Tối thứ tư nào cũng đầy tiếng thì thầm và âm thanh lào xào tới khuya. Khiếm thị đã đành, cả với khiếm thính cũng vậy, cô Huyên quản lý bất chợt bật điện sáng choang, những cánh tay cẳng chân đang thò qua thò lại giữa hai cái giường gần nhau vội rụt về. Còn khiếm thị thì vụt ngậm miệng không phải vì tiếng “cắc” cáu kỉnh của cái công tắc mà là ngạc nhiên trước sự im bặt đột ngột của những lào xào gây nên bởi khiếm thính.
Cô Huyên đặt tên cho tối thứ tư là Vô Kỷ Luật. Để rồi tối kế tiếp có tên là Câm Như Hến vì bọn nhỏ ngủ say như chết, những đứa có thói quen đi tiểu đêm cũng nằm ngay đơ một mạch tới sáng bạch và không ai khác là cô Huyên phải kiêm thêm việc giặt giũ phơi phóng mền chiếu, tất nhiên, cả việc lau gầm giường.
Thầy Dương phản đối hai cái tên xấu xí lồ lộ sự phê phán bằng giải thích lý do cho tối thứ tư là cảm giác tuyệt vời của chờ đợi bồn chồn, là nôn nao sợ mất (lỡ mà mưa)... Còn giấc ngủ ngon lành của tối thứ năm là cảm giác bình yên tuyệt đối của niềm hân hoan được toại nguyện.
Khả năng diễn đạt những câu văn vẻ bằng giọng tiếu lâm của thầy Dương trong tình huống này không làm cho cô Huyên phì cười, ngược lại, cô Huyên hăm dọa là nếu cứ tình trạng này tái diễn hoài thì sẽ đề nghị hiệu trưởng cho học môn định hướng tại trường.
Lời hăm dọa hiệu nghiệm ngay lập tức, không phải với thầy Dương mà là với bọn nhỏ. Tối thứ tư kế tiếp, tất cả nằm im phăng phắc như mỗi đứa là một khúc gỗ. Điều đáng kể ra đây là cô Huyên cũng không hài lòng trước sự im phăng phắc này! Cô cảm thấy không ổn! Và vậy là cô bỗng bật điện sáng choang, nhìn quanh. Những cánh tay những cẳng chân song song xuôi theo thân người thẳng tưng, những cái miệng mím chặt cứng. Có nhúc nhích chăng là mi mắt hơi rung rung nhưng có thể thấy rõ sự cố gắng hết mức để chỉ giữ cho mi mắt ở độ rung đó thôi chứ không mở bùng ra.
- Có muốn nói cái gì thì nói quách ra đi - Cô Huyên la lên - Cho phép nói năng mười lăm phút.
Kết quả là sáng hôm sau ông bảo vệ kể lại cho mọi người nghe thành ra “Nửa đêm tự nhiên nghe cô Huyên la lên cho phép mười lăm phút”. Cả trường được một mẻ cười nắc nẻ.
° ° ° ° °
Quảng trường rộng mênh mông. Thầy Dương vui vẻ thông báo sau tiếng huýt gió lảnh lót “Không có chướng ngại vật nào cả”. Vậy là vừa đi vừa chạy vừa dang thẳng hai tay ngửa mặt hứng gió lộng tưởng tượng mình là con diều sắp bay bổng lên trời. Rồi “bùm” một cái – hai con diều húc vào nhau lăn uỳnh ra cỏ. Tiếng cười của thầy Dương hì hì vang lên “Gãy cái răng nào chưa?”. Những ngón tay rờ mó vô miệng “ Chưa chưa chưa thầy ơi”... Những cái miệng nhe răng khoe đủ rồi lại tiếp tục, lần này là làm máy bay.
Tiếng rú động cơ làm những cơ quan lân cận thò đầu nhìn qua cửa kính. Thầy Dương nhìn quanh, tư thế chờ đợi một ông bảo vệ mặt mũi hầm hừ xuất hiện. Tất nhiên khiếm thị không hề hay biết nỗi lo lắng của thầy, ngay cả những đứa câm điếc tò mò quan sát ánh mắt đảo quanh chờ đợi của thầy cũng với một suy luận không dính dáng gì tới an ninh trật tự, chúng há miệng vui vẻ chỉ tay khi xe kem leng keng xuất hiện, làm như là thừa biết sự đảo quanh của thầy Dương chỉ là chờ đợi xe kem này.
Những cái máy bay mồ hôi mồ kê nhễ nhại hét vang “Được ăn kem hả thầy?”. Ông bán kem tươi hẳn nét mặt khi nhìn số lượng con nít hùng hậu trên bãi cỏ. Rồi khi đến gần, nét mặt ông chuyển qua thương cảm. Và khi tính tiền, ông nói “Tôi lấy một nửa thôi”. Thầy Dương khoát tay, móc hết túi trên túi dưới cương quyết bắt ông bán kem nhận đủ. Muốn làm từ thiện xin mời tới trường gặp cô quản lý, còn đây, đã gọi mua thì phải trả. Bọn học trò chia làm hai phe, bên này tiếc hùi hụi nếu thầy... thì mỗi đứa đã được ăn thêm một ly kem nữa, cái ly bằng bánh nướng le lưỡi liếm sạch kem rồi mới gặm tới mà vẫn còn giòn rụm. Phe kia thì chợt ngẩng cao đầu ưỡn ngực, cảm giác của sự kiêu hãnh cũng làm mát lòng chẳng kém gì kem.
Hết buổi, thầy dắt trò về lại trường. Cô Huyên đứng trước cổng, cái mũ trên đầu cô nhấp nhỏm. Cô đếm từng đứa đi qua cổng, ánh mắt cô xuyên qua lớp vải áo quần lấm lem như xem có trầy trụa thương tích nào không, tới đứa cuối cùng vẫn hùng dũng thẳng người giậm mạnh chân bước cô mới thở phào nhẹ nhõm cùng với cái liếc đủ cho thầy Dương hiểu là từ lúc thầy dắt bọn nhỏ đi là trái tim cô đập bum bum cho tới bây giờ mới trở lại bình thường được. Ánh mắt cô Huyên nhìn thầy Dương là như với cái tính liều mạng của thầy thì ai biết điều gì sẽ xảy ra? (Có khi là đã xảy ra rồi cũng nên!)
Tối, cô Huyên thoáng thoáng thấy mùi dầu cù là trong không khí. Bật điện lên, định là bắt quả tang một vết bầm tím đang được xức dầu, nhưng cô chỉ thấy những thân hình đang trong giấc ngủ ngon lành, có cái miệng còn hé cười. Cô nhìn quanh, mùi dầu cù là ở đâu ra? Ở sau cửa sổ! Khuôn mặt thầy Dương nhô lên, ngón tay trỏ đang quệt qua mũi và cái cười toét miệng khiến cô Huyên định làm mặt nghiêm mà lại là chợt bật cười theo.
Nhưng có lúc không thể cười nổi. Như thứ năm tuần trước theo lịch là đi hoa viên. Cái hồ phun nước nằm chình ình ngay chính giữa. Nguy hiểm sát sườn. Đã dặn dò là chia đôi hoa viên ra, cho bọn nhỏ chơi hẳn một bên thôi, bên nào cũng được, miễn là đừng có đi qua đi lại ngang cái hồ. Vậy mà rồi bài tập làm văn tả hoa viên đầy những câu “... Em rất thích tượng đài nằm giữa hồ, sờ tay thấy lạnh như kem...”, rùng rợn hơn còn có câu “Chúng em chia thành từng đôi, bạn khiếm thính cầm tay bạn khiếm thị dắt đi trên những cây cầu bắc ngang mặt hồ, thầy bảo chúng em thả dép ra đi chân không để biết cảm giác cái cầu bằng đá ra làm sao. Nước phun ướt chân rất thích...”. Chưa đọc hết, cô Huyên đã muốn tụt huyết áp luôn.
Thế nào cũng có ngày trường mình bị mắng vốn, nếu không phải là người ngoài thì cũng là chính phụ huynh học sinh. Đề nghị hiệu trưởng giao môn học định hướng cho người khác thì mới yên tâm được.
Có điều, không phải ai cũng đủ sức nhận dạy môn học này. Dắt các em từ lớp đi ra cổng trường là chuyện cô thầy nào cũng làm được. Còn từ cổng trường bước ra vỉa hè là bắt đầu cuộc phiêu lưu. Đường sá thay đổi từng ngày, xe cộ tăng theo cấp số nhân, bàn ghế quán xá bày đầy vỉa hè, những cậu học trò nghịch ngợm thả hai tay cho chiếc xe đạp lao như xiếc... Nhưng mài giũa lòng can đảm còn nằm ở chỗ khác - ánh mắt nhìn của mọi người, những câu hỏi tò mò thốt lên bằng giọng thương cảm hồn nhiên luôn bắt đầu và kết thúc ở hai tiếng “tội nghiệp”.
Và động tác móc tiền ra... Cái động tác này quen thuộc đến nỗi mà mỗi khi nghe thầy Dương nói: “Dạ cám ơn bác, dạ không... bác đừng...” là bọn nhỏ đồng loạt tặc lưỡi. Thầy Dương nói: “Nào, các vận động viên thân mến, chúng ta bắt đầu cuộc thi ma-ra-tông”. Những cặp chân yếu ớt vì thiếu hoạt động chợt mạnh mẽ hẳn lên, khiếm thính cầm tay khiếm thị, từng cặp dìu nhau chạy lúp xúp nhanh dần, những cửa hàng bánh kẹo lùi lại, những quầy hàng đồ chơi lùi lại, trước mặt là gió mát rượi mơn man.
Người trên đường khoan dung nhường đường, lúng túng dừng lại, cau mày chậm lại... Không đứa khiếm thính nào tỏ ra là có chú ý tới đèn đỏ. Thầy Dương hét lên: “Dừng lại”. Khiếm thị níu tay khiếm thính, nhưng theo quán tính, những cặp chân quá đà thêm mấy bước rồi mới hổn hển dừng lại. Chú công an thổi còi “roét”. Bọn nhỏ cười khoái trá trong nỗi sợ hãi thích thú thấy mình cũng bình đẳng như ai.
Không ai thay thế được. Nên thầy Dương tiếp tục dạy môn định hướng vào sáng thứ năm. Và lũ trẻ vẫn thích môn học này nhất trong tất cả.
° ° ° ° °
Cô Huyên ngạc nhiên cực độ trước sự im lặng đáng gọi bất thường của tối Vô Kỷ Luật. Ngay cả những đứa luôn tìm ra lý do chính đáng để gây mất trật tự kiểu như “Cô ơi em bị muỗi cắn, cho em xức dầu”, rồi chứng minh lời mình nói là hoàn toàn đúng bằng cách ra sức gãi rột rột khiến cơn ngứa ngay lập tức lây lan từ giường này qua giường kia và khắp phòng.
Cô Huyên không bật điện vì tiếng “cắc” của cái công tắc sẽ đánh động làm mất hiện trường. Cô thả dép, đi như lướt, chăm chú lắng nghe. Im lìm. Không cả sột soạt trở mình. Cô Huyên lo lắng sờ tay lên trán từng đứa, không dấu hiệu của đau ốm. Là cái quái gì đây? Hay đoàn từ thiện đến thăm chiều nay nói năng hớ hênh gì đó khiến tủi thân? Tủi thân thường kèm theo nước mắt. Không có nước mắt, rờ má, cô không thấy điều này. Vậy thì vì cái gì?
Sáng ra, càng ngạc nhiên hơn. Mọi hôm thì cái tên của địa điểm thực hành môn định hướng sẽ được nhắc tới như một câu thần chú nở ra vô số niềm hứng khởi. Nhưng hôm nay, tuyệt nhiên không.
Cô Huyên nhìn lên lịch, là quảng trường. Bọn nhỏ đã chán nơi này rồi? Những bài tập làm văn giống nhau “Quảng trường rất rộng và cỏ dày êm nên chúng em té lăn không bị đau...”, thêm được một câu “... Em chụp được con dế gáy rét rét...”... và “Em rất thích ăn kem”.
Như thường lệ, cô Huyên nhắc nhở bọn nhỏ đội mũ và đưa thầy Dương hộp dầu cù là chuyên trị hậu quả của côn trùng ẩn nấp trong cỏ. Rồi với niềm thông hiểu sâu xa, cô dịu dàng xoa đầu những đứa gần nhất “Đi chơi vui vẻ nha”. Kín đáo, cô nhét vô tay thầy Dương mấy tờ giấy bạc “Để mua kẹo”. Lẽ ra phải là nụ cười rộng miệng, nhưng không, thầy Dương vừa đủ lịch sự “Cám ơn cô”.
Cô Huyên nhìn theo đoàn rồng rắn hàng hai một câm điếc một mù cầm tay nhau từ từ đi ra cổng trường. Mọi hôm thì vừa đi vừa nhảy. Hôm nay, cả thầy lẫn trò?
Chiều, thầy trò dắt nhau về, vẫn sự lặng lẽ khuôn phép khiến cô Huyên thấy bất an kinh khủng. Cho tới giờ ngủ thì cô Huyên không chịu nổi nữa.
- Các em ngủ yên, cô lên văn phòng có việc đây.
Cô bước mạnh, biết tiếng chân mình sẽ được những vành tai vểnh lên lắng nghe. Rồi cô cởi dép ra, êm ru ngược lại.
Y như rằng, tiếng rúc rích to dần và rồi thì nhao nhao.
- Hội chợ vui dễ sợ.
- Ừ. Quay hướng nào cũng đụng người là người. Một ông mang giày đạp chân tớ đau điếng luôn. Cái ông đó chắc là mập lắm, tớ tưởng như trời sụp.
- Tớ cũng bị, nhưng là một bà. Bà đó đã hôi nách mà còn hung dữ nữa.
- May mà thầy Dương chụp tay bà đó kịp chứ không thì tớ lủng đầu rồi.
- Nhưng sau đó thì bà cho tiền, tớ nghe sột soạt đếm nhiều tờ.
- Mà tại thầy Dương không lấy...
- Cái chỗ ẩm thực nhiều mùi thơm ơi là thơm.
- Mà hội chợ giăng nhiều dây quá, tớ bị vấp mấy sợi luôn.
- Tớ cũng vấp.
- Tớ cũng vậy.
- Tớ vấp ngay cái cọc, tí nữa thì lủng bụng.
- Tớ gọi thầy Dương mà thầy không nghe, đến khi tớ bị té thầy mới nhìn thấy mà xức dầu cho tớ.
- Bọn câm điếc phóng phi tiêu được giải gì vậy?
- Mấy lon nước tăng lực.
- Tưởng gì. Nước tăng lực cũng được uống miễn phí mà.
- Cậu có uống cà phê không?
- Có. Nhưng mà đắng quá, chẳng thích.
- Tớ thích cà phê đá.
- Ờ, tớ uống hai ly luôn.
Mà sao người ta chỉ miễn phí đồ uống chứ không miễn phí thức ăn há?
Cô Huyên đứng như trời trồng ngay ngoài cửa. Hóa ra là hội chợ. Mấy hôm nay ti vi liên tục đưa tin ngày khai mạc bán rẻ từ mười đến hai mươi lăm phần trăm và miễn phí hoàn toàn các loại nước giải khát. Hội chợ, cái nơi mà người bình thường cũng chen lấn mướt mồ hôi mới khỏi bị chết ngộp và âm thanh hết công suất của những cái loa quảng cáo dụ dỗ xài tiền, chưa kể vô số dây nhợ dựng lều lán giăng dọc ngang mặt đất và lưng chừng trời.
Ra vậy, cái sự nín thin thít là vì dắt nhau đi tới chỗ biết chắc sẽ bị nghiêm cấm. Ứ lên trong cô Huyên nỗi tức tối của người bị lừa phỉnh. Cô nhớ lại mình đã mềm lòng, thậm chí là tối qua ngủ không được, đã tưởng tượng đủ điều, đã dúi tiền vô tay thầy Dương để mua kẹo dù cho con nít ăn kẹo chỉ tổ hư răng. Bừng bừng phẫn nộ, cô đi qua phòng nam. Thầy giáo trực ngáp dài “Sao tối này tụi nó không đứa nào chịu ngủ, cứ lăn qua lăn lại rồi xin đi tè hoài à”. May mà chỉ miễn phí nước thôi đó! Thầy giáo trực ngạc nhiên, nhất thời chưa kịp hiểu cô Huyên nói gì. Cà phê và nước tăng lực dành cho tài xế chạy đường trường ban đêm. Trời ơi là trời. Ai xếp hai thứ này vào danh mục nước giải khát?
Cô Huyên hầm hầm đi lên văn phòng, nhấn số điện thoại bằng những ngón tay giận dữ. Bên kia đầu dây là giọng ồ ồ nghèn nghẹt “Dương không có nhà. Cô tên gì để sáng mai Dương về tôi sẽ nói lại?”. Cô Huyên dằn ống nghe xuống kêu “cốp”, cơn giận là không thể tả. Cô chắc chắn chính là thầy Dương vừa cầm ống nghe vừa bịt mũi trả lời. Phải chi mà độp ngay mấy câu. Biết chắc chắn đó là kẻ mình đang tìm mà không dám độp, càng tức thêm. Được rồi. Lần này là lần cuối cùng. Đừng hòng nữa.
Suốt đêm, cô Huyên không ngủ được. Vì vậy, và vì bọn nhỏ thay nhau đi tè. Giường của cô ngoài cùng, mỗi đứa đi ngang đá vô chân giường một cái. Khiếm thính sợ ma, cố tình khua chốt cửa. Khiếm thị không thấy ma nên không sợ, thì sự mò mẫm cũng làm chốt cửa lách cách. Lẽ ra là Câm Như Hến thì liên tục lách cách đi ra và lách cách đi vô. Không kìm nổi nữa, cô Huyên quát lên “Hội chợ có cái gì mà đi hoài vậy hả?”.
Phạm nhân trong cơn nửa ngủ nửa thức, buột miệng:
- Dạ mới đi lần đầu tiên à cô.
Trả lời xong, giật mình, tỉnh ngủ hẳn.

*

Sáng hôm sau, cô Huyên ngủ gục trên lớp. Thật không thể tin. Giờ giải lao, cô gục xuống bàn, mười lăm phút trôi qua, bọn nhỏ vô lớp và nghe tiếng thở đều đều của cô giáo khét tiếng nguyên tắc.
Cũng phải thôi, mất ngủ liền hai đêm và tinh thần rơi từ cực này qua cực khác, gỗ đá cũng phải mềm. Nhưng điều này thì về sau mọi người mới hiểu. Còn ngay lúc đó, việc cần làm ngay là gọi điện thoại thầy Dương đến dạy thay cho cô Huyên bị nhức đầu.
Nghe nói gọi thầy Dương đến, cô Huyên tỉnh hẳn. Cứ như cô ngủ gục là để thầy Dương phải có mặt ngay sáng hôm nay. Cô vuốt mặt, cột lại tóc, sẵn sàng tư thế công tố viên.
Thầy Dương xuất hiện, tóc rối, thở phò phò... Dáng vẻ cho biết thầy vội vàng phóng đi ngay khi nhận điện. Túi áo thò ra tuýp thuốc sủi, tay ôm trái bưởi to tướng.
- Huyên uống C sủi, rồi ăn bưởi. May là ngày mai cuối tuần rồi. Nghỉ ngơi hai ngày Huyên sẽ khỏe thôi mà.
Cô Huyên rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Biết phạm nhân đang chớp cơn mệt mỏi của mình như một cơ hội để chuộc lỗi, nhưng dù sao thì...
Cô Huyên bặm miệng, ngay lập tức, thầy Dương toét miệng cười, cướp lời:
- Người ta nói ăn bưởi còn đẹp da nữa đó.
Cô Huyên phì cười.

Xem Tiếp: ----