Ngày trước, đúng ra là cách đây chưa lâu, vào những cữ giáp hạt, lúa của vụ này mới ngậm sữa, thóc của vụ trước đã hao cạn, nếu cứ đổ gạo vào nồi theo tiết tấu và cao độ như hồi đầu vụ gặt thì các nông gia có nguy cơ đứt bữa dài dài. Mà không ăn thì đến hèn như mẻ cũng phiền, huống hồ con người, là hoa của đất, dễ bị tổn thương, lại nội hàm một cái dạ dày có dung lượng không thua kém gì cái ấm tích sứt vòi đựng mẻ, đặt gần ba ông đầu rau lấp lánh tình yêu cổ tích trong những căn bếp sập xệ thoảng mùi phân lợn phân gà. Vì vậy để duy trì bữa ăn cho đủ no, người ta lấy khoai, sắn, ngô... cho thêm vào, theo những tỷ lệ vô cùng tự do, nấu lẫn với gạo và gọi là cơm độn. Những nhà nghèo khó, sống trong “đời thường”, hầu như quanh năm, đều ăn theo kiểu như thế. Lúc thiên tai mất mùa, khi chiến tranh hoạ hại, thời xã hội úa tàn, người khôn của khó, người ta cũng không kén cái độn nữa; Ôi dào... củ ráy, củ mài, củ chuối, củ nâu,... hoặc rau dại cỏ mềm gì gì cũng được, quý hồ có chút sinh chất, không chết người và đánh lừa được cái dạ dày suốt ngày nhèo nhẽo khiếu nại là được. So với dân Trung quốc thời Đại nhảy vọt [1] - phải bóc đến cả vỏ cây mà ăn, người chết đói như dịch; đến nỗi thời gian về sau không ai buồn khóc nữa - vẫn còn sang chán! Tuy thế, dù sao, đây cũng là lối ăn bất đắc dĩ, không được gia đình nào niềm nở tiếp nhận. Nếu thiếu áo ấm, thì lấy những cái áo cũ đã rách, thậm chí rách như tổ đỉa, độn thêm vào bên trong cho đủ ấm. Tắt đèn thì không phân biệt được nhà ngói nhà tranh, nhà một trăm tầng không chắc đã bằng nhà một tầng; ở nhà một tầng tuy không được cái oai phong của kẻ hưởng thụ thành quả kỹ nghệ hiện đại nhưng không phải cấn cá khôn nguôi về chất lượng xây dựng, không phải nơm nớp về nỗi hoả hoạn, động đất và khủng bố. Khi đi đêm, tuyệt nhiên, không có ai mặc áo gấm, vì để làm gì? Chỉ tổ chóng cũ, phí đi. Mặc nhuế mặc nhoá cho có là được. Mà lỡ có gặp phải bố nào cầm đèn đi đêm rọi phải thì cũng không bị mang tiếng là kẻ loã thể dở hơi, thô lỗ, mông muội. Đi đêm chỉ cốt trong người nhiều tiền, chứ không coi trọng mỹ học. Nông thôn Việt Nam có kinh nghiệm "Chó treo mèo đậy". Các bà các cô đặt cái niêu thức ăn vào một cái quang mây nhỏ, kéo cái vòng, cũng bằng mây, ôm trọn cả bốn gióng quang mà thít chặt xuống, rồi treo lên cái móc tre gai lơ lửng giữa không gian nhà bếp, khiến chó ta cứ loanh quanh ra vào, ấm ức ngước nhìn, loay hoay bất lực, bật tru đến ai oán. Như thế gọi là nhất cử lưỡng tiện: Vừa an toàn cho thức ăn, lại tận dụng được không gian nhà bếp. Ở Thủ đô, khi con cái đến tuổi trưởng thành, cha mẹ không có tiền hoặc không có đất làm nhà, bèn phỏng theo mô hình chiếc quang treo đó mà sáng kiến ra cấu trúc gác xép; nghĩa là vẫn trong cái không gian và diện tích đã bị giới hạn nghiêm ngặt ấy, chỉ phải bỏ ra có ít tiền mà diện tích lại được tăng lên đến gấp rưỡi, thậm chí còn hơn, giải quyết một cách không tồi chỗ học hành, nghỉ ngơi, chỗ yêu nhau say đắm cho các thành viên gia đình. Giải pháp này có thể gọi là ở độn chăng? Một vài gã thị dân rách chuyện, chẳng hiểu gì về bộ môn Kiến trúc học đại cương, còn đồ rằng, ngoài ba trăm năm nữa, có thể các nhà khảo cổ học sẽ đặt tên cho thời đại chúng ta là Nền văn minh gác xép! Nhưng tại sao lại bảo là "không gian và diện tích đã bị giới hạn nghiêm ngặt"? Quả có thế, đất không sinh ra đất, đất sinh ra người, người cũng sinh ra người; Hơn nữa, người là giống hiếu sinh, có khả năng nhanh chóng làm cho "phố phường chật hẹp" lại một cách tương đối. Do đó mới có tình trạng người khôn đất khó, tấc không gian là tấc bạc, tấc đất là tấc vàng. Dù vô tình hay hữu ý, nếu ai đó phạm phải không gian hoặc đất của ai đó thì, dẫu là anh em ruột... Ôi, không dám nói nữa, tàn khốc lắm! Gần đây, thiên hạ rỉ tai nhau: Kẻ khôn ngoan, thức thời thì nên hướng cho con cái thi vào các ngành đại học mà trong tên của chúng có chữ chính: Địa chính, Hành chính, Tài chính và … vân vân chính. Chừng khoảng bốn mươi, năm mươi năm về trước, hầu hết phụ nữ nước ta đều vấn tóc. Những người tóc chưa đủ dày thường làm thêm một vật bằng vải có hình thù như con lươn to để thêm vào khoanh tóc, vấn trên đầu cho dễ coi. Vật đó có tên là cái độn tóc. Bây giờ không ai vấn tóc như thế nữa, người ta bèn học theo châu Âu lối Phidê tóc xù để cứu nguy cho những cái đầu tóc thưa. Cùng thời ấy, giống như thói quen hút thuốc lào ở liền ông, thói quen ăn giầu ở liền bà cũng là một cái sinh thú; chẳng rõ có phải là hành vi văn hoá không, nhưng cầm chắc là vừa sát trùng, sạch miệng, chắc răng vừa làm đẹp cho xóm làng bằng những cặp môi hồng đậm đà hiền thắm. Chẳng có bà nào, cô nào phải áy náy vì cái nỗi đôi môi của mình kém tươi so với làn môi của các tiểu thư "Đại gia khuê tú"; "Tiểu gia" mà vẫn "bích ngọc" mới là ngoan! Đói quá thì đương nhiên là khổ. Nhưng no quá cũng chẳng sung sướng gì. Trong đời người, ít nhất một lần, ai cũng bị chót dại vì ngon miệng quá, vui quá mà ăn đến căng cả rốn, đến khó chịu; khó chịu đến mức phải "nằm khoèo". Nhưng khi "thấy giục trống chèo" cũng phải cố "bế bụng" mà háo hức "đi xem". Tại sao vậy? Tích chèo thì đủ loại buồn vui, nhưng dù có là tích buồn, trong đó vẫn có những đoạn vui; cười đến vỡ bụng, vui đến xả láng. Đấy là những đoạn ra trò của các vai hề nghêu ngao ngố ngá... chữ nghĩa đầy mình, nội dung nhiều khi không hề ăn nhập gì với tích diễn. Té ra, từ ngày xửa ngày xưa, cái sự nghe nhìn cũng đã có độn rồi! Vậy thì độn, xét theo một nghĩa nào đó, là dùng thứ này (phụ) thêm vào thứ kia (chính) để làm cho lượng tăng lên, nhằm đáp ứng một nhu cầu còn thiếu hụt nào đó. Tất nhiên, cái sự tăng lên về lượng này cũng không thể thoát khỏi vòng kiểm soát của luật lượng đổi chất đổi trong bộ môn triết học trừu tượng, thâm thuý và đầy bất trắc. Đây là sáng kiến tất yếu nảy sinh ra từ thực tế khách quan và chủ quan, nguyên nhân gây nên những thiếu hụt trong cuộc tồn sinh: ăn, mặc, ở... và làm đẹp. Giải quyết những thiếu hụt về ăn, mặc, ở chỉ đơn giản là để tiếp tục tồn tại và phát triển. Giải quyết những thiếu hụt về cái đẹp là để cổ vũ đức tự tin cho chúng sinh, tỏ tình tôn trọng đối với thiên nhiên và những người đồng bào. Những việc làm đó đều được coi là thuộc về hoạt động nhân văn căn bản. Thoạt đầu chỉ là để giải quyết những cái thiếu hụt một cách lương năng, lâu dần, nó phát triển thành một khoa học hẳn hoi và ngày nay đã trở thành bộ môn Độn học, đang lầm lũi sánh vai, dàn hàng ngang cùng với các bộ môn Triết học, Y học, Thực vật học, Chủ nghĩa học, Kinh tế học, Văn học, Nghệ thuật học, Mỹ học, Tâm lý học, Chiến tranh học, Hải dương học, Vũ trụ học, Khủng bố học,... cùng ra quân, tiến thẳng vào thế kỷ hai mươi mốt tràn đầy ánh sáng huy hoàng. Nếu Triết học đã làm được nghiệp Đế thì thực ra Độn học đã đồ được nghiệp Bá. Sao lại không? Thì đây, nó đang chi phối một lô xích xông những Ẩm thực học, Thời trang học, Trang điểm học, Giáo dục học,... và Nghe nhìn học. Chí của Độn học thực không nhỏ, không dừng ở nghiệp bá và, dường như, nghiệp đế đã thành tựu được của Triết học đang bị đe doạ khá nghiêm trọng. Nhạc trưởng Độn học, một gã tâm tính năng động, chưa chịu ngồi không bao giờ, một khi đã cất cây đũa lên thì những âm thanh dào dạt, những hợp âm chắc nịch liền cất lên, thi nhau chát chao bay bổng. Dàn nhạc này, cũng là điều lạ, một khi đã được vận hành thì dường như khó có thể dừng lại được nữa. Bộ môn ẩm thực học cận đại và hiện đại ra đời nhờ sự kết hợp của các ngành Nông - lâm - ngư học và Kỹ nghệ hoá thực phẩm. Nhờ có các loại ánh sáng rọi vào, trên cơ sở vẫn bám sát cương lĩnh là tăng về lượng để bù vào những thiếu hụt, bộ môn này đã có những bước tiến dài theo tiến trình phát triển không gì ngăn cản nổi của lịch sử. Giờ đây, người ta không ăn độn một cách cơ học, thô thiển như trước nữa. Thay vì nghiền khoai tây (luộc) thành bột, trộn với lòng trứng, đánh đều để chế ra món trứng rán, người ta lại nghĩ ra cách làm cho quả trứng to lên, nhiều lên ngay trong chính bụng con gia cầm. Tất nhiên, những quả trứng này không thể hội đủ các phẩm chất theo thiết kế ban đầu của ông Tạo, nhưng lại chan chứa chất nhân văn. Trời sinh voi, còn bình dân thì nương theo trời mà loay hoay sinh cỏ. Bình dân cũng gọi là thảo dân. Thảo dân dốt nát, chém to kho mặn, không biết đường dùng voi làm nguyên liệu để nấu nước xáo. Thời trang học và trang điểm học có vẻ gần nhau hơn. Chúng giống nhau ở chỗ đều phụng sự cái đẹp cho con người. Lấy sự làm đẹp để tôn vinh cái đẹp. Lấy sự làm đẹp để che dấu, nâng đỡ cái khiếm khuyết, cái chưa đẹp. Thời trang lấy sự phô diễn các đường nét tự nhiên của thân thể con người làm tôn chỉ mục đích. Những người được trời phú cho một thân hình đẹp đẽ, ngày nay đang có xu hướng dùng ít vải trên người. Số còn lại, nếu chưa bằng lòng với thành phẩm của mười hai Bà mụ dành cho mình, phải dùng thêm nhiều vải, nhiều mút xốp, nhiều xilicôn... để bổ sung, khoả lấp hoặc ỡm ờ tạo nên cái kích thước cần có ở những vị trí chẳng ai muốn phô ra trước bàn dân thiên hạ. Nếu dùng ngôn ngữ đại số để diễn đạt thì kiểu này có lượng độn mang trị số dương. Ngược lại, nếu kích thước hình học tại một số vùng nào đó lại ở trên mức cần thiết thì đã có Mỹ viện hỗ trợ bằng dao kéo hoặc các bài tập Erôbích trên nền các loại nhạc nhịp hai, chủ về phô diễn các phách đầu ô nhịp bằng bộ gõ; lượng độn của kiểu này mang trị số âm. Nhiều cụ già, sinh ra từ nửa đầu thế kỷ trước, lỡ có vô tình nom thấy thì liền lắc đầu xua tay, nhăn mặt quở trách: "Phải gió nhà chúng mày!" Trang điểm học lại lấy sự mô phỏng cái đẹp tự nhiên làm lý tưởng. Cái đẹp cũng rất biện chứng, thời nào có cái đẹp của thời đó, nhiều khi hoàn toàn độc lập với cái đẹp của môn Nhân tướng học. Quý cô cần có nước da trắng hay nước da nâu giòn? Hãy đến cửa hàng mỹ phẩm để mua kem mua phấn và nhận được tờ hướng dẫn sử dụng. Năng lực tuỳ hứng đã được chắp thêm cánh. Hôm nay lông mày là lá liễu thì, nếu thích, ngày mai sẽ là tia sét... Hôm qua là mắt lá răm thì, nếu hứng lên, hôm nay chuyển sang bồ câu và, nếu cần, thêm tý phớt đen ở my trên cho thêm phần nội tâm suy tư sâu lắng. Các giống vật trong thiên nhiên, khi đến tuổi thành thục, đều có những biểu hiện đặc biệt: Giống gà thì mào dựng lên đỏ tươi, toàn thân lông óng ả... Giống bốn chân cũng vậy, thân hình trở nên gọn ghẽ, chắc khoẻ, nhanh nhẹn; lông cũng trở nên óng mượt, cơ thể toát ra một thứ mùi đặc biệt... tất cả những cái đó là những dấu hiệu khiến cho trống mái, đực cái say mê lẫn nhau. Còn con người? Vào thời kỳ này, nước da bắt đầu sáng rỡ, cái nhìn bắt đầu ánh lên những tia long lanh khác lạ mà trước đó chưa hề có; Các cô gái thì làn môi trở nên đậm đà, và đôi má cũng trở nên ửng hồng tươi thắm. Tất cả những cái đó là do thiên nhiên ban tặng và loài người đã dịch thứ ngôn ngữ của tự nhiên đó sang ngôn ngữ của mình thành những tính từ: Mê hồn, xinh đẹp, duyên dáng,... hoặc thẳng thắn hơn là quyến rũ, gợi tình hoặc tệ một chút là lẳng lơ, lúng liếng... còn các nhà sinh học thì gọi đó là những tín hiệu sinh học ngoại mạo của giai đoạn sinh sản. Và cái say mê, sự ham muốn mơ hồ bột phát khi nhận được những tín hiệu ngoại mạo đó được đặt tên là sự phải lòng, là tình yêu... Và môn trang điểm học, vốn chúa sáng suốt, đã chủ động chế ra bộ mỹ phẩm và các thứ khác đại loại như vậy, để đầu tư trực tiếp lên mặt mũi, cơ thể, cố gắng phỏng chép lại những dấu hiệu đặc biệt, không phải lúc nào cũng có đó, để khơi dậy - Thực ra là đánh lừa (thường khá ngoạn mục) - sự say mê của nhau. Tuy vậy, cũng có lắm bà lắm cô, chỉ vì quá nóng lòng "làm đẹp cho xã hội", quên phắt, không "đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng", đến nỗi làm cho người quen không nhận ra họ nữa mà nổi da gà, rùng mình lảng tránh. Đã từng có chuyện một chàng rể, là chính một người bạn của tôi, lúc trao hoa cho cô dâu bỗng hốt hoảng cho rằng mình đã bất cẩn, vào nhầm nhà! Trời sinh ra hương sắc cho hoa là để quyến ong gọi bướm. Không thấy hương, thấy sắc, ong bướm nhất định không đến. Thiên nhiên mà như vậy, cũng có phần cứng nhắc. Có lần, trong quán cà phê, vô tình nghe được hai gã thanh niên nói chuyện với nhau: "Dở hơi à! Trông mày ngời ngời như thế, sao lại đi yêu cái con dở hơi như thế?". Anh chàng bị hỏi cười hề hề, phô ra hai cái răng cửa cái dài cái ngắn, rồi bí hiểm thì thào: "Nó dở hơi nhưng bố nó "đẹp giai"!". Rõ ràng là cái anh chàng răng cửa không đều và cái cô có "ông bô" "đẹp giai" kia tuyệt đối không hề dở hơi; kẻ dở hơi ở đây, nực cười thay, lại chính là cái người đưa ra câu hỏi có phần tinh tướng kia. ° Ở Việt Nam, mỗi khi đến các đám hiếu, thường nghe thấy con cháu của người xấu số khóc: "Ới ông ơi, sao ông nỡ bỏ chúng con mà đi nhanh thế, chẳng cho chúng con lấy một ngày để hầu hạ, cúc cung báo hiếu. Bây giờ ông về theo tiên tổ, chẳng bao giờ chúng con còn được bưng cơm rót nước cho ông nữa...". Còn ở Trung Quốc, về chuyện này, Giả Bình Ao chép lại một câu khóc như sau: "Nói một tiếng chết là ông chết, bạn bè thân thích không ai biết, bạn bè thân thích biết thì người chết đã đi qua cầu Nại Hà... từ đó âm dương hai đường cách biệt. Chủ nghĩa xã hội tốt như thế này, tại sao ông lại chết sớm?!" Là những ngành kinh tế, đầu đội nhiệm vụ chính trị, chân đứng trong vĩ mô xã hội, ngành nào chẳng muốn được là mũi nhọn? Muốn người ta biết đến thì phải có cái gì đấy, nếu không suất sắc thì, chí ít, cũng phải gây được ấn tượng. Vậy là, tất cả các con đường đều dẫn đến cơ quan thông tin đại chúng. Ở nước ta, cơ quan thông tin đại chúng là của Nhà Nước. Nhà nước là của dân. Dân là hậu duệ của Dân, là người nuôi nấng dạy dỗ nên những anh hùng ghi trong sách lịch sử và cũng là người sử dụng thành thạo liềm, búa, bút giấy và roi mây. Là người, đứng trong trời đất, ai chẳng muốn được mọi người xung quanh biết đến mình? Một số cá nhân, tư chất thì phổ thông, lao động rèn luyện tu dưỡng thì ngại nên tài năng và kết quả chưa đến, nhưng khát vọng nổi bật lại cháy bỏng quá, đâm sinh ra bí bách, bèn sáng kiến ra lối chơi "quả" độn, chọn phương pháp "âm thanh học": hét váng lên, hoặc dùng thuật "tốc dị học": làm những điều hết sức kỳ quặc trước đám đông. Về chuyện này, những người điềm đạm, nhiều văn hoá, say mê nhu đạo, chỉ dùng thuật “marketing” nhỏ nhẹ mà thôi. Tay này cầm cái ống điếu, tay kia cầm cái đóm đang cháy, mấy chú lính binh nhì vui vẻ trẻ trung cười toét miệng, tự giễu cái thấp nghèo của mình: "Hút điếu thuốc lào nâng cao sỹ diện". Mấy gã cạo giấy công sở, vừa mới hết tuổi thanh niên, cái khoanh bụng còn xơi mới bị lùm lùm, lại muốn thể hiện cái sự "phát phúc phì nhiêu" [2] của hạng đại gia cát tường để giải quyết khâu oai hình học, bèn bố trí cái vòng thắt lưng lỏng toẹt trễ xuống phía dưới rốn. Con ta không giống ta thì ta phải tìm cách giống nó, vẫn hãnh diện chẳng kém ai mà thiên hạ lại hết đường nghị luận. Ngành giáo dục học thì lấy các tạp kỹ giải bài tập, tạo ra cái khó khăn của sự thi cử mà làm dáng, khiến đám học trò cùng bố mẹ chúng phải khiếp đến vãn cả vía. Còn đã là bác sỹ thì, ngoài các kiến thức y học ra, điều kiện tối cần là chữ viết không được đẹp đẽ, càng không đẹp càng hoàn hảo, càng hoàn hảo càng bí hiểm. Bí hiểm là cây đũa thần thành tựu ra sự cao quý. Còn đám chân đất mắt toét, nếu không luận ra được, đoán xằng tên thuốc thì đó là tại cái phúc nhà chúng nó đã bị bạc phếch tự bao giờ. Một số nhà nhạc, phát hiện ra các nốt nhạc của mình chưa đủ công lực để có thể dìu ca từ bay lượn được, bèn viện đến cường độ âm thanh nhớn, cường độ ánh sáng cao để làm cho khán giả "phê", phê đến mỹ mãn và chương trình biểu diễn nghệ thuật đã luôn thành công tốt đẹp! "Phê" là gì? Là trạng thái chúng sinh thoát tục, là hình thức "lấy mỡ nó rán nó", dùng cái tục để thoát tục. Miếng ăn tuy cũng có lúc là miếng nhục, nhưng lại luôn luôn là cơ sở hạ tầng của triết học. Vì vậy, thoát tục là đỉnh cao của nghệ thuật cao siêu, là trạng thái thăng hoa của các loại tư tưởng có cánh. ° Trước đây, trở thành người cao quý là việc vô cùng khó khăn. Bây giờ thì khác rồi. Chỉ cần vào một nhà hàng sang trọng (chớ có vào nhầm thư viện), kéo ghế rầm rầm; khi mọi người cùng quay đầu nhìn ta, ta chỉ việc ngồi xuống, chống cùi tay ngả ngốn, liếc xéo gã chạy bàn, hất hàm ngoắc tay, véo von cao giọng: "Cho Heineken mới lại rau lang xào tỏi đi!". Nếu gã đó dám cả gan lằng nhằng "Thưa, quý khách gọi thêm món gì không ạ; nhà hàng có món nhất tuyệt Chân giò nhồi nấm tần bằng nước nhân sâm Cao Ly đấy ạ!" thì, chẳng cần biết Cao Ly ở đâu, nhất tuyệt là gì, chỉ cần quắc mắt lạnh lùng, cất giọng sang sảng, đập bàn kiên định: "Vớ vẩn, thịt thì bố ai mà nuốt nổi chứ!" là đã có thể trở thành quý nhân rồi. Còn trong đội ngũ trùng điệp của giới quản lý "mậu dịch", có một (chỉ một thôi đấy nhá!) Hoành Tráng Điều Hành Gia đã nổi đoá trước đám bình dân như thế này: "Chúng bay hùa theo đám báo chí, bảo ông đây nàm quản ný mà chẳng học hành gì sất phỏng?! Đợi đấy, noại bằng cấp gì thì chúng bay cho nà được? Betsờnờ[3] hả? Vậy ông đây chơi thẳng Đốctờ kịch đường tàu nuôn cho mà sáng mắt ra! A... chúng bay bảo bằng của ông nà bằng độn à?... Thì ông độn đấy! Bằng của ông có chữ ký tươi, đóng dấu tươi hẳn hoi, có giỏi thì cứ việc hành hung kết quả thi hành công vụ của những cơ quan cấp bằng của Nhà lước! Ha … Bảo vệ đâu, xử ný cái bọn quá trớn lày cho ông! Cái nối ở đâu ra nại cứ đi tỵ ngược. Dối noạn! Náo toét !" Ngày xưa, những ông vua tốt thường tổ chức cứu tế cho dân chúng ở những vùng bị thiên tai hoạ hại. Những vị quan thực thi thiện ý của vua, không bỏ lỡ cơ hội trình diễn lòng trung quân, bèn sáng suốt bảo dân: "Đức kim thượng là thương con dân lắm, cái ân mưa móc của Ngài lúc nào cũng tưới nhuần khắp cả thiên hạ; thời xưa, chẳng có triều đại nào bì được. Đã là con dân, phải có cái nghĩa kính tín và ghi lòng tạc dạ muôn đời, muôn muôn đời!". Câu này rồi cũng đến tai ngài, nhưng ngài không nói gì, chỉ âm ỉ cười thầm. Sao lại cười? Bởi ngài biết rõ hơn ai hết, những thứ để cứu tế đó là lấy từ những vùng dân cư mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi mà đem đến san xẻ. Nếu không, dân chúng sẽ ngao ngán bực bội, không đóng thuế nữa, thậm chí, lại đùng đùng tuyển dụng kẻ quét chùa mới thì có mà... mất ổn định. Nhưng cũng không thể trách ngài sao không nói thẳng ra rằng đấy là nhiệm vụ của ngài, rằng dân đặt ngài lên ngai vàng, nuôi ngài bằng tiền đóng thuế là để làm việc đó. Trách cứ như vậy là thiếu quan điểm duy vật lịch sử, là thô bạo đánh đồng hai hình thái xã hội Phong kiến và Kinh tế toàn cầu. Nếu có trách thì phải trách mấy vị "phụ mẫu" kia đã dùng cái thuật độn để hoá phép, làm cho nhiệm vụ biến phắt thành ân đức. Thực ra, sâu xa hơn, lỗi là ở phép cộng sinh quan trường, là tại dân trí thời phong kiến còn mông lung, người dân chưa hiểu mình đóng thuế cho nhà vua để làm gì và đinh ninh cho rằng cái mà mình nhận được trong cứu tế nhất định là ân sủng, là mưa móc của vua. Dù sao, đấy là ông vua tốt. Mà cũng tốt thật, bởi, thực tế, những ông vua thuộc loại này rất không ưa cái lối hành xử "Sống chết mặc bay" và chỉ hiểu chữ chính trị theo cái nghĩa thuần phác của nó: Phép trị dân ngay thẳng và có học vấn. Tuy vậy, ngay thẳng mà nói, những ông vua kiểu này không nhiều. Hôn quân thì chẳng nói làm gì, đối với những ông vua sáng, khi xây dựng đất nước: Vua và dân cùng làm; lúc có nạn giặc dã, ngoại xâm: Vua và dân cùng đánh giặc. Khi tan giặc: Vua xây cung điện, lăng tẩm tráng lệ để nhốt trái tim cô quả của mình, đúc đỉnh lớn đặt trước công điện biểu thị quyền uy tuyệt đối, bền vững muôn đời và ngày đêm canh cánh nhắc nhở người dân phải muôn năm nhớ ơn mình; còn người dân thì lủi thủi đem trái tim vàng của mình về nơi mái nhà gianh trong luỹ tre xanh chăm lo cày cấy và thỉnh thoảng lại tung hô đức kim thượng anh minh vạn vạn tuế. Tại sao vậy? Rất đơn giản: Nhà nước phong kiến là nhà nước tư nhân. ° Một lần, cách đây khoảng hơn chục năm, xem phim trên truyền hình thấy: Một đôi vợ chồng già cô quạnh, đang cùng nghe một bản nhạc cổ điển. Không khí ban đêm mượt như nhung, chiều sâu của giai điệu và ánh sáng huyền ảo của ngọn nến trong căn phòng của họ khiến người xem phim như cũng chìm theo vào cõi u hoài sâu lắng của trường đoạn. Đột nhiên một gói xà phòng to tổ bố vụt hiện trên màn hình, kèm theo đó là một giọng nam nhi phấn chấn ở cường độ cao: Đã có Ômô mới!!! - Tôi giật bắn mình, bàng hoàng tê dại... và hàng tháng trời sau mà vẫn không sao quên nổi được cái cảm giác hãi hùng chưa bao giờ trải nghiệm ấy. Gần đây, "Đuổi hình bắt chữ" - là một chương trình giải trí - với những câu đố bằng hình vẽ, đã lôi cuốn được rất nhiều khán giả của mọi lứa tuổi. Một tối thứ bảy, đến chơi nhà một người bạn, nhân có "Đuổi hình bắt chữ" tôi cũng ngồi xem luôn với cả nhà. Tất cả cùng tham gia, cùng căng đầu ra mà suy mà đoán, cùng phá lên cười vì những lời giải hóm hỉnh, ngộ nghĩnh và bất ngờ đến thú vị. Thế rồi: Chương trình quảng cáo!... các khuôn mặt thần ra như những thực khách khoẻ mạnh và háu đói đang ăn ngon miệng thì món ăn đã... bị đem đi. Vợ bạn tôi khẽ khàng đứng dậy: “Hai anh em nói chuyện tiếp đi. Em xin lỗi một lát”. Nhìn chị đi vào trong nhà, tôi ngạc nhiên: “Bà ấy không xem nữa sao?”. Bạn tôi nói nhỏ: “Đi tắm đấy! Bà ấy có cái quý là luôn chủ động và vui vẻ”. - Quảng cáo gì mà lâu thế! - Bé gái con bạn tôi sốt ruột, buồn thiu thở dài đánh sượt, vẻ đầy bất mãn. - Đã xem không phải trả tiền lại còn kêu ca! - Cháu trai, là anh cháu gái, chững chạc giải thích và trấn an cô em. Cầm cái điều khiển lên, nó chuyển tạm sang kênh khác. Mẹ hai đứa trẻ đi ra vừa lúc hết quảng cáo, chương trình vận hành trở lại. Quý đồng chí MC vẫn vô cùng hào hứng. Cũng may, MC không phải chứng kiến những điều xảy ra từ phía người xem. Nếu phải chứng kiến thì e rằng cái tâm hồn nghệ sỹ nhạy cảm, dễ bị tổn thương của anh không chắc còn đủ công lực để tiếp tục “em xi” hào hứng như trước nữa. Đồng ý là kinh doanh, cái lý không ai phủ nhận được, nhưng có còn cách nào khác không? Trong trường hợp này, người làm truyền hình và khán giả, ai là người có văn hoá? Câu hỏi này hoàn toàn không cần thiết, bởi, nghĩ cho đến hết nhẽ thực tiễn khách quan, cả hai bên, bên nào cũng có văn hoá của mình. Trong ẩm thực, người ta luôn quan tâm và rất hứng thú với các hoà vị. Khoa học ẩm thực và Nghệ thuật ẩm thực là quá trình không ngừng tạo ra các hoà vị mới. Rau không đẻ ra sâu. Nhưng có rau thì có sâu. "Rau nào sâu ấy". Sâu tuy có ăn lá rau, nhưng mẹ nó, là con bướm (chính nó cũng sắp hoá thành bướm), lại giúp cho hoa của rau thụ phấn, tạo hạt giống cho những mùa sau. Có điều, nếu nhiều sâu quá e sẽ mất mùa, và do đó, cũng không loại trừ khả năng mất luôn cả giống! Xét cho cùng, tinh thần của Độn học, về cơ bản, là đánh lừa. Ông bố trỏ tay vào bát cà muối bảo đấy là trứng voi, làm cho thằng bé con, vốn lười ăn, ăn ngon lành đến no bụng là ông bố tốt. Ông bố ngày nào cũng gọi cà muối là trứng voi là ông bố hư! 10/2005 - 02/2008 Chú thích:[1] Những năm sáu mươi thế kỷ trước - Tạp văn Mạc Ngôn. Nxb Văn học. 2005 [2] Chữ trong Hề theo Từ Thức. [3] Bachelor: Cử nhân