Chị qua sông, ghé lại một quán nhỏ yên bình, dưới những tán nhãn xum xuê xanh mướt mắt, không còn những cuộc họp mang không khí long trọng, mà chỉ là một buổi dạo chơi, giao lưu với mọi người, chị thấy mình được sống nhẹ tênh. Cùng với người bạn đi vòng vòng quanh vườn cây trĩu trái để chụp hình, chị bắt gặp bên những tàu dừa nước cặp mé sông, xen xen vài bụi hoa mua tím ngát, đẹp đến mê hồn người, nhớ lại lời ban nãy của một người mới quen: “Mai sau người ta cũng quy hoạch nơi đây thành phố thị!” thấy lòng se se một nỗi tiếc mơ hồ. Vòng ra đằng sau quán, bắt gặp cô chủ quán xinh tươi, có cái răng khểnh thật là duyên đang nựng nịu một người, một con người có gương mặt vô hồn gắn với một thân hình suy nhược. Cô vỗ nhẹ vào má con yêu “Nè! Cười lên cái coi nè, có khách ghé thăm đó, biết không? Cười chào khách đi!” rồi cô chủ hôn lên cặp mắt biết cười một nụ hôn chất ngất thương yêu, quay qua khách cô nói: “Biết hết trơn đó, chỉ không nói ra được thôi, hơn ba tuổi rồi mà…”, có một cơn lốc bất ngờ tràn ập lên mắt chị. Cảm giác “đời nhẹ tênh” bay vèo như một làn gió thoảng.
Chị về Bến Tre, nhưng chị không hề cho T. biết, chưa bao giờ chị thấy phải cảnh giác với T. cao độ như lúc này. Cả tháng hơn rồi còn gì! Lúc trước, chuyện gì chị cũng muốn kể cho T. nghe, mà kể trước nhất, chị thèm sự chân thật của T. khi nói với chị những lời tốt đẹp. Nhưng giờ thì bỗng nhiên chị vỡ lẽ bẽ bàng, thực ra T. chưa bao giờ nói thật cho chị nghe những điều T. nghĩ về chị cả, những câu mà T. đã từng làm chị vui lòng té ra chỉ là lời đầu môi chót lưỡi. Và, ngay lúc xảy ra chuyện, chị cũng đã muốn nói với T. nhiều điều, nhưng rồi, chị không đủ tự tin ở tầm nhận thức bé bỏng của T. nên thôi đành ngậm lại ở trong lòng nặng trĩu.
Chị biết T. thích về miền Tây, T. cũng yêu thiên nhiên, yêu sông nước như chị vậy, nhưng bây giờ chị tắt niềm mơ ước một ngày, cả T. và chị trở lại thời yêu thương, cùng với nhau ở một nơi thanh bình diễm tuyệt, cùng nói cho nhau nghe những bức xúc về cuộc đời dâu bể. Sài Gòn về nơi đây chỉ tốn mất có hai tiếng đồng hồ chứ mấy! Chị thấy nghẹn trào mỗi khi nghĩ về T. Thôi đành vậy, chị đã tha thứ cho T. được nhiều lần, mắc gì cứ phải nặng nề vì những chuyện cỏn con này chứ.
Có người hỏi, làm sao T. biết mail ở chỗ làm của chị, chị phải nói dối rằng chắc T. hỏi người này người kia, chị đâu dám nói ra chính chị đã cho T. mọi đường đi nước bước ở nơi đó, người ta sẽ mắng vốn không ai khờ như chị.
Chị yêu những cây dừa ở nơi chị đến, sống thẳng đuột mà hiên ngang, chớ hề có cảm giác sợ nắng mưa, bão táp, chị ước mình được thế. Nhưng chị là người ta, đâu thể là cây cỏ! Bởi vậy cho nên, có người con trai ở xứ dừa nói với chị một câu rằng “Em có cặp mắt không giấu được nỗi buồn, cho dù có luôn cố tình xôn xao cười nói”, chị hỏi lại “Vậy à?”, hỏi cho qua chuyện thôi, chứ chị trào nước mắt, biết rằng chị không cách gì che đậy hết được mình.
T. đã từng làm chị điêu đứng vài lần vì khả năng thuyết phục rất siêu phàm của T., nhưng chị không thể ngờ trước được mọi chuyện lại có thể dẫn đến nước này. Trong khi T. dồn dập gửi email cho sếp chị, T. không hề hay biết tất cả những gì T. viết chị đều được đọc, đọc trong nỗi niềm cay đắng. Chị không thanh minh gì với sếp của chị, chị tin sếp sẽ hiểu chị sống thế nào, bằng không hiểu cũng chẳng sao, không lẽ suốt đời này, chị không có ai là tri kỷ? Có người khuyên chị một lời rằng, “Delete T. đi!”, đừng nặng lòng vì một thâm tình như thế, sòng phẳng thôi, bởi vì T. có xem chị là gì của T. đâu. Sao chị vẫn cứ nghẹn đi mỗi lần bất chợt nghĩ về T.?
Người bạn hỏi “Chị về đây, ba chị có biết không?”, người bạn ấy đã từng giao lưu với ba chị. Chị khẽ lắc đầu, không ai biết cả, mấy tuần nay chị không gọi điện thoại về nhà.
Phone của mẹ, “Mày đúng là cố chấp! Sao không gọi điện thăm hỏi em nó một lời, nó bảo nó không biết chuyện gì đã xảy ra, nó nói lúc trước ngày nào mày cũng gọi điện ân cần, bây giờ nó buồn lắm mà không dám hỏi mày chuyện gì vì nó sợ mày nóng nảy…”. Không biết chuyện gì xảy ra à? Phải chi mà chị cười to lên được! Kha kha kha… Cưng khờ thiệt là khờ! Và diễn kịch cũng quá vụng về nữa.
Đó là lần cuối cùng sếp chị gọi, không như những lần trước “Em ơi! Viết gấp cho anh một bài chuyên mục A, ngày mai email sớm cho anh em nhé!”, lần này, tự nhiên sếp làm chị nổi da gà, sếp hỏi chuyện đời tư:
- Này em! Em có người em gái nào sống ở Sài Gòn không?
- Dạ có. Mà sao anh?
- Sống ở Tân Bình à?
- Dạ. Nhưng có chuyện gì vậy anh ơi?
- Đã có gia đình chưa?
- Dạ, có con rồi anh ạ. Chuyện gì vậy?
- Cô ấy tên T. à?
- Dạ.
- Em đang ở đâu vậy?
- Dạ em đang ở nhà.
- Để anh forward cho em cái này!
Nếu có một lần nào đó trong đời, chị lỡ miệng kể rằng chị không cùng một mẹ với T., xin đừng ngạc nhiên, bởi lẽ không hề vì điều gì khác, ngoài cảm giác chị tự xoa dịu nỗi buồn, chị quyết tự đánh lừa cả bản thân để không phải ray rứt hoài “Ruột thịt mình đó sao?”.
Chị hiểu chị phải luôn nghĩ được rằng T. khờ dại hơn mình, nhưng không thể biết cho đến bao giờ T. mới thôi khờ dại. Mẹ bảo, không lẽ T. điên khùng gì mà lại đi biêu riếu chị kiểu ấy. Nếu chị không biết sợ làm đau người khác, chị đã thốt lên với mẹ rằng chị không phải là hạng người mà đàn ông nào cũng vít xuống được đâu. Có lẽ suốt cả cuộc đời này, T. cũng không bao giờ hiểu được chị luôn sợ làm người khác đau. Mẹ cũng thế, nên mới cứa vào lòng chị mấy câu vô tâm kiểu như “Mày không nói ra thì ai mà biết được!”.
Những lần T. kể thật chi tiết, rằng chồng chị đã quan hệ như thế nào với bạn gái của T., họ âu yếm nhau ra sao, nồng nàn với nhau ra sao, và T. thì vô can. Không biết T. có để ý thấy làn da xanh ngắt trên mặt chị vì phải cố gồng cơn đau, T. có để ý thấy nụ cười gắng gượng của chị kiểu “Chị không sao đâu, T. thích thì cứ kể tiếp đi” như đánh mất tất cả sức lực trong chị rồi. Mà người ta hay kỳ vọng vào những điều khó xảy ra vậy đó, chứ chị biết, những người có thể cầm dao nhọn ngoáy vào tim người khác được như T. thì dễ gì cảm nhận được cái đau của ai khác ngoài bản thân mình. Một lần chị thấy mình phải cố gắng nhiều khi nói cho T. nghe thế này: “T. biết không? Lúc đó anh ấy là con trai mới lớn, hừng hực những tò mò, khám phá mà chị lại khư khư với những ích kỷ cho riêng mình như phẩm hạnh, thanh danh… trong khi bạn T. với nghề nghiệp đó thì lại không còn gì để mất, cho nên chị nghĩ phần lỗi đó thuộc về chị T. à, lỗi hoàn toàn ở chị”. Chị thấy nhẹ người khi nói hết cho T. nghe những điều chị nghĩ với mong muốn T. thôi phải nhọc công kể đi kể lại chuyện này. Nhưng chị đã lầm, khi chị nhận về mình tất cả, chị đã làm nặng lòng T. hơn vì từ nay T. hết mong làm đau chị được. T. đã cố vớt vát bằng cách công bố cho sếp chị, mong tất cả mọi người cùng biết thì T. mới hả. Và khi ngồi đọc lại những “forward” từ sếp, chị bật cười mà nước mắt tuôn tuôn.
Không biết khi thốt ra mấy câu chị “lấy chồng được là ai cũng mừng”, hay chồng chị “chịu đựng chị được ngần ấy năm cũng hay thiệt”… mọi người ngạc nhiên cỡ nào, chứ chị thì ngạc nhiên nhiều lắm, vì biết mình cũng là người rất bình thường. Mà cho dù có đui què sứt mẻ, nếu người ta coi nhau là ruột thịt, người ta vẫn yêu thương nhau được chứ gì! Chị không nhiều lời như mọi người đâu phải chị bị lù đù hay thiểu năng trí tuệ, chỉ là vì chị không thích vậy thôi!
Một ngày đầy áp lực, với công việc dở dang, với nợ nần đến hạn, với một không gian tĩnh mịch như quên cả tiếng nói của chính mình, chị lại nhận được email chuyển từ sếp “anh oi, tu dao do den gio, chi em co noi gi ve chuyen em va chi khong? em hoi vay la vi tu luc xay ra chuyen do den gio chi khong dt cho em lan nao, tham chi Me em nho chi qua tham em chut chi ay cung khong them qua, that tinh den gio em chua het bang hoang va khong hieu chuyen gi da xay ra, khong hieu chi nghi gi, hoac anh da noi gi voi chi ma tinh cam chi em may chuc nam thuong yeu, buon vui deu cung nhau chia se ma gio day em cam thay nhu nguoi dung nuoc la. em noi vay khong phai co y trach anh dau, nhung anh oi anh biet khong, ca thang nay em buon va nho chi em nhieu lam, em luon cho dt cua chi, nhung em hieu chi se khong bao gio cho la minh sai, cung nhu khong bao gio chi dt cho em truoc dau. buon qua, em chi biet trut cho anh cho do buon, anh dung chui em nghe!”
Chị bật cười trong thanh vắng, nước mắt cay đắng cứ tràn ra, gai ốc nổi khắp mình, cảm giác mình sắp điên mất rồi, phải chi chị có thể sần sộ, dữ dằn, quát tháo thật to “Bây giờ T. muốn gì? Muốn gì!”. Trong cơn lửa nóng, chị nhận được cuộc gọi từ mẹ, chị nghẹn thở, mấy khi! Mẹ hỏi thăm lòng vòng vài điều vô nghĩa, rồi vào thẳng vấn đề: “Sao mày không qua thăm em cái đi, cả tháng nay nó nhớ mày quay quắt, mày sao mà cố chấp, không qua được thì cũng gọi điện hỏi thăm em vài câu, coi nó sống thế nào…”, chị nghe giọng mình như của một người đã đến hồi sức tàn lực kiệt “Vậy cả tháng nay con sống thế nào có ai biết không ta? Bao nhiêu chuyện xảy ra trong gia đình con có ai gọi hỏi thăm con một tiếng không?”, giọng mẹ cao lên “Thì mày không nói ra ai mà biết!”. Chị mím môi để ngăn tiếng cười nấc, rồi thở ra khẽ khàng “Thôi mẹ ạ, bây giờ con không nghĩ gì nữa đâu, con không nói gì đến chuyện này nữa nghĩa là con không nghĩ gì nữa. Con bị bão hòa rồi! Không còn buồn giận gì”, “Vậy sao mày không tranh thủ qua thăm em cái!”, “Dạ, khi nào rảnh con sẽ ghé qua, lúc này con bận lắm”. Mẹ kết thúc cuộc gọi “Khiếp, có ảnh hưởng gì đâu nếu em nó lỡ dại, mà mày cứ hay ghim gút”. Chị định hỏi sao mẹ biết là không ảnh hưởng gì, nhưng lại ngại phải buồn rã rượi khi nghe mẹ ngân lên điệp khúc “Mày không nói thì ai mà biết!”. Mà thật sự bây giờ nếu mẹ hỏi cho ra tình tiết, chị cũng không cách gì, chị biết. Chị không thể kể lại được với ai bằng ngôn từ của T., đó là lời của một cái đầu không trong sạch.
Những câu nhẹ nhàng nhất, T. viết về chị thế này “… khi cảm thấy không còn kiếm chác thêm được gì ở cái mảng cỏ non đã bị mình vần nát, anh ta nói lời chia tay” và T. kể ra hàng lô hàng lốc những mối tình kiểu vậy, chị cứ thấy mắc cười vì cách nghĩ, về sự tưởng tượng quá hào phóng của T. mà nước mắt chị trào rơi lã chã.
Chị bưng mặt khóc ồ ồ khi vừa buông máy, thấy vô phương, thấy cô độc quá chừng. Khóc đến lịm đi, hai bàn tay co rút lại như đang chết. Chị giật mình thức giấc khi có tiếng chuông reo, không nhìn rõ số của ai, chị áp máy vào tai, khẽ khàng “A lô!”, “Chị à? Chị khỏe không? Sao nghe nói chị giận chị T. à? Chuyện gì mà đến nỗi cả tháng không nói chuyện với nhau?” – Giọng đứa em cùng mẹ ở miền Đông gọi về “À, chào em! Chị cũng khỏe. Em khỏe không? Không có chuyện gì đâu em ạ, chị bận thôi, bữa nào lên Sài Gòn nhớ ghé chị chơi nghen! Bố em thế nào rồi?”, chị cảm thấy đã quá ngán chuyện này.
Buổi chiều, khi những tia nắng quái của hoàng hôn chiếu vàng xói xắt qua ô cửa, chị đứng ngoài ban công nói chuyện điện thoại với thằng em cùng mẹ ở miền Trung “Chị ơi, em nghĩ chị em mình sống mỗi đứa một nơi, chị với chị T. còn được gần với mẹ, còn em, cha em cũng mất rồi, em còn ai đâu, nên mỗi lần hay tin chị em trong nhà xào xáo em buồn lắm… chị nghĩ lại đi! Chị là chị hai mà”. Là chị hai thì sao? Không lẽ là chị hai thì phải có sức chịu đựng vô cùng tận? Ước gì chị bật cười to lên được! Kha kha kha …
Không biết từ đầu tới cuối chị đã làm gì nữa, chị thấy thật nực cười. Chị phóng tia nhìn xuống dưới đất vời vợi, nghĩ nếu bây giờ chị nhảy lầu đi để mình tan nát vào đất đai kia như người ta bẻ một cái gai quăng vào sọt rác, chắc sẽ làm nhẹ lòng T. được.
Có lẽ tại vì ngày xưa mẹ đem hai cuống rốn của T. và chị hầm cháo cho hai đứa cùng ăn, để mong hai đứa mãi thương nhau. Nên bây giờ chị cứ bị đau hoài vì những thứ mình không sao có.
Đêm chia tay với những người mới gặp, ngồi bên nhau nói đủ chuyện trên đời, chị thấy sao tự nhiên quyến luyến dữ. Một người ngồi bên cạnh thật trẻ con, cứ kiếm chuyện nắm bàn tay chị hoài, rồi thẩn thờ nhìn vào nơi cấn nhói bàn tay vì một vật vô tri.
Ngồi trên xe trở lại Sài Gòn, nhận được tin nhắn “Chị có thấy nhớ Bến Tre chưa?”, chị mỉm cười, thật ra chị đã nghe lòng hụt hẫng đôi phần khi trên phà Rạch Miễu để qua sông, chị quay qua bạn chị, hỏi lại y câu đó “Có thấy nhớ Bến Tre chưa?”, người bạn chỉ khẽ gật đầu, nhưng chị nhìn trong ánh mắt đã bời bời thương nhớ.
Ngày hôm sau, tự nhiên thót tim với tiếng “bip” nhẹ hều, nhưng chị đọc được dòng tin từ phía khác “Bạn chị cứ rầy hoài, sao không chịu nói cho chị nghe những điều em đang nghĩ”, chị nhắn trả lời với phản xạ tự nhiên như với bất kỳ ai: “Cưng nghĩ gì? Cưng nói chị nghe đi!”, và tin nhắn quay về “Nghĩ rằng không hiểu vì sao mấy bữa rày thấy nhớ chị nhiều ghê!”. Tự nhiên chị trào nước mắt vì bất ngờ, vì xúc động, cảm thấy tim như ngừng đập hết mấy giây. Cảm thấy ở nơi chị vừa ghé qua, ai cũng hiền queo như làn nước sông khuya. Bao giờ chị có được những lời ấy từ trái tim T. vậy? Chị nhận ra một điều, khi người ta sống một cách chân thành thì nếu không được yêu thương ở nơi này, cũng nhận được yêu thương từ nơi khác. Và mong làm sao một ngày, thay vì cứ phải dày vò mình về sự cầu toàn, T. của chị sẽ dạo bước ghé lại một ngôi chùa và ở đó lắng nghe đôi điều, lắng nghe cả những cạn hẹp trong lòng mình đang ngân lên nữa. Lúc đó, chị chắc chắn rằng T. sẽ dễ dàng ngộ ra, liều thuốc duy nhất hiệu nghiệm cho những rối rắm trong T. là điều gì và phải tìm nó ở đâu.
Bỗng dưng, thay vì chuẩn bị tinh thần để nói với T. những lời răn dạy “đao to búa lớn”, chị gửi cho T. những lời nhắn thế này “Nếu có rảnh thì ẵm mấy đứa nhỏ qua nhà chị chơi T. ạ, chị nhớ lắm. Chị cũng là một người bình thường, biết nghĩ và biết đau. Nhưng thôi, chị không để bụng gì nữa đâu, thật lòng đó”. Chị mong rồi cũng có một ngày T. hiểu được rằng người ta thường đau khổ và hạnh phúc từ nghiệp của chính mình, từ ý nghĩ, từ lời nói và từ những gì người ta đã làm. T. sẽ thôi ray rứt vì sao chị cứ may mắn mãi.
Chị trở về Sài Gòn như khách lạ, thấy nhớ thật nhiều một miền đất không phải quê hương mình. Có những lúc, chị đứng ngoài ban công, nhìn về khoảng trời xanh xa vợi, tự nhiên chị thèm được trở lại nhà khách ven sông, để được mở toang cửa sổ nhìn về phía bờ bên kia, ngắm cảnh in trên nền mây trắng một màu xanh ngăn ngắt những ngọn dừa, thấy làng mạc thanh bình níu lòng mình ở lại. Ở đó, nơi mà những cơn mưa cũng thật hiền, có buổi chiều chị đứng bên cửa sổ nhìn ngơ nhìn ngẩn những cây dừa tắm mưa, thấy có cây dừa chị rỉ rả vào tai cây dừa em một điều gì đó và cây dừa em cười nghiêng ngả.

Xem Tiếp: ----