Trang là kẻ may mắn, vừa mới ra trường được có ba tháng đã xin được việc làm ngay. Khối anh chị học trước Trang có đến ba bốn năm, cho đến lúc ấy đã xin được việc làm đâu. Như người anh họ của Trang, xin được việc rồi, mấy tháng sau đã thấy bỏ. Hỏi tại sao thì bảo ở cái cơ quan đó, không có gì giống như anh vẫn nghĩ từ hồi trong nhà trường. "Không giống ở chỗ nào?". "Nhiều người nói dối lắm; mà chả thấy ai ngượng cả. Thế mới tài chứ! Anh thấy hai hãi thế nào ấy. Thôi … tốt nhất là gài số lùi và tìm hướng khác". Trang không tin; chắc là có vấn đề gì đấy, anh giấu Trang, không muốn nói ra. Cơ quan Trang xin được vào làm là một đơn vị hành chính sự nghiệp trực thuộc Bộ. Các bạn bè đều mừng cho Trang, đều cho Trang là kẻ quá may mắn và cái may mắn ấy có tầm cỡ tương đương với người trúng số. Cũng vì vậy mà Trang đã phải chi hết cả tháng lương đầu tiên để khao bọn chúng. Bọn chúng cùng cười và bảo: Thế là phải. Lộc bất khả hưởng tận mà! Trang về cơ quan vào đúng cái đận mưa bão, lụt lội xảy ra ở nhiều tỉnh miền nam. Xem tivi mà thấy cám cảnh. Hàng vạn người màn trời chiếu nước, nhiều người bị lũ cuốn mất xác, trẻ em không có chỗ học, đội cứu hộ phải đưa từng gói mỳ ăn liền đến từng nóc nhà... Cứ nghĩ đến việc sao lại có nhiều người không may đến thế, trong lòng Trang lại thấy vô cùng buồn bã. Kỳ lĩnh lương ấy ở cơ quan, bà thủ quỹ bảo trừ mỗi người một ngày lương, tập trung lại gửi công đoàn Bộ để ủng hộ đồng bào bão lụt. Trang vui quá, hỏi: "Cô ơi, cháu ủng hộ thêm một ngày nữa có được không?". Bà nhìn Trang trân trân, rồi cúi mặt xuống quyển sổ lương, thủng thẳng: "Được thôi. Khoản này chỉ có mức sàn, không có mức trần, chỉ lo cô không có sức!". Cả cơ quan, không có ai là người không ủng hộ. Trang xem tivi, cũng thấy ở một Bộ khác, có một thứ trưởng đã cùng với một đoàn tuỳ tùng, cất công đi tàu bay, xông pha lặn lội vào tận nơi, đem năm mươi triệu để thăm hỏi người dân. Cuối năm ấy, tổng kết công đoàn bộ phận, nghe Chủ tịch công đoàn đọc báo cáo, Trang mới biết công đoàn cơ quan từ đầu năm đã tham gia nhiều đợt ủng hộ kiểu như vậy. Lần nào cũng được công đoàn Bộ nhiệt liệt biểu dương thành tích. Riêng cuối năm lại còn được nhận một tấm bằng khen: Đơn vị xuất sắc trong phong trào “Lá lành đùm lá rách”. Các cá nhân, không sót một ai, cũng đều nhận được giấy khen và tiền thưởng. Trần Tự Tĩnh, một đồng nghiệp cùng phòng, cũng nhận được một tờ giấy khen và một chiếc phong bì. Cả cơ quan, ai cũng vui mừng, hồ hởi. Riêng Tĩnh, đôi mắt lúc nào trông cũng buồn buồn, thì không thấy có biểu hiện gì đặc biệt so với ngày thường. Vì mới về cơ quan được có hơn bốn tháng, Trang chưa có giấy khen, không có phong bì, nhưng vẫn thấy vui, vui quá là vui! Trang vui vì Trang được gần những cái "đèn" sáng. Mà "gần đèn” thì, còn bàn gì nữa, sớm muộn rồi nhất định cũng sẽ "rạng"; biết đâu, còn rạng ngời nữa ấy chứ! Trang nghĩ: Bố mẹ cô nhất định sẽ vui. Trang bỗng thấy yêu những người đồng nghiệp đầy thiện tâm của Trang quá. Trang thấy bồn chồn, cô muốn phấn đấu, cô muốn học theo họ, cô ước mình theo kịp họ. Nghĩ tới người anh họ không may của mình, Trang thấy có một cái gì đấy, đang dâng lên trong người: vừa cảm thông với anh, vừa cảm thấy xấu hổ vì mình may mắn hơn anh nhiều quá. Không hiểu tháng này anh ấy đã tìm được chỗ làm mới chưa? Cầu cho anh cũng được may mắn như Trang! Có điều, trong cơ quan, nói thẳng ra, người Trang có ít cảm tình nhất chính là anh Tĩnh. Trong phòng, anh là người duy nhất luôn đi làm và về đúng giờ, tăm tắp như một cái đồng hồ. Đến là ngồi vào bàn, cắm cúi làm việc ngay và phần việc do anh đảm nhiệm chưa bao giờ thấy bị bê trễ. Tuy vậy, anh sống có vẻ lập dị, chẳng bao giờ cùng ngồi uống trà, tán dóc cởi mở với anh em. Mà, điều này ai chả biết, đã có tán dóc thì sớm muộn cũng phải đụng đến một ai đó; mà đã đụng đến thì tất sẽ có lời nghị luận, bình phẩm; những lúc ấy, thường thấy anh lẳng lặng, khẽ khàng đi ra ngoài. Và việc đó, thật tệ hại, thường làm mất hứng của mọi người. Nghe nói, mùa hè năm nào công đoàn cơ quan cũng tổ chức đi tham quan, nghỉ mát tập thể nhưng anh là người luôn vắng mặt. Anh bảo anh bận, không đi được và chỉ nhận tiền nghỉ mát theo tiêu chuẩn. Có lần, muốn cho anh phải tham gia, thư ký công đoàn ép: Ai không đi cũng không được nhận tiền. Câu nói ấy rốt cuộc cũng không đủ công lực để cuốn anh vào đời sống cộng đồng. Bốn tháng trời trôi qua mà Trang mới được thấy nhõn một nụ cười vui vẻ trên cái khuôn mặt khó đăm đăm, có nhiều nếp nhăn ấy. Đấy là lần một đồng nghiệp thông báo con anh ta đã trúng tuyển đại học. Tóm lại, không ai phát biểu thành lời, nhưng đều cho rằng sống như Tĩnh thì có khác nào một cái máy. Con người hiện đại muốn tồn tại được dứt khoát phải có tính cộng đồng. Trang cũng đồng ý như vậy. ° Một cái tết Nguyên đán đã qua đi thật vui vẻ. Sau tết, mọi người lại bắt tay vào công việc như bình thường. Khắp các đường phố, đâu đâu cũng thấy giăng đầy một lớp bụi nước li ti. Mùa xuân vẫn tiếp tục làm các việc của nó. Con gái đi ra đường, má cô nào cũng hây hây đỏ, nom xinh xinh là; đôi má của Trang cũng thế. Đã lâu lắm mới được thấy lại những chú chim sâu xanh xanh nhảy lách chách, nghiêng nghiêng những cái mỏ xinh xinh, tìm sâu trong những cái búp cây xanh nõn nuột trên cây sấu già có cành mọc chìa vào gần cái cửa sổ phòng làm việc. Vào một ngày đẹp trời, thư ký công đoàn triệu tập họp toàn cơ quan và thông báo: Năm nay, thay vì kỳ nghỉ mát mùa hè như mọi năm, công đoàn cơ quan sẽ đổi món, tổ chức du xuân đầu năm đến các địa điểm: Đền Hùng, Chùa Hương và Nhà thờ Phát Diệm. Ai tham gia được thì đăng ký với anh Hoan, ai không tham gia được thì cũng gặp anh để nhận tiền tiêu chuẩn. Cuối giờ buổi sáng, khi đi ngang qua phòng anh Hoan, Trang nghe tiếng gọi. Ngoảnh lại, thấy anh Hoan vẫy tay, đưa cho một cái phong bì dán kín có in một hàng chữ ở góc trái trên cùng "Công đoàn viện quy hoạch": "Cô cầm giúp tiền tiêu chuẩn về cho cậu Tĩnh. Tệ thật, cái tay này, tuổi mới có ngoài năm mươi mà xem ra còn già quá cả mấy ông cụ về hưu có thâm niên, chẳng còn biết cái cuộc đời này nó tươi đẹp như thế nào nữa!".Trang đưa cái phong bì tiền cho Tĩnh. Anh cầm lấy, mắt sáng lên, mồm cười rộng ngoác (Nụ cười thứ hai Trang được chứng kiến): Cảm ơn cô! Thế thì tốt quá, tốt quá! Trang thấy hơi bực mình và không khỏi có ý coi thường, nhưng cố giấu diếm bằng một nụ cười nhạt thếch và quay trở về bàn làm việc, nghĩ bụng: Đúng là cái loại chỉ biết có tiền! Đầu giờ chiều, Trang và anh Tĩnh có việc phải xuống một công ty ở Giáp Bát. Để khỏi lạc nhau, chờ đợi mất thời gian, họ quyết định đi chung một chiếc xe máy. Xong việc, trên đường về cơ quan, Tĩnh dừng lại, trao xe cho Trang, bảo: - Cô về trước nhé, tôi có chút việc ghé vào chỗ người quen một lát. Xong việc, tôi đi xe buýt về cũng tiện. - Thế thì còn gì là tính đồng đội nữa? Trang nói, phần bất mãn vì cái tính thiếu hoà đồng của anh, phần cảm thấy mình về trước thì vừa bất tiện, vừa không phải - Thôi, cùng đi thì cùng về. Nâng cao tính cộng đồng anh ạ. Tưởng nói thế thì xong nhưng Trang không ngờ mặt anh lại đỏ lên, lúng túng: - Thôi, việc riêng ấy mà. Cảm ơn, cô cứ về trước đi, có gì mà phải áy náy! Nói, rồi anh xoay lưng đi qua đường tàu hoả và tiến vào một con đường nhỏ rải nhựa, bề mặt từ lâu đã trở nên lồi lõm, khấp khểnh. Trang vẫn đứng, đang chưa biết mình phải làm gì thì anh quay lại. Thấy Trang vẫn đứng ngẩn mặt nhìn theo, khuôn mặt anh trở nên vừa thểu não vừa có phần hơi khó chịu. Anh nhăn mặt, hất hất bàn tay, ra hiệu cứ đi đi. Trang đâm sinh nghi: Có vẻ không được bình thường! Hay anh chàng có bồ bịch gì ở khu này? Cô quay xe, khởi động máy, rồi không hiểu sao, lại quay đầu nhìn lại. Thấy anh vẫn đứng nguyên, lại nhăn mặt. Trang lắc đầu chán nản, miễn cưỡng tăng ga cho xe chạy. Được mấy chục mét, quay đầu nhìn lại, đã không thấy anh đâu. Ái chà, thời buổi này... ghê gớm thật. Nhất định phải tìm cho ra nhẽ! Phát hiện ra có chỗ gửi xe phía trước một siêu thị, Trang đưa xe vào đấy và vẫy một cái xe ôm. Theo sự chỉ dẫn của Trang, anh xe ôm rẽ vào con đường đó. Không đầy nửa phút sau, Trang trông thấy anh vẫn lững thững đi bộ phía trước. Cô líu ríu vỗ nhẹ vào vai anh xe ôm: - Đi chậm lại anh ơi. Bám sát cái người đi bộ mặc áo budông màu xám phía trước mặt kia kìa! - A, tôi hiểu rồi!... Chồng cô đấy à? -... Vâng - Trang hơi lúng túng. - Thời buổi này, mấy ông bàn giấy là dửng mỡ lắm, tôi còn lạ gì... kiếm chác được ít tiền, rồi sinh ra nhảm nhí! Chợt Tĩnh dừng lại, rồi thấy anh rẽ vào một căn nhà có cái cánh cửa nửa mở nửa khép. - À, thế thì thuận lợi rồi - Anh xe khẽ reo lên - Nhà tôi đối diện với cái nhà đó. Khi tôi dừng xe, cô phải bước nhanh vào nhà để tránh bị phát hiện. Trang thực hiện đúng như lời của anh xe. Hai người vội khép cửa lại và mở hé tấm rèm che cửa sổ: Thấy Tĩnh đang đứng nói gì đấy với một người phụ nữ. Anh xe như nhận ra Tĩnh: "Ô, tưởng ai! chứ anh này tôi thấy thỉnh thoảng vẫn đến". Rồi sau đó Tĩnh và người phụ nữ kia đi vào nhà trong. Trang há hốc mồm, cứ đứng dán mắt nhìn qua khe rèm. Hồi lâu, nhìn đồng hồ, đã gần ba mươi phút mà vẫn chưa thấy họ ra. Anh xe ôm, hết nhìn sang nhà đối diện lại nhìn sang phía Trang, không hiểu sao nét mặt trở nên rầu rầu như người có lỗi, nói với Trang như muốn tìm sự thông cảm: - Anh chồng chị ta ốm nằm liệt giường đã hơn hai năm nay. Một nách ba đứa con đang còn học phổ thông. Không có việc làm. Khổ! hôm nào chị ta cũng dậy từ ba giờ sáng, ra chợ Long Biên cất rau về bán ở cái chợ gần chỗ tôi đứng đón khách ấy. Thôi... có gì thì cô cũng xuê xoa cho, cô ấy cũng là người quá vất vả! Lúc ấy, lại thấy hai người đi ra. Tĩnh dừng lại, nói câu gì đó rồi rút trong túi ra một vật mong mỏng, trăng trắng đưa cho người phụ nữ. "Chắc là tiền đấy!" - Trang lẩm bẩm. Rồi bằng thứ tình cảm phẫn nộ trong sáng của một cô gái đoan chính chưa chồng, chưa từng biết mùi trần ai, Trang mở toang cánh cửa, bay qua đường, lao thẳng vào cái nhà có hai kẻ tội lỗi đó. Người phụ nữ thấy Trang đột ngột xộc vào thì thất thần, cái phong bì trên tay run rẩy rớt tẹt xuống đất. - Sao cô lại ở đây. Đã bảo là tôi đi xe buýt cũng được mà. - Tĩnh gắt lên, ngay sau khi nhận ra Trang. - Chào chị - Người phụ nữ, mặt vẫn tái nhợt, khẽ chào Trang, vẻ mặt như đang chờ đợi một điều chẳng lành. Trang lạnh tanh, không thèm nói gì, quăng một cái nhìn ghê tởm về phía hai người. - Ô, hay nhỉ! - Tĩnh nói, giọng trách móc - Để tôi giới thiệu hai người: Đây là cô Trang, làm cùng phòng với tôi. Còn đây là Thuý, vợ anh Hải. Anh Hải trước đây là bạn lính, về sau là đồng nghiệp của tôi. Cách đây hơn hai năm, anh ấy cũng là người phòng mình đấy. - Tĩnh ơi! - Có tiếng gọi yếu ớt từ trong nhà vọng ra. Trang cúi nhặt chiếc phong bì và nhận ra dòng chữ "Công đoàn viện quy hoạch". Theo hai người vào trong, cô thấy, trong góc nhà, một người đàn ông hốc hác, xám ngoét, nhỏ thó đang nằm trên một cái giường. Tĩnh ngồi xuỗng cạnh giường. Người đó khó nhọc đưa tay lên chào Trang, rồi cầm lấy tay Tĩnh: "Thằng gàn! Lúc nào rảnh lại đến nhé. Buồn lắm mày ạ!". Sau đó, hai người không nói gì, cứ thế, nắm lấy tay nhau hồi lâu. Lúc ra ngoài nhà, Trang đưa lại cho chị Thuý cái phong bì. Chị cầm lấy, giọng buồn buồn: "Nhờ anh Tĩnh với cô chuyển lời cảm ơn của gia đình tới công đoàn viện nhé". Trang và Tĩnh bước ra khỏi nhà. Anh xe ôm đã ra đứng trước cửa từ bao giờ, nhìn “hai vợ chồng”, lo lắng. Trang tươi cười, giơ tay chào và quên béng là mình chưa trả tiền xe cho anh. Đi một quãng, nhìn lại, vẫn thấy anh chàng đang đứng nhìn theo: miệng há hốc, mắt tròn xoe. Trên đường về, lúc xe chạy ngang hội trường Ba Đình, Trang hỏi anh Tĩnh: - Công đoàn có biết hoàn cảnh nhà anh Hải không? - Không rõ - Tĩnh trả lời, giọng thờ ơ. Im lặng lúc lâu, cho đến khi xe chạy tới đầu đường Thanh Niên, Trang lại nói: - Anh ơi! - Gì? - Em... em muốn... - Cô rụt rè. - Muốn gì? - … làm Chủ tịch công đoàn! Tĩnh cảm thấy tay lái hình như hơi lạng đi. Anh giảm ga, tạt vào lề đường, ngay trước cổng đền Trấn võ, ngoảnh lại nhìn Trang, nom chẳng khác một nhà nghiên cứu khoa nhân văn. - Nói lại! Trang nói nhỏ, nhưng rành rọt từng chữ: - Em muốn làm Chủ - tịch - công - đoàn! Tĩnh trố mắt, ngỡ ngàng... Hồi lâu, khuôn mặt dần giãn ra, anh mỉm cười, hiền hậu chân thành: - Cảm ơn đồng chí! Hình như hai pho tượng mặt đỏ mắt quắc, mình vận võ phục, tay chống long đao đứng trước cửa đền cũng đang nhìn họ mỉm cười. Tháng 9 năm 2006