Cái tết năm một chín bảy mươi là cái tết sau cùng tôi dược xum họp với gia đình, cận kề mẹ gìa và hai đứa em gái. Những ngày tết qua mau làm tôi phập phồng hồi hộp vì ngày trình diện đơn vi càng gần hơn. Đơn vị tôi sẽ tới là TD 222PB hậu cứ đồn trú tại trại Nỏ Thần Tiểu khu Bình Định xa lắc xa lơ, nơi mà tôi chưa hề bao giờ biết tới, chưa có thể hình dung được nó ra sao, ngoại trừ một mớ kiến thức nhỏ nhoi trong bài hoc Sử Địa về...Đồng bằng Nam Ngãi Bình Phú. Lúc còn ngồi học bài này tôi chả hề bao giờ nghĩ mình có ngày sẽ đi lang thang trên nhửng địa danh này....Ấy thể mà những điều chẳng ngờ lại đã xẩy ra.
Những ngày tết thiệt vui với gia đình như còn theo tôi mãi khi ngồi chờ chuyến bay ta.i sân bay Quân đội Biên Hoà. Tại đây tôi quen được với Phiên, người Trung sĩ thông dịch viên, anh rất rành về những sinh hoạt của những phi trường mà đa số là những chuyến bay của Mỹ, còn tôi một chuẩn uý mới toanh, lần đầu tiên bước vào một sân bay nhà binh mà lại toàn là người Mỹ, mà cái vốn Anh ngữ chỉ nằm gọn trong những quyển English for Today....nên thật đúng như một gã nhà quê, ú a ú ớ kiểu mán rừng. Cái bụng đói meo mà chả biết làm sao kiếm đâu mua được ổ bánh mì...May có Phiên, anh ta bảo với tôi:
- Vào quày hàng PX mua cái gì cũng có
- Hình như họ xài tiền Đô...tôi làm gì có Đô la đâu chứ...
Phiền tỏ ra rành rẽ chỉ dẫn cho tôi:" Không sao, chuẩn uý cứ xếp hàng lấy những gì Chuẩn uý muốn...xong tới quầy tính tiền C/U đưa ra tờ giấy gì cũng được có con dấu xanh đỏ thế là cô tính tiền người Việt sẽ tính bằng tiền Việt Nam cho ông..." Tôi bưng một dĩa đồ ăn...lo lắng tới quầy tính tiền và y chang như lời hướng dẫn của Phiên tôi chìa ra tờ Sự vụ lệnh trình diện đơn vị mới...thế là tôi được trả bằng tiền Việt...Tôi cũng quên không hỏi Phiên là tại sao cần có tờ giấy dấu mộc xanh đỏ....Cái bụng đã no, tôi uể oải ngồi trên ghế chờ ngủ gà ngủ gật cho đến khi nghe thông báo :
- Xin mời quí hành khách đáp chuyến bay số...đi Qui Nhơn, vui lòng mang hành lý xếp hàng tại cổng số 6 để lên tàu...
Tôi giật mình xách cái ba lô đứng lên một cách nặng nề, tiếng thở dài vẫn cứ tuôn ra dù tôi cồ kìm hãm. Rời xa gia đình, rời xa quê hương, rời xa những tháng năm, những nơi chốn đầy ắp nhửng kỷ niệm tuổi học trò, dấn thân vào những gian khổ, những hiểm nguy không lường...bạn bè đã có mấy đứa hy sinh...làm lòng tôi chùng lại, buồn phiền. Nhớ hình ảnh Mẹ già và hai đứa em đưa tiễn tôi mãi tới cổng Phi trường, tôi chợt muốn khóc...Xa rồi, xa thật rồi, không biết ngày nào mới trở lại
Ngồi trên máy bay mà đầu óc nó bay về đâu, hai hàng ghế được đan bằng những sợi dây dù tròng trành, ngồi gò bó, lúc đầu thiệt không thoải mái chút nào nhưng sau quen dần thấy cũng êm ái lắm. Lúc này tôi mới nhớ tới Yến và lá thư mà cô bé gởi cho tôi ngày hôm qua...Tôi mở lá thư ra:
Kinh thành mộng mơ ngày...tháng...năm...
Thành Cát Tư Hãn yêu thương của em.
.........................................................
.........................................................
"Nói làm sao hết những âu lo của em đây ? Nói làm sao hết những nhớ nhung, những thương yêu của em đây ? Nhưng hãy yên tâm mà rong ruổi bước ngựa thần...Ngay lúc Thành Cát Tư Hãn đọc thơ này thì em đang qùi trước tượng Phật trong chùa Bửu Lộc Tự dể thỉnh an cho Ngài để những bước ngài đi có sự may lành độ trì..."
............................................................................
...........................................................................
Tôi mỉm cười với đoạn thư này và tự nghĩ:" Trời đất ơi Thành Cát Tư Hãn ngày xưa võ nghệ đầy mình, can đảm vô song...Còn tôi bây giờ trói gà không chặt, nhát như thỏ đế...chỉ được cái bạo miệng nói bừa...nhất là với mấy cô gái nhẹ dạ như Yến... Làm sao mà so sánh tôi với Đấng Anh hùng thảo nguyên Mông Cổ, bách chiến bách thắng vậy cô nương...làm tôi xấu hổ muốn chết.". Tôi đọc đi đọc lại lá thư vài lần và chìm vào giấc ngủ bằng lời ru êm êm của tiếng động cơ chiếc C130.Trong giấc ngủ ngắn ngủi tôi mơ thấy chiến tranh, khói lửa, những lời ca buồn ảo não, những mất mát, những chia xa.....
( Chuyện giữa tôi và Yến cũng nhiều phức tạp. Chúng tôi năm người:Thiện, Tôi, Đấu, Yến, Tiên...cùng dạy tại trường Trung học tư nọ. Tôi đúng ra là rất mê Tiên, nhưng Tiên lại thích Thiện cơ, còn Yến thì lại thích tôi....Năm huynh muội kết nghĩa chúng tôi rốt cuộc rồi không đi tới đâu cả. Thiện phi công trực thăng có lần bị bắn rơi trên vùng trời Cam Bốt may mà chỉ bị gãy chân rồi sau đó bị một cô chính hiệu nhà quê bắt cóc và Thiện đã một lần nức nở hát "...Sao không chết người trai khói lửa mà chết người em nhỏ hậu phương..." Vợ Thiện sanh khó và đã qua đời. Rồi tới Đấu lấy một tiểu thơ đài các....Yến lấy một Trung uý thiết giáp, Còn tôi và Tiên lận đận tình duyên, chậm trễ đời người. Có lần gặp lại Tiên sau năm 75 tôi nửa đùa nửa thật:" Hồi đó ngũ muội chịu thương huynh thì biết đâu giờ này...". Tiên thở dài chắc buồn cho má hồng phận bạc:" Thôi mà huynh đừng nhắc chuyện xưa nữa..." Tôi nhìn thấy hai giọt nước long lanh trong khoé mắt Tiên.)
Khi tôi tỉnh dậy thì chiếc C130 đã đáp xuống phi trường Qui Nhơn. Tôi là người sau cùng ra khỏi máy bay. Tôi như con nai ngơ ngác chả biết đi về đâu, móc tờ Sự vụ lệnh ra, đọc đi đọc lại chỉ thấy đề là trình diện Bộ chỉ huy TD 222PB mà không thấy có cái địa chỉ của TD tọa lạc nơi nào. Tôi ngoắc anh xích lô và hỏi " anh có thể đưa tôi tới chỗ này không ? Tôi vừa nói vừa chỉ cho anh ta tên TD tôi sắp tới. Anh ta lắc đầu " em không biết TD này ở chỗ nào".Tôi lại càng thêm bối rối " chết thật biết làm sao bây giờ. Tôi chợt nghĩ mình cứ về Tiểu khu hỏi may ra họ chỉ đường cho mình :" Này thôi anh có thể đưa tôi tới Tiểu Khu được không? "Dạ được ". Thế là tôi leo lên xe xích lô dạo qua vài ba con phố. Thành phố Qui Nhơn những năm 70 cũng khá xầm uất, náo nhiệt, cảnh buôn bán tấp nập cũng như một vài nơi mà tôi biết, hàng hoá thường là để bán cho những quân nhân nước ngoài: Mỹ, Đại Hàn....Tôi vào trình diện Tiểu Khu và được TK cho xe đưa tôi tới Hậu cứ của BCH/ TD 222PB tại trại Nỏ Thần, ngả ba Diêu Trì .Đứng giữa doanh trại dưới cái nắng gay gắt của Qui Nhơn, nắng Qui Nhơn dường như gay gắt hơn nắng quê tôi hay tại lòng tôi đang có những gay gắt nổi sóng bạc đầu.Tôi gặp vi Sĩ quan chỉ huy hậu cứ, trình sự vụ lệnh.Vị này cho tôi biết BCH/TD đang đóng quân tại Phù Mỹ và tôi sẽ được đưa ra trình diện TDT ngay bây giờ.Tôi lại khăn gói leo lên chiếc xe jeep, chiến trường mỗi lúc một gần tôi hơn. Tôi đã ngửi thấy mùi bom, mùi đạn, tôi đã bắt đầu mường tượng được những cam go mà tôi một vài ngày nữa sẽ đối đầu.Trên con đường số 1 về phía Bắc tôi nhìn thấy lác đác những căn nhà bị cháy, những đám dừa khô cằn, những hố bom trên những thửa ruộng không thấy gì màu mỡ. Quê hương ơi một chuỗi lầm than, bình an đã mất từ mấy chục năm qua.Trên con đường chỉ thấy những chiếc xe nhà binh qua lại, thỉnh thoảng vài chiếc Daihasu chở khách thoáng qua vội vã.
Cuối cùng thì điểm hẹn cũng đã tới.Chiếc xe ngừng lại trên quãng phố chỉ thấy quán cà phê. Tôi lững thững bước vào một quán, kêu ly nước giải khát. Vừa đặt cái bàn toạ xuống ghế thì có một anh chuẩn uý xà lại:
- Phải về 222PB? đúng không?
Tôi gật đầu nhìn anh ngờ ngợ....Anh nhanh nhẩu nói ngay:" Không quen đâu, mình dân 222 Pháo đây. Lại bàn kia ngồi chung với tụi này cho vui. Tôi nhận lời và bước theo Cử (tên của anh chàng) ;
- Đây thiếu uý Rật, chuẩn uý Hiệp...Còn đây lính mới tò toe: chuẩn uý sữa Cát.
Tôi không bằng lòng lắm với câu gọi tôi là c/u sữa nhưng không tỏ thái độ:" Các bạn cũng hơn gì tôi ". Tôi đưa tay bắt tay hai người chào xã giao. Vừa lúc đó tiếng súng đại pháo trong căn cứ bắn đi từng tràng nghe đinh tai làm tôi giật mình. Cử lại lên tiếng ngay:
- Lo lắng hả?
- Có một chút...
- Không sao đâu, 21 phát đại bác nổ chào mừng bạn đấy. 222PB vui lắm, nhất là Pháo Đội B. Về PD B đi, tụi này có nhóm pháo thủ "khăn tím" vui thật là vui
Vậy là khi vào trình diện vị Tiểu Đoàn Phó tôi đã chọn về Pháo đội B và được chấp thuận,tôi đâu ngờ đó là cái dại đầu tiên của cuộc đời binh nghiệp.Tôi tạm về trung đội Thiếu uý Rật chờ được đưa về Đèo Nhông ra mắt Dại uý Pháo đội trưởng. Đám Rật, Cử, Hiệp...giữ tôi ở lại đó bất chấp lệnh của Pháo đội trưởng là đưa tôi về Đèo Nhông ngay. Rật cứ viện cớ là chưa có phương tiện để đưa tôi đi. Ở đây tôi được Hiệp phát cho một vuông khăn tím và giới thiệu thêm là còn có chuẩn uý Tân, Pháo Đội C, rồi một bóng hồng nữa Ngọc Tuy Phước. Gia đình khăn tím như vậy gồm có 6 người: Lão nhất: Rật, Lão nhị: Cử, Lão tam: Hiệp, Lão tứ: Tân, Lão ngũ: Tôi, Lục muội: Ngọc.Những vuông khăn tím quàng trên cổ, những vuông khăn tim như lá cờ nheo bay phất phới trên những cần ăng ten xe...Có nhiều lúc làm tím vài khu phố Qui Nhơn một dạo.Những ngày dưỡng quân chúng tôi hay về Chợ Huyện gặp Lục muội và cà kê nơi quán nem. Cảnh chợ Huyện thật êm đềm và hình như còn sót lại một chút không khí an lành, tôi chỉ ngửi được cái hơi hướm đó qua tâm linh.
Cái dại đầu tiên đã ứng nghiệm, khi tôi về Đèo Nhông.Vị Đại uý Pháo đội trưởng không cần nhìn biết mặt mủi tôi ra sao, ông đã phán với thường vụ Pháo Đội là:" Các bác, các chú gì ngày mai đưa xuống Mỹ Thọ đi DLO thay cho chuẩn uý Dư. Và từ ngày đó tôi chịu chung số phận với nhóm khăn tím, bị ngài PĐT trưởng "đì" sát ván. Cử và Hiệp may mắn hơn đã thoát ra khỏi cái "đì" đó sau mấy tháng khi Cử chuyển về làm Trung đội trưởng bên Pháo đội C và Hiệp chuyển về ban an ninh Tiểu đoàn. Còn mình tôi quằn mình dưới cơn mưa ghét bỏ của ngài Pháo đội trưởng.
Lần đầu tiên ngồi máy bay trực thăng bay xuống Mỹ Thọ gần bờ biển, gío thổi bần bật tôi sợ ghê lắm chỉ sợ gío hút rơi ra ngoài thì đúng là bẹp nhép như sung rụng. Nhưng sau này khi làm Sĩ quan Trung tâm phối hợp hoả lực, tôi bay trực thăng hằng ngày mấy năm liền nên quen, muốn cho gío cuốn mình ra cũng khó lắm, đừng cho là tôi nói ngoa nhá.
Ít tháng sau TD chúng tôi lại đón tiếp thêm những sĩ quan sữa mới ra trường. Trong đó có Ninh, Quảng...Ninh trông đúng là sữa, tướng tá nhu mì...nhưng không biết có hiền không, trông giống như con gái...đầy tính chất văn nghệ, ngón đờn Tây Ban cầm của Ninh thật tuyệt, tôi đã từng mê những ngón tay thon nhỏ trải thật nhuyễn trên phím đờn của Ninh. Ninh đặc biệt còn có một đôi mắt bồ câu thật đẹp. Hồi đó tôi thầm nghĩ Ông Trời đã lầm lẫn khi gắn...cái giới tính ở nơi Ninh. Quảng thì xốc vác nhanh nhẹn, anh chàng xuất thân từ trường Thiếu sinh quân mà...hơi quậy nhưng rất dễ thương, gan dạ. Chúng tôi cùng nhau chiến đấu trên khắp các chiến trường từ căn cứ địa 226, từ mật khu An Lão đến chiến trường Tây nguyên sục sôi mùa hè đỏ lửa. Từ những căn cứ 6 đồi 1001, Tân cảnh, Dakto, Đức cơ cho đến những vùng rừng núi âm u của tỉnh Bakeo miền Bắc Campuchia.Từ những trận đánh khốc liệt của SD22 dành lại Bồng Sơn, Tam quan...Chúng tôi những người bạn sống chết đã một thời chia nhau từng bịch gạo sấy, từng hộp ration C, từng có những lúc vui cười bên nhau, bên ly rượu, từng có những lúc mặt mếu máo ngồi thừ bên nhau khi nghe Dư vừa bỏ xác trên Tân Cảnh, Tân đã nằm xuống vĩnh viễn trên vùng đất An Lộc chỉ vài tháng sau khi được chuyển về nguyên quán.
Từ những đổ nát hoang tàn của một Bồng Sơn, quận lỵ có một giòng sông êm ả chảy ngang từ nguồn An Lão, có rừng dừa bạt ngàn và có những cô gái với nước da trắng hồng mịn màng thật đẹp.Chúng tôi những người xa nhà lại gặp những người cũng xa nhà...các cô gíao từ Thị xã Qui Nhơn về đây dạy học.Những cô giáo của thành phố thật dễ thương làm say lòng chàng lính ngố như tôi. Những cô Vân, cô Reng, cô Cẩm, và cô....Cô....thì hiện giờ tôi biết cô đang ở đâu, còn những cô kia bóng chim xa khuất như khói sương chỉ còn trong trí nhớ mờ phai
Những bạn bè tôi, sau năm 75 kẻ còn người mất thật chưa chính xác.Hai người bạn mà tôi đã nghĩ là vĩnh viễn không còn gặp thì điều chả ngờ lại cũng đã xẩy ra là Ninh, tôi đã bắt liên lạc được nhờ một sự tình cờ may mắn, nhờ Ninh tôi đã nói chuyện điện thoại với Quảng sau gần 30 năm cứ ngỡ là bạn đã nằm yên trên bờ biển Qui Nhơn dạo nào. Còn Rật, Cử, Hiệp, Ngọc....30 năm rồi tôi không có tin tức gì về họ
.
Cuộc sống tha phương, tất bật đời thường với những lo lắng, chán chường của bước chân di trú,có thật nhiều lúc mơ về ngày xưa nơi xa xôi lắm đã một thời ghi bước phong trần, nhớ những khuôn mặt thân quen đã cùng nhau có bao kỷ niệm nhất là những kỷ niệm sống chết...không biết có thể gọi đó là những kỷ niệm đẹp không, nhưng đó thật sự là một quãng đời đáng ghi nhớ nhất trong đời tôi. Hôm nay ngồi đây nhớ lại từng khuôn mặt và cuộc sống ngang dọc ngày xưa như hiện về.
Hôm nay ngồi đây cũng nhớ về Yến, nhớ về câu ví von của nàng:" Yến ơi chàng Thành Cát Tư Hãn của em đã bại trận rồi, 30 năm với bước di tản buồn, hận mình đời đã chẳng nên trò trống gì, nhưng cũng cám ơn em nhờ lời cầu nguyện của em mà từng bước anh đi đã có nhiều may mắn hơn một số người, những người trai lỡ vận của quê hương mình. Cám ơn những người bạn tôi đã gặp, đã cho tôi một thời để nhớ. Cám ơn những khung trời Qui Nhơn, Pleiku, Kontum, cám ơn những khoảng trời đã ôm ấp hơi thở tôi ngày tôi tập tễnh vào đời. Cám ơn đòi những cay đắng trộn lẫn với mật ngọt. Cám ơn... tình xưa, ngày xưa ơi!.
Lê Du Miên

Xem Tiếp: ----