấm vải mà họ không bao giờ ra khỏi nữa, mụ lại quay ra cầm bàn là, là quần áo cho người sống. Răn reo như quả táo khô từ năm ngoái còn lại, tàn nhẫn, ganh ghét, keo kiệt, một sự keo kiệt đến mức kỳ quái, người cúi gập xuống như thể bị gãy xương hông vì động tác triền miên đưa bàn là trên vải, dường như mụ có một mối tình quái đản và trắng trợn với sự hấp hối. Mụ chỉ nói đến những kẻ mụ đã nhìn thấy họ chết, đến đủ loại chết khác nhau mà mụ đã tham dự; và mụ kể lại hết sức tỉ mỉ những chi tiết bao giờ cũng giống nhau, hệt như một tay săn bắn thuật lại các phát súng của y.
 
Khi Honore Bontemps đến nhà mụ, gã thấy mụ đang pha nước lơ để hồ cổ áo cho các bà người làng.
 
Gã nói:
Chào mụ, mụ Rapet, công việc có khá không?
 
Mụ quay đầu về phía gã:
Vậy thôi, vậy thôi. Còn nhà bác thế nào?
Ồ, phần tôi thì được. Nhưng bà cụ nhà tôi không ổn.
Bà cụ bác hử?
Ừ bà cụ!
Bà cụ sao hử?
Bà cụ sắp chết!
 
Mụ già rút tay khỏi nước, những giọt nước xanh xanh trong suốt chảy đến tận đầu ngón tay mụ rồi lại rơi xuống chậu.
 
Mụ hỏi, đột nhiên có thiện cảm:
Bà lão nặng thế kia hử?
Thầy thuốc bảo chả qua khỏi chiều nay.
Thế thì nặng lắm rồi!
 
Honore ngần ngại. Cần rào đón ít nhiều trước khi bàn với mụ điều gã đã chuẩn bị. Nhưng chẳng biết nói năng thế nào, gã bỗng quyết định phắt:
Này, trông nom bà lão cho đến xong thì mụ lấy bao nhiêu? Mụ biết là tôi chả giàu có gì đâu. Mượn một người ở cũng chả đủ. Rõ khổ bà cụ nhà tôi, chính vì thế mà bà cụ đến nước này đấy, lo lắng nhiều quá, vất vả nhiều quá. Một mình làm bằng mười người ấy, mà chín mươi hai tuổi đầu rồi.
 
Mụ Rapet nghiêm trang đáp:
Có hai giá: người giàu thì bốn mươi xu ban ngày, ba quan ban đêm. Người khác thì hai mươi xu ban ngày, bốn mươi xu ban đêm. Bác trả tôi hai mươi, bốn mươi.
 
Nhưng gã nông dân còn nghĩ ngợi. Gã biết rõ bà mẹ gã lắm. Gã biết bà lão bền bỉ, tráng kiện và dai sức đến như thế nào. Mặc dù thầy thuốc nói thế chứ dễ phải kéo đến tám ngày mới xong.
 
Gã cả quyết nói:
Không, tôi muốn mụ định cho tôi một giá, thế, một giá để trông cho đến xong. Tôi cũng liều may rủi xem sao. Thầy thuốc bảo là bà sắp đi ngay. Nếu thế thì hay cho mụ, thiệt cho tôi. Nhưng nếu bà lão còn đến mai hay lâu nữa thì hay cho tôi, thiệt cho mụ!
 
Mụ coi người ốm ngạc nhiên, nhìn gã đàn ông. Mụ chưa từng nhận khoán một cái chết nào. Mụ ngần ngừ, cũng muốn thử cầu may xem sao. Rồi mụ nghi người định bịp mình.
Chưa nhìn thấy bà lão nhà bác thì tôi chưa nói năng gì được. – Mụ trả lời.
Thế thì đi, đi xem.
 
Mụ chùi tay rồi theo gã đi luôn.
 
Dọc đường họ chẳng nói năng gì. Mụ đi tất tưởi, trong khi gã sải đôi cẳng chân dài như thể mỗi bước đều phải bước qua một con suối.
 
Những con bò nằm trong đồng, mệt mỏi vì nóng bức, nặng nề ngửng đầu lên và rống khe khẽ, hướng về phía hai người đi qua, để xin họ ít cỏ tươi.
 
Gần về đến nhà, Honore Bontemps lẩm bẩm:
Ngộ xong rồi thì sao?
 
Và niềm ao ước bất tự giác của gã bộc lộ ra trong giọng nói.
 
Nhưng bà lão không hề chết. Bà nằm ngửa, trên chiếc giường nát, hai bàn tay đặt lên cái chăn vải tím, những bàn tay gầy một cách kinh khủng: gân guốc xù xì, giống như những con vật lạ lung, như những con cua, và quắp lại vì bệnh tê thấp, vì những nỗi nhọc nhằn, vì những công việc chúng đã làm gần suốt một thế kỷ.
 
Mụ Rapet lại bên giường, ngắm người hấp hối. Mụ  xem mạch sờ ngực, nghe bà lão thở, hỏi han để nghe bà nói, rồi sau khi đã ngắm nghía bà lão thêm một hồi lâu, mụ đi ra. Honore theo đằng sau. Ý mụ đã định. Bà lão không còn được đến tối. Honore hỏi:
Thế nào?
 
Mụ trả lời:
Thế này, phải kéo đến hai ngày, có khi ba. Bác cho tôi sáu quan tất cả.
 
Gã kêu lên:
Sáu quan! Sáu quan! Mụ lẫn rồi à? Tôi bảo cho mụ biết là bà lão còn năm, sáu giờ đồng hồ nữa thôi, không hơn đâu!
 
Và họ mặc cả rất lâu, cả hai đều ráo riết hăm hở. Thấy mụ gác định ra về, thấy thời gian trôi qua, thấy lúa mì của mình không tự gặt về được, cuối cùng gã đồng ý:
Thôi được, thế là ngã ngũ, sáu quan, tất cả, đến lúc đem đi chôn.
Thế là ngã ngũ, sáu quan.
 
Và gã ra đi, bước ngắn bước dài, đến với lúa mì của gã đang rạp xuống đất, dưới mặt trời nặng nề hun chín mùa màng.
 
Mụ Rapet quay vào trong nhà.
 
Mụ đã đem đồ khâu vá đến, vì bên người hấp hối và người chết, mụ vẫn làm việc không ngừng, khi thì làm cho mụ, khi thì cho gia đình thuê mụ làm cả hai việc một lúc, trả thêm tiền công.
 
Thốt nhiên, mụ hỏi:
Mụ Bontemps này thế đã làm lễ xức dầu cho mụ chưa?
 
Bà lão nông dân lắc đầu ra ý “không”, và mụ Rapet vốn người sùng đạo, hấp tấp đứng dậy:
Lạy Chúa, ai lại thế bao giờ? Để tôi đi tìm cha xứ.
 
Và mụ tất tả đến nhà xứ, vội vã đến mức bọn trẻ con trông thấy mụ chạy long tong như thế, cứ tưởng có chuyện rủi ro gì xảy ra.
 
Linh mục đến ngay, mặc áo lễ trắng, đứa bé hầu lễ đi trước lúc lắc cái chuông con để báo hiệu có Chúa Trời đi qua đồng quê oi bức và yên tĩnh. Những người đàn ông làm lụng ở đằng xa, ngả mũ và đứng đợi cho tà áo trắng khuất sau một trang trại; những người đàn bà đang lượm lúa đứng thẳng lên để làm dấu thánh giá; những con gà mái đen, hoảng sợ, chạy trốn dọc theo đường hào, đung đưa hai chân, cho đến tận cái hố rất quen thuộc với chúng, và lỏn ngay vào đó; một con ngựa non buộc ở cánh đồng cỏ, nhìn thấy tà áo lễ đâm hoảng chạy vòng quanh đầu sợi dây, vừa chạy vừa lồng lên. Chú bé hầu lễ mặc áo đỏ, rảo bước; và linh mục, đầu ngả về một bên vai, đội mũ vuông. Vừa theo sau vừa cầu kinh còn mụ Rapet đi sau cùng cúi rạp người xuống, gập mình làm đôi như thể vừa đi vừa lạy, hai tay chắp lại như ở nhà thờ.
 
Từ xa, Honore nhìn thấy họ. Gã hỏi:
Cha xứ đi đâu ấy nhỉ?
 
Người làm của gã tinh tế hơn, trả lời:
Cha mang mình Chúa đến cho bà cụ nhà bác chứ còn gì nữa!
 
Gã nông dân không ngạc nhiên:
Ừ, cũng có khi như vậy?
 
Và gã lại tiếp tục làm.
 
Mụ Bontemps xưng tội, được rửa tội, chịu lễ; và linh mục ra về, để lại hai người đàn bà với nhau trong túp nhà tranh ngột ngạt.
 
Thế là mụ Rapet ngắm nhìn người hấp hối, và tự hỏi xem liệu có lâu không.
 
Trời ngả về chiều. Gió đã mát lùa vào mạnh hơn, làm một bức tranh Epinal cài bằng hai chiếc đinh ghim phất phới đập vào tường. Những tấm rèm che cửa sổ, xưa kia trắng, nay vàng và đầy vết ruồi bậu, có vẻ như bay lên, như giãy giụa, như muốn ra đi, cũng như linh hồn bà lão.
 
Bà lão, yên lặng, hai mắt mở, dường như thản nhiên chờ đợi cái chết cực gần mà chậm đến. Hơi thở ngắn của bà hơi rít trong cổ họng bị se lại. Lát nữa đây, hơi thở ấy sẽ ngưng, và trên đời sẽ bớt đi một người đàn bà chẳng ai thương tiếc.
 
Sẩm tối, Honore về. Gã lại gần giường, thấy mẹ còn sống, và gã hỏi:
Thế nào mẹ?
Giống như trước kia vẫn hỏi khi bà lão khó ở.
 
Rồi gã cho mụ Rapet về, và dặn:
Sáng mai, năm giờ, không sai nhé.
 
Mụ trả lời:
Sáng mai, năm giờ.
 
Quả thật, trời vừa sáng là mụ đến.
 
Honore, trước khi ra đồng, ăn món xúp gã tự nấu lấy
 
Mụ Rapet hỏi:
Thế nào, bà cụ nhà bác đi chưa?
 
Gã trả lời, đuôi mắt nheo lại láu lỉnh:
Bà lão lại khá hơn thì phải.
 
Và gã ra đi.
 
Mụ Rapet, lo lắng, lại gần người hấp hối. Bà lão vẫn ở trong tình trạng cũ, khò khè tức thở và thờ ơ bình thản mắt mở, tay co quắp trên chăn.
 
Và mụ gác hiểu rằng có thể kéo dài hai ngày, bốn ngày, tám ngày như thế này; và một nỗi kinh hoàng co thắt trái tim keo kiệt của mụ, trong khi một cơn tức tối giận dữ bừng bừng nổi lên với cái tay láu cá đã bịp mụ và với cái mụ đàn bà không chết đi này.
 
Tuy vậy mụ vẫn làm việc, mắt đăm đăm nhìn vào bộ mặt răn reo của mụ Bontemps.
 
Honore trở về ăn bữa trưa. Gã có vẻ hài long, hầu như giễu cợt rồi gã lại đi. Chắc hẳn gã gặt lúa trong những điều kiện thật mỹ mãn.
 
Mụ Rapet nổi xung; mỗi phút trôi qua giờ đây mụ tưởng như thời gian bị ăn cắp, như tiền bạc bị ăn cắp. Mụ muốn, muốn một cách điên cuồng muốn tóm cổ cái con lừa cái già kia, cái mụ già ương ngạnh kia. Cái mụ già ngoan cố kia, và bóp lại một tị, làm ngưng cái hơi thở gấp gáp nho nhỏ kia, nó ăn cắp thời gian và tiền bạc của mụ.
 
Rồi mụ nghĩ tới sự nguy hiểm, và trong đầu nảy ra những ý khác, mụ lại gần giường.
 
Mụ hỏi:
Mụ đã trông thấy quỷ bao giờ chưa?
 
Mụ Bontemps thì thào:
Không.
 
Thế là mụ gác bèn nói chuyện, bèn kể cho bà lão nghe các câu chuyện để khủng bố cái linh hồn suy nhược của kẻ sắp chết.
 
Mụ bảo là vài phút trước khi tắt thở, quỷ thường hiện ra với tất cả những người hấp hối. Tay nó cầm cái chổi, đầu nó đội cái nồi, và nó hét rất to. Khi đã nhìn thấy nó, là xong đời đấy, chỉ còn chốc lát nữa thôi. Và mụ liệt kê tất cả những ai đã thấy quỷ hiện hình: trước mặt mụ, trong năm nay: Josephine Loisel này, Eulalie Ratier này, Sophie Padaknau này, Seraphine Grospied này.
 
Mụ Bontemps rốt cuộc bị xúc động, bồn chồn cựa quậy, động đậy tay, thử ngoái đầu để nhìn vào góc buồng trong cùng.
 
Đột nhiên mụ Rapet biến mất ở chân giường. Mụ lấy trong tủ một tấm vải trải giường, quấn vào người; mụ đội cái nồi, ba chân nồi ngắn và cong dựng lên như ba cái sừng, tay phải mụ với cái chổi, tay trái với cái xô sắt tay mà mụ bỗng tung mạnh lên để nó rơi xuống loảng xoảng.
 
Đụng phải mặt đất, nó khua ầm ầm dữ dội, thế là mụ trèo lên ghế vén tấm màn treo ở đầu giường và xuất hiện, tay chân vung vẩy, hét lên những tiếng the thé từ đấy chậu sắt che kín mặt và giơ chổi ra dọa dẫm bà già nông dân sắp tắt thở.
 
Hốt hoảng, mắt nhìn đờ dại, bà lão hấp hối gắng gỏi một cách phi thường để nhỏm dậy chạy trốn, bà đưa được cả vai và ngực ra khỏi chăn; rồi ngã xuống, thở hắt rất dài. Thế là xong.
 
Và mụ Rapet bình thản, xếp tất cả đồ đạc vào chỗ cũ, cái chổi vào góc tủ, vài trải giường vào trong tủ nồi đặt lên bếp lò, xô để trên tấm ván, ghế dựa vào tường. Rồi với những cử chỉ chuyên nghiệp, mụ vuốt đôi mắt to trừng trừng của người chết, đặt lên giường một cái đĩa rót nước thánh, lấy nhành dương treo trên tủ nhúng vào và quỳ xuống, nhiệt thành đọc những bài nguyện cho người qua đời mà mụ thuộc long, do nghề nghiệp.
 
Và đến tối khi Honore trở về gã thấy mụ đang cầu kinh, và gã tính ngay ra rằng mụ còn được lợi của gã ba mươi xu, vì mụ chỉ mất có ba ngày một đêm, tất cả là đi năm quan, chứ không phải sáu quan như gã đã phải trả mụ. 

Xem Tiếp: ----