Trong lý lịch, Tùng khai là thương binh, nhưng không hoàn toàn như thế. Quả Tùng có đi bộ đội, có vào chiến trường chiến đấu, nhưng cái mắt chột của Tùng không phải do đạn địch, mà do Tùng sơ ý bị súng cướp cò. Đồng đội thương tình, chứng nhận là “Đồng chí Tùng bị thương trong một trận chống càn của địch”! Nhưng có người lại cung cấp một thông tin trái ngược hẳn: Tùng không bị trúng đạn địch, điều đó thì hiển nhiên rồi, nhưng cũng không phải do táy máy, bị súng cướp cò. Mà Tùng bị chồng một thiếu phụ, dùng đòn xóc phang vào mặt, trong một lần đánh ghen. Cái tính “máu gái” của Tùng thì chả ai còn lạ. Vì thế, giả thuyết này cũng được nhiều người tin. Nói bậy! Chúng nó ghen ăn ghét ở, dựng chuyện nói xấu người ta, chứ anh Tùng là con người tử tế. Anh ấy bị gái tấn công thì có, chứ đừng đổ tội “máu gái” cho anh ấy. Một con người như thế, mà có nhiều cô “xin chết”, là chuyện thường; không có mới là chuyện lạ! Còn việc anh ấy có phải là thương binh hay không, chỉ cần nhớ một điều là khi còn tại ngũ, anh Tùng là một chiến sỹ chiến đấu rất ngoan cường. Chả ngoan cường sao lại được thưởng nhiều huân huy chương đến như vậy? Tùng là giám đốc một doanh nghiệp xây lắp. Môi trường này rất thích hợp với “chất” quân sự vốn có trong con người anh. Tính Tùng đã nói là làm, làm là phải “có ngay”. Rất rõ ràng. Rất dứt khoát và cũng rất nghiêm, theo đúng tác phong quân sự. Cứ giở thói lề mề luộm thuộm ra là không xong với anh đâu. Bởi thế ai đến cơ quan do Tùng quản lý, thường có chung nhận xét: mọi người ở đó đều làm việc răm rắp, vận hành nhịp nhàng như trong một cỗ máy. Đúng hơn, như một doanh trại quân đội! Phải thế, công việc mới trôi chẩy, mới có hiệu quả. Nói đến một công ty xây lắp, trước hết phải nói đến sự bề bộn, ngổn ngang của rất nhiều công trường. Nhân lực, vật lực đều hầu hết nằm ngoài hàng rào quản lý của doanh nghiệp. Không biết cách, thì không những không quản lý được, mà điều hành cũng sẽ lung tung ngay. Tùng là một người chỉ huy nghiêm khắc, nhưng rất có tình người. Đã có khá nhiều người được anh cứu, khi không may gặp sự cố trong nghề nghiệp hoặc trong cuộc sống. Nguyễn Văn Cổn là một trường hợp như thế. Cổn là kế toán trưởng. Một lần đi công tác Hà Nội, Cổn đã đưa cô nhân viên đi cùng, thuê nhà trọ ngủ. Bị phát hiện, công an tư giấy về điạ phương. Thời ấy, tội hủ hóa là tội nặng. Mất đảng, mất chức là cái chắc. Thế mà sau khi bị thủ trưởng Tùng mắng cho một trận “lên bờ xuống ruộng”, Cổn kiểm điểm liền mấy ngày đêm, rồi lại trở lại làm việc. Nguyên chức, nguyên lương, nguyên đảng tịch. Phải có lòng thương yêu con người như thế nào, thủ trưởng Tùng mới có hành động nhân ái với kẻ dưới quyền mình như thế? Vào tay vị lãnh đạo khác, thì Cổn có “cắn cỏ” xin tha, cũng còn sơi mới được tha. Sau, có người hỏi Tùng, xuất phát từ đâu, anh có hành xử như vậy, anh trả lời: xưa các cụ dậy, “có dung kẻ dưới mới là bề trên”! Ra vậy. Lừa đảo! Chưởng, một nhân viên kỹ thuật của công ty, lên tiếng. Tên anh ta như thế, nhưng người ta cứ gọi chệch đi thành “Choảng”. Gọi mãi thành quen, đến mức cái tên thật của anh ta biến mất, chỉ còn cái tên “Choảng”. Choảng nói: Đó là một “ngón nghề” cao siêu của tay giám đốc một mắt này. Có gì đâu, cái việc tay kế toán trưởng Cổn và cô nhân viên nọ, cả hai đều đã có vợ có chồng, nhưng lại tình ý với nhau, thì cả cơ quan biết từ lâu. Tùng cũng không lạ. Nguyễn Văn Cổn là một tay kế toán trưởng rất máy móc, rất “nguyên tắc cứng đờ”. Làm thủ trưởng mà vớ phải những tay dưới quyền như thế, thì ai mà chả khó chịu. Tùng không chỉ khó chịu, mà còn cay cú nữa, bởi Cổn luôn luôn là trở ngại cho mọi quyết sách kinh tế của anh ta. Phải thanh trừng thôi. Nhưng kế toán trưởng lại là một chức danh do cấp trên bổ nhiệm, không dễ gì Tùng có thể phế truất được. Phải đợi thời cơ. Thế là lần ấy, khi có công việc phải lên Bộ tập huấn về nghiệp vụ kế toán mới, Cổn đi là đúng đối tượng rồi, nhưng rất tế nhị, Tùng cho gọi kế toán trưởng đến, trao đổi về dự kiến kế hoạch đào tạo “nguồn” của cấp ủy, và “hở” cho Cổn biết, lãnh đạo quyết định nhân dịp này cử cả cô nhân viên nọ đi cùng Cổn để nâng cao nghiệp vụ, sau này có điều kiện, sẽ đề bạt. Cổn chỉ nghĩ đến được đi công tác xa nhà dài ngày cùng cô nhân viên mà mình trộm yêu thầm nhớ bấy nay, thì đã sung sướng đến tột độ, chả còn đầu óc đâu suy nghĩ tới việc gì khác nữa. Thế là Cổn trúng kế. Thế là Tùng “mở cờ trong bụng”. Thế là… như kết cục mà chúng ta đã biết ở phần trên! Từ sau lần ấy, Cổn như con “chi chi” trong tay cờ bạc bịp Tùng. Tát cả những gì lâu nay vướng “nguyên tắc” không làm được, thì nay đều được Cổn “vận dụng”, vượt qua hết. Việc chi tiêu trong cơ quan trở nên hết sức thông thoáng, thoải mái. Thủ trưởng Tùng phấn khởi ra mặt. Người ta nói: Tùng đã thuần hóa rất tài tình con ngựa bất kham Nguyễn Văn Cổn. Thì còn gì nữa? Bị tội tầy đình đến như thế, không tan cửa nát nhà, không mất đảng, mất chức, thì sau này Tùng chết đi, Cổn không chống gậy đi sau quan tài, thì Cổn không là giống người nữa! Hẳn thế thôi! Không ai biết thủ trưởng Tùng bằng thằng này. Quỳnh lác nói. Hồi mới ký Hiệp định đình chiến ở Giơ-ne-vơ, thủ trưởng Tùng hồi đó còn tại ngũ, được giao nhiệm vụ “chống dụ dỗ di cư”. Công việc thật khó khăn phức tạp. Làm không khéo, sẽ mang tiếng là mất dân chủ. Thủ trưởng Tùng rất có sáng kiến nhé! Các cậu biết sáng kiến thế nào không? Đơn giản thôi, thủ trưởng cho đơn vị mặc y phục như nông dân, thấy đám người tu tập đón đoàn xe của phái đoàn giám sát đình chiến quốc tế, thì thủ trưởng của chúng ta cũng cho anh em bộ đội (đã cải trang làm dân thường) ra đường đợi. Lùi ra sau, chứ chưa cần lên phía trước. Cũng là để dễ phát hiện ra những tên cầm đầu. Đợi đến khi xe phái đoàn gần tới nơi, thủ trưởng Tùng mới vẩy tay ra hiệu cho toàn đơn vị tiến lên. Cứ mỗi chiến sỹ túm gáy hai tên kéo lùi ra sau, rồi chen lên thay thế. Cũng chìa ra những lá đơn kiến nghị, nhưng là những lá đơn phản đỗi Mỹ Diệm phá hoại Hiệp định đình chiến. Việc làm đó đã được diễn tập rất kĩ, làm sao thật giống một sự chen lấn, tranh nhau lên trước để đưa đơn cho phái đoàn mà thôi. Khi phái đoàn đi rồi, thì đơn vị của thủ trưởng Tùng cũng rút. Thế là bọn xấu bị vô hiệu hóa. Không cần dùi cui, vòi phun nước mà vẫn giải tán được đám người xấu và người bị dụ dỗ. Lại còn đưa được tận tay các thành viên Phái đoàn Quốc tế, những bản kiến nghị đòi Mý Ngụy thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Giơ-Ne-Vơ. Thánh chưa? Mưu của thủ trường Tùng chúng ta đấy! Không hiểu sao mà ở cái cơ quan này lại tụ tập nhiều kẻ dị thường đến thế. Chỉ xin kể ra đây một trong số đó, Bác sĩ Khuy. Tay này nổi tiếng trong lĩnh vực khám bệnh: với người đến xin việc, thì trăm người đến khám lần đầu đều nhận kết quả như nhau: không đảm bảo sức khỏe làm việc. Nhưng chớ tuyệt vọng, chỉ cần xin bác sỹ cho dịp khám lại, vì có thể hôm nay hồi hộp quá, hoặc viện ra bất cứ một lý do gì có thể nghe được. Tiếp đó, phải đem quà gặp riêng bác sỹ. Thế thì lần sau khám lại, trăm phần trăm đạt yêu cầu! Riêng với nữ công nhân viên thì bác sỹ có một cách khám khác. Cô nào trẻ, hình thức nom được, thì bác sỹ khám nằm, đương nhiên là phải kéo ri đô lại. Bênh gì mà khám thế ư? Bất cứ bệnh gì. Bà nào có tuổi, nhan sắc kém, khám ngồi. Nghĩa là cứ ngồi đấy mà chờ. cho dù bác sỹ chỉ bận ngồi uống nước, tán gẫu với ai đó. Ráng đợi. Rồi cũng đến lượt. Bác sỹ ngồi từ xa, bác sỹ hỏi bệnh. Rồi bác sỹ ngồi từ xa, bác sỹ kê đơn. Cho nên ở cái công ty này, muốn biết “độ thu hút về nhan sắc” một nữ công nhân viên nào đó, người ta chỉ cần hỏi xem khi khám bệnh, người đó được bác sỹ xếp vào diện “khám ngồi” hay “khám nằm”! Tay này mà làm sơ khảo thi hoa hậu thì tuyệt đến mấy! Nhưng được cái bác sỹ Khuy rất khéo, tháng tháng dù thủ trưởng Tùng chỉ hắt hơi sổ mũi, hay đang khỏe như vâm; nhưng đều đặn, Khuy vẫn mượn y bạ của thủ trưởng về ghi một cái bệnh gì đó vào đấy, để cấp cho thủ trưởng vô số là thuốc bổ từ “bê đui” (B12), đến “tráng dương bổ thận hoàn”… Cũng đúng thôi, công ty giống như một con thuyền, sức khỏe người cầm lái bao giờ cũng là quan trọng nhất, phải được quan tâm nhiều nhất. Đừng có tị nạnh mà bị xếp vào danh sách những kẻ chống đối, thì nguy. Sếp Tùng có vợ, nhưng bà sống một mình ở nhà quê. Bà cũng là đảng viên, khi trẻ cũng đã phấn đấu làm đâu tới chức phó chủ tịch xã gì đấy. Năm thì mười họa, thủ trưởng mới ghé về quê thăm bà xã một lần. Tiếng là thăm, nhưng chỉ ghé qua, ném cho vợ gói quà nho nhỏ, rồi chân trước chân sau, lên xe con đi luôn. Chả trò chuyện gì mà cũng chả ngó ngàng gì đến vườn tược nhà cửa. Người ta đồn Tùng mắc bệnh sinh lí. Chăng rõ thực hư thế nào. Thủ trưởng Tùng không con. Nhưng có rất nhiều con. Em Mai, em Nguyệt, em Hằng,… đều là những con nuôi của thủ trưởng, tuy thủ trưởng chả hề nuôi các em lấy một bữa. Điểm đặc trưng của các em này là tuy đều là con nuôi sếp Tùng, nhưng chả em nào quý em nào sất! Mỗi em một nanh một mỏ! Song, quả thủ trưởng Tùng có một con nuôi thực sự. Đó là cô cháu gái con ông anh, sống tận bên Thái Lan. Cháu theo chú về nước từ hồi còn bé. Bố cháu muốn cháu sớm được hưởng một nền giáo dục cách mạng, cho dù có phải hy sinh tình cảm cha con. Vả lại, “sẩy cha còn chú”, nên cũng yên tâm. Các cụ nói: “công đẻ không bằng công nuôi”. Thủ trưởng Tùng tốn công sức nuôi cháu lắm chứ! Và đứa cháu hẳn cũng rất biết ơn chú. Lớn lên, chú Tùng lại xin việc cho, rồi lớn nữa thì chú tìm chỗ tử tế, lo gả chồng cho… Những năm chiến tranh, Việc liên lạc giữa hai anh em sếp Tùng rất khó khăn. Nhưng không hiểu sao, thi thoảng người ta lại thấy sếp có một thứ đồ dùng mới. Khi thì chiếc đồng hồ gắn mấy hạt xoàn, khi thì chiếc xe đạp hoàn toàn làm bằng “đuya-ra”. Rồi những chiếc nhẫn to khự, những bộ đồ đắt tiền. Toàn hàng trong nước “bói” không ra. Sếp Tùng còn nổi tiếng là một “dân” ăn uống rất sành điệu. Phở thì phải “phở Đán”, thịt chó thì phải “thịt chó Dục”, cà phê phải là “cà phê Côn”; cửa hàng ăn thì chỉ có “tám ba Bến Thóc”. Dân Hà Nội được đến ăn ở Phú Gia là ghê gớm lắm. Ấy vậy mà lại có câu ca: “khách sạn Phú gia không bằng tám ba Bến Thóc” đấy! Đùng một cái, người ta thấy thủ trưởng Tùng chuyển nhà về quê, cách thành phố tới bốn năm chục cây số lặn. Về một mình, để lại gia đình đứa con nuôi ngoài thành phố. Một người sống lâu năm ở thành phố, lại sành điệu ăn chơi như thủ trưởng Tùng, mà nay nghỉ hưu, phải vè sống ở miền quê hẻo lánh, thì thật không sao hiểu nổi. Mà về quê với bà vợ đã từ rất lâu không còn một tí ý nghĩa vợ chồng, thì thử hỏi còn buồn đến đâu chứ? Này! Cuối cùng thì cái mặt nạ giả nhân giả nghĩa của thằng cha ấy cũng phải rơi xuống đất rồi nhé! Lại vẫn cái giọng bất mãn của cái tay kỹ thuật có cái tên gọi chệch đi là “Choảng”. Chính tớ vô tình bắt gặp cảnh tượng đứa cháu gái quăng đồ đạc lão ra đường, đuổi đi mà! Nhưng sao nó lại bất nhẫn với chú, với bố nuôi nó thế? Chả gì thủ trưởng Tùng cũng thay cha nuôi nó từ tấm bé,…Vậy mới nên chuyện! Choảng nhấm nhẳn trả lời. Đầu đuôi thế nào, cậu kể nghe xem nào? Có gì lạ đâu. “Tham thì thâm”, sự đời xưa nay vẫn thế cả. Tiền của bố nó, tức của cái ông anh ruột tay Tùng mà các vị tôn sùng ấy, gửi về rất nhiều. Nhưng Tùng tham, lẩm cả, chỉ són cho đứa cháu gái, ấy chết đứa con nuôi ấy một chút síu gọi là. Nếu không có giải phóng đất nước, việc giao lưu giữa ta và các nước láng giềng được khai thông, thì mục đời, đứa cháu vẫn cứ yên trí, chú mình, bố nuôi mình là một người nhân nghĩa. Ai dè đó lại là một gã lừa đảo, tham lam đến độ không còn tình máu mủ. - Hình như gì nữa, đúng quá rồi còn gì. Chính thằng này vô tình đi qua, gặp ngay lúc đứa cháu gái cùng với chồng nó, đang hầm hầm chỉ mặt thằng chú, đuổi ra khỏi nhà. Tao cũng không vừa, cố tình đến sát tận nơi cho cả hai chú cháu nom thấy, để nó biết là tao chứng kiến hết cả rồi, đừng có giả nhân giả nghĩa với tao nữa! - Ông hả hê lắm nhỉ? - Hả chứ sao không hả. Chúng mày lạ gì hắn đểu giả với tao như thế nào? Thôi thế là “ác giả ác báo” nhãn tiền!.. Thói đời “giậu đổ, bìm leo”. Ngày xưa thì “bố bảo”, một “Choảng”, chứ mười “Choảng” cũng không dám phát ngôn kiểu ấy! Câu chuyện thủ trưởng Tùng bị con nuôi đuổi, phải về quê sống nương nhờ vào vợ, một người đàn bà đã qua tuổi lục tuần, không con, khô đét như một con cá mắm… đã tao ra những phản ứng khác nhau trong đám nhân viên cũ của Tùng. Người bênh Tùng thì nói: Thời buổi này đạo đức suy đồi đến thế đấy! Người ta tuy không là cha đẻ, nhưng nuôi nấng từ bé, gây dựng cho như thế… Thật không ra làm sao cả! Kẻ chê Tùng thì lại lý luận: Phải có nguyên cớ làm sao chứ, bởi vì bao nhiêu năm sống với ông ta, vợ chồng cô cháu có phản ứng gì đâu? Chỉ từ sau ngày đi Thái Lan gặp bố về, mới sinh ra như thế đấy chứ. Chắc cũng ăn bẫm của ông anh rồi, bây giờ bố con gặp nhau, mới biết bụng ông chú toàn phân cả, thối tha quá, không nén được giận. mà chắc lúc này ông bố cũng đã khánh kiệt, chứ nếu vẫn giầu có, thì chắc chưa đến nỗi cô cháu phải xử sự cạn tầu giáo máng, cạn tình cạn nghĩa đến như vậy. Chỉ có đám “con nuôi” thủ trưởng Tùng là không thấy có bình luận gì. Im lặng, chắc là cách bình luận khôn ngoan nhất của họ lúc này!.. Mấy tay thân cận như bác sỹ Khuy, kế toán trưởng Nguyễn Văn Cổn,… đều đã “lặn tăm” từ ngay sau khi Tùng có quyết định về hưu. Ngày Tùng khăn gói quả mướp vè quê, chỉ có mỗi mình “Choảng” đi “tiễn”. Hắn vừa đi song hàng với Tùng, vừa nhảy chân sáo, vừa bô lô ba la như một thằng điên! Trông bộ dạng hắn, Tùng cũng điên lắm, nhưng đành nhịn. Con cháu trong nhà còn thế, nói chi người ngoài?!. Thôi thì “một điều nhịn chín điều lành”, mà lúc này đây, ai chứ ông Tùng thì cần cái “điều lành” quá đi, dù chỉ một chứ đừng nói là chín!...