Đại hỷ lâm môn!
Kỳ hỷ lâm môn!
Tay cầm tờ Quyết định bổ nhiệm phó giám đốc phụ trách tổ chức - hành chính của xí nghiệp, tôi reo lên, vừa đi vừa chạy, người nhẹ bẫng, tưởng chừng chỉ cần nhún nhẹ một cái là có thể bay lên được. Mà hình như tôi đang bay thật: Gió thổi ù ù bên tai, ngực áo phanh ra bay phần phật, hơi mát tràn ngập không gian khiến toàn thân thoải mái, dễ chịu vô cùng. Dưới kia, trong lòng đường các phố, dòng người vẫn không ngừng ngược xuôi tuôn chảy, tất bật mưu cầu. Những bộ mặt ngơ ngác loay hoay tìm kiếm, những cái cười khoái trá, những khuôn mặt đăm chiêu, những bộ mặt hớt hải, những cặp mắt lơ đãng vô hồn, những cặp mắt quặu vọ như xoắy vào đâu đó, những tờ vé số bay tơi tả, những quyển vở học trò lem nhem quăn mép, mấy quả cà muối lăn ra từ một cái cặp lồng ăn trưa của một viên chức nào đó đang nằm sóng xoài ở một ngã tư vì vừa bị đụng xe … Hình như có ai đó đang nắm lấy vai tôi mà lắc. Sao lại thế này, vớ vẩn, người ta đang bay thì … Đang định quát lên thì cảm thấy bả vai đột nhiên đau rát. Mở mắt, thấy bà xã đang ngồi bên, lấy tay phát đen đét vào vai mình: “Dậy, dậy đi!”. Tôi nhận ra mình đang nằm trên giường, phía chân giường là cái quạt Tàu MD đang quay tít thò lò … Giời ạ! Té ra là một giấc mơ! Tôi ngẩn người vì tiếc và, rất nhanh, một phản ứng bực dọc liền phát tác; tôi gắt lên như mắm:
- Cái gì thế? Đang ngon lành bay bổng thì …
- Ăn gì mà ngon lành? Mơ thấy con nào mà bay bổng? - Bà xã kiềm chế, gìm giọng xuống.
- Là nói thế, chứ có ăn uống bay lượn gì đâu. Mẹ mày … đúng là … cái đồ sư tử nghiệp dư.
- Nghiệp dư … nghiệp dư thế là còn may đời cho anh đấy. Khiếp đời! Ngủ gì mà lay hết hơi không được. Nhà Hợi Sửu lại có chuyện đấy. Sang xem thế nào, không nó đánh con bé chết mất!
Tôi vùng dậy như một cái máy, trên người vẫn chỉ có độc cái xà lỏn, mở toang cửa, chạy vội sang. Trong ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn ngủ vàng cạch, thấy Hợi giơ nắm đấm loạng choạng lao vào vợ. Sửu tránh được và tiện tay vớ lấy con dao chẻ củi dựng ở góc nhà, vung lên. Tôi nhảy vào, đứng chắn ngang giữa cặp gà chọi không chuyên và, lập tức, cảm thấy đau chói ở sống lưng. Sửu vẫn loay hoay phía sau lưng tôi, hổn hển: “Chết, bác có làm sao không? Bác cứ kệ em, lần này để em tay bo với nó! Lành làm bát, vỡ cho đi bãi rác Thành Công luôn!”. Thì ra Hợi đi uống rượu ở đâu đó, về nhà lại quậy như mọi khi. Không khó khăn gì lắm, trật tự được lập lại ngay. Tôi ấn Hợi xuống giường, lấy hai tay giữ lấy vai và, chẳng phải chờ lâu, căn phòng tám mét vuông đang lanh tanh bành ấy đã tràn ngập tiếng ngáy hiền lành vui vẻ của gã đàn ông trẻ.
Có tiếng loẹt quẹt ngoài cửa. Ngoảnh lại, thấy anh Hoàng đã đứng đấy, hai tay chắp sau lưng, giọng ngái ngủ nhưng nghe vẫn sang sảng, đĩnh đạc:
- Hừ! Chú Hợi lại rượu chè hả?
Chị Lan Anh, vợ anh Hoàng, trên đầu đầy những ống nhựa cuốn tóc, lùng bùng trong bộ đồ kimônô hàng chợ, len qua chồng, phả vào nhà mùi nước hoa chợ Đông Hà, dợm bước vào:
- Khiếp quá, rượu chè thì có ngon lành bổ béo hay ho háo hức hoan hỷ gì làm hàng xóm mất cả ngủ nghê nghỉ ngơi ngày mai lấy sức đâu mà làm việc. Cô Sửu không bị sao chứ thời buổi này bọn đàn ông ra dáng đáng mặt một tý rủ nhau vượt biên hết tiệt rồi hay sao ấy còn lại chẳng được mấy anh ra hồn ra mẽ.
°
Nhóm tiểu dân cư của chúng tôi có ba gia đình, sống trong ngõ của một con phố cũ. Nói là trong ngõ, nhưng thực ra là nhà trong của một ngôi nhà vốn thời Pháp thuộc là của một chủ. Về sau, không hiểu vì không thích sống chung đụng hay vì lý do nào đấy, con cháu của người chủ đầu tiên bán dần phần được chia thừa kế của ba gian phía trong cho chúng tôi. Thấy bảo mấy gian nhà này trước đây là kho chứa hàng của gia dình.
Gia đình anh Hoàng ở gian trong cùng, chung một bức tường với khu vệ sinh, chất lượng dưỡng khí không được “ISO” lắm. Chị Lan Anh, vợ anh, tốt nghiệp hệ tại chức trường đại học công đoàn, nói năng lưu loát và đanh thép, là hoà giải viên ở phòng tư pháp quận, rất say mê tin tức và đã từng được Hội phụ nữ quận bình chọn là Người phụ nữ mới xã hội chủ nghĩa. Anh là cán bộ tổ chức của Bộ xây dựng, ứng xử theo phong cách xà quyền, có lúc đạo mạo, nhưng cũng có khi hơi bị lễ độ, tuỳ theo hoàn cảnh và đối tác. Anh chị có một thằng con đang học lớp tám, bé tuổi và ít cười, suốt ngày cứ đăm chiêu, vò võ cắm đầu vào đống sách vở; đôi mắt lúc nào cũng lồi ra sau cặp kính trằng khá dày.
Gia đình tôi ở gian tiếp theo. Hai vợ chồng cùng làm trong công ty môi trường đô thị, trình độ tuy là trung cấp phọt phẹt, quanh năm chỉ tiếp xúc với những sổ sách và văn bản về rác thải, nhưng được cái “thượng sỹ lâu năm, mằm trong cấp uỷ” kéo lại. Chúng tôi có một bé gái vừa xinh xắn, vừa nhanh nhảu; đi học về, buông cặp sách là tìm ngay một việc gì đó để làm, không cần phân biệt rằng đấy là việc nhà mình hay việc hàng xóm; tính tình thật chẳng khác gì bà nội.
Ngoài cùng của dãy nhà là gia đình chú Hợi cô Sửu. Chú Hợi làm nghề tài xế, chuyên chở vật liệu cho một công ty xây dựng, đã về nghỉ mất sức vì cơ quan dạo ấy không có việc. Cô Sửu ngồi bán hàng mã ở chợ Đồng xuân. Con Cún, thành quả của một tình yêu ốn ào phớ lớ, năm ấy mới lên năm tuổi, suốt ngày bị giam ở nhà trẻ mẫu giáo lớn; cứ về đến nhà là ca hát luôn mồm và thỉnh thoảng lại vòi vĩnh con gái tôi: “Chị ơi, gấp cho em con chim hoà bình bằng giấy trắng thắt nơ mầu hồng!”. Trong ba nhà, mức sống nhà cô Sửu có lẽ là trội hơn cả, sắm được cả trò chơi điện tử và đầu quay băng video. Nhưng nhà cửa thì chật chội và luộm thuộm cỡ “top”. Và điều làm phiền lòng các hàng xóm nhất là tình hình chính trị gia đình mất ổn định; nội chiến, hoà bình tự do và hạnh phúc đan xen lẫn lộn, tưởng như không bao giờ dứt. Cũng bởi tại cái cô Sửu ngồi lâu ở chợ, những lúc vắng khách còn buôn thêm cả “dưa lê” nên tiêm nhiễm tiến bộ, đột nhiên dở chứng, có ý muốn phá tan cái nền độc trị phụ hệ trong nhà và nhiệt tình cổ vũ cho tinh thần sòng phẳng, chơi đẹp. Dạo này đã đỡ hơn trước vì cô đã nhận ra thế nào là sức mạnh của nền cơ học cổ điển. Quả thụi, hàm chứa khối lượng và gia tốc; tuy là vũ phu, là thô bỉ, có khả năng làm tổn hại đến những cấu trúc hữu cơ chứa gien di truyền và có thể làm đình đốn hoạt động của các phầm mềm điều khiển sự vận hành của các cấu trúc đó, nhưng nó xác lập được lẽ phải và trật tự.
Mỗi khi tôi có điều gì bực bội, cáu kỉnh hay vì sơ ý mà tỏ ra bất nhã, vợ tôi lại ca bài: “Lại học theo cái thói của chú Hợi, có hay hớm gì!”. Và tiếp theo, bao giờ cũng là một khúc tâm tình đượm màu tư vấn, đậm đà bản sắc cầu thị và tinh thần hướng thượng: “Chả phải đi đâu xa, cứ nhìn bác Hoàng mà học. Chẳng bao giờ thấy bên ấy to tiếng. Người có học thức người ta sống có học thức … lịch sự, nhỏ nhẹ và trật tự. Để ý mà xem, bác ấy vừa tôn trọng vừa thương vợ con; bác Lan Anh chỉ việc đi chợ, còn lại những thứ nấu nướng, giặt rũ, một tay bác ấy thầu tất!”. Thì vẫn biết là như vậy. Thành thử tôi không bao giờ phản đối bà xã vì những lời tư vấn đúng không cựa vào đâu được ấy. Nhưng, trong thâm tâm, tôi và con gái tôi luôn cảm thấy, với gia đình nhà chú Hợi vẫn có cái gì đấy gần gũi, thoải mái hơn. Nói năng, giao thiệp với bên bác Hoàng là phải nghĩ trước nghĩ sau, mỏi lắm; với nhà Hợi thì vô tư đi! không phải nắn nót tác phong, so đo câu chữ, ý tứ của mình thế nào cứ việc hồn nhiên mà phát tác ra như thế, nên tâm tư thấy thoải mái bình ổn.
Sau lần tôi lãnh trọn cái sống dao chẻ củi vào lưng khoảng mươi hôm, có người bạn dưới Hòn Gai gửi lên cho một ít đồ biển. Nhân trong lòng đang có điều vui vẻ đắc ý ở cơ quan, muốn chia xẻ với hai hàng xóm, mới bảo bà xã: “Tôi muốn uống một chút với bác Hoàng, chú Hùng, mình sang mời giúp tôi nhé”. Bà xã tôi cười: “Thôi, em đàn bà con gái, lại đang dở tay nồi niêu, mình mời cũng được, nhưng khi sang bác Hoàng thì phải đi đứng cho ngay ngắn, hai bàn tay phải xoa xoa vào nhau thì mới khiêm tốn, thành khẩn”. Không chấp chi kiến thức nông cạn của đàn bà, tôi cười rộng rãi và ngó sang thấy bác Hoàng đang lúi húi đảo đảo cái gì đấy nghe xèo xèo trong chiếc chảo đen nhẻm.
- Nhà em hôm nay được thằng bạn gửi cho ít tôm với mực tươi, mời bác sang uống với em chén rượu nhạt cho vui.
Chính tôi ngạc nhiên đến đỏ cả mặt vì trước đấy một phút, đã rất coi thường lời dặn dò của bà xã, thế mà không hiểu sao lại nhận ra hai bàn tay của mình chẳng ai khiến mà cứ xoa xoa vào nhau thật lực. Bác Hoàng, tay cầm đũa, tay đưa lên quệt mặt, vô tình để lại một vệt đen bóng trên má, trình ra một nụ cười đậm đà bản sắc công quyền, hạ cố:
- Được, chỗ anh em, chờ cơm cạn, tôi sẽ sang!
Sau đó tôi chạy bổ sang nhà Hợi, hí hửng nhắy mắt, tay búng bộp bộp vào cục yết hầu:
- Này, có tí tươi, chú sang tao làm vài choác cho khí thế!
- Thế à? – Mắt Hợi loé lên vui vẻ – Được của nó đấy! Mấy giờ thì trọng tài cho các cầu thủ ra sân?
- Chỉ được thế là giỏi – Cô sửu đang ngồi rửa rau, ngoái lại mỉm cười, liếc xéo chồng, rồi quay sang tôi - Bác cho nhà em uống vừa thôi nhá!
Hợi đưa tay lên gãi đầu, cười hềnh hệch:
- Mẹ mày cứ yên tâm, tao chỉ uống đến năm hào là síttốp tắp lự.
- Dào ôi, còn lạ gì nữa. Thôi, đi rửa mặt, thay quần áo trước đi; lỡ về nhà có say thì lên giường cho đỡ hôi!
- Mẹ mày thiếu niềm tin vào người nhà. Nói cho mà biết: Một khi nhá, tao nhá, đã nói là năm hào nhá … cứ là kiên định luôn!
Cô sửu, đôi má ửng lên màu hồng nhẹ, cúi mặt sát xuống rổ rau:
- Phải gió! Có đi xách cho tôi xô nước không thì bảo!
- Ừ, xách chứ!
Hùng quơ một lần cả bốn cái xô, tung tẩy nhún nhẩy đi ra phía cái bể nước đào ngoài hè phố, miệng véo von một điệu “Tuýt” cũ mèm đã từng thịnh hành một thời:
Ngồi trên chiếc F4H bay tới sông Hồng
Bị phòng không Miền Bắc bắn rơi xuống đây
Chiếc xe trâu đưa tôi về (là) nơi cố hương
Và nụ cười cô du kích (đã) bắn rơi tôi …
Ta rát … chát chát
Ta rát … chát chát …
Khoảng nửa giờ sau, sau khi dọn mâm chỉnh tề, trọng tài (tức là bà xã nhà tôi) mới trịnh trọng “thổi còi”:
- Mời bác với chú xơi chén rượu với bố cháu cho vui!
Thế là hai đội cùng từ tốn ào vào sân. Riêng đội thứ ba, là anh Hoàng, phải mời thêm mấy câu nữa mới từ từ bỏ dép, ngồi xuống chiếu, mắt vẫn ngoái lại không rời cái màn hình tivi, ừng ực theo dõi cái lễ khai mạc kỳ họp Quốc hội. Thực cũng không uổng cái công của nhà đài.
Tôi cầm lấy chai rượu Johnnie Walker nhãn đỏ vẫn để dành từ hôm tết, toan vặn nút thì anh Hoàng ngăn lại, bảo tôi đưa cho anh. Anh cầm lấy, đột ngột lật ngược chai rượu xuống và quan sát.
- Bác làm thế để làm gì? – Tôi ngạc nhiên.
- Xem có phải rượu dởm không.
- Bác chỉ vẽ! – Hợi thôi cười, thoáng ý bất mãn.
Gắp một miếng mực xào, bác Hoàng gật gù:
- Cũng tạm được, nhưng cọng hành thái hơi dài.
Đến đấy, Hợi lừ lừ đứng dậy, bảo không biết tại sao bụng lại hơi lâm râm đau, rồi từ từ đi ra ngoài. Mãi sau mới mò vào. Hôm sau, tôi hỏi:
- Bụng dạ chú vẫn ổn đấy chứ?
- Có làm sao đâu. Cái lão ấy, rởm bỏ con mẹ. Lúc ý em định bỏ về, nhưng nghĩ làm thế không phải với hai bác quá, nên lại quay sang. Lần sau, nói cho dứt điểm, có lão ấy thì đừng gọi em nữa nhá!
Cái chú Hợi này, tính khí thất thường, lại không có ý thức kiềm chế, nên không thể lường trước được điều gì. Có lẽ vì vậy, cái gia đình của chú mới không giống ai, chẳng nên học theo, nhưng, thực tình có nhiều cái luôn làm tôi ngạc nhiên và bất ngờ. Một lần, buổi chiều có việc xuống cơ sở, xong việc thì đã bốn giờ. Tôi không về cơ quan nữa mà đi thẳng về nhà. Chú Hợi đang nằm trên ghế xem băng video, thấy tôi liền gọi vào:
- Còn sớm, bác gái chưa về, hôm nay có bộ chưởng Hồng Công mới ra.
Phải rồi, tôi nghĩ, hai mẹ con nhà này đi Bãi Cháy theo công đoàn, sớm thì cũng phải tám chín giờ tối mới về đến nhà. Thế là tôi xà vào thưởng thức nghệ thuật chưởng cùng Hợi.
Hơn bảy giờ, cô Sửu bước thấp bước cao, tay làn tay nón về đến nhà. Không thấy con Cún đâu, hỏi chồng:
- Con chưa về à?
- Bà ngoại vừa sang đón lúc chiều.
Sửu treo chiếc nón lên tường, rồi tất tả vào bếp. Lúc sau, bưng vào cho Hợi một bát tộ cơm, phía trên để đầy đủ thức ăn và một cái thìa; ý hẳn là để Hợi vừa ăn vừa xem phim cho tiện. Tôi mỉm cười, nghĩ bụng: Cô này chiều chồng thật. Chú này lởm khởm mà xem ra tốt phúc! Bỗng nghe một tiếng “cộc” khô khốc: Hợi dữ dằn dằn mạnh chiếc bát xuống mặt ghế, mắt quắc lên, đầy phè bất mãn:
- Cho bố mày ăn thế này à?!
Sửu lừ mắt. Với cái đà này – tôi chột dạ – tình hình sẽ diễn biến phức tạp, có thể sảy ra đàn áp. Nhưng không, nét mặt cô dịu lại:
- Mệt à? Hay mua cho bát phở nhé?
Hợi nhìn vợ, nghiên cứu, rồi hơi bối rối, làm một động tác phẩy tay và bắt đầu bưng bát cơm lên, chậm rãi ngoan ngoãn xúc từng thìa. Tôi choáng người vì vừa chứng kiến một “xen” vô lý ngoài sức tưởng tượng của nhân loại mà không sao lý giải nổi. Chỉ tiếc tôi không phải nhà văn để có thể dùng con chữ trình diễn lại, một cách toàn vẹn và gợi cảm, cho mọi người thấy những gì có thể xảy ra trong cái gia đình này.
°
Mấy tháng sau, đánh đùng một cái, nhà bác Huy mua được đất, làm nhà và chuyển đi. Qua tết nguyên đán năm ấy, cũng đánh đùng một cái, chúng tôi được cơ quan bán hoá giá cho một căn hộ tập thể. Qua hai việc này, lần đầu tiên trong đời, tôi chợt đoán ra thế nào là tình yêu sét đánh. Nhận thấy tình hình diện tích và các “tiện nghi” của căn hộ “sét đánh” so với căn nhà đang ở là ưu nhiều hơn khuyết, chúng tôi bèn hân hoan quyết định dọn đến cái chỗ “cũ người mới ta” ấy. Trước hôm dọn nhà, cô Sửu nghỉ chợ một buổi, làm một bữa liên hoan hai gia đình. Hôm sau, Hợi đích thân khuân vác, chuyển đồ đạc giúp tôi. Xẩm tối, khi Hợi ra về, bà xã tôi còn kéo lại dặn dò: “Vợ chú là phụ nữ. Phụ nữ người ta như bông hoa ấy chứ. Hoa cũ thì vẫn là hoa. Chú mà không nhẹ nhàng hơn, có ngày chết với tôi!”
°
Càng ngày, xã hội càng có nhiều rác rưởi. Rác cũng có thứ tử tế, cũng có thứ mất dạy. Rác cổ truyền, rác nhà quê, chóng tự phân huỷ, vẫn còn có cơ trở thành thức ăn cho cây cối, thì ít đi. Rác đời mới, vô cùng sột soạt, óng ánh, nhiều màu sắc, nhưng lại bẩn thỉu, độc hại và bền dai đến lạ lùng; nếu để chúng tự phân huỷ, không biết phải chờ đến bao nhiêu trăm năm. Về vấn đề xử lý rác đời mới, giới kỹ thuật trong công ty của tôi có hai trường phái: Trường phái Tây học cho rằng phải dùng công nghệ khoa học mới để chủ động triệt huỷ trong thời gian ngắn nhất có thể; Trường phái Ta học, ôn hoà hơn, lại chủ trương cứ phủ lên chúng một lượt đất, để cho chúng tự hoại và hoại lẫn nhau, bới lên làm gì, chỉ khổ mũi công dân. Vì vậy, họp hành liên miên, tranh luận gay cấn, công việc lu bù: Hết xây dựng nhà máy rác, lại đến áp dụng công nghệ mới, rồi di dời bãi thải, mua sắm thiết bị vận chuyển … và nỗi lo toan về cái gia đình riêng tư bé nhỏ vẫn cứ dai dẳng như không bao giờ có thể dứt được khiến, bẵng đi mấy năm bù đầu vì công việc, tôi vẫn chưa gặp lại những người hàng xóm cũ như ý định.
Một buổi chiều, hết giờ làm việc, thấy buồn bã quá, lại không muốn về nhà, tôi đạp xe đi lang thang. Tình cờ lại gặp bác Hoàng, cũng đang lững thững đạp xe. Tay bắt mặt mừng, chúng tôi rủ nhau vào một quán cà phê. Bác Hoàng nhìn tôi:
- Hẳn là chú đang có tâm sự!
Tôi ngạc nhiên bởi giọng nói của bác không còn sang trọng như ngày nào, mà lúc này có phần còn nhuốm màu quần chúng, gần gũi quan tâm.
- Sao bác biết?
- Nhìn bộ mặt và cái cách chú đạp xe thì đoán thế.
- Chán lắm bác ạ. Chúng em chắc bỏ nhau mất thôi. Về đến nhà, nhìn vợ, thấy cái mặt rắn đanh, cái mồm lúc nào cũng như cái loa phóng thanh cũ, buộc xộc xệch ở cây cột gỗ đã mục ở đầu khu tập thể, hết vấn đề tiền bạc lại đến nhèo nhẽo “ný nuận” về giới, em thấy ớn lắm. Chả nhẽ hôm nào cũng đạp xe lang thang thế này rồi chờ đến khuya mới về nhà!
- Đời bây giờ nó thế đấy. Chả giấu gì chú, tôi với cô ấy nhà tôi cũng vừa ra toà. Chắc bố con tôi lại dọn về nhà cũ. Thế chú đã ăn gì chưa?
Nghe câu hỏi ăn gì chưa, đột nhiên, một ý nghĩ loé lên trong đầu tôi:
- Tại sao không ghé nhà Hợi Sửu một tý nhỉ?!
- Tuyệt! – Mắt bác Hoàng sáng lên.
Gặp lại hai ông hàng xóm cũ, Hợi mừng líu lưỡi, chân tay quýnh quáng, hết đứng lại ngồi, loay hoay mãi như không biết phải làm gì. Vừa lúc ấy, hai mẹ con cô Sửu cũng về đến nơi. Hợi reo lên:
- Mẹ mày ơi, hai bác về chơi đây này!
Sửu dựng vội cái xe, hấp tấp đi cả đôi dép bẩn vào nhà:
- Gớm, hai bác đã đi là cứ biền biệt, chả có tình cảm gì cả … con Cún nhà chúng em, không biết làm sao, thỉnh thoảng cứ nhắc đến hai bác, nghe đến sốt cả tiết!
- Thôi, dài dòng quá, mẹ mày xem có gì để tao uống với hai bác một trận cho đã!
- Chỉ có thức ăn thường thôi. Để tôi chạy ù ra chợ Hôm, lòng lợn của cái nhà cột đèn ngon lắm.
Ra đến cửa, cô nàng còn ngoái lại, xoe xoé:
- Phải giữ hai bác ở lại đấy nhá!
- Cái giống đàn bà nói dài nói dai – Hùng lừ mắt, dậm chân – có đi nhanh hay không thì bảo!
Sửu tong tả dắt xe đi ra, chân cuống lên, vướng vào cái bàn đạp, dúi dụi xuýt ngã.
Con Cún từ nãy vẫn đứng bên cửa. Trông thấy con, Hợi cười ngượng ngịu, vẫy nó lại, bảo: “Cái mày hỏi hôm trước, bố không biết. Tiện có bác Hoàng, để bác giảng cho”.
Bác Hoàng cười, vẫy con Cún lại bên mình:
- Cháu yêu ai nhất?
- Bố mẹ cháu.
- Tại sao?
Mặt nó ngây ra. Chắc chưa bao giờ nó nghĩ đến điều này.
- Cháu không biết. Cháu thấy yêu là yêu thôi.
Bác Hoàng cười, xoa đầu nó:
- Thế bé muốn hỏi bác cái gì nào?
- Bác ơi, con giun có ích không?
- Có, nó làm cho đất trở nên xốp hơn, mầu mỡ hơn, cây trái tốt tươi hơn.
- Chúng nó, ở lớp cháu ý, bảo đem chặt đôi, giun vẫn không chết. Thật thế hả bác?
- Thật.
- Hay bác nhỉ! Nhưng tại sao cơ?
- Vì nó là giống cấu tạo đơn giản.
- Như thế là... đơn giản thì không chết ạ?
- Chứ sao? Bé thông minh lắm!
Con Cún ngẫm nghĩ một lát, rồi hớn hở khoe:
- Đúng rồi, hôm nọ cháu trông thấy một con kiến bị ngã từ bậu cửa sổ xuống đất mà không bị làm sao, vẫn chạy được luôn như cũ đấy. Bác ơi - Con bé đưa bàn tay xinh xắn lên vén mấy sợi tóc xoà xuống trán, cười thỏ thẻ - sao bác giỏi thế, hơn cả bố cháu đấy!
NLT

Xem Tiếp: ----