Thuốc lá là kẻ trung nghĩa tự đốt chết mình. Giả Bình Ao Hồi còn là một học trò lớp tám (hệ mười năm), một cậu bạn lớp trên đưa cho tôi điếu thuốc lá hắn đang hút, nháy mắt, bảo: - Làm một tý! Phần tò mò, phần thấy ngồ ngộ, tôi bèn đón lấy điếu thuốc, đưa lên môi. - Không phải thế! - Hắn cười, giằng lấy điếu thuốc, hướng dẫn - Bước một: Phải hút cho khói vào đầy mồm; Bước hai: Hé môi, rít sâu cho khói thuốc chui vào phổi. Rồi sau đó sẽ thấy điều hay ho xảy ra. Tôi làm theo và, trong khoảnh khắc, thấy mặt đất nghiêng đi. Lúc mở mắt ra, đã thấy mình đang nằm trên đống rơm. May mà lúc ấy chúng tôi đang ngồi, nếu không, cái đầu của tôi chắc đã có chuyện. Tiếp theo đó là cái cảm giác cay xè sặc sụa, chẳng có gì là hay ho, thú vị cả. Mấy năm sau, khi đã là một thanh niên mới nhớn, vào học một trường chuyên nghiệp, đua đòi chúng bạn, tập uống nước chè, phì phèo thuốc lá. Cũng chẳng hại gì - lúc bấy giờ tôi nghĩ như vậy - mà lại rất ra dáng người lớn, oai phong thầm lặng. Rồi cho đến một buổi trưa, tôi trằn trọc không sao ngủ được, ra ra vào vào mãi mà không sao lý giải nổi, chỉ thấy tâm thần ngẩn ngơ, chống chếnh khó tả. Bực mình, tôi đi mua mấy điếu thuốc, hút một điếu và lại vào nằm tiếp. Thật lạ, giấc ngủ đã kéo đến, vừa nhanh, vừa nhẹ nhõm, vừa êm ái. Lúc tỉnh dậy, tôi đã hiểu: Mình nghiện thuốc lá rồi! Với những người thời nay như tôi thì việc nghiện hút thuốc là hoàn toàn dễ hiểu: Đua đòi, lập oai và, quá mù ra mưa, trở thành những kẻ nghiện thuốc lá. Còn những tiên nhân của chúng ta thì sao? Trước họ đã có ai hút mà bắt chước, mà đua đòi? Vả lại, cái vị cay xè, cái mùi hôi khó tả ấy, dù có vô tình đốt lá, khói bay vào mũi vào họng thì liệu có ai thích thú, say mê được không, có tìm cách để hít lại cái thứ khói cay xè đó không? Điều đó thật khó hiểu. Một số nhà thông thái đồ rằng người Maia cổ được “Người trời” dạy cho cách làm lịch. Thế thì, có thể, “Người trời” cũng rất say mê hút thuốc lá? Đến thế kỷ hai mươi, hút thuốc đã trở thành một thói quen sinh hoạt đại chúng, một yếu tố vật chất luôn hiện diện trong các lễ nghi giao tiếp, thấy có cả ở hạng thường dân lấm lem lẫn sắp cung đình bóng mượt. Xa xưa thì không rõ lắm, nhưng gần đây, thuốc lá đã được ghi nhận như một người bạn đồng hành thuỷ chung trên suốt chặng đường đấu tranh cho lý tưởng giải phóng con người đầy gian khổ, hiểm nguy của các ông Mác và Lênin. Cách đây hơn ba chục năm, các nhà khoa học đã sáng chế ra cách nuôi trẻ sơ sinh bằng sữa hộp và cho ăn theo giờ. Sau đó họ còn phát hiện ra các đặc tính dinh dưỡng quý báu phi thường của hạt ngô đỏ và hạt mít. Xem ra, làm kiếp gia súc, gia cầm ngày nay cũng chưa hẳn đã là khổ; hiệu năng răn đe của thuyết luân hồi có khả năng bị suy giảm! Gần đây, các khoa học gia đã khuyến cáo cho toàn thể nhân loại rằng hút thuốc lá có hại cho sức khoẻ. Cũng có một số người tò mò muốn hiểu cặn kẽ cơ chế gây bệnh của khói thuốc lá, nhưng hình như vấn đề này vẫn chưa nghiên cứu xong. Người Pháp cho rằng khói thuốc lá có tác dụng kích hoạt khả năng tư duy của bộ não; Lại một tờ báo loan tin: hút thuốc lá có khả năng làm giảm nguy cơ mắc bệnh Pac-kinh-sơn và viêm tế bào thần kinh; lại cũng có kẻ kháo rằng: trong số những người nhiễm Sarc chưa thấy có vị nào nghiện thuốc lá. Một lần, thấy một đồng nghiệp nữ đang phì phèo một điếu thuốc lá trên môi, mới ngạc nhiên hỏi: - Chị hút nghịch hay là thật? Chị bật cười khanh khách: - Thật! - Chị quá hiểu là hút thuốc lá rất có hại? - Vì hiểu nên tôi mới quyết định hút. - Chị lại đùa! - Nghe nói hút thuốc thụ động - tức là ngửi phải khói thuốc lá của người khác - còn bị hại hơn cả người hút. Trong cơ quan mình có nhiều người hút thuốc, nên để hạn chế tác hại tôi mới quyết định chuyển từ thể bị động sang thể chủ động (!) Thật... không biết thế nào mà lần! ° Hiện nay, các nhà nước của tất cả các quốc gia đều nhất loạt cấm quảng cáo các sản phẩm thuốc lá trên các phương tiện thông tin đại chúng và buộc các hãng thuốc lá phải in dòng chữ cảnh báo người hút: Smoking can damage your health! Hút thuốc lá có hại cho sức khoẻ của bạn! Người đời vẫn bảo "Hậu sinh khả uý". Ngày xưa thế nào không rõ, còn thời nay, cái lớp trẻ mới lớn thật khó chịu, lúc nào cũng trình bày ra rặt cái lối "trứng khôn hơn vịt"; ví dụ, họ bảo: Nước Mỹ cứ tự vỗ ngực là quốc gia tiến bộ nhất, luôn chăm lo sức khoẻ cho các công dân của mình mà sao không cấm chỉ, ngay lập tức, các hành vi sản xuất và lưu thông sản phẩm thuốc lá trong nước? Hoặc: Nước Mỹ làm cho người dân giảm hút thuốc bằng cách tăng thuế đánh vào các sản phẩm thuốc lá nhưng lại tính toán sao cho không bị thất thu ngân sách từ những sản phẩm loại này! Thật nực cười, nhưng cũng cần thông cảm, rồi năm tháng cùng những thực tế sẽ làm lớp trẻ dần hiểu ra: Trí trá và thô bạo luôn là bản chất của các nhà nước tư nhân! Mặc dầu nước Mỹ và các nước phát triển khác cấm các công dân hút thuốc lá ở nơi công cộng, thuốc lá bị hắt hủi; mặc dầu những người tiến bộ tẩy chay khói thuốc lá nhưng lại chấp nhận những làn bụi đủ loại sunphua, sunphit, nitrát, phờlorua..., phong trần phơi phới, thả hồn lãng mạn trong những giọt mưa thu đầy ắp chất văn vần và lẫn đủ loại a xít của nền công nghiệp đương đại! Thuốc lá làm héo mòn lá phổi của những người nghiện thuốc thái quá. Còn chính phủ Hợp chủng quốc lại vận hành bộ máy giàu chất nhân văn của mình bằng một phần không nhỏ tài lực thu từ các loại thuế mà người hút phải chịu cho từng bao thuốc. Khiếm khuyết của những nhà thống kê Hoa Kỳ là chưa bao giờ tính xem hàng năm những người hút thuốc đã tạo ra bao nhiêu việc làm cho nông dân, cho công nhân và những người thuộc hệ thống phân phối loại thuốc này; có bao nhiêu công dân cao quý, bao nhiêu tài năng đã được nuôi dưỡng bằng những đồng tiền có được từ trong quá trình lao động sản xuất thuốc lá? Đã có ai tính thử: Trong khi hoàn thành bộ Tư Bản, ông Carl Marx đã đốt hết bao nhiêu hộp xì-gà? Và để ra những đòn chiến lược, quyết định đánh bại hoàn toàn đội quân phát-xít hùng mạnh và tàn bạo của Hítle, ông Georgi Zhukov đã đốt hết bao nhiêu gói thuốc lá trong những đêm trường thức trắng giữa nước Nga mênh mông tuyết phủ? Chưa thấy chính phủ nào nói: Nghiện thuốc lá là quốc nạn. Nhưng thấy có rất nhiều biển báo ở những nơi văn minh công cộng: No smoking! – Cũng phải: Là người ta lo cho sức khoẻ của nhân dân đấy. Nhiều chính phủ châu Á bảo: Tham nhũng là quốc nạn. Nhưng tại các văn phòng công vụ chưa hề trông thấy lấy một cái biển báo: No corruption! – Mà cũng phải, treo những cái biển như thế, khác nào bọn phản động bôi nhọ nhân sinh! ° Nghĩ, thì cứ tưởng mình là phát minh lắm, tiến bộ lắm, uyên thâm bí hiểm lắm, nhưng chịu khó nghĩ cho đến kỳ cùng hết nhẽ thì ta lại chợt nhận ra mình vẫn ở trong dòng chảy của cái đạo lý muôn thuở: Thái quá bất cập lợi. Rèn luyện thân thể với cường độ quá cao thì có khả năng bị tàn tật. Hút thuốc lá nhiều quá thì ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ. Dùng quá nhiều sâm nhung quế phụ, gan rồng tuỷ phượng thì ngọc thể tất sinh chuyện. Nhưng một lượng nọc rắn, nọc ong, thuốc phiện thích hợp sẽ trị được nhiều ác bệnh, khiến cho thể chất khang kiện, tinh thần phấn chấn, tấm lòng rộng mở, hăm hở làm điều thiện không biết chán. Cũng bởi vậy, có người uống rượu thì được gọi là tiên, có người uống rượu lại bị coi là lợn Tháng 10 năm 2005